Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
881
116.665.271
 
Chói chang
Hào Vũ

Chị sợ tiếng lạch xạch của máy chụp hình, chị sợ ánh đèn nóng rực của máy quay phim. Chị không chịu nổi chúng. Mỗi lần bị chụp hình hay quay phim, chịu đựng thứ ánh sáng chớp lóe của ánh đèn Flash, ngồi trong vùng sáng nóng rực của đèn quay phim, đêm về chị lại nằm mơ. Chị mơ thấy mình ngồi trong đống lửa, lửa thiêu đốt chị từ chân đến đầu, cơ thể bốc cháy, từng mạch máu trong người bốc khói. Chị hoảng hốt la hét, và tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa. Thôi, mấy chú, mấy bác, mấy anh, đừng bắt cháu  phải ngồi ghế chủ tịch đoàn nữa, cháu sợ lắm. Thôi, lần này miễn cho cháu. Cháu sợ máy chụp hình, máy quay phim lắm. Chị thiệt tình kể cho vị chủ tịch công đoàn xí nghiệp nghe về giấc mơ của mình sau mỗi lần ngồi ở hàng ghế chủ tịch đoàn…Không ai tin chị. Làm gì có chuyện đó, con nhỏ này có ý gì không đây.

 

Bà Bảy, một người đàn bà tốt bụng nhưng tính tình cứng rắn, vợ liệt sĩ, công tác ở phường, rất thường quý chị. Bà không làm trong xí nghiệp với chị, nhưng do xí nghiệp đóng trên địa bàn phường của bà nên bà có quan hệ với xí nghiệp, qua đó quan hệ với chị. Qua vài lần tiếp xúc, hỏi han, bà tỏ ra có cảm tình đặc biệt với chị. Bà cũng có hoàn cảnh gần giống như chị. Bà tự thấy mình phải có trách nhiệm với chị, một người vợ thương binh đảm đang, gương mẫu. Bà bảy nói :

 

-     Ngồi ở hàng ghế chủ tịch đoàn, nhiều người mơ ước còn chưa được, sao bay lại từ chối?

Con sợ chụp hình, quay phim lắm, bà Bảy à.

 

Sao lại sợ?

 

Chị thiệt tình kể về những giấc mơ khủng khiếp của mình cho bà Bảy nghe. Cũng như nhiều người khác, bà Bảy không tin, bà động viên chị:

 

Phải ráng lên, đừng nghĩ ngợi gì hết. Bây là vợ của thằng Thắng, bây phải giữ uy tín cho nó.

Nhưng con có làm gì để mất uy tín của ảnh đâu, con chỉ sợ quay phim, chụp hình…

 

Đây cũng là nhiệm vụ nữa, bây à, phải ráng lên…

 

Phải ráng lên. Bà Bảy nói với chị câu nói ấy làm nhiều lúc chị tự hỏi, mình phải ráng như thế nào nữa. Chị cảm thấy sức chịu đựng của mình đã tới hạn.

 

Chị cương quyết từ chối vinh dự dành cho mình, ngồi ở hàng ghế chủ tịch đoàn trong buổi lễ được kết hợp tổ chức giữa xí nghiệp và địa phương. Không ai xứng đáng được ngồi vào chỗ đó hơn chị. Chủ tịch công đoàn, giám đốc xí nghiệp nói với chị, chị ngồi vô đó là không ai dám ganh tị với chị. Tôi xin nhường vinh dự ấy cho người khác, tôi thấy xí nghiệp ta có nhiều người còn xứng đáng hơn tôi. Tôi nói thiệt tình mà. Nhưng mà chị em trong xí nghiệp, cả nam giới nữa, chỉ tín nhiệm chị. Dĩ nhiên, cũng có những người khác, nhưng hiện giờ thì chưa… Chị tìm đến phó giám đốc xí nghiệp. Chị biết anh ta cay cú vì không được ngồi ở hàng ghế chủ tịch đoàn trong buổi lễ này. Chị cứ từ chối chẳng ai bắt tội chị được hết, mấy cha cũng phải thông cảm cho tâm lý phụ nữ người ta chớ. Anh ta cũng có những tính toán, chị từ chối, chiếc ghế trống ấy có nhiều khả năng thuộc về anh ta.

 

Anh ủng hộ tôi nghe.

 

Chị  nói thiệt lòng dù biết động cơ của tay phó giám đốc không phải giúp chị vì thương chị. Nhưng mà phó giám đốc từ chối giúp chị, anh ta không muốn mọi người biết ý định của anh ta.

Làm sao mà nhiều người lại có thể chịu đựng được ảnh đèn chớp loé chói chang ấy, chịu đựng hàng mấy tiếng đồng hồ trên hàng ghế chủ tịch đoàn. Chị tự hỏi. Nhưng mà, chính chị trước đây cũng từng ngồi như thế, và cảm thấy rất bình thường. Đến nỗi buổi lễ nào chị không được ngồi ở vị trí đó, là cảm thấy khó chịu, như vừa bị ai cướp đi của mình cái gì. Đã có lúc chị tính đi bác sĩ khám bệnh, coi thần kinh hoặc cái gì đó trong cơ thể bị trục trặc để sinh ra chuyện sợ ánh đèn chói chang. Nhưng  mà………. Chị lại thấy sợ cả các bác sĩ.

 

 

 

Anh ấy đã đến. Chị thầm kêu lên, hoảng hốt bỏ chạy về nhà ôm chặt lấy con thở hổn hển. Chiều qua anh ấy hẹn, nhưng chị đã từ chối, cương quyết từ chối. Nhưng  anh ấy nói:

 

- Tôi tới thăm nhà đồng đội của tôi cũng không được sao?

 

Chị cúi đầu không nói dầu chị muốn nói một câu gì đó. Trước nay thỉnh thoảng Lân cũng tới nhà chị, lúc có Thắng, chồng chị, ở nhà, lúc không. Không có gì quan trọng, Lân vốn là bạn của Thắng lúc hai người chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Nhưng gần đây mọi chuyện đã thay đổi. Bằng linh cảm của người phụ nữ, chị hiểu Lân muốn gì, và chị sợ hãi. Trái tim phụ nữ của chị còn nguyên vẹn nỗi khao khát yêu đương, và ý chí của chị ra sức trấn áp nó. Chị đã hơn ba mươi tuổi, có chồng và một đứa con trai. Mấy ai biết được rằng chị vẫn là một cô gái đồng trinh………

Chị nhận lời làm vợ Thắng trong một buổi chiều náo động của thị xã. Ánh nắng gay gắt đỏ gạch rắc lửa lên các mái nhà. Những chiếc xe tải rầm rập chạy về hướng biên giới. Tiếng hô bắn của đội tự vệ cơ quan luyện tập gần đó. Mùi đất hăng nồng từ những bao đất xếp làm công sự chiến đấu dọc theo các tuyến đường chính, phả đầy không gian. Bọn Pôn Pốt hăm he tấn công thị xã. Bóng mây chiến tranh lởn vởn trên bầu trời .

 

-    Dạ, em yêu ảnh, em thương ảnh, em sẽ ở với ảnh trọn đời. Em chấp nhận…………

 

Chị đã khóc vì thương Thắng.

 

-     Chị nên suy nghĩ cho kỹ trước khi quyết định. Đây là việc hệ trọng. Tình trạng sức khoẻ của Thắng, trong quá trình chăm sóc, tự chị cũng biết tất cả –  Người phụ trách trạm thương binh nói với chị .

 

Chị ngồi im. Thắng là thương binh nặng trở về từ chiến trường biên giới Campuchia, hơn chị hai tuổi. Chị là hộ lý chăm sóc Thắng. Thắng đẹp trai, nhưng viết  thương quái ác trong một cuộc đụng độ với quân địch đã cướp đi của anh quá nhiều. Hai chân anh vẫn mập mạp như bình thường nhưng lại không đi đứng được bình thường, phải dùng nạng, và đi lại cũng rất khó khăn. Tiếng nói của anh cũng không được rõ như bình thường ,anh nói chuyện  trao đổi với mọi người bằng cây viết và cuốn sổ. Đặc biệt hơn, anh không còn khả năng có con, bộ phận sinh dục teo lại .

 

-   Anh dám hy sinh bảo vệ biên giới Tổ quốc, tại sao em không dám hi sinh vì anh ấy. Sự hy sinh của em không là gì so với anh ấy.

 

-   Quá trình sinh hoạt, cơ thể của Thắng có thể hồi phục  dần. Bác sĩ cũng nói với chúng tôi như với chị, nhưng cũng như nói với chị, các bác sĩ nói, khả năng hồi phục là không nhiều .

 

-     Dạ, em đã biết tất cả. Em chấp nhận .

 

Đến bây giờ chị vẫn không ân hận về quyết định của mình. Càng ngày chị càng nhận thấy khả năng hồi phục các chức năng, hay một phần các chức năng cơ thể bị tổn thương ở Thắng là không có. Thắng đã cố gắng luyện tập theo hướng dẫn của các bác sĩ, chị cũng động viên anh và giúp anh luyện tập, nhưng rồi sau này cả hai vợ chồng đều chán nản. Giờ đây Thắng bỏ luôn việc luyện tập, và chị cũng không nhắc anh. Nhà nước cấp cho vợ chồng chị căn nhà, cấp lương cho cả hai vợ chồng (Thắng có tiêu chuẩn hộ lý phục vụ ). Chị lại xin đi làm thêm vì sau này Thắng cũng không đòi hỏi vợ phục vụ gì, tự anh làm lấy mọi chuyện. Cuộc sống của vợ chồng chị về mặt vật chất như thế cũng khá so với xung quanh. Nhưng cuộc sống đâu chỉ là những nhu cầu vật chất….

Chị muốn có một đứa con, chị bàn với chồng sau đó lên Sài Gòn vô bệnh viện thụ thai nhân tạo. Chị sinh được thằng bé Quyết, chị vui lắm. Bản năng làm mẹ được đánh thức. Nhưng rồi niềm vui vẫn có cái gì đó lấn cấn ,cả với hai vợ chồng. Đầu tiên là đặt tên con. Tên thì dễ thồng nhất, nhưng họ của nó mới là vấn đề. Khi đọc giấy khai sinh thấy tên thằng con được gắn với họ của mình Thắng cười và viết mấy chữ đưa cho vợ:

 

Đồng ý cho nó mượn họ của tôi.

 

Chị đọc mảnh giấy và không dám ngẩng lên nhìn chồng. Chị cúi gầm mặt, và khóc. Đúng ra Thắng phải thông cảm với chị, đằng này anh…Nhưng cũng chẳng nên trách anh. Ảnh cũng đau lắm chớ sung sướng gì đâu. Người đàn ông nào là cha thực sự của đứa bé. Chị cố hình dung mà không thể hình dung nổi. Người ta cấy tinh trùng của người đàn ông nào vào trong cơ thể chị? Thằng bé được sinh ra không phải do kết quả của tình yêu. Cùng với thái độ của chồng, nhiều lúc chị nghĩ quẩn, ngỡ như thằng bé là người  nhân tạo. Rồi chị nhận thấy thằng nhỏ cũng có cái khang khác với những đứa trẻ cùng lứa. Nó ít cười, ít nói, ít khóc, khuôn mặt nó lúc nào như cũng đông cứng lại, không bộc lộ một thứ tình cảm gì. Chỉ do  ấn tượng của chị, hay thực sự thằng nhỏ như thế. Chị định làm một cuộc trắc nghiệm, đưa con về quê chơi, nơi không ai biết nguồn gốc nó, coi họ hàng nhận xét nó ra sao. Nhưng chị lại không dám. Lỡ bà con dưới quê cũng nhận xét giống như chị thì sao?

 

Thằng nhỏ năm nay năm tuổi, thường tha thẩn chơi trước cửa nhà những ngày chị nghỉ việc. Chẳng biết ai dạy nó, nhát nó mà giờ đây hễ có ai nói : “Nè người ta bắt mày đi xa đó” là thằng  nhỏ khóc thét vì sợ hãi, chạy về ôm lấy mẹ. Chẳng biết ai cắc cớ hù doạ thằng nhỏ kiểu cách ấy. Rồi chị đau xót với nhận xét là con mình biết sợ hãi trước mọi hiểu biết. Rồi chị thấy nhiều khi thằng nhỏ trong cơn giận dữ bộc phát, nó cào cấu bất cứ cái gì xung quanh. Sự dữ dằn của nó cũng làm cho chị sợ. Dân trong cư xá gọi nó là thằng nhân tạo, rồi sợ chị chạnh lòng, họ gọi là thằng Tạo. Chị không giận trách bà con lối xóm. Họ chỉ vô tình, không có ý ghét  chị, thậm chí có người thấy nó hay hay, vì lạ. Chị thông cảm với tất cả, chỉ âm thầm chịu đựng nỗi đau một mình … Nhiều khi ôm con vào lòng, rờ rẫm lên người con, chị ngỡ như đang rờ rẫm lên một sinh vật lạ lẫm nào.

 

Nhưng thái độ của Thắng đối với con mới làm cho chị đau buồn nhất. Thắng hờ hững với nó. Thằng nhỏ nhắc cho anh thấy sự tàn tật không thể tha thứ  của mình. Anh càng tỏ ra thờ ơ với cái tổ ấm mà vợ anh cố gắng tạo ra cho cả hai người. Thắng sau này thường bỏ đi chơi một mình, khi về bên cha mẹ, anh em, bà con, khi tới nhà bè bạn chiến đấu cũ… những chuyến đi kéo dài cả tháng, thậm chí hai ba tháng, để hai mẹ con vò võ ở nhà ngày này qua tháng khác. Đôi chân đi lại khó khăn có phần lại kích thích anh đi nhiều hơn. Một lần chị nói với anh:

Anh đừng đi nữa anh à, anh ở nhà với mẹ con em, anh thương em với chớ. Ở nhà một mình với con, em buồn lắm, sợ lắm.

 

Thắng viết lên giấy. Những câu chuyện sau này giữa hai vợ chồng thường như thế, chị nói, và anh viết lên giấy những câu trả lời, cho nhanh. Chị khỏi mất thời gian đón ý tứ qua giọng nói toàn hơi gió của anh.

 

Anh có lỗi  với em, anh xin lỗi em, em đã hy sinh cho anh tất cả, nhưng anh lại không dám hy sinh cho em.

 

Chị khóc:

 

Không, anh hy sinh vì đất nước như vậy mới đáng nói, chớ như em thì có đáng gì, em không dám đòi hỏi anh hy sinh gì thêm cho cá nhân em hết. Em chỉ mong anh thương lấy thằng nhỏ.

Anh vẫn thương yêu nó đấy chớ.

 

Không, em biết, anh không thương nó.

Thắng cười buồn. Anh tư lự thiệt lâu rồi bất chợt lấy bút viết nhanh mấy chữ đưa cho vợ:

Hay là…em có bồ đi, anh chấp nhận. Anh không phải là thằng đàn ông, nhưng vẫn còn tư cách của một thằng đàn ông.

 

Chị lại khóc:

 

Tại sao anh lại coi thường em như thế? Em, em… yêu anh…

Thắng cười buồn:

 

- Anh không xứng đáng với tình yêu em giành cho anh. Anh rất ân hận đã xin cưới em, để em khổ.

Mấy hôm sau Thắng lại bỏ nhà ra đi, chống nạng tập tễnh bước ra lộ đón một chiếc xích lô chạy ra bến xe. Anh lại lang thang ở nhà bè bạn,  nhà anh em, chú bác… nơi anh cảm thấy được khuây khỏa, bỏ hai mẹ con vò võ ở nhà.

 

Chị luôn cảm thấy thèm có người nói chuyện, ai cũng được.

 

                                                      *          *          *

 

 

Chiều nay anh ấy sẽ đến. Chị sợ hãi, và chị muốn mời bà Bảy tới chơi chiều nay. Lâu lắm rồi chị chưa chủ động mời bà Bảy tới nhà chơi, chỉ do bà chủ động tới thăm chị, vì thương chị, vì tự thấy trách nhiệm dối với chị. Chị muốn nương tựa vào sự cứng rắn của bà Bảy. Nhưng mà, chị không đủ can đảm tới nhà bà Bảy để mời bà tới chơi. Có cái gì cứ  níu kéo chị ở nhà chờ anh ấy đến. Ôi chị không thể, chị không thể…

 

Và anh ấy đã đến . Một minh chứng cho sự cương quyết của anh. Sự sắt đá của anh. Chị vừa  mừng, lại vừa sợ. Anh bước vô nhà làm chị giật  thót người, tái nhợt, chị ôm lấy thằng  Quyết để tìm một sự che đỡ, tới mức chị không nghĩ ra việc mời anh uống nước .

 

Lân là người cùng xí nghiệp với chị , anh giải ngũ sau Thắng, và xin vô làm xí nghiệp  chung với chị. Anh may mắn không có vết thương nào trong suốt những năm tháng chiến đấu trên đất bạn. Anh cưới vợ sau khi giải ngũ, nhưng vợ anh mất bởi một tai nạn xe cộ lúc chị có bầu bốn tháng. Tai nạn khủng khiếp này đã làm cho anh suy sụp ý chí. Suốt một thời gian dài anh không quan tâm đến bất cứ điều gì xung quanh, đi đứng, làm việc như một người vô hồn. Nhiều người nói anh bị vợ con “nhập”, gọi anh về  “dưới đó”. Gia đình anh chữa chạy đủ loại thuốc men, kể cả cúng vái chùa này, miếu kia. Gần đây anh đã trở lại bình thường, làm việc công tác bình thường, đã được đề bạt làm tổ trưởng tổ sản xuất của xí nghiệp. Trong một lần chơi với Thắng, khi chị không có nhà, anh đã bất ngờ hỏi Thắng:

 

Mầy nên để cô ấy đi lấy chồng, đừng bắt giam cô ấy mãi như thế.

 

Thắng nhìn anh không buồn, cũng không vui, cũng không tỏ ra ngạc nhiên, chỉ nhịp nhịp tay xuống bàn. Mấy hôm sau anh đưa cho Lân mảnh giấy nhỏ, ghi vài chữ: “Mầy nói đúng, tao cũng nghĩ tới việc ấy từ lâu, nhưng chưa tìm ra giải pháp tối ưu. Tao đã làm cho cô ây quá khổ, tao có lỗi với  cô ấy. Chúng mình từng là đồng đội của nhau nên thông cảm cho nhau được, nếu như mày có thể giúp tao… Đây là một việc hệ trọng và vô cùng nghiêm túc, tao đã nghĩ rất nhiều. Có lẽ  chỉ có mầy…”. Những lời nói lấp lửng càng chứng tỏ sự thành thực của Thắng. Lân đã giấu mảnh giấy ấy không cho ai biết. Chính anh khi đọc xong mảnh giấy nhỏ ấy đã nhảy chốm lên trên chiếc ghế đang ngồi mà gọi Thắng là một thằng vô đạo đức. Chưa bao giờ anh nghĩ mình sẽ là người tham gia vào cái trò “bẩn thỉu” ấy, nhận  một người vợ của bạn nhường lại. Cái thằng đê tiện. Anh chửi Thắng thậm tệ. Nhưng rồi anh bình tâm suy nghĩ lại, và thấy chua xót cho người đàn bà ấy, chua xót cho Thắng. Có lẽ Thắng đã khổ lắm khi viết mấy dòng này. Và có lẽ nó cho rằng anh có thể thông cảm được với nó… Chính là mảnh giấy nhỏ ấy của Thắng làm cho anh bắt đầu chú ý tới người phụ nữ ấy dù trong bụng vẫn nghĩ, sẽ tìm cho chị ta một người đàn ông xứng đáng, rằng anh sẽ nguyện làm ông mai nghiêm chỉnh… Nhưng rồi chính anh ngày càng cảm thấy mình yêu quý người đàn bà ấy. Lá thư thứ hai Thắng viết cho anh ngắn gọn như sau: “… Mầy hãy mạnh dạn lên. Nếu mày thật sự thương cô ấy, thương tao thì mầy hãy mạnh dạn lên. Tao chưa làm giấy ly hôn, hoặc làm một cái gì đại loại như thế là vì tao biết tánh khí cô ấy. Chỉ cần mầy có tín hiệu thành công là tao sẽ bắt đầu hành động. Tuy nhiên, mầy cũng cần nhớ rằng, chuyện vợ chồng tao đã trở thành một sự quan tâm của xã hội nên việc ly hôn của chúng tao chắc cũng không đơn giản đâu. Nhưng khó khăn gì thì, vì tình yêu chúng ta giành cho cô ấy, chúng ta sẽ vượt qua được. Trong một lá thư khác, Thắng tâm sự với Lân “… Thực ra khi quyết định từ bỏ cô ấy, để cô ấy được hưởng hạnh phúc, tao cũng day dứt lắm. Tao cũng chỉ là một con người bình thường, tao day dứt vì sự  ích kỷ. Từ lâu tao mặc nhiên coi việc cô ấy trở thành vợ tao, thực ra là người phục vụ riêng cho tao là một phần thưởng của xã hội giành cho tao. Từ bỏ quyền lợi của mình đâu có dễ hả mầy. Tao cứ lấn cấn hoài cho tới bữa mầy nói với tao câu đó… Mầy yên tâm, khi mầy và cô ấy cưới nhau, tao sẽ mời bà cô ruột tao lên ở với tao, giúp tao những lúc khó khăn, thay cho cô ấy…”

Những lá thư của Thắng giúp cho Lân vượt qua được mặc cảm. Anh tìm cách tiếp xúc nhiều hơn người đàn bà ấy. Cho tới một lúc anh tự thấy mình phải hành động…

 

Chị đã linh cảm được mọi việc, kể cả cái việc anh tới chơi bữa nay…

 

-    Thắng có viết thư cho tôi, cô Thu à, rồi tôi sẽ đưa cho cô xem lá thư ấy. Ba lá thư cả thảy… Mà tôi thấy, Thu cũng cần xem những lá thư ấy.

 

Không, em không tin, em không tin.

 

Nhận thấy chị đã trở lai bình tĩnh không còn hốt hoảng như lúc anh mới tới. Lân đứng dậy tới ngồi xuống bên chị. Có cảm giác như chiếc ghế nhỏ không chịu nổi sức nặng của anh. Anh đặt tay mình lên tay chị một cách tự tin. Và nói:

 

Em hy sinh như vậy đủ rồi, em còn phải sống  cho em nữa chớ. Em có quyền sống bình thường như một người bình thường.

 

Thì em vẫn sống bình thường như mọi người đó thôi.

 

Không, em sống không bình thường…

 

Chị nhẹ nhàng rút tay về, thu vào lòng, nói với anh trong tiếng  cười nhẹ:

 

Em biết, anh Lân à, nhưng em là gái đã có chồng, có con, chồng con em đang sống với em.

 

Đừng có tự lừa dối mình nữa, Thu à.

 

Chị cười nhẹ. Đột nhiên gục xuống bàn khóc nức nở. Chị cảm thấy bàn tay ấm nóng rắn chắc của Lân vỗ nhẹ lên vai chị. Ừ, chị muốn có một đứa con, đứa con được sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, để đừng ai gọi nó là thằng nhân tạo. Ừ, nó phải được sinh ra từ trong cảm xúc mê đắm của chị, sự đau đớn hạnh phúc của chị, sự e thẹn che giấu sự mãn nguyện  của chị … Chị cảm thấy cơ thể bồng bềnh trôi dạt về đâu đó …

 

Chị bỗng giật mình ngước đầu nhìn ra ngoài cửa. Ai như tiếng bà Bảy đang gọi chị. Chị vội đứng dậy bước tránh xa Lân .

 

*       *        *

 

Tám giờ tối, tức là sau khi Lân về mấy tiếng, bà Bảy mới tới. Bà bước vô nhà, xuống ngay bếp nơi chị đang ngồi chơi với con, tự nhiên như người nhà. Chưa khi nào chị sợ phải ngồi nói chuyện với bà Bảy như lúc này. Hẳn là ban nãy bà có thấy Lân đặt tay lên lưng chị,đã quay ra để bây giờ trở lại nói chuyện với chị. Chị cố nhớ lúc đó mình có hành động gì quá đáng không. Và cả Lân nữa. Hình như không. Nhưng mà, gái có chồng, ngồi với đàn ông con trai như thế, thật là …Chị có ý định chối không nhận bất cứ chuyện gì với bà Bảy. Việc gì phải nhận với bả. Bả chẳng là gì với mình cả, chẳng có quyền gì phán xét. Nhưng mà bả sẽ đi nói lung tung làm mất uy tín của chị, rồi tới tai Thắng …

 

Sao bữa nay bây ăn cơm muộn quá vậy ?

 

Bà bảy hỏi và tự nhiên chị nghĩ, chẳng có gì phải giấu diếm cả, cứ nói hết ra . Ai làm gì mình ?

 

Dạ, ban nãy anh Lân có tới chơi .

 

Mặt chị hất lên tỏ ý sẵn sàng nghe tất cả những phán xét của bà Bảy .

 

Bác có chuyện này muốn nói với bây. Thật ra, chuyện của xí nghiệp bây, bác chẳng xía vô làm gì . Do anh em công nhân nhờ bác tới nói chuyện với bây, do anh chị em bên bển thấy bác thân với bây …

 

Dạ …

 

Chị  căng thẳng nhìn bà Bảy, rồi từ từ thở ra. Thì ra vẫn là chuyện cũ, cái ghế trên chủ tịch đoàn vào buổi lễ sáng mai. Anh chị em công nhân yêu cầu chị phải ngồi vô đó. Câu  chuyện phức tạp hơn chị tưởng nhiều. Theo tin tức anh em công nhân có được, tay phó giám đốc xí nghiệp chắc chắn sẽ thay chị ngồi ở đó. Mà tay phó giám đốc này hoàn toàn không xứng đáng. Anh em công nhân đang thu thập những bằng chứng cuối cùng để vạch bộ mặt tham nhũng và trù dập người tốt của hắn. Chiến thuật của anh em là cho tới phút này vẫn giữ bí mật mọi chuyện. Nhưng hình như hắn cũng đánh hơi được chút gì. Anh em công nhân đề phòng hắn lợi dụng vị trí ngồi trên ghế chủ tịch đoàn sẽ phát  biểu, nói năng làm đánh lạc hướng dư luận. Đây là một sở trường của hắn.

 

Anh em người ta nói với tao vậy là đã thiệt tình tận gan ruột rồi, tao tới nói với bây như  vậy cũng là tận gan ruột rồi. Bây nên nhận chiếc ghế trên chủ tịch đoàn ngày mai đi.

 

Chị chợt rùng mình khi nghĩ đến vừng sáng chớp loé của máy chụp hình. Bữa nay mấy ông nhà báo về đông lắm, Giám đốc xí nghiệp nói với chị như thế. Chuyện tiêu cực của tay phó giám đốc chị đã nghe phong phanh, nhưng mà đấu tranh  với anh ta phải dùng cách  như bà Bảy nói  với  chị, thì thật là chị  chưa nghĩ tới. Chẳng lẽ lại ghê gớm đến như thế ?

 

Những người tốt chúng mình phải biết liên kết với nhau mới chống lại tiêu cực được.

 

Bà Bảy nói, và chị cảm thấy mình khó lòng từ chối cái ghế đoàn chủ tịch ngày mai. Thôi thì… chị sẽ đồng ý. Chị nói với bà Bảy và bà ôm chặt lấy chị vì mãn nguyện. Lát sau bà nói:

 

Với lại như vầy… ở xí nghiệp một dôi người có bàn tới chuyện thằng Lân…

 

Chị giật thót người. Cứ tưởng bà Bảy tới vì chuyện tay phó giám đốc. Chị đã mừng thầm. Nhưng bây giờ…

 

Bây thì chưa có gì, ai người ta cũng công nhận như vậy. Nhưng bây có quan hệ bè bạn với thằng Lân, thì cũng nên kỹ một chút.

 

Là sao, thưa bà Bảy? –  Chị hỏi giọng run run.

 

Mầy là gái có chồng, nó nói ra miệng với nhiều người rằng nó có cảm tình với mầy, là không nên. Có khi ảnh hưởng tới uy tín của mầy.

 

Chị cảm thấy mồ hôi rịn ra trên trán.

 

Mình chống tiêu cực, mình phải giữ cho mình thật trong sạch, thì khi mình lên tiếng, ai cũng nghe theo. Đứa tiêu cực muốn lật lại mình cũng khó.

 

Bà Bảy cứ thủng thỉnh nói chuyện với chị.

 

Bây thấy không, có phải khi không mà cả xí nghiệp người ta chỉ chọn có mình bây đại diện cho công nhân ngồi ở chỗ cao như vậy đâu. Ráng lên con ạ.

 

Dạ con sẽ ráng.

 

Chị nói, và cảm thấy rất rõ bàn tay ấm nóng của Lân nằng nặng trên lưng. Nhưng đến phút chót, chị lại thay đổi ý kiến. Chị không chiến thắng nổi sự sợ hãi ánh đèn sáng chói chang. Chiếc ghế trên hàng chủ tịch đoàn bị bỏ trống.

 

 

Tháng 06 năm 1996

 

Hào Vũ
Số lần đọc: 2829
Ngày đăng: 05.04.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lan Huệ sầu ai - Hoàng Đình Quang
Ông lão vườn chim - Anh Đức
Xôn xao đồng nước - Anh Đức
Người gác đèn biển - Anh Đức
Bài ca cuộc sống - Phạm Lưu Vũ
Chuyến xe về làng - Anh Đức
Cứu thuyền - Anh Đức
Nước mắt đàn ông - Nguyễn Thị Thu Huệ
Điều ấy đã xảy ra - Hào Vũ
Một, hai, ba và bốn - Vũ Hồng