Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
785
116.658.282
 
Chiếc điện thoại trong tủ lạnh
Vũ Lập Nhật

cho Akai

 

2055 2472 2147

N.Seri TVL 570 341

 

Cô ấy nhìn tôi.

Cô ấy chạm vào phần đã mất của tôi.

hoặc cũng có thể nói cô ấy đang chạm vào phần còn sót lại trong tôi.

 

“5,4,9…2,7,9…2,7,9…5,4,9…Như vậy, em là…”

 

Tôi chờ đợi sự định danh của cô ấy dù hoàn toàn không hiểu vì sao cô thích cái tên “549”, “279”. Không hẳn đó là những cái tên tôi không ưng. Nhưng nếu xét trên tổng thể những cái tên mà cô  nghĩ ra, tôi thấy chúng có phần đơn điệu vì đều kết thúc bằng “9”.

 

Cô ấy thích “9”?

Không. Không hẳn.

Chắc chắn phải có một nguyên nhân nào khác…

 

9685 0176 9108

N.Seri PQB 358 267

 

Cô ấy đặt một nụ hôn lên phần không nguyên vẹn của tôi

hoặc cũng có thể nói môi cô ấy đang chạm nhẹ vào vết thương của tôi.

Có lẽ là cách nói sau đúng hơn.

Phải rồi. Vì nó không là một nụ hôn. Chỉ là một cái chạm. Thật nhẹ mà thôi.

Vết thương do chính cô ấy gây ra.  

 

2378 2506 9398

N.Seri HTA 862 285

 

Cô ấy chạm khắp cơ thể tôi.

Chạm vào những phần mới được sinh ra và cả những phần vốn đã tồn tại trước đây.

Một cách thận trọng và chậm rãi như sợ bỏ sót đâu đó, dù chỉ là một phần nhỏ cảm giác của bàn tay khi tiếp xúc vào tôi.

Với một ánh mắt thật buồn và cái thở dài, tôi hiểu điều cô ấy sắp làm là gì.

 

Sony Ericsson W810i

 

Mùi sầu riêng thật nồng nặc và khó chịu.

Tôi không thích sầu riêng. Chính xác hơn, tôi ghét nó.

Đó chỉ là một phần của sự thật.

Nguyên do xuất phát từ việc nó không phải là thứ thuộc về ý niệm sẵn có của bản thân tôi.

Chính cô ấy đã gieo nó vào tôi. Trong ngần ấy năm trời chúng tôi ở bên nhau.

Vậy mà bây giờ đột nhiên chính cô lại thay đổi,

mua rất nhiều sầu riêng và nhốt tôi vào một nơi chỉ toàn sầu riêng.

Sầu riêng. Phải. Không gì khác ngoài sầu riêng.

 

2055 2472 2147

N.Seri TVL 570 341

 

“Rối quá. Không được rồi. Tôi phải tìm một cây bút.”

 

5,4. 2,7. 2,7. 5,4.

Cô lần lượt gạch những cặp số đó theo từng cặp.

Đầu tiên cô dùng bút bi xanh. Nó cứa vào da thịt tôi đau đớn nhưng vẫn không thể hằn rõ vết mực. Da tôi không thích hợp với loại mực đó.

Cô lại dùng một cây bút bi màu đỏ rồi màu xám. Kết quả tương tự. Có lẽ vì vậy mà cô không lấy bút bi nữa. Cô lấy một cây bút chì nhưng kết quả còn tồi tệ hơn. Như vậy, đó không phải do bút bi hay bút chì. Chỉ là hình như tôi vốn không hợp với bất cứ loại bút nào. Cũng đúng thôi, người ta sinh tôi ra đâu phải để trở thành mảnh giấy được ghi chú. Chuyện này thuộc về lẽ tự nhiên, đáng lẽ không nên buồn mà cũng chẳng có gì phải vui. Chỉ là, tôi có chút ganh tị với các loại giấy tờ, số má khác khi thấy chúng có một vài công dụng phụ ngoài chức năng vốn có khi sinh ra. Như khăn giấy, giấy bạc bọc thuốc lá hay thậm chí là mảnh giấy gói kẹo cao su chẳng hạn. Chúng có thể lưu giữ lại kí ức của một bài thơ, một bản nhạc, những ý văn viết vội của một nhà thơ, nhạc sĩ, nhà văn nào đó trong những lần sinh sản bất đắc dĩ ở những môi trường không thuận lợi, nghĩa là những lúc họ không ở nhà ngồi trước máy tính hay giấy bút đường hoàng. Nhưng tôi thích những cuộc sinh nở vội vã như vậy hơn là bất cứ công cuộc nào nhận được sự hỗ trợ từ các loại vật liệu và lí trí quá nhiều.

 

Dẫu sao thì tôi vẫn không thể giúp được gì cho cô…

 

Trong những lần cô chạy xe ngoài đường, những lần cô ngồi ngẩn ngơ trong công viên cố tìm một điểm nhìn có thể thu hút mình khi đang chờ đợi, trong những lần cô đứng thật lâu trước một bức tranh rồi chợt nảy ra ý gì đó, trong những lần cảm giác một điều nào mơ hồ đang biến mất …đương nhiên những lần đó, cô khẽ lẩm bẩm nho nhỏ: “cái gì đó đang mất đi…cái gì đó đang mất đi…”, nhờ vậy mà tôi mới biết được điều này.

 

Những lần đó, cô luôn muốn viết. Cô đã mua một quyển sổ. Thế nhưng, hiếm khi cô đem nó ra khỏi nhà. Còn viết thì cô luôn để sẵn trong túi xách hai, ba cây mà cô không rõ nó còn hay đã hết mực. Có hôm tất cả những cây viết cô mang theo đều không còn viết được và khi đó mọi người hay trách cô: “Con bé này ngớ ngẩn nhỉ. Đem theo cả túi xách như thế mà không có nổi cây viết nào còn mực. Lại quên cả sổ tập nữa”. Tôi không nhìn thấy được nét mặt của cô khi ấy nhưng qua cái xiết tay nhẹ vào tôi, tôi cảm nhận có chút xáo động trong cô. Đó có phải là nỗi buồn không? Nếu tôi là cô, tôi có buồn không? Dường như đây chẳng phải việc gì đáng buồn với tôi và với cô cả. Vậy hành động xiết tay đó có biểu trưng cho cảm xúc gì? Cô cần gì ở tôi-một mảnh giấy nhỏ còn tệ hơn cả mảnh giấy nhỏ. Tôi chẳng có chút giá trị gì cả dù cho ai đó đính kèm ở phía trước người tôi dòng chữ 10.000 đồng. Tôi thật sự chẳng có giá trị gì vì đã bị mất đi phần quí giá nhất của mình. Khi người ta cào lớp bạc, bấm *100* và 12 số trên đó rồi bấm # và Ok, đó là lúc tôi mất đi giá trị của mình. Người ta sẽ vứt bỏ tôi đâu đó, trên đường phố hoặc trong một thùng rác nào đấy. May mắn thì tôi sẽ được vứt lên trên cùng của một thùng rác đã đầy, sắp đến lượt cần xử lí, người ta sẽ đốt rác và khi đó tôi sớm được siêu thoát. Trường hợp tệ nhất là tôi bị vứt đâu đó trên đường, bị xe cộ lưu thông giẫm nát người rồi phải đợi thật lâu mới có một người lao công phát hiện xác chết của tôi, cho vào xe chở rác và đem đi đốt. Kể ra đó vẫn còn may mắn vì tệ hơn nữa là khi nằm ở trên mặt đường, tôi có thể bị gió cuốn vào các ống cống. Khi còn trong rổ chung với những người bạn ở bưu điện, tôi đã nghe mọi người kháo nhau rằng đó là cái chết đau đớn nhất. Đơn giản vì nó kéo quá dài khoảng khắc hấp hối của chúng tôi. Nếu là giấy tập hay giấy báo thì cái khắc phân rã đến nhanh hơn. Còn chúng tôi-những tấm thẻ nạp tiền điện thoại di động vì giấy cứng hơn chúng nó nên sẽ phải chịu đau đớn hơn nếu chết như thế. Nước cống rất hôi và tôi cũng không thích khi nghĩ đến việc những phần tử trên người còn rải rác đây đó khi tôi đã chết. Nếu mất đi ý thức, tôi không muốn bất cứ thứ gì thuộc về vật chất của mình còn tồn tại vật vờ. Nó phải biến mất ngay tức khắc, đồng thời, cùng lúc, cả hai thứ, khi tôi chết đi.

 

Khi sinh ra, tôi đã biết số phận của mình như thế nào, phải làm gì. Người ta đã ghi đầy đủ hết tất cả những thứ đó lên người chúng tôi. Qua những lần buôn chuyện với đám bạn, tôi cũng hình dung trước được mình sẽ chết như thế nào. Đại loại thì tôi coi như đã biết hết tất cả cuộc đời mình rồi và không có chút ảo tưởng về việc nó sẽ khác đi. Tôi dửng dưng. Tuy vậy việc hằng ngày thấy quyển sổ trắng ghi chép công việc của anh chủ đặt trên bàn, tôi không tránh khỏi sự so sánh giữa mình và chúng. Tôi đem những suy nghĩ đó nói với 7116 2213 2306-một người bạn tâm giao của tôi. Cậu cho tôi biết 12 số ẩn sau lớp bạc của cậu trước và tôi cũng đã cho cậu biết 12 số của mình. Ở thế giới chúng tôi, phải thân nhau lắm người ta mới cho biết 12 số ấy. Đơn giản vì đó là thứ duy nhất tạo nên sự khác biệt giữa chúng tôi, thứ mà chỉ có bản thân mỗi người cô độc nắm giữ. Nó tương tự như cách mà con người dù thế nào cũng cô độc tới chết để giữ phần bản ngã sâu thẳm nhất của mình. Những thứ như thế, chẳng ai muốn một bản thể thứ hai, nằm ngoài mình biết được sự tồn tại của nó. Có lẽ thời khắc ấy, chúng tôi đã quá cô độc nên quyết định nói cho nhau nghe phần không thể nhìn thấy từ bên ngoài của mình. Chỉ khi nói chuyện riêng với nhau, tôi mới gọi cậu thân mật là 2306 và cậu cũng gọi tôi là 2147. Khi lao vào những cuộc đối thoại tập thể, cậu và tôi vẫn gọi nhau bằng tên trên số Seri. Tôi không thể nào biết được rằng việc dành đặc quyền riêng cho một người nào đó, một thứ qui ước chỉ giữa hai người với nhau lại hạnh phúc đến như thế khi gặp cậu. Quả thật, ngay chính giây phút cậu thốt lên 12 âm tiết mà với tôi giờ nó đã là những âm tiết tuyệt diệu nhất, tôi đã nghĩ có lẽ mình không còn đơn độc nữa.

 

“Này, cậu nghĩ gì về bọn giấy trắng?”

“Chúng ấy à. Tớ thấy chúng thật đáng thương.”

“Tại sao thế?”

“Vì chúng thụ động quá. Chúng không thể chủ động sống cuộc đời của mình và luôn phải phụ thuộc vào con người. Chúng sinh ra và trắng, không có gì được ghi trên người chúng sẵn cả. Chúng không biết trước được công dụng của mình: là một tờ giấy ghi những câu văn, bài thơ, bản nhạc hay là một bản vẽ phác thảo hay là những phép toán, hay là làm giấy tờ thủ tục hành chính…? Và thậm chí, ngay cả cách thức con người sẽ tác động vào chúng như thế nào, chúng cũng không biết. Họ sẽ viết trực tiếp lên chúng bằng viết bi, viết mực, viết chì, viết dạ lông với màu xanh, tím hay đen, đỏ? Hay họ sẽ dùng chúng để làm giấy in, giấy photocopy? Vì không biết trước những điều đó, chúng không thể tự gọi tên mình là gì. Thiếu sự định danh, chúng luôn phải sống trong tâm trạng hoang mang, không biết phải làm gì và chỉ còn biết chờ đợi. Tuy vậy có không hiếm những lần chờ đợi đó là vô nghĩa. Người ta vẫn thường hay bỏ quên một vài xấp giấy trắng ở đâu đó, không dùng đến. Hoặc là thường xảy ra trường hợp, những cuốn tập học sinh thường bị bỏ những trang cuối để sang một cuốn tập mới cho một học kì mới, niên học mới. Những cuộc đời như thế thật vô nghĩa.”

“Đúng là chúng thụ động chờ đợi thật. Nhưng chúng ta cũng có khác gì chúng trong việc đó? Hơn nữa, tớ thấy giá trị của chúng nằm ở việc người ta sẽ lưu trữ gì trên cơ thể chúng. Trong khi giá trị của chúng ta lại nằm ở việc hiển lộ cho con người thấy vào lúc họ cần thứ đã có sẵn trong chúng ta. Giá trị của chúng ta bị tiêu biến trong một lần duy nhất. Họ biết được nó và họ vứt ta ngay. Còn bọn giấy trắng thì khác. Tuy ngay từ đầu chúng không kiểm soát được bản thân mình sẽ lưu giữ những gì nhưng giá trị của chúng không bị mất đi mà chỉ chuyển hóa. Nó hết công ích trong việc ghi chép thì vẫn còn công ích trong việc giúp người ta ghi nhớ. Nếu đó là những thứ họ cần phải nhớ, họ sẽ không bao giờ vứt chúng đi giống như chúng ta.”

“Không. Chúng ta khác chúng trong việc chờ đợi. Chúng ta biết được cái hạn định chờ đợi của mình. Nó đã ở ngay trên cơ thể ta. Thông thường là ba năm. Cho dù chúng ta có vô dụng và chờ đợi thì cũng sẽ chỉ là trong ba năm thôi. Qua thời hạn, người ta sẽ sớm tiêu hủy chúng ta. Rồi ta sẽ trở thành một tấm thẻ nạp tiền điện thoại khác, một loại giấy má khác hay là bất cứ vật phẩm nào. Khi đó, ta lại có giá trị. Còn một tờ giấy trắng, bản thân nó không có hạn sử dụng. Nếu đã bị lãng quên ở một góc xó xỉnh nào đó, không ai biết được khi nào người ta sẽ nhớ đến chúng, có thể chúng sẽ bị lãng quên cả đời trong mòn mỏi chờ đợi. Như thế, chúng ta vẫn chủ động hơn chúng. Còn việc vứt bỏ thì tớ nghĩ chẳng có một giá trị nào tồn tại mãi cả dù thứ đó đã từng được nhiều người nghĩ là phải cố gắng ghi nhớ. Có thể chúng được giữ lại lâu hơn chúng ta, nhưng trước sau gì chúng rồi cũng sẽ bị vứt bỏ, vậy thì với tớ việc chúng ta bị vứt bỏ ngay khi hết giá trị của một lần sử dụng lại là điều tốt lành.”

“Ừm…nhưng…dẫu là như thế, có bao giờ cậu nghĩ bọn chúng được tự do hơn chúng ta không?”

“Tự do ư? Đã luôn chờ đợi một điều gì đó nằm ngoài mình thì làm sao có tự do?”

“Không. Tớ không nói về việc chờ đợi. Tớ muốn nói về bổn phận. Ngay từ đầu, chúng ta đã biết rõ mình phải làm gì. Chúng ta được con người ghi sẵn sẽ phải trải qua những sự việc gì trong cuộc đời và ta không thể thoát ra khỏi đó. Số phận của chúng ta như đúc một khuôn giống nhau, chẳng đi trệch ra khỏi quĩ đạo đã định sẵn. Trong khi, vì không biết trước được mình sẽ làm gì, bọn giấy rõ là có nhiều cuộc đời khác nhau, đa dạng và phong phú hơn chúng ta.”

“Như thế này nhé. Vì người khác đã cho chúng ta biết trước chúng ta phải làm gì rồi nên ta không cần bận tâm suy nghĩ việc đó nữa. Chúng ta có thời gian để nghĩ ngợi và làm những việc lặt vặt khác mà thụ hưởng cuộc sống ngắn ngủi. Trong khi bọn giấy vì không thể biết trước, chúng cứ luôn tự hỏi những điều cơ bản như: chúng là gì? chúng sẽ làm những gì? chúng sẽ sống vì điều gì, tin những gì? Cứ loay hoay trong chính những câu hỏi về bản thân sự sống của chúng, chúng chẳng còn thời gian để nghĩ hay làm bất cứ việc gì khác. Luôn phải tự vấn, hoài nghi, hoang mang về mọi thứ như thế chẳng phải mệt mỏi sao? Như thế thì ai sẽ tự do hơn? Chúng ta đã có một con đường và chúng ta chỉ việc đi theo nó mà không hoài nghi là sẽ hạnh phúc. Trong khi bọn đó phải tranh đấu nhiều thứ hơn mà chưa chắc đã có cái gọi là tự do, nói chi đến hạnh phúc. Cậu nói đi, vậy thì ai sẽ tự do hơn?”

 

Ai sẽ tự do hơn?

Chúng tôi hay bọn giấy trắng?

Đến bây giờ, tôi vẫn chưa chắc chắn được điều đó…

 

Tôi mơ hồ cảm thấy nỗi buồn nhưng tôi không thể nói với 2306 về điều đó. Tôi không biết dùng lời nào để nói cho cậu ta hiểu. Vì thế tôi im lặng để cho cậu ngây ngất trong men say chiến thắng lí lẽ của mình vì hiểu lầm là tôi đã đồng thuận.

 

Tôi không chứng kiến được cảnh 2306 đã chết như thế nào.

Nhưng với tôi, ngày ấy 2306 đã chết.

Đó là một ngày mưa tối trời tối đất. Mọi thứ trở nên xám xịt trong màn mưa dày đặc. Một anh thanh niên đội áo mưa, đi xe honda dừng trước cửa tiệm rồi hấp tấp chạy vào. Anh không cởi áo mưa, nước từ áo anh rơi tong tong liên hồi xuống sàn nhà, trên mặt bàn. Anh chủ đưa 2306 cho anh ta. Anh lập tức dùng chìa khóa xe cạo lớp bạc rồi nạp tiền điện thoại rồi gọi ngay lúc đó. Một cuộc trao đổi ngắn gọn, chớp nhoáng có vẻ là vì công việc gấp gáp. Thông thường thì hiếm có khách hàng nào nạp tiền ngay tại chỗ. Người ta sẽ mua rồi thong thả về nhà hay đến một địa điểm nào đó để nạp sau. Ngay khi tôi vừa dứt suy nghĩ đó, thứ không nên thấy đập vào mắt tôi.

 

12 số của 2306.

Nó không phải kết thúc là 2306 như tôi lầm tưởng.

Nó là 7116 2213 2301.

Là 2301.

Không phải 2306.

Tôi đã bị 2306 lừa. À không, không, là 2301. 2301 đã lừa tôi là 2306.

Tại sao cậu ấy lại nói dối tôi…? Trong khi tôi đã thành thật nói cho cậu ấy biết 12 số của mình.

Tôi cảm thấy nghẹt thở. Tôi muốn cào nát con số 1 đáng ghét đó. Tại sao cậu ấy đã thành thật với tôi cả 11 con số lại đi nói dối tôi con số cuối cùng? Tại sao cậu ấy vẫn muốn giữ chút gì đó cho riêng mình trong khi rõ ràng mọi suy nghĩ mà cậu đã nói cho tôi biết đều có vẻ như bộc lộ sự hạnh phúc vì việc số phận của chúng tôi sẽ giống nhau hoàn toàn, rằng chúng tôi không có điểm khác biệt? Tại sao? Cậu vẫn muốn có điểm khác biệt ư? Hay là cậu khoái trá nắm giữ bí mật của tôi, hiểu tôi trong khi tôi ngu ngơ nghĩ rằng cũng biết bí mật của cậu, hiểu cậu mà thực tế thì tôi chẳng nắm được phần nào con người cậu cả?...Tại sao? Tại sao? Tại sao?...

 

Anh thanh niên đó đã đi ra khỏi cửa tiệm từ rất lâu mà tôi vẫn không hay biết. Đương nhiên anh bỏ lại 2306, tôi lại nhầm 2301 ở mặt bàn. Tôi chỉ giật mình thoát ra khỏi suy nghĩ khi anh chủ ném 2301 vào sọt rác nhỏ gần chiếc bàn. Tôi sẽ có khoảng một ngày để trò chuyện với 2301 lần cuối trước khi xe chở rác đến. Đó là khoảng thời gian không dài. Đáng lẽ tôi phải lao vào hỏi hắn xối xả ngay khi có cơ hội. Thế nhưng, cơn giận dữ trong lòng ngăn tôi cất tiếng. Tôi chờ đợi 2301 lên tiếng trước để xem hắn biện bạch cho hành động của mình như thế nào. Khi đó, tôi sẽ có dịp trút cơn giận của mình. Tôi sẽ gạt phăng mọi lí lẽ của hắn và văng tục chửi thề những câu nặng nề nhất cho hả hê.

 

Trái với mọi dự định của tôi, hắn im lặng. Một sự im lặng đầy cam chịu. Ban đầu, tôi cứ nghĩ hắn không thể im lặng được lâu vì dù sao đi nữa, đây có lẽ cũng là một trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời hắn. Chắc chắn hắn sẽ chịu không nổi mà bật ra những lời trăng trối.

 

Qua lớp kính của tủ hàng, tôi đã thấy bóng chiếc xe chở rác đậu trước nhà bên kia. Người ta đã bắt đầu thu gom rác ở dãy nhà ấy, rồi chỉ còn ít phút nữa thôi là qua dãy nhà này. Cuối cùng, tôi đành chịu thua sự im lặng của 2301 mà lên tiếng trước, bật ra những câu hỏi tôi đã luôn suy nghĩ từ lúc phát hiện ra bản thể thật của hắn. Tôi không nhớ mình đã hỏi nó với giọng điệu như thế nào: giận dữ hay buồn bã hay đay nghiến hay mỉa mai…

 

Dù sao, đó cũng không còn là chuyện quan trọng nữa và đây là vài lời hắn nói vội trước khi bị gom vào xe chở rác:

 

“Tớ xin lỗi. Tớ không định nói dối cậu. Tớ đã nghĩ rằng tớ nói thật. Nói ra điều này có lẽ cậu sẽ khó chấp nhận nhưng cớ sự chỉ đơn thuần là do tớ đã vô tình nói việc không phải sự thật. Có lẽ cậu nghĩ rằng những điều vô tình nói sẽ luôn luôn là sự thật vì khi đó người ta tạm mất đi ý thức. Nhưng cậu biết không, vẫn có một trường hợp ngay cả khi vô thức, điều người ta buột miệng nói ra vẫn không phải là sự thật. Đó là khi chính bản thân người đó cũng không biết hoặc quên mất sự thật là gì hoặc lầm tưởng đến sâu trong tiềm thức điều mình nói là thật. Khi nói với cậu lúc đó, tớ đã thật sự nghĩ 7116 2213 2306 là số của tớ. Không phải chỉ mình cậu, khoảnh khắc khi lớp bạc đó tróc ra, chính tớ cũng bất ngờ vì sao không phải là 2306 mà là 2301. Suốt khoảng thời gian từ lúc đó đến giờ, tớ tự hỏi tại sao lại có thể quên số của chính bản thân mình mà tuyệt nhiên không hề có chút hoài nghi như thế? Rồi tớ nhớ ra rất lâu trước đây, ngay lúc tớ mới vừa chào đời, tớ đã quen một người bạn có số là 7116 2213 2306. Tớ rất thích bạn ấy nhưng không dám ngỏ lời. Thật may mắn là bạn ấy cũng thích tớ và đã ngỏ lời trước rồi cho tớ biết số của bạn ấy. Sau đó, tớ cũng đã cho bạn ấy số của tớ. Tớ rất hạnh phúc vì tình cờ bạn ấy giống tớ đến 11 số. Tớ thích bạn ấy lắm, rất rất thích bạn ấy. Và lúc nào tớ cũng đọc thầm tên bạn ấy. Tớ muốn bạn ấy ở trong mình, bạn ấy là chính mình và tớ cũng có thể là bạn ấy. Sự đồng hóa. Tóm lại là tớ muốn một sự đồng hóa, hợp nhất đến tuyệt đối. Bạn ấy bị người ta mua và chết trước tớ. Ngày đó, tớ buồn nhưng vẫn không nghĩ là mình đã yêu bạn ấy nhiều đến mức có thể quên mất chính bản thân mình là ai một cách tự nhiên như thế. Tớ vẫn luôn nghĩ đó là thứ tớ sẽ không quên và suốt cả đời sống với nó. Nó sẽ mãi ở đó và hiển nhiên đến mức tớ không cần một chút cố gắng nào để nhớ. Nhưng bây giờ thì tớ không còn chắc chắn điều đó nữa. Chẳng lẽ, bản ngã của mình cũng là một thứ cần phải cố gắng để ghi nhớ sao? Đó là thứ mình đang sống với chính nó mà tại sao vẫn cần cố gắng để nhớ? Tớ tự hỏi cái gì đã khiến tớ quên? Và bắt đầu từ lúc nào? Thật vô lí.”

 

Đó là những lời cuối cùng của 2301.

Tôi đã nghe nhiều người đồn đại hắn là người nói dối tài tình. Trước khi chơi thân với hắn, đã có nhiều người khuyến cáo tôi đừng nên quá gần gũi hắn vì có vẻ như hắn thích lấy sự đau khổ của người khác khi bị lừa dối làm niềm vui cho bản thân mình. Tôi đã gạt bỏ hết ngoài tai tất cả những lời đó. Nhưng bây giờ, ngay cả khi đã mất hết lòng tin ở hắn, ngay cả khi tôi đang bắt đầu nghĩ  có lẽ những gì hắn nói với tôi từ trước đến giờ đều là dối trá, ngay cả khi như thế…câu chuyện và những lời nói sau cùng của hắn vẫn khiến tôi phải nghĩ ngợi.

 

Tối hôm đó tôi nằm mơ thấy 2301.

Tôi không biết những hình ảnh đó chỉ là do não tôi hoạt động trong khi ngủ mà ra hay do hắn về báo mộng?

Tôi thấy hắn nằm lẩn một góc trong những núi rác khổng lồ đang bốc lửa ngùn ngụt cháy, khói mù mịt. Tôi không nhớ làm sao đã nhìn thấy hắn nhưng rồi đột nhiên nghe tiếng hắn thét lên:

“Nóng. Nóng. Nóng. Nóng quá. Lửa. Lửa. Lửa. Haha. Tớ thích lửa. Tớ yêu lửa. Chết vì lửa và cái nóng tuyệt vời hơn nhiều là chết vì nước và cái lạnh. Người ta có thể biểu tình bằng cách tự thiêu rồi chết chứ chẳng ai nhảy xuống sông chết đuối rồi được mọi người nói cái chết đó là vì biểu tình cả. Lửa thật tuyệt vời. Cậu hãy chết vì lửa nhé. Bravooooo!!!”

 

Tỉnh dậy từ giấc mơ đó, không hiểu sao tôi chẳng còn chút băn khoăn nào về việc hắn có nói dối hay không nữa. Cái ý nghĩa cuộc đời hắn chỉ toàn dối trá, chẳng có gì là sự thật giờ đây hoàn toàn đóng vào đầu tôi chắc như đinh đóng cột. Hắn đã nói dối lúc trăng trối và kể cả trong giấc mơ.

 

Nhưng tôi tự hỏi

làm sao mà hắn có thể nói dối ngay cả khi đang mơ như thế?

 

Ít lâu sau, tôi được cô mua về. Tôi cứ nghĩ rằng mình sẽ trải qua cái phần đời phổ thông của đại đa số, nghĩa là cô cào lớp bạc xong, nạp số rồi vứt ngay tôi vào thùng rác. Nhưng không. Cô quả khác lạ. Cô giữ tôi lại. Cô dán lên người tôi một mảnh giấy nhỏ màu vàng, trên đó ghi ngày giờ mà cô đã mua tôi. Cô cất tôi vào một cái hộp vốn là hộp đựng chocolate. Trong chiếc hộp đó, tôi gặp rất nhiều đồng loại của mình. Đương nhiên tôi vui vì mình còn sống nhưng sự khó hiểu vẫn khiến tôi băn khoăn. Qua câu chuyện của những người bạn ở đây, tôi biết được rằng có vẻ như cô thích sưu tập chúng tôi. Cô mua chúng tôi về và chẳng bao giờ vứt vào thùng rác như biết bao nhiêu người khác. Cô giữ chúng tôi lại trong chiếc hộp này. Đôi lúc, cô mở hộp ra vớ lấy một đứa và bắt đầu mân mê. Và bất cứ lúc nào khi ra ngoài đường, cô cũng chọn một vài đứa trong chúng tôi để mang theo cùng cô. Cô tâm sự và kề cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện, suy nghĩ, cảm xúc của cô. Cô chạm vào chúng tôi bằng đôi tay thon dài và mềm mại. Cô hôn chúng tôi. Phải mất rất lâu tôi mới tin một sự thật rằng: với cô, chúng tôi thật sự là những người bạn. Điều này thật lạ lẫm với tôi. Trước giờ, tôi cũng có nghe qua chuyện con người làm bạn với đồ vật. Nhưng đó thường là thứ công nghệ cao cấp như laptop, điện thoại di động, tivi. Chẳng ai lại đi đánh bạn với những tấm thẻ nhỏ nạp tiền điện thoại di động cả.

 

Tôi là bạn của cô mà chẳng giúp được gì cho cô. Tôi luôn tự trách mình điều đó. Thế nên tôi bắt đầu không ngừng nhìn bọn giấy trắng rôi so sánh, ganh tị và có khi ghen ghét với chúng nữa. Nếu như trên người tôi có nhiều khoảng trống hơn, nếu như cô có thể viết được dễ dàng một điều nào đó trên tôi, có lẽ tôi sẽ rất hạnh phúc. Vì cô luôn muốn viết và viết làm cho cô hạnh phúc-tôi tin như thế.

 

“Tôi đã cộng lại hết 12 số của em rồi. Nó là 5. Tôi gọi tên em là 5…lần cuối nhé…”

 

Khi tôi chưa kịp hiểu gì thì đã nghe tiếng bật quẹt. Người tôi bắt đầu nóng lên.

Cháy. Tôi đang bốc cháy.

Cô đã đốt tôi.

Tôi đang chết dần đi.

Vì lửa.

Và tôi hạnh phúc vì điều đó. Nếu việc giết tôi bằng cách này có thể khiến cô giải khuây nỗi buồn của mình.

Tôi đang chết và tôi hạnh phúc vì tôi đang chết đi vì lửa.

2301 đã không nói dối tôi về điều này.

 

Có phải cô ấy vừa đặt cho tôi một cái tên riêng?

 

9685 0176 9108

N.Seri PQB 358 267

 

Tôi nghe những người bạn của mình kể rằng trước đây cô luôn đối xử với chúng tôi dịu dàng. Bao giờ cô cũng vuốt ve, âu yếm. Nhưng khoảng thời gian từ lúc cô mua tôi trở về sau, dường như cô đang trải qua một cơn khủng hoảng tâm lí nào đó. Cô nhiều lần lấy đầu viết nhọn rạch mạnh tay vào 12 số của chúng tôi khiến nó bị mờ nát và những bột giấy trắng bên trong tứa ra ngoài. Với chúng tôi, điều này thật đau đớn. Chẳng thà cô giết chúng tôi một lần dứt điểm còn hơn hành hạ như thế. Vì vậy, khi thấy ngọn lửa đầu tiên bốc cháy, một người bạn đã chết, tôi lại nôn nao chờ đến lượt mình để sớm được giải thoát. Tôi không muốn tiếp tục mang những thương tật này mà sống.

 

Cuối cùng, cũng đã đến lượt tôi.

 

“9. 8,1. 9. 8,1…Số của em là 6. Em có biết tại sao tôi lại cộng em như thế không? À, để khác biệt, trước khi giết em, tôi sẽ kể cho em nghe một câu chuyện nhé.

 

Người tôi yêu sinh vào những ngày cuối tháng một. Người ấy đã chỉ tôi cách cộng những con số lại như thế này. Đây là một cách đơn giản để thực hiện phép cộng nhanh nhưng một người vốn kém toán như tôi không biết được. Đó là khi cộng 9 vào bất cứ con số nào thì tổng của nó qui hồi dưới dạng một chữ số cũng đều không thay đổi. Tôi ví dụ cho em dễ hiểu nhé. Ừm…Lấy con số 301 vậy. 301 tổng của nó là 4 phải không. Khi cộng thêm 9 vào là 13 mà tổng của 1 với 3 lại tiếp tục là 4. Người ấy giải thích, điều này có được bắt nguồn từ tính chất đặc biệt của 9 trong phép nhân. Người ấy bảo tôi nếu để ý kĩ thì sẽ thấy trong bảng cửu chương, hàng số 9 là đặc biệt nhất. Các kết quả phép tích có được của nó: 9,18,27,36,45,54,63,72,81…khi cộng tổng các con số này lại thì nó vẫn đúng bằng 9. Em để ý mà xem. Điều này thật kì diệu với tôi. Tôi đã bị nhà trường bắt phải học thuộc lòng bằng cửu chương từ năm lớp ba. Vậy mà nhà trường đã không chỉ cho tôi biết điều nhỏ nhặt này. Bản thân tôi cũng không để ý. Nhờ đó mà khi bắt gặp một dãy số, tôi chỉ việc tìm ra số 9, nối những số có tổng là 9 lại với nhau rồi gạch đi, quên đi sự tồn tại của nó, chỉ nhìn những số còn lại là thực hiện xong phép tính. Người ấy nói với tôi rằng vì vậy mà người ấy thích số 9 nhất, nó quả thật tuyệt vời, đúng như cái ý nghĩa mà người Trung Hoa ghép cho nó: vĩnh cửu. Số 9 làm cho dãy số vẫn giữ được cái bản nguyên của nó. Người ấy thích sự vĩnh cửu ư? Tại sao thế? Tôi không thích nó. Tôi chán ghét cái ý nghĩ là mình đang ở bên cạnh một thứ nào đó sẽ tồn tại mãi mãi. Cuộc sống của tôi là sự chắp ghép những mảnh rời rạc của các thứ tồn tại ngắn hạn. Nó làm tôi hoang mang, hoảng sợ. Nhưng tôi thích cảm giác đó. Thật ra, tôi vẫn thích số 9. Chỉ là thích ở khía cạnh khác người ấy mà thôi. Tôi chẳng thấy có sự vĩnh cửu gì trong số 9 cả. Tôi chỉ thấy thương nó vì sự bất lực. Chẳng có gì thay đổi dù cả khi số 9 đã gia nhập vào một cộng đồng số nào đó, vậy chẳng phải đáng thương sao? Thế rồi vì sự tồn tại có mà như không của nó, nó bị người ta gạt ra, lãng quên để cuộc sống thuận tiện hơn. À, đến đây tôi đã hết cảm giác nó đáng thương rồi. Tôi chẳng bao giờ có thể yêu hay thích một thứ gì đó đơn giản vì sự thương hại. Rất có thể, nó vẫn kiêu hãnh ngay cả khi người ta đã cố tình loại nó ra khỏi phép cộng như thế. Số 9 thật đẹp. Không chỉ ở mặt tính chất toán học của nó mà còn cả mặt mĩ thuật đơn thuần nữa. Nó là con số duy nhất trong các chữ số mà khi quay ngược 1800 thì ra một số khác. Là số 6. Là em đấy. Em biết không, tôi yêu người ấy cũng chỉ vì thích những bức tranh người ấy vẽ lên người của các em. Trước đây, tôi chưa từng thấy ai vẽ tranh trên những tấm thẻ nhỏ nạp tiền điện thoại di động cả. Tôi tự hỏi trong một diện tích chật hẹp như thế, làm sao người ta có thể trình bày một ý tưởng nào đó được. Và em biết người ấy đã vẽ gì không? Chỉ đơn giản là những con số thôi. Những con số với kích cỡ, kiểu dáng khác nhau nằm lộn xộn, chen chúc. Những sợi dây đủ màu sắc rối rắm, chằng chịt. Ban đầu, tôi không hiểu ý nghĩa của chúng. Nhưng rồi tôi thử tìm một sợi dây và cố đi theo nó trọn vẹn từ điểm đầu đến điểm kết thúc, tôi nhận ra chúng nối cặp số có tổng là 9. Cứ thế, tôi phát hiện ra tất cả những sợi dây đó đều đang nỗ lực làm công việc như thế. Tôi vui sướng vì phát hiện đó của riêng mình bởi tôi nghĩ hiếm ai có đủ kiên nhẫn nhìn lâu những bức tranh của người ấy mà tìm ra bí mật này. Tôi tìm cách để làm quen với người ấy. Sau đó, tôi mới biết được ý nghĩa của con số 9 trong suy nghĩ của người ấy. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc của tôi. Tôi thích giữ gìn các em lại cũng vì thích những bức tranh của người ấy.

 

Nhưng…tất cả đã kết thúc. Người ấy không còn vẽ trên các em mà bắt đầu trở lại vẽ tranh khổ lớn trên canvas. Tôi cứ nghĩ đây là một việc nhỏ mà quên mất một điều dẫu sao thì lí do ban đầu để tôi đến với người ấy cũng chỉ vì những bức tranh nhỏ vẽ trên thẻ nạp tiền điện thoại di động. Nó độc đáo và khiến tôi lưu tâm, còn những bức tranh mới của người ấy thì quá bình thường. Thế là mâu thuẫn nảy sinh từ đó mà lớn dần. Người ấy bảo tôi không yêu người ấy mà chỉ yêu những gì người ấy vẽ. Tệ hơn nữa là tôi chỉ giới hạn việc yêu đó trong loạt tranh thử nghiệm của người ấy đã từ rất lâu rồi. Đối với người ấy, điều này là vô nghĩa, yêu như thế sẽ không bền. Chúng tôi chia tay. Tôi tiếc nhớ những ngày tháng ấy đến nỗi bây giờ mỗi khi ra đường, tôi vẫn thường hay cộng tổng các bảng số xe nhìn thấy trước mặt mình bằng cách người ấy chỉ như một phương thức để nhớ người ấy, nhớ khoảng thời gian chúng tôi bên nhau. Thật buồn cười khi cố gắng học nhớ kí ức chung của hai người mà nó thì đã không còn tồn tại đối với người kia. Nó vô nghĩa quá. Tôi nhận ra nhớ là một công việc vô nghĩa nhất mà để nhớ được người ta lại cần động tác lưu trữ. Thế nên lưu trữ cũng là một công việc vô nghĩa. Và viết là một trong những cách lưu trữ vô nghĩa. Tôi không viết để nhớ. Tôi viết để quên.

 

Từ giờ, tôi sẽ không lưu giữ lại bất cứ điều gì nữa.

Thế thôi…chào tạm biệt em.”

 

Cô đốt tôi.

Những vết thương đã tan chảy hòa quyện vào những phần lành lặn.

Và bây giờ, thương tật hay sự vẹn toàn đều là vô nghĩa.

 

Sony Ericsson W810i

 

Lạnh…lạnh…lạnh…

Hơi ẩm đã xông vào khắp cơ thể tôi. Tôi không còn giữ được sự tỉnh táo nữa. Thân thể tôi dần mất kiểm soát. Có lẽ nước đã len vào não và những dây thần kinh của tôi.

 

Cô lại mở tủ lạnh ra.

Cô cầm tôi trong tay và thử bấm số 9. Nhưng tôi phản ứng lại bằng cách cho ra loạn xạ một loạt con số 35821…rồi cô cười khoái trá

 

“Hahahaha. Em dần chết đi rồi. Xin lỗi nhé. Nhưng tôi phải thú thật điều này. Tôi muốn giết em. Tôi đã muốn giết em từ lâu rồi. Trước đó, tôi suy nghĩ nhiều cách và cân nhắc. Chẳng hạn, tôi có thể đứng ở thành cầu mà ném em xuống sông. Hay là tôi đi biển mang em theo rồi cứ đi mãi, đi mãi ra phía xa xa để em chết chìm trong nước. Hay là tôi lên tầng cao nhất của tòa nhà cao nhất trong thành phố này, đem theo một ống nhòm, ném em từ trên đó xuống và sau đó dùng ống nhòm để nhìn em vỡ nát khi tiếp đất như thế nào. Cũng có thể tôi sẽ đốt cháy em bằng lửa đốt vàng mã cho người chết, lúc đó tôi phải đứng xa xa để những mảnh vỡ từ em khi nổ tung không văng vào tôi…Nhưng cuối cùng, tôi không làm những cách đó. Em có biết vì sao không? Đơn giản là vì tất cả những cách đó khiến cho tôi không thể quan sát được rõ ràng em đang chết đi như thế nào. Và nó cũng quá dễ dãi với em. Tôi muốn nhìn thấy em chết dần chết mòn. Tôi muốn nhìn thấy em đau đớn. Tôi muốn nhìn thấy những kí ức mà em lưu giữ giùm tôi đang nhạt nhòa đi thế nào. Em có muốn biết không? Để tôi kể cho em nghe nhật kí mà tôi đã ghi vào sổ tay nhé.

 

Đêm hôm trước

10:30 pm

 

Tôi bắt đầu bỏ em vào tủ lạnh kèm với đống sầu riêng mà tôi chán ghét. Tôi muốn em chẳng những chết vì lạnh, vì tê liệt, vì loạn thần kinh mà còn chết trong mùi hôi thối ghê tởm này nữa. Tôi chán ghét em lắm rồi. Em thật vô tích sự. Tôi không cần em nữa. Chẳng ai gọi điện hay nhắn tin gì cho tôi. Và tôi cũng chẳng muốn gọi điện hay nhắn tin gì cho ai nữa. Tôi muốn hoàn toàn cắt đứt mọi liên lạc với thế giới này.

 

11:45 pm

 

Hơi lạnh đã đóng mờ màn hình của em. Cơ thể em lạnh. Người em không còn thơm tho nữa mà đã vương mùi sầu riêng đáng ghét đó.

Tôi bấm thử phím số 3. Em không phản ứng nhanh như tức thời nữa. Em trơ lì. Và một lúc sau em hiện ra 33333333.

 

Hôm nay

12:50 am

 

Em vẫn còn phản ứng khi tôi bấm vào mục Inbox trong Message. Điều này khiến tôi có chút không hài lòng. Sức chịu đựng của em dẻo dai đến thế sao? Tôi lại tiếp tục thử bấm vào một tin nhắn để đọc. Aha, lúc này em đã lộ rõ sự loạn trí. Tôi bấm đọc nhưng em lại tưởng nhầm là tôi muốn bấm xóa tất cả các tin nhắn nên hiện ra dòng chữ: Do you want to delete all messages?. Tôi vẫn còn phân vân. Đương nhiên, tôi muốn rũ bỏ hết kí ức của mình nhưng ngay khoảnh khắc đó thì chưa. Tôi bấm nút No. Nhưng em còn tàn nhẫn hơn tôi. Em tưởng lầm NoYes. Và thế là em xóa sạch tất cả những tin nhắn mà tôi đã từng cố tâm lưu giữ, không muốn và cũng không thể xóa. Có những tin đã cách đây gần hai, ba năm. Những kí ức mà tôi luôn bị ám ảnh…Cảm ơn em. Cảm ơn em đã thay tôi lạnh lùng vứt bỏ hết tất cả chúng.

 

2:14 am

 

Và đó chính là thời điểm bây giờ. Thời điểm tôi bấm phím số 9 và em cho ra chuỗi số chẳng chút liên quan gì 35821 rồi tôi cười với niềm lạc thú khi biết rằng em đang dần chết đi để đọc cho em nghe những dòng nhật kí này.”

 

Tôi không còn nhìn thấy rõ mọi thứ nữa. Lớp hơi nước ẩm mù mịt bên ngoài bao phủ lấy tôi từ mọi phía. Cảm giác từ bên trong thì chế ngự mọi ý thức.

Tối dần. Tối dần…tối dần…

Tất cả chỉ còn là bóng đen.

 

Tôi loáng thoáng nghe giọng cô

 

3:01 am

 

Màn hình của em bắt đầu chập chờn lúc sáng lúc tắt. Và rồi nó tắt hẳn, chỉ còn một màu đen ngòm. Tôi đập mãi vào lưng em nhưng em đã không còn thể sáng như lúc trước được nữa. Tôi biết em đã chết lúc này.

 

Em đã chết rồi. Em chết lúc 3:01 am.

3:01 am là giờ chết của em, người tôi yêu.”

 

2378 2506 9398

N.Seri HTA 862 285

 

Cô ấy sắp giết tôi ư?

Không. Không. Tôi không thích thế.

Tôi không thích chết dưới tay một người mà tôi nghĩ là ngu xuẩn. Với tôi, cô ấy thật ngu xuẩn. Phải, thật ngu xuẩn. Mặc dù tôi biết có rất nhiều bạn của tôi thích cô ấy. Như 2055 2472 2147 chẳng hạn. Tôi biết hắn rất cuồng si cô. Nhưng tôi thì không như thế. Bởi tôi may mắn biết được một vài điều.

 

Một lần vào giờ ra chơi, cô đã bỏ quên tôi trong hộp bút ở phòng học. Lúc cô đi, một vài người bạn của cô ngồi quanh đó bắt đầu bàn tán và tôi đã nghe được câu chuyện của họ

 

“Ê mày, hình như con nhỏ đó bị điên, mắc bệnh hoang tưởng phải không?”

“Đúng rồi. Có vẻ là vậy đó. Lớp mình ai cũng nói vậy mà. Hình như nó thích một ông họa sĩ nào đó.”

“Ờ. Ông họa sĩ nào đó người Lào thì phải. Gặp ai nó cũng huênh hoang về tình yêu đó và khoe tranh của ông ấy. Nhiều khi nó không để ý nổi là người đối diện không muốn nghe dù họ đã tỏ hẳn vẻ khó chịu mà nó cứ nói liên thu bất tận. Tao từng là một nạn nhân của nó chứ đâu.”

“Nó cứ nhắc đi nhắc lại ý tưởng ông đó thu gom mấy tấm thẻ nạp tiền điện thoại di động nhỏ xíu mà người ta đã bỏ đi rồi về vẽ tranh trên đấy. Ờ thì ban đầu tao nghe ý tưởng đó có vẻ cũng hay thật. Nhưng đến hồi nó cho tao xem tranh của ông đó, tao chỉ thấy nó như trò chơi của mấy đứa con nít đang học vẽ thôi. Nó ngô nghê thế nào ấy. Chẳng có chút ý nghĩa gì và cũng chẳng đẹp nữa. Nội dung thì cứ lặp đi lặp lại hình vẽ mấy con số và mớ dây nhợ rối lùng bùng. Tao xem chừng vài bức là thấy chán rồi. Mà ông đó tên gì ấy nhỉ?”

“Không biết tên thật của ông đó là gì nhưng vẽ tranh kí tên là Ex. Sở dĩ tao nhớ vì có lần nó huyên thuyên với tao nó rất thích chữ Ex đó vì gợi lên nhiều điều. Nào là trong tiếng Anh, Ex là Example, Experiment, Expression, Expect…và thậm chí là có thể tính cả Ex- như một tiền tố đứng trước danh từ để chỉ những cái đã qua nữa. Nó nói một cái tên gợi lên nhiều khái niệm nó quan tâm như thế thì chưa nhìn tranh mà chỉ nghe qua tên đã cho nó cảm giác là có một cái gì đó rất hợp với nó rồi, rằng nó sẽ thích người này. Và quả nhiên khi nhìn tranh của ông này nó thích thật. Thế là nó cảm thấy có gì đó như định mệnh…blah blah…Đại loại thế. Nên tao nhớ.”

“Trời, mày nói ghét mà cũng nhớ được nhiều vậy sao? Có thật là ghét không đó?”

“Ờ…thì…ghét thật mà”

“Hey. Nói gì thì nói nghe tụi bây nãy giờ cũng làm tao tò mò muốn xem tranh của ông đó coi như thế nào. Tao chưa có dịp xem. Đứa nào mở laptop lên google tìm thử vài bức cho tao xem với.”

 

Tôi cũng đã nghe cô kể nhiều về họa sĩ Ex nhưng chưa có cơ hội xem tranh của ông ấy bao giờ. Những lúc cô xem ở nhà, cô chỉ toàn xem một mình. Vì vậy, khi đám bạn trong lớp của cô mở laptop, lòng tôi háo hức chờ đợi. Tôi mong tranh của ông ấy tuyệt vời như cô đã nói và những lời bàn tán của đám bạn này chỉ là phiến diện. Và…tôi thất vọng. Lời của những người bạn này nói không sai. Tranh của ông Ex đường nét ngô nghê như con nít. Phối màu thì rối loạn, lung tung. Dường như không có một tông màu chính nào cả, tôi nhìn vào cảm thấy rất nhức mắt. Đường nét, bố cục không có, cả dùng màu cũng tệ. Tôi thật không hiểu nổi trong mắt cô, tranh ông này có gì đặc biệt mà cô si mê đến vậy. Ông dường như là một họa sĩ vô danh. Đám bạn đó tìm trên google chỉ ra được lèo tèo một, hai trang kết quả. Trong một vài bình luận ít ỏi của người xem tranh cũng toàn bày tỏ thái độ chán ghét. Quả thật, không có lí do gì để thích tranh của ông này. Vậy mà lúc nào cô cũng ca ngợi ông ấy lên tận mây xanh và cho mọi người thấy rõ sự hoang tưởng nơi cô rằng ông là một họa sĩ rất nổi tiếng. Tôi chỉ còn biết kết luận cô điên và ngốc.

 

Nhiều người bạn của tôi đã bị cô đốt chết. Và tôi biết Sony Ericsson W810i cũng đã chết ở trong tủ lạnh. Bây giờ sắp đến lượt tôi.

 

Cô đã bật quẹt lên rồi.

Tôi sợ chết. Tôi không muốn chết lúc này một cách đơn lẻ như thế. Nếu cô đốt tôi chung với nhiều bạn bè khác, có lẽ tôi đã không cảm thấy sợ hãi.

 

Tôi sợ…

Tôi sợ…

Tôi sợ…sợ…sợ…

 

I’ll sing for you a lullaby

that tells story about…

…about…

the babies falling down…

falling down…

falling down…

from…

from

skyscrapers

..

.

Hahahahahahahahahahahahahahahahahahahahahahahahaha

 

Bộp

 

Cô làm rớt chiếc hộp quẹt và cùng lúc đó, tôi rơi tự do xuống đất.

Tôi nghe giọng cô vang lên run rẩy với sự hoảng loạn tột độ.

 

“Tại sao…tại sao…tại sao lại có thể như thế? Bài nhạc mình dùng làm chuông điện thoại...Rõ ràng…rõ ràng…cái điện thoại đó đã bị mình giết chết rồi mà…còn ai…còn ai gọi điện cho mình vào lúc này nữa? Ai? Ai đã gọi cho tôi? Ai? Ai? Không thể nào được. Không thể nào được. Không thể nào…”

 

 

“Tại sao cô ấy lại có thể chết nhỉ? Thật kì lạ.”

 

Tôi tỉnh dậy khi nghe có tiếng người. Tôi không rõ làm sao mà mình đã ngất đi lúc đó. Bây giờ, nhìn cảnh tượng trước mắt, tôi cũng không hiểu sau đó có chuyện gì xảy ra. Cô nằm dài bên chiếc thau đỏ đựng tro những người bạn của tôi, tắt thở và máu chảy dài từ hai bên lỗ tai.

 

“Tôi không hiểu. Tại sao cô ấy lại kì công giữ gìn những tấm thẻ nạp tiền điện thoại di động rồi đốt chúng đi từng cái một như thế. Và tại sao lại để chiếc điện thoại di động của mình trong tủ lạnh để cho nó bị hư? Và đã chết như thế nào mà máu chảy ở hai bên tai?”

“Tôi cũng không hiểu, cũng có những thắc mắc tương tự như anh vậy. Nhưng thôi, bây giờ chúng ta lo chụp hình lại hiện trường trước đi rồi đợi thêm người đến.”

“Này, anh có nghĩ đây là một tác phẩm sắp đặt đẹp mắt không?”

“Sao cơ?”

“Cô gái với máu chảy dài ở hai tai nằm chết bên một cái thau đỏ đựng tro của những tấm thẻ nạp tiền điện thoại đã cháy thiêu cứ như là hình số 9. Rải rác trên sàn nhà là những tấm thẻ còn nguyên vẹn với đủ màu sắc, đủ loại tiền, đủ ngày tháng mua. Gần đó là một chiếc tủ lạnh trắng nồng nặc mùi sầu riêng và chiếc điện thoại bị chết đông lạnh bên trong. Tôi cho nó là một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt quá đạt đi chứ.”

“Anh bị điên rồi!”

 

5:16 am

28.9.2011

Vũ Lập Nhật
Số lần đọc: 1622
Ngày đăng: 11.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giả Vờ Yêu Nhau - Tiêu Đình
Đĩ Xược - Nguyễn Lệ Uyên
Sóng Cuộn Miền Hoang Vắng - Minh Khanh
Riêng Trong Riêng - Tiêu Đình
Nạp Phi - Huỳnh Văn Úc
Sài Gòn Sài Gòn - Lê Nguyệt Minh
Ô long triều bát hướng - Trần Hạ Tháp
Ngày Ấy Chưa Xa - Ngô Văn Cư
Đường Chỉ Tay - Võ Xuân Phương
Với những người đi tìm chân lý - Vũ Ngọc Anh
Cùng một tác giả
Đóng…?...Mở…? (truyện ngắn)
Sóng (truyện ngắn)
Chia Tay (truyện ngắn)
Khói (truyện ngắn)
Good-bye days (truyện ngắn)
Chạm (truyện ngắn)
Con Dốc (truyện ngắn)
Khẩu Trang (truyện ngắn)
Red Skirt Red Shoes (truyện ngắn)
5w1h (truyện ngắn)
Yellow (*) (truyện ngắn)
Mắt kính (truyện ngắn)
Nhét (truyện ngắn)