Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
809
116.691.921
 
Họ Là Đàn Bà
Mai Văn Ro

- Đi Tây, đi Tàu gì cũng không bằng nhà của mình. Sóng cứ tự nhiên nhé.

- Không có ai ở nhà sao cô?

- Không! Người thì ít lắm. Sóng tắm rửa, coi còn hạt bụi nào của Bangkok lẫn trốn ở nơi kín đáo thì loại bỏ nó đi. Cô giải quyết mớ công việc rồi mình tâm sự, ta còn nguyên buổi chiều nay. Mấy hôm rồi cô cháu ta bận quá nhiều việc, chưa có dịp hỏi chuyện riêng tư. Tắm xong đọc cái này chơi, nhân vật chính trong truyện giông giống cô đấy.

 

Hai người đàn bà này mới gặp nhau chưa đầy một tuần lễ, một người ngoài ba mươi tuổi và một người ngoài năm mươi. Họ có vẻ hợp “gu” với nhau trong chuyến xuất ngoại này.

- Hồi nảy Sóng hỏi cô nhà không có ai? Biệt thự này để dành cho cô trốn sự bon chen sau những toan tính vất vả nơi thương trường… Chồng con thế nào? Vừa nói, bà Dãn vừa nằm xuống cạnh bên Sóng trên chiếc giường nệm sang trọng trong một gian phòng rộng. Ngôi biệt thự của bà Dãn từ cây kiểng trong khuôn viên đến đồ vật trang trí nội thất, cái gì cũng đắc giá và bố trí hợp lí, nhìn vào người ta có thể thấy trình độ thẩm mỹ cao của chủ nhân.

- Dạ, chồng đúng nghĩa thì chưa có. Chồng đã có và giờ không có. Con chưa có. Chưa biết bao giờ có, kể cả chồng và con.

- Con bé này rắc rối nhỉ? Có dám nói hết cho cô nghe không? Phải biết Sóng độc thân cô mua tặng một bộ… Công nghệ làm giả này chất lượng cao lắm, bên Thái bày bán đầy,  ở Việt Nam kín đáo hơn một chút. Đàn bà “không vàm” và cả đàn bà “có vàm” nữa bị các ông chồng bỏ bê đi tìm của lạ, “ông ăn chả, bà ăn nem” sợ mang tai tiếng, để giải quyết “sự sung sướng” họ chuộng thứ này lắm. Bà Dãn cười to và ôm chặt lấy Sóng. Một cử chỉ biểu cảm ít khi diễn ra đối với bà.

- Cô bảo cô giông giống nhân vật Cần trong truyện ngắn “Đêm Đông”? Vậy thì buồn quá!

- Ừ! - Bà Dãn thở dài - Thế hệ của cô nghèo đói phổ biến và số phận con người cũng vặt vẹo, gian truân…

- Cô!...

 

Không gian, thời gian trong gian phòng như chùn xuống. Hai người đàn bà ít khi cười này đang trôi ngược về cái vùng kỉ niệm mà họ cố quên nhưng không làm sao quên được… (Cô ơi, không chỉ có thế hệ cô đâu. Con đây này, mà không phải chỉ mình con, chúng con có khối đứa con gái chẳng những khổ mà còn đê tiện, nhơ nhớp và bất hạnh hơn nữa là mất đi mạng sống vì đồng tiền…)

- Về cơ bản cô giống nhân vật Cần: Mười chín tuổi, cô bị cha ép lấy chồng giàu ở Mỹ Tho bỏ lại người yêu trong sự thù tức do bị vu oan. (Cha cô dựng lên chuyện anh ấy lấy trộm vàng nhà của cô. Chú ruột cô làm trưởng công an xã bắt nhốt, ép cung anh ấy. Thời kỳ chưa có luật lệ rõ ràng người bắt nhốt người không cần chứng cứ là chuyện thường. Cô bí mật gặp cán bộ công an huyện giải oan cho anh, nhà cô nghèo không đủ gạo ăn cho một lũ trẻ nheo nhóc thì làm gì có vàng). Rồi số phận đẩy đưa cô may mắn được nhà chồng trả tự do vì cô không thể sinh con nối dõi dòng tộc, họ lầm tưởng là cô vô sinh nhưng thật ra là con trai của họ. Họ cho cô số vốn, cô ra làm ăn và vươn lên như bây giờ, nhờ vậy mà cô cháu ta mới có cơ duyên gặp nhau. Cô khác Cần ở ba điểm: cha cô không còn sống để ân hận việc làm của mình như ba của Cần; Cô tự nói với người yêu việc cô không đủ dũng cảm đối đầu với sự thật đành phải hủy bỏ bàu thai của anh, (chứ không phải viết thư kể lại như Cần) kết quả của sự bồng bột, vụn trộm chỉ một lần ở gốc rơm ngoài đồng khi gặp lại sau hơn mười năm xa cách; và, cái đêm cô hẹn gặp anh ấy ở căn phòng ven sông có ánh trăng non thơ mộng chiếu qua khung cửa sổ, anh ấy không bỏ về như  anh người yêu của Cần, anh ở lại với cô, đời người chỉ một đêm cô hạnh phúc, đằm thắm và sâu nặng để rồi cô có thằng Nhân Thiện, nó đang du học ở Xingapo…

 

Cô Vãn ơi, con ước gì có được khoảnh khắc dám yêu và được dành cho người mình yêu cái quí nhất của đời con gái như cô để làm hành trang đẹp bước vào đường trần gian khốn nạn sau này. Hân, sao anh hèn yếu thế! Anh có biết em căm hận anh như thế nào khi bị gã đàn ông già nua đáng cha đáng chú ấy dày vò thân xác. Sao em lại để cho một tên ngu dại như anh ngự trị trái tim mình?…

- Ăn hạt cơm nhà chồng đắng đến tận tim gan. Làm dâu nhà giàu họ coi cô còn thua con ở…

- Cơm đắng nhưng dù sao vẫn là cơm sạch. Cô được cưới hỏi đưa đón đàng hoàng. Cô là con ở nhưng con ở của nhà chồng, chí ít cũng trên danh nghĩa. Còn con? Họ coi như con vật, bắt phải trần truồng soi mói, chọn lựa, mua bán ngã giá hẳn hoi. Nếu không vì gia đình quá đổi bất hạnh, có chất vàng ngập đầu, có chết con cũng không bao giờ chấp nhận. Nó ngắm nghía, sờ nắn con xong, nó gật đầu. Nó hỏi thằng môi giới bằng tiếng Anh “ Đảm bảo còn trinh không?” “Đảm bảo” “Hai mươi ngàn…?”

 

(“Chắc Hân rất khinh Sóng khi biết Sóng phải bán thân?” “Không! Hân khinh và hận bản thân mình. Trẻ quá, lúc đó Hân chưa đủ bản lĩnh đàn ông. Giá như bây giờ thì Hân thề dù phải chết Hân cũng không để Sóng ra đi”. Hân nói đúng, Hân trẻ và nhát gan, đến tiếng yêu cũng không dám nói. Hân biết Sóng yêu Hân. Hân biết rõ trái tim mình đã gởi trọn cho Sóng. Hân biết rõ hoàn cảnh của Sóng. Hân không dám làm gì hết trong điều kiện Hân có thể làm được. Và, Hân ân hận, rất ân hận…. Cơn bão dữ đã nhấn chìm cha Sóng ngoài biển khơi. Cơn bảo dữ đã tàn phá tang hoang cả xóm dân chài. Từ chỗ gia đình khá giả, có ghe đánh bắt xa bờ, nhà cửa khang trang, chưa đầy một giờ đồng hồ mất hết. Mất tất cả. Tệ hại hơn, khi căn nhà sập đổ mẹ Sóng bị gãy cả hai chân, em trai Sóng mới hơn mười tuổi bị chấn thương sọ não. Anh rễ Sóng theo cha đi biễn mãi mãi không về để lại người chị đang ôm con nhỏ. Tương lai sáng sủa đang mở ra trước mắt Sóng khi cô học đại học kinh tế năm thứ ba đang về quê nghỉ hè thì xảy ra sự cố. Tất cả, tất cả tan biến hết. Sóng bảo Ngọn: “Chị ở nhà ráng chăm sóc mẹ, nuôi cháu, lo cho em Dâng. Em hứa không quá năm năm em sẽ trở về”. Sóng thừa hưởng tính cách mạnh mẽ của người cha, dân ở đầu sóng ngọn gió nên từ bé Sóng rất có ý chí, quyết đoán, thông minh, sâu sắc nhưng kín đáo. Sóng tự cho mình cái quyền  và trách nhiệm cứu cánh gia đình. Sóng tự thấy chỉ có mình mới gầy dựng lại được một gia đình từ đống đổ nát. Rồi Sóng quyết ra đi… Sóng là vậy, sao Hân có thể xem thường được chứ. “ Sóng đừng tự cho là mình bán thân có được không? Bây giờ lấy chồng ngoại là chuyện thường mà” “Sóng không thích che đậy, một khi đã nói thì nói đúng bản chất của sự việc”. “Sóng có đồng ý cho Hân thường tới thăm không?” “Đó là quyền của Hân, Sóng không cản. Nhưng mà, hồi trước Hân đã không dám nói yêu Sóng và bây giờ cũng không được nói, hiểu chưa? Cưới vợ đi để có người phụ quản lý gia sản, phụ lo việc kinh doanh. Có một chuyện, khi nào  thật cần thiết Sóng sẽ kể cho Hân nghe. Nghe xong chuyện ấy, chắc chắn Hân sẽ không bao giờ gặp Sóng. Thôi về đi...”)

- Sau đêm gặp nhau để cô có được thằng Nhân Thiện, cô và chú đưa ra một qui ước đau lòng là không thông tin và liên lạc  nữa dù chỉ một lần. Vì sao à? Mọi việc không còn cứu vãn được, chú ấy còn trách nhiệm với một gia đình. Đến giờ Thiện vẫn chưa được gặp cha.

- Cô định…

- Không, ngày cưới của Thiện chắc chắn cha con họ sẽ đoàn tụ, cô đã tính trước chuyện này rồi. Sau cha thằng Thiện, sau người chồng ở Mỹ Tho, cô còn một người đàn ông nữa. Nói yêu đương thì không đúng, gá nghĩa để chia sẻ, để nương tựa nhau thì đúng hơn. Đó – bà Dãn chỉ tay lên tấm ảnh một người trung niên, gương mặt cương nghị treo trên tường – Người đàn ông thứ ba của cô đó. Thiên mệnh định sẵn cô không sở hữu được người khác giới. Hai người trước xa nhưng còn. Người thứ ba dễ mến sau này xa và mất. Ông ấy bị tai nạn giao thông bỏ lại biết bao công việc dở dang và bỏ lại cô. Ông ấy đi rồi ngôi biệt thự này trống trải, đơn điệu và buồn. Cô đã nói lúc trưa, “người thì ít lắm” là vậy.

 

Sóng nắm chặt lấy bàn tay bà Dãn. Họ khẻ bậm môi. Đối với họ, để cho rơi nước mắt chắc là điều khó. Sóng giả vờ thiếp đi…

 

(“ Sóng bỏ đi, không có thông tin gì về Sóng, Hân đau lắm…” “Bộ định khóc hả. Sóng không dễ chết vậy đâu? Hẹn năm năm nữa Sóng sẽ hợp tác làm ăn với ông bà Hân” Câu nói vừa trêu và vừa có ý nhắc khéo Hân nên cưới vợ lúc Sóng mới trở về nhưng được Hân hiểu theo chiều khác. Năm năm Sóng đi xa; mười năm Sóng về quê mở công ty xuất khẩu hải sản, Hân vẫn chưa lấy vợ. Cô Dãn ơi, cô và chú ấy không cứu vãn được vì chú ấy có trách nhiệm với một gia đình. Còn con, Con và Hân?...Hân bảo: “Sóng nhớ lời hứa năm năm trước không?” “Sóng nói hợp tác làm ăn với ông bà Hân? Bà đâu?” Năm năm sau nữa, Hân lại bảo: “Năm năm lần thứ hai rồi, hợp tác chứ?” Cô Dãn ơi, chắc lúc cô đến với chú trên tường kia tâm hồn cô đã bình yên và thanh thản. Cô đã tìm được người để thủ thỉ chuyện đời, chuyện người, chuyện làm ăn. Còn con, quá khứ là một vết nhơ đậm cả đời không thể nào gội rửa. Sau vết nhơ là tội ác, con đã trả thù cay độc người đàn ông dám ngã giá mua cuộc đời con. Con hiểu Hân, một con người tuy có chút nhúc nhát nhưng tốt bụng, dám yêu, dám đợi. Khoảng thời gian Sóng bị bán sang Đài Loan, Sóng căn dặn chị Ngọn không tiết lộ bất cứ thông tin gì về mình cho Hân biết. Hân vẫn thường xuyên lui tới gia đình thăm hỏi mẹ, chơi với thằng Dâng, mặc dù em nó khi quên, khi nhớ. “Lúc Sóng đi, mình vừa sợ Sóng không về lại vừa tin Sóng sẽ về. Và mình đợi…” “Đợi cái gì? Mình có nói yêu Hân đâu? Mình nhắc lại, cho đến giờ này Hân cũng chưa hiểu nhiều về Sóng. Thôi đi, vương vấn mà làm gì…?”. “Anh ba. Anh ba đến rồi”. Từ nhà sau, Dâng chạy ào lại ôm chầm lấy Hân. Dâng đã lớn nhưng do dư chấn nảo nên xử sự như trẻ con. Nhìn em, thương em, nhiều lúc Sóng ước nếu như có phép màu Sóng sẵn sàng hoán đổi vị trí cho đứa em tội nghiệp kia. “Hân này, sau Dâng gọi anh ba?” “Ai biết? Sóng hỏi Dâng xem…”)

 

Công ty “Ngọn Sóng” mua bán hàng hải sản của cô Sóng làm ăn mấy năm đã vươn ra thị trường ngoại quốc, phần lớn là xuất sang châu Âu. Là doanh nhân thành đạt nên được nhà nước mời tham quan, học hỏi cung cách làm ăn của nước ngoài và may mắn lần này Sóng đã gặp được cô Dãn, một người có thể coi là tri âm, đồng điệu. Từ cái nhìn thiếu thiện cảm ban đầu do định kiến của bà con xóm giềng, của chính quyền địa phương thì nay, dần dần nhiều người nhìn cô Sóng với con mắt thán phục. Tài năng và lòng tốt của cô Sóng làm cho người ta quên đi cái quá khứ đau thương của gia đình Cô. Với Sóng thì không! Cô không thể quên cơn bão biển làm gia đình tan nát. Cô càng không thể quên cái ngày mà cô bán thân cho gã lùn, già nua nhưng nhiều tiền, và khoảng thời gian dài dằng dặc cô sống dật dờ trên đất khách. Cái ngày mà từ một cô gái trong sáng như pha lê bị vùi dập trở thành một thứ đồ chơi nhơ nhớp, nó khắc vào tim óc, vào da thịt, vào xương cốt, vào máu và nước mắt của Sóng. Mỗi năm đến cái ngày tồi tệ đó cô đều tự tổ chức cúng tế bản thân mình. Sóng thắp hai mươi mốt cây nhang, hai mươi mốt ngọn nến, có tấm ảnh được chụp từ lúc Sóng hai mươi mốt tuổi, có hai mươi mốt bông huệ trắng, có thức ăn, trái cây và rượu. Tất cả bày biện như người ta cúng giỗ người đã khuất. Khách mời chỉ có Hân. Sóng qui định, hai người uống mỗi người hai ly rượu, không hỏi, không nói gì hết, nữa tiếng đồng hồ thì Hân phải về. Mười một lần rồi như vậy. Lần này thì: “Hân còn nhớ  Sóng bảo có câu chuyện mà khi nghe xong, Hân sẽ không bao giờ gặp Sóng?” “Nhớ!” “Nhớ sao không hỏi Sóng dù chỉ một lần?” “Sóng đã nói khi nào thật cần thiết …” “Ừ nhỉ. Sóng sẽ nói. Chúng ta một người nói, một người nghe và cùng uống rượu cho đến khi hết chuyện chứ không theo qui định chỉ hai ly như trước đây. Có thể hôm nay chúng ta sẽ say. Không sao, nếu say và sáng mai Sóng không dậy nữa thì càng tốt. Hân nghe, nhận biết thiếu logic hoặc có gì chưa kịp hiểu thì về nhà nghiệm lại, Hân đừng hỏi thêm bớt. Hết chuyện, Hân về, nếu muốn gặp Sóng thì ít nhất phải sau sáu tháng!... Hân có  biết, họ đồng ý mua Sóng với giá 30.000USD. Đắt quá phải không? Đúng vậy, ở thời buổi năm bảy chục đô người ta có thể mua được trinh tiết, năm bảy trăm đô người ta có thể mua đàn bà, con gái bán đi, bán lại kiếm lời. Ngoài các điều kiện ràng buộc khi về bên Đài Loan, họ còn buộc Sóng cam kết nếu không còn là con gái thì chỉ nhận 1/5 số tiền. Để có được cái giá mà không mấy người chịu bỏ ra  mua cái gọi là vợ, Sóng phải bỏ tiền, bỏ công hàng  tháng trời để tìm hiểu và lần ra đường dây mua vợ hạng sang, đồng ý cho bọn người môi giới 20% nếu công việc hoàn thành. Riêng họ nhận phía bên kia bao nhiêu tiền thì tùy. Họ phải có trách nhiệm cung cấp thông tin về các đối tác để Sóng tìm hiểu. Giá cả sẽ do Sóng tự thương lượng trực tiếp với người mua. (Tất nhiên bọn môi giới luôn ủng hộ giá cao để họ hưởng lợi nên họ không tiếc lời ca tụng, tâng bốc, đưa Sóng lên tận mây xanh) Sóng thạo ngoại ngữ nên giao tiếp những kẻ mua người một cách dễ dàng. Họ thì chăm bẳm, soi mói thân thể của Sóng để lựa chọn. Sóng thì cũng chăm bẳm, soi mói khả năng tài chính và sức khỏe của đối tác. Tiêu chuẩn Sóng đặt ra: Giàu, già, sức khỏe kém. Bằng đầu mày chót lưỡi của con gái, bằng vốn tiếng Anh lưu loát của mình, Sóng mau chóng nhận ra con mồi đạt tiêu chuẩn và trao đổi trực tiếp với hắn ta. Sóng hẹn gặp riêng ông ta nhiều lần, Sóng  thủ thỉ tình cảnh khốn khó của gia đình, thủ thỉ chuyện tình cảm yêu thương và ơn nghĩa, nếu được ông ta giúp đỡ sẽ tận tâm chăm sóc suốt đời… Chuyện gì Sóng cũng có thể bịa ra miển sao làm vừa lòng hắn. Cuối cùng hắn tin, chìu chuộng và xem Sóng như bảo bối. Có đê tiện không? Hân! Chưa đâu, đó mới là khúc dạo đầu. Này nhé: đi đứng Sóng luôn nép sát vào và ôm tay ông ta; ngồi Sóng luôn ngồi cạnh ông ta nếu có điều kiện thì hơi lùi về sau một chút; cà phê đậm và ngọt như vậy vừa ý mình chưa? Ăn thêm đi mình, ăn cho có sức khỏe, vừa múc bón thức ăn cho ông ta Sóng còn khích lệ bằng đôi mắt… Hân uống đi - Sóng cầm ly rượu đưa cho Hân trong lúc Hân đờ người ra như kẻ mất hồn - Ráng mà nghe cho hết thủ đoạn trả thù của đàn bà… Sóng luôn tạo mọi điều kiện, tận dụng mọi cơ hội để phá hoại cái xác thân già cỗi của hắn. Vào phòng thì bất kể ở nhà riêng hay ở khách sạn, bất kể ngày hay đêm, bằng mánh khóe gợi dục, bằng sức lực của đứa con gái mới lớn, Sóng làm cho hắn điên đảo, đê mê, cạn kiệt dần. Tùy vào từng hoàn cảnh sinh hoạt cụ thể, trong đồ ăn, thức uống của hắn Sóng bí mật bón thuốc kích dục vào, liều lượng thì luôn có sự tính toán chi li. Sóng bỏ công nghiên cứu rất kỷ nhiều nguồn thông tin về tình dục, nghiên cứu sâu về thuốc kích dục và cách sử dụng hiệu quả. Sóng tìm mọi cách có thể làm cho hắn hao mòn dần sức khỏe mà chính hắn và người khác cũng không phát hiện, làm cho hắn bước từ từ vào cõi chết trong sự đam mê. Kế hoạch hoàn hảo và người thực hiện cũng hoàn hảo. Hơn bốn năm sau hắn ra đi vĩnh viễn khi đã kịp chia tài sản và Sóng có một phần…”

- Cô biết cháu không ngủ. Cuộc đời ai mà chẳng có nỗi niềm riêng. Cái gì bỏ qua được thì bỏ qua. Thôi dậy đi, cô cháu mình đi shopping.

 

Sóng vận bộ váy phớt hồng phù hợp với làn da trắng ngần, phơi bày khéo léo cái thân thể đang ở độ tuổi sung mãn của đàn bà khiến bà Dãn dán mắt vào trầm trồ khen ngợi.

- À này, cháu có muốn gặp ông nhà văn tỉnh lẻ viết truyện ngắn “Đêm đông” không?

- Được không cô?

- Được chứ! Cô sẽ mời ổng ăn cơm chiều. Chuyện cô làm quen với ổng vui lắm. Trong suy nghĩ của cô, mấy ông nhà thơ, nhà  văn chả biết làm ăn con khỉ gì và nghèo kiết xác. Cô tưởng tượng ra nhiều cách để giúp đỡ ông ta, cô tự gán cho mình cái trách nhiệm này. Cháu biết đấy, tiền thì có thể mấy ổng không có nhưng tự trọng, tự ái nữa có thừa. Lần đầu đến nhà, cô mới té ngửa ra, ông ta rất giàu. Khi độ quen đến mức cho phép, cô hỏi, ông ấy trả lời: “Trời cho chứ tôi có biết làm ăn gì đâu. Bữa đó sỉn, mới lĩnh lương vớ một cộc vé số, nếu tỉnh rượu vợ biểu (chứ cở như trời biểu thì không ăn nhằm) tôi cũng không dám liều…”.

 

Có tiếng kèn xe hơi vang lên ngoài cổng…

 

Mai Văn Ro
Số lần đọc: 1333
Ngày đăng: 31.10.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những Đôi Mắt Trên Dòng Thời Gian - Nguyễn Minh Nhật
Cuống hoa khô - Lương Thái Sỹ
Cuối Ngày Cuối Đường - Phạm Ngọc Lư
Đêm Của Người “Trinh Nữ” - Quý Thể
Tình Hụt - Hoàng Chính
Đàn kiến lửa - Nguyễn Thị Thụy Vũ
Gió đưa - Lê Văn Thiện
Cũng Đành - Dương Nghiễm Mậu
Hoa Núi Biên Thùy - Vương Hà
Nam Hải Đại Tướng Quân - Nguyễn Thanh Sơn
Cùng một tác giả
Họ Là Đàn Bà (truyện ngắn)
Cõi Về (truyện ngắn)
Chảy Đi Sông Ơi (truyện ngắn)
Đêm đông (truyện ngắn)