Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
679
116.674.819
 
Red Skirt Red Shoes
Vũ Lập Nhật

Váy đỏ…giày đỏ…

 

Tôi hoàn toàn không hiểu những hình ảnh đó mang ý nghĩa gì. Choàng tỉnh sau một giấc mơ không biết dài hay ngắn, nó đến với tôi như một biểu tượng. Tôi không thể xác định được mình đã nằm ngủ bao lâu vì trong giấc mơ ấy, chỉ có duy nhất một góc quay cứ lặp đi lặp lại mãi...

           

Nếu ví tôi như chiếc máy quay phim, thì có thể nói chiếc máy được đặt nằm sát mặt đất, ngay phía sau đôi giày màu đỏ của một cô gái nào đó. Giới hạn khung hình của góc máy là đến chiếc váy màu đỏ của cô gái. Xa xa, tôi lại thấy đôi chân của một người đàn ông đang mặc quần jeans đen. Theo khoảng cách giữa hai đôi chân ngày càng thu hẹp dần, tôi nghĩ là cô gái đang tiến lại gần người đàn ông đó. Cô gái đó liệu có phải là tôi chăng…? Chính bản thân tôi cũng không thể xác định rõ. Giờ đây, tôi mù mờ với ngay cả chính kí ức về thân thể mình. Khi tôi nhìn vào gương, tôi tự nhủ: “Ồ! Hóa ra đây là mình”. Đó là điều không phải hiển nhiên đối với tôi. Tôi chỉ nghĩ như thế vì hình ảnh trong gương cho ra khuôn mặt tôi như thế…,vì tôi cảm giác như thế…và khi không nhìn gương nữa, tôi không thể chắc được rằng khuôn mặt mình có phải như thế không.

Tôi đã bị mất trí nhớ!

 

Theo lời mẹ tôi kể thì tôi đã bị một chiếc xe tông vào và nằm hôn mê bất tỉnh hơn một tháng. Do não của tôi chấn thương, vì vậy tôi mất trí nhớ. Tôi không biết nó là tạm thời hay mãi mãi. Việc lạ lẫm với ngay chính cơ thể của mình cho tôi có cảm giác rằng sẽ không bao giờ tôi có thể lấy lại được những kí ức đã mất. Nhưng không biết có phải vì muốn trấn an tôi mà mẹ lại nói rằng bác sĩ bảo tôi may mắn vì chấn thương không quá nặng, không để lại máu bầm trong não, hoàn toàn có thể hồi phục lại được nếu những người thân của tôi tích cực gợi nhớ lại những kỉ niệm xưa cũ.

 

“Những người thân của tôi”…cụm từ đó tròn trèm đúng cái số lượng tối thiểu của nó đến đáng buồn: mẹ tôi và…người yêu-hôn phu của tôi đang ở một nơi rất xa mà đến bây giờ tôi vẫn chưa biết mặt người đó (đúng hơn là tôi không thể nhớ mặt người đó). Vì vậy mà bây giờ, tôi đang ở nhà tịnh dưỡng với mẹ.

 

Đã hơn ba tháng trôi qua từ ngày tôi tỉnh dậy nhưng tôi vẫn không thể nhớ lại được một chút gì kí ức ngày đó. Ngay cả chút cảm giác quen thuộc mơ hồ trong tiềm thức, tôi cũng không có. Mẹ tôi vẫn ngày ngày đi làm bình thường nên chẳng có nhiều thời gian giúp tôi trong việc tìm lại kí ức. Thế là, một mình tôi ở nhà, trong căn phòng của tôi. Có lẽ đó là căn phòng lúc trước đã từng rất thân thuộc với tôi, tôi đã yêu quí nó biết bao nhưng giờ đây căn phòng lại chỉ là nơi để tôi thẩm thấu mùi vị của thời gian. Ngày qua ngày, tôi ngồi xem hết những bộ phim này đến bộ phim kia, đọc hết những cuốn sách, nghe hết những đĩa nhạc có trong phòng để gợi lại cảm giác thân thuộc. Vì nó ở trong căn phòng của tôi nên tôi nghĩ chắc chắn là lúc trước tôi đã rất thích nó. Có vẻ như tôi lúc trước là một người rất yêu điện ảnh. Còn đối với tôi lúc này, dường như đó là cách duy nhất để tôi tìm lại kí ức ngày xưa của mình. Có lẽ, khi người ta ở trong một căn phòng quá lâu thì sẽ có cảm giác không còn tách rời với nó nữa, mà là chính nó. Tôi là chính căn phòng của tôi. Tôi cảm nhận được hơi thở của mình hòa vào hơi thở của căn phòng. Phải! Căn phòng cũng có hơi thở của chính nó. Tôi ngồi suốt ngày trong phòng, rèm cửa sổ của tôi luôn được phủ kín. Những khi tôi ngồi đọc sách, tôi không cần ngước nhìn ra ngoài cửa sổ mà vẫn có thể cảm nhận được bây giờ là ngày hay đêm. Tôi nhận ra điều đó không phải nhờ luồng ánh sáng mà nhờ chính căn phòng…nhờ dạng thức tồn tại của nó thay đổi theo thời gian. Dạng thức tồn tại của nó không phải đơn thuần là chiều dài, chiều rộng, chiều cao, độ nặng nhẹ của khối tường hay bất cứ giá trị nào có thể quy ra thước đo. Nó là một cái gì đó rất mơ hồ nhưng lại luôn luôn hiện diện. Cuối cùng, tôi chỉ còn biết suy nghĩ một cách đại khái rằng nó cũng giống như hơi thở của con người.

Giờ đây, choàng tỉnh sau giấc mơ ấy, tôi nghe được hơi thở nhè nhẹ của căn phòng  bảo rằng bây giờ đã là giữa đêm khuya rồi.

Ào…ào…ào…

 

Tiếng mưa.

Một cơn mưa lớn. Vậy ra, trong lúc tôi ngủ, trời đã mưa.

Tôi không phải là một người yêu mưa nhưng việc nghe tiếng mưa ban đêm đem lại cho tôi cảm giác thanh thản. Tôi không biết tôi lúc trước như thế nào nhưng tôi của bây giờ là một người sống về đêm. Có lẽ sau những đêm dài tĩnh lặng, thi thoảng có một cơn mưa đêm, tiếng mưa dù to hay nhỏ cũng khỏa lấp được sự tĩnh vắng đó. Nghe tiếng mưa ban ngày thì tôi không có cảm giác gì nhưng nghe tiếng mưa ban đêm dù đang là vui hay buồn, tôi cũng cảm giác được những thanh âm đó thật vui tươi. Có lẽ, tôi không yêu mưa nhưng lại yêu tiếng mưa. Đối với tôi, có mưa nghĩa là có tiếng mưa.

 

Âm thanh! Phải rồi. Trong giấc mơ của tôi, dường như không có một chút âm thanh nào. Vẫn biết rằng, trong giấc mơ thường cảm giác về hình ảnh vẫn mạnh hơn âm thanh. Nhưng dù không cảm giác được âm thanh hay nhớ được âm thanh trong giấc mơ thì người ta vẫn có cảm giác rằng bản thân giấc mơ đó có âm thanh. Chỉ là người ta không nghe được. Tôi cũng có những giấc mơ như thế. Nhưng đặc biệt với giấc mơ này, tôi cảm nhận chính cái thế giới trong đó, cho dù nó xảy ra ở thực tại, không phải trong mơ thì cũng sẽ không hề có chút âm thanh nào. Đó là một thế giới không có âm thanh nào cả, hoàn toàn yên lặng…thứ lặng yên mang đến một cảm giác cô độc đáng sợ. Nghĩ như thế, không hiểu sao, tôi bất giác cảm thấy buồn. Có lẽ vì tôi mơ hồ cảm nhận được giấc mơ ấy rất quan trọng với tôi, nó biết đâu là một phần kí ức đã mất của tôi…

Nhiều lúc, tôi hoang mang đến sắp khóc khi suy nghĩ không ra ý nghĩa của giấc mơ đó.

Những lần như thế, mẹ tôi cứ tưởng tôi buồn vì không nhớ lại được chuyện quá khứ. Nhưng không phải! Tôi buồn phần nhiều vì không giải nghĩa được giấc mơ đó.

Mỗi lúc như vậy, mẹ tôi lại bảo:

 

“Nếu lỡ có mất hẳn đi kí ức,con cũng đừng buồn. Cuộc sống trước đây của con cũng bình thường như bao đứa con gái khác đang ở tuổi này thôi. Nếu có mất đi, trong hiện tại và tương lai, con vẫn có thể tạo ra và nhớ nhiều kỉ niệm. Dù gì, con cũng chỉ mới 16 tuổi”

Bây giờ đang là mùa hè…

…dù gì, tôi cũng chỉ mới 16 tuổi…

 

1

Vẫn là giấc mơ đó...

 

Nhưng qua những lần sau, vị trí của chiếc máy từ từ thay đổi. Nó không còn nằm sát mặt đất nữa mà nhích chiều cao lên từng chút một. Qua đôi chân thon thả, trắng trẻo của cô gái…qua chiếc váy màu đỏ…đến chiếc áo cô gái đang mặc, máy đột nhiên phóng ra xa, thu lại toàn cảnh khung hình đó: một người đàn ông mặc trang phục đen toàn bộ hướng góc nhìn trực diện về màn ảnh, một cô gái váy đỏ, giày đỏ đứng quay lưng về phía máy. Cũng không hiểu tại sao tôi lại không nhớ nổi màu áo cô gái mặc. Tất cả những gì tôi nhớ về hình dáng cô gái đó chỉ nổi bật nhất là váy đỏ, giày đỏ. Tuy vậy, tôi vẫn còn nhớ mơ hồ ánh sáng trong giấc mơ ấy. Khi máy quay phóng ra xa, tôi mới có thể nhận thức và nhớ rõ hơn thứ ánh sáng trong giấc mơ này so với những lần trước. Đó là ánh sáng của một buổi ráng chiều. Nó màu cam nhạt. Chất cam mênh mang in trên nền trời hồ như muốn tan chảy cả vào khắp không gian. Nó không còn cho ta có cảm giác đó là một màu rõ rệt nữa. Đúng hơn là nó giống như một làn hơi. Một làn hơi màu cam hòa quyện với ánh nắng. Tôi không biết rốt cuộc thứ ánh sáng đó là do ánh nắng màu cam hay làn hơi màu cam…

Ánh sáng ấy đã làm cho mọi cảnh vật xung quanh trong giấc mơ của tôi mờ ảo và khuất lấp mất khuôn mặt của người đàn ông. Đột nhiên, ông ta vẫy tay cô gái. Dù không thấy mặt nhưng không hiểu sao qua động tác vẫy tay đó, tôi cảm nhận được nụ cười đang nở trên môi ông. Một nụ cười thật trìu mến dành cho cô gái.

Ánh sáng ấy…động tác vẫy tay đơn giản ấy…chỉ bấy nhiêu thôi nhưng trong phút chốc, nó khiến tim tôi thắt lại. Một ý nghĩ nghẹn ngào bất chợt ùa đến trong tâm trí tôi: đó là người tôi đã từng yêu.

Cô gái chạy về phía người đàn ông ấy.

 

Giấc mơ của tôi đứt quãng tại đây.

Tôi tỉnh dậy. Nhận ra người mình đang nhớp nháp mồ hôi. Đây là lần đầu tiên, sau khi mơ, người tôi túa ra nhiều mồ hôi như thế. Tôi đã mơ đi mơ lại giấc mơ này không biết bao nhiêu lần nhưng không có lần nào như thế.

Tôi không biết do giấc mơ lần này thay đổi góc máy…thứ ánh sáng ấy…động tác vẫy tay của người đàn ông ấy…hay bước chân cô gái chạy về phía người đàn ông…thứ nào đã tác động lên tôi khiến cho tôi cảm thấy một nỗi buồn sâu thẳm hơn những lần trước rất nhiều. Và tôi nhận thức được sâu sắc hơn rằng đó là thứ nỗi buồn của sự mất mát. Có một điều gì đó đã mất đi trong giấc mơ. Có một thứ gì đó đã không còn là hiện thực…vĩnh viễn nó cũng không thể trở thành hiện thực trong thực tại…

 

Bây giờ đang là buổi trưa. Mẹ tôi vẫn còn ở nhà. Tôi nhất định phải hỏi mẹ một chuyện.

 

“ Mẹ này…chừng nào người yêu của con sẽ về…”

“ À…chắc nó cũng sắp về đó.”

“ Sắp là khi nào hả mẹ?”

“ Ừm…mẹ cũng không rõ…”

“ Có thật là anh ấy còn…sống không?”

“ Sao tự nhiên, hôm nay con lại hỏi thế? Đương nhiên là còn rồi…”

“ Sao mặt con xanh xao thế?”

“Đừng suy nghĩ lung tung nữa. Nó sẽ sớm về thôi”, mẹ vừa nói vừa ôm tôi, nhẹ nhàng xoa lưng tôi.

 

2

 

Nếu dùng hai lòng bàn tay tịnh tiến theo chiều ngang hoặc dọc, nó sẽ dài ra từng chút một.

Nếu đặt hai lòng bàn tay thành hình chữ X rồi xoay tròn, nó sẽ tròn trịa.

 

Cô giáo ấy dạy cho học trò mẫu giáo của mình cách tạo hình đất sét như thế. Đó là một cảnh trong phim điện ảnh mà tôi đang xem. Khuôn hình của cảnh ấy chỉ có đúng hai góc máy duy nhất: góc toàn cảnh từ đằng sau lưng cô giáo và lũ trẻ, góc đặc tả bàn tay cô đang nặn đất sét. Chỉ thay đổi hai góc máy nhưng nó kéo dài cả gần mười phút.   

 

Ba phút đầu tiên, nó đem lại cho tôi sự hứng thú. Nếu tôi từng học ở nhà trẻ, chắc chắn, tôi cũng đã từng nặn đất sét. Không thể chạm vào khuôn hình nhưng khi nghĩ như vậy, bất giác tôi cảm nhận được chính bàn tay mình đang ở trong khuôn hình đó chứ không phải tay cô giáo. Chính tay tôi đang chạm vào những khối đất sét mềm nhũn đầy đủ màu sắc kia. Tôi nhẹ nhàng bóp nặn nó. Nó ngoan ngoãn nghe lời tôi. Tôi xoa tay theo chiều dọc, nó dài ra. Tôi xoay tròn, nó tròn. Lũ trẻ thật dễ thương. Chúng luôn chăm chú quan sát bàn tay tôi và răm rắp nghe theo những lời tôi nói.

 

Sang phút thứ tư, dường như chỉ còn mình tôi và những khối đất sét. Sự hiện diện của lũ trẻ bắt đầu khiến tôi cảm thấy phiền phức.

 

Phút thứ năm, tôi cảm thấy mình không thể đóng vai một người yêu trẻ con được nữa. Bề ngoài chúng có vẻ ngoan hiền như khối đất sét này nhưng tôi biết những suy nghĩ bên trong đầu chúng không phải là thứ dễ uốn nắn. Tôi vẫn tập trung vào những khối đất sét nhưng thi thoảng tôi nhìn sang đám trẻ và để ý thấy có một vài đứa bắt đầu lơ là.

 

Phút thứ sáu, khuôn mặt của một vài đứa đã lộ rõ ra vẻ chán nản. Thử đặt mình vào vị trí của chúng, tôi cảm thấy mình có thể đồng cảm được. Tôi cứ luôn lặp đi lặp lại mãi hai động tác, hai câu nói với những khối đất sét này, không có gì mới mẻ hơn. Chúng đủ thông minh để chỉ cần nhìn tôi làm một phút là hiểu và nhớ. Lẽ ra, tôi nên dừng lại và bắt đầu cho chúng thực tập với những khối đất sét này. Nếu tôi là chúng, tôi sẽ thấy háo hức, muốn cô giáo dừng lại ngay để tự mình mau chóng thực hành. Tôi sẽ chán ngán vô cùng nếu cứ đứng nhìn mãi như thế này. Chính tôi cảm nhận được điều đó nhưng không hiểu sao, các khối đất sét này có hấp lực kì lạ, tôi không hề cảm thấy chán nản cho dù cứ phải lặp đi lặp lại mãi hai động tác đơn giản này.

 

Phút thứ bảy, thời gian hướng dẫn đã quá lâu. Nhưng, tôi biết, mình vẫn chưa thể buông chúng-khối đất sét ấy ra, ít nhất là lúc này.

 

Phút thứ tám, tôi không còn khả năng thâm nhập vào tâm trạng của cô giáo ấy nữa. Tôi đã chán chường việc đó. Cô vẫn còn say mê với nó. Vì vậy, cô đẩy tôi ra khỏi màn hình. Tôi không ở trong cô nữa, tôi không là cô nữa. Tôi lại ngồi trước tivi và quan sát cô.

 

Phút thứ chín, tôi bắt đầu cảm thấy có một điều gì đó kinh dị trong tiết học tưởng chừng như bình thường này. Cách chỉ đặt đúng hai góc máy như vậy xen kẽ trong một khoảng thời gian quá dài hẳn nhiên làm cho tôi nhàm chán nhưng một cảm thức mơ hồ khác lại đến với tôi: sự bất ổn định. Tôi lạ lẫm với cảm giác này. Thông thường, nếu góc máy ít thay đổi, đem lại cho người ta cảm giác nhàm chán thì nó cũng đồng nghĩa với việc nó khiến người ta cảm nhận được sự ổn định. Nếu như góc máy không đổi mà ta vẫn cảm thấy bất ổn định thì nó chỉ có thể đến khi quay phim bằng handycam. Sự run run của màn hình khiến ta thấy hoang mang. Vậy mà, ở đây, người ta quay bằng máy bình thường có chân chống, tôi không rõ là loại máy gì nhưng chắc chắn nó không phải là handycam vì màn hình cố định, không run. Như vậy, theo lí thuyết, lẽ ra ở những cảnh như thế này, tôi chỉ nên có cảm thấy chán. Cảm giác bất an này là đến từ đâu?

 

Phút thứ mười, máy quay bây giờ đang đặc tả cảnh hai bàn tay cô giáo đặt theo hình chữ X để xoay tròn đất sét. Tôi không còn bị khối đất ấy mê hoặc nữa nên bắt đầu tập trung vào bàn tay cô. Vì là góc máy đặc tả nên tôi thấy rõ từng đường gân xanh nổi lên trên bàn tay yếu ớt của cô. Những ngón tay cô thon dài, gầy guộc trên nền da trắng bợt gợi cho tôi cảm giác bệnh tật, thiếu sức sống. Nhưng ở phía bên dưới, từng đốm từng đốm đỏ hồng trải đều trên khắp lòng bàn tay kia lại cho tôi cảm giác sự sống rạo rực.

 

Cô đặt khối đất sét tròn xuống bàn và cầm lấy khối đất sét thon dài tiếp tục xoa dọc. Khối đất ngày một dài hơn. Mỗi khi nó dài hơn thì nó càng mỏng dần. Những lần trước, cô luôn dừng lại trước khi nó quá mỏng. Nhưng lần này, dường như cô quên mất giới hạn.

Cô vẫn tiếp tục xoa dọc bàn tay.

Không ngừng. Không ngừng.    

Khối đất ấy, không, nó đã gần giống như một sợi chỉ.

 

Phựt!

Nếu nó là sợi chỉ, chắc chắn khi đứt, dù rất khẽ thôi, nó sẽ phát ra thứ âm thanh ấy.

Nhưng vì nó vẫn chỉ là đất sét, nó nhẹ nhàng rơi xuống mặt đất.

 

Lũ học trò ngỡ ngàng rồi có một đứa nhặt hai mẩu đất sét đứt làm đôi đưa cho cô giáo. Cô cúi đầu xuống và mỉm cười. Ánh mắt thật hiền và nụ cười đó dưới ánh sáng ấy cũng thật ấm áp. Thoạt nhiên có vẻ là như thế, nhưng không hiểu sao tôi bất giác rùng mình. Máy quay chỉ đặt ở dưới, ngước lên quay cận cảnh khuôn mặt cô giáo đang cúi xuống mỉm cười. Hẳn nhiên, ai cũng nghĩ đó là mô phỏng theo hướng nhìn của đứa trẻ nhặt mẩu đất sét. Dù vậy, không biết vì lẽ gì, tôi lại bắt đầu tự hỏi: cô giáo đang cười với ai? Với đứa bé gái ấy hay là với mẩu đất sét đã đứt ra làm đôi kia? Thậm chí, góc quay ấy cũng có thể là hướng nhìn từ mẩu đất sét. Đột nhiên, tôi bắt đầu hiểu ra được cảm giác bất an của mình ở phút thứ chín. Cái cách quay ấy, lưng của tất cả mọi người mà không thấy rõ mặt lúc ban đầu, nó giống như thể đây là một cuộc họp bí mật nào đó. Và bàn tay của cô giáo, đúng ra chỉ cần quay cận cảnh nhưng lại được quay đặc tả choáng ngợp cả khuôn hình, nó làm tôi cảm thấy tức thở. Bây giờ khi nhìn mẩu đất sét đứt ấy, nụ cười của cô giáo, tôi biết được trong vô thức mình đã nghĩ gì lúc đó. Cô giáo không phải đang nặn đất sét. Dường như, cô muốn…giết một ai đó. Cô bắt đầu với việc làm cho đất sét thành hình thon dài. Và nếu nghĩ kĩ lại, tôi còn nhớ ra rằng tỉ lệ mẩu đất sét cô làm cho nó thon dài nhiều hơn là làm cho nó tròn. Đơn giản vì cứ xoay tròn mẩu đất sét mãi thì nó vẫn tròn, không có điều gì xảy ra. Chỉ có khi xoa tay theo chiều dọc, khối đất ấy mới ngày một dài ra, mỏng đi, chết dần chết mòn, chờ đợi khoảnh khắc đứt phựt của bản thân nó. Chỉ như vậy mới có thể giết được một ai đó, giết được con người.

 

Bây giờ, tôi đã hiểu vì sao con người có thể dễ dàng chết bất cứ lúc nào.

Giống như khối đất sét kia, khối nào thon dài sẽ sớm đứt đoạn.

Tại sao con người phải mang hình dáng thon dài?

Nếu như họ cứ mang hình tròn giống như những khối đất sét còn lại trên bàn ấy, liệu họ có sống lâu hơn không?

 

Con người. Thon dài. Đứt đoạn. Đất sét. Mềm nhũn.

Sống. Chết.

Váy đỏ. Giày đỏ.

Đỏ. Đỏ.

 

Đau. Đau.

Đầu tôi đau. Nhức buốt.

Tôi lại bị ảo giác đỏ. Những thứ xung quanh tôi nhuốm màu đỏ.

 

Không! Phải dừng lại.

Nhất định là tôi đã đi quá xa. Suy diễn quá nhiều. Chắc chắn, ngay cả người đạo diễn của phim này cũng không có những ý nghĩ đó khi quay nó như vậy. Tôi không thể tiếp tục xem nó nữa khi chỉ mới mười phút đầu tiên, nó lại khiến tôi ngột thở đến vậy.

 

Tôi tắt màn hình tivi.

 

3

 

Tôi là người lưng gù. Tôi không thể đi mà ngẩng mặt lên được. Lúc nào tôi cũng cúi mặt xuống đất, đi chầm chậm từng bước một với cái lưng gù của mình.

 

Tôi là một người có đôi mắt lúc nào cũng nóng rát. Tôi sợ bất cứ vật thể nhọn nào đến gần mắt mình. Vì mắt tôi nóng nên tôi luôn có cảm giác nếu nhìn gần một vật nhọn nào đó, cho dù đó chỉ là hình ảnh, không phải vật thể thực, nó đều có thể đâm thủng mắt tôi.

 

Tôi là một người có hai răng cửa không khít nhau, chúng cách nhau chừng nửa centimetre. Vì vậy, bất cứ lúc nào miệng tôi cười hết cỡ cũng có một hơi gió nhẹ luồn qua khe hở đó.

 

Tôi là một người đất sét. Một người đất sét đặc biệt. Không cần ai uốn nắn gì cả. Chỉ cần tôi nhìn một người nào đó, ngay lập tức tôi có những đặc điểm của người ấy.

 

Sau mười phút ấy, tôi bỗng nhiên sống với những suy nghĩ đó.

Mỗi khi tôi nhìn vào gương, tôi vẫn thấy đôi mắt của mình bình thường. Tôi cầm cây bút bi và thử để đầu nhọn của nó gần mắt, đồng thời nhìn vào gương, lúc ấy, tôi không có chút cảm giác sợ sệt nào đối với vật thể nhọn đặt gần mắt.

Cũng trong lúc nhìn gương, khi đánh răng, tôi đã thấy hai răng cửa cũng mình vẫn khít chặt vào nhau một cách hoàn hảo, không có một khe hở nào.

Và khi xoay lưng rồi ngoái đầu lại nhìn gương, tôi vẫn thấy lưng mình thẳng. Thẳng như lưng của một cô gái 16 tuổi đúng nghĩa. Nó không gù đến mức khiến tôi lúc nào cũng phải đi cúi mặt xuống đất.

 

Nhưng, những hình ảnh đẹp đẽ ấy chỉ hiện ra khi tôi nhìn vào gương. Mỗi khi, không nhìn gương, tôi lại có cảm giác cơ thể mình là của người khác. Không phải chỉ một người mà là nhiều nhiều người tôi bắt gặp ở đâu đó. Tôi tự hỏi, cảm giác này có phải chỉ đơn thuần mang chút sợ hãi vì tôi đã bắt đầu ra ngoài đường, lại tiếp xúc với nhiều người sau khi đã ở một mình trong nhà quá lâu?

 

Cái lưng gù là của bà già bán hàng rong gần trường tôi.

Đôi mắt sợ vật thể nhọn đến gần là của người bạn ngồi kế bên cạnh tôi trong lớp học. Cô ấy chỉ sợ vật nhọn. Cảm giác mắt lúc nào cũng nóng là do tôi tự tưởng tượng thêm.

Hai răng cửa ấy thì  là của người bảo vệ trước cổng trường tôi. Khi tôi đến trễ, ông đã quát nạt tôi và lúc đó tôi đã đứng rất gần ông nên thấy được khe hở giữa hai chiếc răng ấy.

 

Một điều kì lạ là chỉ có những hình dáng bên ngoài theo hướng tiêu cực với nhiều người mới có thể tác động đến tôi, cho tôi cảm giác là mình cũng đang có nó. Những hình ảnh đẹp mang hướng tích cực như cái lưng thẳng băng, một đôi mắt đẹp, một hàm răng đều từ những người khác lại không thể lưu vào trong tâm trí tôi giúp tôi cân bằng. Và cứ như thế, tôi sống với thứ cảm giác mình đang mang hết tất cả tiêu cực về mặt ngoại hình của những người xung quanh. Cơ thể tôi cứ du nhập đặc điểm của những người bên ngoài vào nó, trong khi não của tôi bên trong vẫn chưa kịp thu hồi lại những gì vốn thuộc về tôi lúc trước.

 

Đến lúc này, tôi nhận ra mình đã đi quá sự chịu đựng giới hạn của bản thân. Tôi không thể để tình trạng này cứ mãi tiếp diễn. Cần phải làm một điều gì đó để kết thúc nó.

 

Tôi lại tiếp tục xem bộ phim ấy.

 

Vào phút thứ 14, phim chuyển cảnh và đột nhiên kể một câu chuyện hoàn toàn mới về một cô gái khác.

 

Ở một sòng bài không có ánh sáng, người ta không thể phân biệt được ngày hay đêm. Có một cô gái trẻ đang ngồi chơi bài tay đôi với một người đàn ông trung niên. Cách cô ta xào bài, chia bài hay trải bài đều trông rất chuyên nghiệp. Và cô chơi bài còn giỏi hơn cả người đàn ông ấy. Cô luôn thắng ông. Và ông ta yêu cô chỉ vì lẽ như thế. Tuy nhiên, cô gái ấy không phải là một con nghiện cờ bạc. Thậm chí, cô còn không thích nó. Nhưng cô yêu ông. Một tình yêu đến bất chợt khi cô nhìn thấy dáng ông đi tất tả trên phố. Cô lặng lẽ theo ông. Ông đến một nhà trẻ. Có lẽ để đón con.

Hai người đến với nhau. Tình yêu là những tháng ngày trong sòng bài.

Thế rồi một hôm, ông không biết là cô đã đi đâu, nhưng đó là lần cô rời xa ông lâu nhất từ khi hai người quen nhau. Không có cô ở bên cạnh, ông biết được cảm giác chiến thắng của một người đàn ông. Khi chơi cùng cô, không bao giờ ông chiến thắng. Điều đó khiến ông nghĩ rằng do mình chơi quá tệ, thua cả người không đam mê cờ bạc. Nhưng hóa ra, không phải vì ông chơi tệ mà vì cô quá giỏi. Khi không có cô, ông thắng tất cả mọi người.

Cô về. Vẫn không mảy may biết xáo động tâm lí nào đã diễn ra với ông, hoặc là cô đã đoán biết được?

Cô vẫn mỉm cười nhìn ông âu yếm, khi kéo ghế ngồi xuống bàn, khi xào bài, khi chia bài và cả khi đã thắng ông.

Người đàn ông cũng mỉm cười nhìn cô âu yếu nhưng điểm nhìn không tập trung vào khuôn mặt của cô mà ở vị trí ngay dưới nó.

Cô lại thắng ông tất cả các ván bài.

Đến một ván bài, sau khi kết thúc, cô đột nhiên ngả dài trên bàn. Ông cảm thấy lạ vì chưa bao giờ cô mệt đến nỗi ngủ gục ngay trên bàn. Thế nhưng, ông cũng không quá ngạc nhiên vì điều đó. Đó là một việc hết sức bình thường ở đây khi ngày qua ngày, người ta đốt mình vào những lá bài không cần biết thời gian.

Ông im lặng ngắm nhìn cô ngủ một lúc lâu để chắc chắn rằng cô đang ngủ thật say.

Ông lấy một sợi dây mỏng như sợi chỉ có màu đen.

Cô cảm nhận được những vòng tròn từ sợi chỉ đó đã thòng qua cổ mình, bắt đầu siết chặt vào cô. Nhưng cô không mở mắt. Ngay từ đầu, cô chỉ đơn giản là nhắm mắt. 

Cô mỉm cười. Không ai biết cô cười vì lí do gì.

Có lẽ cô ấy đang mơ một giấc mơ đẹp, người đàn ông nghĩ thế.

Bây giờ, đơn giản là cô muốn nhắm mắt mãi mãi.

Một màn hình màu đen hiện ra dòng chữ màu trắng ấy rồi lại chuyển sang cảnh trong lớp học mẫu giáo. Đã đến giờ ra về, từng phụ huynh đến rước từng đứa trẻ. Một người đàn ông mặc áo thun đen, quần jeans đen đến. Ông đón đứa bé gái đã nhặt mẩu đất sét bị đứt. Đó chính là người đàn ông mê cờ bạc đã giết một cô gái bằng sợi dây đen. Trước khi dắt đứa bé về nhà, ông dừng lại để trao đổi một chút với cô giáo. Ngày qua ngày, chuyện đó cứ tiếp diễn đều đặn như thế. Thêm một lần nữa, người đạo diễn này lại làm tôi bất ngờ. Tôi cứ nghĩ rằng ông ta sẽ thay đổi góc quay liên tục ở đoạn này. Nếu không thay đổi nhiều, ít nhất cũng phải có góc cận cảnh hay trung cảnh sao cho thấy rõ biểu hiện trên khuôn mặt của người đàn ông và cô giáo. Với kinh nghiệm xem phim nhiều của tôi, không khó để đoán ra diễn biến tiếp theo của câu chuyện. Chắc chắn, sẽ lại có thêm chuyện tình giữa người đàn ông và cô giáo. Nếu là như thế, những đoạn hai người gặp nhau và trao đổi thật sự quan trọng. Và khi đó theo lí thuyết, cần phải quay cận cảnh để cho khán giả cùng thâm nhập vào câu chuyện này. Nhưng ở đây, ông lại chỉ quay góc toàn như thể muốn chối từ sự thâm nhập của khán giả. Ông quay xa vừa đủ để người xem vẫn có thể nhận biết được các nhân vật qua vóc dáng của họ mà không cần thấy rõ khuôn mặt. Ông cũng không cho khán giả nghe được đoạn hội thoại diễn ra. Cứ như thế, với một góc máy toàn cố định đặt từ trong sân trường, người đàn ông từ đâu đó bước vào khuôn hình, lưng ông ta choáng cả ống kính rồi từ từ nhỏ dần khi tiến đến đứa trẻ và cô giáo. Qua vóc dáng và cử động bàn tay, người ta biết ông và cô đang trò chuyện. Sau đó, người đàn ông cầm tay đứa trẻ, từ từ tiến lại gần rồi đi ra khỏi khung hình. Một cảnh đơn giản như vậy nhưng lặp đi lặp lại trong độ khoảng mười phút. Ban đầu, tôi nghĩ ông sẽ lặp lại chừng 4 ngày thôi. Mỗi ngày là một mùa khác nhau biểu hiện qua sự thay đổi cảnh sắc để nhấn mạnh người đàn ông vẫn đều đặn đón con trong suốt một năm, qua bốn mùa xuân hạ thu đông. Tôi nghĩ đây là thủ pháp tượng trưng tiêu biểu đã nhiều người làm và sẽ không một ai nói ông thiếu sáng tạo khi lại làm như thế. Vì cách này đã trở thành kinh điển để rút ngắn thời gian diễn tả chuyện trong một thời gian dài, một người đã làm một việc nào đó đều đặn. Thế nhưng, không như tôi nghĩ. Cảnh sắc ngày qua ngày không hề thay đổi. Người ta biết là không hề có một sự nhảy cóc về thời gian ở đây. Cách quay của ông cho người ta cảm giác đây thật sự là một khoảng thời gian tuyến tính, ngày hôm sau nối tiếp ngày hôm trước. Cái thay đổi ở con người là nằm ở quần áo. Cái thay đổi ở cảnh sắc có chăng chỉ nằm ở tiếng gió. Tiếng gió thổi mỗi ngày mỗi khác. Tôi cảm nhận được điều đó nhưng sự thay đổi ở tiếng gió quá ít ỏi, không đáng kể. Lại thêm một lần nữa, người đạo diễn này muốn thử thách sự kiên nhẫn của khán giả? Ông khiến cho tôi có cảm giác vừa chán nản, vừa tò mò, vừa tức tối khi luôn quan sát hành động đón con của người đàn ông này mỗi ngày mà không thật sự biết được chuyện gì đã diễn ra giữa ba người họ.

 

Cái gì cần đến cũng phải đến.

Tôi đã không nhận ra, qua mỗi ngày, tiếng gió thổi ngày một mang âm sắc ma quái hơn dù thoạt nghe, có vẻ như nó cũng giống tiếng gió bình thường. Tôi không biết người thiết kế âm thanh cho phim này là ai nhưng tài năng của anh ta khiến tôi thật sự cảm phục. Ngay cái ngày mà tôi chợt nhận ra, tiếng gió bình thường ấy đã âm thầm nổi loạn mỗi ngày cũng là ngày diễn ra một sự kiện mới: cô giáo cùng đi về với người đàn ông và đứa trẻ. Đến đoạn này, phim lại chuyển về cách quay thông thường như bao phim khác: nghĩa là thay đổi góc và cỡ cảnh liên tục để tránh tạo sự nhàm chán cho khán giả.

 

Khi về nhà, đứa bé gái vào căn phòng riêng của nó. Người đàn ông và cô giáo bắt đầu làm tình trong phòng ngủ. Sau đó, cả hai đều ngủ say. Đến nửa đêm, cô giáo thức dậy. Người đàn ông vẫn còn ngủ say. Cô lục lọi giỏ xách của mình và lấy ra một sợi dây đen, mảnh. Cô thòng sợi dây qua cổ ông, từ từ siết chặt nó. Người đàn ông khẽ lay mình, phát ra vài tiếng ú ớ yếu ớt trong khi mắt vẫn đang nhắm như thể tiếng ú ớ ấy xuất phát từ trong giấc mơ của ông, không phải từ cảm giác đau nơi cổ và nhận thức được có người đang giết mình. Ông tắt thở. Cô tháo lỏng sợi dây.

 

Cánh cửa phòng mở ra. Đứa bé gái bước vào. Nó nhìn căn phòng và đoán biết được sự việc gì đã xảy ra. Cô ôm nó vào lòng, áp mặt vào mái tóc của nó và hít lấy mùi hương tóc với hơi thở gấp gáp. Cô hôn môi nó.

 

Khuôn mặt đứa bé không biểu lộ chút cảm xúc nào. Mắt nó vẫn mở to.

Ánh mắt nó hướng nhìn đến. Sợi dây đen.   

 

Phim kết thúc ở đó.

Đạo diễn là Lir. Một cái tên lạ hoắc đối với tôi, dù trước đó, tôi đã đọc lại kha khá số sách về điện ảnh có trong phòng mình. Có lẽ, ông đạo diễn này không nổi tiếng. Tôi cũng không hiểu vì sao trong quá khứ mình lại mua đĩa phim “Repeat” này. Tôi đã xem sơ lược qua các đĩa phim có trong phòng mình, hầu hết chúng đều là những phim nổi tiếng, đoạt các giải thưởng lớn như: Oscar, LHP Cannes, LHP Venice…Có vẻ như thú xem phim của tôi lúc trước là như vậy. Tuy cảm thấy khó hiểu với chính mình, nhưng tôi vẫn thầm cảm ơn mình đã mua phim này vì một lí nào đó dù nó không có mấy tiếng tăm. Đối với tôi, nó khá thú vị. Tuy rằng nhiều lúc, nó khiến tôi như mất hết sự kiên nhẫn và muốn bỏ cuộc giữa chừng, nhưng khi kết thúc, không rõ vì nguyên nhân nào, tôi lại cảm thấy rất đồng cảm với những gì Lir đã kể, với cách thể hiện của ông ấy. Nó thật đúng với cái tên “Repeat”.  Nó thể hiện sự lặp lại đơn điệu trong cuộc sống từ những chuyện nhỏ nhặt nhất cho đến những chuyện phực tạp hơn. Vì đoạn bắt đầu từ cảnh người đàn ông đi đón con và gặp cô giáo cho đến cuối phim không có thoại, chỉ có tiếng động nên câu chuyện có lẽ sẽ có nhiều hướng suy diễn khác nhau tùy từng người xem. Nhưng với tôi, câu chuyện mà tôi hình dung ra là như thế này: cô giáo chính là chị của người con gái đã bị người đàn ông này giết chết. Cô muốn trả thù cho em mình nên ngay từ đầu đã nghĩ ra cách tiếp cận với ông bằng việc vào dạy ở trường mẫu giáo mà con gái ông đang học. Mọi chuyện diễn ra đúng như kế hoạch. Ngày qua ngày, ông nói chuyện với cô và yêu cô mà không hay biết cô là chị của người con gái ông giết. Cuối cùng, cô cũng hoàn thành kế hoạch trả thù. Đến kết phim, có thể đứa bé gái đó sau này sẽ lại trả thù cho cha của nó. Một vòng lặp lại lẩn quẩn.

 

Con gái trả thù cho cha…

Cha.

Nhìn cảnh người đàn ông trong phim đều đặn mỗi ngày đi đón con gái của mình, tôi chợt nghĩ: không biết ngày xưa, khi tôi học mẫu giáo, ba tôi có đi đón tôi như vậy hay không? Ba tôi đã mất từ khi nào? Khuôn mặt của ba tôi, hình dáng ba ra sao? Mẹ không bao giờ kể về ba cho tôi nghe từ khi tôi tỉnh dậy đến bây giờ. Trong nhà cũng không có lấy bàn thờ hình của ba. Đã một lần tôi hỏi mẹ về việc này, mẹ chỉ bảo đơn giản là vì ngày xưa không có điều kiện, ba chưa bao giờ chụp hình chân dung rõ nét cả. Sau đó, tôi cũng không thắc mắc gì thêm nữa. Cảm thức về tình cha con, thậm chí là tình mẹ con đối với tôi đã trở thành thứ quá xa lạ. Nhưng, bộ phim này đã đánh thức cảm nhận về thứ tình cảm đó của tôi, tôi tò mò muốn biết về cha của mình. Có lẽ, trong cuốn album ở phòng mẹ vẫn còn lưu giữ ít nhiều hình của ông. Cho dù không phải là chân dung thấy rõ mặt, chỉ cần biết dáng người của ông như thế nào, tôi đã thấy mãn nguyện.

 

    

4

 

“Con…con muốn xem hình trong album sao không nói cho mẹ biết? Mẹ sẽ đưa cho con xem khi mẹ ở nhà. Tại sao lại tự tiện lục lọi đồ đạc của mẹ…”

“Mẹ. Người đàn ông này là ai?”

“Là ba con.”

“Không phải. Đây là người yêu của con đang ở xa...”

Với một giấc mơ cứ lặp đi lặp lại mãi suốt nhiều tháng liền, tôi chắc chắn không thể lầm lẫn được. Đây chính là người đàn ông trong giấc mơ của tôi. Tôi đã hiểu ra mọi chuyện. Chỉ cần nhìn khuôn mặt của người đó, tôi có thể nhớ ra tất cả.

 

Màu đỏ là màu của may mắn. Nhưng trong giấc mơ của tôi, nó không phải mang nghĩa đó.

Váy đỏ, giày đỏ. Màu đỏ ấy không phải xuất phát từ chính chiếc váy hay đôi giày.

Nó là màu máu. Máu của người đàn ông ấy.

Tôi đứng phía bên kia đường, vẫn chưa kịp vẫy tay chào lại ông.

Ông đã nằm dài trên mặt đường với thân thể mềm nhũn như khối đất sét ấy.

Mãi mãi.

 

Đột nhiên, tôi muốn cảm nhận một sự va chạm thật mạnh. Mạnh đến mức làm tôi đau đớn và không thể khóc. Tôi muốn thấy máu, tôi muốn thấy một sự hủy diệt tàn khốc ngay trước mắt mình.

 

Tôi lại về căn phòng quen thuộc của tôi. Tôi kéo rèm cửa sổ, mở cửa ra ban công.

Gió ngày hôm nay dường như thổi khác gió ngày hôm qua.

Còn gió ngày mai? Tôi không biết và sẽ không thể biết./.

 

19.9.2010

5:32 AM

Vũ Lập Nhật
Số lần đọc: 1459
Ngày đăng: 19.11.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kinh Kha - Đặng Kim Côn
Chuyện về một buổi chợ mùa đông - Thái Bi
Đất Trích - Trần hữu Lục
Tinh thần thể dục - Huỳnh Văn Úc
Những Kẻ Căm Lặng - Nguyễn Lệ Uyên
Diệu Kế - Kinh Dương Vương
Mây hoàng hôn - Mang Viên Long
Những con cá khô - Trần Lệ Thường
Khẩu Trang - Vũ Lập Nhật
Chiều Mưa - Minh Hương
Cùng một tác giả
Đóng…?...Mở…? (truyện ngắn)
Sóng (truyện ngắn)
Chia Tay (truyện ngắn)
Khói (truyện ngắn)
Good-bye days (truyện ngắn)
Chạm (truyện ngắn)
Con Dốc (truyện ngắn)
Khẩu Trang (truyện ngắn)
Red Skirt Red Shoes (truyện ngắn)
5w1h (truyện ngắn)
Yellow (*) (truyện ngắn)
Mắt kính (truyện ngắn)
Nhét (truyện ngắn)