Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
835
116.687.503
 
Bản phố
Nguyễn Danh Bằng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ai đã từng sống ở thành phố Fremont, tiểu bang California, hẳn phải biết đến cái chợ nông dân nhóm họp vào mỗi ngày thứ bảy. Những người ăn uống cầu kỳ thích đến đây mua đủ loại rau cỏ tươi được trồng theo phương thức hữu cơ tự nhiên, không phân bón hoặc các thuốc hóa học. Ở đây người Hmong, những người nhỏ bé sượng sùng kín đáo dựng lên các sạp bán đủ loại rau củ. Rau rền, rau bí, rau lang, đậu bắp mỗi bó một đồng bán cho người Mỹ da vàng. Mỹ trắng mua hành bó, bắp cải, đậu cô-ve... Họ thâu nhặt toàn tiền lẻ, những đồng một đồng cuốn chặt thành bó trong tay.

 

Cậu bé Hmong đứng sau chồng bông cải trắng nhìn những bàn tay. Những bàn tay không dấu diếm và tham lam đôi khi. Một người Ấn nhặt rồi ngắt từng trái đậu bắp để xem non già. Cậu nhìn những gia đình tản bộ trong cái nắng mai, trong cái chen chúc lẩn khuất phố xá, tất cả trông không giống hình ảnh của núi đồi, nó giống một bản thêu chi chít nhiều màu.

 

Bố cậu nhắc chừng. Cậu lại chìa ra bông cải trắng tinh.

Thật ra bông cải có hình của quả đồi nguyên thủy với thật nhiều cây ken đặc. Nếu cậu được đi vào quả đồi ấy chắc hẳn cậu sẽ không thể thấy được nắng mai, chỉ còn là bóng râm màu xanh. Cậu có thể thấy con hổ ẩn nấp kêu lên vang vọng. Cậu có thể thấy nhiều con mắt tròn nhìn ngó từ trên cây. Nhưng cậu nghĩ nếu đi xuyên qua được quả đồi, hẳn rằng cậu sẽ nhìn thấy khoảng trống một sườn núi, nơi treo lơ lửng nhiều ngôi nhà gỗ với người đàn ông dựa cửa, một vài đứa trẻ con cõng nhau trong sân, những con trâu đen thui lỗ mỗ...

 

Một người Trung Hoa cầm lấy quả đồi nguyên thủy của cậu và mang đi trong cái túi đựng ny-lông màu đỏ.

 

Bố cậu gọi tên cậu. Cậu lại nhặt những đồng xu. Đồng một hào có màu đỏ.

Cậu chìa ra củ rền, nếu chịu nhìn theo một cách nào đó, củ rền với những nhánh lá dài cũng đủ để làm nghĩ đến cây phong. Độ tháng chạp cây phong rung lên, trăm ngàn chiếc lá đỏ rực bật lẩy lấp lánh. Gió dứt chúng ra bay đi muôn chiều. Trong cảnh rừng núi cây phong là ngọn lửa của mùa đông, nó cháy không dữ dội nhưng phất phới bền bỉ.

 

Cây phong có giá một đồng ba mươi xu một cân Anh.

 

Bên kia đường, người Mỹ trắng cao gầy đứng bán mật ong, độ chục cái bình lớn nhỏ đậm nhạt khác nhau màu hổ phách trên bàn trải khăn vải hoa mới tinh. Thỉnh thoảng một vài người dừng lại mút mát nếm thử, trao đổi một vài câu. Ông ta cũng nhìn cậu bé. Mắt ông màu xanh trong veo. Cả hai không nhìn vào một cơ thể có dáng dấp của nhau. Cả hai nhìn sâu vào nhau và cùng thấy một vùng trong suốt nơi có những khung cảnh đồng quê, có mùi vị thanh thanh, có tiếng lanh canh lộc cộc, có tiếng ngựa rùn chân, có tiếng hú từ miệng giếng mỗi lần gió thổi qua, có con đường quanh co lẩn khuất, có cổng gỗ xiêu vẹo, có tiếng gọi cơm vang mãi đến cuối đồi, có tiếng hát chói lói trong không gian lớn.

Cậu bước qua nhìn vào những cái bình có màu hổ phách sẫm sắc. Trước tiên cậu thấy thật nhiều hoa, cậu thấy mùa hè ngày thật dài, cậu thấy con ong bay lảng vảng trên cánh đồng đủ màu vạn sắc. Cậu đi ra cánh đồng trên chân trần. Lăn tăn ánh nước nơi kia ở một dòng sông.

"Cậu đang thấy những ngày hè?" Người Mỹ trắng hỏi.

 

Tiếp tục nhìn vào cái bình mật ong. Cậu bé thấy mình nghiêng nhoài ra trên mặt nước dưới rặng cây. Chỉ cách một với tay, nắng đặc quánh có màu hổ phách ngoài kia. Cả không gian cũng đặc kẹo đến khó thở. Mỗi di chuyển trở nên chậm chạp khó nhọc.

"Cậu thấy mình bên một dòng sông?" Người Mỹ trắng lại hỏi.

 

Cậu bé cố gắng giơ tay và cái không gian buổi trưa trong đầu cậu bỗng trở nên căng thẳng như muốn đứt vỡ. Cảm giác mệt mỏi ngọt ngào. Mùi trái cây thoang thoảng. Tiếng kẽo kẹt trong nhà vọng ra. Cậu nhắm mắt dựa đầu vào gốc cây. Gốc cây cũng mềm nhũn êm dịu.

"Cậu sắp ngủ ngày phải không?" Người Mỹ trắng lại hỏi.

"Vâng" cậu bé trả lời rồi trở về sạp của mình. Cậu nghĩ thầm: "Ông ta có trí nhớ tuyệt vời."

 

Cậu bé Hmong chìa tay mời mọc cả ngày khi chồng bông cải vơi dần. Khi nắng kéo xuống thành những đường chém ngang giữa các căn nhà bố con cậu dọn hàng.

 

*

Cậu bé hay mơ đủ chuyện mỗi đêm. Bên ô cửa sổ nhỏ bé tầng trên có sẵn chiếc thang dây nhỏ thôi nhưng dài kinh khủng. Nó vắt mãi lơ lửng ở đấy từ bao lâu. Nó vòng qua cái ống khói bằng gạch rồi mất hút ở trên cao. Cậu bám vào thang trèo mãi, trèo mãi xuống phố.

 

Cậu bé đi vào khu trung tâm. Mọi người đi lại chen chúc. Cửa kính hàng quán sáng choang. Ánh sáng ne-on hắt thành những đường dài bóng nhẫy trơn trượt, chẩy thành hàng trên mặt đường, chăng thành những lồng kính vô hình, bay vơ vẩn thành nhiều đường ngoằn nghèo, hoặc rơi lả tả như mưa. Hơi thở cậu đầy ánh sáng. Bước chân cậu làm vỡ tan ánh sáng thành muôn hạt li ti nhỏ bé.

 

Cậu đi như bơi lặn trong một biển muôn màu hỗn độn.

Khu trung tâm đồ sộ nhưng dẹp lép và cao ngồng.

 

Có nhiều lớp tường lớn vĩ đại đang xây dở dang. Trên mỗi vách trổ ra hàng trăm cầu thang. Nhiều cầu thang bẻ ngoặt vào một vòm cổng, người ta đi đến đấy quẹo vào mất hút. Nhiều cầu thang khác bỗng bỏ ngang lưng chừng chẳng dẫn đến nơi đâu. Một vài kẻ trông lơ ngơ lên xuống. Cũng có kẻ rơi ra hét lên vô vọng. Hàng trăm trục cuốn vĩ đại kéo những dây xích sắt khổng lồ trong không gian. Có những cầu thang máy lớn bằng căn nhà bốn phòng ầm ầm hết dừng rồi lại kéo. Nước thải rỉ rả chảy dọc như những cơn mưa lẫn trong hơi khói dầy đặc như sương mù.

 

Cậu bé đi vào một đại sảnh nơi có nhiều cột vuông bằng cẩm thạch sáng loáng. Nhiều người ở nơi đây bỗng trầm trồ chỉ trỏ bộ quần áo cổ truyền trên người cậu:

"Ôi trông kìa, bộ quần áo ấy mới thật lạ kỳ!"

"Cái cổ áo thêu ấy thật như trong những truyện xưa!"

"Cái gì thế này? Lại một trò màu mè. Tôi đã chán ngấy những trò biểu diễn kiểu cổ điển như thế này từ năm lên lớp hai." Cũng có một vài người thô lỗ tỏ ra hoài nghi.

 

Bên trái rất đông người đứng chờ các chuyến thang máy lên xuống đều đặn. Tòa bin đinh này cao ngất nhìn không thấy được đỉnh. Có biết bao người đã sống ở đây rất lâu và chẳng mấy khi đi ra nữa. Họ di chuyển giữa các tầng lầu chứng kiến nhiều sự khác biệt. Tất cả diễn ra trong sự bao bọc của những khối vuông.

 

Cậu bé đi vào một chiếc cầu thang máy. Nó chạy nhanh, tiếng rít nhẹ như một hơi gió lọt qua khe cửa hẹp.

Khi chiếc thang máy lướt qua tầng thứ sáu mươi mốt, cậu nghe như có tiếng sấm lẫn trong mưa rền rĩ...

 

Tầng thứ tám mươi hai thật vắng lặng một dẫy phố. Trước cửa tiệm bánh ngọt một người đàn ông ngồi suýt soa câu cá bên miệng cống hình tròn nơi tỏa khói nghi ngút. Có cả tiếng rì rầm sóng vỗ dưới lòng đất...

 

Ở một nhà hàng tầng thứ một trăm lẻ tám cậu bé bước trên thảm đỏ. Trên cánh cửa kính xác một con chuồn chuồn khô ánh lên màu xanh biếc. Cậu đã định đưa tay ra bắt lấy, nhưng xác nó vỡ vụn tan ra thành bụi.

 

Cậu ngồi vào bàn nhựa giả gỗ đỏ có nhiều vân chi chít. Sau quầy cô gái người Mễ Tây Cơ phục dịch nhanh nhẹn. Cô dọn cho cậu một chiếc hộp thiếc đựng sáu con cá mòi sốt cà và một bộ nĩa bạc sáng choang. Mấy con cá nằm xếp thành hàng dọc gọn gàng. Cậu cố tưởng tượng cảnh những con cá mòi bơi trong biển. Cậu đã sinh ra ở miền núi, cảnh tượng đó thật khó mà hình dung. Trên kệ có dễ đến vài ngàn chiếc hộp thiếc sáng choang.

 

Đặt ly rượu đỏ trước mặt, cô gái Mễ Tây Cơ vừa nhâm nhi vừa nhìn cậu. Mắt cô lớn màu nâu trong suốt. Miệng cô chập chập sau mỗi nhấp rượu rồi bất thần hỏi:

"Này cậu em. Cậu có một cái nhìn khá dịu dàng."

 

Cậu bé Hmong nhìn vào chiếc nĩa mạ bạc, nó có thứ ánh sáng cậu thường gặp trên trời vào những ngày mưa. Xám sáng và sắc lạnh.

"Cậu không dùng món cá?" Cô gái lại hỏi.

Cô đẩy ly rượu về phía cậu. Cậu bé lắc đầu. Cô nốc cạn. Mắt cô lóng lánh. Cô đứng tì vào bàn, hơi thở cô tràn về phía cậu. Tóc cô uốn từng lọn nhỏ phả ra mùi thơm. Cô lơ đãng nhìn vào khoảng trống khi tiếng nhạc nổi lên sôi động bài: "Chàng Pablo mất ngựa đáng thương."

"Cậu còn bé quá! Không biết tớ có nên kể điều này không?"

"Điều gì?"

Cô gái búng búng vào cái ly, mắt nheo nheo:

"Tớ vừa kiếm được một gã trai mới bảnh chọe."

"Làm sao?"

"Tụi tớ gặp nhau trong một bữa ăn chơi quá xá. Gã nhảy rất điệu nghệ rồi lôi tuột tớ vào nơi vắng vẻ."

 

Trong đầu cậu bé như vẳng lên tiếng khèn năm nào của mấy gã Hmong si tình cứ quẩn quanh bên rào dậu nhà của các cô mới lớn. Nhiều gã táo tợn thường chơi cho đến sáng suốt nhiều tháng trời. Mãi rồi cô gái cũng phải bị thuyết phục mà lẩn ra theo gã trong bóng đêm...

"Cậu em biết không, nó mới tuyệt diệu làm sao!"

"Điều gì?"

"Khi gã ấy hôn tớ. Người tớ cứ lịm đi. Tớ phải theo gã. Tớ phải sẵn sàng cho gã. Phải như thế cậu bé ạ! Như thể gã mặc sức mà chảy vào cuống họng tớ."

 

Cô lại uống một hớp rượu lớn. Mắt cô nồng nàn như thể gã trai của cô đang có mặt quanh đây. Cô kể say sưa từng chi tiết ngày đầu cô gặp gã trai như thế nào.

"Những hai ngày nữa tớ mới lại gặp gã." Giọng cô rên rỉ. "Lần này tụi tớ sẽ đi thuyền. Tớ sẽ yêu hắn nhiều hơn cả lần trước."

 

Mắt cô bắt đầu rơm rớm, môi cô chúm lại dịu dàng.

Nhạc lại chơi qua bản "Nàng Casey rượng tình."

"Cũng đã hơn một lần tớ nghĩ đến những đứa con tương lai của tớ đấy."

Nói đến đây cô trông thật quá mơ màng như thể nếu cậu bé không mau tay mà giữ lại, cô sẽ bồng bềnh rồi bay mất...

 

Cậu bé nghĩ đến mẹ mình, bà hay địu em cậu lên đỉnh đồi ngồi nhìn xuống thửa vườn. Mỗi ngày như thế, bà cứ ngồi im, lưng bà rất thẳng mãi đến khi trời chạng vạng và bố cậu hiện ra ở một khúc quanh trên sườn núi. Mấy con bò đi trước, mõ gỗ kêu lốc cốc...

 

Cô gái vẫn rên rỉ:

"Tớ đã nghĩ hết cả rồi, nhà bố mẹ tớ còn rộng chán, bọn tớ sẽ dọn về đấy. Tớ sẽ nghỉ việc ở đây. Mỗi cuối tuần, cả nhà lại hội họp nhẩy muá đến tận chiều trong cái sân rộng. Tớ sẽ khớp mỏ gã lại, chẳng để uống được nhiều thế nữa đâu."

 

Cô lại uống, lại nói, mắt cô xa xăm...

Một người khách mặc quần áo Jean bước vào nhà hàng. Cô gái Mễ Tây Cơ vờ tươi tỉnh quay đi. Trước khi đi cô nói với lại:

"Cậu em ơi, đừng do dự bao giờ nhé."

 

Tất cả hỏng hẳn chỉ vì hình ảnh bộ quần áo Jean ấy, cậu bé nghĩ.

Cậu đi ra, khi tiếng nhạc chuyển qua bài " Cây sương rồng nở hoa cho người khách đường xa." Tiếng nhạc du dương.

 

Tầng tám trăm bốn mươi ba có tám người đàn bà Ấn đang quây quần ngồi xuống. Rất nhiều nến được thắp lên, tất cả ánh lên màu gụ đỏ. Họ quay cuồng và hát, tiếng trầm trầm, chỉ thỉnh thoảng người mặc chiếc sơ-ri vàng lại cất cao lên trong suốt một chuỗi nguyên âm. Dường như lời hát cao ấy không biểu hiện một câu cú rõ ràng nào, tạo cảm giác hoang sơ và bay bổng. Cả tám người ngầy ngật khỏa tay trong chân không như thể có một dòng sông trước mặt.

 

Tầng thứ chín trăm lẻ một, im lặng như tờ. Một mùi hôi hám khó tả.

 

Tầng thứ một ngàn hai trăm lẻ ba, cậu bé đi vào hành lang ẩm. Bụi dầy đến độ có thể phản chiếu thứ ánh sáng xam xám nhàn nhạt. Sau khúc quanh cậu đi vào căn phòng vừa phải. Ở góc phòng treo vài quang gánh rổ rá. Cái chầy gỗ thật lớn nứt nẻ nằm một mình lênh khênh ở góc khác. Miệng chầy còn dính lại ít bột mịn và mảnh trấu. Cái nồi đất mẻ đen thui mồ hóng. Ngọn đèn lạc tù mù le lói hắt lên tường bóng cụ bà còng lưng, đầu quấn khăn. Cụ quay chậm rãi cái guồng chỉ làm bằng ba thanh tre căng ra mỗi mặt.

 

Cậu nhìn vào phía cử a đằng sau hướng ra hành lang vô tận hoăm hoắm rỗng tuếch và bí hiểm. Hẳn bất cứ ai nếu đi vào hành lang ấy rồi sẽ phải lãng quên nhau, lãng quên mọi điều. Ở đấy không có sự thăm viếng hỏi han, ở đấy không còn tiếng kẽo kẹt.

 

Cụ chỉ chiếc ghế đẩu:

"Ngồi đi cháu." Cụ vẫn không ngừng quay, tiếng khung gỗ kẽo kẹt. Cụ quan sát cậu bé, dường như cụ đang cười.

"Cụ ơi, cụ ở đây một mình à?"

"Ừ."

"Thế cụ có hay đi ra ngoài không?"

"Thi thoảng thôi, nhưng già cũng chỉ ra đến chợ làng mua vài thứ rau rác là hết."

"Thế cụ có buồn không?"

Cụ cười khành khạch:

"Ngày giỗ ngày tết, người làng nước đến thăm đông lắm."

"Cụ quay sợi?"

"Đang không bận ngày mùa cháu ạ. Chứ như ngày bận thì phải ra đồng cả ngày." Cụ bà vẫn quay liền tay nhưng không nhanh không vội.

Chẳng hiểu sao cậu bé bỗng cảm thấy nao nao.

"Cháu có đói không? Còn một nồi bống kho dở đấy."

 

Mãi đến lúc này cậu bé mới ngửi thấy mùi tiêu và nước mắm cạn thơm phức.

Sợi chỉ bỗng đứt phựt. Chẳng cần nhìn cụ bà chắp lại hai đầu theo hình chữ vê, quấn một vòng lẻ rồi siết chặt. Ngón tay cụ thô và to. Có lẽ nếu cố nhìn cụ cũng chẳng thấy. Mắt cụ có vẻ kèm nhèm.

Rồi cụ lại hỏi:

"Cháu đi hội à?"

"Thưa không."

"Ngày trước già còn khỏe, chèo thuyền đưa khách đi trẩy hội chùa mãi. Mỗi năm cứ đến độ tháng ba, khách thập phương về khói nhang ngun ngút khắp cả một vùng."

"Thích quá"

"Ừ." "Nếu cháu có định đến tận đền Thượng, nhớ thắp thay cho già một nén hương. Cao quá bao năm nay già không đến được, chỉ thắp nhang khấn vọng thôi."

"Cháu có chiếc áo đẹp quá!" Cụ bà lại hỏi.

"Mẹ cháu thêu."

"Ra thế đấy."

"Từ nay cháu sẽ mặc nó luôn luôn."

"Quý hóa quá!"

 

Nói xong, cụ bà đưa tay vuốt lại váy. Váy cụ dài đến tận mắt cá chân bằng vải gai, trông tơi lắm rồi. Chiếc áo cánh cũng tơi nhưng yếm thì vẫn trắng tinh bằng vải lanh. Những người biết giữ gìn tấm yếm thường tôn trọng đức hạnh.

"Quê cháu mãi đâu?" Cụ bà lại hỏi.

"Xa lắm!"

"Rõ khổ thân! Chả phải đi xa thế cho nó nhọc cháu ạ." Cụ bà ra chiều nghĩ ngợi rồi lại bảo thêm:

"Quê hương làng bản là cái quí nhất ở đời đấy cháu ạ. Đấy cháu cứ ngẫm mà xem lời già nói, biết bao anh cứ bôn ba tất tả đến cuối đời mới vỡ rằng mình chỉ chạy quanh. Nhọc xác!"

 

Chiếc guồng quay mãi đều đặn theo nhịp tay cụ bà. Thế mà mãi nó cũng không đầy lên. Sợi chỉ chạy đến tay cụ từ một đường dài căng thẳng vắt mãi ra ngoài cửa sổ, nó xổ tuột vào một khoảng xanh xanh bên ngoài. Cậu bé đi lại cửa sổ nhìn xuống phố xá như một biển của những hạt vàng. Ở đây cao quá không còn nghe được âm thanh của phố. Chỉ có tiếng gió lật phật réo gọi từ phía trước mặt

Cậu dọ dẫm trèo lên thành cửa bám vào sợi chỉ rồi bước ra. Gió vẫn thổi rất nhẹ dù ở bên ngoài. Cậu thấy lòng thanh thản nhẹ nhàng. Từng bước từng bước cậu bé bước ra. Chập chùng bên kia là những quả đồi, rồi núi, rồi thung lũng, nơi có những đứa trẻ cưỡi trên lưng trâu lội bì bõm qua sông, nơi có người mẹ địu con cất tiếng chói lói vang vọng trong rừng.

Mãi từ dưới sâu trong lòng của phố xá nhìn lên không thể thấy rõ hình hài cậu bé, chỉ thấy mỗi ánh xanh rất nhẹ rất mờ lơ lửng ở trên cao.

 

*

Độ tháng mười khi ngày bắt đầu ngắn, những con ngỗng trời kêu lên từng tiếng khô sải cánh về phương Nam. Trời lạnh dần. Ngày thứ bẩy không nhóm phiên chợ nông dân. Một quãng phố ấy vắng tanh. Chẳng có dấu vết gì của những hàng sạp. Đường phố vắng lặng, xe đậu dọc hai bên lề. Nghe nói những người nông dân sống ở các vùng phụ cận khá xa. Họ chỉ chở rau cỏ bằng xe tải vào thành phố bán vào mùa hè mà thôi. Nhưng thật ra cũng chẳng có mấy người thắc mắc về điều đó.

 

Nơi những người nông dân ở hẳn phải có những quả đồi nguyên thủy màu trắng. Và cây phong rung lên một mình đỏ rực trên đồi. Mùa đông họ chẳng bán chúng đâu.

 

2004

Nguyễn Danh Bằng
Số lần đọc: 1377
Ngày đăng: 08.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lá Cuối Mùa - Ngô Thị Ý Nhi
Những Giọt Nước - Kinh Dương Vương
Bài Ký Núi Thủ Tiết Của Nguyễn Cửu Kế - Nguyễn Thanh Hiện
Một Ngày Cô Độc - Mang Viên Long
Sóng - Vũ Lập Nhật
Thử Đề Xuất Với Trần Gian - Nguyễn Thanh Hiện
Cho Kẻ Khuất Mặt - Lê Văn Thiện
Gươm mài bóng nguyệt - Giang Kiều
Rừng Trầm Mai Sau - Ngụy Ngữ
Mảnh Vỡ Của Ngày. - Hồ Thanh Ngạn
Cùng một tác giả
Bản phố (truyện ngắn)