Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
814
116.688.920
 
Tích-tắc!
Trung Trung Ðỉnh

   Tôi buộc phải nằm bẹp gí trong hang đá, nơi đội công tác cánh Bắc đường chọn làm điểm tập kết đi về. Đó là khoảng giữa của hậu cứ với vùng địch, còn gọi là giáp ranh. Căn bệnh xấu bụng nó hại tôi trước giờ ra trận. Hơn chục ngày đội chúng tôi chuẩn bị địa hình đánh tập kích bê dân vệ trong ấp Đồi Chè trước 29 Tết, tức là trước giờ ngưng bắn tạm thời, cái bụng tôi vẫn lặng im, đến lúc đội trưởng Lâng hô “xuống núi” thì nó trở chứng. Mới đầu nó réo sôi ùng ục, rồi cứ thế phóng ra khiến tôi không cách gì kìm lại nổi! “Cho mày ở nhà, lúc nào đỡ, chịu khó vào rừng bắn, may ra kiếm được con gì cải thiện ba ngày Tết”, anh Lâng xách súng đứng lên, nói. “Vâng”, tôi yếu ớt thanh minh. “Tại lúc trưa em ăn phải con nhái thằng Kiên nướng dối đấy mà”- “Tại cái bụng mày nó phản mày thì có”, thằng Kiên cãi. “Sao bụng tao không việc gì?”.

 

Đúng thế. Bụng nó có ăn nhái sống cũng không việc gì thật!

 

Trời nhập nhoạng tối. Bụng tôi đã êm vì thực ra nó chẳng còn gì bên trong để hại tôi nữa. Nhưng mà mệt muốn lả người. Tôi quyết không để nó đánh gục, bèn mò dậy tìm ống mật ong pha một bát nước thật nóng uống lấy sức. Rồi đội đèn vào rừng. Tôi tính, cố tranh thủ đi săn, mai mốt anh em về có thịt ăn Tết. Hoặc giả nếu không gặp con gì thì sáng mai tôi sẽ ghé vô làng Đê Chơ Rang, một ngôi làng BahNar nhỏ bé nằm chênh vênh trên sườn núi, là hậu cứ của Huyện đội, người nhà của nhóm lính cánh Bắc đường chúng tôi, xin ít lon đậu xanh về nấu chè mật ong. Mật ong rừng lúc nào chúng tôi cũng có sẵn vài ống làm của để dành. Đó là thứ thuốc tiên chữa được bách bệnh, kể cả nhức đầu sổ mũi, xóc chông xóc thò. Bị thương, chỉ cần bôi ba lượt là yên tâm, coi như kháng sinh sát trùng, tuyệt chiêu luôn. Cái bệnh ông Tào Tháo rượt đuổi như tôi thì chỉ cần pha nước nóng uống hai ba lần là sạch bụng. Anh Lâng bảo cấm đứa nào được ăn củ dong riềng chấm mật ong. Ăn món ấy vào, phản ứng hóa học kiểu gì đó diễn ra liền làm bụng ta chướng lên, rồi “bục” hoặc “xèo” một phát, coi như toi đời! Nghe mà khiếp. Ấy vậy nhưng anh lại chúa mê uống rượu cần pha với mật ong. Đội chúng tôi ai cũng phục anh, không phải chỉ ở cái tính tuế tóa, xuề xòa thương lính, mà còn cả vì anh lớn hơn chúng tôi hàng chục tuổi, lại đã từng làm trợ lý tuyên huấn trên Sư bộ thời huấn luyện, không hề thấy anh có gì cách biệt. Mình bị bệnh, tôi nghĩ. Cả đội có hai tổ, còn năm anh em, không cách chi chia đều ra để đi tác chiến cho ấm lưng. Chắc anh Lâng với thằng Kiên một tổ. Đội phó Tùng với thằng Bình, thằng Thiên một tổ. Đánh nhau, đến giờ xuất kích, vạn bất đắc dĩ phải ở lại. Anh em ra trận không vui, mình phải nằm nhà tự mình thấy mình có lỗi.

 

Cánh rừng tập kết của chúng tôi là rừng già hiểm trở, bom pháo địch nã xác xơ, các loài thú lớn bỏ đi hết. Thỉnh thoảng có đàn vượn, khỉ hoặc dộc từ đâu đó ào về đôi ba ngày rồi lại biến mất. Loài thú này rất tài tránh pháo. Pháo bầy nã trúng đàn mà không thấy xác một con, thậm chí cả dấu vết. Anh Lâng bảo bọn ấy “làm chính sách” đấy, chúng đem hết “thương binh”, “tử sĩ” vào rừng, còn lâu mới hy vọng mót được xác một “tên”. Anh Lâng là người hiểu biết nhất đội, điều ấy thì tất nhiên rồi. Không những thế, anh lại nói tiếng BahNar rất giỏi. Thỉnh thoảng chúng tôi có thời gian rảnh, vô làng chơi với du kích, anh hát, anh múa với các ông già, bà cả, với thanh niên nam nữ, với trẻ nít rộn ràng như thể anh là thành viên của cộng đồng vậy. Bà con dân làng gọi chung đội công tác cánh Bắc chúng tôi là “bộ đội Lâng”. Đôi khi nhớ miền Bắc quá, anh Lâng lại rủ tôi và thằng Kiên vào làng mượn khố của mấy anh du kích, ba anh em đóng khố, cởi trần, xách rựa, đeo gùi chuối hoặc bí đỏ ra đường tuyến hóng xem có đơn vị chủ lực nào hành quân qua “kiếm đồng hương” chơi. Chúng tôi đóng giả làm đồng bào du kích. Anh Lâng nói tiếng Kinh lơ lớ theo kiểu mấy anh du kích BahNar nói tiếng Kinh rất tài. Bộ đội chủ lực từ Bắc mới vào không ai nghĩ chúng tôi là đồng hương của họ vì thứ giọng lơ lớ ấy. Một gùi chuối chúng tôi đổi được bộ đồ Tô Châu, thậm chí đổi được mấy trăm viên đạn AK. Một quả bí to có thể đổi được cái hăng-gô Trung Quốc hoặc hẳn một ký muối. “Đồng bào bộ đội đoàn kết đổi chác mà”, anh Lâng nói giọng lơ lớ. “Mình ưng có khẩu AK của mấy đồng chí để bắn nhau với thằng Mỹ quá”. “Không được. Bộ đội không đổi vũ khí đâu, cấp trên kỷ luật đấy”, một chiến sĩ nói với anh thế. Và anh ta chỉ vào ba lô, tiếp: “Bộ đội có ảnh em gái văn công đẹp hung, đồng bào có đổi chác không?” - “Có chớ. Tụi mình cũng ưng cái đẹp con gái Kinh chớ”. Nói rồi một bên đem ảnh mấy cô gái ra, bảo người yêu mình đấy, mình tặng đồng chí. Một bên trao luôn cả gùi bí, cười vui phấn khởi vang rừng! Nhưng lần nào sau chuyện đổi chác kiểu ấy, thế nào anh Lâng cũng chèo kéo thêm được khi thì vài viên tăng lực Polyvitamine, lúc vài chục viên đạn AK, khi bánh lương khô hoặc một cái gì đó...

 

Có tiếng súng nhỏ nổ rộ lên phía dưới ấp. Thỉnh thoảng bọn địch lại bắn như vãi đạn một lúc. Nắm được quy luật ấy chẳng có gì đáng sợ. Bằng không, như cánh tôi hồi mới vô, một đêm ba bốn lần giật mình thót tim.

 

Tôi lần dọc theo con suối cạn leo ngược dốc lên. Trời đã tối hẳn nhưng địa hình quen nên tôi tính tiết kiệm pin, chưa vội bật đèn. Bật đèn không khéo bọn địch phát hiện chỉ có nước chui vào hang tránh pháo bầy sớm. Đội công tác chúng tôi chủ yếu nhận lệnh từ trên huyện chỉ thị xuống ấp Cửu An, Cửu Định móc nối với cơ sở nắm tình hình địch, đồng thời lo tổ chức cho đội du kích làng căn cứ Đê Chơ Rang thỉnh thoảng phối hợp đánh một trận “bụp xẹt” trên các ngả đường quanh vùng gây hoang mang cho địch. Chúng tôi xuống ấp gây cơ sở toàn xuống ban đêm, vậy mà anh Lâng cũng tự “gây” cho mình được mối tình với cô Khách, con gái của một cơ sở loại A vùng sâu trong lòng địch. Chuyện này chỉ có tôi và thằng Kiên biết. Cấp trên mà biết thì anh Lâng bị kỷ luật ngay. Nhiều hôm chẳng có việc gì, chẳng có chỉ thị của trên, anh Lâng cũng bảo với anh em, tối nay tôi và đồng chí Bình, đồng chí Kiên xuống ấp nhận tin đột xuất của cơ sở. Ra đến gò Sim sát ấp anh mới nói thực, chúng mày thương anh thì vào ấp với anh, bằng không thì tùy, anh nhớ cô ấy quá không sao chịu được! Chúng tôi ấm ức trong lòng nhưng buộc phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Tất nhiên vào ấp canh gác cho anh gặp nàng, khi quay về rừng thế nào cũng được “hối lộ” vài ký bánh kẹo, vài gói trà Kim Phát và đặc biệt mỗi đứa được “nàng” dúi cho một cái bánh tráng cuốn đầy rau sống và thịt luộc to bằng cổ tay, ăn no hết một ngày! Đôi mắt một mí của anh Lâng cứ nheo tít lại mỗi khi kể về cô Khách. Cô Khách là thợ may, là cơ sở chuyên trách giác ngộ cánh thanh niên chí nguyện của địch. Anh Lâng bảo bao giờ thống nhất anh ở lại đây làm chồng cô Khách, lấy nghề trồng dâu nuôi tằm của quê anh đem vào, sản xuất thật nhiều tơ để bà con BahNar dệt vải thổ cẩm, bán cho dân thành phố.

 

Chợt tôi phát hiện trên vòm đen ngòm của một cây cao có động, và tôi vội nép mình vào gờ đá, chĩa súng lên. Số mình gặp may rồi, tôi nghĩ. Cái bóng đung đưa, đung đua rồi ép sát vào thân cây. Chắc là vượn, dộc hoặc khỉ? Bọn này là chúa hay ngủ trên những vòm cao. Hình như cây dẻ, tôi đoán. Hình như khỉ độc. Bọn vượn độc hay khỉ độc cũng thế, luôn luôn có thói xấu ăn mảnh một mình, chỉ đến khi cần “gái” nó mới mò về đàn. Đấy là lời anh Lâng. Cái bóng đen trên vòm cao hình như cũng phát hiện có động từ phía dưới khi tôi vô tình làm gãy một cành khô nhỏ. Nó có vẻ như đang nhoài xuống, nhưng rồi yên tĩnh trở lại ngay. Tôi thấy nó lại rướn rướn chồm lên, liền kê súng bình tĩnh ngắm. Không bật đèn, tôi nghĩ. Anh Lâng bảo nòi nhà khỉ không bắt đèn. Mình cứ nhắm theo cảm tính, cũng dễ thôi vì nó ở ngay trên cao kia, lại có cái thân cây bàng bạc trắng, chẳng lẽ trật? Trật thế nào được, tôi nghĩ và nín thở, ngón tay trỏ đặt vào cò súng, chuẩn bị nhấn xong nấc một thì nhoáng một cái, từ trên vòm cao “bụp” một tiếng. Liền ngay sau tiếng “bụp” là một quầng lửa phun ra rồi tắt ngấm. Tôi hoảng hồn ngã bật ngửa, cây súng văng sang một bên. Tiếng lá cây, cành cây cùng xác ong bắt lửa rụng xèo xèo. Tôi chồm dậy vồ cây súng vừa run vừa hỏi “ai đấy?” một cách bản năng. Cái bóng đen tụt rất nhanh cùng với một vật to bằng cái bọc võng rơi ào xuống. Tôi đã hiểu chuyện gì vừa xảy ra, nhưng vẫn run cầm cập. Chỉ cần một tích - tắc nữa thôi, nếu tôi siết cò, chắc chắn tôi đã giết chết anh Rin, đội phó đội du kích, bạn thân nhất của anh Lâng trong làng!

 

Chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Anh Rin bảo mình đốt ong lấy mật cho lũ bộ đội bệnh xá chữa vết thương với lại nấu chè tết, anh em thương binh nhiều hung mà. Tôi cố trấn tĩnh vẫn không sao hết run. Anh Rin hình như hiểu ý cứ nói liên hồi, lấp cho tôi cái cảm giác khủng khiếp mà tôi đang lâm vào. Chô cha, anh Rin bảo. Mày mà bắn chắc tui chết quá. “Em... em cứ tưởng con khỉ độc”, tôi nói, và sau đó phải cắn chặt hàm răng vào cái khăn mặt để chế ngự cơn run. “Tui cho bộ đội Lâng một nửa”, anh Rin nói và đè tôi xuống, ôm chặt tôi thêm một lúc nữa.

 

Tôi sẽ không còn gì để kể thêm, nếu trận đánh ấy anh Lâng không bị mất tích. Anh Rin về huyện nghe có người nói anh Lâng đi chiêu hồi, vì uất quá đã lấy dao găm tự đâm vào ngực mình để minh oan cho bạn. Nhưng sự thật vẫn là sự thật! Đội công tác cánh Bắc chúng tôi tan rã. Tôi và thằng Kiên được điều về trinh sát Tỉnh đội. Mấy chục năm nay, đêm đêm tôi vẫn hằng mơ thấy anh Lâng và thằng Kiên. Thằng Kiên trước khi chết còn dặn tôi, đừng nghĩ anh Lâng đi theo địch như nhiều người nghĩ. Chắc anh ấy trúng mảnh pháo, chết khi chạy qua suối Dấu rồi. Mãi tới bây giờ, sau hơn ba chục năm câu chuyện mất tích của anh Lâng vẫn chưa ai xác minh được, vì ngay sau khi anh Lâng mất tích thì có tin cơ sở báo ra, cô Khách cũng mất tích luôn!

 

Tôi vẫn hy vọng anh Lâng của tôi còn sống, và tất nhiên không thể có chuyện anh đi chiêu hồi cùng chị Khách. Nhưng rốt cục thì sự thật lại đúng là như vậy. Tôi tình cờ gặp lại họ chỉ mới cách đây một tháng, khi tôi dẫn đoàn nhà báo về căn cứ cũ quay phim chụp ảnh. Anh Lâng nhận ra tôi liền khi chúng tôi vác máy lên rẫy quay cảnh bà con tuốt lúa. Anh và chị Khách về đây ở với anh Rin, với bà con BahNar ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Anh Rin đôi lần muốn lên xã lên huyện minh oan cho bạn, nhưng anh chị nhất quyết không cho. Họ sống với nhau bằng nghề làm nương phát rẫy và bây giờ là làm ruộng lúa nước chứ không phải trồng dâu nuôi tằm. Anh Lâng đã thành ông lão. Ông lão Lâng bảo với tôi rằng, anh chị về đây chỉ cốt lánh mặt, không muốn gặp bất cứ ai tìm mình. Vậy mà đến khi trông thấy mày thì không hiểu sao anh chị lại... Tôi bảo chúng tôi vẫn không tin chuyện anh chị theo địch, dù đó là sự thật. Ông già Lâng nói, bây giờ chuyện ấy cũng nhạt rồi, già Rin đã chết, bà Khách bị sốt rét dữ quá không sinh đẻ được, hai người chẳng có niềm vui nào hơn là đã thành người Bah Nar. Nếu em thương anh chị thì em cứ viết sự thật ra. Tôi vẫn không làm sao hiểu được sự thật của anh là cái sự thật nào? Chỉ một tích-tắc suýt tôi bắn chết anh Rin. Chỉ một tích-tắc, không lẽ cuộc đời anh và chị Khách có bao nhiêu năm tuổi trẻ đều cống hiến hết cho cách mạng lại đơn giản thế thôi ư? Tôi về nhà cứ thao thức mãi, đành lấy bút viết ra cái truyện này. Viết ra rồi tôi vẫn không tin đó là sự thật. Nhưng mà chị Khách bảo kiếm củi ba năm thiêu một giờ, thực ra anh chị không “thiêu”, không “đốt” cái gì hết trơn hết trọi, mà đơn giản chỉ vì anh lúc ấy bị thương nặng quá, bể hết cả bắp chân, không hiểu sao vẫn đủ sức mò vô ấp tìm được chị. Chị nghe tiếng súng biết các anh gặp nguy nên cứ hóng chờ, nào ngờ... Sau khi chữa khỏi vết thương cho anh cả tháng trời trong hầm bí mật, không cách gì tìm mối cơ sở để ra rừng được, đến lúc tìm được mối thì người ta biểu, có ra thế nào cũng bị “lũ em” tức là cánh tôi nghi ngờ, khổ cả hai bên, vì ngoài rừng đã rộ tin anh chị mất tích, nên đành ở lại, đành phải nhờ người anh họ của chị làm nghề chủ thầu xây dựng, một cơ sở nằm vùng lâu năm, ảnh mới trúng thầu xây hí trường cho bọn sĩ quan Mỹ ngay trong căn cứ An Khê, nên có tiền. Ảnh có quan hệ rộng với cả giới nhà binh lẫn công quyền, nên làm cho anh giấy chứng thương phế binh giả của ngụy quân lẹ như trở bàn tay, rồi chuyển anh chị xuống Quy Nhơn sinh sống cũng dễ như chuyện ta rủ nhau đi tắm suối. Sống ở thành phố anh chị đâu có quen nên giải phóng xong, rẹt cái mò về đây bám rẫy, chuyện xưa chuyện cũ nhắc lại, hiểu với nhau cho vui, hà cớ gì phải minh oan minh ủi.

 

- Mình có oan trái gì đâu phải không em?

- Dạ.

Tôi thành thật không còn ngõ nào để nói thêm nữa. 

 

Trung Trung Ðỉnh
Số lần đọc: 2500
Ngày đăng: 17.07.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đất trầm Thủy - Nguyễn Lập Em
Mộng hoa vàng - Nguyễn Lập Em
Thùng Thuốc Nổ - Đặng Thân
Một bóng thuyền không –phần một - Lê Đình Trường
Một bóng thuyền không –phần hai - Lê Đình Trường
Chuyện vui điện ảnh - Nguyễn Ngọc Tư
Duyên Phận So Le - Nguyễn Ngọc Tư
Con chó hoang trên bờ biển - Ngô Hồng Nga
Chẳng nợ nần gì nhau - Trầm Hương
Dòng sữa - Trần Thanh Giao