Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
768
116.717.224
 
Không thể nào quên
Trần Thôi

Khoảng giữa tháng 12 năm 1967, Quân khu 9 bỗng ồ ạt tăng cường cán bộ nòng cốt cho chiến trường Vĩnh Long. Nhìn sự chuyển động khẩn trương của bộ máy quân khu tôi đoán mùa khô năm đó chắc là đánh lớn ở Vĩnh Long, chớ không ngờ chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 nổ ra trên toàn miền Nam.

 

Lúc bấy giờ tôi là cán bộ binh vận khu, được tăng cường cho Vĩnh Long vào đợt chót. Tuy cách nay đã gần bốn mươi năm, nhưng tôi còn nhớ rất rõ vào buổi sáng hôm ấy, bên bờ kinh Rạch Gỗ thuộc xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, đồng chí Nguyễn Hoài Pho (Ba Mai), Thường vụ Khu ủy khu 9, Tư lệnh mặt trận, phổ biến mệnh lệnh tổng công kích, tổng khởi nghĩa, quyết tâm giải phóng thị xã Vĩnh Long!

 

Như có luồng điện chạy qua người, tôi cảm thấy cơ thể nóng bừng lên vì quá xúc động và hồi hộp trước giờ phút lịch sử trọng đại. Hôm đó đã là sáng ngày 27 Tết. Sau khi nhận lệnh, anh Nguyễn Ký Ức, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long nói: “Tình thế khẩn trương quá rồi, bây giờ các nơi hễ nhận lệnh là làm chớ không còn thời gian bàn bạc nữa. Chúng ta phải vừa chạy vừa sắp hàng mới kịp”.

 

Phần tôi được phân công vào Ban chỉ huy mặt trận xã Tân Hòa. Nhiệm vụ của chúng tôi là bằng mọi giá phải đánh chiếm cho được bến bắc Mỹ Thuận, cắt đứt sự chi viện của địch từ Sài Gòn về Vĩnh Long và Sa Đéc.

 

Ngay sau khi nhận lệnh, tôi cùng các anh trong Ban thường vụ Huyện ủy Châu Thành gấp rút trở về xã Tân Hòa.

 

Tối 27 Tết, Thường vụ Huyện ủy họp phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người.

 

Nghe nói đánh lớn ai cũng mừng, nhưng khi lên phương án chiến đấu, xem xét lực lượng giữa ta và địch tôi thấy hết sức băn khoăn. Xã Tân Hòa vào thời điểm đó có trên một chục đồn bót, và mỗi nơi không dưới một đại đội chiếm đóng. Cộng chung các sắc lính, vừa quân chủ lực của tỉnh và lính địa phương có mặt trên địa bàn xã Tân Hòa là trên một ngàn năm trăm tên. Chưa kể dưới sông Tiền có hạm đội nhỏ của Mỹ và hàng chục tàu sắt với nhiều loại võ khí hiện đại sẵn sàng ứng chiến.

 

Về phía ta, chỉ có một đại đội địa phương quân của huyện Châu Thành, quân số vừa bổ sung được hơn một trăm tay súng. Du kích các xã mỗi nơi tập trung được trên dưới một tiểu đội. Về võ khí thì hầu hết là súng tiểu liên và lựu đạn do công trường huyện chế tạo. Nhưng được cái là tinh thần anh em sôi sục căm thù, sẵn sàng chiến đấu.

 

Tinh thần, ý chí của anh em chiến sĩ là như vậy, nhưng với cương vị người trong cùng lo lắng. Phải đánh bằng cách nào đây để đảm bảo chiến thắng mà ít tốn xương máu anh em. Với tương quan lực lượng chênh lệch quá lớn như vậy muốn đánh thắng địch phải đâu là chuyện dễ. Càng nghĩ tôi càng thấy lo cho trận chiến sống mái với quân thù sắp xảy ra trong nay mai, người tôi sốt lên nóng hổi, đến mức anh Bảy Nghiêm, Phó Bí thư Huyện ủy Châu Thành tình cờ chạm vào cánh tay của tôi, giựt mình thốt lên: “Trời ơi, Chín Hoài bị bịnh rồi, người anh nóng quá, đi nằm nghỉ đi, để ngã bịnh là không ai thay đổi công việc của anh đâu nghe!”. Tôi chỉ cười và nói với anh tôi không sao đâu, nhưng anh cứ bắt tôi phải đi nằm nghỉ. Tôi biết là mình có bịnh hoạn gì đâu, do nhiệm vụ nặng nề căng thẳng quá nên sinh ra sốt đó thôi.

 

Sau cuộc họp Ban thường vụ Huyện ủy Châu Thành vào đêm 27 Tết, sáng 28 tôi đến gặp anh Nguyễn Thế Xuân (Tư Xuân), Phó Bí thư chi bộ xã Tân Hòa để cùng anh điểm lại lực lượng cơ sở binh vận mà anh hiện có. Anh cho biết mấy năm qua chi bộ phải hết sức cố gắng mới tổ chức được 8 cơ sở binh vận, trong đó có 5 anh trong lực lượng phòng vệ dân sự, 3 anh lính dân vệ, cấp bậc cao nhứt là trung sĩ. Các anh này lại đóng quân ở các đồn nhỏ, không name trong binh chủng quan trọng của địch. Với lực lượng như vậy thì không thể tổ chức nội ứng hoặc binh biến khởi nghĩa gì được. Sắp bước vào trận đánh quan trọng như vậy mà lực lượng võ trang, binh vận chỉ có trong tay chừng đó, khiến người tôi lại sốt lên nóng hực.

 

Tối đêm 28 Tết, tôi ngủ lại với anh Tư Xuân trong một căn chòi lá ven đồng. Anh chưa được biết ngày giờ trận đánh sắp xảy ra nên tâm trạng có vẻ thoải mái. Hai chúng tôi nói chuyện tới khuya. Khi đã thiu thỉu ngủ, trong tâm trạng lo lắng tôi gặn hỏi anh Tư Xuân: “Anh Tư à, anh là người công tác lâu năm ở đây, đâu ráng nhớ lại coi anh và gia đình có mối quan hệ cảm tình nào trong giới quan chức ở xã hay ở quận gì không? Biết đâu mình có thể nhờ cậy khi cần”. Im lặng hồi lâu, Tư Xuân nói: “Trước đây tôi quen với xã Thường, có gặp nhau nói chuyện tình nghĩa một lần, nhưng đã cách nay trên mười năm rồi. Hồi đó y chưa làm xã trưởng, bây giờ không biết tư tưởng y ra sao, nghe nói y thân cận với tỉnh trưởng Huỳnh Ngọc Diệp lắm”. Nghe Tư Xuân nói tới đó tôi tỉnh ngủ hẳn và ngồi dậy: “Anh kể đầu đuôi chuyện quen biết y tôi nghe thử coi”. Tư Xuân bắt đầu kể: “Tháng Tám năm 1945 nhân dân khắp nơi nổi day cướp chánh quyền. Ông đội Trượng đi lính cho Pháp, nhà ở Cao Lãnh trốn về xã Tân Hòa để tránh sự truy đuổi của nhiều người. Ông ở nhờ nhà một người bà con là anh Tư Tích. Lúc đó tôi làm thư ký công an xã Tân Hòa, phát hiện nơi ông đội Trượng đang ẩn náu, tôi liền báo cho các anh lãnh đạo công an huyện. Các anh cho ý kiến như sau: Ông đội Trượng tuổi cao, sức yếu, nghĩ cũng không nên truy cùng đuổi tận mà làm gì. Nếu ổng về đây để dưỡng già thì chúng ta cứ để yên, còn nếu ổng muốn làm chuyện gì khác chừng đó chúng ta mới tính. Và các anh phân công tôi đến tận nơi để thăm ông đội, cũng có ý cho ông biết rằng việc ông trốn về đây chúng tôi đã biết rồi.

 

Vào một buổi tối tôi đến nhà anh Tư Tích để gặp ông đội Trượng. Lúc mới thấy tôi ông có vẻ sợ. Tôi liền trấn an: Bác đừng lo, cháu đến thăm bác chứ không có chuyện gì quan trọng đâu. Bác về đây tụi cháu đã biết rồi nhưng hôm nay mới có dịp đến thăm. Hiện cháu làm việc trong lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc của xã mình (tên gọi của lực lượng công an lúc bấy giờ). Bác về đây để dưỡng già vậy cũng tốt. Cháu được các anh lãnh đạo phân công đến đây xem bác có gặp khó khăn gì thì địa phương sẽ giúp đỡ. Bác cho cháu gởi lời thăm và chúc anh Hai Thường mạnh khỏe (lúc đó anh Nguyễn Văn Thường, con ông đang ở bên Pháp).

 

Do tôi chủ động cởi mở nên câu chuyện với ông đội Trượng tương đối thoải mái. Khi tôi ra về ông bắt tay tôi cám ơn đến hai ba lần.

 

Vào những ngày cuối năm 1952, anh Thường về quê ăn Tết. Lúc đó trên chiến trường Vĩnh Long ta với Pháp đang đánh nhau quyết liệt. Hai Thường sai anh Tư Tích đi tìm tôi để đưa lá thư. Nội dung bức thư anh tỏ lời cảm ơn tôi chẳng những đã không truy bắt người cha của anh mà còn ngỏ ý giúp đỡ và gởi lời hỏi thăm sức khỏe của anh nữa, điều đó khiến anh vô cùng cảm kích. Cuối thư, anh tỏ lòng muốn gặp mặt tôi trong dịp Tết để anh em tâm sự nhiều hơn.

 

Tôi báo với lãnh đạo cấp trên và được các anh đồng ý cho đi gặp anh Thường.

 

Tôi còn nhớ buổi tối hôm đó là ngày đưa ông Táo về trời, tức ngày 23 tháng chạp. Tiết trời se lạnh, không khí Tết đã bắt đầu rộn rịp. Anh Tư Tích dẫn tôi đến gặp anh Thường tại nhà một người quen của hai anh. Gặp tôi, Hai Thường tay bắt mặt mừng, cười nói lớn tiếng. Tiệc rượu đã được chuẩn bị sẵn. Anh Thường nói có đem theo chai rượu từ bên Pháp về mục đích là đãi tôi. Lúc vào tiệc anh thẳng thắn nói: “Hôm nay anh em mình gặp nhau nói chuyện tình nghĩa, không nói chuyện chính trị, được hôn?”. Tôi gật đầu. Buổi tiệc hôm đó chủ yếu là anh kể chuyện ăn ở, học hành bên Pháp, tôi chỉ lắng nghe. Anh khoe là anh đã được gặp Cụ Hồ. Thấy tôi mở tròn đôi mắt, anh nói: “Bộ mấy cha hổng tin tôi hả? Tôi nói thiệt đó nghe!”. Thường kể tiếp: Anh sinh 1918, bị bắt đưa qua Pháp đi lính từ năm 1938. Năm 1946, tại Hội nghị Fonteneblau, anh Thường được đứng trong đội quân danh dự đón Bác Hồ sang nước Pháp. Đang đi trong đoàn cùng với các nhân vật cao cấp của Chính phủ Pháp, ngang qua đội quân danh dự bỗng Bác Hồ dừng lại và bước tới trước mặt anh Thường. Khiến cả đoàn cũng phải dừng theo. Trong lúc anh đang bối rối thì Bác đưa tay ra bắt tay anh và thân mật hỏi: “Chú quê tỉnh nào”. Anh đáp: “Thưa cụ, con quê ở Vĩnh Long”. Bác nói: “Ngày đất nước mình được độc lập tôi và chú sẽ gặp nhau với tư cách những công dân Việt Nam!”. Bác siết chặt tay anh rồi dời gót cùng với đoàn chánh khách tiếp tục duyệt qua đội quân danh dự. Anh Thường vẫn đứng yên, lòng tràn nay niềm xúc động. Hôm kể lại kỷ niệm đó cho tôi nghe anh không giấu nổi vẻ cảm động và tự hào. Anh còn bình luận: “Đang đi trong đoàn lãnh đạo cấp cao của nước Pháp mà tự nhiên đứng lại nói chuyện với một anh lính quèn trong đội quân đón rước, chỉ có Cụ Hồ, chớ xưa nay chưa từng thấy ai làm như vậy!”.

 

Hai Thường về lần đó rồi trở qua nước Pháp, cho tới năm 1966 thì trở về Việt Nam. Nghe nói nhờ thân can với tỉnh trưởng Huỳnh Ngọc Diệp nên được cho giữ chức xã trưởng xã Tân Hòa. Kể từ lần gặp gỡ đó cho tới cuối 1967, tức 15 năm trôi qua, tôi không còn biết tin tức gì về Hai Thường. Chỉ gần nay khi anh ta làm xã trưởng và tôi lại được cấp trên phân công về phụ trách Phó Bí thư xã Tân Hòa, thì tôi mới chợt nhớ lại mối quan hệ trước đây là như vậy”.

 

Câu chuyện của Tư Xuân làm lóe lên trong đầu tôi một tia hy vọng! Tôi không còn nghĩ đến chuyện ngủ nghê gì nữa! Cái chi tiết Hai Thường được gặp Bác Hồ bean Pháp, dưới con mắt người làm công tác binh vận tôi không thể bỏ qua. Người tôi lại sốt, tay tôi run lên bần bật, thảng thốt mừng, cảm giác như vừa nắm được chiếc chìa khóa, mở ra một sức mạnh lớn lao cho trận đánh sắp tới. Trận tổng cô ng kích, tổng khởi nghĩa, quyết tâm giải phóng hoàn toàn thị xã Vĩnh Long sẽ diễn ra ngay trong đêm giao thừa Tết Mậu Thân năm 1968, tức chỉ còn không đầy 24 giờ nữa. Vậy mà đến giờ này ở mặt trận bến bắc Mỹ Thuận trong tay tôi chưa có một cơ sở binh vận nào “nặng ký” để tính toán cho trận đánh sắp tới. Tôi như người chới với giữa dòng nước lũ và câu chuyện về xã trưởng Nguyễn Văn Thường của anh Tư Xuân khiến tôi như quơ được chiếc phao nhưng vẫn đang trong tâm trạng hết sức lo lắng.

 

Không còn thời gian để chần chừ do dự nữa! Tôi quyết định là sẽ trực tiếp đi gặp xã Thường dẫu cho tôi có thể hy sinh. Không hiểu sao tôi có niềm tin mãnh liệt vào chi tiết Hai Thường được gặp Bác Hồ và tôi quyết định bám vào đó như moat định mệnh đã sắp đặt sẵn. Việc dừng lại bắt tay và nói với Hai Thường một câu như vậy kể ra Bác Hồ là một nhà binh vận bậc thầy. Nếu tôi thắng trận này coi như Bác đã giúp tôi hết tám chục phần trăm rồi còn gì. Dù tôi chưa hề biết chút gì về Hai Thường ngoài câu chuyện của anh Tư Xuân, nhưng tôi quyết phải liều một phen chớ nếu không thì cũng chẳng còn cơ hội nào nữa. Tôi nói với Tư Xuân: “Lần trước Hai Thường mời anh ăn Tết, lần này anh mời lại, nhắm y có dám ra không?” Trầm ngâm một lát, Tư Xuân nói: “Đã lâu quá không quan hệ, biết tư tưởng y ra sao?”. Tôi nói: “Ta cứ mời, nếu y không ra chừng đó ta tính phương án khác”.

 

Sáng sớm hôm sau (29 Tết Mậu Thân), anh Tư Xuân viết lá thư mời Hai Thường ra ăn Tết, theo gợi ý của tôi là lời lẽ trong thư phải heat sức tình cảm, chỉ nói chuyện gia đình, không đề cập chuyện chính trị. Lá thư được chú Hà Hữu Cát (Tám Cát), một cơ sở của Tư Xuân đem đưa tới tay Hai Thường. Tôi với Tư Xuân ngồi chờ ở điểm hẹn tại nhà một cơ sở

ở xã An Phú Thuận trong tâm trạng hồi hộp khôn tả...

 

Không ngờ xã Thường đến đúng hẹn! 11 giờ trưa ngày 29 Tết, chú Tám Cát chạy máy đuôi tôm chở người đàn ông cao to, nước da trắng, ngồi trên chiếc ghe tam bản, tới điểm hẹn. Tư Xuân vội vã bước xuống bến sông đón Hai Thường, tôi bước theo sau niềm nở bắt tay anh. Khi đã vào nhà, Tư Xuân giới thiệu: “Đây là anh Thường, bạn thân của tôi từ trước năm 1954”. Quay qua tôi anh nói với xã Thường: “Còn đây là anh Chín Hoài, vừa là bạn thân vừa là cấp trên của tôi, xin tất cả hãy tự nhiên như bạn bè”.

 

Sự xuất hiện của tôi mà không được Tư Xuân cho hay trước khiến xã Thường có vẻ không hài lòng. Anh dè dặt và nói rất ít. Có lẽ anh ta đoán ra rằng ngoài chuyện tình cảm giữa hai người trước đây, hôm nay Tư Xuân còn muốn đề cập chuyện khác mà anh ta không muốn hoặc chưa kịp chuẩn bị. Chúng tôi cho người đem ra mấy chai bia hiệu “Con Cọp” và một ít đồ nhấm đã chuẩn bị sẵn để nhằm tạo không khí ấm áp, xóa đi sự căng thẳng, nhưng xã Thường từ chối. Anh nói đang bận nhiều công việc nên phải ra về, hẹn lại một dịp khác. Biết là cuộc gặp mặt không thành công như mong muốn nên lúc tiễn anh ta xuống bến sông tôi cố ý buông thòng một câu: “Hôm nay anh có lòng đến thăm anh em tôi, chắc chắn mai mốt chúng tôi sẽ đến thăm anh”. Hai Thường đáp lại cốt để xã giao: “Rất sẵn lòng đón tiếp anh”. Và tôi cũng chỉ cần một câu đại loại như vậy.

 

Ngay sau cuộc gặp xã Thường, Ban chỉ huy mặt trận Tân Hòa liền họp lại. Tôi trình bày dù cuộc gặp gỡ vừa rồi không tranh thủ được gì ở xã Thường, chưa mở rộng và thăm dò thái độ chính trị của anh ta, nhưng dẫu sao anh ta vẫn đến đúng hẹn, và tôi quyết định tối nay sẽ đích thân đến gặp xã Thường. Cuộc họp bỗng rơi vào im lặng. Hồi lâu anh Bảy Nghiêm, Phó Bí thư Huyện ủy Châu Thành nói: Thái độ chính trị của Thường chưa rõ ràng và cũng chưa ai phán đoán được bao nhiêu phần trăm. Đây là chuyện vào hang bắt cọp chớ chẳng phải chơi, nên đề nghị anh em cân nhắc kỹ, chớ tôi thấy mạo hiểm quá!

 

Tôi trình bày kế hoạch và quyết tâm thực hiện, nếu thất bại thì chỉ mình tôi hy sinh, còn nếu thành công thì tiết kiệm rất nhiều xương máu của chiến sĩ, đồng bào. Và cuối cùng tôi

đã thuyết phục được Ban chỉ huy mặt trận.

 

Cuộc họp kết thúc vào lúc 3 giờ chiều, anh em tản đi, ai lo công việc nấy, chỉ còn lại mình tôi nằm trong căn chòi nhỏ ẩn mình dưới lùm chuối. Gió chướng xôn xao, khua xào xạc mấy tàu lá, khiến tôi chợt nhớ da diết cái Tết quê nhà. Giờ này chắc má và các chị tôi đang ngồi gói bánh tét, trong câu chuyện thế nào cũng nhắc đến tôi. Chỉ khoảng 3 tiếng đồng hồ nữa, tôi và Tư Xuân phải đi gặp xã Thường rồi, có thể lần này chúng tôi sẽ hy sinh. Nghĩ đến đây tôi chợt nhớ một người bạn. Anh này đánh đá trên trăm trận, không biết thiệt hay chơi, anh nói với tôi rằng “khi sắp bước vào trận đánh, người nào tánh khí lúc bình thường trầm lặng bỗng dưng nói chuyện rất nhiều, ngược lại người tánh tình hoạt bát bỗng trở nên lầm lì ít nói, đó là dấu hiệu bất thường, kinh nghiệm cho biết những người này thường hy sinh trong trận đánh”. Có thể đó chỉ là chuyện ngẫu nhiên mà thôi, nhưng không hiểu sao lúc này tôi lại nghĩ về chuyện đó. Một lát sau anh Tư Xuân tới, tôi hỏi anh: “Anh Tư à, hôm nay anh thấy tôi có gì khác thường hông?” Tư Xuân hỏi: “Anh nói vậy là sao, tôi không hiểu. Tôi thấy anh vẫn bình thường”. Tôi ngẫm nghĩ moat hồi rồi cười thầm. Thì ra tôi đang sợ chết! Nhưng tại sao tôi lại đi hỏi anh Tư Xuân? Đúng là tôi lẩm cẩm quá, vì lát nữa đây anh phải cùng tôi vào gặp xã Thường, hai anh em chung số phận rồi.

 

Khoảng 5 giờ chiều, anh Chín Song, đại đội trưởng địa phương quân huyện Châu Thành đến tiễn đưa chúng tôi lên đường. Tôi với anh trao đổi lần chót phương án hợp đồng chiến đấu trong đêm nay.

 

Đi từ An Phú Thuận vào tới ấp Tân Phú, xã Tân Hòa, vì phải lội qua kinh, mương nên mình mẩy chúng tôi lắm lem bùn đất. Chúng tôi vào nhà anh Nguyễn Thế Sanh, em ruột của anh Tư Xuân, mượn quần áo để thay. Khổ nỗi anh Thế Sanh cũng rất nghèo, lục lọi hồi lâu mới tìm được hai bộ quần áo cũ. Anh Tư Xuân chọn bộ sơvin, còn tôi mặc bộ pyjama rộng thùng thình.

 

Theo sự sắp xếp của Tư Xuân thì chúng tôi vào nhà chú Tám Cát, nhờ chú lấy xe hơi đưa tới nhà xã Thường, như là chúng tôi từ Sài Gòn về cho oai. Anh Nguyễn Thế Sanh đi mượn chiếc xuồng, cho người nhà đưa chúng tôi lên lộ đá. Để qua mắt bọn lính trong bót Nhà Dài, chúng tôi giả say rượu la lối om sòm. Tới nhà chú Tám Cát vào khoảng 7 giờ tối. Không hẹn trước nên chú Tám vắng nhà, thím Tám cũng không biết chú đi đâu. Chúng tôi nhờ thím chạy đi tìm, trong lòng như lửa đốt! May quá, lát sau thì chú Tám về. Thấy anh em tôi chú giật mình. Mới gặp hồi trưa, giờ chúng tôi lại vô đây chắc là có chuyện rồi. Xe hơi tài xế đã lấy đi Sài Gòn, chú Tám đành phải lấy chiếc mobylette đưa tôi đi trước, Tư Xuân đi sau. Tôi căn dặn: Nếu nhà xã Thường vắng khách thì chú hả vô, còn ngược lại chú thả tôi ngoài lộ, đừng nhìn vào. Nếu thấy đông người thì chú nói Tư Xuân đừng tới, vì Tư Xuân là người địa phương, bọn lính làng nhiều tên biết mặt.

 

Từ xa tôi nhống lên nhìn thấy bọn lính tráng ngồi nhậu chật sân nhà Thường, có cả chục bàn. Tôi hơi lo, nhưng đã tới đây rồi không thể lùi bước được. Tôi bấm vai bảo chú Tám thả tôi ngoài lộ. Tôi ung dung đi vào. Nhìn thấy tôi mặt Thường biến sắc, nhưng chỉ một thoáng rồi lấy lại bình tĩnh ngay. Anh hồ hởi nói lớn:

 

- Ê toa (ông)! Xuống hồi nào mà không điện cho moa?

 

Thường quay qua đám sĩ quan giới thiệu: - Monsieur Hoài, Sài Gòn xuống.

 

- Moa xuống hồi sáng.

 

Mấy thằng bạn dẫn đi nhậu. Đi ngang thấy nhà toa vui quá ghé chơi.

 

Tôi sáp vô nhậu với Thường và đám sĩ quan đã ngà ngà hơi men. Mấy tên lính muốn lấy lòng Thường bưng ly xúm lại mời tôi. Tôi tỏ ra sẵn lòng, ực liên tiếp mấy ly. Có bia vào, người nóng rang, nỗi lo sợ, hồi hộp tan biến hết. Tôi giả bộ lè nhè tào lao với đám sĩ quan. Có mấy tên đến bá cổ vịnh vai tôi nói:

 

- Đại ca coi bộ chịu chơi quá!

 

Tôi gật đầu, tỏ vẻ thân tình và sẵn sàng chơi heat mình. Tuy nhiên, tôi kín đáo đưa mắt về phía mấy tên sĩ quan mà tôi đoán là đám tình báo và an ninh quân đội. Bọn này uống nhiều nhưng đôi mắt vẫn còn tỉnh táo và đang để ý quan sát tôi. Một tên hỏi:

 

- Đại ca làm nghề gì trên Sài Gòn?

 

Thường chặn ngang trả lời:

 

- Journalist (nhà báo). Làm cho AFP. Moa quen hồi bên Pháp.

 

Lập tức, tên vừa hỏi, sổ một tràng tiếng Pháp. Tôi quay sang Thường kín đáo mỉm cười vì hắn nói tiếng Pháp trật văn phạm nhiều quá. Tôi trả lời và cố ý hỏi lại mấy cô mà tôi biết với vốn từ ít ỏi hắn khó mà đáp lại một cách suôn sẻ, và tiện thể tìm hiểu về hắn. Hắn loay hoay ấm ớ khiến Thường phải nhảy vô trợ giúp. Một tên khác thấy hắn bị đuối sức bèn nói:

 

- Tiếng Pháp không rành, thôi nói tiếng Việt cho chắc ăn mấy cha nội ơi!

 

Cũng may nhờ vốn tiếng Pháp không đến nỗi nào, nên đám an ninh quân đội và tình báo nghi tôi là Việt Cộng thì ít mà đoán tôi là CIA thì nhiều. Và cũng nhờ vậy mà Thường mạnh dạng tìm cách giải tán bọn này sau khi vào trong nghe cú điện thoại, Thường nói:

 

- Báo với toa, ngài tỉnh trưởng vừa điện thoại nhắc nhở việc bố phòng trong lúc tết. Không khéo Việt Cộng vô treo cờ, rải truyền đơn là chết với va! Sáng mai 6 giờ xuống gặp tỉnh trưởng gấp. Hổng biết có chuyện gì mà sớm vậy? Thôi mình tạm dừng ở đây, hẹn tối mai

nghe!

 

Đám sĩ quan hiểu ý cáo từ. Có lẽ bọn này biết rõ mối quan hệ thân mật giữa Thường với tỉnh trưởng. Tôi sốt ruột vì lúc này đã 22 giờ 30 phút. Sắp đến giờ G mà tôi chưa bàn bạc gì được với Thường. Qua thái độ của anh trong bàn tiệc nãy giờ tôi biết mình đã nắm được con người này ít nhất 80 phần trăm. Tức là giai đoạn nguy hiểm đến sinh mạng cá nhân tôi đã vượt qua. Chuyện quan trọng trước mắt là bằng cách nào đây thuyết phục anh chọn phương án tấn công địch. Chuyện này liên quan đến sinh mạng hàng trăm thậm chí hàng ngàn người trong chiến dịch loch sử đêm nay!

 

Vừa vắng khách, Thường liền hỏi tôi:

 

- Anh học tiếng Pháp ở đâu mà khá vậy?

 

- Tôi tự học là chính. Mấy năm nay sống trong rừng đâu có điều kiện

trường lớp gì.

 

Tôi hơi bấ t ngờ về câu hỏi đó của Thường. Trong hoàn cảnh này lẽ ra anh phải lo sợ và câu đầu tiên anh hỏi tôi đến đây có chuyện gì không mới đúng chớ. Chỉ với một câu hỏi như thế tôi biết ngay Thường là hạng người trọng danh dự cá nhân, coi thường sự sống chết. Và tôi rất cần một con người như vậy trong thời khắc lịch sử này cũng như mãi mãi về sau.

 

Thường nói:

 

- Hồi trưa tôi đến thăm anh có phần dè dặt, anh thông cảm. Anh dám đến thăm tôi trong tình thế như vầy quả là trang hảo hớn, xét ra tôi còn kém xa anh!

 

Với câu nói kế tiếp này khiến tôi càng khẳng định nhận xét của mình về Thường là hoàn toàn đúng. Tôi quyết định dốc túi đánh một ván bài cuối cùng, được ăn cả, ngã về không? Tôi móc khẩu súng ngắn ra đặt vào lòng tay Thường, nói:

 

- Tôi đã dám tới đây rồi thì không sợ gì khi phải cheat trong tay anh! Được chết dưới tay một trang hảo hớn như anh tôi cũng không có gì hối tiếc.

 

Thường xúc động khi nghe tôi nói câu đó. Anh dúi khẩu súng trả vào tay tôi và nói:

 

- Anh giữ lấy mà phòng thân, ở đây tụi an ninh quân đội hay ra vào!

 

Tôi mừng đến muốn khóc òa vì biết từ giờ phút này mình đã nắm được xã Thường. Một phần cũng do tôi đã uống nhiều rượu, dễ bị kích động. Tuy nhiên trước nhiệm vụ trọng đại, thiêng liêng đêm nay tôi nhủ lòng phải thật bình tĩnh, không được nôn nóng mặc dù giờ hợp đồng nổ súng đang gần kề, không khéo sẽ làm hỏng chuyện lớn. Tôi thận trọng tiến thêm một bước nữa để nắm trọng tình cảm của Thường:

 

- Tôi nghe anh Tư Xuân nói anh có vinh dự lớn được gặp Cụ Hồ?

 

Thường phấn chấn hẳn lên và kể lại với vẻ xúc động, tự hào. Khi anh vừa dứt lời tôi chớp lấy thời cơ, đứng phắt dậy, dõng dạc nói:

 

- Đêm nay người của Cụ Hồ đến đây giao cho anh nhiệm vụ quan trọng!

 

Thường bật dậy như lò so, dập gót giày, đứng nghiêm. Vừa lúc đó một tiếng nổ long trời phát ra ở phía bến bắc Mỹ Thuận. Tiếp theo súng nổ như bắp rang. Ở hướng trung tâm thị xã Vĩnh Long và sân bay súng nổ dữ dội, lửa cháy rực trời. Tôi nói to:

 

- Báo anh đêm nay là đêm tổng tấn công! Toàn dân nổi dậy đánh chiếm thị xã Vĩnh Long.

 

Thường lại dập gót giày, vẫn đứng nghiêm:

 

- Anh nói đi, tôi phải làm gì? Từ giờ phút này tôi là người của Cụ Hồ!

 

- Anh ra lệnh cho đàn em, tất cả ở đâu nằm im đó, không được nổ súng, tránh sự đổ máu cho hai bên!

 

Chúng ta chọn giải pháp bắt tay hòa hợp dân tộc!

 

Thường ngồi xuống chậm rãi nói:

 

- Báo anh, khu vực bến bắc Mỹ Thuận được bố trí rất nhiều sắc quân, tôi chỉ nắm được một đại đội nghĩa quân (nhân dân thường gọi đám lính dân vệ) và một số cảnh sát dã chiến do Sáu Vĩnh chỉ huy.

 

- Sáu Vĩnh đối với anh thế nào?

 

- Tuyệt đối trung thành.

 

- Vậy anh điện ngay cho anh ta áng binh bất động!

 

- Để tôi viết thư, điện dễ bị lộ.

 

Anh Thường viết ngay bức thư và đưa tôi xem. Tôi gật đầu đồng ý. Anh gọi:

 

- Bảy đâu!

 

Một anh lính trẻ từ dưới lầu dạ một tiếng rồi chạy nhanh lên cầu thang. Thường đưa cho anh lá thư bảo chạy đưa cho Sáu Vĩnh. Lính Bảy lao nhanh ra sân biến mất trong màn đêm đỏ lòe lửa đạn. Ngay sau đó tôi viết thư cho anh Chín Song, đại đội trưởng địa phương quân Châu Thành và đưa cho anh Thường xem lại. Nội dung tôi viết là yêu cầu anh Chín Song không được nổ súng khi chưa có lệnh tôi. Các loại võ khí B40, B4 1, ĐKZ 75 tuyệt đối không được bắn vào đồn của Sáu Vĩnh. Tôi biết tính anh Thường cương trực và rất thương những người cộng sự dưới quyền mình nên cố ý cho anh đọc bức thư tôi viết. Và dùng cái mẹo vặt là kể tên các loại võ khí có sức hủy diệt ghê gớm để hù dọa anh, chớ thật ra trong tay chúng tôi lúc đó đâu có những loại võ khí ấy. (Kính mong hương hồn anh nơi chín suối hãy lượng thứ cho tôi! Cũng vì muốn đảm bảo cho chiến thắng mà tôi phải làm vậy mà thôi!).

 

Anh Thường đọc xong lá thư thì lính Bảy cũng vừa về tới. Anh ta thở hào hển và báo cáo đã đưa thư đến tận tay Sáu Vĩnh. Thường để tay lên vai lính Bảy động viên:

 

Tình thế khẩn cấp lắm!

 

Em phải chấp nhận nguy hiểm một lần nữa nghe! Lính Bảy đứng bật dậy, dập gót giày, nói to:

 

- Dạ thưa, vì ông, dù có nhảy vô lửa con cũng làm!

 

Tôi kêu anh ta cởi áo lính ra và mặc vào chiếc ao sơvin màu đen, chạy đến một điểm hẹn ở đầu cầu Huyền Báo, nói mật hiệu và đưa lá thư cho Chín Song. Anh ta lại lao đi như tên bắn vào màn đêm.

 

Chừng nửa giờ sau lính Bảy trở về, báo đã đưa thư đến tay một người mà theo anh tả hình dáng thì đúng là Chín Song. Tôi mừng không thể tả. Tôi lo sợ lính Bảy hy sinh dọc đường hoặc bức thư rơi vào tay giặc thì tai họa khôn lường. Giờ thì tôi rất muốn ôm lính Bảy vào lòng mà nói lời cảm ơn anh. Nhưng tôi kềm chế, chỉ nắm bàn tay anh siết chặt. Bỗng anh Thường nói nhanh:

 

- Lên máy coi tình hình thế nào rồi!

 

Lính Bảy dạ một tiếng rồi lao về chiếc máy vô tuyến điện. Từ ống nghe phát ra nhiều tiếng cãi nhau, nói toàn những thứ mật mã chỉ có lính Bảy mới hiểu hết. Anh cho biết ông tỉnh trưởng Huỳnh Ngọc Diệp kêu cứu thảm thiết. Ông tư lệnh vùng IV nói giờ này hồn ai nấy giữ, Cần Thơ cũng đang bị uy hiếp nặng nề.

 

Nhờ thông tin trên máy mà tôi biết được trên bảy chục máy bay trực thăng bị quân ta phá hủy, sân bay Vĩnh Long hoàn toàn tê liệt. Thị xã Vĩnh Long chìm trong biển lửa. Hầu hết các mục tiêu quân sự bị quân ta đánh chiếm, chỉ còn sót lại dinh tỉnh trưởng đang trong cơn nguy khốn.

 

Loay hoay thì trời sáng. Ở mặt trận bắc Mỹ Thuận lực lượng địa phương quân của anh Chín Song và lực lượng của Sáu Vĩnh vẫn đang án binh bất động. Các lực lượng khác của địch theo tin từ lính Bảy cho biết thì đang hoang mang lo sợ, chỉ co thủ trong đồn chớ không dám kéo ra.

 

Thú thật là nhìn anh  Thường và lính Bảy chăm chú theo dõi thông tin nơi chiếc máy vô tuyến điện, tôi không thể đoán chắc tâm trạng hai người trong lúc này như thế nào? Dường như có lúc tôi đã nhận ra sự băn khoăn, lưỡng lự trong đôi mắt của Thường. Rõ ràng anh chưa phải là người đã thật sự giác ngộ lý tưởng cách mạng, mà chỉ có cảm tình với những người kháng chiến thông qua một lần được gặp Bác Hồ. Tôi đã mạo hiểm nắm lấy cơ hội lúc có rượu. Vài giờ sau, khi đã tỉnh rượu anh có vẻ lo sợ. Trong chuyện này tôi có lúc như người chỉ nắm được sợi dây tơ phăng tới một niềm hy vọng lớn nhưng không biết nó đứt vào lúc nào! May thay, lúc này tiếng súng chiến trường mới là lời nói quyết định, có sức mạnh lay chuyển làm ngã ngũ tư tưởng của Thường. Từ chiếc máy vô tuyến điện, lính Bảy thông báo các mục tiêu quân giải phóng đã chiếm và nó dần dần xô ngã sự băn khoăn lưỡng lự trong anh.

 

Trưa mùng Một Tết, lính Bảy cho hay tỉnh trưởng Huỳnh Ngọc Diệp đã thoát thân xuống tàu sắt chạy ra sông, dinh tỉnh trưởng đang bị uy hiếp nghiêm trọng. Tôi liền nói với Thường:

 

- Đã đến lúc chúng ta cần phải hành động. Nếu chậm trễ sẽ có tội với lịch sử! Anh chuẩn bị đọc lời kêu gọi binh sĩ quay súng trở về với nhân dân!

 

Anh Thường chạy vô buồng lấy ra cái máy ghi âm. Anh viết lời hiệu triệu binh lính khởi nghĩa, tôi viết lời kêu gọi nhân dân Mỹ Thuận nổi dậy. Cuốn băng ghi âm được lính Bảy chạy đưa ngay cho Chín Song. Phương án này được Ban chỉ huy chúng tôi bàn bạc rất kỹ. Dây điện và máy phóng thanh được chuẩn bị đầy đủ từ trước. Lính Bảy quay trở về chừng mười lăm phút thì loa phóng thanh từ phía cầu Huyền Báo phát lên rõ mồn một. Lính Bảy mở máy theo dõi diễn biến tình hình. Anh cho biết một số đồn bót dưới bến phà Mỹ Thuận đã bỏ chạy, nhờ bọn lính giang thuyền cứu rước. Sau đó các đồn bout còn lại tan rã mau chóng đến không ngờ. Hồi lâu lính Bảy reo lên cho hay Chín Song và Sáu Vĩnh đã bắt tay!

 

Chúng tôi lao xuống thang lầu chạy ra sân. Lính Bảy ngăn lại, nói để anh chạy trước ra cầu Huyền Báo xem sao. Chúng tôi không thể đứng chờ mà chạy theo sau lưng anh, đến cầu Huyền Báo thì gặp Chín Song, Sáu Vĩnh và anh em binh lính vô cùng mừng rỡ chạy lại ôm chầm lấy chúng tôi!

 

Một số đồn bót còn lại như đồn Cái Da Nhỏ, Cái Da Lớn, đồn Bà Bóng, đồn Nhà Dài, bọn lính co thủ bên trong. Chúng tôi giao cho Sáu Vĩnh dẫn đại đội dân vệ của anh ấy vừa trở về với cách mạng, đi kêu gọi các đồn này phải hạ súng qui hàng. Công việc tương đối nhẹ nhàng. Sáu Vĩnh chỉ việc dẫn quân đến trước cổng đồn, kêu đồn trưởng ra nói chuyện. Sau đó bọn lính lần lượt kéo ra nộp súng, không đứa nào dám ho một tiếng. Mặt trận bắc Mỹ Thuận đã hoàn toàn thắng lợi mà không đổ một giọt máu. Nói chính xác là quân ta có một chiến sĩ bị thương nhẹ ở cánh tay, do đạn nhọn của tụi lính giang thuyền bắn lên. Quân dân huyện Châu Thành và xã Tân Hòa làm chủ bến bắc Mỹ Thuận trong sáu ngày đêm và làm chủ tuyến quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1A), đoạn từ cầu Cái Đôi đến chợ Trường An trong hai mươi mốt ngày đêm. Cắt đứt hoàn toàn sự chi viện của địch từ Sài Gòn cho tiểu khu Vĩnh Long. Chiến dịch Mậu Thân chuẩn bị bước vào cao điểm 2. Sáng mùng 7 Tết tôi được lệnh về xã Phước Hậu để báo cáo với đồng chí Nguyễn Hoài Pho về tình hình chiến sự ở mặt trận bắc Mỹ Thuận. Chiều mùng 8 tôi trở lại xã Tân Hòa thì bàng hoàng đau đớn nhận được tin anh Thường hy sinh! Đứng trước mặt anh Chín Song tôi hét lớn: “Bộ hết quân rồi sao mà bắt Hai Thường cầm súng ra trận?”. Anh Chín Song đưa tay bảo tôi nên bình tĩnh, để từ từ anh nói: Chiều mùng 7, địch dùng nhiều tàu chiến ồ ạt đổ quân tái chiếm bắc Mỹ Thuận. Đơn vị của Chín Song tổ chức đánh trả. Tâm lý anh Thường có một chút gì đó như là sự mặc cảm. Anh kiên quyết đòi cầm súng lập công. Nhưng Chín Song cũng chỉ bố trí anh ở tuyến sau. Một loạt đạn đại liên dưới tàu sắt bắn lên trúng vào anh Thường. Anh ngã xuống trong vòng tay đồng chí đại đội phó địa phương quân và cố dùng hơi sức cuối cùng để thốt lên tiếng kêu khe khẽ: “Hồ Chí Minh muôn năm!”.

 

Lòng tôi ngậm ngùi thương tiếc. Anh Thường ơi, tôi gặp anh chỉ vỏn vẹn có 5 ngày mà cả đời không thể nào quên! Lúc đầu thì quá căng thẳng, hồi hộp. Kế đó thì chúng ta cùng vui với chiến thắng lớn lao. Giờ đây sao anh nỡ ra đi để lại trong tôi nỗi đau đớn như vầy!

(Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Hoài, nguyên cán bộ binh vận Quân khu 9)

 

Giải nhất cuộc thi bút ký tỉnh Vĩnh Long, 2004

Trần Thôi
Số lần đọc: 2408
Ngày đăng: 22.07.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
PARIS mùa hè không có chiều thời gian - Lê Duy
Ra Phú Quốc - Hồ Hùng
5 Năm tới, VIỆT NAM sẽ phát triển theo CÁCH MỚI - Huỳnh Kim
Trên cao nguyên hóa đá - Hồ Tĩnh Tâm
Kiên Lương biển nhớ - Hồ Tĩnh Tâm
Bão năm thìn trong ký ức người dân nam bộ - Trần Dũng
Một ngày không quên - Ngọc Thủy
Vành đai Bình Đức ngày ấy - bây giờ - Đậu Viết Hương
Khóm chua - Nguyễn Thanh Xuân
Đi thăm biển chết - Huỳnh Kim
Cùng một tác giả
Hương bồ kết (truyện ngắn)
Sông quê (truyện ngắn)
Cái tủ thờ (truyện ngắn)