Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
695
116.704.506
 
Cái cổng ngõ
Dương Phượng Toại

Tôi nằm chung toa với ông trên chuyến tàu hoả vào phương Nam. Nom ông đạo mạo, phong cách một thương nhân. Ông vui chuyện, dễ gần, nói năng vẻ hào hoa, mở rộng. Qua những ngôi làng, bên mạn tàu thi thoảng lại hiện ra những mái ngõ cổ lợp ngói âm dương, rêu phủ xám ngắt. Như người đang mơ sực tỉnh, ông vỗ vai tôi:

- Chú biết không? Làng tôi ngày xưa rất nhiều những cái cổng ngõ như thế kia! Cái cổng ngõ nhà tôi to lắm. Dễ nhất làng, hiếm cái nào chắc chắn và đẹp như vậy!

- Việt Nam mình, làng quê nào chẳng có cổng ngõ! Tôi lơ đãng đáp.

- Nhưng... cái cổng ngõ... với tôi, nó là một quầng sáng, là bao kỷ niệm vui buồn, mất mát và cả những ân hận!

- Còn là một pho truyện cổ dài dài nữa chứ? Chưa hiểu ý ông, tôi tỏ vẻ giễu cợt và không mặn mà cho lắm. Nhưng hình như chạm vào ký ức hoặc có thể là lâu ngày không có người trút bầu tâm sự, giọng ông bắt đầu thả miên man:

- Chú ạ! Làng tôi đến giờ vẫn giữ được nhiều nếp nhà gỗ lim đáng giá. Còn cái cổng ngõ tôi vừa nhắc với chú?... Đấy là thời của ông nội tôi. Khi cửa nhà làm ăn phát đạt, ông tôi bảo: “Phải kín cổng cao tường để phòng mọi sự nhiễu nhương!” Cổng ngõ được làm bằng những cây gỗ lim to không kém cột nhà. Bốn cây cột dựng bốn góc cắn mộng nhau bởi những thanh xà ngang vạm vỡ. Trên lợp ngói lá đa, thứ ngói đốt bằng cỏ rất già lửa, gõ kêu coong coong. Hai cánh ngõ ghép bằng những tấm gỗ dày, đóng thêm những thanh giằng chéo với bộ then cài khít chặt. Mỗi lần đóng mở là mỗi lần chị em cha tôi méo mặt vì hai tấm cánh...

- Ông làm tôi liên tưởng tới Tử Cấm Thành trong phim Trung Quốc!... Tôi buột miệng. Ông cười hì hì:

- Không kém! Ngoài cái cổng làng, dân quê tôi rất coi trọng cái cổng ngõ!

Xem chừng ông tả say sưa và muốn dãi dề nỗi niềm, tôi lặng lẽ nằm nghe:

- Hồi ấy, ông tôi làm Lễ trưởng trông coi việc lễ nghĩa hàng tổng, được mọi người nể trọng. Bà nội tôi tậu ruộng sâu trâu nái, nửa đêm gà gáy quanh năm, chỉ cốt sao thóc đầy bồ, lợn đầy chuồng, đàn gà bốn mùa ấp trứng. Ngôi nhà ngói năm gian gỗ lim được tạo dựng từ những tháng năm cặm cụi tần tảo. Chiều chiều, ông tôi ngồi xếp bằng tròn bên bụi trúc cạnh sân gạch mở quyển sách nho ra đọc. Nhiều bữa cơm bà đợi phát nguội. Đến nỗi bà từng nói chọc: “Không biết trong ấy có những gì mà ông đăm chiêu thế? Dễ chừng nuốt lá trúc đầy bụng?”

 

Trong xóm một dạo hay xảy việc mất con gà con qué. Người ta cứ gióng miệng nghi ngờ sang phía nhà lão Diến chung hàng râm bụt với nhà ông bà tôi mà chửi đổng. Một bận nhà ông bà tôi cũng mất một con gà trống. Sáng sớm, bà tôi đi hái rau muống bắt gặp thằng Bấu cháu lão Diến lấm la lấm lét bê giành bẫn rơm đem đổ ở bụi tre. Bà liền tới vạch đám bẫn ra xem, thấy toàn lông gà còn ướt dượt. Lông con gà trống hoa mơ sớm nào cũng gáy cho cả ba làng cùng nghe! Không sai! Bà về thuật lại với ông và cũng định te tái chửi. Nhưng ông ngăn lại, coi như không hề biết gì. Ông bảo bà làm thịt một con gà khác và cho cô Cả tôi bưng một đĩa sang biếu lão Diến, dặn nói năng thật từ tốn, thật khéo, sao cho lão phải nhận. Lão nhận thật và còn ký cốc gửi lời cảm ơn. Đến bữa, đang nhắm rượu, đột nhiên mồm lão Diến nghe đánh “cộc” một tiếng. Lão méo mặt kêu: -Mẹ cha nó, nó nhét hòn sỏi trong miếng thịt gà! Bên này ông bà tôi lắng nghe. Các cô tôi ôm bụng cười rũ rượi. Đúng là cái đồ tham lam. Tham thì chết. Cho chừa cái thói ăn cắp quẩn!... Có điều lạ là từ đó xóm láng tịnh không thấy ai kêu mất trộm gà nữa! Bà tôi phục lăn cái ý thâm nho của ông.

 

Mải lo làm ăn, ông bà tôi ít tiếp xúc với bên ngoài, ít sang các nhà hàng xóm. Ngõ đóng im ỉm suốt ngày. Chỉ những dịp giỗ chạp, lễ tết, những lúc ông đi công việc, những buổi bà và các cô đi làm đồng... ngõ mới mở, rồi cài then lại ngay, như sợ có làn gió độc từ đâu xộc vào, người nhà dễ cảm mạo. Cha tôi suốt ngày lê la với con chó Mực làm bạn chơi, tha thẩn góc này góc kia trong ngôi nhà, quanh cái sân rộng, ngoài cái ao la đà giàn mướp hoa vàng... Các cô tôi lần lượt đến tuổi cập kê. Cô Cả, cô Hai lẫn cẫn nhau, đều có mái tóc đen dài tới gót chân, chảy tha thướt theo bước đi trên đôi guốc mộc gỗ xoan. Các cô thường đứng bên bể nước soi gương, chải chiếc lược gỗ vào mái tóc mượt mà, rồi lấy bông hoa nhài hoặc đoá hoa lan thơm nức cài lên. Các trai làng thưa thớt mò tới. Họ ngại vì mỗi lần gặp ông tôi là mỗi lần phải khúm núm, khép nép, có người toát cả mồ hôi trước cái nhìn sắc nhánh cùng những lời gạn gùng con cái nhà ai, chi nào họ nào, đến có việc gì... tưởng rút cả ruột gan.

 

Cô Cả, theo bà tôi kể thì trước rất xinh đẹp. Nhưng năm cô lên sáu, một trận sởi đậu mùa đã tước đi cái đẹp của cô. Sống được là nhờ hồng phúc vẫn còn. Trận sởi đó đã cướp mất nhiều trẻ con trong làng. Sau những cơn sốt phát ban, héo cả da thịt, cô tôi tắt thở. Bà và mẹ tôi khóc ngất. Ông tôi sai người nhà đặt cô vào chiếc chiếu, bó chặt lại bằng những sợi lạt, rồi để sẵn ngoài chái hè cùng bó đóm, chờ ông “ngộ Thuấn” đến cắp ra đồng đem chôn. Trong làng ngày ấy có ông Thuấn mắc chứng động kinh, thỉnh thoảng đang tự nhiên lại lăn đùng, sùi bọt mép, giãy đành đạch. Dân làng quen mồm gọi “ngộ Thuấn”. Nhưng ông sáng việc đáo để chứ chẳng ngộ chút nào. Ai nhờ việc gì thượng vàng hạ cám ông đều làm đâu vào đấy. Được cút rượu trả công là cười nhăn nhở, thích thú lắm... Chiều chạng vạng, ông “ngộ Thuấn” đến. Rít xong một hơi điếu cày dài, ông vừa la đà xoăn lại mối lạt vừa rè rè nói: “Thôi, mày cướp cơm cha mẹ thì đưa mày ra đồng ngủ với giun, con nhá!... Ôi này! Nó cựa quậy các ông các bà ơi!’’ Thế là cô Cả tôi được giở ra, cứu sống. Khỏi bệnh, cô ăn no chóng lớn, đẫy đà, khoẻ mạnh, chỉ tội mặt chi chít nốt rỗ đỏ tấy như vết ong châm. Lão Diến từng ác ý trêu ngươi. Ai cần mật ong đánh tưa lưỡi trẻ sơ sinh là lão cho thằng Bấu cháu lão rêu rao: “Cô Cả mặt nở hoa sim. Ai mua ong mật thì tìm đến cô”. Vậy mà cũng có người cả tin tìm ngõ nhà ông bà tôi hỏi mua mật! Rõ khổ! Ông bà tôi đau từng khúc ruột. Còn cô tôi sầu muộn và ít nói. Cả ngày ra đồng, về nhà chỉ ngồi với mủng kim chỉ thêu thùa, vá may, toàn những xống áo chẳng cái nào vào cái nào...

 

Còn cô Hai tôi, vô tư xinh đẹp và nền nã. Khuôn mặt trái xoan trong vành khăn đen như đoá hoa sen lấp ló sau chiếc lá, ai nhìn cũng dễ mê hồn và tơ tưởng. Đêm tháng bẩy, mưa ngâu rả rích. Những trái thị ngoài vườn chểnh mảnh rụng xuống mang theo mùi thơm ngọt ngào phát tán trong gió ẩm. Buồn se sái. Rõ cả tiếng lá mục rơi vùi lấp làn hương trên mặt đất... Âm thầm đứng vậy nhiều năm, các cô tôi mới có người đánh tiếng. Một chàng trai bên phố huyện sang. Trước ngày dạm ngõ, ông bà tôi xì xầm bàn bạc đến nửa đêm... Đoàn khách vào nhà. Cô Hai bịt khăn kín mít, chỉ hở hai ánh mắt long lanh bước ra rót nước, mời trầu. Một bà cô họ trai tếu táo cố ý vạch tấm khăn của cô. Chàng trai thoáng nhìn thấy gương trăng trắng trẻo và thân hình thon thả khuất nhanh sau cánh cửa buồng, xem chừng mừng ra mặt. Đám dạm hỏi diễn ra chóng vánh.

 

Làng quê tôi có tục cưới đêm. Tất cả mọi thủ tục lễ nghi thách cưới, đón dâu đều diễn ra vào ban đêm, buổi gà gáy giờ Tý, giờ Dần. Nhà gái chong đèn chờ thâu đêm. Nhà trai đội lễ vật chạm đầu ngõ, bắn pháo đoành đoạch, mới lục tục đứng dậy mời khách... Hôm cưới, cô tôi trùm khăn nhiễu đỏ kín đầu, bước thong thả, yểu điệu theo sau chú rể khăn xếp, áo the. Đoàn rước dâu xuống đò trong ánh đuốc bập bùng. Tôi đứng trên bờ gọi vói theo: -Cô Hai ơi... Hôm nao lại về chơi với cháu nhá!... Vậy là cô Hai tôi đã ra ngõ trước để về nhà chồng! Còn cô Cả tôi không biết đến bao giờ? Nghĩ thương cô quá!... Lúc quay vào trong nhà, tôi giật mình, ớ ra: Ôi! Cô Hai! Cháu tưởng cô đi... Bỗng một bàn tay cụp chặt miệng tôi: Im! Trẻ con biết gì? Ông tôi đứng dậy, lừ mắt: Cu Kỳ! Đi ngủ ngay! Mẹ tôi dưới bếp hốt hoảng chạy lên dắt tôi vào buồng thì thào: -Phải mừng cho cô Cả chứ con!...

 

Thì ra cô Cả xấu xí của tôi đã được đánh tráo thay vào nốt cô Hai!

Nhưng sự đời thật trớ trêu! Cô Cả tôi xấu xí lại được nhà chồng thương hại,  được chồng yêu chiều và về sau con cái đề huề. Ngược lại, cô Hai tôi hồng nhan bạc phận! Chồng cô, con ông lý trưởng làng dưới, là một gã dài lưng tốn vải, ham mê cờ bạc, ăn chơi phóng đãng. Ngớt cờ bạc là nằm lỳ ôm vợ suốt ngày. Khi nào gã nới tay, cô mới được ngồi dậy ra ngoài... Chả hiểu do cái thói dâm dục vô độ hay những trận đòn vũ phu sau những canh trắng túi của gã mà cô tôi ngã bệnh mối mòn, đẻ lần nào con cũng chết từ trong thai? Cô tính chuỵện bỏ về. Nhưng ông tôi trỏ thẳng ngón tay: -Con gái gả bán, sống chết làm ma nhà người! Bà tôi gạt nước mắt: -Số sao chịu vậy con ơi!... Đã không gặp chồng, lại chẳng được con. Giữa chừng xuân, cô tôi nhắm mắt, mang cái đẹp một thuở ra đi...

 

-Này chú! Ngủ à? Ông bạn đồng hành chợt vỗ vai tôi: -Lớn lên, mỗi lần ngày giỗ cô Hai, tôi cứ nghĩ giá như hồi trước đừng có cuộc đánh tráo cô! Cải cách ruộng đất. Ông bà nội tôi bị qui địa chủ, vì nhiều ruộng và trâu mộng. Lão Diến thừa cơ kéo cả ổ ra sân đình xúm vào đấu tố, xỉa xói ông bà tôi: “Bao nhiêu năm nay chúng mày giàu nứt đố đổ vách, đè nén bóc lột bần cố nông chúng tao!” Trong thâm tâm đứa trẻ tám, chín tuổi, tôi nghĩ: “Đồ vu oan giá hoạ!” Ông bà tôi có trêu ghẹo gì bên ấy? Thậm chí cũng chả biết cái sân nhà họ đầu cua tai nheo thế nào!... Mãi sau, được sửa sai thì ông tôi vì uất quá mà lâm bệnh, qua đời. Ruộng sâu trâu nái của ông bà và các cô tôi sắm được đã tản mát gần hết vào thiên hạ. Cái sập gụ cũng bị đám con cháu lão Diến khiêng ra ngõ. Nhưng chắc nặng quá hoặc không xếp vào đâu được trong túp nhà gianh lụp xụp của họ, nên bỏ lại...

 

Con mọt đêm đêm nghiến ken két trên mảng gỗ vì thuận như xoáy vào cái nghèo ở đâu úp xuống. Lại thêm cơn bão tháng tám năm Ất Mùi thổi tốc mái nhà. Không còn cách nào khác, cha tôi đành tháo cái cổng ngõ lim, xẻ lấy gỗ làm cầu phong di tô để sửa lại. Cổng ngõ gài tạm liếp tre gai. Khi nếp làm ăn hồi lại, cha tôi mượn thợ xây ngõ mới và sang phố huyện đặt mua hai cánh cổng sắt về lắp vào trụ xi măng với ổ khoá đồng ôm hai đầu sợi dây xích. Ngắm cổng ngõ đồ sộ, kiên cố, cha tôi tỏ vẻ hài lòng: Phải kín cổng cao tường, mới giữ được hoa trái, con lợn con gà!... Từ bấy, có lệnh cha, ngõ mới được phép mở. Mỗi lần mở là mỗi lần chuỗi xích sắt đổ loảng xoảng, nghe buốt óc. Con chó lai trong cũi xồ lên như một gã nhạc trưởng khích động cả lũ chó hàng xóm chõ sang sủa điếc tai át cả tiếng con vẹt trong chiếc lồng sơn trắng hót liên hồi kỳ trận: Nhà có khách! Nhà có khách!...

 

Mảnh vườn trước cửa, cha tôi trồng thêm nhiều cây ăn quả. Nhưng bấy giờ còn ít chợ, hạt gạo quí hơn hạt ngọc, ít người tiêu dùng hoa trái. Nên hoa trái chín đầy vườn mà chẳng bán được cho ai. Chỉ khi được cha sai đem biếu các ông bà, chú bác, hay những giờ đi học, những lúc dắt trâu cho mẹ, anh em chúng tôi mới được dịp ra ngoài tung tăng trên đường làng, trên những bờ cỏ ven ruộng lúa. Còn cả ngày, chúng tôi chỉ quanh quẩn với con mèo tam thể hoặc thả những cánh diều giấy trong mảnh sân. Những đám mây trắng xốp như bông bay qua. Những cánh buồm ngoài cửa sông lúc ẩn lúc hiện. Khi con nước lên ròng, những cánh buồm như lướt nổi trên mặt đê. Chúng tôi càng khát khao cháy bỏng. Tôi muốn vươn tay nắm bắt lấy những cánh buồm mang về thả vào chiếc ao con nhà mình để nhìn cho thoả thích. Tôi từng mơ những cánh buồm ngợp trên con thuyền cập bờ ao đón chúng tôi ra với dòng sông, ra với đại dương xanh biếc. Ngoài xa đó chắc sẽ rất nhiều những hòn đảo, những toà lâu đài nguy nga, những cỗ xe ngựa với những chàng kỵ sĩ đeo gươm chói sáng như trong những câu chuyện cổ tích?

Bọn thằng Bấu cháu lão Diến, bọn thằng Chỉ, cái Vân... thỉnh thoảng lại thập thò ngách tường vẫy rủ tôi trốn ra ngoài đi chơi. Nhưng tôi không dám. Mẹ tôi hiền lành, nhu mì, gần như đần dại. Thực ra là bà nhịn nhục. Trong tay mẹ, mảnh ruộng phần trăm hợp tác xã chia cho vẫn mùa nào rau ấy. Cuối vụ gặt hái, mẹ vẫn đều đặn được cân hàng tạ thóc ngoài sân kho và còn được thưởng chiếc nón, chiếc khăn tay. Cả ngày mẹ lặn lội ngoài đồng và lủi thủi trong bếp. Tôi thường bắt gặp mẹ lau khoé mắt đỏ hoe. Còn cha tôi, kế thừa tính nghiêm khắc của ông nội tôi, nhưng không được uyên thâm như ông. Có lẽ cha tôi oán hận đám nhà hàng xóm đem lòng đổi trắng thay đen? Giận cá chém thớt, ông đâm khó tính, bẳn gắt và rất lắm lời với vợ con. Cha đầy vẻ cao ngạo, gia trưởng, ki bo và nóng nảy. Cha vặn từng đồng bán rau, đếm từng hào mua cá. Bữa nào có miếng thịt lợn, tự cha xào nấu, xong nhanh nhảu đạy vung kín lại như sợ mùi hành mỡ thơm ra ngoài. Ai đến nhà, cha cũng nghi ngờ từng bước chân. Khi đóng ngõ, cha còn day day ổ khoá xem đã vào chưa. Có tiếng gọi khẽ, cha chỉ liếc mắt, quát một tiếng là bọn trẻ và chị em chúng tôi đã thụt hết cả cổ lại.

Một hôm, cha đi đám giỗ bên La Khê, dặn mẹ con tôi trông nom cửa nhà cẩn thận. Tôi mừng rơn. Mẹ và chị ra đồng. Tôi liền đánh bạo trèo qua cổng ngõ. Khi nhảy xuống, tôi ngã chúi va mặt đánh rầm vào cánh cổng. Tại cái gấu quần mắc phải mũi sắt nhọn! Tôi bị treo lơ lửng hồi lâu mới gỡ ra được. Hú vía, tôi chạy hoà vào lũ trẻ chăn trâu đang đánh khăng, tập trận... hét ầm vang trên đám ruộng ven làng. Tôi thả sức bay nhảy, gào toáng lên tưởng vỡ lồng ngực của cái tuổi vào thì tấp tểnh. Đang vui, thằng Bấu trêu tôi: -Này! Thằng cháu địa chủ nấp đũng quần bố! Mày không về à? Cơ này ngõ nhà mày khoá rồi. Sẵn đít ra mà ăn lươn...

Tự ái và mất hứng. Tôi vênh mặt thách thức: -Còn hơn bọn ăn cắp vặt! Một cuộc cãi cọ kịch liệt nổ ra. Tôi gân cổ đấu khẩu với chúng. Toàn những đứa không vừa. Chỉ có cái Vân là lặng im ra chiều muốn bênh tôi. Vì ghét người lớn nhà tôi mà chúng ghét lây cả tôi? Tôi không chịu thua. Cuối cùng cuộc khẩu chiến phải kết thúc bằng một trận đánh vật lộn mù giữa tôi với thằng Bấu, thằng Đa dai mồm như đỉa đói. Và sau bữa ấy, y rằng tôi bị ăn một trận roi tre của cha. Tôi cắn răng và căng mông lên chịu đựng. Ngoài ngõ, chúng nó vỗ tay reo ầm ĩ. Nhưng chiếc roi tre chẳng làm nhụt chí một thằng bé mười ba, mười bốn tuổi ngồi đâu cũng thấy kiến cắn! Tôi lại chờ hễ cha đi vắng là trốn ra ngoài cánh ngõ, trôi miết theo những cuộc rong chơi khi một chốc, lúc tối ngày. Tôi mang theo cả sách. Được cái sáng dạ. Chỉ chớp nhoáng tôi đã học thuộc lòng. Chơi xong tôi tếch đến trường luôn. Mặt mũi nhem nhuốc bụi cát vừa học vừa ngủ gà ngủ gật theo nhịp gõ thước của thầy trên bảng. Lắm bận mải chơi, ngập tối tôi mới mò về. Tôi lẻn bò vào nhà ngang, đến cái cối xay lục được bát cơm đạy lá chuối do mẹ giấu dưới mẹt thóc lép cho tôi. Cơm vừa khỏi miệng, cơn buồn ngủ đã kéo tôi gục tại chỗ...

Bọn thằng Bấu dám cả gan nhiều lần bày trò đánh bẫy ở ngõ nhà tôi. Chúng dùng lúc sợi dây chuối mỏng mảnh treo hòn gạch, lúc gài chùm gai bàn tay ngay mái ngõ... Mở ngõ, chúng tôi vô ý, liền bị hòn gạch đập vào trán đau điếng hoặc suýt va mặt vào chùm gai. Sởn cả da gà. Cha tôi cũng từng bị một cú xéo phải bãi phân bậy đúng chỗ đặt bàn chân đứng mở cổng! Chắc lại chỉ thằng Bấu nhảy sang? Cha chửi. Tôi nghe rõ tiếng huýt sáo phởn chí bên nhà nó...

Thế rồi, lần ấy trên bờ mương, tôi và bọn trẻ đang xoay trần dô đất sét nặn bụt thờ vua, thì cái Vân gọi toáng lên: -Kỳ ơi! Cha mày! Tôi giật bắn mình. Thấy cha tôi giấu chiếc roi tre đằng sau với nét mặt lạnh tăm đang bước tới rất nhanh, tôi ù té, chạy thục mạng về phía bến đò. Cái Vân vơ vội đám khăn áo, chạy tắt đón đường ấn vào tay tôi. Tôi kịp thấy ánh mắt nó nhìn tôi đầy vẻ thương hại. Và sao lúc ấy nó lại đẹp làm vậy? Tiếng cha còn đuổi dọc bờ sông: - Kỳ ơi! Mày có đi được mãi không? Cấm mày đánh đôi đánh lứa với lũ con nhà điêu toa!... Sợ quá, tôi nhảy đại xuống một chiếc đò vừa chống sào khỏi bến. Đò ra giữa sông thì cha tôi lao đến mép nước. Ngọn roi tre quất ngoăn ngoắt vào gió nắng: -Muốn sống về ngay Kỳ ơi... ơi! Tiếng ông rơi lõng sõng trên mặt sông...

Tôi bước sang một thế giới lạ lẫm của phố huyện. Người, xe như mắc cửi. Nhà nhà tầng thấp tầng cao. Cửa hàng cửa hiệu la liệt. Tiếng rao lảnh lói đó đây. Ngửa cổ ngắm nhìn mọi thứ không biết chán, tôi lang thang hết chỗ này chỗ kia trên những vỉa hè vàng vọt ánh đèn điện. Bụng đói cồn cào. Tôi gục xuống cạnh một bệ chân cột đèn và ngủ quên lúc nào không hay! Nửa đêm tôi choàng tỉnh dậy. Dụi mắt, thấy mình nằm trên một chiếc giường con bằng sắt. Hai người chủ nhà chắc chắn là vợ chồng đang đóng cửa, thu dọn những sạp hàng. Thấy tôi thức giấc, họ quay lại. Cái nhìn có vẻ thiện cảm. Nhưng tôi vẫn run sợ. Bỗng tôi oà khóc: Đây là đâu bác ơi! Bác cho cháu về nhà đi... Họ dỗ dành tôi: -Nín đi... nín đi... Cháu ở đâu?

-Cháu ở làng Đông... ở Hà Nam... Cháu bị cha đuổi đánh đòn...

-Ôi Hà Nam cơ à? Xa lắm cháu ơi! Đây là Hải Phòng! Cháu bị lạc xa lắm rồi! Ta cũng chỉ nghe nói Hà Nam bên kia sông, những hai con sông lớn. Chứ chưa tới đó bao giờ! Thôi cháu cứ ăn cơm đã. Mọi việc tính sau. Hay cháu ở đây luôn với vợ chồng ta? Vợ chồng ta không có con cái gì. Nên rất cần con cho vui cửa vui nhà. Ta sẽ nhận con... sẽ nuôi con! Được không? Tôi càng khóc quật quã hơn:

-Không! Nhà cháu ở bên cánh đồng, có cái cổng ngõ to bằng sắt. Cạnh nhà cái Vân, thằng Bấu... Cháu bắt đền... Cho cháu về nhà cơ.... Kẻo cha cháu đánh chết...

Sau tôi mới biết đấy là hai vợ chồng buôn bán hàng tạp hoá. Tối hôm ấy, xe tải của họ chở hàng từ Hải Phòng sang. Thấy tôi nằm ngủ còng khoeo dưới chân cột đèn, muỗi bám đầy mặt, họ đã hếu háo xem con cái nhà ai lại đêm hôm vật vạ thế này? Trông ngữ không phải trẻ con hàng phố. Chắc nó ở đâu lạc đến? Đợi lâu không ai thừa nhận, họ bế tôi lên ca bin trong cơn ngủ say mèm, oặt ẹo...

 

Ông Kỳ mở hành lý lấy một quyển an bum giở ra những tấm ảnh cho tôi xem. Tôi lật nhanh qua mấy tấm. Đây là tấm chụp ông đang sờ tay vào những thanh sắt han rỉ của một cánh cổng ngõ. Nhiều thanh đã mòn gần như sắp đứt đến nơi thành những đoạn sắt nhọn hoắt tựa mũi đinh. Trông có vẻ quen quen. Nhà nào chẳng phải có cái cổng ngõ để bọc giữ lấy gia thất và mọi sinh hoạt đời thường? Bên trong cái cổng ngõ là cả một cốt cách, cuộc sống và những số phận của thế giới tồn tại dòng dõi, giống nòi. Hoá ra chuyện ông chỉ xoay quanh cái cổng ngõ. Cái cổng ngõ nhà ông, với ông nó đặc biệt khắc khoải đến vậy ư? Giọng ông vẫn rủ rỉ theo nhịp tàu lắc nhẹ:

 

-Đận ấy, tôi theo vợ chồng ông bà xe tải chạy hàng hết Hải Phòng, Hà Nội, lại Cao Bằng, Yên Bái, Sơn La... Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nam Bắc thông thương, chúng tôi vào Sài Gòn, lên Tây Nguyên, lại xuống Vũng Tàu, ra Huế... Thằng bé nhà quê đã nguôi nỗi nhớ nhà, đã quen dần những chuyến buôn bán đường dài khi tre gỗ, sắt thép phế thải, lúc hàng tạp hoá, lương thực. Cả trầm hương, động vật hoang dã, thời đó còn kẽ hở, không ai nghĩ tới, nên thu gom được rất nhiều và lãi to... Từ một đứa trẻ lạc nhà làm con nuôi ông bà chủ, tôi thành một chàng trai khôi ngô, chịu khó và sành sỏi mọi lẽ buôn bán giao thương. Ông bà chủ là người tinh đời và vô cùng tốt bụng. Thuở trẻ, bà cũng đẻ được một đứa con trai. Lọt lòng mấy ngày thì nó bị “mở khoá đầu”, khóc thét lên và chết trên tay mẹ. Từ đó tự dưng bà không có chửa nữa. Nhặt được tôi họ mừng lắm, yêu quí như con ruột. Họ không muốn buông tôi. Họ là cha mẹ nuôi tôn kính của tôi suốt quãng thời gian tôi sống không cha không mẹ, không một người thân thích.

 

Chục năm sau đó, tôi có một tổ ấm gia đình vợ đẹp con khôn. Cha mẹ nuôi qua đời để lại cho chúng tôi một khoản vốn kha khá. Vợ chồng tôi tiếp tục nhân lên. Ma lực của đồng tiền, tiếng gọi của giàu có đã cuốn hút tôi trên những chặng đường. Tiếp xúc với nhiều hạng người, tôi học được nhiều kinh nghiệm sống và cả cách chịu nhục... để vươn tới đích giàu có nhanh hơn. Tôi từng ngồi tù vì bị thằng cha kế toán một công ty lừa dính vào vụ tiêu thụ xi măng ăn bớt của một công trình xây dựng thuỷ nông. Tôi từng thập tử nhất sinh trong một chuyến áp tải hàng, xe bị đổ trên một con đèo ở Kon Tum, may có những người bà con dân tộc cứu sống. Tôi đã từng nằm trên đỉnh sang trọng, xa hoa, được các quan chức, các bạn hàng trọng đãi nồng hậu sau những chuyến làm ăn thông đồng bén giọt, thu lợi kếch sù. Nào thứ ngon vật lạ, nào gái đẹp cùng những tấm vé du lịch nước ngoài... Nhưng qua trường đời, ngoái lại, tôi sớm ngộ ra rằng: Đấy chỉ là những áng phù vân! Ta như con chim bay cao mà không nhớ cái ổ trứng nở ra mình ở nơi nào trên mặt đất! Chú tin không? Tôi đã vượt qua được mọi sự cám dỗ. Tôi biết đứng dậy giữa bữa tiệc đang vui, tự mình rút khỏi cái không gian huyên náo, tâng bốc đủ sắc màu. Dần dà qua báo chí, tôi hình dung được hình bóng quê hương. Đấy là một vùng làng đảo bên sông Bạch Đằng. Nơi đó, đầu xuân có lễ hội Rước Người. Hồi nhỏ tôi chỉ nghe tiếng trống khẩu, tiếng sênh nhạc từ xa vọng lại. Chứ đâu được ra khỏi cổng ngõ để xem. Tôi mường tượng ra cả cái cổng ngõ tôi từng bị treo lơ lửng...

 

Khoảnh khắc dại dột của đứa trẻ ham chơi đã đẩy trôi vèo hơn ba chục năm trời. Tôi tưởng mình mất gốc. Năm ấy, lần thứ nhất, tôi đã tìm được cố hương để trở về. Làng quê, xóm ngõ thay đổi nhiều quá. Cha mẹ tôi đã hoá người thiên cổ. Lần đầu tiên trong đời tôi được biết lễ hội Rước Người, được xem những cụ già tám mươi tuổi mặc áo Thọ đỏ do con cháu nghênh rước trên võng đào lên Miếu Tiên Công. Tôi được ngắm những cô gái đồng trinh trong hội cờ Người! Nửa cuộc đời tôi mới hiểu ngay quê mình thôi đã có bao phong tục, bao nét đẹp văn hoá đến tuyệt vời! Tôi được chiêm ngưỡng những ngôi đình cổ còn sót lại, được thấy trai thanh nữ tú quê mình đâu kém mọi nơi.

 

Qua những câu chuyện của bà con thôn xóm, tôi được biết cha tôi khi còn sống ngày càng nghiệt ngã. Sau trận tôi bỏ đi, ông điên khùng đổ hết cơn giận dữ “con hư tại mẹ...” lên đầu mẹ tôi và các chị em tôi. Thằng Thi, em dưới tôi trốn nhà đi thanh niên xung phong, sau nhập ngũ vào miền Nam chiến đấu, đã hy sinh. Dạo đó đói kém lắm, cả làng đua nhau mua nồi nhôm đúc bằng xác máy bay Mỹ để bung ngô, bung mộc mạch ăn trừ bữa. Thằng Hoạ theo bạn bám “tàu tây” ăn trộm bột mỳ bị bắt, tù mất mấy năm. Các chị em tôi người lên miền ngược đi vùng kinh tế mới, kẻ bí mật xuống thuyền vượt biển ra nước ngoài. Sáu chị em tôi mỗi người một nơi như những hạt cây phát tán vào cơn lốc cuộc đời. Đau nhất là con Tấm, em gái út, lớn lên xinh đẹp không kém cô Hai ngày trước. Lại học giỏi. Nhưng một lần cha bắt được nó viết thư cho bạn giai cùng lớp, chưa kịp gửi. Ông trói nó tra khảo, cấm ngặt sinh hoạt đoàn thể và tối đến không được ra khỏi nhà. Con gái phải giữ tiết hạnh! Thậm chí em tốt nghiệp cấp ba, cha không cho thi đại học: Lắm chữ khó trị! Cổng ngõ kín bưng, tường cao giậu thẳm thế mà Tấm có chửa lúc nào không biết. Cha tôi, nhất là mẹ tôi đau chết giấc. Đang bàng hoàng thì may có người làm mối em cho một tay chuyên buôn đồ cổ bên Thuỷ Nguyên. Cưới cheo qua quít. Xong việc, cha mẹ tôi và Tấm mới biết mắc hợm. Thằng chồng Sở Khanh đã lừa tới ba, bốn cô gái. Cô nào cũng đang mang thai hoặc sắp đẻ với hắn, kéo đến ăn vạ. Nó bảo nấng Tấm chẳng qua vì bông hoa đẹp. Đem về để hưởng mùi đời. Đẻ xong, đem con giả thằng nào thì giả! Phẫn thân, Tấm nhảy xuống sông Bến Rừng tự vẫn. Công nhân bến phà cứu được. Người làng đi lễ chùa trên Đông Triều từng gặp em khoác áo nâu sồng lang thang khất thực. Tôi đã cất công tìm em và nhắn tin trên đài phát thanh truyền hình, vẫn chưa thấy hồi âm...

 

Nghĩ buồn quá! Mấy thằng bạn quỉ sứ thời để chỏm, cũng chẳng gặp được thằng nào. Cô bé Vân hay giấu những miếng bánh đúc qua ngách tường, rồi ôm đám khăn áo cho tôi hôm tôi bị cha đuổi, mỗi lần hỏi thăm là mỗi lần thất vọng. Nghe đâu Vân giờ là một doanh nhân trong thành phố Hồ Chí Minh. Đợt này thế nào tôi cũng cố tìm bà ấy. Không biết có còn nhận ra nhau? Chú ạ! Giây phút đầu tiên về vịn vào cánh ngõ đen nhẻm, tôi chết lặng trước cảnh hoang toàng, trước buổi chiều đầy nỗi cô liêu. Ngôi nhà cổ dày bụi và rêu phong trên ngói, trên những mảng tường tróc lở. Thằng Toàn, con chú Hoạ em tôi, ở lại trông nom cơ nghiệp tiếng cả nhà không này, mãi chưa ngẩng đầu lên được bởi cái nghèo đói thời ăn công chấm điểm đeo bám. Tận đến lúc khoán ruộng, rồi cơ chế mới bung ra, xung quanh xóm láng người ta xây nhà cao cửa rộng, tầng nọ tầng kia mà ngôi nhà cổ cùng cái ngõ cũ kỹ vẫn cố thủ trong không gian vườn tược cỏ lan nham nhở. Khu đất nhà tôi chẳng khác gì một lũng sẹo trên cơ thể làng ngồn ngộn vươn lên! Khi tôi hỏi văn tự đất nhà ta đâu, thằng Toàn ngớ như người cõi khác: -Làm gì có hở bác? Hòm sắc trên bàn thờ cháu thấy rỗng không!... Miệt mài bờ sông bãi sú kiếm sống, cha chết không bằng hết bữa, chúng chẳng thiết gì đến đất đai nhà cửa. Đám trẻ ở nhà như bầy chó con tự nấu, tự ăn, tự học, tự quản lấy nhau. Cái nền nếp bao đời của ông cha tôi tạo dựng tự dưng tuột lỏng, quên lãng. Quá khứ như một chiếc khăn gấm bị chuột gặm bỏ dưới đáy hòm...

- Cây thị, cây khế cạnh hàng rào nhà bếp ra ngõ đâu rồi? Tôi hỏi Toàn.

- Hàng xóm họ xê rào dịch giậu, nay một ly, mai một tấc. Trốc gốc thì làm sao sống nổi, hở bác? Hai cây chết đứng! Lâu ngày mất lay, họ nhận làm đất của họ. Bên ông Bấu đấy! Bác xem lối cũ ra ngõ bỗng ngoặt ngoẹo thế này. Với lại, người chẳng thấy đâu, thiết gì miếng đất?...

 

Chao ôi! Cái giậu râm bụt cha tôi xén tỉa công phu thế mà biến mất. Cay xè khoé mắt. Tôi nhớ ra: -Phải rồi, bên ấy là nhà thằng Bấu, cái thằng hay gây sự, túm áo đánh vật với bác ngày xưa. Ông ta còn không?

- Ông ấy chết vì lao phổi, trước bố cháu một năm. Khi còn sống bố cháu kể: “Chính ông Bấu làm cô Tấm nhà ta có chửa, nên cô mới bị thiệt đời!” Tôi choáng váng, muốn ngã. Thằng Toàn lại tiếp: -Anh Bào, con lớn ông ấy từng làm chủ tịch xã. To béo lắm! Mấy năm trước anh ấy bán nhà đất cho anh Hưng, lãi mấy chục cây vàng, rồi bỗng nhiên mua nhà tầng bên phố huyện cho hợp với điều kiện công tác! Cháu thấy người làng bảo: Thực chất đấy chỉ là lén chạy một án kỷ luật dính líu vụ đấu thầu đầm thuỷ sản và để tìm cách mưu cầu cơ hội thăng tiến! Y như rằng! Sang huyện một thời gian, anh Bào được lên tỉnh làm cán bộ Sở Nông Nghiệp. Vận đỏ. Trên lại điều ra một huyện gì đó ngoài miền Đông, giờ đang nghiễm nhiên ghế phó chủ tịch huyện rồi!...

- Chú cho tôi xin lại quyển anbum! Ông Kỳ lấy chai nước Lavi rót ra hai cái cốc nhựa: -Uống một ly chú. Lâu nay tôi bỏ rượu bia, chỉ dùng thứ này. Đời vẫn thường xảy ra cảnh “giậu ngã bìm leo, chó ỉa dập”. Vả lại... chú ơi! Ai lường được chữ ngờ? “Dấu ấn lịch sử” đã rồi! Giờ biết làm sao? Trách họ ư? Trách cha tôi ư? Múa gậy trong bị. Cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì! Những gì đã mất thì ta nên cho qua. Những gì còn lại thì ta cố giữ và làm nó tốt lên!... Tôi nhắc cháu Toàn: “Tình làng xóm, quê hương mới là thứ cần mua lại!” Ngẫm kỹ mình cũng có tội với ông bà, cha mẹ, với chị em, với chính cái cổng ngõ han rỉ kia. Nơi xa, may rủi và phú quí đã gieo khắp người tôi. Nhưng tôi thiếu một thứ khác. Đó là danh giá gia đình tôi! Sao tôi lại có thể dửng dưng quay gót, trốn bỏ?

 

Chuyến đó, tôi bàn với Toàn và quyết định đầu tư cho vợ chồng nó một khoản tiền tu bổ lại ngôi nhà nhưng vẫn giữ nguyên dáng cổ kính để thờ phụng tổ tiên và giúp nó ít vốn làm ăn. Con nó cháu tôi phải được ăn học đến nơi đến chốn. Ban đầu nó tưởng tôi về lo đoạt lại cơ nghiệp hương hoả, vì lý do đơn giản: “Bác là cháu đích tôn của ông bà, là trai trưởng của gia đình!” Tôi nhìn thẳng vào mắt nó:

- Bác giao ngọn cờ này cho cháu. Bác phải về phương Nam, không thể ở quê được. Vì còn cơ ngơi và sự nghiệp các anh các chị cháu trong Sài Gòn, Đà Lạt đang dang dở. Bác chỉ muốn giúp cháu vực cơ đồ gia ổ nhà ta lên. Phải cố gắng. Phải đổi mới cháu ạ! Thế hệ anh em chúng bay phải phát triển chứ! Nhưng dù sao cũng phải tự mình là chính. Người Trung Quốc có câu: “Giúp nhau không quá ba lần !”

Ông Kỳ chợt hỏi tôi thăm dò:

- Theo chú, tôi nói vậy có quá nghiệt ngã với các cháu không? Tôi sợ vô tình dẫm lên dấu chân cha tôi...

- Nhưng cháu ông đã biết làm ăn?...

-Rất mừng, mọi sự không chê vào đâu được! Đang bế tắc, con người ta được tiếp sức, chẳng khác gì bếp than ủ qua đêm, mở cửa ra gặp không khí là bùng ngọn lửa lên ngay. Chung qui cũng tại cái nghèo, cái lạc hậu “chân tay trói mình mẩy” bấy lâu... Chục năm nữa trôi qua. Đời người nhanh quá chú nhỉ? Ông Kỳ nói như thảng thốt, nhưng đầy vẻ vui mừng: -Lần thứ hai tôi về, là lần này đây, hai tháng liền ở lại chơi. Toàn đã dành vốn làm đầm thuỷ sản, trúng liền mấy vụ tôm. Vợ chồng có chí. Đã xây được toà cao tầng ngay bên cạnh ngôi nhà cổ.

-Thế cái ngõ?

- Khác chỗ cũ! Cái cổng ngõ xưa trong bức ảnh lúc nãy chú xem có cánh sắt bị mòn nhọn hoắt đấy, đã được chuyển chỗ, xây lại rộng rãi, hướng thẳng ra đường làng đổ bê tông có cây cầu mới bắc qua sông sang phố huyện. Xe taxi vào được tận sân. Thằng cháu này thông minh, cẩn thận và khéo lo xa đáo để. Nó bảo: Theo dự án của tỉnh, vùng quê mình sẽ phát triển du lịch sinh thái. Khách về đây sẽ rất đông. Trong trào lưu làng hoá phố, đất đai thu hẹp, nhà nhà sít hộp vào nhau, rất cần chỗ gửi xe. Cháu xây luôn tầng dưới làm ga ra để các loại xe cùng vào được. Hiện giờ chưa sử dụng cháu cứ buôn chậu hoa cây cảnh và mở đại lý dịch vụ thức ăn, thuốc phòng dịch nuôi tôm đã! Tôi thấy mà mừng thầm. Mừng hơn nữa, chị Cầm tôi từ Anh quốc đã bắt được liên lạc với cháu Toàn, hẹn cuối năm nay sẽ đưa chồng con về thăm quê hương. Vợ thằng Toàn đi xem chân gà, hớn hở khoe: “Bác ơi! Ông thầy nói nhà ta có mộ cụ Tổ tứ đại đang kết. Con cháu trong gia ổ đang phát tài sinh lộc”. “Ừ! Có thể lắm. Đến hồi tái lai cháu ạ!”...

 

Hằng ngày, đứng trên ban công nhìn xuống cánh đồng lúa chín vàng rực từ đầu làng đến tận chân đê, lòng tôi tràn trề xúc cảm. Cổng ngõ mở toang. Những làn gió từ cửa sông, ngoài cánh đồng thổi vào mát rượi. Khách xa bạn gần đến mua bán, giao lưu đông đúc. Trẻ hàng xóm và bạn học trò của các cháu ríu rít kéo nhau vào xem bể non bộ do Toàn tạo dáng như một vịnh Hạ Long thu nhỏ. Chúng trầm trồ thích chí những hình non thế núi có chú tiều phu gánh củi, có ông Lã Vọng ngồi câu... Thú quê thuần hức. Chỉ một chút nữa, mải mê những cuộc làm giàu lan man, có thể tôi sẽ quên và không bao giờ tìm lại được!

 

Riêng tôi, người đồng hành với ông, khi tỏ tường câu chuyện, tôi bắt đầu  hiểu tâm sự và lòng cao thượng của ông. Tình thực, lúc ấy, bỗng rân rân một cảm giác xấu hổ và bị ám ảnh bởi những thân phận, những người đàn bà sau cánh ngõ nhà ông. Về cuối, tôi lặng lẽ nh­ư chiếc catxet chỉ còn bộ ghi...

 

Tôi nhìn trộm ông. Người tôi co rúm như con sâu róm đang bò chợt va phải ánh sáng loá mắt. Ông thật đàng hoàng, đĩnh đạc. Cuộc đời thật kỳ lạ! Ông không thể ngờ cạnh ông lại là người chung một bờ giậu, tuy khác ngõ với ông! Tôi là tay chủ tịch xã, từng ngấm ngầm để vợ con lấn lát đến nỗi cây thị, cây khế nhà ông tồn tại mấy đời người bị chết đứng! Rồi hợp lý hoá thẻo đất bên ấy vào đất nhà tôi... Tôi từng bán nhà lên huyện, chạy cái án kỷ luật... Tôi là tay phó chủ tịch cái huyện miền Đông ấy đây. Tôi chính là con trai ông Bấu-con cháu nhà hàng xóm của ông đây!.../.

 

Dương Phượng Toại
Số lần đọc: 1684
Ngày đăng: 18.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một chuyện có thật chẳng ai tin - Từ Nguyên Thạch
Mái ấm - Phan Bích Thủy
Tôi cưới vợ - Trọng Huân
Chương trình Operation baby lift - Đỗ Ngọc Thạch
Chuyện ở một ngôi trường - Mang Viên Long
San hô - Khôi Vũ
Đất buồn - Hồ Việt Khuê
Người thứ ba hảo tâm - Đỗ Mai Quyên
Một thời hạnh phúc, Một đời quạnh hiu - Thụy Vi
Lãnh Tân Châu - Nguyễn Đình Phư
Cùng một tác giả
Bóc lại màn đêm (truyện ngắn)
Trăng cuối đông (truyện ngắn)
Người bán bún (truyện ngắn)
Vàng (truyện ngắn)
Bụi tre xanh (truyện ngắn)
Chênh vênh vực thẳm (truyện ngắn)
Cái cổng ngõ (truyện ngắn)
Mối tình xa cách (truyện ngắn)