Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
507
116.800.690
 
Chạm ngõ vô thường của Đặng Phú Phong
Cung Tích Biền

 

 

Văn là người. Thơ không thể không là người. Kẻ điên, thiền giả, người cổ quái, bọn trích tiên có thơ điên, thơ thiền, thơ quỷ, thơ tiên. Chàng cuồng mộng mê si có thơ tình. Ông quan to có thơ phò vua vinh chúa. Phải yêu rất mực mới có thơ rất tình. Phải thụ ân sũng, phải hiến lòng trung, mới có thơ đúng Đạo làm tôi.

 

Thi nhân là người nhiều nhanh nhạy trong cảm thụ, giàu chữ nghĩa, và trên hết là rung động khác người trước thiên nhiên và lẽ sống. Mỗi người thơ có một đời thơ mang đặc thù chính họ. Thơ người họ Đặng là vườn thơ thâm trầm nhưng phóng khoát. Của một thi nhân đậm chất thật thà, lãng tử, những vẫn nhiều nan vấn về tình yêu, cuộc sống, bao băn khoăn về hiện hữu.

 

Đặng Phú Phong một đời bỏ qua tất cả, nhưng với thơ thì chẳng bỏ qua được. Chỉ là say mê, dâng hiến. Chỉ là rong chơi trong cái khổ nạn tài tình.

 

Là, trực diện với một đời sống có thật; lại nổi trôi trên những băn khoăn siêu hình.

 

**

 

Đi vào cõi thơ Đặng Phú Phong ta gặp một dòng thơ khá giản dị, ngôn ngữ chỉ thuần nôm, tưởng là đơn thuần như ta đứng trước một bức tranh đơn sắc, nhưng sức lay động của nó, trong tâm cảm người thưởng ngoạn là rất mở rộng, dào dạt:

 

 

 

xin cái chết nhẹ nhàng

 

nhẹ nhàng cũng đã đến

 

đêm dấu mặt ra đi

 

một bài thơ dang dỡ

 

một con đường vẫn chờ

 

[Người một bước. thênh thang]

 

chiều rơi một bóng chim

dã quỳ giơ tay hứng

ôm hình tướng vô thường

bên kia bờ đá dựng

 

*

 

vừa một đoá hoa mơ trên vai nhỏ

em cung tay bắt nụ thiên thần

con dốc đó mùa xuân rơi. rớt

hạt trăm năm. ta níu, gỡ trăm lần

có xót xa vì đời lỡ. trót

tai ương nào cho buồn cả tương lai

biển không sóng là khi biển chết

em vẫn cười, sinh khí mãi trên môi

[Hạnh phúc và đợi chờ]

 

 

Đặng Phú Phong đã xuất bản rất nhiều tập thơ, mỗi tập thăng tiến một nấc thang, giả từ một nhịp điệu. Chạm ngõ Vô thường là một kẻ lạ với chính những trang thơ “nhuốm màu cổ điển” của chính mình trước đó.

 

Thơ Đặng Phú Phong, thuở, có thể gọi là tiền thân của Chạm ngõ vô thường:

 

Sớm mai tôi gọi người yêu dấu

 

Thay lời cầu nguyện Chúa trên cao

 

Sương lạnh không che màu nắng mới

 

Hoa vàng sót lại của chiêm bao

 

Phép lạ tôi quỳ lạy hư không

 

Đêm về gió thổi lạnh tràn hông

 

Con đường lấp ló cơn hồng thuỷ

 

Chúa ơi xin giữ vẹn mùa đông!

 

Màu em uyên ảo chao cây lá

 

Tay đẹp cho buồn thánh giá nghiêng

 

Rụng xuống hố sâu màu ly biệt

 

Để suốt đời không chút lụy phiền

 

Tôi cầu vô lượng đoá tâm liên

 

Một vút đêm đông tâm rất nguyên

 

Trăng phai. màu nhớ. thời gian tận

 

Đi giữa thanh tân em ảo uyên

 

 

 

Thơ của thưở vừa ra khỏi trại tù Cải tạo 1982:

 

Giở nón cúi chào người lối xóm,

Ô hay! Tai tưởng đã lầm nghe:

Này ông hành khất quê đâu nhỉ?

Tết đến rồi sao chẳng chịu về!

 

Mẹ già lặng đứng nhìn con, khóc

Mày thật! hay hồn ma trở về,

Mảnh khăn bao cát sao mà thảm,

Phong kín hồn con trong cõi mê….

 

Ngửa mặt hỏi Trời sao nông nỗi?

Trời sợ người nên vắng ngắt... hôn mê

Mười phương tám hướng tan hoang lạnh

 

Nuốt hận mà ngâm Khúc trở về

[Khúc trở về]

*

Đau kẻ tha hương về cố xứ,

Sụp nón ngang mày, tay bụm môi,

Đường xưa lối cũ, người vẫn cũ,

Chỉ tội hồn xưa khác mất rồi,

Mơ ước nhiều khi là cơm nguội,

Được nghe Mẹ nói một đôi lời,

Vuốt tóc thằng con nhìn nó lớn,

Ai ngờ chuyện ấy lại xa xôi

 

[Lãng tử hành]

 

Trong một bài viết về Đặng Phú Phong, Du Tử Lê có nhận xét:

 

“Tôi vốn có xu hướng quý, trọng những tác giả mà, ngay tự tác phẩm đầu tay, đã cho thấy tài năng sáng chói của họ. Như Huy Cận với “Lửa Thiêng”; Xuân Diệu với “Phấn Thông Vàng”;  Vũ Hoàng Chương với “Thơ Say”; Đinh Hùng với “Mê Hồn Ca” hay Nguyên Sa, với “Thơ Nguyên Sa; v.v... Nhưng tôi cũng không giấu diếm rằng, tôi sẽ rất thất vọng, nếu sau đó, họ không có thêm tác phẩm ngang bằng hoặc, hay hơn tác phẩm đầu tay, dù với lý do gì.

 

“Vì thế, căn bản, tôi vẫn nghiêng phần quý, trọng về những tác giả mà, sự nghiệp thi ca của họ, khởi đi, không cho cho thấy hoặc, không tạo được sự chú ý đáng kể. Nhưng, với thời gian, cuộc trường-chinh-chữ-nghĩa của họ, ngày một thành tựu, rực rỡ hơn. Tôi muốn gọi đó là khả năng “đường-trường” của những tài năng thi ca ấy”.

 

Quả thật, càng ngày họ Đặng càng đã đi vào những dòng thơ mới hơn, cùng ngôn ngữ ấy, nhưng sức biểu đạt lẫn biểu trưng thoát, rộng, và dẫn người thưởng ngoạn đi xa hơn trong suy tưởng

 

 

 

tất cả đều dấu hỏi                                                                                                                ai đứng. ngồi. không yên                                                                                                        có tự đâu thiên cổ                                                                                                                ngàn sau vẫn như nguyên

[Nếu em là mùa đông]

 

 chiều rơi một bóng chim                                                                                                         dã quỳ giơ tay hứng                                                                                                           ôm hình tướng vô thường                                                                                                       bên kia bờ đá dựng                                                                                                           mặt trời trốn vào đêm

[Tình yêu trốn vào đêm]

 

**

 

“tôi cởi tôi

chợt ngẩn ngơ xa lạ

tôi cởi tôi

tĩnh lặng ngó vô thường”

[cởi áo”]

 

Hoặc:

“tôi ly. em biệt đời sao vội

có hỏi trời xanh cũng chịu thôi

mấy cội thông già trơ mắt ngó

ly. biệt như đinh đóng suốt đời?”

 [ly. biệt chỉ mới là lạc nhau]

 

**

 

Chạm Ngõ Vô Thường là một thành công của Đặng Phú Phong. Nó cho ta những xúc cảm tràn đầy, những nỗi buồn kín đáo. Nó nới rộng bãi bờ của tình yêu. Nó là tâm sự của chúng ta, đi dưới hàng cây đổ bóng chiều, để thương về, để nhớ tới một ai. Một ai đó, đã từng…

 

Thi ca có nỗi kiêu hãnh, ung dung riêng nó. Bùi Giáng đã chẳng nói. “Thơ thì không có chi phải bàn qua bình lại. Muốn tương phùng thì chỉ làm một bài thơ khác để đáp vào trận địa một bài thơ nọ mà thôi”.

 

“Bây giờ em ở nơi đâu

 

Cỏ trong mình mẫy em sầu ra sao”

 

Bùi Trung niên Thy sỹ hỏi đấy. Hỏi làm sao? Bình luận được gì, trong một cái dấu hỏi, đã dặm dài, đong đầy một cái dấu chấm than!

 

Thơ Đăng Phú Phong, tự thân là đầy đủ. Những diễn dịch bên ngoài lắm khi làm biến mất, hoặc đổi dạng những ký gởi tài tình – ý, tình, tư tưởng – của chính tác giả.

 

Dòng thơ ấy là sương bóng, là thanh thoát, là mỗi “Vừa chạm”, mọi sự thế.

 

Đi trong cái thế giới mênh mông, chỉ nhìn ra một hạt cát. Nhìn qua một giọt nước, thấy là biển lớn.

 

**

 

Ngõ Vô thường chính là con đường tục lụy. Là chốn bụi hồng. Không hề có cái Thường. Chính Vô thường đã điều động muôn vật, vạn sự luôn dịch và biến. Chúng ta, chẳng ai đứng được lâu trong bóng mát. Và, cái gọi rằng dòng sông cũ là không bao giờ có. Mỗi phút giây nước chảy hoài. Hôm nay, chúng ta đang dưới ánh sáng của dĩ vãng. Nó luôn dội lại sự dìu dặt, trìu mến và thuần khiết. Chúng ta luôn long lanh vì sự Biến. Và, luôn Có hoặc luôn Vắng, vì lẽ Dịch.

 

Nhưng. Hà cớ chi? Chỉ là Chạm Ngõ! Phải chăng, là cái ngỡ ngàng của một người đã đi suốt sinh mệnh một đời người, nay vẫn mơ màng, nan vấn về sự hiện hữu của chính mình? Đã sống một cuộc dài dặt trong cõi hí trường của định mệnh Việt Nam, nội chiến, đấu tranh tư tưởng, khổ nạn, lìa bỏ quê nhà, lưu lạc nương thân xứ người, nghĩa là Đặng Phú Phong đã tận hưởng đầy đủ những trò đời, nay lại mới Chạm Ngõ? Rõ là một cốt cách, ứng xử của một kẻ đã từng trải chốn Vô thường. Rằng, cuộc lữ mỗi đời người, nghĩ ra, chẳng có Chung có Thỉ.

 

Ngõ Vào, cũng là chốn Ra. Nơi Đến cũng là chỗ sẽ Đi. Đi đâu? Là, đi Về.

 

 

 

Bồ Đề cốc, 9-2021


 

 

 

Cung Tích Biền
Số lần đọc: 577
Ngày đăng: 08.10.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hai “Quốc lễ” dân gian tiêu biểu của người Việt: Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ - Nguyễn Anh Tuấn
Tôi đang viết "Nguyễn Huy Thiệp - Tiểu truyện cuối cùng" [Kỳ 6/6] - Đỗ Quyên
Vĩnh biệt họa sĩ, nhà thơ Lê Thánh Thư - Trần Dzạ Lữ
Một đêm huyền diệu - Elena Pucillo Truong
Đằng sau lũy tre xanh đang suy tàn - Nguyễn Anh Tuấn
Ba chiêu thức mở đường cho thơ đi tới bến - Phạm Đức Nhì
Thanh cao là gì? - Võ Công Liêm
Tôi đang viết "Nguyễn Huy Thiệp - Tiểu truyện cuối cùng" [Kỳ 5/6] - Đỗ Quyên
Nhất Linh sống mãi - Trần Yên Hòa
Tôi đang viết "Nguyễn Huy Thiệp - Tiểu truyện cuối cùng" [Kỳ 4/6] - Đỗ Quyên