Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
625
116.775.369
 
Ghi chép một chuyến đi-1
Nguyễn Văn

Là nhà khoa học người Việt sống ở nước ngoài, tác giả Nguyễn Văn thường về nước giảng bài và có nhiều công trình nghiên cứu đóng góp cho đất nước. Trong một chuyến trở về xã Bàn Tân Định huyện Giồng Riềng tỉnh Kiên Giang quê hương, anh viết ghi chép này và gửi cho chúng tôi.

Nhận thấy tấm lòng của tác giả với quê hương và sự bổ ích của bài viết, chúng tôi trân trọng nhờ vannghesongcuulong chuyển đến bạn đọc.

 

Hà Văn Thùy.

 

 

 

Chương trình tivi: đầy phim truyện Hàn quốc

 

            Chương trình ti-vi ở Việt Nam có thể mô tả bằng một cụm từ : Số lượng thì nhiều mà chất lượng thì nghèo.  Truyền hình qui mô toàn quốc thì có hệ thống kênh VTV, và ở mỗi cấp thành phố và tỉnh cũng có một đài truyền hình riêng.  Tuy con số đài truyền hình ở nước ta nhiều và đó là một tín hiệu tích cực, đáng mừng, nhưng thời lượng phát sóng còn quá hạn chế.  Không có đài nào có chương trình phát sóng 24 giờ mỗi ngày.  Các đài địa phương cấp tỉnh và thành phố thì còn hạn chế hơn, đó là chưa tính đến những chồng chéo, lặp đi lặp lại về mặt nội dung.

 

            Nội dung chương trình tivi không mấy phong phú.  Xin đơn cử phần tin tức trước.  Theo tôi thấy, cách thức trình bày và nội dung tin tức trên các đài truyền hình Việt Nam vẫn chưa có gì thay đổi đáng kể so với thời bao cấp.  Có lẽ không dưới 25% các bản tin là những thông tin xoay quanh các lãnh đạo đi thăm vùng này, ghé địa phương kia, nhà máy nọ, v.v… Các vị lãnh đạo vẫn phát biểu những câu nói chung chung, khẩu hiệu tính, vô thưởng vô phạt, trừu tượng, xa rời mối quan tâm của quần chúng; vẫn tươi cười một cách gượng gạo cho ống kính.  Phần còn lại là những tin tức về thành tích sản xuất của các nhà máy, lượng xuất khẩu, nói chung là các thông tin liên quan đến hoạt động kinh tế của quốc gia hay của địa phương.  Xem qua những cách đưa tin này, tôi có cảm giác nhiều (không phải tất cả -- xin nhấn mạnh) kí giả Việt Nam đã trở thành những công chức thống kê.  Họ đọc vanh vách những con số về sản lượng công nông nghiệp chính xác đến 0,0001, những con số phần trăm chính xác đến hai con số thập phân !  Tất nhiên, đối với một người thường dân như người viết bài này thì những con số đó hoàn toàn vô nghĩa, nó chỉ là những con số trang trí làm mất thì giờ người nghe.

 

Ngược lại với những chính xác về con số, rất ít, nếu không muốn nói là chẳng có, những tin tức liên quan đến các vấn đề tiêu cực mà xã hội đang bức xúc như tham nhũng, tình trạng lạm quyền thế của vài cán bộ địa phương, tai nạn giao thông, tình hình y tế, v.v… Có thể nói các bản tin tức chỉ tô vẽ một mặt tích cực mà lờ đi những khía cạnh tiêu cực của tình hình chính trị - kinh tế.  Nếu hiểu truyền thông có chức năng phản ánh quan tâm của quần chúng thì có thể nói rằng các đài truyền hình ở Việt Nam chưa làm tròn chức năng của mình. 

 

Những ai từng theo dõi những chương trình phóng sự điều tra thời sự của giới kí giả Tây phương sẽ rất thất vọng với tình trạng nghèo nàn về thể loại thông tin này.  Nói “nghèo nàn” có lẽ còn quá “tích cực”, phải nói là không có những chương trình phóng sự điều tra thật sự trên các kênh truyền hình Việt Nam.  Những tình tiết và câu chuyện chung quanh vụ bán độ bóng đá mà báo chí khai thác hàng ngày đáng lẽ phải là một phóng sự điều tra hấp dẫn, nhưng không, các kênh truyền hình chỉ đưa tin sơ sài mà chẳng có gì đào sâu. 

 

Thực ra thì những tin tiêu cực này vẫn xuất hiện hàng ngày trên hầu như bất cứ tờ báo nào.  Các báo hấp dẫn (có nghĩa là phản ánh được một phần những quan tâm của người dân) vẫn là Tuổi trẻ, Thanh niên, Người lao động, Lao động, và mới đây là Phụ nữ.  Tôi có cảm giác rằng những bản tin tiêu cực, nếu có lưu hành, chỉ được lưu hành trong số những người biết chữ (có điều kiện mua và đọc báo) mà thôi, chứ không được lưu hành rộng rãi hơn qua các kênh truyền hình.

 

Thỉnh thoảng cũng có vài bài phóng sự ngắn, nhưng nội dung rất nghèo nàn, không có đầu mà cũng chẳng có đuôi, rất ngộ nghĩnh.  Nó y như là người kể chuyện dở, kể không hết câu chuyện, ngắt ngang vấn đề, thiếu tình tiết và bối cảnh.  Hệ quả là người xem chẳng hiểu câu chuyện ra sao và được giải quyết như thế nào.

 

            Tin tức thế giới ở Việt Nam phần lớn được chuyển qua bởi hệ thống CNN, mà người đọc tin nói là “hệ thống vệ tinh”.  Tuy nhiên, mỗi bản tin đều có logo của hãng CNN, nên nguồn gốc của nó không thể nảo chối cãi được.  Tôi để ý thấy tivi chỉ loan toàn những tin có liên quan đến các nước hay khu vực có quan hệ mật thiết với Việt Nam, nhưng các bản tin đều không được trình bày một cách đầy đủ như bản tin gốc, mà chỉ trích dịch một số đoạn có lợi cho nhà nước Việt Nam.  Thật ra thì điều này cũng có thể hiểu được, vì các kênh truyền hình đều do nhà nước quản lí và là cơ quan tuyên truyền của nhà nước, của Đảng, cho nên họ có xu hướng đưa những bản tin mang tính tuyên truyền, hơn là những bản tin mà quần chúng quan tâm.

 

            Tuy nhiên, tôi thích chương trình phản ánh của khán giả qua đường điện thoại.  Đây là chương trình rất ngắn (chỉ kéo dài khoảng 10 phút) mà khán giả có thể gọi điện thoại báo cho đài biết về những tai nạn giao thông, những biến cố trong làng xã, những điều phi lí trong xã hội, đại khái là những chuyện cần đến sự can thiệp của các cơ quan chính quyền địa phương như ủy ban nhân dân, công an, bưu điện, v.v... Thế nhưng cũng chính qua các phản ánh này mới bọc lộ một xu hướng thụ động của các cơ quan chức năng địa phương.  Rất nhiều, có thể hơn 50% các phản ánh của người dân mà đài truyền hình luôn có câu “Đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết và trả lời dân” hay “Đề nghị các đồng chí […] trả lời ngay cho dân”, nhưng chẳng có ai trả lời và chẳng có cơ quan nào giải quyết!  Cũng có thể các “quan chức năng” không xem tivi, hay không thèm làm, hay  … xem thường dân chúng.

 

            Trong khi tin tức nghèo nàn thì các chương trình games (trò chơi) tràn đầy thời lượng truyền hình.  Theo báo chí làm thống kê, có ít nhất là 25 chương trình games trên các kênh truyền hình.  Ngoài các chương trình nổi tiếng và phổ biến như Đường lên đỉnh Olympia, Trò chơi âm nhạc, Vui để học, Chiếc nón kì diệu … còn có hàng loạt trò chơi mới như Ai là triệu phú, Rồng vàng, Cuộc sống số, Chung sức, Đố vui để học, v.v… Phần lớn chương trình games hoặc mô phỏng, hoặc mua từ nước ngoài, mà mục tiêu chủ yếu là quảng cáo sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, như bột giặt, sữa, nước suối, cà phê, đồ điện tử, v.v…  Điều đáng nói là những quảng cáo của họ rất lộ liễu, chứ không tinh vi như các game shows ở ngoại quốc.  Chẳng hạn như chương trình games quảng cáo bột giặt, người ta trưng một hộp bột giặt to đùng trên sân khấu, nó còn to hơn bất cứ vật dụng nào trên sân khấu, đập vào mắt của người xem một cách đầy ấn tượng mà … khó chịu.

 

Một điểm nổi bật trong các chương trình truyền hình ở Việt Nam ngày nay là các phim truyện Hàn quốc.  Thời lượng dành cho các phim truyện Hàn quốc còn nhiều hơn cả (có thể là nhiều nhất) các chương trình games.  Có thể nói ở Việt Nam đang có một con sốt phim Hàn quốc, chứ không phải cơn sốt dịch cúm gà.  Phần lớn là những cuốn phim loại tình cảm xã hội, thể hiện sinh hoạt xã hội và văn hóa của Hàn quốc hơn là của Việt Nam.  Những cuốn phim này không chỉ được trình chiếu qua các kênh VTV, mà còn trên tất cả các kênh tivi tỉnh thành khắp nước.  Có thể nói bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, mở tivi lên và nếu chịu khó chuyển đài thì thế nào cũng thấy một phim Hàn Quốc hay Trung Quốc đang trình chiếu !

 

Qua gần 2 tuần theo dõi, tôi thấy đó là những bộ phim nghèo nàn về nghệ thuật tính, đơn sơ trong dàn dựng, và phần lớn là gượng ép trong diễn tuồng.  Thú thật, tôi chẳng thấy một cái nghệ thuật tính gì, chẳng thấy một khía cạnh xuất sắc nào trong các bộ phim này.  Đó là những bộ phim với một câu chuyện kéo dài hết ngày này sang tháng khác, câu khách một cách khá rẻ tiền.  Tôi có cảm giác đó là một sản phẩm văn hóa rẻ tiền, một loại phó sản văn hóa của nước ngoài.  Ấy thế mà nó làm say mê rất nhiều khán giả, kể cả khán giả cao tuổi. 

 

Do đó, ảnh hưởng của những cuốn phim này trong xã hội, và đặc biệt là trong giới thanh niên, không nhỏ chút nào.  Nhiều người Việt Nam ngày nay có thể kể vanh vách tên những tài tử và tình tiết câu chuyện y như những người mê truyện chưởng Kim Dung thởi trước 75 !  Cứ nhìn qua cách ăn mặc, ăn nói, cư xử, v.v… của thanh niên ngày nay thì rõ : Họ bắt chước theo phim.  Tóc tai nhuộm màu nâu, màu vàng; quần áo hoa hòe ống loa, ống chật; ăn nói kèm theo những ngôn từ ngoại lai như “thiện tai” nghe rất ư là chướng tai và nhìn rất ư là gai mắt.  Có em không phân biệt được ai là diễn viên người Việt và ai là diễn viên Hàn Quốc !  Thật là một sự xâm lăng văn hóa ghê gớm !

 

            Tình trạng phổ biến của phim Hàn quốc ở Việt Nam đặt ra nhiều câu hỏi và thách thức cho nền kịch nghệ và điện ảnh Việt Nam.  Có người giải thích rằng vì các đài truyền hình Việt Nam không có đầy đủ ngân sách để trình chiếu các phim ảnh của Mĩ hay Âu châu, trong khi đó Hàn quốc và Trung quốc sẵn sàng cho chúng ta những tập phim truyện miễn phí thì tội gì chúng ta không nhận.  Miễn phí bây giờ, nhưng có lẽ chúng ta phải trả cái giá văn hóa sau này. 

 

Câu chuyện trong bệnh viện và y tế Việt Nam

 

Tôi có dịp vào thăm người thân đang nằm tại một bệnh viện lớn ở Tp.HCM, và vài lần ghé qua bệnh viện đem lại cho tôi nhiều cảm giác vui buồn lẫn lộn.  Bệnh viện là một trung tâm y tế lớn nhất và hiện đại nhất ở miền Nam ( hay cả Việt Nam ), cho nên có rất nhiều bệnh nhân từ khắp cả tỉnh, phần lớn là các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được điều trị tại đây.  Bệnh viện lúc nào cũng quá tải.  “Quá tải” ở đây phải hiểu là có nhiều bệnh nhân hơn số giường, cho nên hầu như khoa nào của bệnh viện cũng có bệnh nhân nằm ngoài hành lang; bất cứ phòng nào cũng có tình trạng hai bệnh nhân phải nằm chung một giường !  Khoa thấp khớp có 65 giường, nhưng hầu như tháng nào cũng có ít nhất là 100 bệnh nhân nằm, phần lớn là những bệnh do lạm dụng thuốc corticosteroid.  Có một bệnh nhân mà nhìn qua tấm phim X-quang khó mà nhận ra các đốt sống !  Khoa ung bứu có vô số bệnh nhân nằm la liệt trong phòng và ngoài hành lang trông cực kì thảm hại. 

 

Mà một bệnh nhân có nhiều thân nhân đến thăm nuôi, cho nên con số người trong bệnh viện lúc nào cũng đông nghẹt.  Nhìn từ xa thấy toàn cảnh bệnh viện rất hỗn độn và … dơ bẩn.  Có khi khó nhận ra đây là một bệnh viện.  Những ai, và nhất là bác sĩ, từng làm việc trong các bệnh viện ở các nước Tây phương có lẽ khó mà tưởng tượng một cảnh trạng như thế. 

 

            Tuy nhiên, bệnh viện cũng có những khu vực ( hay “khoa ) tương đối sạch sẽ hơn.  Chẳng hạn như khu vực “ Nội quốc tế ”, dành các quan chức cao cấp, các bệnh nhân có tiền (kể cả bệnh nhân nước ngoài – do đó có chữ “quốc tế” trong tên gọi).  Khu này có thể nói là gần như đạt tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh : Phòng ốc sạch sẽ, mỗi phòng đều có cầu tiêu thiết kế theo kiểu vừa là nơi làm vệ sinh cá nhân vừa là nơi tắm rửa, có ti-vi, tủ lạnh, v.v… Khu này còn có nhân viên làm vệ sinh hàng ngày, nên trông rất sạch sẽ.  Tuy nhiên giá cả thì không rẻ chút nào: giá tiền phòng cho mỗi ngày là 300.000 đồng, còn tiền thuốc và chi phí điều tra (X-quang, MRI, CT scan, v.v…) là bệnh nhân phải trả thêm.  Một MRI scan tốn khoảng 2 triệu đồng (tức trên dưới 200 đô-la Úc), một giá không rẻ hơn ở Úc chút nào.  Người dân lao động có thu nhập thấp không thể nào có khả năng chịu nổi những khoản phí tổn khổng lồ này. 

 

            Có lẽ là trung tâm y tế chính của cả nước, nên bệnh viện được đầu tư khá dồi dào.  Tất cả các máy X-quang, MRI, CT scan, DXA scan, v.v… đều có ở đây.  Ngay cả cơ sở phân tích sinh hóa cũng rất tốt, nhất là trong điều kiện kinh tế ở Việt Nam như hiện nay.  Ngoài ra, có một thay đổi tích cực trong bệnh viện, đó là cấm hút thuốc lá.  Trước đây, thân nhân và bệnh nhân hút thuốc lá thoải mái, rất ư là phản y tế, nhưng nay thì điều lệ cấm hút thuốc lá trong và ngoài khung viên bệnh viên đã được ban hành và được chấp hành rất nghiêm chỉnh. 

 

            Nhưng việc đi lại trong bệnh viện, nhất là đối với bệnh nhân ở các tầng cao như tầng 8, 9, và 10, còn rất nhiêu khê và khó khăn.  Cứ mỗi lần ra ngoài bệnh viện và đi vào bệnh phải tốn ít nhất là 30 phút!  Lí do đơn giản là có quá nhiều thân nhân đến thăm nuôi, mà bệnh viện chỉ có 2 thang máy dành cho họ, vì thế người ta phải … sắp hàng mỗi khi vào bệnh viện.  Có khi hàng người kéo dài cả trăm mét ngay trước cổng bệnh viện, và cảnh chen lấn nhau, dành đứng đầu (người Việt Nam ta vẫn chưa quen với khái niệm trước sau), và kẻ lạ móc túi cũng gây ra bao nhiêu là phiền phức và thảm cảnh cho thân nhân.  Vì rất nhiều thân nhân, nhất là thân nhân từ các miền quê, chưa biết sử dụng thang máy điện cho nên bệnh viện phải mướn một đội “tài xế” mà việc làm chỉ đơn giản là … lái thang máy.  Mỗi khi vào thang máy, chỉ cần nói số lầu là “tài xế” bấm nút và quay lại đọc tờ báo đã nhàu nát từ buổi sáng !  Trong khi chỉ có 2 thang máy được dành cho thân nhân thăm nuôi, thì bệnh viện có đến 12 thang máy dành cho nhân viên và chuyên tải bệnh nhân !  Tôi thật không hiểu nổi tại sao lại có một sự bất cân đối như thế. 

 

Có hôm tôi đi lạc vào khu thang máy dành cho nhân viên, đang loay hoay tìm cầu thang, thì liền bị một giọng nói phía sau đầy uy quyền : Ông kia, đi đâu đây?  Dạ, tôi đi thăm nuôi.  Thăm nuôi đâu đây, ngoài kia kìa, đứng sắp hàng ở đó đó.  Anh nhân viên bảo vệ ra lệnh cho tôi.  Mới sớ rớ sắp hàng, liền bị một anh bảo vệ khác gọi giật lại: Ông kia, có cái gì trên vai vậy?  Dạ, máy chụp hình.  Hả, ông ăn cắp ở đâu vậy, trả cho người ta đi !  Anh ta nói giữa thanh thiên bạch nhật như thế, và hàng trăm ánh mắt tò mò nhìn sang tôi.  Vừa nói, anh vừa ra lệnh tôi cởi áo ngoài để anh ta xem cái máy chụp hình.  Tôi dứt khoát không rời cái máy Nikon yêu quí của tôi, và khẳng định tôi là thân chủ của nó.  Có lẽ thấy thái độ “giữ của” của tôi quá kiên quyết, nên anh ta hỏi: Ông đi đâu.  Dạ tôi đã nói là đi thăm thân nhân trên lầu 10.  Hả, lầu 10 ?  Dạ.  Anh ta quét mấy cái nhìn nghề nghiệp vào tôi và sau vài giây suy nghĩ, anh cho tôi vào thang máy.  Ôi, thật là hú hồn một phen !  ( Xin nói thêm lầu 10 là khu “điều trị theo yêu cầu”, giống như là một khu bệnh viện tư trong một bệnh viện công, mà phần lớn bệnh nhân là người nước ngoài.)

 

            Thật ra hành động của anh bảo vệ cũng không phải là quá đáng, bởi vì nạn ăn trộm tại các bệnh viện lớn ở Tp. Hồ Chí Minh ngày nay phải nói là đến độ nguy hiểm.  Lợi dụng đám đông và tình trạng bệnh của bệnh nhân, có rất nhiều kẻ gian len lỏi vào bệnh viện để ăn cắp đồ đạt và tiền bạc của bệnh nhân hay của thân nhân bệnh nhân.  Hầu như bệnh viện nào cũng có những biển như “Đề phòng trộm cắp”, “Coi chừng móc túi”.  Có nơi còn cho phát thanh thường xuyên cảnh báo bệnh nhân và thân nhân về nạn ăn trộm và móc túi.  Mà xem ra công an chưa có biện pháp gì để ngăn chận tệ nạn này.

 

            Thái độ của nhân viên bệnh viện, đặc biệt là y tá và hộ lí, ở bệnh viện này chỉ có thể mô tả bằng một danh từ: hống hách.  Tôi có cảm giác là họ chẳng biết hay chẳng hiểu khái niệm phục vụ bệnh nhân có nghĩa gì.  Câu chuyện và kinh nghiệm của tôi cũng đáng suy ngẫm về thái độ này.  Hôm đó, tôi chuẩn bị thủ tục cho thân nhân xuất viện, và phát hiện tên của thân nhân tôi đã bị thay đổi chỉ với một dấu nặng.  Tôi phàn nàn rằng cả hai tháng mà chẳng ai sửa lại tên bệnh nhân cho chính xác.  Thay vì nói một lời xin lỗi, cô y tá nhìn tôi khinh khỉnh nói: Ôi, có cái tên mà làm gì phải nghiêm trọng vậy.  Tôi cãi lại rằng nghiêm trọng chứ, vì nó biểu hiện thái độ coi thường bệnh nhân và cách làm việc cẩu thả, ngay cả cái tên mà còn không viết đúng thì còn sai sót gì khác nữa đây. 

 

Hôm xuất viện, một cô y tá, chẳng cần báo trước, xông vào phòng bệnh nhân, nói là đòi kiểm tra xem có mất gì không.  Tôi thấy thái độ hách dịch và cách dùng chữ “mất” của tôi, nên không ngăn được một lời cảnh cáo: Thưa chị, tôi cảm thấy xúc phạm khi chị dùng chữ “mất”; thân nhân tôi đến đây để chữa bệnh, chứ không phải để ăn cắp của ai cả.  Cô y tá quét một ánh mắt sáng ngời và khinh khi nói rằng: Đây là qui định, tôi phải kiểm tra.  Dạ thưa chị, không ai không cho chị kiểm tra, tôi chỉ không chấp nhận chữ “mất”, và tôi nghĩ chị nợ chúng tôi một lời xin lỗi.  Cô tả quay lưng bỏ đi, cũng như khi cô vào phòng, chẳng có một lời nói từ biệt chứ nói gì đến xin lỗi. 

 

            Do có đồng nghiệp làm việc ở đây, tôi có dịp ghé thăm vài khoa trong bệnh viện, tôi phải nói rất nhiều y tá ở đây thật khó ưa.  Họ nói chuyện với bệnh nhân như là người chủ nói chuyện với người ở, và thái độ của họ thì hống hách, đe dọa, miệt thị đến độ có thể nói là vô giáo dục.  Tôi thấy rất ít y tá có lời nói dịu dàng với bệnh nhân.  Trước những quát mắng, bệnh nhân và thân nhân chỉ biết nhẫn nhục chịu đựng, nhẫn nhục cuối đầu thấp, y như là thần dân phủ phục trước bệ rồng của vua. 

 

Người y tá phục vụ đã trở thành quan chức được phục vụ.  Thật vậy, những thói nhũng nhiễu, vòi vĩnh tiền bạc từ bệnh nhân xảy ra hàng ngày.  Đi qua một vòng các giường bệnh và hỏi thăm thân nhân, tôi có thể nói 100% thân nhân đều thường xuyên cung phụng các y tá trực phòng để được yên thân.  Hình thức có thể là quà cáp, trái cây, tiền bạc.  Thành ra, không một ai ở bệnh viện cảm thấy thoải mái cả.  Bệnh nhân, ngoài căn bệnh ra, lúc nào cũng ám ảnh với những “ma” đang trực chờ lừa đảo, ăn trộm, và sợ những y tá vào la mắng, thành ra không lúc nào cảm thấy yên thân, chứ nói gì đến yên tâm.  Có người cho rằng nằm bệnh viện là một cực hình, xem bệnh viện là một nhà tù, thậm chí đối với vài người nằm bệnh viện là một địa ngục ở trần gian.

 

            Người ta nói nhiều đến vấn đề giáo dục, nhưng tôi cho rằng y tế cũng là một trong những vấn đề nổi cộm và nghiêm trọng nhất ở Việt Nam.  Thiếu bệnh viện là một cái khó khăn triền miên, muôn thuở.  Thiếu thốn phương tiện điều trị và chẩn đoán cũng là vấn đề đau đầu cho bác sĩ.  Nhưng có lẽ cái thiếu thốn đau lòng nhất, nhức nhối nhất và nguy hiểm nhất trong ngành y tế hiện nay là hiện tượng vô cảm, là vấn đề y đức của giới y tế, kể cả bác sĩ và y tá.  Những thái độ hách dịch, những hành vi xem bệnh nhân như là người hưởng ân huệ, những trò “chuyền bóng” bệnh nhân để làm tiền xảy ra hầu như hàng ngày đến độ xã hội xem đó là chuyện thường tình.

 

            Có thể nói hệ thống y tế Việt Nam hiện nay đang giết chết người dân.  Ngày nay, người dân không bị bệnh truyền nhiễm, mà những bệnh liên quan đến ăn uống và thừa thải thực phẩm, và việc điều trị thường quá khả năng tài chính của bệnh nhân.  Những bệnh thường hay gặp nhất ở nông thôn ngày nay là: cao huyết áp, tiểu đường, khớp xương, tim mạch và tai biến mạch máu não.  Mỗi lần đi khám bệnh, chi phí bác sĩ thì không bao nhiêu, nhưng cái toa thuốc kèm theo mới làm cho nhiều gia đình điêu đứng, méo mặt.  Một bệnh nhân tiểu đường, mỗi lần đi khám bác sĩ đều có một toa thuốc trị giá 600.000 đồng có thể dùng trong vòng 1 tháng.  Đó là chưa kể các dịch vụ thử nghiệm khác, cũng tốn khoảng 100.000 đồng một lần, có khi lên đến cả triệu đồng.  Một người nông dân làm trung bình một ngày chỉ 20.000 đến 30.000 đồng thì lấy đâu để trang trải toa thuốc này? 

 

Chính phủ chẳng có tài trợ gì, người dân phải tự lo liệu lấy.  Nếu người dân bị bệnh và không có tiền thì phải làm gì?  Chờ chết.  Cuộc sống thiếu thốn sản sinh ra nhiều thảm cảnh.  Vài ba câu chuyện thương tâm xảy ra trong làng tôi.  Bà X bị bệnh đau khớp xương, và qua biết bao lần chữa trị không hết, mà tiền thì cứ cạn dần.  Đến lúc mợ thấy không muốn làm phiền và hao tổn con cái nữa, bà quyết định treo cổ tự tử chết.  Một người Khmer ngày xưa (trước 1975) có khoảng 20 công ruộng; sau 1975 cũng còn nguyên vẹn, vì gia đình có 5 con.  Mấy đứa con đều có gia đình và chúng ra ở riêng, chỉ còn một mình bà ở trong căn nhà lá đơn sơ.  Vài năm trước đây, bà bị bệnh khớp xương, nghe nói là đau đớn lắm; bà cố gắng chịu đau, không chịu mua thuốc uống, vì thuốc đắt đỏ quá.  Đến khi cơn đau lên cao, bà tự tử bằng cách lấy dao tự cắt cổ mình.  Vì nghèo quá, nghèo đến nổi không có tiền mua hòm để liệm.  Hàng xóm phải góp tiền để mua cho bà một cái hòm để hỏa táng. 

 

            Các tổ chức y tế quốc tế một mặt ca ngợi thành tựu của ngành y tế Việt Nam, mặt khác họ cảnh báo rằng tình trạng thiếu công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho người dân đứng vào hạng những nước tệ nhất thế giới (hạng 187 trong số 191 nước).

 

            Trước những bức xúc như thế, người đứng đầu ngành y tế Việt Nam nghĩ gì ?  Đề cập đến chất vấn của các đại biểu về vấn đề y đức và nạn nhũng nhiễu bệnh nhân, bà Trần Thị Trung Chiến (nghe đâu mang hàm phó giáo sư tiến sĩ) chẳng những không trả lời được mà còn than vãn xin được … thông cảm: “Nghề nào thì cũng cần đạo đức nhưng y đức của ngành y tế được đặt ra nặng hơn.  Mọi người cũng phải thông cảm cho, hiện nay nhiều bệnh viện quá tải, cầu vượt quá cung.  Một buổi chiều khám 100 người bệnh, bác sĩ còn đâu vui vẻ.”  Còn trước tình trạng thiếu bệnh viện và cơ sở vật chất trong ngành y tế, bà bộ trưởng cũng tỏ ra … bó tay: “Có những bệnh viện không mổ được một ca ruột thừa … Tôi đã thiết tha nhiều lần đề nghị đầu tư cho ngành y tế.  Phải có kinh phí, nếu không Quốc hội hỏi tôi, chất vấn thế này, tôi không làm sao giải thích được.”  Nghe người đứng đầu ngành y tế của cả nước nói như thế, người dân còn gì là hi vọng ?

 

 

Nhọc nhằn đường xá Đồng bằng sông Cửu Long

 

Trong mỗi chuyến về Việt Nam, tôi luôn cảm thấy và nghĩ mình không thể nào chịu nổi cuộc sống xe cộ ồn ào, nhà cửa chật chội ở thành phố.  Thành ra, xong việc là về quê ngay, bởi vì ở trong quê, tôi luôn cảm thấy mình thật sự ở trạng thái thoải mái, vì hít thở được không khí trong lành, được sống những ngày êm đềm, được nằm võng giữa trưa hè dưới hàng cây xanh rậm lá và nghe vọng cổ bên kia sông, và nhất là được sống lại môi trường bà con chòm xóm.  Nhưng mỗi chuyến xe về quê là mỗi ám ảnh khó quên …

 

Một hôm, tôi quyết định đi từ Sài Gòn về Kiên Giang (và ngược lại) bằng xe đò thay vì bao xe.  Ai cũng khuyên tôi không nên vì sẽ gặp nhiều phiền phức và nhọc nhằn lắm.  Nhưng tôi muốn nếm mùi giang hồ nên bỏ ngoài tai những lời khuyên bảo chí tình.  Cũng cần nói thêm, một chuyến bao xe từ Sài Gòn về Kiên Giang tốn khoảng 800 ngàn tới 1,2 triệu đồng (tức khoảng 100 đô-la Úc), tùy theo xe ở Sài Gòn (đắt hơn) hay xe ở tỉnh, nhưng đi xe đò chỉ tốn khoảng 50.000 đồng.  Đã lâu, cũng cả 30 năm rồi, không đi xe đò, nên tôi muốn đi thực tế xem tình hình ra sao.

 

            Tôi thức sớm chuẩn bị ba lô, đồ dùng cá nhân, rồi thả bộ ra Xa cảng miền Tây để mua vé.  Buổi sáng mới tinh sương mà hàng quán quanh Xa cảng đã tấp nập người đi lại và buôn bán.  Mấy anh chàng xích lô không ngừng "gạ" tôi đi xe họ.  Tôi để ý thấy vài khẩu hiệu cũ vẫn còn xuất hiện lẻ tẻ, nhưng dưới làn nước sơn phai màu, như "Đảng Cộng Sản Việt Nam Quang Vinh Muôn Năm!", "Bác Hồ Vĩ Đại Sống Trong Lòng Sự Nghiệp Cách Mạng của Chúng Ta!" ...  Vào phía trong, tôi thấy Xa cảng vẫn nhộn nhịp như ngày nào, nhưng sạch sẽ và gọn gàng hơn rất nhiều so với thời trước 1975 hay thời bao cấp.  Xe cộ đậu rất thứ tự và theo tên từng tỉnh.  Dò theo tên của tỉnh mình, tôi tìm tới bến xe về Kiên Giang rất dễ dàng.  Khu dành cho Kiên Giang có 4 chiếc đang đậu chờ khách.  Có ba loại xe chính: xe 12 chỗ ngồi (tức xe van bên Úc hay Mĩ), xe 25 chỗ ngồi (tức xe mini-bus) và xe lớn hơn khoảng 50 chỗ ngồi (tức xe bus).  Nhìn chung quanh tôi thấy phần đông là xe hiệu Hyundai và kế đến là Toyota.

 

            Vừa tới nơi, đã có ba bốn anh lơ xe hay cò gì đó mời mọc đi xe của họ.  Cần nói thêm là thời bao cấp xưa tôi đã phải năn nỉ họ, chứ làm gì có chuyện họ chào hỏi tôi.  Họ quảng cáo đủ thứ để lôi cho bằng được khách.  Họ đưa ra những đặc tính xe để hấp dẫn khách, nào là xe có video chiếu phim chưởng, xe có máy lạnh, xe chạy tốc hành không đón khách giữa đường, xe mới chỗ người rộng rãi, tài xế chịu chơi, v.v. và v.v...  Tôi chọn chiếc xe 25 chỗ ngồi, không có video nhưng có máy lạnh và đi tốc hành.  Anh lơ xe sốt sắng xếp hành lí của tôi vào xe và dẫn tôi lên ghế ngồi. Anh nói ngọt ngào: Em biết anh là Việt Kiều, anh nên ngồi ghế trên thoải mái hơn.  Giá chỉ có 40.000 đồng thôi hà, số lẻ đối với anh mà ... Tôi hỏi giá của các ghế khác thì anh nói là 38.000 đồng.  Tôi quyết định mua giá 40.000 đồng và cho anh ta thêm 5.000 đồng để uống cà phê.  Anh ta liền đon đả dẫn tôi đi uống cà phê trong khi chờ khách.

 

            Tôi lên xe chờ và nhìn chung quanh những bạn hành khách.  Xe đò này đúng là dành cho dân nghèo tỉnh lẻ.  Cả xe có khoảng 15 người, mà phân nửa là các cụ bà, cụ ông, còn lại là các anh chị học sinh, sinh viên, dân thường hay cán bộ đi công tác.  Các cụ thì lĩnh kĩnh mang theo bao bị đủ thứ đồ ăn, bánh mì; các anh chị học sinh thì sách báo trên tay, ăn nói đùa giỡn liên tục như chỗ không người; một hai anh cán bộ hay bộ đội đang say sưa với tờ Tuổi trẻ cuối tuần ... Không còn cảnh gà vịt trên xe đò nữa.  Tôi thở phào nhẹ nhõm để chuẩn bị tinh thần cho chuyến đi dài.   Theo lịch trình, xe sẽ rời bến lúc 8:10 sáng, nhưng tôi coi đồng hồ đã 8:20 mà xe vẫn chưa chuyển bánh.  Đột nhiên, có một chị nhân viên điều hành bến cảng đến đuổi tài xế phải rời bến. Anh tài xế dùng dằng, chị ta nói vài câu nữa (mà tôi không nghe được), anh ta phải rời bến.  Nhưng trước khi rời, anh ta văng tục: Đ. M., tao mướn chỗ đậu tốn tiền, thì phải cho tao chút thì giờ đón khách chớ.  Làm gì đuổi hoài vậy.  À, thì ra, các xe miền tỉnh lẻ phải mướn chỗ ở Xa Cảng này!

 

            Xe bon bon rời Xa cảng đi về hướng Long An.  Theo yêu cầu của khách, anh tài xế mở nhạc.  Tiếng hát của một cô các sĩ (mà sau này tôi mới biết là Phi Nhung) vang lên trong trẻo, tình tứ và ướt át, làm hài lòng nhiều hành khách:

 

                        Tôi ở ngoại ô, một căn nhà nhỏ

                        Có cây thơm trái ngọt

                        Gần kề lối xóm có cô bạn thân

                        Sớm hôm lo sách đèn ...

 

Nàng ca phần lớn những bài nhạc điệu boléro mà ngày xưa có người cho là "nhạc sến", và sau này (sau 75) có thời được xem là "nhạc đồi trụy" hay "phản động.  Nói vậy thôi, chứ bây giờ thì những loại nhạc này tràn đầy khắp thị trường … đen. 

 

Nói là xe tốc hành, nhưng trên đường, khi thấy ai về miền Tây, anh lơ xe cũng đón hết.  Anh lơ xe này hay lắm: anh ta chỉ nhìn qua là biết khách miền Tây hay không.  Đi miền Tây hả, lên đi! là câu mà anh hay la hét.  Thật ra, chuyện lên xuống hành khách cũng rất nhanh, không tới 1 phút.  Được quảng cáo là xe có máy lạnh, nhưng tôi chả thấy tài xế dùng nó bao giờ trong suốt chuyến đi.  Mà thật ra, cũng chả cần dùng máy lạnh, vì gió mát đồng quê có lẽ còn mát hơn cả cái lạnh bệnh hoạn của máy lạnh.  Vả lại, cửa xe đóng mở liên tục thì có máy lạnh nào phục vụ cho một chiếc xe rộng như thế.

 

            Đi khoảng một đoạn và nhìn qua cách lái xe của anh tài xế chịu chơi này, tôi mới thấy mình sai lầm khi chọn ngồi gần ghế anh ta.  Thoải mái, rộng rải thì có thật, nhưng kinh hồn vì những lần anh qua mặt xe khác và đối đầu xe đối diện.  Mang tiếng là quốc lộ, nhưng thật ra, con lộ từ Sài Gòn về miền Tây chỉ có hai lane, vừa đủ cho hai xe chạy ngược chiều.  Vì thế, khi qua mặt, họ phải dùng lane phía bên kia để vượt lên.  Có nhiều lúc, hai xe đi đối diện nhau trên cùng một lane chỉ cách nhau vài thước, tức sự chết chóc có thể xảy ra trong nháy mắt, nếu tài xế không lách kịp vào lane của mình.  Đó là chưa kể đến các xe gắn máy, xe đạp, xe ôtô đi loạn xạ trên lộ.  Có nhiều lúc, tôi chỉ nhắm mắt không dám nhìn vào những lần qua mặt khủng khiếp.  Tôi để ý thấy mấy tay tài xế cũng có tình đồng nghiệp lắm.  Chẳng hạn nhừ tài xế xe hàng (tải) luôn luôn dành đường cho các xe hành khách, bằng cách ra dấu cho tài xế nên vượt hay không.

 

            Tôi có dịp hỏi anh tài xế sao anh lại gan qua mặt xe khác một cách nguy hiểm vậy.  Anh này, coi bộ du côn với người khác, vậy mà mềm dẽo với tôi lắm, anh nói: Em phải chạy như vậy anh à, nếu không nó sẽ lấn mình xuống ruộng.  Tôi ngạc nhiên và hỏi thêm tại sao nó sẽ lấn mình xuống ruộng, thì anh ta nói: mình phải tỏ ra có bản lãnh với xe đối diện thì nó mới nhường.  Tôi nghĩ thầm: trời ơi bản lãnh kiểu đó thì có ngày bỏ mạng như chơi.  Tôi nói với anh ta là chắc chẳng ai gấp gáp gì đâu, anh cứ chạy từ từ ... nhưng lời nói của tôi chả có hiệu lực gì hết.

 

            Xe chạy vừa tới bến phà Vàm Cống, mùi thịt nướng thơm ngào ngạt đã lấn chiếm các giây thần kinh của tôi.  Chưa thưởng thức xong mùi vị quê hương, tôi đã phải đương đầu với một "đội quân" bán đủ loại thức ăn uống mời gọi.  Đội quân này vừa đi Honda, vừa đi bộ, luôn miệng rao hàng.  Họ còn nhảy lên cả xe để thuyết phục hành khách mua thức ăn của họ.  Thức ăn thì ôi thôi đủ thứ: cơm xườn, chả lụa, nem chua, bánh tráng ngọt, nước ngọt, nước khoáng, trái cây ... đủ thứ!  Có lẽ họ thấy cái mã "Việt kiều" của tôi, nên tôi bị đội quân này chiếu cố quá cỡ.  Tôi nói tôi không phải Việt kiều mà là học sinh từ Sài Gòn về quê.  Có người còn nói: Xạo hoài anh hai ơi, anh tưởng như tụi tui hổng có mắt vậy.  Tôi cũng nhân cơ hội mà nói đùa, mua vài món trái cây làm quà.  Ngày xưa, tôi nghe nói mấy ông thương phế binh (thật hay giả thì không biết) thường hay làm phiền khách qua phà, thậm chí hành hung khách, nếu khách không chịu mua kẹo của họ.  Nhưng trong chuyến đi này, hoàn toàn không có tình trạng đó.

 

Nhưng bực bội và khó chịu nhất vẫn là đội quân bán vé số.  Họ nài nỉ một cách ... dai không tả được.  Ngày nay, hầu hết các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều có tổ chức xổ số.  Vì vậy, ngày nào cũng có chương trình xổ số trên đài truyền hình.  Họ tranh nhau in những tấm vé số màu mè, hoa hòe chẳng kém gì so với thời trước 1975.  Đội quân đi bán vé số cũng tăng theo nhanh chóng.  Đội quân này không những có mặt ở bến phà, mà còn ở hầu hết các quán ăn uống và nơi công cộng.  Họ là học sinh, công tư chức, nông dân, v.v...  Nhưng tôi cũng nghe nói có nhiều người chỉ sống vào nghề bán vé số, thậm chí có người làm giàu cũng bằng nghề này.

 

            Phà Vàm Cống chạy nhanh và phục vụ khá hữu hiệu.  Tình trạng chờ phà như ngày xưa hầu như không có.  Không đầy 15 phút, phà đã qua phía bên kia sông và xe lại lên đường.  Xe vừa qua phà, anh tài xế cho ghé lại quán Ba Mỹ để hành khách ăn uống, giải lao và đi tiểu.  Lợi dụng sự thiếu thốn cầu tiêu tiểu ở đây, các nhà gần phà đều trương biển hiệu “Đi tiểu” để kiếm thêm thu nhập.  Một lần đi tiểu tốn chỉ 500 đồng, nhưng với lượng khách hàng chục ngàn người mỗi ngày thì thu nhập của các nhà này cũng khá.

 

Tôi cũng theo bà con ăn một tô hủ tiếu Mỹ Tho ở đây.  Ngon không tả được!  Anh bộ đội ngồi trên ghế phía sau tôi trên xe nãy giờ im lặng đột nhiên lân la đến  làm quen với tôi.  Nói chuyện một chút tôi mới biết anh ta là trung úy và đang là bộ đội biên phòng đóng quân ngoài đảo Phú Quốc, một huyện của tỉnh Kiên Giang.  Ngày xưa, tôi từng đi ra đảo này làm việc nhiều lần, nên hỏi anh về tình hình ngoài đó và được nghe nhiều chuyện thú vị.  Anh ta hỏi tôi về cuộc sống ở nước ngoài và hỏi tôi có muốn về Việt Nam làm gì cho quê hương không.  Anh ta còn đi xa hơn và hỏi ngày xưa tôi đi vượt biên hay đoàn tụ gia đình.  Tôi nói thật là tôi đi vượt biên.  Anh ta cười, vỗ vai tôi và đùa: Ngày xưa tôi xem anh là phản cách mạng đó nhé.  Tôi cũng đùa lại là Ngày xưa chắc tôi không dám léo hánh đến gần anh, chứ làm gì trò chuyện như vầy ...  Vẫn biết anh ta đùa, nhưng tôi cứ suy nghĩ hoài câu nói đó.  Mấy chữ "phản động" hay "phản cách mạng" đã làm cho biết bao người phải lận đận lao đao, tán gia bại sản ...

 

            Đường từ Vàm Cống về Kiên Giang càng lúc càng hẹp lại.  Nhà cửa hai bên đường chỉ cách mặt đường xe chạy 1, 2 thước.  Tôi thấy thật là nguy hiểm cho các em học sinh và người đi bộ đi bên lề.  Anh tài xế tay luôn bóp kèn inh ỏi.  Ấy vậy mà người đạp xe đạp vẫn tỉnh bơ, coi như "ne pas".  Đến huyện Tân Hiệp thì đường xá lại càng hẹp hơn (chỉ vừa 1 chiếc xe qua lại theo tiêu chuẩn bên này), đã vậy, dân chúng buôn bán lấn chiếm lề đường một cách ... tự nhiên, làm cho xe đi lại càng thêm nguy hiểm.  Nhưng đường từ Tân Hiệp về Rạch Sỏi thì lại khá hơn nhiều, nhưng cũng không kém phần nguy hiểm.

 

            Giữa đường từ Tân Hiệp về Rạch Sỏi, bỗng đâu xuất hiện một chị thấp người, lanh lẹ, với microphone, và một bao bị gì đó lên xe.  Chị ta chuẩn bị giàn máy xong xuôi và cầm microphone bắt đầu nói chuyện.  Chị ta nói chuyện rất lưu loát, có duyên và thu hút.  Nghe một lúc thì tôi biết chị ta là một nhân viên tiếp thị (salesman) của một hãng bán thuốc Tây và thuốc Nam.  Theo lời chị thì thuốc của chị chữa trị bách bệnh, từ đau nhức đến ung thư, tiểu đường, và … nhức đầu!  Sau khi giới thiệu thuốc xong, chị ta bèn mở bao ra và cho khách hàng xem hàng.  Tôi thấy cũng có nhiều khách mua thuốc của chị ta.  Đến một đoạn kia, tài xế cho chị xuống.  Sau này tôi mới biết đội quân tiếp thị này hoạt động trên các tuyến đường vùng ĐBSCL đều có ăn rơ với tài xế để bán hàng hóa.

 

            Nói chung, tôi đã có một chuyến đi xe đò thú vị, nhưng cũng mất hồn.  Thú vị vì đã biết thêm cái “văn hóa” của dân xe đò, sinh hoạt khó khăn của hành khách từ tỉnh lẻ lên Saigon.  Kinh hoàng vì những nguy cơ tưởng như chỉ xảy ra trong chớp mắt.  Tôi tự hỏi chả biết bao giờ vùng ĐBSCL mới có một con đường “ngon lành” để dân miền Tây đi lại dễ dàng và an toàn hơn.  Bây giờ thì hành khách đỡ bị “hành” hơn trước đây, nhưng những vất vả và nguy hiểm thì vẫn còn đó:  Xe đò ơi, những vất vả ngày ấy  / Nhớ thương hoài chẳng nguôi ...  

 

Đường xá gập ghềnh

 

            Từ Sài Gòn về các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có thể đi theo một con đường duy nhất: Quốc lộ 1A.  Con đường này được xem là huyết mạch nối liền Sài Gòn và cái vựa lúa của Việt Nam.  Từ Sài Gòn, qua ngả ba Trung Lương, đến Long An, băng qua Tiền Giang, rồi trực chỉ phà (nay là cầu) Mỹ Thuận.  Từ Mỹ Thuận, có thể về thành phố Cần Thơ hay các tỉnh như An Giang và Kiên Giang.  Nếu đi đường Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, phải qua sông Hậu (bằng phà Cần Thơ); nếu đi đường An Giang và Kiên Giang, hành khách phải qua một nhánh sông Hậu khác (qua phà Vàm Cống). 

 

Gần đây chúng ta thường nghe đến những phát triển giao thông đáng khích lệ trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.  Chẳng hạn như cầu Mỹ Thuận đã được xây xong từ năm 2000 (tốn 95 triệu đô-la Úc hay 72 triệu đô-la Mĩ, với 66% tài trợ từ Úc) giải quyết rất nhiều vấn đề lưu thông cho các tỉnh miệt Hậu Giang.  Mới đây, dự án xây cầu Cần Thơ đã khởi động hồi tháng 9 năm 2004, với kinh phí 342 triệu đô-la Mĩ, và khi hoàn tất (dự kiến năm 2008) sẽ là cây cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á và lớn vào hàng thứ 7 trên thế giới.  Quốc lộ 1A từ Sài Gòn về Long An và một phần tỉnh Tiền Giang đã được nới rộng giúp xe cộ lưu thông cũng khá. 

 

Nhưng ngoài những phát triển mang tính tập trung và bề nổi đó, phần còn lại của quốc lộ vẫn chưa có gì cải tiến cả.  Chẳng hạn như con đường Từ Sài Gòn về Kiên Giang chỉ khoảng 260 cây số, mà phải tốn đến ngót nghét 6 tiếng đồng hồ!  Thực ra, như vậy đã là một tiến triển đáng mừng rồi, bởi vì 30 năm về trước phải mất một ngày đường (12 giờ đồng hồ).  Có lẽ nhiều bạn ngạc nhiên tại sao trong thời kì phát triển nhanh chóng hiện nay, mà con đường về các tỉnh ĐBSCL còn quá lâu như thế, nhưng đó là một thực tế rất đáng buồn.  Con đường về các tỉnh ĐBSCL chỉ có thể mô tả bằng hai chữ: kinh khủng. 

 

Vâng, đường từ Sài Gòn về các tỉnh miền Tây Nam bộ còn rất gập ghềnh và lắm chông gai.  À không, phải nói chính xác là còn lắm ổ gà.  Sau 30 năm thống nhất đất nước, trong khi các tỉnh ngoài Bắc đã có những con đường quốc lộ lán on chẳng khác gì đường xá tại các nước Tây phương, thì ngược lại con đường về miền Tây còn tệ hơn cả 30 năm về trước.  Về phương diện đường xá này, có thể nói Việt Nam là hai nước khác nhau. 

 

Chỉ có một đoạn đường có thể nói là khá hơn trước, đó là đường từ Sài Gòn đến Tiền Giang.  Còn đường từ cầu Mỹ Thuận, qua phà Vàm Cống đến các tỉnh như An Giang, Kiên Giang, Minh Hải, v.v… thì đường xá còn tồi tệ hơn tình trạng của 30 năm về trước.  Con đường huyết mạch kinh tế của cả miền Nam mà chỉ 2 lằn xe rất hẹp, chỉ vừa đủ cho hai xe bốn bánh.  Nhiều đoạn xuống cấp hết sức nghiêm trọng, ổ gà khắp nơi.  Có nơi xe phải bò (chứ không phải chạy) theo hình chữ “Chi”, và hành khách trên xe thì tha hồ ngất ngư như nhảy đầm!  Có nhiều đoạn đường chỉ có thể chạy 30 hay 40 km/giờ.  Chẳng hạn như con lộ từ Phà Vàm Cống đến Tân Hiệp chỉ có thể chạy 30 km/giờ; từ An Giang đến Cần Thơ chỉ chạy 45 km/giờ.  Từ Cần Thơ đến cầu Mỹ Thuận thì khá hơn chút: 65 km/giờ.  Theo đánh giá của một quan chức trong ngành giao thông thì “Hệ thống đường trên nhiều quốc lộ, tỉnh lộ tại ĐBSCL hiện có chất lượng dưới trung bình”.  Thành ra, không ai ngạc nhiên mỗi khi có lũ lụt thì có đến 1200 cây số rất khó đi lại, hoặc có nơi, không đi lại được. 

 

Còn cầu cống chẳng những không có gì cải tiến mà còn tồi tệ hơn 30 năm về trước.  Những cây cầu được xây từ đời Pháp cho đến nay vẫn chưa được nâng cấp hay tu bổ, cho nên có cây cầu mà xe chạy ngang, hành khách chỉ biết nhắm mắt trao thân cho … trời.  Đã từng có vài cầu bị sập cầu và hành khách bỏ mạng, nhưng thay vì xây cầu mới hoàn chỉnh và an toàn hơn, thì buồn thay, chính quyền chỉ sửa sơ sài cho có để giải quyết giao thông.  Có nhiều cây cầu đã 50 hay 60 tuổi chỉ vừa đủ cho một xe qua mà thôi, ấy thế mà xe bốn bánh và xe gắn máy phải chen chân nhau vượt!  Bạn đọc phải đi qua những cây cầu làm bằng ván hay tole, cột xiêu vẹo, và nhịp gập ghềnh mới có thể thấy mạng sống của người dân rẻ rúng cỡ nào. 

 

            Vấn đề xem thường tính mạng của người dân còn thể hiện qua những lơ là, chểnh mảng trong các biển chỉ đường.  Một con đường đang chạy bon bon đột nhiên bị hạ thấp cả 20 cm, mà không hề có một biển cảnh cáo nào cả.  Nếu không quen đường thì xe có thể bị hư hỏng, thậm chí lật tại chỗ như chơi.  Hầu như con đường nào cũng có nhiều ụ và ổ gà trên đường nhưng trước đó hay quanh đó hoàn toàn không có một biển ngữ nào cảnh báo người lái xe cả.  Có khi người ta xây một cột điện gần giữa đường mà cũng không hề có một cái biển nào cảnh báo.  Hầu như tất cả những nơi đang xây dựng đường, nhà thầu (hay cơ quan chịu trách nhiệm xây đường) đều không đề biển gì cả.  Trong thực tế, đã có nhiều người chết vì tình trạng này.  Ấy thế mà từ năm này sang tháng nọ, dù đã có bao người bỏ mạng vì những cái ụ, ổ gà đó, mà cơ quan chức năng chẳng làm gì cả.  Tôi bức xúc nói chuyện này với anh tài xế, thì anh ấy nói: Ấy, vậy mới là Việt Nam chứ!  Anh bảo tôi nên so sánh đoạn đường chung quanh cầu Mỹ Thuận do Úc làm với những đoạn đường kế tiếp do Việt Nam làm để biết “họ ăn cỡ nào”.  Thật vậy, ngành xây đường lộ ở Việt Nam ngày nay được người dân gắn cho huy chương vàng (các huy chương bạc và đồng thì trao cho ngành nhà đất, công an, hải quan, và y tế).  Xin nói ngay huy chương này là huy chương về tham nhũng và “ăn”, chứ không phải huy chương thành tích hoạt động. 

 

Vấn đề lấn đường cũng là một mối khổ tâm của tài xế.  Đoạn đường từ Phà Vàm Cống đến Kiên Giang là một nỗi kinh hoàng cho tài xế xe và hành khách, vì cái chết có thể chỉ xảy ra trong nhấp nháy.  Dân chúng xây nhà, làm chợ lấn ra ngoài đường.  Trẻ em đi học trên những xe đạp xiêu vẹo cũng trên quốc lộ.  Vì nhà cửa dân hai bên con lộ chật hẹp, trẻ em và người lớn băng qua đường lộ quá … tự nhiên đến nổi tôi có cảm giác họ chẳng biết cái chết là gì.  Tài xế bóp kèn inh ỏi, họ cũng làm ngơ!  Tối về thì hàng quán lấn ra đường gây nên một nỗi kinh hãi cho giới lái xe khách.  Không ai ngạc nhiên khi biết rằng trên con lộ này, hầu như ngày nào cũng có người chết hay bị thương vì tai nạn xe cộ.  Xin nhắc lại: hàng ngày (chứ không phải hàng tuần nhé!)

 

            Nói đến tai nạn giao thông ở nước ta, tôi đọc đâu đó một thống kê nhức nhối.  Cứ mỗi ngày có khoảng 86 người chết vì tai nạn giao thông.  Chỉ riêng năm 2004 có đến gần 17 ngàn vụ tai nạn giao thông làm cho 12 ngàn người chết.  Số lượng xe cơ giới của Việt Nam không bằng 5% so với lượng xe ở châu Âu, mà số tai nạn giao thông thì bằng phân nửa số tai nạn ở châu Âu!

 

            Trước tình trạng này, Nhà nước phát động phong trào phòng ngừa tai nạn xe cộ.  Chẳng hạn như người lái xe gắn máy trên 50 cc phải có bằng lái; như người lái xe gắn máy phải mang mũ an toàn; phải nghiêm chỉnh tuân hành luật lệ giao thông, v.v… nhưng có lẽ do ý thức dân còn kém nên hiệu quả của phong trào này vẫn còn kém.  Rất ít người đội mũ an toàn trên đường.  Tuy nhiên, vấn đề bằng lái xe thì có vẻ được chấp hành nghiêm chỉnh.  Việc vẽ lằn ranh trên đường cũng được tiến hành trong cả nước.  Tuy nhiên, ít ai tuân thủ theo các lằn ranh này! 

 

            Ở các nước Tây phương một tần số tai nạn như thế là một khủng hoảng chính trị, và chính phủ phải tìm mọi phương cách giải quyết vấn đề.  Nhưng ở nước ta, tôi có cảm giác nhà nước chỉ nói mà chưa làm gì nhiều và mạnh để khắc phục vấn đề.  Đã 30 năm rồi mà người dân ĐBSCL không có một con lộ xứng đáng với tầm vóc kinh tế và mức độ cống hiến của họ.  Đã 30 năm rồi mà người dân ĐBSCL vẫn phải chết hàng ngày vì những tai nạn xe cộ đáng lẽ ra phải được ngăn ngừa ngay từ ngày hôm qua, chứ không phải hôm nay.
Nguyễn Văn
Số lần đọc: 2198
Ngày đăng: 31.03.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Làm giàu trên lũ - Lê Vũ Tuấn
"Tác chiến" ở miền Tây - Huỳnh Kim
Bơi thuyền kayak trên sông Hậu - Huỳnh Kim
Tuổi thơ bên Thành Hoàng Đế - Mai Thìn
Mái đình quê tôi - Lê Vũ Tuấn
Không biết bây giờ lão nông Ba Dễ có còn sống hay không ? - Lê Vũ Tuấn
Mang mật chỉ đi cởi trói nông dân - Hà văn Thùy
Đồng bằng SÔNG CỬU LONG:Có thể sống chung với lũ mà không cần cứu trợ ? - Trần Đổ Liêm
Nước mắt Chị dâu - Lê Vũ Tuấn
Ký ức Giồng Găng - Lê Vũ Tuấn