Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
694
116.733.456
 
Làm sao công cuộc cách mạng thơ ca Việt Nam sẽ có trong nay mai
Lê Hưng Tiến

           

Như chúng ta cũng biết, không khí hoạt động văn chương ở nước ta trong những năm gần đây rất sôi nổi, thiết thực, đánh dấu những bước ngoặc lớn trong đời sống văn học bằng nhiều phong cách mới lạ, nhiều thủ pháp nghệ thuật đa dạng được ra đời bởi các hiện tượng của đất nước trên tiến trình hội nhập và phát triển văn hóa thế giới. Bên cạnh đó, nhiều tên tuổi đã được khẳng định chính mình với những nỗ lực mạnh mẽ, táo bạo và quyết liệt trong tư duy sáng tạo, nỗ lực tìm cái mới hơn cái mới nữa, nhằm phá vỡ kết cấu của diễn đạt trong lối kiến trúc ngôn ngữ cũng như hình tượng biểu hiện, mục đích đem đến người đọc một cách nhìn- cách cảm mới, lạ và hay, góp phần tạo diện mạo mới cho nền thi ca Việt Nam.

 

Để có được những cống hiến trên, đòi hỏi người viết phải hội đủ các phẩm chất đạo đức, tư cách, thể cách, vốn văn hóa và bản lĩnh của mình. Cá tính. Nghị lực. Chấp nhận. Thời cơ chính là một trong những yếu tố quyết định thành công trong sự nghiệp sáng tác.

Mặc dù vậy, giới sáng tác văn học Việt Nam hiện nay đang trong những điều kiện tương đối thuận lợi nhưng tại sao vẫn chưa làm được công cuộc Cách mạng thơ? Trong khi đó những gương mặt sáng giá đã làm nên lịch sử văn học trong những năm qua, có thể kể vài tên tuổi điển hình từ Bắc chí Nam: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Mai Văn Phấn, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Văn Cầm Hải, Lê Vĩnh Tài, Inrasara, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Ly Hoàng Ly,… Cạnh đó chính sự xuất hiện của nhóm Mở Miệng, nhóm Ngựa Trời cũng đã và đang góp phần tạo nên bức tranh văn chương nhiều màu sắc sinh động, ấn tượng. Hơn nữa còn có cả một đội ngũ chuyên nghiệp về lĩnh vực nghiên cứu- lý luận- phê bình quy tụ bao tên tuổi nổi tiếng: Chu Văn Sơn, Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Xuân Nguyên, Inrasara, Văn Giá, Nguyễn Mạnh Tiến, Nguyễn Hòa,… nhưng đến nay công cuộc Cách mạng thơ vẫn chưa hiện diện.

Từ khi cơ chế bắt đầu mở cửa, nhiều luồng khí văn hóa ở nước ngoài ồ ạt xâm nhập và được ta tiếp thu, tiếp biến rồi phát triển nâng lên bậc. Và để bắt nhịp với xu hướng thời đại toàn cầu hóa, đội ngũ sáng tác đã không biết mệt mỏi tìm tòi- nghiên cứu; khai thác- khám phá rồi sáng tạo- đổi mới chỉ vì mục đích đáp ứng nhu cầu thỏa mãn văn hóa nói chung. Từ đó sản sinh ra nhiều giọng điệu mới lạ, nhiều thể loại và hình thức mới cùng với nhiều thủ pháp kết cấu phong phú, đa phong cách. Có lẽ lớp trẻ ngoài việc kế thừa từ những tinh hoa truyền thống của cha ông ta mà còn biết vận dụng tốt cái mới để sáng tạo. Do vậy, hiển nhiên trong đời sống văn học xuất hiên nhiều ý niệm về thơ: thơ trình diễn, thơ tân hình thức, thơ thị giác, thơ sắp đặt,… Có thể kể ra đây vài nhân vật đã hình thành cho sự cách tân táo bạo đó: Nguyễn Hữu Hồng Minh, Mai Văn Phấn, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Văn Cầm Hải, Trương Quế Chi, Nguyễn Thúy Hằng, Nguyễn Vĩnh Tiến, Trần Tuấn, Trương Trọng Nghĩa, Huỳnh Thúy Kiều, Nguyệt Phạm, Đồng Chuông Tử, Trịnh Sơn,…

Rồi thập niên qua, phong trào thơ với tinh thần hậu hiện đại xuất hiện tạo nên một không khí mới. Các tên tuổi để lại nhiều dấu ấn có thể kể: Inrasara, Lê Anh Hoài, Lê Vĩnh Tài, Lý Đợi, Bùi Chát, Ly Hoàng Ly, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Vũ Thành Sơn, Tuệ Nguyên, Lưu Mêlan, Liêu Thái…

Mặc dù vậy, cho đến nay công cuộc Cách mạng thơ vẫn chưa hiện diện. Vì sao vậy ?

Theo Inrasara nhận định về những nguyên nhân sau đây: “Một cuộc cách mạng văn chương cần hội đủ bốn yếu tố. Trước hết, họ là người viết cùng thời, cùng quan điểm sáng tạo có khả năng dựng nên một trường thơ; thứ hai: chính họ phải lập ngôn cho hệ mĩ học sáng tạo của nhóm, của phong trào mình; thứ ba là nhóm thơ ấy có được diễn đàn độc lập; cuối cùng: cần có một lớp độc giả được chuẩn bị tinh thần và tri thức để sẵn sàng đón nhận tác phẩm của họ.

Xét cả 4 yếu tố, nền thi ca Việt Nam hiện nay đang thiếu, thiếu lớn! “

Chủ quan của tôi thì nghĩ thêm rằng, để có một cuộc cách mạng thơ, chúng ta cần phải có thêm một yếu đó nữa, đó là sự tôn trọng thơ. Nền nghệ thuật VN vốn èo uột, suốt thế kỷ 20, thơ là một sự nổi trội, và hình như hiện nay vẫn thế, nhưng chúng ta (nhà quản lý, người làm thơ) chưa có đủ sự tôn trọng nó thì làm sao nói đến cách mạng.

 

Để công cuộc Cách mạng thơ ca Việt Nam ngày càng định hình rõ ràng, thiết nghĩ giới sáng tác trẻ chúng ta hôm nay ngoài tinh thần đoàn kết, nhiệt huyết, đam mê sáng tạo nhưng cần phải tư duy sáng suốt trong tính cách đột phá cái mới, vì cái mới vốn dĩ là tâm thức về văn hóa và sáng tạo. Hơn nữa chúng ta phải chuẩn bị cho mình có được ý thức về cả hợp chất Tư tưởng - Nghệ thuật- Ngôn ngữ để làm kim chỉ nam cho tư duy sáng tạo và sự cách tân táo bạo, nhằm đóng góp cho sự nảy nở hàng loạt những trào lưu, khuynh hướng cũng như các trường phái có ảnh hưởng ra ngoài thế giới.

 

Đặc biệt hơn bao giờ hết, Hội Nhà văn Việt Nam cần quan tâm sâu sắc với đội ngũ sáng tác trẻ bằng việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, các đợt tham quan thực tế, các hội thảo bàn tròn văn học hoặc xây dựng các chuyên đề, các buổi nói chuyện thường xuyên ở các địa phương, ở những trường học lớn, để họ thấy được tính chất các sự kiện- hiện tượng quan trọng của đất nước, qua đó tạo cho họ không chỉ niềm đam mê, hăm hở sáng tạo mà còn khẳng định trách nhiệm của mình trên con đường hoạt động văn chương đầy gian khó.

Song hành với việc chăm lo phát hiện bồi dưỡng sáng tác trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam cũng nên mạnh dạn đầu tư tổ chức các lớp bồi dưỡng, các lớp tập huấn thường xuyên theo định kỳ cho những người làm công tác biên tập, những người chủ chốt tạp chí, báo đài, báo mạng,… qua đó, họ vừa nâng cao năng lực nghề nghiệp để có khả năng mở rộng cách đánh giá- nhìn nhận về các tác phẩm một cách thông thoáng hơn, chính xác hơn và đúng hướng hơn; vừa nắm bắt kịp hơi thở mới mẻ, táo bạo và rất trí tuệ của sáng tác trẻ; đồng thời giữa sáng tác trẻ và người làm biên tập nhất định sẽ tìm được điểm chung về sự đồng cảm- cộng cảm với nhau để có những cống hiến lớn làm nên sự kiện- hiện tượng nổi bật của các trào lưu, các trường phái. Và biết đâu trong nay mai, công cuộc Cách mạng thơ ca Việt Nam sẽ làm nên diện mạo văn học cho nước nhà và cho cả thế giới.

 

 

Lê Hưng Tiến
Số lần đọc: 546
Ngày đăng: 14.12.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Từ Sâm – nỗi làng đau đáu - Bùi Thị Diệu
Làm văn - Võ Công Liêm
Thơ Quang Dũng nhìn từ trường tiếp nhận của phê bình văn học miền Nam 1954 – 1975 (*) - Trần Hoài Anh
Rồng – từ biển Đen tới đất Việt - Đỗ Ngọc Giao
Quán Văn, mười năm trong một thoáng. - Elena Pucillo Truong
Một nghệ sĩ cô đơn. Một người thầy nhân hậu. - Nguyễn Anh Tuấn
Nguyễn Ngọc Thiện với cảm quan nghiên cứu văn học miền Nam trước 1975 - Trần Hoài Anh
Chất liệu cuộc sống và tư tưởng thẩm mỹ trong truyện ngắn của Nguyễn An Bình - Hoàng Thị Bích Hà
Trần Hoài Thư và những vết thương không ngừng rướm máu. - Trương Văn Dân
Chúc mừng Thư Quán Bản Thảo Hai Mươi Tuổi - Trần Thị Nguyệt Mai