Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
736
116.708.194
 
Đất trầm Thủy
Nguyễn Lập Em

Cánh đồng đã trắng màu nước bạc. Căn nhà của lão nông Ba Hoà bấy giờ như nổi lên trên mặt nước. Đó là cảm giác khi người ta nhìn sóng nước. Còn nhà của ông lão Ba Hoà là một căn nhà "Săng" có mái tôn, sườn bằng gỗ thao lao, dừng vách ván, lót sàn bằng ván bản. Căn nhà nằm trên bộ nóng nhà bằng đá granit có độ cao hai mét rưởi tính từ mặt đất đồng. Chiều cao của sàn nhà này đủ sức vượt được nước lụt, so với năm lụt cao nhất từ trước đến nay.

 

Khi ông lão Ba Hoà tính chuyện ra đồng cất nhà ở, ai nghe cũng can. Lề thói ở đời, lúc nghèo khó không chen chân nổi ở xóm làng, phố phường, chợ búa, người ta mới phải ra đồng bái mà ở. Đằng này, ông lão đang là người "ăn nên, làm ra" ở đồng trũng Cốc ông Cậy này. Ông lão làm có dư ăn, dư để, đã đành; ông còn tậu thêm được nhiều đất ruộng để chia phần cho các con của ông ra riêng khi lập gia đình. Ông lại còn sắm nhiều máy móc dùng cho công việc đồng áng như máy cày, máy xới, máy bơm nước, máy sạ hàng, máy gặt lúa, máy suốt lúa… Ngoài việc gieo trồng, gặt hái của gia đình ra, những lúc khác, cha con ông còn đem máy đi làm mướn cho nông dân quanh vùng, những nông dân có đất nhưng chưa có khả năng mua sắm máy móc như ông.

 

Không ai biết chuyện gì đã xảy ra với ông lão, sau khi ông và kỹ sư Năng, trưởng phòng nông nghiệp huyện, đi xem mô hình nuôi tôm chân ruộng ở miệt Tây Phú về. Ông lão trầm ngâm, lầm lì suốt cả tháng liền. Ông ra, vào khắp các mảnh ruộng của ông. Ông xem và chọn lựa thế đất. Rồi ông quyết định dời nhà vào ở vạt ruộng đang trồng mè trắng xuất khẩu ở cặp mé rạch; mà ông quyết "phải dời xong trước mùa nước nổi". Vợ con ông lão dùng dằn, cự nự:

- Khi không, cả nhà phải bỏ làng xóm, bỏ nơi khô ráo lại dọn vào ở một mình một cõi giữa đồng mông quạnh; nơi đó, có mùa nước nổi năm nào mà chẳng linh đinh?!"

 

Không ai can ngăn được ông lão. Ông đã quyết là làm. Ông kêu thợ mộc, hẹn ngày dỡ gỗ. Kỹ sư Năng lại đến. Vợ con ông lão vây lấy anh. "Sao vậy, chú Năng? Hôm trước hai người đi coi người ta chăn nuôi mà có xảy ra chuyện gì khiến ông lão buồn bực đến nỗi quẫn trí, bỏ làng xóm mà đi không?" "Có gì đâu! Ổng thấy người ta lợi dụng được chân ruộng trong mùa nước nổi để nuôi tôm, cá mà làm giàu nên ổng nói để về làm thử, coi ra sao!" "Trời! Làm thử mà lại dời nhà ra đồng? Ổng tính làm thật rồi!" "Làm thật cũng tốt, chớ sao! Nhưng dời nhà làm gì?"

 

Kỹ sư Năng bương bả lội ra ruộng mè gặp ông lão Ba Hoà. Anh định khuyên can ông lão nhưng chưa kịp nói hết lời thì ông lão đã lắc đầu:

- Một đời người, dời đổi chỗ ở với năm, ba xác nhà đã là chuyện bình thường trong đời qua rồi, chú em! Cảnh khổ ít, nhiều vì chuyện lụt lội, đời qua đều đã trải qua. Trồng cây lúa cho năng suất cao nhất, trồng cây màu như mè trắng, như bắp lai để xuất khẩu thu lợi cao, qua đều làm được. Ấy là làm trong sáu tháng mùa khô. Chỉ còn việc này, nuôi tôm cá trong lúc đồng nước nổi lêu bêu, qua đã nhìn thấy tận mắt. Qua chắc là qua cũng sẽ làm được như người ta mà còn có thể làm … sanh lợi nhiều hơn người ta nữa. Nhưng mà đây là chuyện làm ăn lớn. Tất cả tài sản, vốn liếng của qua để dồn một nơi mà ở đó chỉ có trời đất mênh mông; còn qua thì lại ăn ngủ ở một nơi khác; sao mà ăn ngon, ngủ yên cho được?! Qua đã quyết làm nên mới tính dời nhà như vậy. Còn chú em mày, đi coi người ta làm, mà có tính làm không?

- Làm chớ, bác Ba! Nhưng cháu làm cách khác. Cháu tính mở trang trại…

- Trang trại là sao?

Kỹ sư Năng nói một thôi, một hồi về trang trại tương lai của mình. Ông lão Ba Hoà không hiểu rõ lắm. "Chú em nói chuyện vi mô, vĩ mô, chuyện quản lý, chuyện công nghệ… qua bù trất. Qua mà biết đọc ít chữ, biết cộng trừ chút đỉnh là nhờ qua ở với ngoại qua. Lúc còn nhỏ qua lóc chóc lắm, ba má qua sợ đem qua theo ghe bán hàng bông sẽ té sông chết đuối nên gởi qua ở lại với ngoại trên đồng. Ngoại cho qua theo con nít trong làng đi học chữ ở trường tiểu học chợ Vàm. Qua học chưa xong tiểu học, ba má qua vì nhớ thương con nên về đón qua theo ghe hàng. Từ hồi đó đến giờ, qua theo cha mẹ lam lũ kiếm ăn, có được học hành chữ nghĩa gì thêm đâu? Nhưng học làm ăn, cái gì cụ thể, thì qua học được. Qua từng trồng lúa trúng lớn, trồng bắp lai, trồng mè trúng lớn. Nhưng đâu phải không có mùa thất? Ấy là những năm bị sâu rầy, dịch bệnh hoành hành cây trồng, mình không kịp trở tay. Lại có những năm, nước nổi sớm quá, lúa mình mới đỏ đuôi, không gặt được, đành bỏ, đành thất trắng. Lúc thất mùa, qua cũng xấc bấc, xang bang như ai. Rồi còn những khi trúng mùa mà thất giá nữa. Qua trồng trọt với diện tích lớn, cũng có tính chuyện bán buôn sản phẩm. Nhưng mà qua dốt đặc chuyện thương trường. Hồi nhỏ, qua theo ba má qua giong ghe đi bán hàng bông là buôn bán nhỏ, mua gì bán nấy, kiếm ít đồng, ít cắc chênh lệch mà sanh nhai. Còn bây giờ, mình làm ra một số lượng lớn sản phẩm cùng loại, cùng lúc với rất nhiều người, bán buôn được là chuyện không phải dễ… Lúc này, qua và chú em lại tính chuyện chăn nuôi với vốn liếng lớn, lại là làm trong cảnh tai ương của đất trời. Qua lo lắm! Chú em có học hành nhiều, trồng trọt, chăn nuôi… tính chuyện trang trại. Còn qua, vì hám lợi mà lặn hụp kiếm ăn, dư dả được là do cần kiệm. Giờ đây, qua dốc sức "chài" một mẻ tôm lớn bằng tất cả vốn liếng và tài sản của mình. Sao qua lại không lo? Qua lo lắm, mới phải dời nhà theo đặng ở mà canh giữ, chăm nom. "Nhất con, nhì của", thôi thì… Người đâu của đó cho chắc ăn, chú em à!

*

"- Lỗ trăm triệu rồi, phải không chú em? Thôi! Đừng buồn! Đậu xe dưới sân đó đi rồi lên nhà qua, uống chơi với qua vài xị đế! Qua sẽ kể cho chú em mày nghe câu chuyện… làm sao mà qua trúng lớn vụ tôm trong mùa lụt vừa rồi!"

Kỹ sư Năng buồn hiu, lặng lẽ làm theo lời ông già. Trong thâm tâm, anh cảm thấy hơi "quê" với lão nông Ba Hoà nữa. Rõ ràng, anh là kỹ sư lại là trưởng phòng nông nghiệp huyện. Việc hướng dẫn cho bà con nông dân trong huyện chăn nuôi, trồng trọt sao cho đúng kỹ thuật, đạt năng suất cao, mang lại lợi lớn cho người nông dân là việc của anh. Vậy mà, khi vào thực tế nuôi trồng, ông già làm trúng mà anh làm thất. Thật là xấu hổ! Chẳng lẽ không gặp lại ổng? Phải gặp lại chớ, tốt nhất là vào lúc này, để còn hỏi ổng, coi ổng làm cách nào mà nên. Nghe đâu, vụ tôm vừa rồi ổng lời gần cả trăm triệu!

Rượu đã rót ra. Trên mâm, đơn sơ một dĩa tôm "chét" luộc, một dĩa muối tiêu, một dĩa rau thơm. Ông lão Ba Hoà và kỹ sư Năng ngồi đối ẩm. Kỹ sư Năng hơi chạnh lòng, tự vấn "Đây là bữa tiệc nhậu của ông già nông dân vừa lời trăm triệu sao?" Anh chợt nhớ những bữa tiệc mà anh tổ chức ở trang trại của mình. Những bữa tiệc vun vèo bia bọt, thừa mứa thịt cá, cả tôm đang nuôi trong đăng cũng được vợt lên để đãi đằng đám đông thực khách vừa là quan chức, vừa là bạn bè chí cốt, vừa là cánh phóng viên báo chí đưa tin, chụp ảnh, quay hình… Ông Ba Hoà nhìn vẻ bâng khuâng của kỹ sư Năng, ái ngại. "Coi chừng thằng nhỏ này nhục chí!" Ông lão gọi cháu nội, bảo thằng cháu đi tìm, kêu ba Hiệp của nó về. Đứa trẻ dạ rồi đi ra cầu thang, xuống sân trước, chạy biến ra sau đồng. Hình như ba Hiệp của nó đang bận việc đồng áng của mùa khô. Kỹ sư Năng nghĩ: "lại trồng mè hoặc bắp lai xuất khẩu, chớ gì? Ông già giỏi tính toán nên chỉ có ba mẫu ruộng mà mùa khô, mùa lụt gì ổng cũng kiếm lời trăm triệu cả. Vậy mà ổng than ổng ít học, ít hiểu biết. Thật là…!" Ông Ba Hoà đã uống đến ly thứ ba. Vẻ chừng rượu đã ngấm. Sự trầm tĩnh vốn có của ông lão như tan dần. Ông bắt đầu khề khà:

- Chú em mày đừng nản chí. Chuyện làm ăn thành, bại là sự thường. Hồi qua còn trẻ như chú em mày, qua làm ăn cũng trật vuột hoài. Đói! Khổ! Không có lúa ăn! Không còn lúa giống! Chịu đựng suốt cả năm trời. Đâu phải mình qua, mà cả nhà, nheo nhóc đàn bà và lũ nhỏ! Vậy mà gắng gượng rồi cũng qua đi! Chú em mày nghĩ coi, mình đi, đường đất sét bị mưa trơn trợt, lỡ té ngã thì lại bò dậy, đứng dậy mà đi tiếp, chớ sao?! Đi trên đường đời, cũng vậy, chú em à!

Ông già nói chuyện, dễ như không có gì xảy ra; vẻ chừng như nội lực của ông lão quá dư so với những thất bại trong cuộc sống. Chẳng phải ai cũng dễ dàng bước đi trên chông gai nếu như người ấy không từng trãi. Bàn tay trái mất đi của ông lão đã nói lên điều đó. Khi ông lão "nổi lên" với tiếng tăm của một lão nông sản xuất giỏi trong huyện - người làm có lời hàng chục triệu đồng trên mảnh ruộng của mình với cây mè trắng và cây bắp lai xuất khẩu, kỹ sư Năng đã hỏi về bàn tay trái của ông. Ông lão trả lời gọn khô "- Máy suốt, nó nhai!" Lạnh lùng và gãy gọn. Như thế, không có nghĩa là ông lão đã không từng đau đớn và thổn thức khi phải mất đi một phần thân thể của mình. "- Buồn dữ không, bác Ba ?" "- Chú em hỏi lạ! Qua buồn nhất là không được chơi đờn. Còn có một tay phải thì chỉ ngồi nhịp song lang thôi!" "- Bác Ba biết đờn, hả?" "- Sao không ?! Qua bắt đầu cuộc đời bằng kiếp thương hồ, theo cha mẹ qua trôi dạt trên sông, sống cảnh bồng bềnh mặt nước. Cha qua, học thầy nào chẳng biết, đờn giỏi lắm! Ổng buồn! Một phần vì cả nhà phải sống cảnh đời linh đinh; một phần vì anh Nhơn của qua rớt xuống sông mà cha mẹ qua không hay. Ghe chạy đi một đỗi mới thấy vắng người. Cha qua vòng ghe trở lại tìm, chẳng biết đứa trẻ chết chìm ở đâu, chẳng tìm đâu thấy. Sau này, cha qua bảo: nghề nào, nghiệp nấy; cái gì có vay thì có trả. Gia đình mình lợi dụng mặt nước kiếm ăn, phải trả cho sóng nước mạng người. Chắc là vì như vậy mà từ đó, ổng mới buồn nhiều. Đêm nào, ổng cũng một mình bên mâm rượu ở đầu ghe, vừa uống rượu vừa đánh đờn. Qua không học theo cha qua, không biết đờn mới là chuyện lạ! Bây giờ, qua lên bờ, sống đời với ruộng, rẫy; lại không còn tay để chơi đờn. Qua dạy cho thằng Hiệp, để nó chơi thay qua. Ngặt nỗi, mình ghiền, mình nhớ mà nhìn, mà nghe người khác chơi, không đả, chú em à!"

Kỹ sư Năng trầm lắng. Anh vừa nghiền ngẫm thất bại của mình vừa nhớ lại từng đoạn chuyện đời của ông lão Ba Hoà mà anh được biết như chiếu lại trong trí từng đoạn phim tài liệu về một đời người. Ông lão Ba Hoà sốt ruột, gọi con:

- Thằng Hiệp!... Gọi, sao lâu quá vậy?

- Kêu nó chi vậy, bác Ba?

- Kêu nó lên đờn, để chú em ca vài bản giải sầu…

Kỹ sư Năng khoát tay:

- Thôi! Đờn địch gì, bác Ba! Tui đâu còn tâm trí gì mà ca với hát. Tui bây giờ đang nghĩ cách làm sao để lấy lại vốn, kiếm lời…

- Bình tĩnh đi, chú em! Chú em không bỏ cuộc, chớ gì? Sang năm lại quầng đăng nuôi tôm nữa, chớ gì? Từ từ tính…

- Bác Ba ơi! Cả trăm triệu lận, bác Ba! Mà trăm triệu, đã đành! Còn kỹ thuật chăn nuôi, giống má, có gì mà cháu không biết đâu? Cháu thật tức mình… Hay là tại vì cháu tổ chức trang trại… ?

Ông lão Ba Hoà cắt ngang lời của kỹ sư Năng:

- Không phải vì làm trang trại mà thất bại. Chú em làm trang trại cũng được, qua làm như qua cũng được. Thành, bại không phải chỗ đó!

Kỹ sư Năng chợt nghe ông lão hạ giọng:

- Chú em nhớ lại đi! Suốt từ đầu vụ cho đến cuối vụ, qua ra trại tôm của chú em mấy lần, tìm chú em để hỏi công việc; có lần nào qua gặp chú em đâu? Chú em đi đẩu, đi đâu hoài…

- Rồi sao, bác Ba?

- Có sao đâu! Tôm cá là loài chết nhát, thứ giống sợ ma, vắng chủ là không được!

"Trời đất ơi! Ông già nói chơi hay nói thật vậy, trời ?!" Đúng là suốt mùa lụt vừa rồi, sau khi quầng đăng, thả tôm giống xuống xong, anh tíu tít bận rộn với công việc trưởng phòng nông nghiệp, lại hết học nghị quyết của cấp trên đến phải về các xã, ấp triển khai chỉ thị xuống cấp dưới; anh có còn chút thời gian nào đâu mà lo việc trại tôm? Việc chăm sóc trại , anh giao cho người em họ, nhà cậu ta vốn ở gần bên, và thỉnh thoảng anh gọi bạn lặn xuống thăm chân đăng… Kết quả là, sau ba tháng nuôi, cả trăm ngàn con tôm giống chẳng biết biến đi đâu. Đến cữ, anh kêu bạn vợt lên thì đàn tôm trong quầng đăng của anh còn lèo tèo như "lá mùa thu, từng chiếc buồn, rơi rụng". Hoá ra, việc ông lão Ba Hoà dời nhà ra đồng là vì vậy. Quầng đăng của ông ở sát hè nhà ông. Ông muốn gọi bạn đến tiếp sức thì gọi; còn không thì… cha con ông ra sau hè, tuột xuống nước, lặn hụp, thăm nom. Sau mùa lụt, ông kéo lên cả tấn tôm càng xanh trong quầng đăng của mình. Còn cha con ông cứ đen nhẻm như củ ấu vùi bùn vậy. "Ấy là nói ví von vậy thôi, chớ thứ nước bạc ở đồng sâu này nhuộm ai mà không thắm da, đỏ thịt." Kỹ sư Năng chắc lưỡi. Anh nghĩ là anh cần phải nói với mọi người, nhất là những người muốn làm giàu trong cảnh tai ương, như thể là anh.

*

Nước. Mênh mông nước. Không còn giới hạn giữa bờ và sông, rạch, kinh, mương. Không còn giới hạn của mặt đất xóm làng và đồng ruộng. Bao la nước bạc. Lơ thơ đọt gáo, ngọn xoài. Chòm cây cà na hoang dại phất phơ. Rặng điên điển vốn mọc theo ven bờ đìa, bờ lung nổi dập dềnh trên mặt nước như những vệt mây trắng trên nền trời xanh nhưng tương phản sắc màu - những vệt điên điển thì xanh còn nước bạc tràn đồng thì trắng xoá. Ông lão Ba Hoà, lúc ngủ, vẫn chiêm bao thấy lại những cảnh đời thời thơ ấu của mình. Đó là những giấc mơ đầy nước nôi. Khi thì ông thấy mình, thằng bé Hoà Mun, leo lên nhánh cà na chồm hái chùm trái tít ở đầu cành. Cheo leo quá! Thằng bé vuột tay vịn, rơi tòm xuống nước, hụt hưởi chòi đạp, quơ quào. Khi thì ông thấy mình cầm rổ tre, ngồi trên sàn nhà của ông ngoại hớt cá lòng tong bay. Đàn cá lòng tong bay tung tăng trong nước bạc như đùa giỡn với ông. Phải hớt cho bằng được chớ! Nhất định là ông phải hớt được ít nhất vài con trong đàn cá! Rồi ông giật mình thức giấc cùng với niềm vui là đã bắt được loài cá khó đánh bắt bằng chiếc rổ tre. Ông lão Ba Hoà, lúc tỉnh giấc, nằm im trong bóng tối của đêm trường, lại nghĩ về mọi nỗi của đời người. Ông nhớ, hồi ông còn nhỏ, theo ghe hàng bông của cha mẹ, cặp bến chợ, lên bờ. Chợ ấy là chợ gì, đến bây giờ, ông đã quên tên nhưng mà câu chuyện của ông chệt bán tiệm tạp hoá, vừa đong dầu vừa nói với cha ông, thì ông vẫn nhớ:

- Đất này, ngộ nói hết trọi vùng hạ lưu này, là đất trầm thuỷ: khô có nửa năm thôi, còn nửa năm úng ngập. Làm ăn cái gì? Trồng trọt cái gì? Giong ghe mà bán hàng bông như nị là chắc ăn!

Cha ông lắc đầu, xách thùng dầu vừa mua, làm thinh đi xuống ghe. Chẳng qua, cha ông than với ông chệt là ông nhớ xứ sở, muốn về quê làm ăn; chớ đất đồng trũng quê nhà, ông được sinh ra và lớn lên ở đó, sao mà không rành rẽ được! Đến khi ngã bệnh, cha ông không kịp về xứ. Ấy là tại vì, người ta nói, cha ông có số chết dọc đường. Trước khi chết, cha ông còn dặn vợ con là ráng đưa thi hài ông về xứ mà chôn cất. Mẹ ông và mấy anh em ông giong ghe đi riết về quê nội. Bấy giờ, ở quê đang mùa nước lụt, mênh mông trời nước. Mái lá các xóm làng trôi nổi với sóng nước dập dềnh. Đường làng còn chẳng khô, lấy đâu có gò mã cao mà hỏi chỗ để chôn người chết? Ông trưởng tộc bên nội bày cách, cũng như mọi người chết trong mùa này ở xứ này: thi hài cũng được liệm vào quan tài rồi làm lễ đưa đi, ra chòm gáo già giữa đồng. Người ta xốc cây, gác chéo để giàn giáo cao khỏi mặt nước, rồi gởi tạm quan tài ở đó chờ đến lúc nước giựt mới làm lễ hạ thổ. Đành vậy thôi chớ biết làm sao! Ông thương cha mình, vì người ước nguyện được nằm trong lòng đất quê nhà mà thi thể phải chịu gieo neo đến vậy!

Sau khi cha chết, anh em ông Ba Hoà cùng với mẹ quyết định kết thúc kiếp thương hồ, dồn hết vốn liếng để mua đất làm ruộng. Sao mà không sống được ở đất đồng trũng này? Ông lão Ba Hoà, cho đến già, vẫn cứ ngẫm nghĩ:  "Ông chệt bán tạp hoá, năm xưa, nói vậy là vì ổng quen sống đời lưu dân; chớ bao nhiêu đời người, từ tằng tổ đến ông, cha của nhiều dòng tộc, gia đình đã sanh cơ, lập nghiệp trên vùng đất này. Họ cứ theo đất, theo nước, theo mưa, theo nắng mà sinh sống. Tất cả cứ thế mà sống với sự tuần hoàn trời đất, của hai mùa, mùa nước nổi, mùa kho".

Về với ruộng, vườn! Việc ấy đơn giản với rất nhiều người ở xứ này nhưng chẳng dễ dàng gì với gã thanh niên quen sống đời sông nước như thể Ba Hoà. Nằm, ngồi, đi, đứng chông chênh, dùng lắc trên xuồng ghe riết rồi đã quen; những ngày tháng đầu sống trên mặt đất bình yên, êm thắm mà Ba Hoà cứ thấy lạ chỗ, ngủ không ngon giấc. Bàn tay cầm chèo, cầm sào nạng đã quen; khi cầm cuốc, cầm leng Ba Hoà nghe ngượng ngịu. Không quen rồi sẽ quen! Ba Hoà quyết chắc như vậy. Anh nói với mẹ "- Má yên tâm đi, từ giờ trở đi, mẹ con mình sống chết ở đồng!" Nói là nói vậy thôi! Cũng có những lúc bất chợt, gã thanh niên thấy buồn, thấy nao nao nhớ sông nước mênh mông, nhớ đám lục bình trôi líu ríu theo dòng nước chảy, nhớ tiếng bìm bịp kêu nước lớn, nhớ cả tiếng rao hàng "Tôm cá… ơ…" "Dừa… ơ…" "Xoài chín… ơ…" "Bánh bò… ơ…" "Bún riêu… ơ…" … của các ghe hàng bán dọc theo các bến sông. Những lúc như vậy, Ba Hoà nghe lòng náo nức, lại muốn cất bước giang hồ. Nhưng, không! Ba anh đã chết dọc đường, còn mong mỏi gởi thây về quê xứ. Bây giờ, lẽ nào anh lại ra đi, lại sống đời trôi dạt bềnh bồng.

Lụt! Ông Ba Hoà chống xuồng ra đồng. Cây sào cao bốn thước cắm xuống nước, lút hơn phân nửa. Mặt đồng ruộng dưới nước lụt, sâu đâu kém gì đáy kinh, mương; đáy sông ngòi nào gần cạn chắc chỉ sâu hơn một ít. Đồng ruộng mùa khô đã bao la. Giờ đây, lụt phủ, đồng bao la hơn nữa. Nước như ninh từ chân đất lên, lúc thấp, lúc cao, kéo dài gần năm, sáu tháng. Còn trồng trọt được gì nữa đâu ?! Người còn không có chỗ khô để bước chân đi. Người ta treo hạt giống lên giàn cất giữ; đem gà vịt, heo cúi, chó mèo lên sàn, gom cục chúng mà nhốt lại; đắp gò nổng cho trâu bò lên đó rồi niệt vàm vô nọc để chúng ở tạm đợi mùa khô.

Nhà sàn trên chân nóng cao lêu nghêu. Vậy mà có nhà được cất chưa đủ cao để thoát nước lụt. Nước ngập lên sàn nhà có khi cao quá gối, có khi cao đến ngang thắt lưng. Có sàn nhà quá thấp, nước ngập lên đến ngang trính nhà; người nấn ná muốn ở lại phải lót sàn lên trính rồi chỏi cánh én nhà mà chui vô ra, chớ cửa nhà đã bị ngập lút dưới nước. Xuồng, lúc này, là phương tiện duy nhất để đi lại. Người ta bơi xuồng đi khắp xóm làng, đi từ làng này qua làng khác; bơi cả ra đồng để hái bông súng, bông điên điển, hái cà na, hái rau muống là những loại cây dại sống được trên mặt nước. Người ta bơi xuồng thả lưới, giăng câu bắt cá. Ở đâu có nước là ở đó có cá. Cá, vào mùa lụt, như mùa hội, lên đồng nước nhiều không kể xiết. Những tháng nước lụt, không trồng trọt được, người nông dân chẳng lẽ ngồi khoanh tay, bó gối. Nếu như người ta ăn hết lúa bồ dự trữ rồi cũng đói meo. Họ lại theo cá ra đồng, lặn hụp kiếm cái để sanh nhai. Gia đình ông Ba Hoà cũng như mọi người ở vùng này, theo đất, theo nước như thế mà sinh cơ, lập nghiệp. Cũng như mọi người, ông mong đợi mùa lụt qua mau. Ông bấm ngón tay tính tháng, tính ngày, tính xem còn bao lâu nữa thì đến mùa khô.

Nắng! Mùa khô đến nhanh như mùa nước nổi. Nước lụt hình như đã ninh từ chân đất lên; giờ đây, hình như nước lụt cũng rút vào lòng đất. Ấy vậy mà sau khi nước giựt khoảng một tháng, đồng đã khô trắng. Mặt đất sét cứng ngắt. Thêm một tháng nữa thì bắt đầu hạn. Lúc này, trên đồng, mặt đất có chỗ đã khô nứt nẻ rồi. Bấy giờ, nước trở thành nỗi khao khát của cây trồng và con người. Vạt đất nào gần kinh, mương, sông, ngòi thì còn đỡ; người ta dùng mọi phương tiện để lấy nước lên tưới cho cây trồng. Còn vạt đồng nào ở quá xa sông ngòi thì đành phải chịu thua; chỉ còn cách trồng loại cây chịu hạn. Từ ấy, từ thuở ban đầu, thuở mới trở về đồng ruộng, ông Ba Hoà luôn dày vò với ý nghĩ: "Đất này khó sống, chẳng dễ làm giàu. Phải làm sao đây ?"

Phải làm sao đây? Câu hỏi thôi thúc suốt cuộc đời của một lão nông. "Đại phú do thiên, tiểu phú do cần", ông lão Ba Hoà vẫn thường bảo như vậy với vợ con. Ông trồng lúa trên ruộng của mình. Đến mùa gặt, ông giao lại cho vợ con. Ông và thằng Hiệp giong ghe đi đến những cánh đồng lúa chín rộ, mà chủ không gặt kịp phải gọi bạn gặt tiếp, để gặt mướn ăn công. Có khi cha con ông làm mướn lấy tiền; có khi chủ ruộng trả bằng lúa thì ông lấy lúa. Vậy mà, có mùa gặt, cha con ông lão đem về nhà số lúa, số tiền làm mướn gần bằng giá trị số lúa của ruộng nhà. Rồi ông lão dành tiền sắm máy: máy bơm, máy suốt, máy gặt…; dùng cho việc ruộng nhà xong, cha con ông lại giong máy đi làm mướn. Bàn tay trái của ông lão bị máy suốt "nhai" vào lúc này, lúc mà ông dốc hết sức của một tráng niên để lao động nhằm  cho gia đình thoát đói, hết khổ trên vùng đất đồng trũng phèn chua này.

"Dư ăn, dư dể rồi mà ông già cứ vác máy đi làm mướn, ngặt chưa?" Người ta nói về phú nông Ba Hoà ở đồng trũng Cốc ông Cậy như vậy, một phú nông, không như phú nông thời xưa, vừa làm chủ vừa quen đời làm mướn. Đến lúc này, việc "dẫn thuỷ nhập điền" là chương trình lớn của quốc gia đã thành công, phần lớn, đồng ruộng vùng này không còn quá khổ vì thiếu nước tưới. Đường sá, xóm làng, khu dân cư, trường học… Số đông đều đã được nâng cấp, phần nào đã thoát cảnh lụt lội rồi. Ông lão ba Hòa không còn chịu thua nắng hạn mùa khô, cũng chẳng chịu bó tay vào mùa đồng nước nổi. Mùa nào, cha con ông lão cũng kiếm lợi được hàng chục triệu, trăm triệu trên mảnh ruộng của mình.

"- Còn làm mướn không, ông Ba? Qua tiếp dùm đám lúa nhà tôi với!"

- Còn! Để qua sai sắp nhỏ! Tập cho tụi nhỏ làm mướn thì sau này tụi nó mới làm chủ được! Về đi, qua biểu sắp nhỏ qua bển liền!

*

"Năm nay nước kém, nghe bác Ba! Lụt lớn thì linh đinh mà lụt kém thì cũng không có lợi. Lụt nhỏ quá, nước không chụp cỏ trên đồng được; đất không được rửa sạch rồi dịch bệnh, sâu rầy, chuột bọ vào mùa khô tới, cho bác Ba coi! Chưa nói đến chuyện thiếu nước bạc thì đồng thiếu phù sa. Còn mình thì chưa chắc gì quầng đăng nuôi tôm  được nữa…"

"Rồi sao? Rồi chú em mày trông cho lụt lớn hả? Đó! Thấy chưa? Cái gì cũng có cái được, cái mất. Mùa khô, trồng trọt được nhưng phải khổ vì hạn hán. Mùa lụt, khổ vì nước nôi nhưng được cá mú, tôm cua, đất được rửa phèn, rửa mầm dịch bệnh lại được bồi đắp phù sa… Không thể khác được! Tạo hoá đã sắp bày như vậy. Đất này, phải có mùa khô, phải có mùa lụt; không như vậy là không thuận với đất trời. Chú em đừng lo, vài ba năm mới có một năm lụt nhỏ. Mình quầng đăng nuôi tôm kiếm lợi vài ba năm, nhịn bớt một năm, có sao đâu? Chú em đã lấy lại vốn rồi, có lời rồi phải không? Đừng tham, chú em! Đừng quơ hốt vào hầu bao mình quá nhiều, quá đầy…"

Kỹ sư Năng nhìn sâu vào mắt lão nông Ba Hoà. Ông lão không lãng tránh. Anh nhận ra trong ánh mắt của ông lão không có tia nhìn của kẻ đắc thắng mà hình như còn có chút u ẩn buồn. Có lẽ, ông lão buồn vì sự vất vả của một kiếp người.

Nguyễn Lập Em
Số lần đọc: 3194
Ngày đăng: 12.07.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thùng Thuốc Nổ - Đặng Thân
Một bóng thuyền không –phần một - Lê Đình Trường
Một bóng thuyền không –phần hai - Lê Đình Trường
Chuyện vui điện ảnh - Nguyễn Ngọc Tư
Duyên Phận So Le - Nguyễn Ngọc Tư
Con chó hoang trên bờ biển - Ngô Hồng Nga
Chẳng nợ nần gì nhau - Trầm Hương
Dòng sữa - Trần Thanh Giao
Câu chuyện một chiều thứ bảy - Trần Thanh Giao
Người dưng khác họ - Tạ Nghi Lễ