Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
815
116.688.116
 
Nhớ hoa đào
Nguyễn Linh Khiếu

 

 

Nhớ hoa đào

 

Mỗi năm khi sắp tết bao giờ mình cũng mua hoa đào. Hà Nội không có hoa đào làm sao gọi là tết. Dù là bích đào bạch đào hay đào phai thì hoa đào bao giờ cũng mang tết đến mỗi ngôi nhà thân thương. 

Mươi năm trở lại đây. Mình thường mua một cành đào rừng lớn mang về nhà thưởng tết. Cành đào xum xuê xòe gần kín phòng khách. Sự hiện diện của thiên nhiên hoang dã với những cánh hoa tươi thắm bừng nở làm ngôi nhà trở nên chân thành nồng nàn ấm áp khi xuân về.

Khi tết đến gần đây mình đều về quê. Vì có mẹ già ở quê. Sau khi mua một cành đào rừng lớn cắm vào chiếc chum cổ trong phòng khách thì mình khép cửa về quê. Năm nào trở lại Hà Nội khi tết đã hết cành đào ấy bao giờ cũng chỉ còn lại những bông hoa cuối cùng.

 

Đào phai

 

Rằm tháng giêng cây đào mới nở hoa rực rỡ. Từ thân cành già nua cỗi cằn những bông đào phai xòe cánh bung nở đúng tiết. Những bông đào phai nở tự nhiên thật mạnh mẽ phi thường.

Ngày xưa khi ấy gia đình mình ở trong khu tập thể sập xệ. Gần tết mình mua một cây đào về đón xuân. Mình đã chọn một cây đào phai vừa phải uốn theo thế ngũ long ẩn vân hoa nở rộ đúng tết tuyệt đẹp. Sau tết mình mang chậu đào ra ban công. Nhà chật ban công hẹp. Đào phai co ro đứng đó thật gò bó. Cây cằn cỗi già nua.

Những năm đầu cây đào nhẫn nại tuân theo sự uốn nắm cắt tỉa của mình. Thế nhưng chỉ lơ là một chút là nó lại vươn cành nảy chồi xòe lá hoàn toàn theo ý nó. Mỗi khi gần tết mình lại ngắt lá tỉa cành bón phân để hoa nở đúng vào dịp tết. Nhưng không phải tết nào cũng có hoa đào. Bởi sự nở hoa còn lệ vào nhịp điệu của thời tiết và có lẽ cả tâm trạng của cây.

Rồi mình chuyển nhà. Bỏ lại nhiều thứ nhưng vẫn mang theo đào phai. Nhà mới đào phai đứng trên sân thượng lồng lộng nắng gió. Không biết từ lúc nào mình cũng chẳng gò cây uốn thế nữa. Rồi cũng chẳng ngắt lá tỉa cành thúc phân để hoa nở vào đúng dịp tết.

Trên sân thượng đào phai bao năm vẫn khiêm nhường đứng trên một chậu Bát Tràng nhỏ bé cũ kỹ. Nó đã thật sự trầm lặng già nua cổ kính như một triết gia. Bây giờ đào phai đâm chồi nảy lộc hoàn toàn theo ý. Khi xuân về đào phai nở hoa hoàn toàn thuận theo tiết xuân. Trong thần thái và sắc màu tự nhiên của mình những bông đào phai thật gần gũi kỳ vĩ và cao quý.

 

Mùa đào

 

Buổi sáng mở cửa giật mình thấy những trái đào bị nghiền nát. Chợt hiểu gốc đào trên sân thượng quả đã chín. Đêm qua mưa to gió lớn rung lắc làm trái rụng. Những người đi tập thể dục sớm qua ngõ đã vô tình giẫm nát.

Năm nay đầu mùa lạnh giá cuối mùa nắng cháy nên đào mất mùa. Hoa ít quả ít. Quả xanh rơi rụng dần. Còn lại trái nào đa phần đều bị kiến sâu đục khoét. Chim chuột vụng trộm. Mưa gió dập vùi.

Còn sót lại mấy quả thế là sáng nay rụng nốt. Những trái đào đã lăn lóc dưới đất rồi thế mà vẫn còn bị giẫm nát.

 

Mai vàng

 

Trước khi nghỉ tết mình lên sân thượng tưới cây. Đã sắp lập xuân cây cối bắt đầu cựa quậy nụ chồi. Mình chợt phát hiện ra một vài bông mai vàng nở sớm. 

Đó là hoa của cây mai thế dáng rồng cuộn nhiều tầng đẹp lạ lùng. Cây mai này năm nào cũng nở hoa vàng rực rỡ từ gốc tới ngọn. Đó là cây mai vàng do một nhân viên ở xa thuê xe chở đến tận nhà tặng nhân một tết Nguyên đán.

Cây mai vàng vốn ở xứ nóng. Nhưng đã được thuần dưỡng ở xứ lạnh. Đó là cây mai mà mỗi khi tết đến xuân về hoa nở vàng rực rỡ làm mình lại bâng khuâng nhớ bâng quơ.

Cây mai ấy tết năm nào cũng nở hoa trên sân thượng nhà mình. Nhưng cô nhân viên ấy không còn là nhân viên của mình nữa. Cô đã chuyển đi làm việc và định cư ở một đất nước thật xa xôi. Lâu rồi mình cũng không còn liên hệ gì với cô nhân viên ấy nữa.

 

Mai Yên Tử

 

Trong chuyến công tác về Đông Triều mình mua một cây mai nhỏ. Đó là cây mai Yên Tử. Mai Yên Tử là giống mai rừng thân gỗ mọc thẳng cao lớn. Mang về mình trồng trong một chậu nhỏ để ở ban công. Bao năm nắng gió khô cằn do chậu nhỏ cây rất cằn cỗi hầu như chả lớn được mấy. Năm nào cuối đông cây cũng rụng sạch lá. Đến dịp Phật đản cây mới nở hoa rực rỡ. Những bông lớn cánh đơn vàng tươi rất đẹp.

Chuyển nhà mình vẫn mang theo cây mai. Sân thượng rộng mình mua một chiếc chum khá lớn và chuyển cây mai sang đó. Do không gian thoáng đãng nhiều mưa nắng. Do nhiều đất và được chăm sóc tốt nên chỉ dăm năm cây mai cành lá xum xuê và cao vút. Lễ Phật đản năm nào cây cũng nở một vòm hoa vàng rực rỡ.

Cây trồng trên chậu phải luôn để mắt chăm sóc. Nhất là không thể thiếu nước. Thế nhưng cái nghề của mình lại hay đi công tác. Có khi đi vài tuần. Có khi đi mấy tháng. Sau những chuyến đi dài ngày mặc dù có người nhà tưới giúp nhưng hầu như lần nào về cây cũng khô héo. Điều kỳ lạ là có những lần tất cả các lá cành đều khô héo nhưng chỉ cần tưới nước vài ngày là trên những cành khô lại nảy những lộc mới lá non. 

Một ngày mình chợt nhận ra. Sự sống chết của cây mai hoàn toàn phụ thuộc vào mình. Một ngày nào đó vì một lý do nào đó. Nếu mình không thể chăm sóc cây mai thì nó sẽ thế. Nghĩ thế mình quyết định đưa cây mai về quê trồng xuống đất. Phải để nó tự quyết số phận của nó. Mai vốn là cây thân gỗ đất vườn ở quê khá rộng nó hoàn toàn tự chủ sinh mạng của mình.

 

Cây mai đã quá lớn. Để mang cây về quê mình buộc chặt hết các cành và một phần thân. Cây mai xum xuê vạm vỡ thế nhưng khi mang được về quê cây chỉ còn gốc và một phần thân. Mình chọn trồng một khu đất khá đẹp và hy vọng cây sẽ nảy lộc đâm chồi. Trồng rồi hơn nửa năm sau mình mới có dịp về quê. Khi ra thăm vườn thì không thấy gốc mai đâu. Mẹ nói : Bác cả về quê thấy gốc cây đã chết nên nhổ vứt vào góc vườn mấy tháng rồi.

Mình ra góc vườn thấy gốc mai vứt chỏng trơ khô héo cùng đống rác. Cầm lên thấy dọc thân lấm tấm những chồi nâu. Mình mang trồng lại nơi hố cũ. Và bây giờ cây mai Yên Tử đã vươn cành xòe lá xanh biếc xum xuê.

 

 

 

Nguyễn Linh Khiếu
Số lần đọc: 102
Ngày đăng: 11.03.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bóng hình năm cũ - Nguyễn Vĩnh Long
Tản mạn chữ nghĩa ngày Xuân - Tiểu Lục Thần Phong
Beijing lá phong vàng (5) - Nguyễn Linh Khiếu
Nhớ hương bánh xoài của Mạ! - Nguyễn Đại Duẫn
Thế là mùa xuân về - Tiểu Lục Thần Phong
Beijing lá phong vàng (4) - Nguyễn Linh Khiếu
Những kiểu mặt ‘Tâm Linh’ - Phạm Nga
Tiếng chuông đêm trừ tịch - Trương Văn Dân
Ngày tết vắng tiếng rao - Phan Trang Hy
Đoản khúc ngày xuân - Tiểu Lục Thần Phong
Cùng một tác giả
Ngựa biên (tạp văn)
Miền yêu -1 (tạp văn)
Miền yêu -2 (tạp văn)
Phồn sinh (nghệ thuật)
Cây gạo gù (tạp văn)
Miếu mòi (tạp văn)
Nhớ hoa đào (tạp văn)