Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
692
116.729.927
 
Điểm tựa trắng
Lê Đình Trường

Tôi đứng trên bục, giảng bài. Tôi như bị đinh đóng vào đó: Xương sống cứng lại, không muốn di chuyển, không muốn cầm viên phấn. Những lời nói của tôi như những tràng độc âm vô nghĩa. Học sinh của tôi có hiểu gì chăng? Hay chúng cảm nhận được cái không khí uể oải, buồn chán mà tôi đang thở hắt ra. Tôi buồn đến nỗi không thể che giấu được. Tôi mệt đến nỗi không thể che giấu được.

 

Tiếng kẻng hết giờ.

 

Tôi bước nhanh ra khỏi lớp. Sau lưng tôi, tiếng học sinh reo mừng vỡ ra. Tôi bước chậm rãi trên đường, qua một khu phố cổ. Đây là khu phố của người Hoa với những ngôi nhà xưa, mái ngói đầy rêu cỏ. Cỏ hoang vươn lên, nghiêng ngả trên khắp các mái nhà. Cổ kính và hoang dại. Con đường qua khu phố này thật im vắng. Tôi nghe loáng thoáng những tiếng động, những tiếng trò chuyện từ trong những ngôi nhà. Tôi bỏ rơi được sự mệt mỏi, chìm đắm trong tĩnh lặng. Và luôn luôn có chút gì tiếc uổng khi tôi qua khỏi khu phố này. Mỗi ngày đi về, tôi đều đi qua đây.

 

Bỗng, từ trong một ngôi nhà, có một người đàn bà gầy yếu bước ra chào tôi.

 

Thưa thầy...    

 

- . . .

 

Người đàn bà lúng túng:

 

- Thưa thầy, tôi có việc muốn nhờ thầy. Xin mời thầy vào nhà.

 

Ngỡ ngàng, tôi bước theo người đàn bà. Tôi ngồi trên chiếc ghế tràng kỷ có cẩn ốc xa cừ. Những vết ốc xa cừ mòn cũ còn sót lại ánh lên một thứ ánh sáng hiu hắt... Trong nhà mờ mờ, âm u. Người đàn bà châm nước vào chiếc bình trà nhỏ, màu nâu. Bàn tay yếu đuối của bà nổi rõ những đường gân xanh. Tôi bỏ trắng ý nghĩ. Tôi không quen ai ở khu phố này. Cuộc sống tôi bình lặng. Tôi không có gì để chờ đợi và không muốn chờ đợi và không muốn chờ đợi bất cứ điều gì. Đây là những chuỗi ngày tôi đang chán nản cùng cực. Tôi không tìm thấy ý nghĩa trong công việc dạy dỗ của tôi.

 

Người đàn bà nhẹ nhàng rót trà vào tách:

 

- Xin mời thầy.

 

Tôi đốt một điếu thuốc.

 

Người đàn bà nhìn tôi. Đôi mắt bà thật trong trẻo, hầu như chưa có chút vẫn đục nào của tuổi già. Bà nhầm tôi với một người nào đó chăng ? Tôi ngồi im.

 

Người đàn bà nâng tách trà lên.

 

- Trà ngon lắm, thầy dùng thử xem.

 

Tôi thở khói thuốc.

 

Ngại ngùng, người đàn bà để tách trà xuống. Có cái gì quái quỷ và ngột ngạt trong thái độ của tôi. Tôi quá mệt. Tôi chỉ muốn trở về căn phòng của tôi để ngủ. Trưa nay tôi không muốn ăn cơm.

 

- Tôi có làm phiền thầy không? - Bà nói với giọng run run, yếu ớt.

 

Tôi đứng dậy:

 

- Thưa bác, cháu về. Cháu mệt quá.

 

Người đàn bà hấp tấp:

 

- Tôi có việc muốn nói với thầy. Thầy cho tôi địa chỉ. Tôi sẽ đến nhà thầy.

 

Tôi muốn kết thúc thật nhanh chóng:

 

- Cháu xin nghe bác.

 

- Tôi có một đứa con gái, cháu học rất yếu. Nhờ thầy đến dạy kèm thêm cho cháu.

 

Tôi ngồi xuống đột ngột như bị té.

 

Một nỗi sợ hãi len vào khắp người tôi. Tôi đã yêu mến công việc dạy dỗ. Bây giờ, tôi chán. Hiệu quả công việc của tôi không là bao cả. Bao nhiêu đứa học trò hư hỏng? Bao nhiêu đứa đi học với môi son, má phấn? Đồng nghiệp của tôi giao lại cho tôi làm chủ nhiệm một lớp toàn quỷ ma. Tôi quyết tâm gầy dựng lại. Nhưng sức mấy mà tôi làm nổi. Phải chi tôi có bộ mặt của một tên du đãng đứng trước lớp thì tuyệt. Với gương mặt ngầu thẹo xanh, thẹo đỏ sẽ trấn áp được chúng. Tôi sẽ buộc chúng uống lấy kiến thức mà tôi nhả ra. thà rằng như thế. Tôi đỡ cực và vào đời chúng sẽ đỡ khổ. Đàng này, tôi bao dung. Tôi thương yêu chúng. Nhưng chúng đâu có hiểu. Sự dẻo dai hàng ngày của tôi làm chúng thất vọng. Tôi cứ độc thoại cho đến hết giờ trong tiếng ồn ào, nghịch phá. Để khi rời khỏi lớp, tôi bồn chồn, cắn rứt ân hận. Buổi học hôm sau, tôi rưng rưng : “Các em đã đến đây là chấp nhận học, đừng để thời gian trôi qua. Ngày xưa, thầy học ngày, học đêm... “

 

Tôi định nói tiếp, và bây giờ thầy vẫn chưa định hình được chỗ đứng của chính mình. Nhưng tôi nghẹn. Nói với chúng làm gì điều ấy. Tôi muốn khóc vì những lời nói của chính mình. Tôi thương tôi. Tôi thương chúng. Những phẫn nộ của tôi, khi chúng quá lười biếng, chỉ xảy ra trong lớp thôi. Ngoài lớp học chúng trọng và thương tôi. Giữa đường phố xe cộ chật chội, chúng vẫn dừng lại chào tôi.

 

Nhưng lớp học của tôi càng ngày càng lún xuống. Những tháng cuối năm trở nên tan hoang. Học trò thưa thớt. Bàn thầy giáo vấy bẩn những vết mực.

 

... Người đàn bà ngước nhìn tôi với gương mặt khắc khoải, chờ đợi. Tôi không đành lắc đầu, từ chối lời yêu cầu của bà. Tôi im sửng.

 

Tôi chờ một biến cố gì đó có thể xảy ra, để tôi có thể trớ đi.

 

Người đàn bà ngoảnh mặt vào trong, kêu :

 

- Vĩnh ơi!

 

Một cô gái bước ra, đứng bên mẹ.

 

- Thưa thầy, cháu đây, mong thầy dạy cho cháu.

 

Tôi nhận ra cô gái. Cô gái này học ở một lớp nào đó trong trường của tôi. Giờ ra chơi cô đứng một mình: lẻ loi, cô độc. Những huyên náo, sôi động của giờ ra chơi đều ở bên ngoài cô. Lâu rồi tôi không còn thấy hình ảnh ấy ở trường nữa. Có lẽ, cô đã nghỉ học. Bây giờ, trong không gian gần hơn, tôi nhận ra chính vẻ rụt rè, yểu mệnh của cô.

 

Vâng, thưa bác. - Tôi trả lời với ý nghĩ tôi sẽ bứt cái thân chùm gởi của cô ra khỏi chỗ bám tối tăm này.

*

Gia chủ thu xếp cho tôi một căn phòng. Tôi về trọ ở nơi này để tiện công việc dạy dỗ. Trên tường những bức tranh thủy mặc vẽ cảnh vực sâu, núi cao với sắc độ mờ ảo, sương khói. Dường như những đường nét trong những bức tranh ấy có chút gì ma quái. Dường như sương mù trên những đỉnh núi cao ở đất nước Trung Hoa vướng vít trong những bức tranh cứ nhè nhẹ tỏa mãi trong căn nhà này.

 

Tôi hỏi về người chồng của Ý Năm, người đã vẽ những bức tranh kia. Nhưng Ý Năm chỉ nói: “Ba của các cháu qua đời lâu rồi”.

 

Lớp học được dựng lên. Một thầy. Một trò. Trong không khí cổ kính và lặng lẽ của ngôi nhà bỗng dưng xuất hiện một thầy giáo lang bạt. Hắn cô đơn, buồn tủi và phẫn nộ. Hắn chỉ có nguồn yên ủi là làm việc điên dại. Qua đó, hắn thiêu đốt hết nhựa sống trong cơ thể hắn. Qua đó, hắn mới chống nổi sự cô đơn chết người đang giày xéo hắn...

 

Tôi xuất hiện như một con người với đủ thứ hình ảnh kỳ lạ của thế giới bên ngoài đến với một gia đình tù đọng trong nếp sống cổ truyền. Mỗi lần tôi đứng dạy trong căn phòng ấy, đôi mắt Vĩnh, cô học trò của tôi ngất ngây. Đôi môi cô vẽ nét kinh ngạc. Cô ngước lên chiêm ngắm tôi. Người mẹ của cô rón rén từng bước nhè nhẹ mang vào đặt lên bàn tôi ly trà sâm. Và chỉ ở trong căn phòng ấy, tôi cảm thấy tiếng nói của mình là bảo ngọc: rung rung xúc động và lấp lánh. Trạng thái cô đơn của tôi không còn nữa. Tôi muốn phủ phục trước họ, mang ơn họ. Tôi muốn hôn lên những gương mặt lúc nào cũng thể hiện thần trí ngơ ngác, mong manh kia. Những bức tranh thủy mặc trên tường cũng đang nhìn tôi. Bút tích nghệ thuật sơ sài của một người kém tài, bỗng dưng đối với tôi thật sống động. Đôi khi không cần đến những kiệt tác, mà chỉ cần một tấm lòng đơn sơ, quê mùa gởi lại trần gian. - Tình cờ, trong một hoàn cảnh nào đó, có người cảm thông được. Với ý nghĩa như thế, tôi thấy cuộc sống tôi bỗng dưng quá dễ thương.

*

Vĩnh có một người em trai hoàn toàn mất trí. Nó đã dậy thì. Nó ít khi chịu mặc quần áo. Suốt ngày nó lừ đừ đi rong trong nhà, ngoài vườn. Nó ngắm ngó. Đôi mắt nó ngây dại, vô cảm. Mặc dù Ý Năm hết sức ngăn, không cho nó đến phòng tôi. Nhưng nó vẫn đến lục phá sách vở của tôi. Nó uống nước trong ly của tôi. Nó mặc quần áo của tôi. Có đêm tôi đi dạy về khuya, nhà bị cúp điện. Mệt mỏi, tôi chẳng buồn đốt đèn. Tôi chui vào mùng. Thằng khùng đã nằm trong giường tôi tự bao giờ : Hôi hám, không một mảnh vải che thân. Suốt đêm ấy, tôi chỉ biết lang thang ngoài phố. Đói. Mệt. Đôi mắt tôi ráo hoảnh. Tôi muốn khóc ghê lắm. Mãi mãi nó không quen biết với tôi và tôi không quen biết với nó. Tôi thương nó và mong nó được chết. Ý nghĩ  này thật ghê tởm. Nhưng không có cách nào tôi dứt bỏ ý nghĩ đó được. Tôi buồn rũ rượi.

 

Nó không biết tự làm vệ sinh cá nhân. Ý Năm hoặc Vĩnh tắm rửa, dẫn nó vào cầu vệ sinh như dẫn một đứa trẻ. Một sớm mai, tôi bước ra vườn, tôi trông thấy Vĩnh với đôi mắt thất đảm, tê liệt đang nhìn vào khoảng không. Mặt cô tái xanh. Cô đang vịn vai người em khùng, sợ nó ngã. Cô đang chờ nó tiểu tiện. Dáng nó xình xàng, lắc lư, cơ thể của người đàn ông đầu tiên đập vào mắt cô là cơ thể của một người khùng. Những vết ghẻ và túm lông đen tàn bạo, khốc liệt như một ác báo từ kiếp nào. Tôi vội chạy ra, dìu đỡ đưa người em trai của cô vào nhà. Bàn tay tôi chạm vào làn da nhơm nhớp mồ hôi của nó. Môi nó đang trễ xuống. Nước bọt cả đêm quánh trắng hai bên mép. Trong miệng nó nước bọt đang ứa ra, nhễu từng dây nhớt xuống tấm ngực trần nhão xệ của nó. Tôi tự nhủ hãy thương lấy nó. Nó bất hạnh hơn mình.

 

Vĩnh nhìn tôi. Tôi không hiểu đôi mắt ấy.

 

Trong nhà này, ngoài đứa em khùng ra, đâu có ai làm bạn với Vĩnh. Giờ đây, Vĩnh đam mê trò chơi làm cô giáo. Học trò duy nhất của cô là thằng em mất trí. Vĩnh bắt nó mặc quần áo sạch sẽ, buộc nó ngồi, chú ý lên bảng. Nhưng nó cứ ngó đâu đâu. Nó xê dịch. Vĩnh lẽo đẽo theo nó. Nó dừng lại ở nơi nào, lập tức bảng con, phấn viết được dời theo nó. Vĩnh không mệt mỏi. Cô thích thú. Tôi tưởng đó là trò vui trong chốc lát. Thế mà, trò chơi vẫn mãi tiếp tục và không bao giờ mất vẻ hào hứng. Vĩnh bẩm sinh có bản chất một nhà giáo : Kiên nhẫn, tươi tỉnh, bao dung.

 

Tôi nhận ra : Cách nói, cách cầm viên phấn, những cử chỉ của Vĩnh trong khi dạy giống hệt tôi. Chẳng lẽ tôi lý tưởng đến thế sao? Thực ra khi bước vào lớp học riêng tư này, tâm hồn tôi đầm xuống. Một âm hưởng trìu mến trùm lên chúng tôi. Tương tự như chúng tôi cùng hướng lên đấng tối cao thành tâm cầu nguyện. Tôi nâng niu từng cử chỉ, từng lời nói của tôi. Vĩnh chăm chú ghi nhận tất cả. Chúng tôi cùng cảm nhận rằng, mỗi thời khắc trôi qua là một bước tiến, một hiệu quả rõ rệt. Đối diện với tôi duy nhất là gương mặt Vĩnh. Thế giới lớp học của chúng tôi khác với những lớp học thông thường. Khi tôi đến trường, trong lớp có biết bao gương mặt học sinh nam, nữ. Đẹp não nùng. Khắc khổ, lam lũ. Quý phái, mong manh. Cứng cỏi, bất phục. Cách biệt, mơ mộng. Nghiêm khắc, cương nghị. Nghênh ngang, mất dạy. Hồn nhiên, trong sáng... Hằng  ngày, tôi nhìn những gương mặt thân thương đó và thử đoán định phần số của chúng sau này : Một nhà toán học. Một người vợ đảm đang. Một thi sĩ cô độc. Một trí thức hèn mọn. Một cô gái trắc nết... Tất cả những hình ảnh ấy, cả trong giấc ngủ, chúng cũng quay lộn, xoay trở đủ bề trong tôi. Tôi cứ đối diện với hình ảnh trưởng thành của chúng. Tôi sống trong ảo ảnh với những con người trưởng thành đó. Chúng hoạt động, đối thoại thật là nhộn nhịp...

 

Duy chỉ lớp học riêng tư của tôi và Vĩnh, tôi chưa hề nghĩ rằng lớp học của chúng tôi sẽ tồn tại trong bao lâu?

*

Tôi trang bị kiến thức cho Vĩnh. Mẹ cô càng ngày càng khép cô vào vòng lễ giáo. Trong những buổi học, Ý Năm luôn luôn để mắt canh chừng chúng tôi. Có lẽ, bà phòng ngừa một tình cảm khác ngoài tình cảm thầy trò.

 

Tuy thế, có một buổi học, tôi ngồi cạnh Vĩnh. Trang sách mở ra. nhưng cả hai chúng tôi đều đắm chìm trong một tình cảm đằm thắm, dịu dàng. Tất cả khung cảnh quanh tôi đều không thực. Nó mờ ảo, chìm khuất ở một nơi nào xa lắm. Giọng nói của Vĩnh, có đôi chỗ ngọng nghịu, nhưng tôi không quan tâm. Giọng nói ấy có cái gì thân thiết rất riêng tư của Vĩnh. Nó thẩm thấu vào tim tôi.

 

- Thầy nói gì đi thầy. - Giọng Vĩnh ngân lên.

 

Tôi cũng muốn nói một điều gì đó. Nhưng tôi không đủ sức diễn tả điều tôi cảm nhận. Qua âm vang của Vĩnh, thình lình sự suy nghĩ của tôi được đẩy xa hơn. Tôi rùng mình vì ý nghĩ của mình. Tôi thốt :

 

- Mai kia em định làm nghề gì?

 

- A! Chưa bao giờ em nghĩ đến.

 

Vĩnh ngạc nhiên nhìn lên, đôi mắt mở to, trong veo như cô vừa chợt khám phá ra một con đường mới, kỳ ảo - qua câu hỏi của tôi, cô mới nhận ra. cả người cô chợt linh động hẳn lên như muốn cất bước vào cõi cô chưa hề biết.

 

Vĩnh nhìn tôi, tò mò :

 

- Thầy nói nữa, đi thầy.

 

- Lúc thầy mới đến đây, em bao nhiêu tuổi?

 

- Mười sáu.

 

- Bây giờ? - Giọng nói tôi như tiếng ru, phảng phất âu lo.

 

- Em đã mười bảy tuổi rồi, thầy.

 

- Rồi sao nữa? - Tôi im lặng một lúc - Em sẽ làm một công việc gì đó để sống, đâu có thể sống như trẻ con hoài.

 

- Em sẽ đi dạy học như thầy. Em sẽ có những đứa học trò ngoan ngoãn, dễ thương.

 

Ý nghĩ của Vĩnh như một dòng nước chảy qua những viên đá trắng: thư thả, mát mẻ. Tôi muốn nuôi dưỡng mãi sự hồn nhiên đó. Nhưng cuộc đời? Tôi vẽ phác vài nét :

 

- Em còn một người mẹ khắt khe, một đứa em mất trí. Em đâu có muốn những điều ấy, phải không? Sau này, em đi dạy cũng thế, em sẽ gặp những sự cố ...

 

Vĩnh mỉm cười :

 

- Không sao đâu thầy. Em yêu mẹ. Em yêu đứa em trai của em.

 

- Và thầy, thầy đâu có ở ngôi nhà này hoài - Tôi vội vã nói.

 

Tôi buồn. Sự thực là thế. Tôi ý thức được sự tạm bợ của mình trong căn nhà này

 

- Mẹ em đã dành căn phòng này cho thầy, mà!

 

Vĩnh giống như một đứa trẻ. Thôi cứ để vậy. Tôi có mô tả bao nhiêu khó khăn, trở ngại Vĩnh vẫn không hiểu. Cô chưa biết đến sự mất mát. Tôi lo ngại, sự mong manh của Vĩnh, chỉ phút giây đối mặt với cuộc sống, sẽ bị một cơn sóng nào đó xóa sạch không còn dấu vết. Do đó, tôi tìm cách đưa cô về đời thực có pha chút khắc nghiệt, u ám để làm tan vỡ tâm trí mông lung của Vĩnh. Nhưng tôi bất lực. Kể cả những điệu cụ thể, phũ phàng mà tôi muốn đập mạnh, gây ấn tượng thật dữ dội vào tâm trí Vĩnh cũng vô hiệu.

*

Cô học trò của tôi bị ngọng một vài chỗ trong phát âm.

 

Tôi quyết định luyện cho Vĩnh phát âm rõ ràng. Có lẽ, khởi điểm từ đậy, tự tôi xô đẩy tôi vào những hành động mê muội, quỷ ám.

 

Thoạt đầu, tôi luyện giọng cho Vĩnh từng chữ, cô lặp lại một cách khó nhọc. Từng ngày, từng ngày không nhích được một bước tiến nào. Tôi bảo cho cô học trò tôi hiểu, giọng nói của cô không theo khuôn mẫu của đời sống này. Đời sống này coi đó là một sự sai hỏng cần phải sửa chữa triệt để. Do đo, cần phải có một cập tập luyện đầy ý chí. Mỗi lần tôi bảo cô phát âm, chính cô lại lặp lại cái âm điệu ngọng nghịu, méo xệch. Mỗi lần thế, đôi mắt cô chớp vào tôi một ánh lạy lục, van xin. Càng ngày sự run rẩy, bé nhỏ của cô càng tăng lên đến tội nghiệp. Một hôm, tôi bảo cô phát âm lại những chữ đã học, lúc ấy, cô đang cầm cây viết, tay cô siết chặt cây viết và rung lên. Có vẻ như cô đang nén một cơn giận dỗi. Đầu ngòi viết cứ chấm chấm trên trang giấy những nhịp rối loạn. Nhưng lúc này, tôi đang rơi vào sự ngông cuồng của ý chí - tôi, với kỷ luật thép, cái tật ngọng nghịu kia phải được kiên trì rèn luyện cho đến khi cô phát âm bình thường. Với cô, tuyệt vọng, miễn cưỡng chứ không mang một thiện chí nào. Tôi răn đe, hà khắc quyết tâm thực hiện công việc với đủ bộ mặt: dịu dàng, kiên nhẫn, giận dữ. Lòng tôi, lúc nào cũng mang sẵn mối từ tâm của thiên chức nhà giáo. Nhưng phải chăng, tôi đang làm một trò hề độc ác? Mỗi lần, đối diện với tôi, cô phải tự lắng nghe và đối diện với chính sự ngọng nghịu của cô. Một lần, hai lần... em hãy tiếp tục phát âm chữ này đủ mười lần cho tôi... Nhưng sự khiếp hãi làm cho sự ngọng nghịu của Vĩnh trầm trọng hơn.

 

Vĩnh lãng xa tôi. Trong bữa cơm, nếu tôi có thiếu đôi đũa, cô không buồn đi lấy. Vĩnh là cô gái đảm đang, quán xuyến hết mọi việc trong nhà. Nhưng gần đây, những gì thuộc về sinh họat của tôi, cô vẫn để nguyên đó, coi như không có sự hiện diện của tôi trong căn nhà này.

 

Vĩnh trở nên thân thiết với đứa em khùng của cô hơn. Cô cười. Cô nói. Cô bày trò đùa giỡn với nó. Nó tìm cách vào phòng khi tôi đang dạy Vĩnh học. Ý Năm chặn nó lại. Bên ngoài nó tạo ra những tiếng động: Một cái ly rơi vỡ, một cái soong bị ném xuống nền nhà ... Ý Năm cố sức trong giữ, dỗ dành nó. Vĩnh, tuy đang ngồi học, nhưng tâm trí theo dõi diễn biến ngoài lớp.

 

Thằng khùng chỉ có hai trạng thái giận dữ và vô cảm. Khi giận dữ và vô cảm. Khi giận dữ mi mắt nó toét ra, niêm mạc bên trong chằng chịt gân máu ướt đỏ. Cả thân người nó sàng lắc. Nó sẵn sàng nhảy bổ đến để cào cấu gây sự với bất cứ ai. Một lần, nó tuôn cả người nó vào phòng học giữa lúc tôi và Vĩnh đang căng thẳng từng tiếng phát âm sắp đến độ bùng nổ. Vĩnh cười: “Nó điên kìa! A! ha”. Vĩnh tiếp tục cố ý châm chọc, buốt xoáy: “Ê! Điên vừa vừa điên quá không ai chịu nổi, nghe!”. Thằng khùng bị  kích động vì tiếng nói của Vĩnh. Nó nhảy, tay chân nó vung vẩy cuồng loạn...

 

Tôi hết sức hoang mang vì diễn biến tâm lý kỳ lạ của Vĩnh.

*

 

Ý Năm đến phòng tôi. Gương mặt bà đầy âu lo:

 

- Tôi muốn nói chuyện với thầy?

 

- Dạ!?

 

Bà bối rối:

 

- Cháu Vĩnh có bệnh từ hồi nhỏ, phải đi bệnh viện cấp cứu nhiều lần. Tôi tưởng bỏ cháu rồi. Nhưng may mắn, cháu còn sống. Cháu bị ngọng, khó sửa. Thầy thương cháu. Đừng giận cháu, tội nghiệp cháu.

 

Tôi xúc động:

 

- Thầy có bao giờ giận trò đâu bác. Nhưng trong lớp thì phải nghiêm khắc.

 

Bà nhìn tôi u ẩn:

 

- Kệ! Cháu học được chữ nào hay chữ nấy, thầy đừng ép cháu.

 

Tôi im lặng. Tôi quá tuyệt vọng về cô học trò đặc biệt này. Bà không biết, rất nhiều đêm, khi học xong Vĩnh rời khỏi phòng, tôi ngồi lại chết lặng, để nước mắt mình ứa ra. Hỡi trời! Dạy học cho một người ngọng. Vì lẽ gì đây? Nghiệp chướng đời dạy học của tôi.

 

Chiếc roi mây dài từ trên cao rót xuống người Vĩnh, một lằn tím tái vắt ngang cánh tay trần của cô vụt ửng lên màu đỏ. Ngọn roi từ trên cao lại rót xuống ... Ý Năm giận dữ, không kềm chế được. Bà vừa đánh con vừa khóc: “Từ nay, con phải cố học cho đàng hoàng, nghe không? Mẹ chỉ đặt hy vọng vào con...” Vĩnh vừa gào khóc vừa đưa tay đón đỡ đường roi. Áo xống cô sút xổ, xốc xếch. Thấy tôi xuất hiện ở cửa, cô lao đến ôm lấy tôi, mong tìm một sự che đỡ. Người mẹ sững sờ nhìn tôi qua màn nước mắt: “Tôi khổ quá thầy ơi!” Tôi cúi xuống cô gái, cái túi đựng sách vở của tôi đang mang trên vai trượt đi đụng mạnh vào hông cô. Cô vẫn ôm tôi trong tư thế đầu cô giụi vào ngực tôi. Cô khóc rấm rứt, tức tưởi. Tôi chạm tay vào vai cô. Sự tiếp xúc ấy khiến tôi khẽ rùng mình. Tôi định khuyên giải cô, nhưng tôi quên mất lời lẽ. Trên cánh tay cô hai lằn roi tím bầm vắt chéo nhau. Tôi cảm thấy đau rát. Bà mẹ bước đến dịu dàng gỡ tay cô gái ra khỏi tôi và đỡ cô vào bên trong. Trước khi  bước đi, cô gái nhìn tôi bằng đôi mắt mênh mông, u buồn.

 

Tôi đã gây ra cảnh đau khổ này phải không?

 

Tôi đã dựng nên lớp học dị dạng này phải không? Thương yêu. Rên siết. Kêu khóc. Phải chăng, tôi là phương tiện của người mẹ nghiêm khắc để hủy diệt cá tính cô. Lẽ ra, cứ để cô rong chơi trong vườn đầy hoa dại. Và cô cứ cười nói thả sức bằng giọng nói ngọng nghịu của cô một cách hồn nhiên, vô tư. Sự hồn nhiên, vô tư càng kéo dài trong đời sống cô, càng tốt chứ sao ?

 

Tôi có nên rời khỏi nơi này chăng? Gia đình  này sẽ không có tôi hiện diện như trước đây; sẽ không có một hơi thở lạ lẫm nào chi phối cuộc sống của họ. Thà vậy còn hơn. Vì tôi ở lại với ý chí ngông cuồng của tôi, tạo nên một lớp học dị dạng, chỉ làm méo mó thêm đời sống thường nhật của họ. Tôi không không đủ bản lĩnh để làm một thầy giáo. Tôi chỉ tìm đối tượng để tôi hiện hữu, để tôi trình diễn khả năng của mình. Và nơi đây đã chứng minh hùng hồn sự bất lực của tôi.

 

Đây là cuộc phiêu lưu mà bao giờ tôi cũng có lối thoát. Tôi có thể thoát đi một cách dễ dàng. Máu thịt tôi không phải ở đấy. Tương lai tôi không phải ở đấy. Chẳng qua là một thứ trò chơi ma quái... nhưng tôi đã đắm mình trong không khí ma mị, hôi hám này rồi. Tôi đã bị hút chặt vào, không sao gỡ ra nổi. Tôi có đủ tàn nhẫn để bẻ gãy nửa chừng sự mơ tưởng nơi  tôi về tương lai của họ không ?

 

Tôi cắm đầu vào tường nấc lên, rên rỉ. Tôi rơi vào trạng thái thẫn thờ, run rẩy. Tôi nằm dài trong căn phòng mờ tối, âm u. Để mặc cho cái không gian ấy trôi lơ lửng, chập chờn, không có chỗ đậu đáp. Hiện trạng đang ném tôi vào một thế giới hư ảo để tôi không còn trông thấy sự vật với dáng vẻ bình thường. Nó tác động tôi đến khi tôi ăn, khi tôi đứng trên bục giảng, khi tôi miết viên phấn lên bảng... đó là công việc hàng ngày đối với tôi chỉ có vẻ có thực mà thôi.

Tôi phải ra đi.

*

Tôi dẫn về phòng tôi một cô gái điếm. Ả sống sượng, bất cần đời. Ả bước vào căn phòng tôi bằng đôi guốc khua xuống nền gạch từng bước, dội lên những âm thanh gai sắc. Đôi mắt buồn ngủ của ả bỗng ánh lên những tia kỳ dị.

 

Ả kêu lên :

 

- Thầy giáo à ?

 

Để chữa thẹn, tôi cười phá lên.

 

Ả rút những quyển sách trên bàn làm việc của tôi :

 

- Vứt đi nhé !

 

Âm thanh và cử chỉ của ả như con sóng dữ cuốn lấy tôi vào một trò chơi quái dị:

 

- Ừ ! vứt đi.

 

Ả nắm đầu một quyển sách. Ả xé. Tiếng giấy rách như ngàn mũi kim nhọn phóng vào óc tôi. Vun vút. Tôi tối mặt. Giấy vụn được rải tung khắp phòng. Những dòng chữ trên các trang giấy bị chém ngang. Những mảnh giấy đáp vào người tôi, vào mắt tôi. Căn phòng đang lên cơn trong một trận động đất. Tất cả những gì lặng lẽ bị xới tung, lật ngửa, lật sấp một cách tàn bạo.  Nó đang bị trây trúa không thương tiếc những gì gọi là trạng huống của tôi. Tôi muốn thế. Muốn trây trúa để tôi thấm thía sự nhờn tởm, ô nhục. Để tôi có lý do, rằng tôi không còn xứng đáng ở trong ngôi nhà này nữa.

 

Nhịp cuốn của ả sôi động, man dại đến nỗi cả người tôi run lẩy bẩy. Tôi ríu cả lưỡi :

 

- Đến đây !

 

Ả tung hê những quyển sách đang cầm trên tay, nhảy bổ đến tôi. Ả ôm lấy đầu tôi, đẩy gương mặt tôi ngửa lên.

 

- Thầy giáo à !

 

Ả cười. Tiếng cười khốc liệt, đầy khoái cảm của một kẻ đang lấy sự hủy diệt làm trò chơi, nhưng chưa hề gặp đối tượng của mình.  Nay ả đã gặp. Ả ép mặt tôi vào bộ ngực đang ưỡn lên của ả. Tôi vùng ra. Mảnh nút áo của ả xướt trên mặt tôi đau buốt. Tôi nhìn vào gương mặt ả. Đó là một gương mặt mà tôi nhớ mãi - u buồn, đầy phẫn nộ như đang đối kháng với tràn thế.

 

Thấy tôi đột ngột tách khỏi ả. Ả nhếch mép :

 

- Không à ?

 

Tôi lắc đầu:

 

- Không.

 

Ả bổng trở nên rũ rượi. Tôi chợt nhận ra rằng ả nhão nhề, tả tơi. Ả rơi  xuống giường nằm thở hào hễn sau cơn động kinh quái đản. Tôi cũng thế. Bên cạnh ả, tôi nằm úp mặt xuống giường. Đầu óc không một ý nghĩ. Tất cả đối với tôi bây giờ trắng xóa, giá lạnh. Thất vọng về mình. Sao tôi không đẩy sự phá vỡ của chính mình, đến tận cùng bằng cách lột phăng quần áo của ả,  quần áo của tôi để làm tan hoang tất cả những gì gọi là đạo đức, gọi là cảm thương mà tôi đang trải qua. Quả thật, tôi không dám bước đến cái ranh giới ấy. Trong tôi, mơ hồ dậy lên cái gọi thức tỉnh. Tôi cầm bàn tay của ả, tôi ân cần :

 

- Quê em ở đâu ?

 

Ả rứt tay của ả khỏi tay tôi:

 

Thôi đi ! Em chiều anh ngay, nhanh lên ! em còn  phải đi rước con em ở trường.

 

Tôi lắc đầu.

 

- Vậy em về. - Ả buồn bã - Kêu em đến đây làm chi. Anh điên quá.

 

Cánh cửa phòng đột nhiên rung chuyển. Cái móc cửa đang cài bị uốn cong rồi bật văng ra. Cửa phòng bị mở tung, đập dữ dội vào bức tường. Ánh sáng nhức nhối tràn vào. Trời sắp ngả chiều.

 

Thằng khùng bước vào.

 

Cả người nó trần truồng. Đôi mắt lác xệch, lòng đen bợt đi, lòng trắng kéo đầy gân máu. Môi nó trễ xuống,  nước bọt thòng xuống thành sợi. Tất cả thân thể nó đang lúc lắc, sàng qua sàng lại. Nó di chuyển vào trong phòng bằng những bước chậm chạp, chắc chắn cơ hồ không có thế lực nào án ngữ nổi.

 

Tôi và ả điếm sững sờ. Trước khi tôi kịp phản ứng, ả đã quay phắt lại đối diện với tôi. Hai bàn tay ả nắm chặt lại, run lên bây bẩy.  Mặt tái nhợt. Ả hỏi tôi với giọng không có âm sắc:

 

- Mày kêu tao đến để cho nó à ?

 

Tôi lắp bắp :

 

- Kh...ô...ng.

 

Tôi xô tới định kéo thằng khùng ra khỏi phòng...

 

Cùng lúc, Ý Năm bước vào.

 

Trong khi đó, giọng nói của ả điếm riết róng, bứt tung từng sợi thần kinh của tôi.

 

- Tao đã ngủ với tất cả đàn ông trên thế giới này, chưa có thằng nào chó như mày, kêu tao đến để cho một thằng  khùng.

 

Những lời đó nhắm vào tôi, nhưng ả nhìn Ý Năm đăm đăm. Đôi mắt Ý Năm sắc lại, môi mím chặt. Ý Năm nhìn tôi. Nhìn ả điếm. Nhìn toàn cảnh căn phòng. Rồi Ý Năm kéo tay thằng khùng :

 

- Đi ra, con !

 

Thằng khùng nghoẹo đầu nhìn mẹ nó. Nó nhìn căn phòng. Hiện trạng khiến nó có vẻ thích thú. Các bắp thịt trên người nó rùng rùng chuyển báo hiệu một sự khích động. Nó muốn nhảy vào cuộc.

 

- Đi ra !

 

Giọng Ý Năm nghiêm lạnh, quyết liệt như muốn truyền khắc vào đầu óc tối tăm kia từng chữ, từng ý nghĩa thật rõ ràng. Nhưng cơn khích động của nó càng lúc càng tăng. Nó ngồi thụp xuống hốt những mảnh giấy vụn. Đôi mắt vô hồn của nó hốt những mảnh giấy vụn. Đôi mắt vô hồn của nó soi xuống những dòng chữ in. rồi nó ngẩng lên nhìn ả điếm với đôi mắt  không lạ, không quen - Đôi mắt chỉ để thấy, không phải để ghi nhận. Ả giật bắn người khi thấy thằng khùng nhìn ả. Ả sấn tới, dang tay định tát nó. Nhưng Ý Năm ngăn lại :

 

- Cô để tôi lo. Xin lỗi cô.

 

Giọng nói của Ý Năm thật buồn. Cái âm hưởng của nỗi buồn toát ra len vào từng người trong căn phòng này. Tôi cảm thấy hối hận khôn siết. Ả điếm lặng đi. Ả bước tới vuốt trên tóc thằng khùng :

 

- Nghe lời chị, đi ra nghe em !

 

Do dự, thằng khùng nhìn ả thật lâu. Cái đầu nó ngúc ngắc.

 

Ý Năm dẫn nó đi.

 

Dáng nó trùng trình, chân tay thõng thượt.

 

Nó cao lớn bên bà mẹ lưng còng.

 

Cô gái điếm xô đến tôi, tước quần áo trên người tôi. Ả tự tước quần áo trên người ả. Ả hôn hít, vò xé tôi. Tôi ghì ả bằng tất cả sức lực của mình. Ả biểu dương sức mạnh. Tôi biểu dương sức mạnh. Bàn tay, đôi môi - toàn cơ thể đều tỏ bày sức mạnh và làm giống như sự kích thích nhục dục chớ không phải thôi thúc thêm. Cảm giác chỉ là quán tính mơ hồ. Sự đè ép, siết chặt chỉ để tiêu hủy hết ẩn ức, tức tối của mỗi người;  chỉ để hành hạ nhau, làm đau đớn nhau...

 

*

A ha ! Thế là tôi có cớ để giã từ sự rêu phong ẩm mốc của căn nhà này. Tôi giã từ người đàn bà đáng thương đã kéo tôi từ đường phố rực ánh điện vào hiu quạnh. Tôi giã từ một hình ảnh bẩn thỉu đến phải kêu thét lên : Mỗi buổi sáng một cô gái trong  trắng, ngây thơ dẫn một thằng khùng trần truồng, bộ phận đàn ông của nó đang cương cứng, ra cầu vệ sinh... tôi giã từ một lớp học mà tôi đã có những phút giây cảm thấy tự mình đăng quang trên bục giảng.

 

*

 

Làm thế nào để xóa bỏ giai đoạn này trong đời sống tôi. Tôi không biết. Người ta thường tìm cách thoát khỏi những trạng huống, chứ người ta không tìm cách xóa bỏ nó. Trong khi tôi quyết chí xóa sạch. Càng tìm cách xóa bỏ, tôi càng sa lầy. Đời sống tôi thêm những vết rạch, thương tích. Lớp học riêng của chúng tôi hàng ngày vẫn tái diễn. Không khí tê tái và lo âu. Mỗi người trong chúng tôi đều cảm nhận có một cái gì đó đã vỡ tan rồi. Mỗi chúng tôi đều gượng đứng : phô diễn hình thức để tình trạng đỡ bi thảm. Ngột ngạt. Đè nén. Uất nghẹn. Để rồi, sau buổi học cả người dạy lãn người học đều muốn ngất đi. Không khí trong nhà lặng xuống. Chỉ có thằng khùng còn hoạt động. Chúng tôi phải luôn luôn theo dõi để ngăn cản sự phá phách của nó. Nhưng nó ít kêu rú hơn. Thỉnh thoảng nó nhìn tôi, nhìn mãi với ánh mắt không chớp. Tôi phải né ánh mắt của nó. Ánh mắt nó như tự hỏi, ngoài tôi ra, cô gái mà nó gặp mấy hôm trước đâu ?

 

Tôi tưởng tất cả mọi sự kiện diễn ra đều ở ngoài. Nó như con chó, con mèo. Người ta vẫn thực hiện mọi tội ác trước mặt những con vật mà không hề lo ngại phải đối chứng. Vì thế, đối với thằng khùng tôi rất yên tâm. Nhưng, quả thật ánh mắt nó làm tôi không yên tâm. Dẫu sao, nó vẫn là một con người. Một chút ý thức còn le lói trong đầu nó. Nó được sinh ra do một người mà tôi kính trọng.

 

*

 

- Mẹ nói, thầy hư hỏng lắm.

 

- Phải. Thầy không phải là thần thánh. - Tôi cảm thấy khoái trá một cách độc ác trong câu trả lời của tôi.

 

Vĩnh giương đôi mắt ngây thơ nhìn tôi. Gương mặt cô thanh khiết. Đôi môi thật hồng, thật mềm với những dấu môi từng nét, từng nét mịn màng, kỳ diệu. Vĩnh hỏi :

 

- Hư hỏng là sao hở thầy ?

 

- Là rượu chè, đĩ điếm, cờ bạc ...

 

Vĩnh nhăn trán lại, cố gắng nghĩ ngợi, tưởng tượng ra điều ấy. Thực ra, Vĩnh chưa bao giờ trông thấy những hình ảnh ấy. Thế giới của Vĩnh là gia đình  của cô và là tôi với những buổi học nhọc nhằn.

 

Vĩnh rầu rĩ:

 

- Mẹ buồn lắm !

 

- Chỉ buồn thôi sao ? Phải giẫn dữ nữa chứ. - Nói xong câu đó, tôi cảm thấy mình chưa đủ độ tàn nhẫn để cho Vĩnh hiểu ý định của tôi : Hủy diệt những ảo tưởng của Vĩnh đối với tôi. Tôi không xứng đáng. Tôi còn có những ý nghĩ của tôi, đời sống riêng tôi. Những điều ấy không  có gì là bí ẩn. Nhưng đối với Vĩnh là một sự bí ẩn ? Không. Vĩnh, một cách hồn nhiên không  quan tâm đến những khía cạnh khác của đời sống tôi.

 

- Mẹ em thương thầy. Mẹ đâu có giận thầy.

 

- Thầy đáng ghê tởm lắm !

 

Lại hỏi tiếp: (như một đứa trẻ lên bốn cứ hỏi mãi)

 

- Ghê tởm là sao hở thầy ?

 

Tôi nhìn Vĩnh với đôi mắt lạnh. Tôi muốn trùm phủ lên vầng trán thiên thần ấy những gì xấu xa nhất. Rồi chính nàng tự lau rửa sự xấu xa ấy, trong khi lau rửa Vĩnh sẽ nhận ra ấn tượng về tôi mà chính tôi đã gieo cho Vĩnh. Tôi trả lời Vĩnh với giọng điệu khô khốc :

 

- Thầy mong đứa em trai mất trí của Vĩnh được chết.

 

Một bàn tay Vĩnh ôm lấy mặt. Ấn tượng tôi gieo cho cô thật dữ dội. Cái cổ nhỏ nhắn của cô co giật. Môi Vĩnh mím lại chống chỏi với con buồn nôn. Bàn tay kia của Vĩnh bấu vào tập vở. Những trang giấy phẳng phiu của quyển vở đang mở ra bị nhầu nát. Khi Vĩnh rời bàn tay khỏi vầng trán, đôi mắt cô đờ đẫn nhìn vào cõi hư vô. Tôi cảm thấy trong đôi mắt đó sự vật cứ trôi đi như dòng nước của một con sông. Cả mẹ Vĩnh, cả tôi cả thằg em trai mất trí cũng trôi đi, Vĩnh không dừng lại ở một hình ảnh nào. Tất cả lướt qua, lướt qua...

 

Vĩnh bừng tỉnh :

 

- Thầy bắt đầu dạy đi, em học.

 

Tôi lãnh đạm :

 

- Học để làm gì ?

 

- Nhìn thầy dạy, em có thể quên điều thầy vừa nói.

 

Tôi cầm phấn, bước lên bảng.

 

Vĩnh bắt gặp những trang giấy nhầu trong bàn tay cô. Vĩnh không  vuốt lại những trang giấy đó.

 

Vĩnh ngước lên bảng.

 

Tôi dạy. Gương mặt tôi lạnh như tiền. Tôi nói như máy những điều trong sách giáo khoa và coi như không  có Vĩnh ở đó. Vĩnh theo dõi tôi, đôi mắt cô không  chớp. Lặng lẽ, âm thầm đôi mắt Vĩnh chìm trong nước mắt. Không chịu đựng nổi sự tàn nhẫn của chính mình, tôi ném phấn vào góc phòng và bước ra cửa. Tôi định thu xếp quần áo để rời khỏi nơi này ngay. Trước cửa phòng. Ý Năm già nua, hốc hác, xõa mái tóc bạc trắng, dang hai cánh tay gầy ngăn tôi lại.

 

Trước mặt tôi là hình ảnh chúa Giêsu đang bị tôi đóng từng mũi đinh vào thập giá.

 

Tôi run run trao bàn tay còn lấm lem phấn trắng vào lòng bàn tay bà...

 

Cà Mau, 1991 - 1992

 

Lê Đình Trường
Số lần đọc: 2337
Ngày đăng: 23.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hoa hồng tỉ muội - Trầm Hương
Hoa So Đũa - Trầm Hương
Quỉ khóc - Thanh Giang
Viết từ ấn tượng vỡ vụn - Lê Đình Trường
Ánh lửa Chông Nô - Anh Động
Bóng chiều hôm - Nguyễn Thanh
Bông vông đỏ - Nguyễn Thanh
Vểnh râu - Nguyễn Quang Sáng
Lá rụng - Kim Quyên
Hàng xóm - Kim Quyên
Cùng một tác giả
Điểm tựa trắng (truyện ngắn)
Muỗi đói (truyện ngắn)
Thập giá gỗ (truyện ngắn)
Vẻ đẹp (truyện ngắn)
Bia mộ (truyện ngắn)
Có mưa trên núi (truyện ngắn)
Khỏa thân màu xám (truyện ngắn)