Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
676
116.701.146
 
Triết lý nhân sinh của người Nam bộ qua truyền thuyết dân gian buổi đầu chống thực dân Pháp
Võ Phúc Châu

 

(The human philosophy of the Southern Vietnamese through folk legends 

of the early days against French colonies)

 

 

Từ khóa: đạo làm cha mẹ, đạo làm con, đạo làm nghĩa binh, người Nam bộ, thực dân Pháp, triết lý nhân sinh, truyền thuyết dân gian

Keywords: parents’ duties, children’s morals, virtues of warriors, Southern Vietnamese, French colonies, the human philosophy, folk legends

 

Người dân Nam Bộ, từ khi mở cõi, đã đối mặt với bao nghịch cảnh. Để chống chọi với những nghịch cảnh này, họ phải đánh đổi bằng cả chính sinh mạng của mình. Một trong những nghịch cảnh khốc liệt nhất đã xảy ra với họ chính là cuộc đấu tranh chống lại thực dân Pháp xâm lược. Biết bao cuộc khởi nghĩa đã bùng lên. Những cuộc chiến sinh tử đã khiến họ nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của sự sống, ý nghĩa của cái chết. Từ đó, họ biết mình là ai, mình phải làm gì, mình sống để làm gì, mình sẽ chết như thế nào… Tất cả được người đời sau biết đến qua những truyền thuyết dân gian về buổi đầu chống Pháp ở Nam Bộ. Chúng tôi gọi đó là những triết lý nhân sinh của người Nam Bộ qua truyền thuyết dân gian buổi đầu chống thực dân Pháp. Những triết lý nhân sinh ấy được thể hiện qua đạo làm con, đạo làm cha mẹ, đạo làm dân, đạo làm nghĩa binh, đạo làm tướng lĩnh.

 

Since the expansion of the territory to the south, Southern Vietnamese have faced numerous difficulties. And the struggles against these difficulties even cost them their lives. One of the most severe adversities they had to overcome is the fight against the invasion of French Colonial Empire. There were a huge number of revolutionary strikes at that time. Through the deathly wars, Southern Vietnamese had understood the meaning of life and the meaning of death. Since then, they knew who they are, what they could do, what they lived for and how they would die. All of those heroic acts and behaviors are known by later generations through folk legends of the early days  against French colonies in the south. We call those things are the human philosophy of Southern Vietnamese through folk legends  of the early days against French colonies. These human philosophies are shown by children’s morals, parents’ duties, moral ethics and virtues of warriors and the leaders...

 

MỞ ĐẦU

 

Người dân Nam Bộ, từ khi mở cõi, đã đối mặt với bao nghịch cảnh. Để chống chọi với những nghịch cảnh này, họ phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, kể cả bằng chính sinh mạng của mình. Một trong những nghịch cảnh khốc liệt nhất đã xảy ra với họ chính là cuộc đấu tranh chống lại thực dân Pháp xâm lược. Biết bao cuộc khởi nghĩa đã bùng lên. Những cuộc chiến sinh tử đã khiến họ nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của sự sống, ý nghĩa của cái chết. Từ đó, họ biết mình là ai, mình phải làm gì, mình sống để làm gì, mình sẽ chết như thế nào… Tất cả được người đời sau biết đến qua những truyền thuyết dân gian về buổi đầu chống Pháp ở Nam Bộ. Chúng tôi gọi đó là những triết lý nhân sinh của người Nam Bộ qua truyền thuyết dân gian buổi đầu chống thực dân Pháp. Tuy nhiên, do con người Nam Bộ trọng thực tiễn, không thích giáo điều, không quen triết lý nên thật khó tìm thấy trong tác phẩm những lời giáo huấn thuần túy về cuộc đời, về lẽ tử sinh… Chỉ thông qua cách hành xử và lời nói cuối cùng của các bậc anh hùng dũng liệt mà chúng ta mới nhận thức sâu sắc những triết lý nhân sinh này. Hiện lên trong truyền thuyết là cách sống và triết lý sống cao đẹp của các vị anh hùng: Trương Định, Thiên Hộ Dương, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực… cùng các bộ tướng trung thành và những người dân một lòng theo cờ đại nghĩa.

Cuộc đời họ là những minh chứng sáng rõ cho đạo làm người khi có giặc ngoại xâm:  đạo làm con, đạo làm cha mẹ, đạo làm dân, đạo làm nghĩa binh, đạo làm tướng lĩnh.

 

NỘI DUNG

 

Trước khi trình bày nội dung bài viết, chúng tôi xin được giới thuyết nội hàm các khái niệm: “triết lý sống”, “triết lý nhân sinh”, “đất Nam Bộ”, “người Nam Bộ”.

Theo Từ điển Tiếng Việt, “triết lý” là quan niệm chung của con người về những vấn đề nhân sinh và xã hội (Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, NXB KHXH&Trung tâm Từ điển học, Hà Nội, 1994, tr.1000). Còn “nhân sinh” là cuộc sống của con người; “nhân sinh quan” là quan niệm thành hệ thống về cuộc đời, về ý nghĩa, mục đích cuộc sống của con người (Sđd, tr.688). Từ đây, chúng tôi xin được hiểu “triết lý nhân sinh” hay “triết lý sống” là những quan niệm chung của con người về chính cuộc sống của mình, về ý nghĩa, mục đích cuộc sống của mình.

Về đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của đất Nam Bộ, chúng tôi đồng tình với lý giải của Trần Minh Thuận trong bài viết “Đôi nét về tính cách người Nam Bộ”: “Nam Bộ là vùng đất cuối cùng phía Nam của đất nước, nằm trong lưu vực hai con sông Đồng Nai và Cửu Long, chủ yếu ở vùng hạ lưu hai con sông lớn này. Nam Bộ nằm rất gần biển Đông, là một vùng châu thổ màu mỡ với nhiều cửa sông đổ ra biển. Chính điều này đã tạo nên một Nam Bộ trù phú, với biết bao huyền thoại thời mở đất (…) Trên vùng đất mới còn hoang sơ, rừng thiêng nước độc, hùm beo, rắn rết đầy rẫy, vừa khơi dậy tiềm năng khai thác dồi dào vừa là một thách thức nghiệt ngã đối với những con người phải dấn thân” (Trần Minh Thuận, nguồn www.namkyluctinh.org).

Còn người Nam Bộ, người là ai? Khi bàn về tính cách người Nam Bộ, Trần Minh Thuận phát hiện: “Trong buổi đầu khai khẩn vùng đất Nam Bộ, chúng ta thấy có đủ hạng người đến đây quần tụ: phần đông là những người mất phương kế sinh nhai nơi quê cũ vì rất nhiều lý do mà giai cấp thống trị phong kiến ràng buộc họ như bị tước đoạt ruộng đất, những người chống đối lại triều đình, trốn lính, hay những kẻ phải mang những bản án vào thân… Tất cả họ đều muốn tìm một cuộc sống mới trên vùng đất mới dù biết trước những khó khăn, khắc nghiệt không dễ vượt qua”. (Trần Minh Thuận, Sđd).

Từ đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của vùng đất Nam Bộ qua lịch sử thăng trầm, Trần Minh Thuận đã khái quát được những phẩm chất tốt đẹp của con người Nam bộ: yêu nước nồng nàn; hào phóng, hiếu khách; trọng nghĩa khinh tài; ngang tàng nhưng khẳng khái.

Trong bài viết này, chúng tôi xin phép chỉ khảo sát nội hàm khái niệm triết lý nhân sinh qua nhận thức của người Nam Bộ về ý nghĩa của sự sống, ý nghĩa của cái chết. Cụ thể, họ tự nhận thức giữa cuộc đời trần thế này, mình là ai, mình phải làm gì, mình sống để làm gì, mình sẽ chết như thế nào…

Những triết lý nhân sinh này được chúng tôi khảo sát, mô tả và khái quát từ hành động và phát ngôn của các nhân vật trung tâm trong hệ thống truyền thuyết dân gian Nam Bộ, giai đoạn từ 1858 đến 1918[1].

Cụ thể, những triết lý nhân sinh đó là:

- Đạo làm con phải tròn chữ Hiếu;

- Đạo làm cha mẹ phải dạy con không bán nước, thà chết vinh hơn sống nhục;

- Đạo làm dân, dù phải chết cũng giúp đỡ, chở che những anh hùng cứu nước

- Đạo làm nghĩa quân phải trung thành cùng chủ tướng

- Đạo làm tướng lĩnh phải sẵn sàng vị quốc vong thân

Do giới hạn số trang của bài viết, chúng tôi xin chủ yếu dùng thao tác chứng minh để làm rõ các luận điểm mà không đi sâu giải thích chúng bằng đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của vùng Nam Bộ như hướng khai thác của Trần Minh Thuận.

 

1. Đạo làm con phải tròn chữ Hiếu

 

Từ xa xưa, chữ Hiếu đã trở thành đạo lý làm người, không chỉ có trong Nho giáo mà còn trải khắp nhân gian: “Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con”. Chữ Hiếu không phải của riêng người dân Nam Bộ. Nhưng chữ Hiếu hiện lên rất riêng ở Nam Bộ, nơi có những người con phải đau đớn đặt cha mẹ mình lên bàn cân, lựa chọn giữa nợ nước - tình nhà.

Đó là ông Nguyễn Trung Trực, người con thứ năm của một gia đình chài lưới ở xóm Nghề – xóm của những người chuyên nghề hạ bạc – thuộc phủ Tân An (nay là ấp 4, xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Mồ côi cha từ nhỏ, ông sống với mẹ già trong cảnh thanh bần. Ngày ngày, ông đánh cá, cháo rau nuôi mẹ. Căm thù giặc Tây xâm lược, ông xót xa gác lại chữ Hiếu, xin mẹ lên đường đánh giặc. Thời gian ông luyện binh ở Hà Tiên, Phú Quốc, tên Việt gian Lãnh binh Tấn ra sức tìm ông để dụ hàng. Không bắt được ông, nhưng biết lòng hiếu thảo hiếm có của ông, hắn hèn hạ tìm bắt mẹ ông. Bắt được bà rồi, bọn giặc tung tin, nếu ông Nguyễn không sớm về đầu thú thì Pháp sẽ thắt họng người mẹ, làm gương cho dân chúng. Nghe tin dữ, ông ôm mặt khóc ròng: “Chữ trung chưa trả hết, chữ hiếu xử sao đây?”. Để cứu mẹ, ông đành từ biệt nghĩa binh, ra trình diện bọn Pháp. Giặc buộc ông tự tay làm tờ đầu hàng và xin lãnh một chức vụ của Pháp. Ông Nguyễn cương quyết nói rằng có thể hiến đầu mình để chuộc mẹ già, chứ không bán rẻ uy danh một người cầm binh đánh giặc để làm tôi mọi cho lũ ngoại xâm.

Đó là ông Hồ Huân Nghiệp, người làng An Định, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, một trí thức đứng về phía nhân dân chống giặc. Trong khi bạn bè theo đuổi con đường khoa cử thì ông lấy niềm vui là phụng dưỡng cha mẹ già, Khi thân phụ ông là Hồ Lợi tạ thế, ông làm nhà ở bên mộ, ngày ngày hương khói cho cha và tận tình chăm sóc mẹ. Lòng hiếu của ông làm cảm động mọi người, khiến người người tin tưởng, theo ông đánh giặc.

Đó còn là ông Phan Văn Đạt, tự Minh Phủ, quê ở thôn Bình Thanh, huyện Tân Thanh, tỉnh Gia Định. Thân phụ ông là Phan Văn Mỹ, tính người cao nhã, giữ nết khiêm cung, trọng đãi hiền sĩ. Chịu sự giáo dục nghiêm cẩn của thân phụ, từ nhỏ ông đã đứng đắn như người lớn, hết lòng hiếu thảo với mẹ cha. Tháng 3 năm Tân Dậu 1861, thân phụ ông tạ thế. Ông lo tang lễ cha chu đáo. Chôn cất cha xong, chữ Hiếu đã tròn, ông bùi ngùi bảo các bạn thân: “Việc riêng của tôi thế là xong. Từ nay về sau, tôi sẽ tùy theo tạo hóa vần xoay!”. Từ đó, ông cùng với Trịnh Quang Nghị phất cao cờ khởi nghĩa chống Pháp cho đến ngày sa cơ, bị kẻ thù hành quyết…  

Có thể thấy, những anh hùng kháng Pháp ở Nam Bộ, dù xả thân vì nghĩa lớn nhưng ai nấy luôn vẹn tròn đạo lý làm con. Chữ Hiếu của họ khiến kẻ thù kính sợ; nhân dân cảm phục, tôn thờ. Cuộc đời họ, với tư cách người con, đã làm đẹp thêm một triết lý nhân sinh: đạo làm con phải vẹn tròn chữ Hiếu.

 

2. Đạo làm cha mẹ phải dạy con không bán nước, thà chết vinh hơn sống nhục

 

Từ xưa, công đức và đạo làm cha mẹ được người đời ghi thành chín chữ cù lao. Những người cha cày bừa nặng nhọc trên đồng, những người mẹ dãi dầu gạo chợ nước sông, không quản gian lao, sớm ngày nuôi con khôn lớn. Những người cha người mẹ trên vùng đất mới phương Nam ngày xưa cũng đã tìm hạt lúa củ khoai nuôi con như vậy. Họ dạy con mình biết ăn vóc học hay; uống nước nhớ nguồn… Nhưng biến cố lịch sử xảy ra với đất nước khiến họ không thể ngồi dạy con những đạo lý đời thường. Bấy giờ, bọn thực dân xâm lược thẳng tay tàn sát người dân Việt Nam yêu nước. Một số kẻ ham bả vinh hoa đã trở thành Việt gian, khom lưng theo giặc. Vì chút lợi danh, chúng xông xáo dẫn đường cho kẻ thù tìm bắt, sát hại biết bao anh hùng nghĩa sĩ và những người dân yêu nước.

Trước tình cảnh đầy khổ nhục của đất nước, bằng chính cách hành xử quyết liệt của mình trước kẻ thù, bằng tình thương và cả sự nghiêm khắc, những người cha người mẹ Nam Bộ đã dạy con bài học nhân sinh: không bán nước; thà chết vinh hơn sống nhục.

Đó là tấm gương cụ Phan Thanh Giản, một đại thần triều Nguyễn, quê ở Kiến Hòa (Bến Tre). Cụ có hai người con dũng lược là Phan Liêm và Phan Tôn. Những ngày cuối đời, cụ sống trong trầm uất vì bị mang tiếng là bán nước. Trước phút lâm chung, cụ Phan gọi các con lại mà trăn trối. Cụ dặn các con không được làm quan cho thực dân Pháp, phải sống thanh bạch, không cho quyền lợi vật chất cám dỗ. Từ tâm nguyện của cha, Phan Liêm và Phan Tôn khởi binh chống giặc. Hai người thảo tờ hịch, chiêu mộ hào kiệt đánh Tây. Nhân dân các vùng Bến Tre, Vĩnh Long, Sa Đéc lớp lớp theo hai ông phất cờ đại nghĩa.

Đó là tấm gương bà mẹ già trên 80 tuổi của Phủ Cậu Trần Xuân Hòa ở Định Tường (tỉnh Tiền Giang ngày nay)[2]. Khi Phủ Cậu xây dựng đồn Tân Thành chống Pháp, bọn giặc tìm bắt được mẹ ông. Chúng treo bà cụ trên bờ thành, định dùng kế Từ Thứ, xui bà gọi con ra hàng. Bà mẹ tỏ thái độ cương quyết, không nghe lời quân giặc. Bà chấp nhận bị quân thù xử bắn. Phủ Cậu nén đau thương, tiếp tục duy trì công cuộc giữ đồn, đợi ngày khởi nghĩa. Không may, ông bị sa vào tay giặc. Quyết không để chúng làm nhục thanh danh, ông liền cắn lưỡi tử tiết.

Đó là bà mẹ của anh hùng Nguyễn Trung Trực. Tuy không có những lời răn dạy truyền đời cho con nhưng thái độ và cách hành xử của bà đã định hướng cho ông Nguyễn chọn “cái chết hóa thành bất tử” (lời thơ Tố Hữu). Khi hay tin con trai chỉ vì chữ Hiếu mà chấp nhận bãi binh, bà mẹ ông đau buồn khôn xiết. Đau buồn vì một phút mềm lòng mà con mình đem chôn chí lớn nên bà sanh bệnh mấy hôm rồi thổ huyết chết. Cái chết quyết liệt của người mẹ đã tiếp lửa cho ông Nguyễn kiên trung, giữ gìn khí tiết tới phút sau cùng..

Đó là cụ Cai tổng Lâm Quang Diêu, người vùng Tà Niên (Rạch Giá), là thân sinh ông Lâm Quang Ky – bạn thân của anh hùng Nguyễn Trung Trực. Bấy giờ, ông Nguyễn bị giặc Pháp và tay sai ruồng bố, dụ hàng. Lâm Quang Ky muốn học gương Lê Lai cứu chúa. Ông lập kế, giả dạng làm ông Nguyễn ra hàng. Trước khi nạp mình, ông đem khay trầu rượu, vành khăn tang và rót ly rượu, đến quỳ trước mặt thân sinh để xin tha tội bất hiếu. Cụ Lâm Quang Diêu tán đồng nghĩa cử và sự hy sinh của con mình. Thay cho lời khuyên dạy, ông đã nâng ly rượu uống và ca ngợi hành động của con. Được cha ủng hộ, Lâm Quang Ky đã hoàn thành tâm nguyện. Lúc giặc chém đầu ông, chúng vẫn tưởng là đã tiêu diệt được người anh hùng Nguyễn Trung Trực.

Đó là bà Cố Quản Nguyễn Thị Thạnh, vợ Đức Cố Quản Trần Văn Thành, người dấy binh chống Pháp ở vùng Bảy Thưa (An Giang). Bà Cố Quản luôn sát cánh cùng chồng lo cho nghĩa quân. Bà cũng hết lòng dạy dỗ các con thành người yêu nước. Bấy giờ, con trai thứ tư của ông bà là Trần Văn Chái làm tiên phong bảo vệ đồn Trung Hưng. Không may, Trần Văn Chái bị thương, sa vào tay giặc. Chúng bắt giam anh ở nhà ngục An Giang. Chúng ra sức dụ dỗ và đem lợi lộc ra mua chuộc. Biết được ý đồ của giặc, bà Thạnh viết một lá thơ, gói chung với một con dao nhỏ thật sắc, rồi nhét tất cả vào giữa một đòn bánh tét. Bà  nhờ người thân tín đưa vào cho con. Trong thư, bà khuyên con phải giữ gìn khí tiết và thanh danh của cha mẹ. Nếu thấy không được thì hãy can đảm tự xử bằng con dao mà bà gởi vào. Mấy hôm sau, có tin từ nhà ngục đưa ra: Trần Văn Chái đã tự tử. Năm ấy, chàng mới vừa 18 tuổi.

Và còn nhiều nữa, những vị anh hùng chống Pháp, với tư cách người cha, đã trăn trối, không cho con mình theo giặc. Đó là ông Đỗ Tường Tự ở Long An. Khi được gia đình tế sống, ông bình thản bồng hai người con trai lớn tên là Hiệu và Tị để ngồi trên đùi và dặn vợ: “Ta sống thì chống Pháp tới cùng, đến chết mới thôi. Ta cấm tất cả con cháu, không một đứa nào được ăn cơm của Tây. Ta chết ở đâu thì chôn ở đó và cũng đừng xây mồ mả gì!”.

Đó còn là ông Sáu Hải, người lính mõ của Thủ Khoa Huân. Sau khi cuộc khởi nghĩa của Thủ Khoa Huân thất bại, ông về sống ẩn dật ở xã Vĩnh Kim (Tiền Giang). Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông gọi vợ con đến bên giường và bảo: “Ta vừa chợp mắt, thấy quan lớn Thủ Khoa Huân cho lính đem trát hỏa tốc về gọi, nên ta phải thu xếp đi ngay!”. Ông còn nghiêm nghị dặn các con: “Ta cấm chúng bây không đứa nào được làm việc cho Tây! Nếu không nghe lời, ta sẽ thưa với quan lớn, xin phép về vặn họng cho chết!”. Nói xong, ông mới từ từ tắt thở.

Có thể nói, những người cha người mẹ ở Nam Bộ vào buổi đầu chống Pháp thực sự là những tấm gương cao cả về nhân cách và đức hy sinh. Những lời khuyên bảo con giữ gìn khí tiết, thái độ quyết liệt trước quân thù, tư thế sẵn sàng đón nhận cái chết… tất cả cùng thể hiện một triết lý sống cao quý – đạo lý của những bậc làm cha mẹ khi đất nước bị giặc xâm lăng: không bán nước, thà chết vinh còn hơn sống nhục!

 

3. Đạo làm dân, dù phải chết cũng giúp đỡ, chở che những anh hùng cứu nước

 

Khi đất Nam Bộ bị thực dân Pháp xâm chiếm, những sĩ phu yêu nước lần lượt đứng lên, dựng cờ tụ nghĩa. Biết bao dân nghèo, văn thân vì “mến nghĩa” mà “làm quân chiêu mộ” (chữ dùng của Nguyễn Đình Chiểu). Một số sĩ phu tự lấy đất vườn nhà làm nơi đóng quân, dùng của cải gia đình làm kinh phí nuôi quân. Nhưng phần nhiều đều dựa vào nhân dân. Chính nhân dân đã nuôi dưỡng nghĩa binh, bảo vệ những người anh hùng. Qua khói sương truyền thuyết, đã hiển hiện hình ảnh, tên tuổi những con người nghĩa khí, đại diện cho tấm lòng mộ nghĩa của quần chúng nhân dân.

Đó là bà Trần Thị Sanh, người con gái thứ sáu (gọi theo Nam Bộ) của một thế gia vọng tộc tại Gò Công[3]. Khi nghĩa quân Trương Định chiếm lại vùng Gò Công từ tay Pháp, Trương Định gặp bà Trần Thị Sanh. Cảm quý tinh thần yêu nước của Trương Định, bà đã đem biết bao tài sản để giúp đỡ cuộc khởi nghĩa. Bà cung ứng tiền cho Trương Định làm vốn khai khẩn đất hoang vùng Gia Thuận, tích trữ lúa gạo, tạo nguồn hậu cần cho cuộc khởi nghĩa. Một năm nọ, miền Trung thất mùa. Giặc Pháp phong tỏa cửa khẩu Gia Định, khiến triều đình bối rối. Bà Sanh liền đưa tiền cho Trương Định mua hàng vạn hộc gạo chuyển ra, với danh nghĩa là của nghĩa quân cứu trợ dân miền Trung. Nhờ vậy, nghĩa quân Trương Định càng thêm uy tín lớn đối với nhân dân và triều đình.

 

Đó là ông bá hộ và người con gái xinh đẹp ở thôn Hòa An (Cao Lãnh) với tấm lòng mộ nghĩa. Lần nọ, Đốc binh Kiều và một số nghĩa quân của Thiên Hộ Dương cải trang làm thương buôn, lỡ đường ghé nhà ông bá hộ xin một bữa cơm. Ông và con gái là nàng Bướm tiếp đãi nồng hậu đoàn khách buôn. Khi Đốc binh Kiều chuẩn bị trả tiền cơm và tạm biệt lên đường, ông không nhận tiền, lại còn gởi cho nghĩa quân túi bạc. Ông nói: “Theo chỗ lão xét đoán, thì ngài không phải là lái buôn, mà là tráng sĩ đang bận việc dân việc nước. Tráng sĩ đã dám hy sinh đời mình cho đại cuộc, há lại không cho lão góp phần mình vào việc chung hay sao?”. Ông còn ngỏ ý gả con gái cưng cho chàng dũng tướng Đốc binh Kiều vì chỉ muốn con gái được nâng khăn sửa túi người anh hùng chí lớn. Từ đó, nàng Bướm tự coi mình là gái đã có chồng. Nàng dọ hỏi xem chồng đính ước của mình là ai, mới biết được người ấy là Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều. Đến khi Đốc Binh Kiều anh dũng hy sinh tại Gò Tháp, mặc dù đang tuổi thanh xuân nhưng nàng vẫn thủ tiết thờ chồng cho đến chết. Để ghi nhớ tấm lòng nhân hậu và trung trinh tiết liệt của nàng, bà con trong vùng đã lấy tên nàng đặt cho con rạch chảy ngang trước nhà nàng. Đó là rạch Bà Bướm ở Đồng Tháp ngày nay.

Đó còn là ông Dương Văn Hạnh, xã trưởng đất Lý Nhơn[4], thà chết, quyết không khai tung tích của Trương Định. Ngày ấy, tình nghi Trương Định và nghĩa quân đang ở xã Lý Nhơn, giặc Pháp và tay sai kéo tới. Chúng bắt ông Dương Văn Hạnh đưa về Sài Gòn. Chúng dụ dỗ sẽ phong quan tiến chức, nếu ông chỉ chỗ Trương Định. Ông Hạnh quyết liệt nói:

- Ta thà chết chứ không để giặc bắt ông Định. Sanh vi tướng, tử vi thần!

Dụ dỗ hoài không được, giặc đưa ông Hạnh trở về Lý Nhơn xử tử. Chúng dùng thân tre chẻ đôi kẹp vào cổ ông, rồi chém đầu, quăng xác xuống sông. Thương tiếc ông, người dân đã lặn lội tìm thủ cấp ông về chôn cất. Sau, mọi người còn chung tay xây một ngôi đình thờ ông, gọi là đình thờ Ông thần không đầu.

Cũng việc che giấu tung tích anh hùng Trương Định. Lúc tập trung về Rạch Gia (tức Gò Công, Tiền Giang ngày nay), thực dân Pháp bắt được hai anh em nhà nọ. Chúng buộc hai người dẫn tới chỗ đóng quân của Bình Tây Đại Nguyên Soái. Nếu cuối ngày vẫn không tìm được thì cả hai sẽ bị tử hình. Dù biết nơi đóng quân của Trương Định nhưng hai anh em cố tình đánh lạc hướng kẻ thù. Bọn giặc đội nắng, lội sình suốt một ngày mà không kết quả nên tức giận đưa hai anh em ra bãi bắn. Tên Việt gian hỏi cả hai lần cuối: muốn sống hay là chết? Hai anh em gật đầu chọn cái chết. Vậy là hai loạt súng máy nổ rộ. Tên thiếu tá Pháp đỏ mặt, quay qua nói với những người xung quanh: “Đấy là những người anh hùng… Ở xứ Hy Lạp, người ta có thể đúc tượng thờ họ. Còn ở đây, chúng ta phải xử tử họ !".

Đó còn là bà Bầy ở Cao Lãnh, Đồng Tháp. Tương truyền, để ngăn chận đường tiếp tế và đàn áp nghĩa quân Thiên Hộ Dương ở Đồng Tháp Mười, bọn Pháp chiếm đóng vàm Cần Lố. Nghĩa quân và dân chúng trong vùng liền mở một thủy lộ mới. Đó là cái mương cau ở vườn nhà bà Bầy, nối rạch Cái Sao với sông Cần Lố. Ít lâu sau, bọn Pháp phát hiện ra thủy lộ mới này. Phục kích mãi mà không bắt được nghĩa quân, chúng bắt bà Bầy, khảo tra, đánh đập bà tàn nhẫn để tìm tông tích nghĩa quân. Sau một hồi tra tấn không kết quả, chúng thay nhau hãm hiếp bà cho đến chết. Đời sau biết ơn bà, đặt tên cho ngã ba sông mới. Đó là vàm Bà Bầy ở Đồng Tháp ngày nay.

Từ những tấm gương tiết liệt trên, có thể nói, khi đất nước gặp họa ngoại xâm, tính cách hào hiệp, trọng nghĩa trong đời thường của người dân Nam Bộ đã được nâng lên thành một triết lý sống. Nó được xem là đạo nghĩa của người dân yêu nước: Dù phải chết cũng hết lòng giúp đỡ, chở che người anh hùng cứu nước.

 

4. Đạo làm nghĩa binh phải một dạ trung thành cùng chủ tướng

 

Trung quân là đạo lý của Nho giáo. Lòng trung thành là một phẩm chất của đạo làm người. Sống ở đời, bề tôi phải trung thành với chủ, đó là đạo lý của dân gian. Trong buổi đầu chống giặc ngoại xâm ở Nam Bộ, lòng trung thành đã cụ thể hóa thành cách hành xử của các nghĩa binh đối với chủ tướng của mình. Có thể xem đó là triết lý sống của người dân mộ nghĩa.

Trong truyền thuyết, đó là tấm gương của phó tướng Bình Tây Nguyễn Nhựt Chi. Ông là cánh tay mặt của lãnh binh Trương Định. Quê ông ở vùng Bến Chùa, bên dòng cửa Tiểu. Tương truyền, khi Trương Định tử tiết, quan phó tướng dẫn tàn quân qua Tân Bình Điền, đến Tân Thành, Đèn Đỏ, rồi nhờ ghe của ngư dân đưa ngược dòng cửa Tiểu, ghé Bến Chùa dưỡng quân, mong có ngày dấy lại muôn binh. Rủi thay, ông vừa cho dừng quân nghỉ ngơi, Pháp lại hay tin tới đánh. Trận quyết tử diễn ra suốt một ngày một đêm. Nghĩa quân chống cự không nổi, tan rã. Nguyễn Nhựt Chi cùng người tùy tướng tên Cương đưa gươm lên trời, lạy ba lạy tạ tội với chủ tướng Trương Định rồi thổ huyết ra chết.

Cũng nói về tùy tướng của Trương Định. Khi thấy Trương Định đã hy sinh, tên Việt gian Huỳnh Công Tấn hò hét đám lính tràn vào cướp thi hài ông. Nhưng mười tám nghĩa quân còn sống sót vây chặt quanh thi hài của người anh hùng, quyết không cho giặc cướp.

Một nghĩa quân cầm gươm trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, hét lớn:

- Chúng tao còn đây, bọn phản tặc chúng bây không được đụng tới thi hài của quan lớn!

Viện binh Pháp lúc đó cũng vừa tới, làm bộ ra lệnh cho bọn Tấn xung xát, truyền cho tên thông ngôn khuyến dụ nghĩa quân, đại ý hứa chở xác Trương Định về Gò Công mai táng đàng hoàng và để cho mười tám nghĩa quân tự do chọn đường mà đi.

Nghĩa quân trả lời:

- Nay chủ soái chúng tôi đã tuẫn tiết, chúng tôi có phận sự phải giữ thi thể của người, dù phải chết dưới lằn tên mũi đạn của giặc Pháp cũng được. Nhưng nếu quả người Pháp có tốt, muốn đưa thi hài của chủ soái chúng tôi về Gò Công mai táng thì phải để cho chúng tôi đi theo trông nom thi thể người!

Bọn Pháp chấp thuận và ra lệnh cho lính của chúng khiêng xác Trương Định xuống tàu, nhưng mười tám nghĩa quân không cho. Tự tay họ khiêng xác chủ soái mình.

Sau lễ an táng Trương Định, Đội Tấn hết lời dụ hàng mười tám nghĩa quân. Nhưng lần lượt các dũng sĩ đều mắng tên Việt gian một câu rồi chấp nhận phát súng tử hình.

Nói thêm về ông Đỗ Tường Tự ở Vàm Cỏ (Long An). Ông và người anh Đỗ Tường Phong khởi binh chống Pháp ở quê nhà. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị kẻ thù hành quyết. Tục truyền, sau khi giặc xử tử ông, có một người dân tộc thiểu số, vốn là cận vệ của ông, xin kẻ thù được chết theo cho trọn nghĩa. Bọn giặc đã bắn chết người đó. Do vậy, hiện nay, cạnh ngôi mộ của ông Tự còn có nấm mồ của người nghĩa sĩ vô danh này.

Có thể thấy, thái độ ứng xử lúc sa cơ và việc chọn cái chết cùng chủ tướng đã góp phần tôn vinh vẻ đẹp khí phách của những nghĩa binh tham gia chống Pháp. Họ thật sự là những anh hùng vô danh. Lối sống của họ, cái chết của họ đã để lại cho đời sau một triết lý sống, chi phối toàn bộ cuộc đời người dân mộ nghĩa: đã tự nguyện làm nghĩa binh, phải một dạ trung thành cùng chủ tướng.

 

5. Đạo làm tướng lĩnh phải sẵn sàng vị quốc vong thân

 

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi có những vần thơ xúc động về con người Việt Nam:

“Đất nghèo nuôi những anh hùng

Chìm trong máu chảy lại vùng đứng lên”

Nam Bộ, buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược, đã có những con người anh hùng như vậy. Họ sinh ra không phải để làm nghĩa sĩ đánh Tây. Nhưng lịch sử đã trao gươm cho họ. Và rồi, họ đã cầm gươm để tiếp tục làm nên lịch sử. Từ khi phất cao cờ nghĩa, những tướng lĩnh lãnh đạo nghĩa quân đã mang tâm nguyện xả thân vì đất nước. Họ là những tấm gương đầy khí tiết cho nghĩa binh và nhân dân noi theo.

Sừng sững, hiên ngang với ngọn cờ tiên phong chống Pháp chính là Trương Định. Không nhận chức lãnh binh ở An Giang, ông ở lại cùng nhân dân quyết chiến và tử chiến. Tên Việt gian Huỳnh Công Tấn cho quân khép chặt vòng vây và nói:

- Bẩm quan lớn, tôi đem quan lớn về đầu Tây. Gió chiều nào, theo chiều ấy. Quan lớn đầu hay không đầu cũng bắt!

Trương Định trả lời:

- Mày coi tao đầu nè Tấn!

Và liền rút gươm tử tiết.

Còn đây là ông Đặng Khánh Tình, người địa phương Vĩnh Hựu (Gò Công Tây), tham gia nghĩa quân do Trương Định thống lĩnh. Khi Trương Định mất, nghĩa quân tan rã. Ông Tình tự phong là phó tướng, nhân dân bấy giờ gọi ông là Phó lãnh binh. Sau đó, tên Việt gian Huỳnh Công Tấn chỉ huy tấn công, bao vây căn cứ suốt ba ngày. Chúng kêu gọi ông đầu hàng. Khi bọn Pháp và tay sai ập vào, ông liền đứng trên bộ ván gõ, cầm thanh gươm tử chiến. Bọn Pháp xử tử chặt đầu ông tại chợ Gò Công.

Và thêm nữa, thái độ uy nghi, lẫm liệt của anh hùng Thủ Khoa Huân. Trước khi xử chém, bọn giặc bưng tới một mâm cơm đầy rượu thịt cho ông ăn. Ông lạnh lùng đá đổ mâm cơm. Kẻ được giao chém đầu ông vốn là người địa phương nhưng theo giặc. Lệnh chém ban ra, nhưng hắn lộ vẻ sợ hãi, chần chờ, không dám quơ đao. Ông nhìn hắn và nói:

- Nhà ngươi có bổn phận, cứ việc thi hành, đừng để liên lụy đến mình!

Nghe vậy, tên đao phủ mới dám ra tay. Vừa chém xong, hắn liền quỳ sụp xuống, lạy ông bốn lạy.

Còn đây là thái độ của anh hùng Nguyễn Trung Trực. Đội Tấn giở trò đối xử tử tế, khuyên dụ ông theo Pháp sẽ được hưởng lợi lộc và được giao chức lớn. Ông khẳng khái đáp:

- Tôi chỉ muốn làm một chức thôi, chức gì mà tôi có thể chặt đầu tất cả bọn Tây!

Bọn giặc cho ông suy nghĩ trong bảy hôm. Đúng hẹn, ông mặc võ phục, đeo kiếm, đến trước mặt kẻ thù. Ông rút kiếm, chém xuống đất: thà chịu rơi đầu chứ không chịu đầu hàng.

Rồi đến ông Thống Linh, người làng Mỹ Ngãi, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ông chiêu mộ nghĩa binh, lập chiến khu ở Đồng Tháp Mười để chống Pháp. Đội quân của ông, nhân dân gọi là “Đội Nghĩa dũng”. Bắt được ông, giặc Pháp đem xử chém ông ở đầu làng Mỹ Trà (nay gần ngã tư Cao Lãnh). Trước khi chết, ông điềm nhiên ngâm hai câu thơ:

“Rất tiếc thù chung chưa trả đặng

 Sụt sùi chín suối dễ nào nguôi”

Sau khi ông mất, trời đổ mưa tầm tã suốt ba ngày ba đêm.

Còn đây nữa, Âu Dương Lân - một sĩ phu tăm tiếng ở đất Định Tường (Tiền Giang ngày nay). Ông sát cánh với Thủ Khoa Huân, nhiều lần xua binh đốc chiến với giặc Pháp, khiến chúng phải kiêng nể. Đã sa cơ, bị bắt sống, nhưng ông vẫn khẳng khái, không chịu cúi đầu khuất phục. Hết tổng đốc Lộc dọa nạt, đến Tôn Thọ Tường khuyên dỗ với bao lời đường mật, nhưng ông quắc mắt bảo:

- Ta chỉ có một con đường đã chọn, hoặc đánh đuổi được bọn ngươi, hoặc chết đi đền nợ núi sông, hầu khích lệ đàn hậu sanh noi theo cứu nước, giữ nước, nêu cao tinh thần dân tộc!

Vẫn còn đó, tấm gương những người lãnh đạo trại Lâm Trung ở Biên Hòa chống Pháp[5]. Tháng 6 năm 1916, giặc tuyên án tử hình 9 người và đem xử tử tại Dốc Sỏi. Trước họng súng quân thù, tất cả đều tỏ rõ khí phách hiên ngang. Ông Ba Hầu dõng dạc: “Ta sinh làm tướng, chết làm thần, chúc bà con ở lại mạnh giỏi!”. Còn ông Hai Sở nói: “Ta xem cái chết như về nhà mới!”.

Và còn biết bao vị tướng lĩnh đánh Tây đã giữ trọn phong thái uy nghi, lẫm liệt cho đến giây phút cuối cùng của đời mình. Có lẽ chính quan niệm nhân sinh cao đẹp về lẽ sinh tử đã khiến cái chết của họ trở thành bất tử. Họ trở thành biểu tượng ngời sáng cho những con người Nam Bộ giàu lòng yêu nước, sẵn sàng vị quốc vong thân.

 

KẾT LUẬN

Con người Nam Bộ, trong quá trình sống, lao động và chiến đấu, đã tiếp nối những triết lý nhân sinh của dân tộc Việt Nam ngàn đời qua. Tuy nhiên, lịch sử đã cho người dân Nam Bộ những thử thách khác, một số phận khác với đồng bào hai miền Bắc Bộ và Trung Bộ. Vì vậy, triết lý nhân sinh của người Nam Bộ vừa có những điểm thống nhất với triết lý chung của con người Việt Nam cả nước vừa có những biểu hiện rất riêng, những cách thể hiện rất khác. Con người Nam Bộ trọng thực tiễn, không thích giáo điều, không quen triết lý nên ít thấy những danh ngôn, những tác phẩm văn chương hàm chứa lời giáo huấn, triết luận thuần túy về cuộc đời, về lẽ tử sinh… Điều này phản ánh khá rõ trong truyền thuyết dân gian về buổi đầu chống thực dân Pháp ở Nam Bộ. Qua những truyền thuyết đầy bi tráng về những tấm gương anh hùng yêu nước, nhiều triết lý nhân sinh của người Nam Bộ đã hiển hiện, thông qua cách hành xử, lời nói cuối của các anh hùng. Cuộc đời của họ đã để lại cho đời sau những bài học triết lý nhân sinh giản dị mà sâu sắc.

Do khả năng có hạn, chúng tôi chỉ mới phát hiện một số bài học triết lý nhân sinh của người Nam Bộ khi đất nước có họa ngoại xâm; xin được dùng để khép lại bài viết nhỏ này:

- Đạo làm con phải tròn chữ Hiếu;

- Đạo làm cha mẹ phải dạy con không bán nước, thà chết vinh hơn sống nhục;

- Đạo làm dân, dù phải chết cũng giúp đỡ, chở che những anh hùng cứu nước;

- Đạo làm nghĩa quân phải trung thành cùng chủ tướng;

- Đạo làm tướng lĩnh phải sẵn sàng vị quốc vong thân.

 

            Mỹ Tho, 28/06/2018

 

 

(Bài đăng trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Triết lý nhân sinh của người dân Nam bộ”, Trường Đại học An Giang phối hợp với Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) và Trường Đại học Assumption (Thái Lan) tổ chức, ngày 30/08/2018)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

 

Võ Phúc Châu (2010), Truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ (1858 – 1918), NXB Thời đại, Hà Nội.

Lê Thị Hồng Nhung (2015), Triết lý nhân sinh trong ca dao, tục ngữ Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ, Đại học quốc gia Hà Nội.

Nguồn: http://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/10376/1/02050003757.pdf

Trần Minh Thuận (2009), “Đôi nét về tính cách người Nam Bộ”,

Nguồn: http://namkyluctinh.org/a-vh-vminh/tranminhthuan-nguoinambo.htm.

 http://m.thvl.vn/?p=12549

Lê Văn Tùng, Nguyễn Thị Kim Ngân (2014), “Triết lý nhân sinh của cư dân Nam Bộ qua một số công trình khảo cứu của Sơn Nam”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học An Giang, Quyển 2 (1), tr. 109 – 114.

Viện Ngôn ngữ học (1994), Từ điển Tiếng Việt, NXB KHXH&Trung tâm Từ điển học, Hà Nội, tr. 688,1000.

 

 

 

 



[1] Tất cả dẫn chứng trong bài viết này đều được trích dẫn từ chuyên luận của Võ Phúc Châu:
“Truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ (1858 – 1918)”, NXB Thời Đại, Hà Nội, 2010.

[2] Trần Xuân Hòa là con trai cử nhân Trần Trung Tuyên, quê Quảng Trị, làm Bố chánh Vĩnh Long. Ông đậu cử nhân năm 1849 nhưng không được làm quan, vì tương truyền, ông mắc bệnh phong đơn. Theo qui chế thời bấy giờ, những người mắc bệnh nan y không được làm quan. Khi quân viễn chinh Pháp tấn công Gia Định, rồi toan chiếm Định Tường, Nguyễn Tri Phương sai Thiên Hộ Dương tu sửa thành Mỹ Quí (Cai Lậy) làm hậu cứ. Ngày 12 tháng 4 năm 1861, quân Pháp chiếm được Định Tường. Anh hùng hào kiệt gom về Tân Thành, Mỹ Quý tiếp tục kháng chiến. Tháng 5 năm 1861, Đỗ Thúc Tịnh được cử vào Nam Kỳ mộ nghĩa dũng đánh Pháp. Trần Xuân Hòa ứng nghĩa, nhận làm tri phủ Kiến An. Đỗ Thúc Tịnh đến Tân Thành được mấy hôm thì hy sinh. Trần Xuân Hòa thay thế.

 

[3] Cha bà Trần Thị Sanh là Trần Văn Đồ, từng làm thư ký trong dinh Tả quân. Mẹ bà là Phạm Thị Phụng, em ruột Đức quốc công Phạm Đăng Hưng (tức cô ruột Thái hậu Từ Dụ). Thuở trẻ, bà kết hôn với Dương Tấn Bổn, một bá hộ cùng làng. Nhưng ông Bổn và bà chỉ sanh được một gái là Dương Thị Hương nên ly dị theo lệ “thất xuất”. Từ đó, bà buồn rầu dẫn con gái về làm nhà bên cạnh nhà cha mẹ ruột, tiếp tục kinh doanh và trở thành người giàu có nhất nhì ở Gò Công. Sau này, bà gá nghĩa phu thê cùng Trương Định.

[4] Thuộc thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.

[5] Trại Lâm Trung là tên gọi một căn cứ bí mật đặt ở một địa điểm thuộc xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai ngày nay). Đây là nơi tổ chức luyện tập võ nghệ, tập rèn vũ khí và tích trữ lương thực của phong trào Thiên Địa Hội Biên Hòa để chờ ngày nổi dậy đánh Pháp. Tháng 2 năm 1916, từ đây, những thành viên của trại đã đồng loạt phát động cuộc tấn công vào thành Săn Đá và khám đường Biên Hòa. Cuộc tấn công bị thất bại, giặc Pháp lùng bắt ráo riết. Các thành viên chủ chốt của Trại đều sa vào tay giặc: Ba Hầu, Năm Huy, Hai Lựu, Lào Lẹt, Hai Sở,  Ba Vạn, Bảy Phát, Hai Danh…

 

 

Võ Phúc Châu
Số lần đọc: 396
Ngày đăng: 07.05.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gia tài của Võ Hồng - Nguyễn Lệ Uyên
Nhà văn Võ Hồng và sự hiện hữu trong đời sống văn học miền Nam 1954-1975 - Trần Hoài Anh
Bản trường ca huyền mặc khởi sinh từ loài hoa thiêng - Tống Phước Bảo
Lý thuyết văn chương - Võ Công Liêm
Phạm Công Thiện - “Bay đi những cơn mưa phùn” - Phan Văn Thạnh
Tình yêu thương tộc người trong “Yao” của Lý Hữu Lương (*) - Nguyễn Tiến Nên
Cảm thức - Võ Công Liêm
Tháng Hai. Lấy mực ra và khóc! - Lê Đức Thịnh
Cảm nhận về vài địa danh ở vùng đất La Gi (Bình Thuận) khi đọc tập sưu khảo “La Gi đất xưa…” của Phan Chính - La Thụy
Nhà văn Nguyễn thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ (phần 6) - Đỗ Nguyễn
Cùng một tác giả