Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
752
116.716.886
 
Tự truyện lên ngôi
Trần Thiện Đạo

Một hiện tượng hiếm thấy trong văn học Pháp: 5 cuốn sách thuộc loại ăn khách nhất ở nước này trong tháng qua (với lượng phát hành từ 130.000 đến 210.000 bản trong vòng một tháng) đều thuộc loại hồi ký hay tự truyện và tác giả đều là những nhân vật tên tuổi, sinh ra trong các gia đình tiếng tăm lừng lẫy trong xã hội.

 

Họ mượn giấy mực kể chuyện đời tư và bí mật gia đình nhằm giải tỏa uẩn ức chôn kín trong tâm thức. Điều đó cho thấy, như ở nhiều nước khác trên thế giới, trong văn học Pháp, thể loại hồi ký và tự truyện cũng đang lên ngôi.

 

Bí mật gia đình

 

Trước hết là Jean-Pierre Foucault với cuốn Le sourire aux larmes (Nụ cười đẫm lệ). Nhà trình diễn truyền hình có nụ cười và lời chào hỏi niềm nở, thu hút khán giả mấy chục năm nay này mồ côi cha từ lúc lên bốn: “Ba tôi bị ám sát bên Barr al-Djazair (Algeria), phải đợi tới 44 năm sau tôi mới đặt chân lên xứ sở này. Ai đã giết ba tôi như vậy và tại sao? Câu hỏi cứ ám ảnh trong đầu tôi cho đến tận bây giờ. Tôi gợi lại ở đây nỗi lòng đó trong mục đích giải tỏa tâm thần của mình”.

 

* Frederic Mitterrand, gọi cố Tổng thống Francois Mitterrand (1916-1996) bằng chú, đã phải chen vai thích cánh để nở mặt nở mày với thiên hạ bằng chính tài năng chứ không nhờ cái họ của mình. Cuốn tự truyện La mauvaise vie (Cuộc đời ngoài ý nguyện) vẽ nên tấn kịch của một con người không ngừng tự vấn về khoảng cách rộng lớn xen kẽ giữa cuộc sống sáng chói mà ông cho là hời hợt hiện tại và cuộc đời thật sự xứng với mơ ước của mình.

 

* Là trưởng nữ của triết gia thời danh Bernard-Henry Levy (có người ví ông với triết gia hiện sinh Jean-Paul Sartre), Justine Levy chẳng ngại bộc lộ, dù là dưới dạng tiểu thuyết tự sự, mảng đời tư mình vừa sống qua với cuốn Rien de grave (Có nghiêm trọng gì đâu). Năm 2000, Justine rủ chồng mới cưới là Raphael Enthoven nghỉ hè cùng với cha trong biệt thự của ông.

 

Hôm sau, Jean-Paul Enthoven, cha của Raphael và là nhà văn kiêm tổng biên tập một nhà xuất bản nổi tiếng, cũng được mời đến. Ông tới với cô bồ là ca sĩ siêu hạng Carla Bruni. Thế rồi Raphael và Carla (bồ của chính cha mình) bất ngờ cùng nhau cuốn gói trốn tiệt, người thì bỏ vợ, kẻ thì bỏ nhân tình…

 

* Cái tựa đề cuốn tự truyện Bouche cousue (Miệng hến) của Mazarine Pingeot tự nó đã nói lên số phận phải sống trong bóng tối nơi đứa con ngoại hôn của một vị tổng thống. Tuy là con ruột và con gái cưng của Francois Mitterrand, Mazarine đã phải lấy họ mẹ - Pingeot, thay vì Mitterrand theo thói tục. Bí mật gia đình này đương nhiên hóa thành bí mật quốc gia, khiến cho suốt thời niên thiếu, đương sự không ngừng phải sống trong môi trường “tranh tối tranh sáng”.

 

* Diễn viên kịch nghệ Benjamin Castaldi, cháu ngoại của nữ minh tinh màn bạc Simone Signoret (1921-1985), trút hết bầu tâm sự trong cuốn tự truyện Maintenant il faudra tout se dire (Rồi cũng phải trút hết bầu tâm sự) đã làm lung lay thần tượng Yves Montand (1921-1991) vốn là chồng kế của bà ngoại mình. Nam ca sĩ và diễn viên lừng danh Yves Montand, một thời cũng là người tình của cô đào Marilyn Monroe (1926-1962 - minh tinh Hollywood), đã chẳng ngại ve vãn con gái đời chồng trước của vợ và chính là mẹ của tác giả: Catherine Allegret. Bí mật được phơi bày khiến cho hình ảnh đẹp đẽ về cặp nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn S. Signoret/ Y. Montand bỗng nhiên bị rạn nứt, nhoẹt nhòe.

 

Tự sự

 

Mấy tập sách tự sự kể trên thuộc loại ăn khách, dĩ nhiên bán rất chạy. Ngoài chỗ tác giả là những nhân vật tên tuổi, lại xuất thân trong các gia đình danh giá, còn có điều gì đã thu hút độc giả như vậy? Nhà tâm lý học Jean-Pierre Winter phân tích: “Phần đông tác giả dám phơi trần những sự việc mờ ám mà thường tình chúng ta giấu nhẹm (loạn luân tình dục, ly thân, con rơi..). Chúng ta lấy làm thích thú chứng kiến các sự việc cười ra nước mắt trong bóng tối đó nay được bày ra trước mặt mọi người. Có thể xem đây là thứ tâm lý ngó trộm qua lỗ khóa...”.

 

Trên đây là về phía độc giả, còn về phía tác giả? Nguyên cớ gì khiến họ bỗng dưng trút hết bầu tâm sự như vậy? Lợi ích nào lại khiến họ đương nhiên xé rách tấm màn dày đặc che khuất những chuyện không hay đã xảy ra trong vòng bí mật gia đình mình? Lời giải đáp cũng không nằm ngoài lý do tâm lý.

 

Là con cháu những gia đình tài hoa, tiếng tăm vang lừng khắp mọi nơi trong và ngoài nước, họ nay có đủ phương tiện để tiết lộ những điều ô nhục đã phải âm thầm gánh chịu, không biết và cũng không dám thổ lộ cùng ai. Họ đã im lặng một thời gian dài và nay, khi được dịp cởi mở tấm lòng thì họ chẳng còn ngại ngùng gì nữa, dù có phải hạ bệ các thần tượng cùng máu mủ với mình.

 

Winter phân tích tiếp: “Những điều họ tiết lộ luôn luôn có tác động tương xứng với mức độ bí mật... Lý do cá nhân khiến họ đưa ra ánh sáng những chuyện mờ ám giấu kín trước kia tất nhiên là để giảm bớt uẩn ức canh cánh trong lòng. Nhưng liệu họ có thật sự được toại nguyện hay không?”.

 

Nhà xuất bản

 

Riêng về phía các NXB thì tự truyện quả như một mỏ vàng. Nhưng cũng phải có tay nghề, biết cách dung hòa hình thức và nội dung mới khai thác thành công. Ông Jean-Pierre Bertrand, giám đốc NXB du Rocher, trình bày cách “chế biến” tự truyện sao cho ngon ngọt như một món đặc sản: “Cuốn sách phải dày trên 180 trang để khỏi bị coi là ngắn, nhưng cũng không quá 280 trang để độc giả không thấy ngán trước khi đọc... Chương đầu phải hết sức hồi hộp, lôi cuốn, bắt độc giả háo hức đọc tiếp chương sau, rồi chương sau nữa... Độc giả chịu bỏ tiền ra mua là để biết được những chuyện chưa từng biết, cho phép họ bắt chuyện với bạn bè mà không bị hớ”.

 

Mấy lời vừa trích dẫn của một chuyên gia, dù vậy, cũng chỉ nói lên một phần nhỏ, rất nhỏ, những yếu tố làm nên hiện tượng sách tự sự được hâm mộ hiện nay.

 

Thể thao & Văn hóa 

Trần Thiện Đạo
Số lần đọc: 2108
Ngày đăng: 03.11.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Đình Chiểu nhân cách của một nhà văn hóa lớn - Nguyễn Văn Châu
Gốm đỏ vĩnh long - Nguyên Ngọc
Nhà văn Nguyên Ngọc: - Minh Thi
Hoàng Thu Dung và những "Điều không đơn giản"(*) - Cỏ May
Thân ốc với cọc không rêu hay là ảo ảnh văn chương sáo rỗng - Nguyễn Chí Hoan
Thu tế làng AN TRUYỀN - Tiểu Kiều
Cái hoang đường như là một toát yếu về cõi nhân sinh - Nguyễn Chí Hoan
Đinh thị Thu Vân : Những câu thơ em viết mất linh hồn - Trần Mạnh Hảo
Mộc Dục Luận & Thiền - Đặng Thân
Trần Ninh Hồ - quên và nhớ với thơ - Võ Thị Xuân Hà