Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
813
116.640.111
 
Chuyện sau cánh cổng
Tạ Ba

Bá Hiền ngồi lỳ ở tam cấp sảnh văn phòng nhất quyết đợi gặp Bác Nam. Từ chiều nó đã đảo đi đảo lại quanh văn phòng mấy lượt rồi. Giờ cơm chiều, nó tót về nhà lua vội mấy chén rồi bán cái việc dọn dẹp, rửa chén cho Bé Bi. Thường ngày Chủ nhật, xế chiều Bác Nam đã có mặt ở Trại. Cả tuần Bác túc trực làm việc, chỉ về nhà khi hết giờ ngày thứ bảy. Nhà Bác tuốt bên Chánh Hưng. Bác vào sớm vì né kẹt xe sáng thứ hai ở khu cầu chữ Y. Bác Nam sống độc thân nên rất thảnh thơi. Nghe đâu Bác là thương binh, trước bị bắn vào chỗ ấy nên đâu có vợ con gì dù đã đứng tuổi. Vì vậy ông rất thân thiết với bọn trẻ mồ côi ở đây. Ông Bảy Râu bảo vệ tưởng nó canh me đột nhập văn phòng nên bỏ am gác cổng vào hoạnh họe:

-    Tối rồi sao không lo bài vở sáng đi học, ngồi đây làm gì?

-    Dạ, con học xong rồi. Con đợi Bác Nam Giám đốc.

Bảy Râu bảo vệ nghe hơi chữ Giám đốc có vẻ chùng lại nhưng chưa chịu buông tha, nói phân hai:

-    Chủ nhật là ngày nghỉ. Biết ổng có lên không mà đợi!

Bá Hiền thừa thắng, qua mặt lão bảo vệ cái vù:

-    Bác Nam bảo con lên gặp Bác mà!

Lão Bảy tắt đài, lững thững cảnh giác đi vòng sau khu văn phòng, xem có phát hiện gì mới không rồi ra cổng.

 

Bá Hiền cười rơn trong bụng. Nó đợi Bác Nam thôi chứ Bác Nam đâu có hẹn hò giờ giấc gì với nó. Lúc trước, nó nổi máu đại ca, làm hùng làm hổ đánh mấy đứa em trong nhà. Thằng Út Bình mới được nhận vào Trại sợ quá, muốn bỏ trốn. Mẹ nuôi nhà nó lên méc Bác Nam. Bác Nam giận lắm. Chiều, nó đi học về ngang sảnh văn phòng Trại, Bác Nam đích thân đón, “mời” nó vào phòng Giám đốc. Bác Nam “thuyết pháp” cho nó nghe một tăng rồi mới ra tay trừng trị cho nó “nhớ”. Ổng bắt nó đứng úp mặt vào tường, trở cán chổi lông gà treo trên vách quất đủ năm cây “chất lượng”  quắn cả mông. Ông bảo ăn hiếp tụi nhỏ mấy đứa thì chịu mấy cây. May mà nhà nó có sáu anh em chớ nếu nó ở nhà Lan Rừng đến mười một đứa chắc “nó” tè ra quần chứ chẳng chơi. Roi đầu tiên đau ít. Mấy roi sau chồng lên mấy roi trước mới thấm thía, đau khỏi chê! Hồi bố mẹ nó còn sống, ở nhà, mỗi lần bị ba đánh đòn nó nằm khóc cả buổi mới đã nư, mặc cho mẹ dỗ. Nhớ tới ba mẹ, hai mắt nó cay xè.

 

Chừng như diễn xong vai trò Giám đốc, Bác Nam treo cây chổi lông gà lên cây đinh góc phòng rồi quay sang khều nó:

-    Con gà còn không?

Nó lí nhí trả lời:

-    Dạ, còn. Hổm rày nó kêu ổ rồi.

 

Lâu rồi Bác Nam đi đâu đó lượm được con gà con ai làm rớt bên đường, đem cho nó nuôi. Nó định hốt gạo đâm nhuyễn cho ăn thì đã thấy Bác Nam quay trở lại, gọi đưa cho nó bịch mè, dặn đừng cho ăn gạo, nó bị “trĩnh đít” chết queo! Con gà bè xíu nằm gọn trong lòng bàn tay được nó chăm chút lớn lên từng ngày. Ít lâu sau nó nhịn ăn sáng gởi tiền Mẹ đi chợ mua luá cho nó ăn vì Mẹ nói cho nó ăn gạo trắng phải tội. Khi nó đủ lông đủ cánh , mặt đỏ lừ không thấy lớn nữa. Mẹ bảo nó là giống gà tre mà, nhỏ con! Nó tưởng Bác Nam quên rồi. Ai dè ổng còn nhớ. Bác Nam thả cho nó củ cà rốt:

-    Để bữa nào bác mua cho con trống nghe! Về học bài đi con!

Bá Hiền mừng hết cỡ. Viễn cảnh một bầy gà con lúp xúp làm nó hồ hởi quên cả cái mông đau rát. Nó cảm ơn Bác rồi chạy thót về nhà, hả hê như chẳng có chuyện gì xảy ra. Mẹ nó ngạc nhiên hỏi nó gặp Bác chưa. Nó nói rồi tỉnh queo làm Mẹ nó chẳng hiểu làm sao cả!

 

Tuần trước, Bác Nam vào sớm, bốn giờ chiều đã có mặt, lôi con Lucky ra tắm. Con chó già ngoan ngoãn đứng yên cho Bác Nam xạc bàn chải xà phòng bọt trắng. Nó tận hưởng cái hạnh phúc được chăm sóc. Sút xiềng khỏi tay cẩu tặc, chạy bán sống bán chết, may có tường rào Trại bảo vệ nó an tòan. Nó chính thức là thành viên của Trại khi Bác Nam giám đốc xuống ăn cơm ở nhà khách phải nhín lại để dành phần cho nó. Từ đó, mấy bà bếp vẫn cho nó tô cơm dù thứ bảy, chủ nhật không có Bác Nam ăn cơm. Cuối tuần nó có quà của Bác Nam: khi thì gói xương gà, khi thì bọc xí quách gặm cả buổi. Ngã tư Quốc tế là chốt tiền tiêu của con Lucky. Chỗ này trang trọng đối với Trại vì mỗi khi khách đến , các nhà đón ở cổng đi dài đến đây thì chia tay,khách xách va-li về nhà khách. Khi đi, xe đậu ở đây chất va-li hành lý lên xe và các nhà tập trung tụ tập tiễn khách. Lucky khéo chọn nơi này: có thể quan sát tứ phương. Nó sủa hướng nào là mấy tay bảo vệ phải chạy tuần tra hướng đấy. Tiếng sủa vang động của nó uy hiếp những kẻ trèo rào đột nhập nhưng chưa hề đe dọa một đứa trẻ nào trong Trại. Cùng một thân phận mồ côi mà. Bác Nam lỏn lẻn cừơi bảo nó:

-    Con chạy mở vòi nước dùm Bác. Hôm nay Bác quên mua gà cho con rồi. Để tuần sau nghen!

Nó mở vòi nước cho Bác Nam cầm ống nước tắm xong con chó rồi về. Nó cố nặn ra những lý do biện hộ cho Bác Nam để xua những thất vọng trĩu nặng trong lòng. Bác Nam có quyền thực thi công lý, đánh nó xong rồi thôi, việc gì phải hứa chuyện mua con gà cho nó?  Chắc chắn đó là tình cảm dành cho nó, chớ đâu phải hứa lèo qua truông! Người lớn có trăm công nghìn việc chớ đâu chỉ chăm chăm nhớ một chuyện cỏn con mua gà cho một thằng côi cút như nó?

 

Hôm nay những câu hỏi tuần trước lặp lại. Đêm qua rất chậm. Mi mắt nó trĩu nặng tự lúc nào. Mơ màng, nó nghe tiếng nổ lạch bạch chiếc Su nữ của Bác Nam tắt dần. rồi tiếng Bác Nam rõ mồn một:

-    Chết cha. Quên nữa rồi!

Tiếng già Bảy bảo vệ méc:

-    Thằng nhỏ đợi anh từ chập tối.

Rồi tiếng Bác Nam:

-    Chợ Cầu có gà tre?

-    Không, anh ạ. Cầu Trường Đai, cầu Tham Lương may ra có.

Sáng, dụi mắt thức dậy nó ngạc nhiên thấy mình vẫn ở trong phòng. Bước ra sân, dưới góc khế, con gà tre màu lửa đang cong đuôi gáy te te!

 

 

*

 

Bá Hiền ngồi quán cà phê Thiên Thai, uống hai bình trà gọi thuốc ba lần mà thằng Hưng vẫn chưa ra. Hai đứa trầy trật lấy xong bằng lái xe hơi, nộp đơn định lái taxi nhưng hãng đòi tiền thế chân. Đành phải về Trại cầu cứu.

 

Ít khi nó có dịp để đầu óc suy tư thế này. Khói thuốc kéo lui nó trở về những tháng ngày đã trôi đi mất tăm. Nó thoáng mỉm cười khi hình ảnh một thằng Bá Hiền láo ngáo ngày nào chợt hiện về. Cả Trại 2 vẫn gọi nó là thằng “ngông có dù”. Tụi nó vẫn chuyền tai giai thoại “Bá Hiền gởi thư”.  Năm đó lâu lâu không thấy cô lên thăm mà dạo ấy có cơn bão to ghé Cần Giờ quê nó. Nó mon men hỏi chú bảo vệ:

-   Ở Cần Giờ gởi thư tới không chú?

-   Ở đâu không tới! Cả cái thế giới này cứ bỏ thư vô thùng thư là xong!

Tối nó ngồi nắn nót “làm văn” một cái thư, xem như một kì công. Ngày nào ở quê còn trần truồng vọc sình mà bây giờ biết thư từ thăm hỏi cô bác xóm giềng thì cũng oai lắm chớ! Ít lâu sau nó ghé bảo vệ hỏi thăm:

-   Có thư của con ở Cần Giờ gởi lên hông chú?

Ông bảo vệ lắc đầu:

-   Có thấy đâu! Có là tao đưa liền, giấu bây làm gì!

Nó hỏi tiếp:

-   Vậy gởi thư mấy ngày tới Cần Giờ?

-   Nội thành thì chỉ một ngày. Cần Giờ vùng sâu vùng xa trễ lắm cũng ba, bốn ngày thôi!

Nó đứng tần ngần một hồi rồi phán:

-   Chắc thùng thư của Trại “chạy” lâu!

Ông bảo vệ trố mắt:

-    Trại làm gì có thùng thư?

Nó kéo ông bảo vệ vào sảnh văn phòng chỉ cái thùng gỗ con con có chữ “hộp thư” đàng hoàng!

Ông bảo vệ ôm bụng cười.

-    Mày phải ra thùng thư của Bưu điện, mua con tem dán vô bao thư, nó mới “chạy” được. Thùng thư này là thư góp ý nội bộ, chỉ chạy tới tay Giám đốc. Mà có ai góp ý. Để coi chơi vậy thôi. Lá thư của mày tới mục vẫn còn. Hê hê! Về viết lại lá khác chú gởi cho.

Mấy hôm sau chuyện Bá Hiền gởi thư ai cũng biết. Gặp nó có đứa chọc: “nhờ anh Bá Hiền gởi thư dùm em!”

 

Năm tháng đi qua cái vèo. Bác Nam chuyển về Sở. Giám đốc mới. Lề luật mới. Cấm nuôi gà. Lý do: gà ỉa bậy mất mỹ quan của Trại. Lý do: gà qua nhà hàng xóm, gây xích mích, làm mất an bình của cộng đồng Trại. Bầy gà của nó chưa tẻ bầy phải gởi ngòai Trại ở nhà thằng bạn thân. Hết được chăm sóc thì cũng hết thú vị. Bầy gà lần lượt tản lạc cho thằng này thằng nọ, lũ bạn ngoài Trại của nó. Những người thân của nó lần lượt ra đi như ba mẹ nó. Con Lucky già không quy tiên vì tuổi tác mà vì chiêu bắt chó nhà nghề của mấy ông xây dựng trường học. Khôn cỡ nào nó cũng chỉ là con vật, làm sao qua nổi trí khôn lòai ăn thịt chó! Rồi nó phải rời traị chính, sang sống tập thể đực rựa Trại hai. Rồi Mẹ nuôi nó về hưu non vì chứng bệnh điếc tai. Máy trợ thính đã chào thua căn bệnh trầm trọng của mẹ nó. Không ai bắt phải nghỉ nhưng Bà tự thấy nhiệm vụ của mình không được thực hiện trọn vẹn nên giã từ nghiệp làm Mẹ nuôi con.

-    Thà làm ôsin tư gia. Xong việc rồi về nhà nghỉ, không ai nặng nhẹ gì mình!

Mẹ nó bảo vậy. Sự ra đi của Bà Mẹ nuôi làm nó chao đảo nhiều ngày. Nó có cảm giác thế giới này tòan là giả tạo. Từ đấy nó ít ra vào Trại. Ngôi nhà nhiều năm nó sống đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ giờ như xa lạ, dù mấy đứa em vẫn còn ở đó.

 

Bá Hiền thôi học trường ở Trại. Chữ nghĩa dường như khó lọt vô cái đầu to mà bộ óc chỉ bằng trái nho của nó. Các môn đều yếu duy chỉ có môn thể dục là xuất sắc, lúc nào cũng điểm mười. Cũng bắt nguồn từ những buổi sáng mù sương, tay kỹ thuật điện nước vào bơm nước cho Trại sử dụng. Lão chạy lúp xúp thay cho tập thể dục. Gặp tụi nhỏ lão treo giải:chạy từ ngã tư Quốc tế tới cổng: năm ngàn đồng. Rồi gia tăng: chaỵ đi chạy về: tám ngàn. Hít đất năm chục cái, một trăm cái, nhảy xổm, nhảy cóc…Thường thì nó giành giải. Lọt vào mắt xanh thầy Nhân bụng phệ dạy thể dục, nó lại giành nhiều huy chương cấp Quận, cấp Thành cho trường. Thầy có thành tích. Trường có thành tích. Nó có độ lỳ dày dặn.

 

Một ngày đẹp trời nó bỗng xao xuyến vì con nhỏ cùng lớp. Nhưng Bá Hiền học ẹ quá. Nhà trường gợi ý nó xin học bổ túc cho khỏe mà trường đạt kỳ thi chuyển cấp 100%. Hợp lý hợp tình. Nó cũng muốn đi cho khuất mắt khỏi nghe cái giọng the thé cất lên mỗi sáng thứ hai chào cờ.

 

Xong lớp chín, phụ trách Trại hai lại định hướng cho nó học Trung cấp nông nghiệp. Cũng có lý. Quê Cần Giờ. Học nông nghiệp là đúng gu, đất dụng võ mênh mông. Nhưng khu nội trú lỏng lẻo làm tụi nó hư, tối tối tha hồ đàn đúm, chè chén tụm năm tụm bảy. Chị nhà nó bị dính bầu. Chị em nó đều bị đuổi học. Trại gia ơn cho nó lần cuối: cho đi học lái xe ở trung tâm dạy nghề 3 tháng. Xong, chưa lấy được bằng thì lại có quyết định kỷ luật, thử thách trả về gia đình. Quen sống ở thành thị, phèn chua nước mặn Cần Giờ làm nó ngán tận cổ. Nó không muốn lặp lại cuộc đời của cha mẹ nó. Lấy vợ sinh con rồi chết dần vì đói ăn rau đau cạo gió, quăng con cái vào Trại mồ côi…

 

Thằng Hưng xề xuống ghế, cắt ngang dòng ký ức của Bá Hiền. Mặt Hưng rạng rỡ:

-    Cho ly cà phê đá.

Bá Hiền nóng nảy:

-    Kết quả sao rồi?

Thằng Hưng vuốt tóc, đủng đỉnh nói:

-    Xong. Ổng ký cho tao một cái giấy bảo lãnh gửi công ty. Tiền thế chân ba triệu sáng thứ hai vô gặp cô Lan thủ quỹ. Mẹ tao uy tín tràn trề. Bả nói mấy tiếng giám đốc đều ôkê!

-    Còn tao?

-    Mày trớt! Ổng la mày sao không vào gặp ổng. Ông Tân báo cáo mày hút hít, bè đảng với mấy thằng xì ke, có khả năng buôn hàng trắng, đang bị hình sự hỏi thăm. Ổng hỏi tao mấy vết tàn thuốc châm trên tay mày!

Bá Hiền nghiến răng:

-    Lão Tân thâm thiệt. Mấy lần phân trực tầm bậy bị tao cự, lão ghét. Tụi mình đứa nào không bị thằng Vinh cho thử phê. Rốt cuộc chỉ hai đứa em ruột nó dính chấu. Mày cũng có thử chứ tài giỏi gì!

Thằng Hưng lên giọng:

-    Tao không khoe chấm tay như mày! Thôi mày theo thằng chồng chị Bé Hai của mày làm hồ đi. Tay lái mày yếu. Chờ thời, tính sau vậy!

Bá Hiền văng tục:

-    Đ. mượn mày lo.

Bá Hiền móc tiền dằn dưới ly cà phê, bước ra khỏi quán. Nó đứng tần ngần một hồi rồi băng qua đường, chỗ trạm xe buýt. Hướng đó thì chắc nó chỉ có thể về ăn báo nhà bà Mẹ nuôi của nó.

 

Mũi dãi lòng thòng, miệng khóc hu hu, thằng Văn sải những bước dài nghêng ngang trên lộ chính ra cổng Trại. Nó hùng hổ như cỗ xe tăng húc đổ cánh cổng dinh Độc lập, khác với mọi hôm ôm căp đi học vẫn bước rón rén bước trong lề trên đường cống cặp vạt hàng rào cánh phượng vẫn chìa những nhánh lá xoăn màu nâu đỏ trêu quẹt nó. Tay bảo vệ mới lao ra tiếp cận, ngăn ngừa một vụ đào thoát khỏi mái ấm vì một vụ bạo hành còn chìm trong bóng tối.

-    Con đi đâu vậy?

-    Con…con… đi kiếm…thằng..thằng Dũng!

Nó quẹt mũi, lắp bắp nói cả năm mới được một câu. Nước mắt kích động khiến tật cà lăm của nó càng thêm trầm trọng.

-    Thằng Dũng nào?

-    Thằng…thằng Dũng ….thằng Dũng…học lớp…lớp con đó.

-    Kiếm nó làm gì? Đi có xin phép Mẹ không

-    Có. Nó lấy…lấy..hộp màu…của con đó!

 

Tay bảo vệ bắt đầu hình dung ra câu chuyện.Chắc Mẹ kiểm tra bài vở ở nhà buổi chiều, nó chưa làm xong bài tập tô màu. Mẹ hỏi thì lòi ra vụ không có hộp màu. Chắc nó bị mấy cây vào mông mới khóc. Mấy bà mẹ nuôi trẻ ở đây rất “kỵ” vụ này. Dụng cụ học tập có hạn mức cố định từng học kỳ. Con làm mất thì phải thâm hụt ngân quỹ mua thêm. Mà cái gì động tới tiền là khó. Về lý thuyết thì Mẹ vẫn bảo không ngại tốn tiền. phải tập cho con đức tính tốt như ngăn nắp, cẩn thận, không lãng phí, biết quí trọng của cải xã hội công khó làm ra. Nhưng lứa tuổi học trò thì việc đểnh đoảng quên tập, mất viết là chuyện thường ngày như cơm bữa. Nỗi sợ hãi khi bị tra vấn chuyện mất mát khiến tụi nhỏ phải tìm cách đối phó. Cách dễ làm nhất là ăn cắp của bạn.

-    Con biết nhà thằng Dũng không?

-    Nhà nó…ở …ở …Tân Sơn…chớ đâu!

Chưa chắc thằng Dũng lấy hộp màu của thằng Văn. Nhưng thằng Văn phải chứng minh với mẹ nó là hộp màu đã bị thằng Dũng lấy và nó có nhiệm vụ thu hồi tài sản bị mất cắp. Còn chuyện thằng Văn có mang được hộp màu về không là do nó thỏa thuận với thằng Dũng, chỉ riêng hai đứa nó biết. Phải cho nó một cơ hội:

- Con đi nhanh về kẻo mẹ la. Đi sát lề nghen!

 

*

 

Có mấy tiếng động lịch bịch bất thường ở khu văn phòng làm lão Lùn bảo vệ thức giấc. Lão Lùn run cầm cập. Chộp cây gậy tầm vông và đèn pin, lão lao khỏi mùng. Trực đêm, y vẫn ngủ thẳng cẳng. Có bao giờ xảy ra trộm đạo gì đâu. Phút chốc, y nghĩ tới câu “chó chạy cùng đường”. Chỉ làm nó sợ thôi. Truy đuổi quá, bọn nó mở đường máu, lụi cho một dao là khốn. Năm nay là năm tuổi của y nữa. Y rón rén chạy lại cửa văn phòng. Cửa vẫn khóa nguyên vẹn, không có dấu cạy mở. Tiếng sắt rởn óc vang lên. Đúng vị trí phòng Giám đốc, nơi có két sắt của Trại. Óc trinh thám của y lóe lên: hay là có tay trong của cô Lan thủ quỹ? Y thất thần chạy vòng phía sau, nơi có cửa sổ. Có dấu cửa sổ đã bị mở, một cánh còn khép hở. Tim đập thình thịch, y thận trọng ghé mắt qua khe cửa. Y kinh hòang nhận ra có trộm ở trong phòng. Hai đống lù lù khuất sau két sắt dựa lưng vào tường. Phải có người hỗ trợ. Y nhẹ nhàng vọt qua vuông cỏ sang nhà Thiếu niên đánh thức tay Ngọc phụ trách. Cái gan thỏ đế của y hoạt động hợp lý: lão Ngọc vốn là bộ đội đặc công. Nghề võ của y hôm nay sẽ được tận dụng để tóm cổ hai tên trộm. Bỏ lão Ngọc canh cửa sổ, y chạy về am gác quay điện thoại bàn gọi Giám đốc. Lão Bắc Giám đốc quả là không hổ danh công an biệt phái, cảnh giác cao độ cả trong giấc ngủ, gọi một tiếng là tỉnh ngay. Từ nhà lên văn phòng gần hai trăm thước ổng phi thân trong tích tắc. Quần đùi, áo thun, vác cây vuông vạt giường. Có lẽ lần đầu tiên ổng đến văn phòng trong bộ dạng đó. Ba ngừơi ba gậy đừng bên cửa sổ sẵn sàng tư thế chiến đấu.Hai cánh cửa sổ được mở tung. Lệnh đầu hàng được hô lớn để thị uy áp đảo đối phương…trộm. Đèn pin xỉa vào. Hóa ra “giết gà bằng dao mổ trâu”. Hai thằng trộm đứng sững dưới ánh đèn pin là hai thằng con nhí của Trại: thằng Văn và thằng Quốc, hai thằng nhỏ nhất ở nhà thiếu niên!

 

Lão Bắc Giám đốc mở cửa văn phòng và phòng Giám đốc vào tiếp thu hai tên hung đồ. Một loạt câu hỏi được Giám đốc bắt hai đứa trộm cung khai: động cơ vụ trộm, ai xúi giục, bao nhiêu đồng phạm, âm mưu manh nha từ thời điểm nào, các phương án thực hiện, kế hoạch thoát thân…Hai xấp giấy kẻ ngang, hai cây viết bic được Giám đốc phát cho hai thằng trộm con làm bản tường trình. Lão Lùn bảo vệ lập biên bản cho mọi người kí tên để làm hồ sơ lưu.

 

Hiện trường vụ án trộm két sắt Trại khá buồn cười. Một cây dao cùn tề cỏ ven lề của ông làm vườn. Một dao làm cá chặt xương của nhà bếp. Những âm thanh vang động tố giác vụ trộm chỉ làm vẹo cái nắp tòn ten đậy chỗ ổ khóa két sắt. Tiền trong két không hề suy suyển. Và một điều hai tên trộm không hề biết: tiền rút từ ngân hàng về chỉ ở tạm chỗ két sắt, lương hướng, chi phí hoạt động có kế hoạch đều chi hết trong ngày. Nguyên nhân vụ trộm rất là ngây thơ: kiếm tiền mua pin để chơi cái xe điều khiển từ xa. Cái xe này là quà sinh nhật của bố mẹ đỡ đầu nước ngòai thằng Văn gửi cho nó. Mấy hôm có xe, xin tiền người phụ trách mua pin đã nhiều mà cứ bị mấy anh lớn giành chơi gần hết pin mới trả lại. Kế hoạch mới nảy sinh từ chập tối, lúc bác Ngọc phụ trách đi “tám” chuyện, xem tivi ở nhà các bà mẹ. Hành động ngay ca trực bác Ngọc vì biết bác ngủ mê, sáng còn quên gọi trẻ nhà thiếu niên dậy tập thể dục.

 

Hội đồng kỷ luật của Trại được khẩn cấp triệu tập sáng đó để công bố sự việc và bàn hướng xử lý. Giám đốc Bắc kết luận vụ án tuy chưa hòan thành, không gây thiệt hại đáng kể, song tội danh vi phạm rất nghiêm trọng. Để răn đe tòan Trại, cả người lớn và trẻ con, phải xử lý thích đáng.

-    Nghiệp chướng của hai đứa này nặng lắm. Chỉ có tu tâm dưỡng tánh, lập nhiều công đức mới tránh được kiếp nạn.

Giám đốc Bắc phán với tinh thần hỉ xả của một bậc chân tu.

 

Phương án xử lý hai tên tội phạm là phải cách ly khỏi Trại mồ côi để tư tưởng Lương Sơn Bạc khỏi bị lây nhiễm. Long Phước tự ở Vũng Tàu sẽ là nơi hai trẻ di dưỡng tính tình, mở lòng với gió biển trăng núi. Chiếc Land Cruiser xanh bảy chỗ ngồi của Trại khởi hành ngay sau cuộc họp cùng Giám đốc và hai bảo vệ hộ giá. Hai tên tội đồ nhí phá két sắt giờ đây hiện nguyên hình là hai đứa trẻ khóc ngất trước một bước ngoặt lớn trong đời. Mấy đứa trong nhà thiếu niên dồn quần áo vào túi xách cho hai đứa, không quên nhét chiếc xe điều khiển từ xa nguyên nhân phạm tội lên trên trước khi kéo dây khóa. Qua làn nước mắt, thằng Văn vẫn thấy, nó kéo khóa túi xách, lôi ra, ném vào tường bể tan tành.

 

Vụ án trộm két sắt của thằng Văn và Quốc làm chấn động hệ thống Trại mồ côi cả nước. Người ta bàn tán liệu đưa một đứa trẻ mười một tuổi lên nhà thiếu niên, tách rời Bà Mẹ và gia đình mới của nó có phản lại nguyên lý chủ yếu của hệ thống Trại mồ côi là mang đến cho trẻ một mái ấm gia đình hay không? Chưa đứa nào có dấu hiệu bước sang tuổi dậy thì. Tụi nó còn trụi lủi, hồn nhiên chạy tắm mưa. Thằng Văn chỉ vì vài lý do này lý do nọ đi đến nhà bạn làm bà Mẹ thót tim. Báo cáo sớm nó bỏ đi thì bị “việt vị”! Mà chủ quan đinh ninh nó trở về, đến khi nó đi mất tiêu từ lâu rồi mà không kịp thời báo cáo thì sẽ bị quở trách không quản lý con sâu sát. Thôi thì sẵn có nhà thiếu niên vừa mới thành lập, đề xuất nó có biểu hiện dậy thì là khỏe nhất. Trường hợp thằng Quốc còn tệ hơn. Nó đẹt ngắt. Loắt choắt như con nhái. Nó bị định bệnh tâm lý dậy thì sớm sau lần bị bắt quả tang nhìn trộm Mẹ trong nhà tắm. Mẹ nó thuộc hàng hoa khôi trong Trại. Ai biết nó khao khát cái gì? Cái tật tò mò con nít, lẽ nào bắt nó phải đui mù?

 

Dư luận chưa kịp lắng xuống thì Hội đồng kỷ luật phải nhóm họp lần thứ hai. Bốn hôm sau chuyến xe bão táp trực chỉ Vũng Tàu, một tối, thằng Văn thằng Quốc trèo rào Trại, lù lù trở lại nhà thiếu niên. Bọn trẻ nhà thiếu niên chào đón hai đứa như hai vị anh hùng. Bọn nó tiu tít hỏi thăm chuyện ở chùa làm gì, ăn gì. Có bị đì đi gánh nước suối như  Giác Viễn thỉền sư, sư phụ Trương Tam Phong tổ sư phái Võ Đang ở Tàng Kinh Các chùa Thiếu Lâm năm xưa hay không? Cách nào về tới Trại xa hàng trăm cây số đường? Hai đứa bảo ở chùa chán lắm. Ăn tòan tàu hủ, tương chao với rau lang. Tối quỳ nghe gõ mõ tụng kinh lóc cóc lóc cóc rã cả cặp gìo? Trốn ra lộ cái đón xe đò dễ ợt. Bọn nó nói là trẻ mồ côi ở Trại đi lạc. Xe không lấy tiền, cô bác trên xe còn cho bánh ăn mệt nghỉ. Tay phụ trách cho hai đứa một giấc ngủ an lành, sáng mai báo cáo Giám đốc giải quyết sau.

 

Hội đồng kỷ luật được nghe một thông tin mới về gia thế thằng Văn. Đây là chiến tích của lão Ngọc, chuyên gia “tám” của Trại, sử dụng nghề cũ của mình là đặc công trinh sát phóng về Hóc Môn phỏng vấn bà mẹ nuôi đã gởi nó vào Trại. Ba thằng Văn vốn là sĩ quan ngụy quyền lon Đại úy, hung hãn có tiếng. Học tập cải tạo xong, y bán nhà cửa dồn vào việc đào tẩu ra nước ngoài. Không biết y đi tới đâu nhưng vợ con ở lại phải phiêu bạt tứ xứ, đầu đường xó chợ. Chỗ định cư cuối cùng của của mẹ con thằng Văn là chợ Cầu Muối. Ở đây anh thằng Văn gia nhập băng rạch giỏ, rạch mặt bằng lưỡi lam đã bị xộ khám. Một đêm mưa gió, mẹ nó nằm chết queo trứơc hàng hiên nhà người. Thằng Văn được bà bán rau bốc về. Còn em gái nó vừa tuổi mẫu giáo được bà bán thịt bế về nuôi. Bản chất côn đồ của thằng Văn thừa hưởng từ dòng máu của cha, anh. Phải uốn nắn nó từ nhỏ là điều cần thiết.

 

Lời cầu xin tha thứ cho hai tên tội phạm phá két sắt được trở về Trại bị bác bỏ. Giám đốc Bắc né đạn chút xíu:

-    Hội đồng kỷ luật đã quyết. Hai đứa phải chịu hình phạt ở Trung tâm giáo hóa. Chừng nào ngoan, Bác rước về.

 

 

*

 

Chiếc xe máy chở hai đâu xịch trước cổng. Một thanh niên cao ráo, trắng trẻo bước vào.

Bảy Râu bảo vệ ngỡ ngàng nhận ra khuôn mặt quen quen nhưng không nhớ nổi tên.

-    Em là…là…

Nó cười xòa:

-    Là thằng Văn. Hồi xưa, mấy lần chú hộ tống…hộ tống tui đi mà chú hông nhớ sao? Đục két sắt của Trại nè!

Bảy Râu bảo vệ nghe lạnh sống lưng. Mấy thằng nhỏ đời nay ớn lắm. Dao, búa mỗi khi tụi nó rút ra là có máu. Lần đưa thằng Văn vào trung tâm giáo hóa nó liều mạng, định lao khỏi xe. Nó nhanh chóng bị lão khóa tay cứng ngắc. Hồi đó nó nhỏ xíu. Bây giờ nó ở tuổi bẻ gãy sừng trâu. Bốn năm năm rồi còn gì.

Nhưng nó không có vẻ gì hung dữ như kẻ đi tầm thù. Tật nói cà lăm hình như cũng bớt.

-    Chú …khỏe hông chú?

Ông không khỏe nhưng không dám xác nhận không khỏe. sợ nó thừa cơ uy hiếp. Ông chậm rãi nói:

-    Cũng vậy.

Có nghĩa là vẫn đủ sức khống chế mày như ngày nào.

Nó đi thẳng vào mục đích:

-    Có ông Bắc…Giám đốc ở …văn phòng hông chú?

-    Có. Văn phòng về hết chỉ còn mình ổng.

Trả lời xong ông thấy mình ngu. Biết đâu nó định xử ổng.

-    Tui …vô gặp ổng…chút xíu nghe chú.

Bảy Râu thăm dò:

-    Mày trốn Trung tâm hả?

Thằng Văn lên giọng:

-    Xưa rồi chú! Bây giờ tui…khỏe lắm. Tự do. Đi đá banh. Đi biểu diễn…xiếc hòai. Muốn đi đâu thì đi.

Bảy Râu vặn vẹo:

-    Gặp Giám đốc làm gì?

-    Thì …xin ổng cho tui về Trại. Ổng …hứa mà!

Bảy Râu càm ràm dạy đời:

-    Tụi bây lớn rồi. Tự kiếm sống được rồi. Về Trại làm gì báo người ta!

Thằng Văn đốp chát:

-    Có tụi tui ở Trại mấy ông mới có việc!

Bảy Râu nổi điên:

-    Ý mày nói không có tụi trẻ mồ côi bọn mày tụi tao chết đói hả? Tao chưa ăn không của ai bao giờ nghe.

-    Tui đâu có ý vậy. Đó là chú nói nghen. Chỉ xin chú cho gặp Giám đốc!

Bảy Râu vẫn ám ảnh nó xin ổng tí huyết, nên ngần ngừ:

-    Để tao dắt vô.

Giám đốc Bắc ngồi trước máy vi tính, quay lưng ra.

-    Thằng Văn xin gặp anh.

 

Ông Bắc không quay lại:

-    Anh bảo nó chờ chút!

Bảy Râu ước lựơng thằng Văn ra tay dịp này là cơ hội bằng vàng.

Lão hồi hộp đứng khuất ngoài cửa. Có xảy ra cũng kịp gọi cấp cứu!

Lão nghe giám đốc Bắc hỏi:

-    Thằng Quốc đâu?

-    Dạ. nó trốn lâu rồi bác ơi. Nó nhỏ con. Bị đánh đập quá liều mạng trốn. Bây giờ nó ở quận Tư. Bưng bê hủ tiếu. Tối gác dân phòng.

Ông Bắc sốt ruột:

-    Nào, bây giờ muốn gì nói đi!

Thằng Văn đủng đỉnh nói. Dường như nó chuẩn bị tình huống này lâu lắm rồi. Không một chút cà lăm.

-    Dạ thưa Bác, cả tuần nay con đều có mặt ở cổng Trại. để xem Bác vào ra giờ giấc thế nào. Bao nhiêu lâu con mong gặp Bác. Thư, con gởi sáu, bảy lá đều đi không trở lại. Con muốn đựơc trở về Trại biết bao nhiêu. Có ở bển Bác mới biết một ngày nó dài thế nào. Con biết tội con làm con chịu. Nhưng Bác đã hứa rước 2 đứa về. Thằng Quốc bây giờ đâu cần về. Con gặp Bác để hỏi lại lời hứa. Bác cứ điện thọai hỏi Trung tâm coi con có đàng hoàng không.

 

Bảy Râu nghe tiếng quạt trần vù vù. Không nghe ông Bắc giám đốc nói gì một lúc lâu. Lão hình dung khuôn mặt ông Bắc ửng lên đến mang tai, mũi đỏ lên như hai quả cà chua y như mỗi lần ổng khó xử.

Không có chuyện rút gươm khỏi vỏ. Chắc sắp hạ màn. Bảy Râu quày quả trở ra am bảo vệ. Lão nghe tiếng ông Giám đốc tiễn thằng Văn ra trước sảnh văn phòng.

-    Ra Trại hai nộp đơn cho anh Bình phụ trách rồi Bác duyệt nghe con!

 

 

Dư Thiện nghe cục giận tràn lên cổ họng khi mở tủ ăn thấy nồi cơm chỉ còn mấy miếng cháy. Nó không lấy chén đũa, bê nguyên nồi cơm ra bàn bốc giề cơm cháy nhai ngồm ngòam. Trận bóng đá ban chiều với lớp 92 tiêu thụ hết năng lượng dự trữ ít ỏi của nó. Nó thấy đói như có ai xé ruột. kỷ luật Trại 2 không chờ cơm mấy thằng đi học về trễ. Chỉ có đội bóng của Trại hôm nào có giờ luyện tập mới được đề dành phần ăn. Đó là tụi U13. Nó chỉ đá bóng nghiệp dư trong lớp, giải thưởng là ăn chè, uống nước một cữ chơi vậy thôi. Vì vậy mấy đứa ghét nó dựa vào “luật” của Trại mà ăn sạch sẽ, chẳng thèm để dành dù biết rằng có thằng chưa ăn.

Nó vừa ăn vừa chửi cho đỡ buồn:

-    Đồ thú vật. Đồ mất dạy. Đồ vô văn hóa. Đồ ăn không coi nồi ngồi không coi hướng. đồ bất hiếu ăn không để dành cha mẹ. ăn phần của người nửa đêm nửa hôm nó sôi mật mửa máu.

 

Tụi nhỏ Trại hai thản nhiên nghe chửi vì cho rằng mình không có làm việc đó. Nó chừa mình ra. Tụi nó quẩn quanh trong sân nhỏ chờ xem một màn kịch hấp dẫn.

 

Quả nhiên anh em sinh đôi Beo lớn, Beo nhỏ xuất hiện. Anh em nó ăn sau cùng. Vốn nó tên là Báu. Châu báu. Nhưng cả hai đều hung hăng nên Trại đặt tên lại là Beo , xuất xứ từ Báo.

-    Im cái mồm thúi của mày để anh em…….tới giờ học bài nghen!

Dư Thiện “cáo buộc” ngay

-    A! Lòi ra hai em beo ăn phân của người chứ không phải chó mới ăn phân! Theo như tao, tao chui trốn vào cầu tiêu cho trọn thúi, chừơng mặt ra làm chi thêm xấu hổ!

 

Bốp. Bốp. Dư Thiện lãnh đủ cái tát “rờ-que” của thằng Beo lớn vừa xong thì bị Beo nhỏ phi thân đạp một cước lộn nhào xuống sàn.

Song sát Beo lớn Beo nhỏ tâm đầu ý hợp xuất thủ nhanh như …Beo chụp. Dư Thiện vô phương chống đỡ. Phút chốc, thằng Beo lớn to xác đè xổm lên ngực Dư Thiện, chân khóa chân, tay khóa tay. Beo nhỏ rảnh tay thụi liên hồi vô mặt, vô mắt, vô mũi Dư Thiện.

 

Khi Song Beo Quái Thú buông tay, hả hê về phòng, tụi nhỏ nhìn hết ra thằng Dư Thiện. Mắt nó thâm tím, môi dập sưng vù, mặt mũi bê bết máu. Đâu có đứa nào dám can anh em nhà Beo. Một đứa vốn ghét Beo lớn, Beo nhỏ hống hách chạy lên lầu điện thoại báo cáo lão Long phụ trách. Lão Long trang điểm bảnh bao rời Trại hai từ chiều, có lẽ hẹn hò cuối tuần với bạn gái.

 

Khi lão Long về đến Trại hai lại chứng kiến một thảm cảnh kinh hoàng khác. Trận đòn hội đồng của Song Beo quái thú làm cho Dư Thiện mụ người. Nó trút giận lên… cái nhà bếp. cũng vì miếng ăn mà tao bị đòn. Nó bê chén bát ném rổn rảng. âm thanh sành sứ vỡ nát càng kích thích niềm ấm ức của nó. Ném hết bát đĩa thì nó quay đến nồi xoong, không chừa thứ gì trong tầm tay. Tụi nhỏ trố mắt nhìn. Can, nó ném một cái vỡ đầu thì khốn. lão Long xanh mặt quát lớn:

-    Dư Thiện, mày điên rồi hả?

Dư Thiện cười man dại:

-    Ừ, tao điên đó. Người điên không biết nhớ. ngừơi say không biết buồn. Người điên không chịu trách nhiệm hình sự.

Lão Long xông tới chụp tay nó đang quơ cái chảo tay cầm. Tay trái nó lập tức thụi vào bụng lão Long một chưởng. Lão Long điên tiết giở đòn chân gạt nó một phát té nhào.

-    Lấy dây trói nó lại tụi bây!

Khúc dây dù cột cờ bị đứt hôm trước lại có phen hữu dụng, thừa chiều dài để trói Dư Thiện từ đầu đến…đuôi như một con heo thịt.

 

Anh hùng tử khí hùng nào tử. Tay chân thúc thủ nhưng nó rất thuộc lịch sử Việt Nam nhất là vương triều nhà Trần anh dũng chống xâm lược Mông Nguyên. Nó muốn làm con cháu Trần Bình Trọng. Nó chửi cả Trại hai là đồ chó đẻ. Lão Long là đồ đui mù không có trái tim. Lão Long sôi máu, quên cả tật bủn xỉn hàng ngày móc túi quần vò cái khăn tay còn sực mùi nước hoa tọng vào họng Dư Thiện làm nó tắt đài lập tức. Chắc ngày xưa người Mông Cổ chưa biết sử dụng khăn tay!

 

Toàn bộ sự việc Dư Thiện nổi điên được lão Long điện thoại báo cáo Ban giám đốc trung ương Trại lập tức. Điều này không ngoài tầm dự đoán tài tình của Ban giám đốc. Đó là lý do xuất phát việc chu chuyển Dư Thiện sang Trại hai. Từ lúc ở Trại chính Dư Thiện vẫn là con trai lớn đỡ đầu công việc nhà cho mẹ nuôi nó. Chẳng hạn, rửa cửa sổ toàn bộ căn nhà khi có khách đến Trại. Mẹ nó không muốn sớm mất cánh tay phải của mình khi nó ngấp nghé tuổi thiếu niên, phải ra riêng ở Trại hai. Một ngày đẹp trời, hình ảnh Dư Thiện ngồi ngơ ngẩn một mình suy tư trời trăng mây nước lọt vào mắt xanh lão Thâm cán bộ giáo dục. Lão giành công đầu quan tâm sâu sát đến từng đứa trẻ, báo cáo Ban giám đốc lập tức: “Có biểu hiện tâm thần. Thừơng trốn đi một mình nơi vắng lặng”. Giám đốc đã thuyết phục mẹ nuôi nó chuyển sang Trại hai đề phòng nó có hành vi bất thường với mẹ và chị em gái, “không lường trước được”

Giám đốc Bắc chỉ thị lão Long:

-    Để đó sáng tính.

 

*

 

Sáng sớm, chiếc Toyota 15 chỗ màu xám của Trại chở cô Linh bác sĩ sang Trại hai để đưa Dư Thiện đi Chợ Quán khám tâm thần. Hai ông bảo vệ được điều đi hộ tống đề phòng Dư Thiện “quậy”.

 

Trại hai vắng hoe. Bọn nhỏ đi học cả. Dư Thiện nằm chèo queo trên sàn gạch chi chít vết máu. Có lẽ mấy con muỗi no mồi không bay nổi bị Dư Thiện cựa quậy đè bẹp trên sán gạch. Cô Linh Bác sĩ mở trói cho nó. Cô lấy gòn tẩm cồn lau vết máu trên mặt, trên tóc Dư Thiện.

-    Con làm gì đến nỗi như vầy, Dư Thiện?

Dư Thiện giương cặp mắt thất thần nhìn quanh, hiền queo.

-    Con có làm gì đâu. Tụi nó bỏ đói rồi còn đánh con.

-    Thay quần áo rồi đi khám bệnh với cô nhe.

Dư Thiện ngoan ngoãn vâng lời.

 

Hai ông bảo vệ chỉ làm cảnh trong chuyến đi, không có cơ hội ra tay nghiệp vụ. Bác sĩ Chợ Quán cho Dư Thiện một toa thuốc an thần và dặn dò chăm sóc, quan tâm bằng tình thương, đối xử dịu ngọt. Nhưng trong buổi sáng, Trại đã lên Sở lấy quyết định điều chuyển Dư Thiện. Buổi chiều một chuyến xe áp tải Dư Thiện về Trung tâm điều dưỡng tâm thần Tam Bình.

 

 

*

 

Dư Thiện tưởng ông Bắc Giám đốc Trại chỉ hù nó một thời gian cho nó sợ, biết phục tùng kỷ luật. Nhưng một tuần, hai tuần dằng dặc trôi qua. Nó quay quắt nhớ cái không khí yên bình ở Trại. Nó nhớ cái ồn ào xô bồ của đám choai choai tụi nó ở Trại hai… Nó nhớ sân bóng những chiều bạn bè hào hứng đi tìm chiến thắng. Nó nhớ cô Vân chủ nhiệm lớp vẫn chằng chằng dỗ dành, động viên nó ráng học cho giỏi…

 

Khi Dư Thiện lờ mờ nhận ra rằng đây là nơi người ta sắp đặt cho nó ở lâu dài chớ chẳng phải chuyện đùa thì nó phản ứng dữ dội. Nó từ chối mọi ưu ái của mọi người dành cho bệnh nhân loại “nhẹ” như người ta phân loại nó. Nó cố tình gây gỗ, bắt bẻ mọi người từng câu chữ, từng thái độ cử chỉ vô tình…Đối với các bệnh nhân khác, nó xem bọn họ là lũ điên hết thảy. Nó xem mình không thuộc đẳng cấp đó.

 

Rút kinh nghiệm từ vụ bị Song Beo quái thú đánh hội đồng, nó cực kì cảnh giác. Và nó luôn luôn ở thế chủ động. Hở ra là nó xuất thủ trước. Mà ra tay tàn độc: bao giờ cũng đánh cho “tắt đèn” đối phương để chiếm thượng phong.

 

Luật của trung tâm được hành xử để khắc phục sự cố náo loạn: cùm chân. Chỉ khi Dư Thiện không còn phản kháng người ta mới cho nó ra khỏi khu cách ly, tháo cùm. Và nó giữ kỷ luật cùm chân có đẳng cấp: 5 tháng liền. Sau đó, nó trở nên lặng lẽ. Người ta bắt gặp nhiều mảnh giấy gói hàng, bao thuốc với những dòng chữ nghuệch ngoạc:

 

“Tôi vào tuổi hoa niên

Bằng khuôn mặt dã thú

Bằng khuôn mặt cuồng điên

Bằng uất hận oan khiên

 

Mỗi một giây trôi qua

Với tôi là vô tận

Mỗi bận mặt trời mọc

Với tôi toàn bóng đêm

 

Trang Chu mơ hoa bướm

Trong tâm thức làm người

Tôi không phải là người

Ước mơ tận cùng điên!

 

Để được thôi ưu phiền….”

 

“Một ngày tôi tỉnh thức

Về thế giới loài người

Còn kịp ôm bóng em?”

 

“Ông trời có điên không

Sao lập Trại tâm thần?”

 

“Lòng ta chôn chặt khối tình

Tình trong giây phút mà thành thiên thu

Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu

Mà người gieo thảm như hầu không hay

Hỡi ơi người đó, ta đây

Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân

Dẫn mai trở lại cõi trần

Chuyện riêng có dám một lần hé môi?”

 

 

*

 

Bỏ thằng Tú với mấy món đồ chơi trên giường, Giang mở máy bơm nước kéo vào tưới mấy liếp rau quanh nhà. Vợ chồng mới mua cái nền đất này sau mấy năm trời dành dụm. Ba cái đồ thừa thẹo ở công trường được Sơn lần lược tha về cũng dựng được một mái ấm tuềnh toàng có chỗ núp mưa núp nắng. Bình Dương hiền hòa cây ngọt trái lành ở đâu đó chớ ở chỗ nàng thì nắng nóng khủng khiếp. Chỉ có vùng này mới mua được một miếng đất rộng với giá tiền bèo. Nàng trồng những món tuy ít mà bán được khá tiền. Liếp ngò gai bỏ cho quán phở. Liếp hẹ cắt đợt này mọc lên đợt khác. Liếp ngò rí là có giá nhất. Nàng tiếc cho hồi ở trong Trại. xung quanh nhà đất rộng mênh mông chỉ trồng cỏ làm cảnh. Vô ích mà phải tốn tiền cho người làm vườn, phải tưới nước, phải cắt. Mẹ nàng phá một ô sau bể nước để trồng mấy cây ớt mấy bụi tần dày lá nêm canh chua.

 

Nàng ngạc nhiên thấy mình sao lại có thể nhớ về bà mẹ nuôi thứ hai mà nàng một thời đối kháng. Cái gì cũng khắc rắt, khe re của một người miền Trung điển hình. Nó trái ngược với bà mẹ nuôi thứ nhất hoàn toàn thoải mái. Vì vậy khi mẹ Phương đi theo tiếng gọi của con tim lập gia đình với người tình cũ- người lính Tây Nam trở về, nàng thấy như trời đất sụp đổ. Từ nhỏ tới lớn nàng luôn là học sinh giỏi duy chỉ có năm mẹ Phương lấy chồng nàng vuột mất danh vị này. Cho nên khi xét chọn nhận học bổng du học của trường Bắc Âu nàng thua con Nga nhà mẹ Duyên. Mặc dù khi ấy nàng là ngôi sao tỏa sáng của Trại. mỗi dịp lễ lạt nàng đều là báo cáo điển hình. Điều này cũng là một nỗi khổ của nàng. Nàng rất ghét đọc cái báo cáo rất sến được cô Mai thư ký thêm mắm dặm muối theo yêu cầu của ông giám đốc. Không được học bổng, mẹ Minh đâm ra chì chiết nàng. Vì đã thua nhà mẹ Duyên, mà mẹ Minh vốn không ưa. Một lần phát hiện nàng đi thăm mẹ Phương nằm viện, mẹ Minh cho nàng là thứ đồ phản phúc. Nhiều báo cáo đủ thứ tội về nàng cho Ban giám đốc. Sau lần uất ức uống thuốc ngủ mà vẫn không từ bỏ được cuộc sống nhiều sức ép, Giang chọn  phương án “tẩu vi thượng sách”. Cóc cần lấy bằng phổ thông trung học, Giang tung cánh bay cùng Sơn, chàng thợ hồ siêng năng bố mẹ ly tán sớm tự lập…

 

Tối, dỗ thằng Tú ngủ xong mà Sơn vẫn chưa chịu đi ngủ. giọng Sơn “hình sự”:

-    Ra đây anh hỏi chút.

Giang rón rén bước ra:

-    Ai gửi thư cho em?

Giang ngạc nhiên:

-    Thư gì? Đời này gọi điện thoại một phát. Ai mà gửi thư?

Sơn móc túi giơ tờ giấy úa vàng như bằng chứng quả tang:

-    Để anh đọc nghe? Nhiều đoạn cũng “êm” lắm!

Giang ngó lá thư, ôm bụng cười:

-    Thư của thằng Dư Thiện, nhà em hồi ở Trại! Từ năm xửa năm xưa! Chắc hồi chiều thằng Tú lục tủ đầu giường, móc ra mấy thứ kỉnh kỉnh của em chứ gì!

Sơn giơ tay ngăn nàng nói.

-    Đây, nghe đây.

“Chị Giang kính yêu của em!

(kêu bằng “chị” mà công nhiên xác định quyền sở hữu “của em” hén!)

Em nhớ chị nhiều lắm. chị cố gắng giữ gìn sức khỏe vì năm sau chị lên lớp 12 rồi. (quan tâm dữ hén? Mắc mớ gì nhiều người khác không nhớ mà nhớ chị nhiều?) Ngày 8/3 em có gửi thiệp mừng chị có nhận được không? Em chỉ có mười lăm ngàn tiền lao động mua tặng chị. (chà, chỉ có mười lăm ngàn mà mua tặng hết. quà này mới quý dữ hén!) Có lẽ lúc này chị khá bận rộn vì chỉ còn chị là lớn nhất nhà. Việc học của chị ra sao? Hồi ở nhà lúc nào chị cũng dạt học sinh xuất sắc (nhân chi sơ, tính vốn nịnh. Nịnh giỏi quá hén!) Em mong về là gặp chị, em nhớ chị nhiều lắm. (nhớ nhiều và mong gặp nữa hén!). Chúc chị nhiều sức khỏe, tốt nghiệp lớp 12, vào đại học được. Em luôn là người vô hình cố gắng làm sao cho chị vào đại học. (làm như có phép thuật, dụ dỗ ý đồ gì đây? Rồi lại “thương chị nhiều” cuối thư nữa!)

Giang nói rành rẽ:

-  Nó thương thì nó “thương’. Làm sao em cấm nó được. Nhưng sao anh không đọc mấy đoạn nó điên.

Giang chộp lá thư từ tay Sơn:

“Vừa rồi em có trốn khỏi đây. Khi về Trại hai, thằng Long nó nói dối chở em về gặp ông Bắc rồi chở đi giao luôn cho Trung tâm điều dưỡng tâm thần. Em không cần thằng đó nữa. Ngày xưa nó học chung với anh của em, thi rớt bị giam bằng Đại học. Thằng Long sau này có nhờ em cũng không giúp, dù ít hay nhiều”.( đó anh thấy nó điên không. Ông Long già mà nó bảo học chung với anh nó.)

“Tết ở đây buồn lắm. Em nhớ nhà vô cùng. Em có cả 600 000 đồng lì xì hết cho mấy đứa trong Trại mà không lì xì được cho mấy em trong nhà. Em đánh bài ăn thằng Ân, biệt danh là thằng câm. Nó dữ nhất trung tâm. Thích chơi bài, thua cả trăm ngàn vẫn còn mượn chơi tiếp. Nó ở đây suốt đời, nhưng má nó 2, 3 tuần lên thăm hòai. Chị vô sau em mà học bằng lớp với em. Em cố gắng ra được học tiếp lớp 9 rồi đi làm.”

- Đó! Anh thấy nó điên điên vậy đó. Nó ở đó sáu bảy năm rồi. anh muốn gặp nó thì bữa nào đi làm ghé Quốc lộ tạt vô một chút. Ai đời đi ghen với thằng điên!

 

Thạch Tuốt đẹt ngắt như thể cha mẹ nó là thầy bói bẩm sinh chọn đúng cái tên. Ngày mới vào Trại nó khờ câm, ngồi đâu ngồi đó phát rầu. Tiếng Việt nó nói còn “chưa kêu”, phải dùng tay chỉ chỏ hỗ trợ. Vậy mà thấm thoát bây giờ nó đang tuổi bể tiếng, giọng nói khao khao như có ai bóp họng. Nó nhanh hơn con sóc, nói chuyện bán trời không mời thiên lôi. Nó phải ra nhà thiếu niên, nôm na gọi là Trại hai, để sống riêng biệt chỉ bọn con trai cùng trang lứa. Ở nhà, nó nổi danh là họa sỹ vì từng có tranh đoạt giải nhì U10 hệ thống Trại mồ côi thế giới.

 

Sang Trại hai, tụi nhỏ vẫn gọi nó là “Tuốt tiếu lâm”. Cứ nghe cái giọng nó nói là đã mắc cười. Còn người biết suy nghĩ giật mình ngẫm lại một hai tiếng nói của nó mà thấm thía, mà đau như có ai ngoáy dao vào ruột. Câu chuyện tiếu lâm mà nó hay kể và vẫn được yêu cầu kể dài dài là chuyện con ma vú dài. Chuyện rằng ở nhánh sông kia có một con ma tu luyện lâu năm, công lực vô cùng thâm hậu. Vũ khí tàn độc nó thích sử dụng là cặp vú. Kẻ nào dám giỡn mặt, dám trêu chọc nó thì bị nó vận công gò ngực thành hai trái núi khổng lồ đè ép nghẹt thở chết tươi. Địch thủ bỏ chạy nó chẳng thèm đuổi theo. Hai cái vú dài ra như hai sợi dây thừng lôi địch thủ trở lại, xiết cổ lè lưỡi mới buông ra. Một ngày nọ, chẳng biết thọ linh khí trời đất gì đó, nó hạ sinh một cặp hoàng nam khôi ngô tuấn tú. Có được vinh dự làm mẹ rồi, hình như nó cải tà quy chánh, hiền thục dễ sợ, chăm chỉ tảo tần nuôi con. Bữa nọ, mùa nước lũ, nước lớn mênh mông, ma vú dài bơi xuồng ra sông kiếm tôm tép bán đổi gạo. Nào ngờ xui xẻo, nó vải hàng trăm miệng chài mà chỉ được một dúm tôm tép con con. Ở nhà, đến giờ khát sữa, hai đứa con nằm khóc um trời. Động ruột động gan, con ma vú dài bứt rứt khó chịu nhưng chẳng lẽ bó tay bơi xuồng về. Nó gác mái dầm, bỏ mặc miệng chài trầm dưới sông, nó đứng trước mũi xuồng mở áo. Vung ngực trái một cái, cái vú dài ra như vòi rồng cứu hỏa bay ngay miệng cho thằng bé bú sữa. Vung ngực phải một cái, cái vú kia cũng biến thành vòi y như vậy cho thằng bé kia bú. Hai thằng bé no nê, con ma vú dài lắc mình một cái, hai vú thu về tròn vo, trắng tươi. Như chẳng có gì xảy ra, nó tiếp tục kéo chài, lượm lặt cá tôm…

 

Câu chuyện chẳng có gì lạ lẫm nhưng cái cách thằng Tuốt kể, cái giọng dấm dớ nửa Khơ-me nửa Việt, mỗi lần kể là một lần thêm thắt sáng tạo khiến người nghe phải phì cười. Nó biến tấu khi thì con ma vú dài lên rừng gánh củi, khi thì đang bán cá tôm ở phiên chợ người ta bu xem đông như xem xiếc…tụi nhỏ nghe hoài không chán. Người ta nói nó bẻm mép nhờ nốt ruồi đen to bằng đầu đũa mọc ở viền môi. Ngẫm ra thì Thạch Tuốt cũng đi đúng lề phải, nội dung toàn là ca tụng tình mẫu tử thiêng liêng, đâu có bỏ đói con bao giờ, dù chỉ là con ma vú dài!

 

 

Ban Quản lý Trại hai đâu có bó tay trước những biểu hiện gọi là vô kỷ luật, vi phạm đạo đức của đám quậy tuổi “teen”. Trừng phạt kinh tế là xu thế phổ biến của thời hội nhập toàn cầu. Sử dụng bạo lực roi vung gậy quất là những phương cách bị dư luận lên án gắt gao. Đánh đập, hành hạ trẻ là vi phạm luật bảo vệ chăm sóc trẻ em, công ước quốc tế bảo vệ quyền trẻ em. Đã có thời người phụ trách vốn là dân bụi đời bỏ nhà đi hoang, trưởng thành ở Trại giáo dưỡng thiếu niên của bộ công an nên rất thích xài luật giang hồ. Đánh trẻ sặc máu mũi là chuyện cơm bữa. Những kiểu tra tấn thời Trung cổ còn được hiện đại hóa như là dí bàn ủi điện nóng vào người, thọc đũa ăn vào lỗ tai…cũng được áp dụng. Một lần che không khéo, phạm nhân vuột dây tháo chạy vào Trại chính cầu cứu. Cực chẳng đã, tay phụ trách cường bạo này bị đuổi việc. Để rồi anh ta lại leo được vị trí cao hơn: về cái chỗ chuyên môn vận động tiền của nhân dân mỗi khi có thiên tai, bão lụt, nhà sập, nhà cháy. Ở đây anh ta lại nghênh ngang kiểu ông Tổng về làng bởi những phi vụ câu tài trợ cho Trại, vẹn lợi đôi đường. Trời! cái chỗ không mưa giông sét đánh cũng vái trời cho có, mà sao không đánh trúng!

 

Vết xe trước đổ, vết xe sau tránh là quy luật phát triển. Nhà nước pháp quyền ở Trại hai thiết lập một danh sách dài ghi rõ giá tiền của những tội danh vi phạm. Một sổ vi phạm để dành ghi rõ nội dung, ngày giờ vi phạm cho bọn trẻ hết đường chối tội. Mà tiền tụi nhỏ đâu có nhiều nhặn gì. Hàng tháng, tiền quần áo chín chục ngàn, tiền tiêu vặt sáu chục ngàn, tiền học cụ một trăm tám chục ngàn một học kỳ. Thạch Tuốt vi phạm miết đến nỗi không còn một đồng để mua sắm các nhu cầu thiết yếu mà tài khoản của nó còn bị âm, nghĩa là mắc nợ. Mà nợ cũng theo quy luật vận động phát triển, càng ngày càng tăng cao. Riết rồi quần áo nó chỉ còn mỗi một bộ dính da: bộ đi học, bộ ở nhà.

 

Tro than âm ỉ lâu ngày gặp cơn gió cũng có thể bùng lên thành lửa ngọn. Một hôm trời xui đất khiến Thạch Tuốt nhớ nghề cũ, hứng chí vẽ bức tranh “chuột da xanh và mèo mặt bự” ghi hình con mèo mập thù lù tha miếng thịt to còn mắng con chuột nhắt tha hạt gạo bé xíu là đồ đục khoét. Bức tranh treo chương ướng trong phòng nó làm nhột nhạt ban quản lý Trại có một ông “ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao” một dịp kiểm tra phòng nhìn thấy. Ban quản lý Trại hai nhóm họp phiên khẩn cấp để xử lý vụ án phạm thượng của Thạch Tuốt. Hình phạt đề xuất với Ban giám đốc Trại là đưa Thạch Tuốt đi trung tâm giáo hóa trẻ em hư thời hạn ba tháng, đính kèm một xấp hồ sơ biên bản vi phạm có đủ chữ kí của phụ trách và đại diện bọn trẻ. Bài học kinh nghiệm phổ biến toàn Trại hai là tài phải xài đúng chỗ, nói phải có suy nghĩ xem có lợi hay có hại cho mình. Giám đốc Trại chuẩn y. Nhưng chiếc Toyota mười lăm chỗ của Trại mới đậu ở cổng Trại hai thì Thạch Tuốt đã vận dụng chiêu Bích hổ du tường, nhanh như con sóc vượt rào, bắt đầu bước đường phiêu bạt giang hồ, đầu đường xó chợ.

 

Những người chung quanh ta có nhận xét tốt về ta nếu ta sống tốt. Điều này khách quan hơn mấy cái bản nhận xét các ông đầy tớ nhân dân của ông khu phố trưởng. Bởi đa phần, đó là trao đổi hàng hai chiều, là “bánh ít đi bánh quy lại”. Bà bán hàng rong nhận xét Thạch Tuốt là một thằng bé “thấy thương” mặc dù nó đen thui chứ chẳng phải mũm mĩm, trắng trẻo dễ thương gì. Đó là một nhận xét vô vụ lợi. Thấy thương có nghĩa là nó đàng hoàng, lễ phép, không giựt dọc, đụ mẹ đéo bà luôn miệng như đám nhóc học sinh bây giờ mà ở cổng trường, bà thực chứng nhiều nhất. Sự khách quan của bà càng khẳng định hơn nữa vì Thạch Tuốt không phải là bạn hàng thân thiết của bà. Nó đâu có tiền mà mua quà hàng rong. Cũng không thể liệt bà vào “Trục Ác” vì bà bán buôn bất hợp pháp nên cùng một giuộc với bọn bị kỷ luật. Xét ra bà còn tốt hơn vì cùng một sản phẩm tiêu chuẩn vệ sinh như nhau, bà bán rẻ hơn căng- tin trường học. Bà đâu phải mất tiền đấu thầu, đâu mất tiền chung chi cho Ban giám hiệu, cho quỹ Công đoàn, đâu phải trả lương cho nhân viên phục vụ. Bà chỉ lấy công làm lời, móc tiền của những phụ huynh có tiền. Về lý, cũng không thể bắt tội bà, vì bà đứng xa cái bảng “Cổng trường em sạch đẹp” và “không bán quà vặt trước cổng trường” ít nhất là ba chục mét, khỏi mí hàng rào trường. Chiếc xe đạp của bà là hiện thân chiếc xe thồ dân công chiến trường Điện Biên Phủ năm nào: ghi-đông, bọt-pa-ga, bên hông đều có thanh ngang, bảng dọc treo lủng lẳng đủ thứ đồ chơi, quà bánh. Còn cái mui tự chế như con diều khổng lồ che nắng che mưa cho bà cũng xứng đáng vào kỷ lục Ghi-nét hơn những cái bánh khổng lồ, chai rượu khổng lồ nhân dịp giỗ Tổ. Bà bán hàng rong đứng ra bảo lãnh, giới thiệu Thạch Tuốt vào làm ở hãng kem Mỹ Dung gần nhà bà. Cũng nhờ đúng vào dịp thằng làm trước đó bỏ đi. Khuyết một tay. Thực ra bà hiểu hơn ai hết đây là một cơ sở kinh doanh ma quỷ, nước lã mà vả nên…kem. Công thức của nó là nước pha với đường hóa học cộng chất tạo mùi, làm lạnh bằng phương pháp thủ công để bán giá kem cây năm trăm, kem ký tám ngàn. Tụi làm công ở đây gần như làm việc suốt ngày. Chủ nuôi hai bữa cơm hẩm hiu qua loa, tháng trả vài trăm ngàn tiêu vặt. Chủ yếu bà tìm được cho nó một nơi trú ngụ, khỏi sa chân vào các tệ nạn nguy hiểm hơn. Tới đâu hay tới đó. Bà biết, rồi một ngày cũng như người “tiền nhiệm” của nó, chịu gian khổ hết nổi, thì nó cũng tự tìm công việc khác mà làm.

Ai mà dám rước một thằng bé bá vơ vào nhà. Vài ngày không tắm rửa hôi rình. Lang thang, nó quay trở lại khu xóm Trại. Ông Bảy nuôi ngựa duy nhất ở vùng này giới thiệu nó ra trường đua Phú Thọ làm nài ngựa. Công việc này đòi hỏi một đứa nhỏ con, linh lợi, rất phù hợp với nó. Nhưng nặng nhọc và nguy hiểm. Nó phải bao thầu cả công việc quần ngựa, chăm sóc ngựa, hốt phân ngựa. Khắc nghiệt hơn, khi trọng lượng cơ thể tăng dần, nó phải ép xác nghĩa là nhịn ăn để giảm trọng, mỏng như tờ giấy rạp mình trên lưng ngựa đua.

 

Hai ba mùa trôi qua. Chuyện đến phải đến. Vị trí nài ngựa không còn xài nó nữa. Mỗi lần bị đào thải, thay đổi công việc là những ngày khốn khó. Đói.

 

Thạch Tuốt lội bộ vả mồ hôi mười mấy cây số tìm về Trại. có lăn lóc va chạm với đời để kiếm sống, nó mới trân quý những tháng ngày vàng son ăn ở không đi học trong Trại bên bà mẹ nuôi, bên lũ anh chị em mồ côi. Thạch Tuốt bùi ngùi nhớ lại nơi chốn thời thơ ấu mình đã vui chơi, vào ra. Cây xoài góc sân giờ đây chắc đã vươn cao. Có lần nó trèo hái, trái chín cây vàng ươm, mê quá, chồm ra xa gãy nhánh té muốn nín thở. May mà cây xoài mới bói trái, không cao lắm.

 

Nó lơ ngơ chưa kịp hỏi chào, tay bảo vệ Béo mới vào làm chận ngay chòi canh:

-    Giám đốc có lệnh cấm không cho con cũ vào nhà, anh ơi!

 

Đúng là người ta khinh dễ nó, coi nó như bọn chôm chĩa, vào nhà quơ quào của cải, xin xỏ này nọ. Thạch Tuốt cự liền:

-    Lâu lâu tui về thăm Mẹ, thăm em chớ có trộm cắp gì mà anh không cho tui vô?

Bảo vệ Béo cũng phang ngang:

-    Tui hổng biết. Giám đốc có lệnh vậy. Ai mà biết anh sẽ làm gì. Đề nghị anh chấp hành!

Thạch Tuốt cũng sửng cồ:

-    Đừng có đem ông Giám đốc hù tui! Cho tui gặp nói chuyện với ổng đi.

-    Giám đốc đi vắng rồi.

Thạch Tuốt giở giọng dao búa trường đua:

-    Giám đốc làm việc gì sao tui vô mà ổng đi vắng? Chừng nào ổng mới về?

Tay Béo bảo vệ hình như đấu dịu:

-    Ổng đi học Chính trị. 5 giờ chiều mới về, anh ơi!

Thạch Tuốt càng lấn lướt:

-    Anh cho tui vô thăm mẹ Hiền. Chừng nào Giám đốc về tui ra gặp ổng sau.

-    Hổng được anh ơi!

Cùng đường, Thạch Tuốt nổi máu cá ngựa, được ăn cả ngã về không:

-    Vậy mày ăn một mũi kim sida được hông?

Thạch Tuốt vờ đút tay vô túi quần. Thằng ốm đói này dám sida lắm. Bảo vệ Béo xanh mặt chưa kịp phản ứng thì Thạch Tuốt kinh nghiệm đầy mình, tiên hạ thủ vi cường, đấm liền bốn năm cái vào mặt vào mũi. Thường ngày Béo từng xách dùi cui đi dẹp chợ tự phát lề đường với Công an Phường nhưng hôm nay hãi hùng gặp thằng sida, không dám chống cự, chạy dài. May sao, có một xe tuần cảnh đi hốt quán cà phê ôm lỉnh kỉnh bàn ghế ở miệt Cống Lỡ chạy ngang, bà làm cỏ Trại chạy ra cầu cứu. Chiếc xe Jeep xịch vào, tống Thạch Tuốt lên xe với mấy cô mắt xanh mũi đỏ về Phường.

 

 

*

 

Chiếc xe máy hai thầy chùa áo nâu phóng xe vào Trại. Bảo vệ Bảy Râu chửi đổng:

-    Thầy chùa mà sung. Đi như ăn cướp!

Bà mẹ biệt danh Bá Hộ vẫn hay có khách thầy chùa, một lòng cầu Phật cho khỏi bệnh nan y. Chắc họ vào đấy .

Nhưng lát sau ghé am bảo vệ là một sư già, một sư trẻ. Bảy Râu trố mắt: Thạch Tuốt.

Thằng này dân Khơ-me mà sao không đi lục áo vàng Tiểu thừa của người Khơ-me? Nó hiền từ như cái áo nâu đang mặc:

-    Con xin lỗi chú vì đi gấp, phải kịp trở về quê hai trăm cây số. Con tu chùa Phước Hoà. Ghé mẹ lấy cái học bạ về đi học tiếp. Cho con gởi lời xin lỗi anh Béo. Bữa đó con bậy quá.

Bảy Râu chắp tay trước ngực, hài hước:

-    Ừ. Ráng tu nghe, sư phụ!

 

 “Mẹ kính mến!

 

Con được vô Trại là niềm hạnh phúc lớn của đứa con mất cha lẫn mẹ. Tưởng vô đây được sống sung sướng, được ăn học đầy đủ, được bên mẹ an ủi, được thương yêu chăm sóc nhưng ngờ đâu con sống như một cái xác không hồn. Khi nhìn thấy những đứa bạn được cha mẹ săn sóc mà lòng con rất tủi nhục. Nhưng mà thôi. Đó là do số phận đặt ra cho mỗi người mà Mẹ. Những năm sống bên mẹ Thanh con rất là sung sướng. Mẹ Thanh đi rồi thì Mẹ vô thay. Thế là từ đây con biết cuộc sống sẽ thay đổi. Mấy chị em con đang sống vui vẻ mà mẹ đã làm cho chị em con mỗi người mỗi ngã. Chỉ còn con và em Tiến ở lại ngôi nhà này. Sao mẹ không cho con và em Tiến đi luôn nữa đi? Để lại làm chi cho gai mắt mẹ. Đã từ lâu, con biết mẹ đâu có cảm tình gì với chúng con trong nhà. Mẹ chỉ cần lên nói với Giám đốc là tụi con đi liền. Con đâu xứng đáng là con của mẹ phải không?

 

Lòng con rất là buồn. Mỗi buổi con thường ra ngồi ở bờ hồ âm thầm khóc một mình cho vơi đi nỗi đau. Người ta cứ tưởng là con mộng mơ, sống trên mây trời. Không đâu mẹ ạ. Chính lúc đó con buồn muốn chết và thường nghĩ vế quê nhà. Trong đời ai cũng có sai lầm phải không mẹ? Con biết, con cũng có lỗi với mẹ, làm cho mẹ không vui. Có lần, mẹ ở nhà dì Hằng chơi, bảo con Hồng con dì Hằng qua nhà mình bưng cơm để mẹ ăn với mấy dì cho vui. Hôm ấy hình như là mùng Năm tháng Năm. Con Hằng xách theo xâu bánh ú nước tro nhỏ xíu tòn ten tòn ten rất xinh. Con vui miệng xin nó một cái để mở ra xem người ta gói như thế nào mà tài vậy. Nào ngờ, nó không cho mà còn về méc mẹ. Thế là mẹ gọi con qua nhà dì Hằng, bắt con phải xin lỗi nó. Mẹ còn bảo con phải ờ nhà dì Hằng, gọi con Hồng bằng chị, nó làm gì thì phải làm thay, cho chừa cái tội ăn xin. Lại ăn xin. Con nhớ có lần dì Ngọc cũng chửi chị Thắm: “cái thứ lười bọn bây chỉ có nước cầm cái nón ra ngòai chợ mà đi ăn xin.” Lúc đó con vô cùng uất ức, tức giận dùm. Con biết, tụi con nhiều đứa đều là con nhà nghèo. Nhưng đấu đến nỗi phải đi xin ăn. Mẹ và dì lại hùa nhau chửi chúng con. Làm sao con không giận mẹ chứ?

 

Buổi tối hôm đó con rất muốn trốn đi. Nhưng con nghĩ lại dù sao con vô ở đây cũng lâu rồi, tự xem nơi đây là gia đình của mình. Nhất là em Tiến, con biết nó hồi lúc còn bồng ẵm khóc oe oe. Con coi nó như em ruột của mình. Sáng ra con không thèm nói chuyện với mẹ. Buổi trưa con qua nhà Dì Ngát coi phim thì mẹ nhốt con ở ngòai. Con kêu em Tiến mở cửa rồi vô giường nằm coi truyện tranh. Vậy mà mẹ giựt cuốn truyện xé nát rồi đuổi con ra khỏi nhà.

 

Con vẫn buồn như người khổ nhất

Trước sau rồi có lúc phải ra đi

Chưa hình dung ra nổi điều gì

Khi hai cánh cổng Trại lạnh lùng khép lại

 

Có những con đường đi không tới

Chiều đông con dốc ngó mưa bay

Cây vô tư ứơt sũng lá bên ngòai

Từng ấy năm con nhận được nhiều

Việc chăm sóc như niềm ân sủng

Có những lúc lòng hồ không phẳng lặng

Vui buồn theo  lá cũng rơi theo”

 

Lá thư viết cho vơi nỗi niềm. Nó không được trịnh trọng cho vào phong bì mà bị vo cục vo tròn ném vào lùm cây bên đường đến trường, tưởng rơi vào hư vô.

 

Mẹ Thanh định cư ở Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Việc trở thành bà mẹ ở Trại mồ côi là việc tình cờ. Tin tuyển dụng hấp dẫn bởi có yếu tố nước ngoài tài trợ. Công việc mới mẻ, mang tính nhân ái cao cả. Lời cam kết không lập gia đình trong vòng hai mươi năm để chăm sóc trẻ cũng là một thách thức thú vị. Thanh vốn tính ngang ngang, không chịu khuất phục ai bao giờ. Bây giờ không thể kết tội Thanh phá vỡ hợp đồng. Chữ hiếu phải được xếp lên trên. Cha mẹ ta nào có được sống hoài suốt đời với ta! Cũng còn có lý do chính đáng để từ giã đàn con. Năm năm trời mẹ Thanh đã làm tốt công việc, tuy có phần nghiêm khắc do bản tính rắn rỏi kiểu đàn ông. Dù sao, cuộc ra đi của mẹ cũng không giống hai mẹ Hiền và Hiếu do án tàn nhẫn hành hạ con: “Tiễn mẹ ra đi mà lòng con vui như mở hội!” cũng không phải khó nói như mẹ Kim: “con ơi ở lại mẹ đi…chống lầy!” Dù lí do nào sự ra đi của bà mẹ đều gây bất ổn cho đàn con ở lại. Thứ nhất là danh xưng. Các bà lên ngôi vị bà mẹ chính là các bà Dì phụ việc cho các mẹ trong Trại chứ đâu phải ai xa lạ mới đến. Nhưng bà Dì nào cũng làm việc qua loa vì trách nhiệm thay thế có thời hạn, hết nhà này đến nhà khác. Đến khi là Mẹ cố định thì lại ra oai. Chủ nhà mà! Trường hợp con Duyên nhà Hoa Cúc là vậy. Mẹ Hiền ác với đứa nào chứ không ác với Duyên. Nó là con cưng, trợ thủ đắc lực của Mẹ Hiền để trấn áp lũ em nhỏ. Mẹ Hiền bị đuổi nhưng Duyên không đuổi mẹ ra khỏi cõi lòng nó. Ai nói xấu về mẹ Hiền nó cãi tới cùng. Bà mẹ mới nó chỉ gọi bằng Dì như thưở nào vẫn gọi. Suốt cả bốn năm tháng trời nó vẫn chắc dạ, chỉ đến khi một việc xúc động nó chứng kiến từ bà mẹ mới nó mới thay đổi gọi là Mẹ. Nhưng muộn rồi con ạ! Dấu ấn về chuyện không gọi mẹ khiến những năm sau nó phải lao đao, sớm bị đẩy vào đời sớm. Thứ nhì, các bà mẹ mới không chịu nổi khi bị so sánh: “Ngày xưa mẹ A không thế này!” “Mẹ A không cho con làm thế này!”…Vì vậy một khi mẹ ra đi là lần lượt đàn con cũng ra đi.

 

Trâm Anh không có cái gan trốn khỏi Trại. Nó ép xác chịu đựng. Trong nhà ngột ngạt thì nó lững thững đi vòng vòng những con đường nội bộ của Trại. Nó vẩn vơ làm bạn với cây lá trong Trại. Nó có thể xác nhận cây xoài nhà dì Hằng nhiều trái hơn cây xoài nhà dì Mỵ. Hàng cau góc nào đang trổ hoa, góc nào có buồng quả vừa tới . Đôi khi người ta thấy nó đứng ỳ ở một gốc cây. Hỏi làm gì thì nó thản nhiên trả lời:

- Nghe chim quốc kêu chơi. Đó, nghe không? Nghe vui vậy không ai chịu nghe!

Quốc kêu quốc quốc nghe buồn não ruột mà nó bảo vui!

Từ khi quyết định sống theo thời, chiều theo mẹ mới, Trâm Anh thu mình trong vỏ ốc. Ba bốn quyển tập viết lăng nhăng xả stress nó đốt bỏ khi vụ án nhật ký con Quỳnh bị mẹ nó đọc trộm. Con Quỳnh bị gậy ông đập lưng ông. Mẹ nó tỉnh bơ lâu lâu lấy một câu trong nhật ký đem ra chì chiết nó. Khi bị lật tẩy, đâu có con đường nào khác cho con Quỳnh hơn là bỏ Trại mà đi. Điểm thi tốt nghiệp phổ thông của Trâm Anh cũng chỉ ở loại kha khá. Nó cố hết mức cũng chỉ ngần ấy. không mong gì vào Đại học, Trâm Anh chọn Trung cấp công nghệ thông tin. Con gái ở Trại hình như chẳng có duyên học hành đỗ đạt. Số đậu đại học bao nhiêu thế hệ chưa đầy bàn tay. Cả chục đứa học sư phạm rốt cuộc chỉ còn hai ba cô giáo mẫu giáo. Chị Mỹ, chị An, chị Tâm, chị Mây, chị Triều…đều bỏ dạy. Lấy chồng, sinh con. Có bị lời nguyền chi đó. Toàn làm dâu miền Trung.

 

Chiều hôm qua, Trâm Anh đi bộ dưỡng sinh ngang qua nhà mẹ Diệu lại chứng kiến một màn bi hài. Ông phát thơ đang thu tiền mẹ Diệu mười một ngàn cái thư hoàn lại của con Liễu. Thư gửi cho anh chàng nào đó ở tận Lạng Sơn mà không có người nhận. Chung mười một ngàn mẹ Diệu có quyền ngay với cái thư. Mẹ Diệu xé bì thư cái rột. Bốn trang thư với ba tấm ảnh giới thiệu dung nhan lòi ra. Mẹ Diệu hỉ hả vừa đọc vừa cười. Tối nay con Liễu đi học về khỏi ăn cơm! Hai lỗ tai no đầy! Phải chi Trâm Anh đi vòng ra cổng sớm hơn. Bỏ ra mười một ngàn tiền cước mà biết được “bí mật quốc phòng” của con Liễu và cứu nó một bàn thua tầm cỡ! Ôi con gái Trại sao mà dại!

Con Âu hớt hải chạy lại. Nó rành nơi chị Trâm Anh hay thơ thẩn:

-    Chị Hai, về nhà có anh nào tìm kìa!

Trâm Anh cuống cuồng:

-    Mày có nói tao đi đâu không?

-    Hông. Em nói chị không có ở nhà. Để em đi vòng vòng tìm thử. Anh đó học lớp chị mà!

Trâm Anh dỗ dành con Âu:

-    Em về nói không gặp chị nghen. Nói chắc chị đi nhà bạn ngoài Trại rồi nghen.

Trâm Anh nói với theo:

-    Mai chị mua kem cho nhé!

Trâm Anh đi lẩn sau dãy nhà khách. Lỡ anh chàng có đi vòng vòng tham quan chơi cũng vô phương gặp.

Có một ngày Trâm Anh sẽ đối diện với những người không hẹn mà tới này. Nhưng bây giờ thì chưa.

 

Buổi trưa không biết mắc mớ gì điện lực cúp điện. Phượng ngồi dậy vén tóc kẹp lại. Khuôn mặt nghiêng nghiêng khắc họa trên viền khung cửa sổ lồng lộng mây trời như một bức tranh hiếm hoi. Với Phi, nếu phụ nữ không có tóc ắt sức quyến rũ giảm mất một nửa.

-  Nóng quá. Để em kiếm cái gì mát mát uống.

 

Cuối tháng, Phi đã cạn tiền nên im lặng, mặc Phượng làm gì thì làm. Có những lúc Phi chỉ uống nước lã trừ cơm. Ngồi học đến tối mới tạt qua Trại, vô nhà thăm Mẹ với hy vọng có cái gì ăn Mẹ mời. Không có lời mời nào thì làm xấu, tự xuống bếp lục tủ. Đâu có xa xỉ, “nóng trong người” kiếm cái gì mát mát mà uống!

 

Có tiếng đi động tút tút trong túi xách Phượng. Phi lục xem… “17 giờ mai đến nhà, sinh nhật tớ, nhé! Mong.” Phi biết số điện thoại này. Của Đô, mối tình non yểu của Phượng hồi Trung học. “Được. Sẽ làm một phép thử.”

Phi nốc trọn hai chai trà xanh không độ mát lạnh mà chưa thấy hết “nóng trong người”. Tuy vậy, Phi vẫn xạo:

-  Nước em mua ngon thiệt, mát thiệt. Muốn uống hoài!

 

 

Phép thử của Phi thất bại ngòai dự kiến. Phi cứ tưởng bây giờ mình là mặt trời của Phượng. Rằng Phượng sẽ cứ bay theo quỹ đạo cố định vòng vòng Mặt Trời Phi mà thôi. Bỏ lên bàn cân thì chỉ có Phi là trĩu nặng hết cỡ. Còn lại tất cả mọi thứ đều nhẹ hều. Đều là zêrô. Bốn giờ chiều, Phi gọi điện thoại cho Phượng định nói xạo là mẹ rủ vào nhà chơi. Nào ngờ điện thoại chỉ có tiếng ò í e! Dường như Phượng biết tỏng ý đồ của Phi và hóa giải một cách nhẹ nhàng. Phi tím gan .Lại một đêm khó ngủ. Người ta bảo tình yêu nâng cánh ứơc mơ, tình yêu là liều thuốc bổ. Sao mà với Phi, chỉ thấy đắng nghét.

 

 

Phượng vẫn đến điểm hẹn sau giờ học như mọi khi. Mặt Phượng tỉnh bơ như chẳng có chuyện gì xảy ra. Chẳng cần biết Phi đang nổi điên.

-    Chiều qua em làm gì mà gọi hòai không đựơc?

Phượng thản nhiên:

-    Em bận đi sinh nhật nhỏ bạn. Máy hết pin.

-    Sinh nhật đứa nào không rủ anh đi?

Phượng ấp úng:

-    Con …con Thúy. Tại nó mời vòng vòng có mấy đứa bạn gái. Rủ anh đi không tiện.

Phi lạnh lùng tấn công:

-    Thúy nhà ở chợ Bún _ Bình Dương phải hông?

Đó là địa chỉ nhà Đô.

Phượng đỏ mặt, nhanh chóng nhận ra mình đã bị lộ:

-    Anh lục điện thoại của em phải không? Đó là sự xúc phạm.

Phi cười gằn:

-    Vậy nếu không có mặt anh, chuông điện thoại anh reo, em cũng không nghe?

Phượng im lặng.

Phi bắt đầu kết tội.:

-    Tình bạn trong sáng thì em cứ nói với anh đi sinh nhật anh Đô của em chứ có gì phải giấu diếm!

Phượng bắt đầu đỏ hoe đôi mắt:

-    Em không muốn vắng mặt.  Mà nói với anh thì không tiện. Anh cứ hay suy nghĩ này nọ lung tung, mất công!

Phi nói từng tiếng một.

-    Và cứ nói dối dài dài đến đâu thì đến phải không?

Rồi bỏ về, mặc cho Phượng gọi với theo.

 

Phi lầm lũi tản bộ vào Trại thăm Mẹ.

-    Bị bồ đá hay sao mà mặt mày như mất sổ gạo vậy, công tử?

Phi ngẩng lên. Đã tới lều bơm vá xe của lão Ba Mập. Lão hành nghề ngay góc ngã ba hàng rào Trại. Từ hồi Phi còn bé xíu vẫn hay dắt xe đạp đi chợ của Mẹ ra cho lão sửa. Phi sà xuống cái ghế nhựa.

-    Lúc này làm đỡ không chú? Không có khách thì để cháu giúp cho.

-    Giúp gì?

-    Để cháu mua đinh rải vòng vòng đây.

Lão Ba Mập biết Phi nói cho vui nhưng vẫn nạt đùa:

-    Bậy. Đời nào tao làm vậy! Con bé kia đâu, sao không dắt đi?

-    Xù rồi chú ạ!

Phi tóm tắt câu chuyện cho lão Ba Mập nghe. Nó vẫn thường xả stress ở đây. Ba Mập chỉ là thợsửa xe mà rất sành đời, thông kim bác cổ. Phi tìm ở lão bóng dáng một người cha. Có lần nó hỏi lão:

-    Bạn con coi được hông chú.

Lão nói phân hai:

-    Tướng tá coi cũng được. Nhìn thấy an tâm. Nhưng tao có tiếp xúc đâu mà biết. Đàn bà ghê lắm!

Hôm nay lão chắt lưỡi nhằn nó:

-    Mày đa nghi quá Tào Tháo. Chuyện nhỏ xíu mà bỏ con người ta. Mà mày có gì với nó chưa? Đừng ỷ có Trại mồ côi nuôi rồi làm gì thì làm. Tội lắm nghe con!

Lão Ba Mập kể cho Phi nghe chuyện Tào Tháo chém chết cả nhà Lữ Bá Xa.

-    Đó thấy chưa? Chỉ có bọn ác nhơn mới nói cái câu “thà mình phụ người chớ đừng để người phụ mình”. Sau này nó biến tấu thành “thà giết lầm chứ nhứt quyết không tha lầm”. Ác nhơn lắm. Yêu nhau thì phải tha thứ cho nhau.

 

Hơn ba tháng rồi Phi không gặp lại Phượng. Cũng có lí do. Buồn, Phi đi theo mấy thằng bạn. Tốt nghiệp xong tụi nó chọn đường tiến thân bằng cách về các tỉnh heo hút nghe tên ai cũng bỏ chạy.  Ở các nơi này thằng chột cũng có thể làm vua. Phi có ý đồ khác nhưng đi theo mấy đứa này cho biết đó biết đây cho tới lúc Phi rời xa quê hương này. Diễn biến thứ hai là Phi mất điện thoại. Không có cái ngu nào bằng cái ngu của Phi. Đi tắm biển Vũng Tàu, đồ để ở dù che nắng thuê chưa chắc ai dám đến lục. Đàng này Phi gửi cho một chị bế con bên cạnh giữ hộ. Thế là hai mẹ con nọ ôm quần áo với máy chụp hình, điện thoại di động, cái bóp có mấy trăm ngàn đi mất! Diễn biến thứ ba là căn cứ địa chỗ Phi cư ngụ mà Phi vẫn dắt Phương đến tâm sự đã bị Trại thu hồi để nâng cấp sửa chữa. Phi phải lưu lạc theo mấy thằng bạn ở trọ. Thế là đứt liên lạc luôn.

 

Phượng có tìm Phi thì cũng chẳng biết đâu mà tìm. Phi tư vấn lão Ba Mập gỡ rối tơ lòng:

-    Theo chú, bây giờ con phải làm gì?

-    Bất chiến tự nhiên thành. Nếu nó yêu mày thiệt tình thì trước sau gì nó cũng tìm mày. Bằng không thì chim trời cá nước, mạnh ai nấy đi! Khỏi tiếc nuối gì cả.

Phi vặn:

-    Rủi nó cũng nghĩ y như chú nói thì làm sao gặp nhau được?

Lão Mập xua tay:

-    Đừng có lo. Tình yêu nó diệu kỳ lắm. Nếu nó chỉ mê cái hào quang của mày thôi thì mất nghe.

Lão kéo cái giỏ lục ra trang báo Tuổi trẻ Chủ nhật nhàu nhĩ:

-    Có cái truyện ngắn 1200 của nhà văn Nguyễn Đông Thức đó. Truyện “Tình xưa”. Đó là con đàn bà tệ!

Phi ngồi đọc ngấu nghiến một ngàn hai tăm chữ cái truyện ngắn rồi lập bập hỏi lão Ba Mập.

-    Bộ truyện này có thiệt hả chú?

Lão Ba Mập từ tốn:

-    Nhà văn thì hay hư cấu.Ở cái tuổi Nguyễn Đông Thức, nếu không trải nghiệm thì chí ít là thấy nó xảy ra, đâu đó ở bạn bè, người xung quanh mình.

Phi ngần ngừ:

-    Cho con xin .. tờ báo này nghe chú.

Lão Ba Mập cười:

-    Lấy đi! Đừng có hết xí quách như thằng cha đó nghen!

 

 

Lão Ba Mập nói không sai. Tình yêu diệu kì ở chỗ nó dẫn dắt người ta hành xử. Rồi Phượng cũng tìm gặp Phi. Có gì đâu. Phượng ghé nhà mẹ Phi ở Trại thì biết Phi có đến vào buổi tối. Phượng giả vờ bắt chuyện với mấy đứa nhỏ em Phi và nán ở lại chỉ bài tập cho hết đứa này đến đứa khác mấy hôm liền. Hôm đó, cũng quá chín giờ tối, Phượng định về thì Phi lù lù dẫn xác vào. Huề.

 

Nhưng mối quan hệ giữa Phi và gia đình Phượng không được cải thiện chút nào. Khi Phượng dắt Phi về ra mắt gia đình, Phi bị đối xử lạnh nhạt. Trở ngại lớn nhất chính là nguồn gốc xuất thân của Phi: mồ côi. Mẹ của Phượng, một nhà giáo nhưng hình như không có một chút nào bị mê hoặc bởi cái dáng thư sinh thanh thoát của Phi, trái ngược hẳn với con gái bà. Bà lưu ý Phượng sự khiếm khuyết bố mẹ từ tuổi thơ sẽ là một thương tật lớn trong tâm hồn. Bà không muốn con gái mình sẽ là nạn nhân của những cơn bộc phát của thương tật ấy. Người ta có nhiều con, còn bà chỉ có một cô con gái rượu độc nhất. Những kiến thức tâm lý học đó hình như đóng khuôn trong đầu óc bà, khiến bà không quan tâm đến gia thế của Phi. Mẹ Phi cũng là nhà giáo như bà. Bố Phi là một nhà khoa học, một dòng họ tăm tiếng xứ Nghệ. Rõ ràng Phát, anh cả của Phi đang kế tục truyền thống khoa bảng của dòng họ. Giành lấy học bổng du học nước ngoài, con đường tương lai của anh đang rộng mở thênh thang. Hình như Phi đến sau dự định của hai ông bà: làm sui gia với một đại gia buôn bán hàng nội thất danh tiếng. Nhưng Phượng không mảy may động lòng trước cái gia sản đồ sộ đó. Dưới mắt Phượng, con trai của nhà trọc phú nọ chỉ là một công tử bột hợm hĩnh. Cô sinh viên Kiến trúc đã phác họa một mái ấm chỉ có chàng trai mồ côi đầy cá tính là Phi.

 

Quãng thời gian gián đoạn vì chuyện giận hờn, vẻ ưu tư của Phượng không che đậy được cặp mắt sành sỏi của bố mẹ. Họ nghĩ rằng Phi đã chiếm đoạt con bà rồi cao bay xa chạy như thành kiến không ưa ban đầu với Phi. Hai ông bà xót xa cho tương lai cô con gái cãi cha cãi mẹ. Biện pháp dùng võ lực được bố Phượng đề ra bởi ông vốn là dân nghề võ gia truyền, huấn luyện viên võ thuật lâu năm của Công an huyện. Mẹ Phượng gạt bỏ. Chẳng phải vì thương Phi bị đòn mà chỉ sợ bố Phượng mạnh tay , phải đi tù. Bà hiểu người chồng cả đời chưa hề một lần nặng lời với vợ con khi phải ra đòn để bảo vệ tổ ấm mình nâng niu chắc chắn là khủng khiếp lắm.

 

Khi đã có vé bay trong tay, Phi mới công bố chuyện du học cho mẹ và ông Bắc Giám đốc Trại. Phi dự định con đường tương lai của mình là phải du học lấy bằng cấp nước ngoài như đám bạn bè đủ cha đủ mẹ, con ông này ông kia. Bọn nó muốn đi là đi dễ dàng từ thời trung học. Còn Phi không có đô la cũng không xuất sắc lắm về học lực. Thế nên Phi tốn nhiều tâm cơ xây dựng. Một năm trời Phi miệt mài học tiếng Đức với danh nghĩa học thêm anh văn, vi tính chỉ để đến chúc tết người khách đỡ đầu nước ngoài để gây ấn tượng. Cộng thêm tác động của người anh cả, cuối cùng sau khi Phi lấy xong bằng Cử nhân Luật cả năm trời mới hoàn tất xong thủ tục, kinh phí. Điều này không có tiền lệ nên Phi sợ các vị quan chức của Trại bàn tán bác bỏ. Thủ tục giấy tờ hết trục trặc này đến trục trặc khác khiến Phi hụt hơi. Hành lý cho chuyến bay cuối cùng cận ngày Phi mới thu xếp thành ra thiếu trước hụt sau.

 

Bố mẹ Phượng tìm gặp Ban giám đốc Trại. Dư luận bàn tán phen này Phi bị chận đường quất ngựa truy phong, chuyến bay một lần nữa sẽ bị đình chỉ vô thời hạn. Nhưng không có gì xảy ra. Chuyện đó chỉ Phượng biết. Chính Phượng cũng muốn có một lời cam kết cụ thể bằng sự dâng hiến nhưng Phi chối từ. Điều này làm Phượng càng gắn bó chặt chẽ hơn với Phi bất chấp cha mẹ.

 

Thực ra chính Phi cũng muốn để lại dấu ấn ở Phượng trong nhiều hoàn cảnh không thể nào chín muồi hơn nơi căn cứ địa nhà hoang chờ sửa chữa của Trại. Nhưng cuối cùng Phi nghĩ tới chuyến bay mà nó tốn bao tâm cơ. Phi nghĩ đến lời lão Ba Mập “Tội lắm nghe con”. Lão vẫn nhắc nó: “Chuồn chuồn bay bổng nhổng đuôi. Mấy thắng có vợ nó vui nhổng đầu. Chuồn chuồn bay bổng nhổng đầu. Mấy thằng chưa vợ nó rầu nhổng đuôi. Mày thích rầu nhổng đuôi hay vui nhổng đầu? Nhổng đầu lút sịsnh luôn nghe!”

 

Tối đó Phi vào Trại thăm mẹ, ghé tạt chỗ bơm vá xe của lão Ba Mập chia tay bằng bốn lon bia.

-    Sẽ có ngày con dắt chú vô New World chơi!

Còn với Phượng, Phi nói khi mắt Phượng đỏ hoe ở sân bay.

-    Rồi anh sẽ về. Miễn là em đừng ưng thằng nội thất!

Tạ Ba
Số lần đọc: 1794
Ngày đăng: 16.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Không Thấy Núi - Khuất Đẩu
Thành Hoàng /Những Người Con /Mộ Chí - Nguyễn Viện
Ngã rẽ - Võ Thu Hương
Cà Phê Không Đường /Cà Phê Sữa Và Cà Phê Đen - Đỗ Mai Quyên
Những Mảnh Vỡ (20) - Nguyễn Thị Hậu
Lời nguyện trong không - Nguyễn Mạnh Côn
Tự truyện một người vô tích sự - Nguyễn Xuân Hoàng
Mưa Đêm - Nguyễn Xuân Tường Vy
Bệnh Cãi Lấy Được/Trách Chó …/ Tôi Không Điên …/ Vợ Dặn Chồng… - Nguyễn Tam Phù Sa
Hưu - Tạ Ba
Cùng một tác giả
(truyện ngắn)
Hưu (truyện ngắn)
Chuyện sau cánh cổng (truyện ngắn)