Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
829
116.687.422
 
Ngơ ngác mùa dưa
Nguyễn Ngọc Tư

Văn phòng của Ban quản lý Khu quy hoạch nằm giữa xóm đê. Mỗi khi ông già nhìn về phía đó, đều bồn chồn, trời ơi, sao mình chạy đi đâu nó cũng rượt theo vậy cà.

           

Ðất nhà đã đô thị hóa, đã trơ hốc cát với bê tông, nhưng gió chướng không thương nên đến hẹn lại rập rờn qua cửa. Ông chạy vào vạt đồng này thuê đất trồng dưa hấu. Năm đầu tiên, ông đốt rạ lên, nghe khói trên đất-người-ta cay sè con mắt. Lãng xẹt, ông tự cười, hai vạt đồng chỉ cách một con mương rộng, có xa đâu, mắc gì mà buồn. Dù thế, tha thểu trên đất quê người cảm giác cứ xót xa.

 

Năm nay, mảnh đất mà ông thuê cũng rục rịch quy hoạch. Người chủ đất ngậm ngùi, "chắc là sau Tết tui giao giấy đỏ cho người ta, tìm phương kế khác làm ăn, ông cũng đừng có buồn...". Hôm vác dá ra ruộng để lên giồng, ông thấy giật mình vì đồng vắng tanh, vắng ngắt. Cỏ mọc bít những lối mòn trên bờ ruộng, bông cỏ vượt lên đầu ngọn lúa xanh rờn. Người trong xóm không còn tâm trạng để chăm chút đất đai, họ bồn chồn chạy qua chạy lại nhìn nhau, bồn chồn nói cười, bồn chồn ngó những ô xanh đỏ trên bản đồ quy hoạch, kìa, cái chợ đó nằm ngay trân đất nhà tui.

           

Ngơ ngác, nôn nả trước cuộc đổi đời, đám bạn rẫy của ông quên cả mùa dưa hấu đang tới. Cả ngọn gió chướng liêu xiêu cũng không đủ để nhắc nhớ. Thành ra chỉ còn mình ông, sẽ đi qua ba tháng ròng rãi. Tưới dưa xong, ông già ngồi hút thuốc ngó trời, nhớ thằng Bảy Trị, Ba Thám bây giờ người chạy xe ôm, người mở tiệm buôn bán nhỏ, tiệm bida, karaokê hay dạt đến một cánh đồng xa hơn, tiếp tục sống đời nông dân "ăn chắc, mặc bền".

           

Tết này, giữa chợ, ông sẽ gặp lại bao nhiêu người trong số đó? Hay cả một vùng dưa Lý Văn Lâm nổi tiếng chỉ còn tum húm đống dưa của ông?

           

Nhớ năm ngoái, cũng cữ này, cũng trên cánh đồng này, cả bọn còn uống rượu cùng nhau, thấy thời tiết hanh hao, hớn hở day qua những trái dưa thẫm xanh nằm lăn lóc trên giồng dây lá đém, bàn Tết nay chắc trúng lớn. Dường như, ngay lúc ấy, chắc là đất dự cảm được sự chia lìa, nên dâng hết phù sa. Dưa hấu được mùa, được giá, bọn ông được về nhà trước giao thừa (cái nghề của ông, về trước giao thừa là một niềm hạnh phúc lớn). Phải biết là mùa cuối, thể nào ông cũng rủ cánh trồng dưa tụm lại nhậu một bữa, ca hát tưng bừng, để sau này cồn cào khi nhắc nhớ.

           

Bây giờ thì ông uống rượu một mình, nghe lạt nhách, lãng xẹt. Những người khác đã bị (hay được) bứt ra khỏi cánh đồng, như chưa từng vui, buồn, chưa từng đẫm mồ hôi, chưa từng rơi nước mắt...

           

Chỉ còn đồng đất đìu hiu cây cỏ dại. Và ông. Lâu lâu, có mấy người từ xóm đê chạy túa lên đồng, ông mừng húm, vừa hay mình thèm người. Họ, cũng có vài thằng bạn rẫy của ông, xúm lại coi đá gà bị công an vây bắt, mới vọt ra ruộng thoát thân. Gặp ông, họ bảo "Thấy mấy giồng dưa ngán ngược, nhớ hồi đó cực thấy mồ tổ, ham gì mà ngồi thù lù ở đây, anh Hai?". Ông cười, "Ở không buồn tay buồn chân quá, với lại...". Nhưng ông không biết diễn tả thế nào, mười bảy năm nay, ông quen đếm tuổi mình bằng một mùa dưa, đếm ngày qua bằng hai cử tưới, đếm tháng hết từ những trái dưa chắc nụi nằm cùi cụi, phổng phao trên giồng... Ông không thể nhắc lại cái cảm giác mà họ vô tình (hay cố tình?) quên, nỗi vui nhìn hạt nứt mầm, dây soãi bò đan nhau trên mặt đất, hoa rơi từng cánh cho trái thò đầu ra đón nắng, rồi bằng trái chanh, trái cam, rồi bằng trái bóng nhựa, rồi dưa căng mẫy, mọng nước trĩu trên tay... Hay cái cảm giác đau nhói, rã rời nhìn dưa nứt như pháo nổ khi cận ngày cắt dây lại gặp trận mưa rào... Họ quên rồi. Họ bắt đầu những tháng ngày mới, có tiền rủng rỉnh nên thong dong chơi, nghe đâu, nhiều người đâm ra cờ bạc, rượu chè be bét.

           

Ông thôi không còn nhớ đám bạn rẫy nữa, chỉ tiếc một vùng dưa. Ông đã tự hào về nó biết bao nhiêu. Có lần những xe dưa Ðồng Tháp xuống, họ cắm bảng mạo nhận là dưa Lý Văn Lâm, ông yêu cầu hạ bảng, "Không phải tui làm khó người ngoài, nhưng đâu ra đó, xin đừng làm mất uy tín dưa Lý Văn Lâm...". Dưa đất này không đặc sắc như xứ Cái Keo (ở đó người ta bón phân bằng phân tôm, nên dưa xốp, ngọt lịm như đường), nhưng nhờ lợi thế trồng ở ngoại ô thành phố, tiện chuyên chở, sát Tết mới cắt dây nên giữ được lâu. Ông thường nâng trái dưa to nhất lên, vỗ nhẹ với vẻ âu yếm, bảo với khách hàng, "Dưa này để hết Mùng bảo đảm còn ngon, ủa nông dân tụi tui nói mà bà con không tin, thì còn tin ai được nữa?".

           

Tin chớ, bây giờ thì người ta đã tin tưởng, trông đợi, tìm kiếm. Nhưng vùng dưa ấy mai một mất rồi.

           

Có điều, ông vẫn có cảm giác, bằng một cách nào đó, ông đã gặp những người bạn rẫy của mình, những nông dân chính hiệu, những người hồi trước hay nói đùa, "Máu tôi chảy ra cũng thấy hai chữ "trồng dưa". Có cảm giác như ông đã gặp, vào một ngày trở gió, dù ở cách nhau năm đồng bảy đổi, dù kẻ ngược người xuôi, đều bật dậy, kêu lên, "Ý, mau mau, vô mùa dưa rồi". Nếu thật tâm trạng người trồng dưa nào cũng giống nhau, thì họ cũng muốn gầy dựng lại một vùng dưa đã mất...

           

Mùa sau, có lẽ ông sẽ dạt đến một cánh đồng xa hơn, nơi mà đô thị chưa đuổi kịp. Lại đốt rạ, lại nghe khói trên đồng xứ người cay sè con mắt. Lại dè chừng một văn phòng Ban quản lý dự án nào đó bỗng hiện lên, giữa ruộng...

           

Nói cho cùng, cái văn phòng ấy không có tội... ./.

Nguyễn Ngọc Tư
Số lần đọc: 3086
Ngày đăng: 23.02.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ảnh hưởng chiến tranh - Thu Nguyệt
Tuổi thơ và nước mắt người lớn - Phạm Lưu Vũ
Đi chợ tết tại MỸ - Trần Kiêm Ðoàn
Lành lạnh của mùa đông cao nguyên - Phạm Minh Châu
Quê hương là chốn thần tiên - Phạm Lưu Vũ
Cuối năm kể chuyện về một gã đi cầu tài - Phạm Lưu Vũ
Đêm giao thừa nhớ Mẹ - Trần Mạnh Hảo
Bộ lư đồng ngày tết - Nguyễn Kim
Bạn bè rụng như lá - Dương Ðình Hùng
…..là phải tìm cách làm ra “nọc độc” của chính mình. Hiểu chưa?” - Phạm Lưu Vũ
Cùng một tác giả
Bà già vui vẻ (tạp văn)
Ba bé Ngoan về (truyện ngắn)
Chiều vắng (tuyển truyện)
Cửa sau (truyện ngắn)
Cuối màu nhan sắc (truyện ngắn)
Đất mũi mù xa (truyện ngắn)
Đời như ý (truyện ngắn)
Dòng nhớ (truyện ngắn)
Giàn bầu trước ngõ (truyện ngắn)
Giao thừa (truyện ngắn)
Gió mùa thao thức (truyện ngắn)
Hiu Hiu gió bấc (truyện ngắn)
Lời nhắn (truyện ngắn)
Lụm còi (truyện ngắn)
Lý con Sáo sang sông (truyện ngắn)
Mơ hết (truyện ngắn)
Một mái nhà (tạp văn)
Một mối tình (truyện ngắn)
Ngọn đèn không tắt (truyện ngắn)
Ngỗn ngang (truyện ngắn)
Làm má đâu có dể (truyện ngắn)
Người xưa (truyện ngắn)
Nhà cổ (truyện ngắn)
Nhớ sông (truyện ngắn)
Nước chảy mây trôi (truyện ngắn)
Ông ngoại (truyện ngắn)
Qua cầu nhớ người (truyện ngắn)
Tắm sông (truyện ngắn)
Đau gì như thể (truyện ngắn)
Bởi yêu thương (truyện ngắn)
Chuyện của Điệp (truyện ngắn)
Huệ lấy chồng (truyện ngắn)
Lỡ mùa (truyện ngắn)
Lời cho má (truyện ngắn)
Mối tình năm cũ (truyện ngắn)
Nhớ đất (tạp văn)
Nửa mùa (truyện ngắn)
Xa xóm mũi (truyện ngắn)
Thương quá rau răm (truyện ngắn)
Duyên Phận So Le (truyện ngắn)
Nhân phủ (truyện ngắn)
Trở gió (tạp văn)
Cái nhìn khắc khoải (truyện ngắn)
Người năm cũ (truyện ngắn)
Chơi một mình (tạp văn)
Ngủ ở Mũi (tạp văn)
Người Dưng Làm Má (truyện ngắn)
Chợ của má (tạp văn)
Bà Cô (tạp văn)
Làm cho biết (tạp văn)
Nghĩ cho con (tạp văn)
Lương (truyện ngắn)
Ngày đã qua (truyện ngắn)
Kỳ tích (truyện ngắn)
Giỡn chơi (truyện ngắn)
Trò chơi quên nhớ (truyện ngắn)
Hoang đường (truyện ngắn)
Cỏ Xanh (truyện ngắn)
Làm mẹ (truyện ngắn)
Mối tình xưa (truyện ngắn)
Ngày đùa (truyện ngắn)
Nỗi buồn rất lạ (truyện ngắn)