Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
832
116.681.092
 
Giấc mơ chim
Bạch Lê Quang

1.

Khi tôi đến, mọi việc đã xong xuôi. Con bé nằm trên giường, bình yên như ngủ. Một giấc ngủ dài, mênh mông. Người ta nói, một cơ thể bình thường chỉ cần khoảng 10 viên Optalidon là đủ. Thục Vĩ dùng đến gấp đôi. 20 viên Optalidon cho một cô bé như Thục Vĩ thảo nào mọi việc nhanh và buồn, như một lằn chớp.

 

Cách đây mấy ngày, cây cỏ, căn phòng và tôi còn nghe tiếng đàn của Thục Vĩ. Bây giờ thì không. Trên chiếc dương cầm là một bình hoa pha lê. Nước còn trong nhưng bông hoa thì rũ. Thục Vĩ có lần nói với tôi, trong nhà để một bông hoa rũ là điềm dữ. Lúc ấy tôi cười và bây giờ tôi câm nín. Người ta nói, câm nín là một cách giấu che tâm trạng. Nhìn Thục Vĩ trong căn phòng tang tóc, tôi hoảng loạn. Sẽ chẳng bao giờ tôi còn được yên ổn… Trước mưa, trời đã có những dấu hiệu không lành. Tôi cứ ngỡ, mọi cái sẽ qua, dù buồn một chút.

 

Tôi tránh nhìn mẹ của Thục Vĩ. Điều tôi sợ nhất trong tang lễ không phải là người chết. Điều đáng sợ là nỗi đau của những người còn lại. Cái này thực hơn tất cả. Nó như mũi nhọn, xoay xoáy, nhức nhối. Tôi về cuối phòng khách, chỗ mà trước đó mấy ngày Thục Vĩ hay ngồi chơi đàn. Cửa sổ mở ra một giàn dạ hương rợp thẫm. Dạ hương trong mắt con bé là vẻ đẹp kín đáo của người nữ tu. Nhiều lần, tôi bật cười về sự ví von, triết lí của Thục Vĩ. Nghiệm ra, triết lí, sự trầm mặc, những ý nghĩ trước tuổi ở Thục Vĩ – một con bé không quá 12 tuổi đầu – là có lí do. Mời tôi đến dạy đàn cho Thục Vĩ, mẹ Vĩ nói riêng với tôi: “Cô bé cô đơn quá. Nó như một thứ cây đang lớn bị hãm trong chậu cảnh. Điều ước nguyện duy nhất của tôi là tránh bớt cho nó sự cô độc. Tôi nghĩ, học đàn, nó sẽ bớt phần nào…”

 

Không biết thời gian qua con bé có bớt phần nào không chứ bây giờ, đối với Thục Vĩ, mọi phiền muộn coi như chấm dứt. Chấm dứt, không mộng mị, vĩnh hằng.

Và còn lại, ở tôi nỗi dày vò, se sắt. Tôi tránh nhìn mẹ của Thục Vĩ một lần nữa.

 

2.

Người đàn bà ngồi đối diện với tôi. Phòng khách rộng, đầy ắp yên lặng. Trên tường, toàn bộ tranh là tĩnh vật. Tĩnh vật và sự yên lặng khơi gợi một cảm giác trống và thiếu. Cái trống thiếu một bàn tay đàn ông…

Người đàn bà đẩy ly nước về phía tôi. Bàn tay đầy đặn, thạch ngọc.

- Cậu giúp tôi có nghĩa là tạo cho nó sự thằng bằng, hòa nhập. Nó mất cha và bây giờ, mất luôn…

Người đàn bà ngừng nói, có tiếng la thất thanh của một đứa bé. Tôi ngần ngừ và lao theo khi nhớ lại tình cảnh con bé mà người đàn bà vừa kể.Tôi liên tưởng đến một tai nạn.

Con bé gục đầu bên thành cửa sổ. Mái tóc dài úp chụp, xòa phủ. Người đàn bà đã lấy lại vẻ bình tĩnh ban đầu. Bàn tay bà đặt hờ trên vai cô bé. Dường như, bà đã quá quen thuộc về tình trạng bất thường nầy của đứa con.

- Thục Vĩ…

Con bé vẫn gục đầu, yên lặng. Người đàn bà mời tôi trở lại phòng khách. Bà kể về tai nạn của Thục Vĩ. Tai nạn đã làm người chồng  không trở về. Và một thứ nữa… đôi chân Thục Vĩ.

Phải mất một thời gian dài con bé mới phần nào trở lại bình thường. Nhưng khép kín. Với Thục Vĩ, niềm vui thì quá ít ỏi. Mà cô đơn thì có thật. Có tiếng nấc nhẹ nơi người đàn bà.

- Chú nó ở Mỹ khuyên tôi nên cho nó học đàn. Cây đàn ấy là quà bên kia. Người ta chẳng mấy tin vào phép lạ, nhưng phép lạ thường bất ngờ…

 

Có tiếng động. Đó là Thục Vĩ. Tôi không nhìn lại phía sau. Tôi nhìn vào đôi mắt người đàn bà. Một chút nắng mai đậu bên thành cửa sổ trông ra một giàn dạ hương sắc đỏ, rợp thẫm. Tôi nói:

- Bác yên tâm, cháu sẽ cố gắng hết sức.

Ngôi nhà, ngoài tất cả, giờ đây có thêm tiếng đàn của Vĩ, từng ngày.

Những buổi mưa, con bé chẳng chịu học. Nó chống cằm nhìn ra cửa sổ, đôi mắt mờ đục. Chẳng làm gì, tôi ngồi nhớ Uyên của tôi. Những ngày dầm dề như thế này, nếu ở nhà tôi sẽ đợi Uyên. Tôi thích nhìn những sợi tóc mai thấm nước. Chúng vẽ thành những sợi chỉ đen mỏng mảnh, đơn lẻ trên khuôn mặt trắng xanh của Uyên. Rồi Uyên hát, ám nồng những ngày mưa Huế. Bạn bè thường đùa: Yêu sinh viên thanh nhạc thì… đỡ tốn tiền uống cà phê nghe nhạc…

- Chú ơi…

Tiếng gọi của Thục Vĩ. Tôi nhìn đồng hồ tay. Suy tưởng bị cắt đứt. Tôi nói:

- Còn 15 phút nữa. Thôi, đánh lại bài tập vừa rồi.

Con bé như không nghe tôi. Nó vẫn chống cằm hướng về phía mưa.

- Chú  ơi, chú có nghe mưa nói gì không?

- Có, chú nghe mưa nói: hãy quay lại, đánh cho xong bài tập và chấm dứt mưa.

Câu đùa của tôi rơi vào khoảng không. Dường như, đối với con bé, bây giờ tôi chỉ là một hình nhân. Con bé vẫn không quay lại, bất động và nói như với chính mình:

- Cháu nghe mưa rủ rê đi cùng. Cháu thích đi. Ở đây buồn quá. Một tháng trước, con chim sâu đã bị bắn chết. Vài phút nữa, chú về. Cháu muốn đi cùng mưa nhưng chẳng bao giờ cháu đi dược. Chẳng có ai giúp cháu cả. Mưa thì không.

Thế giới của Thục Vĩ là vậy. Đó là thế giới của chim và những cuộc dạo chơi bất thành, của mộng mị, lao xao…

- Mưa thì không đợi nhưng chú sẽ đợi cho đến lúc mẹ cháu về. Rồi cây nhãn sẽ đầy những con chim sâu khác trú ngụ, nhí nhách từng ngày…

Giọng Vĩ vẫn buồn:

- Những con chim sâu khác cũng sẽ bị bắn chết…

Tôi cất công giải thích với con bé. Rằng, chẳng bao giờ người ta phí sức rình rập chim sâu. Một tháng trước, chín mươi chín phần trăm cái chết của con chim kia là ngẫu nhiên. Có thể là một viên đạn lạc loài, vô tình. Rằng, trò chơi nào cũng sẽ chấm dứt. Tay thiện xạ nhà bên sẽ lớn, sẽ phung phí thời gian vào nhiều việc… và những con chim sẽ tiếp tục đời chim, bay nhảy và nhí nhách…

Thôi mưa. Con bé ngủ trong cái huyễn hoặc của ngôn ngữ, cái hóa thân trí trá của người lớn. Tôi thở phào, nhẹ nhõm. Một sự trí trá tồi, vụng về của tôi dù nhỏ sẽ làm những con chim sâu khác tiếp tục bị bắn chết. Có thể, trong khi ngủ, cuộc dạo chơi bất lực trong lúc thức của Vĩ sẽ bắt đầu.

Mẹ Vĩ đón tôi, thân thiết, trìu mến, như đón một người nhà. Tôi đến sớm, con bé còn ngủ

- Ít ra, tôi cảm nhận được một vài đổi thay nơi con bé…

Tôi nhìn bâng quơ về phía cuối phòng khách. Trong bình, một nụ hoa thắm nở.

- Có một điều may là con bé mê đàn. Nó thích học.

 

Người đàn bà gật đầu. Lâu lắm, tôi mới thấy một nụ cười, mỏng như khói, đậu trên khuôn mặt lặng lẽ của bà.

Bà chào tôi, đi. Thường, phần việc chăm sóc con bé trong một ngày là việc của A Xẩm. Người đàn bà giúp việc bị câm.

Tôi lại ngồi nhớ đến Uyên của tôi trong phòng khách lạ, đầy ắp sự im lặng. Im lặng đến nỗi hình như tôi nghe được tiếng rơi dịu của lá, những con thạch sùng già nua trên những bức tường cổ, tiếng lao xao của bức mành đại. Tôi thấy mình không phải dạo chơi cùng Uyên mà cùng với Thục Vĩ. Đá núi lao nhao, hỗn loạn. Chiếc xe lăn của Vĩ xóc xách, nghiêng. Đá núi cứa bàn chân tôi, chúng miết lên lòng chân những đường kẻ dài rướm máu. Tôi hỏi Thục Vĩ trong hơi thở: “Cháu có còn thích dạo chơi nữa không?” Nụ cười vẫn nở và đôi mắt con bé vẫn mở to. Tôi có cảm giác về một cô bé, một nàng công chúa ngủ quá lâu trong rừng, bây giờ, lần đầu thấy biển. Con bé quay lại, nụ cười vẫn nở: “Có chết cháu vẫn còn thích. Từ rất lâu, cháu đã mơ một ngày như thế này đây.” Và con bé hát, một bài hát mục đồng, tràn ngập tiếng chim, nắng, xanh biếc, lục hồng, cỏ non. Tiếng hát của con chim sâu, từ chối những hiểm nguy rình rập, vang động núi, trong trẻo như suối, vượt lên trên những vết rớm của đá tai mèo. Tiếng hát như một dòng sông khát chảy từ lâu, òa vỡ, hòa tan giữa vạn hoa âm thanh…

 

Tôi mơ làm đôi cánh

Bay mãi giữa muôn trùng

Phía biển thì xa

Phía núi thì gần…”

 

Tiếng hát đứt đoạn nửa chừng. Đứt đoạn như một cánh chim mải mê bay, quên rằng vách núi ở trước. Tôi chợt tỉnh. Giấc mơ chấm dứt. Chết thật, tôi ngủ quên từ lúc nào trong phòng khách của Thục Vĩ. Cuối phòng khách con bé đang mải mê chơi đàn. Nó như không hề nghĩ có sự hiện diện của tôi. Một lúc, con bé ngừng lại. Tôi nói:

- Sao Vĩ không gọi chú.

Nó cười. Nụ cười nhẹ, hiếm hoi như người đàn bà.

- Cháu sợ dứt cơn mơ của chú.

Tôi giật mình. Trúng phóc. Tôi nhớ cái hẹn tối với Uyên.

- Thôi, tranh thủ học. Hết giờ mất rồi.

 

Con bé chống cằm. Nó nhìn về phía cửa sổ. Một gương mặt tối, lạ lùng:

- Tự dưng chiều nay cháu không muốn học. Sáng qua, A Xẩm đưa cháu ra vườn. Không phải như chú nói, một con chim sâu khác lại bị giết. Chẳng ai thèm thương con chim sâu cả. Và chú nữa, chú cũng dối cháu…

Tôi cắt ngang lời con bé. Chiều nay, tự dưng, tôi chẳng muốn chút nào hóa thân để dạo chơi cùng em trong khu vườn hoang tưởng. Tôi lạnh lùng, vô lý và tàn nhẫn.

- Cháu quên bớt những con chim sâu kia một chút được không? Cháu nói đúng. Chú đã nói dối. Chẳng ai thèm…

Tôi không nói tiếp. Mắt con bé mở to, tối. Nó đẩy lùi bánh xe. Chiếc xe lăn khựng lại, chạm vào vách bàn. Cái bình pha lê trong đó có một bông hoa rũ, rung lên, chao đảo. Nhìn mắt con bé, tôi không dám tiếp tục nói hết ý nghĩ của mình. Lời nói đôi khi như đạn. Con bé không chịu nổi, nó úp mặt vào lòng bàn tay. Đột nhiên, như động kinh, Thục Vĩ gào nên nức nở:

- Trời ơi… Thế mà lâu nay cháu cứ tưởng. Chẳng ai thương chim. Chẳng ai thương cháu cả… Kể cả chú.

Tôi không ngờ phản ứng của con bé dữ dội đến thế. Cơn kích động của Vĩ khiến tôi chùn bước. Sợ một điều không hay. Tôi khỏa lấp nhẹ nhàng:

- Cháu hãy ngừng những hoang tưởng. Người ta có thể hoang tưởng nhưng không thể sống với chính nó. Cháu còn nhỏ, Suy nghĩ nhiều càng khổ. Thực ra, chẳng có con chim sâu nào chết cả…

Như một người rao giảng thánh kinh, tôi tưởng câu nói này sẽ làm dịu bớt con bé. Không ngờ, đối với Thục Vĩ, điều đó lại là một sai phạm lớn nhất của tôi chiều nay. Giống như mũi tên đã rời khỏi cây cung, con bé không dừng lại. Nó chồm người khỏi chiếc xe lăn. Tiếng bánh xe trầy trụa, miết trên nền gạch, vỡ tan buổi chiều yên tĩnh thành trăm mảnh. Nó nói như một kẻ mộng du:

- Không, cháu không còn nhỏ như mọi người tưởng. Cháu đã lớn, đã trưởng thành.

Mắt con bé tiếp tục là mắt của con thú cùng đường. Dữ dội và tối lạ lùng.

- Cháu đã biết yêu. Chú Hoàng, chú hãy nhìn cháu đây nè.

Khi tôi nhận ra Thục Vĩ đang ở trên một đỉnh núi chênh vênh, đỉnh núi mà bên này là thực và bên kia là mộng, thì như một lằn chớp, bàn tay con bé dằn lấy những khuy áo trên ngực nó…

Không còn tự chủ, kiềm chế được nữa, tôi tát mạnh vào mặt con bé. Tôi hét:

- Đồ điên.

Thục Vĩ gục xuống như một cây chuối đổ. Mái tóc dài úp chụp, xòa phủ trên đôi ngực trần, bé nhỏ và gầy.

 

Tôi không nhìn mẹ của Vĩ. Tôi bước ra khu vườn. Không có tiếng chim sâu từng sáng đợi trưa mong của Thục Vĩ. Bước tôi se sắt trên những chiếc lá rụng nhiều trong vườn. Bây giờ, tôi chợt nhớ lại giấc mơ cũ. Một giấc mơ cũ nhưng xanh, chao chát tiếng hát của Thục Vĩ. Đó là tiếng hát của những con chim sâu trước khi giãy chết và ngủ yên. Chúng ngủ, thật yên, chiều nay, trong khu vườn đầy những cây nhãn già nua và cằn cỗi, với một giấc mơ chim:

 

Tôi mơ làm đôi cánh

Bay mãi giữa muôn trùng

Phía biển thì xa

Phía núi thì gần…”

 

Huế 1994

Bạch Lê Quang
Số lần đọc: 1627
Ngày đăng: 21.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chết… vì nhục - Trọng Huân
Người đàn bà hát trộm - Vân Hạ
Hai người đàn bà trong cái quán buổi trưa - Âu thị Phục An
Chỉ có kẻ còn lại - Lữ Quỳnh
Còn nỗi buồn đau nào hơn? - Trần Minh Nguyệt
Giải hạn - Bùi Công Thuấn
Hoa gạo đỏ thắm - Nguyễn thị Minh Hương
Cái cổng ngõ - Dương Phượng Toại
Đêm ở biển - Hồ Ngạc Ngữ
Một chuyện có thật chẳng ai tin - Từ Nguyên Thạch
Cùng một tác giả
Đom đóm núi (truyện ngắn)
Đất Quê (truyện ngắn)
Gái nghê thường (truyện ngắn)
Ngọc phật (truyện ngắn)
Trò chơi cuối (truyện ngắn)
Thõng Tay Vào Chợ (truyện ngắn)
Mưu sinh (truyện ngắn)
Ảnh Ảo (truyện ngắn)
Lụy chữ (truyện ngắn)
Giấc mơ chim (truyện ngắn)
Ngọc Phật (truyện ngắn)
Lông Chông Biển (truyện ngắn)