Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
749
116.736.335
 
Nước mắt Chị dâu
Lê Vũ Tuấn

Tôi chỉ có thể kể lại những điều tai nghe, mắt thấy, chớ không sao lý giải nổi chuyện đời. Trong con người Việt Nam mình có những luồng sức mạnh tinh thần vô giá, nhưng gọi tên của nó là gì thì tôi cũng như bà con... đành chịu.

 

Bà con Đồng Tháp đã từng rơi nước mắt, khi biết ở xóm vàm Thông Lưu hẻo lánh ven sông Tiền, có người đàn ông nghèo góa vợ, suốt 14 năm trời đi gánh đất mướn để nuôi một bầy con và hết lòng phụng dưỡng một bà mẹ liệt sĩ neo đơn, không phải là mẹ ruột của mình. Năm 1995, bà mẹ ấy được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng. Nhân gian xúc động, ví “người gánh đất” kia như người gánh cải nuôi bà Lý Thần Phi trong vở tuồng “Linh miêu tráo chúa”. Giờ đây ở vùng Gò Tháp, thiên hạ lại ví một người đàn bà suốt sáu năm ròng chăm sóc em chồng - là thương binh tâm thần và bại liệt - như một “nàng Thoại Khanh” huyền thoại của đời nay…

 

“Nàng Thoại Khanh” đời nay là một… bà già, 55 tuổi, quê gốc ở xã Trường Xuân, huyện Ô Môn (Cần Thơ), lấy chồng về xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) từ năm 18 tuổi, đến nay đã là mẹ của…10 đứa con, trong đó chỉ hai đứa là chưa dựng vợ, gả chồng. Tên bà là Võ thị Chắc.

Bà Chắc giơ tay làm những động tác giúp tôi hình dung là bà đã… tắm cho ông em chồng như thế nào. Bà con Gò Tháp từng chứng kiến cảnh này mỗi khi đi ngang qua ngôi nhà tình nghĩa nằm ở cạnh bờ  sông dành cho một thương binh. Mắt em ngây dại, tay chị ân cần. Cái hình ảnh thâm tình đẹp như trong… cổ tích đó thiên hạ nhìn đã quen, nhưng mà bao giờ cũng cảm thấy… lạ. Lạ là vì giữa xã hội bon chen, biết bao người coi đồng tiền “to bằng cái bánh xe bò” lại có một bà chị dâu không nệ hà cực khổ, suốt sáu năm trời chăm sóc một thương binh tâm thần và bại liệt. Nhưng giờ đây cảnh lạ ấy không còn. Trong ngôi nhà đầy nắng, giờ chỉ còn bà Chắc và tôi và… cái bàn thờ khói hương nghi ngút. Ngày 13.2.1997, người thương binh đã lặng lẽ qua đời. Nước mắt hoà bình cũng lặng lẽ rơi…

 

Ngoài kia, dưới bóng xoài mát rượi sau hè, ông Phạm văn Ba - chồng của bà Chắc - đang lui cui khắc những chữ nguệch ngoạc cuối cùng lên ngôi mộ mới xây, chưa kịp quét vôi: “Phạm văn Sáu, hưởng thọ 49 tuổi”.

 

Bà Chắc để rơi bàn tay già nua xuống giữa chừng mỗi khi chợt nhớ người em quá cố. Đã mấy tháng trôi qua, bà chưa hết ngậm ngùi: “Thọ 49 năm, nhưng đời chú Sáu nào có hưởng được gì. Chú bị thương, mất trí từ năm 18 tuổi cho đến ngày nhắm mắt, xuôi tay”.

 

Năm 1991, khi ông Sáu được gia đình rước từ Viện quân y 120 Đồng Tâm (Tiền Giang) trở về, toàn thân đều bị liệt, chỉ có đôi tay là gượng múc được cơm. Việc đại tiện, tiểu tiện hoàn toàn không tự chủ. Thần trí thì lúc tỉnh, lúc mê. Khi trời nắng gắt, mỗi ngày lên ba bốn cơn. Co giật dữ dội, sùi cả bọt mép, la hét điên cuồng. Còn nhớ… khi một quả đạn pháo nổ tung ngay công sự của ông Sáu ở mặt trận Bình Chánh (Sài Gòn) trong đợt tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968, tiểu đoàn trưởng hy sinh tại chỗ. Còn ông - chiến sĩ thông tin - bị vỡ sọ não, mất một mảnh to bằng miệng ly. Đồng đội kịp đưa ông trở về tuyến sau, rồi chuyển ra Hà Nội điều trị. Nhưng vết thương mãi mãi không lành...

 

Tôi lặng nhìn cái “bát hương” trên bàn thờ chứa đầy chân nhang mà nghĩ tới nỗi bất hạnh lớn lao đã phủ trùm lên số phận một đứa con của dòng họ Phạm. Ông Sáu thoát ly gia đình đi kháng chiến từ năm 16 tuổi. Đời ông chỉ có được hai năm thôi, cùng đồng đội cầm súng đi đánh Mỹ, từ bưng biền Đồng Tháp Mười tiến thẳng vào sào huyệt quân thù. Rồi sau đó vĩnh viễn đắm chìm trong vô thức… Ông không thể nào biết được rằng trong những năm cuối của cuộc đời, mình còn hưởng được một tình thương vô giá. Lối xóm kể: “Hôm đưa tang khách dự cả trăm người. Ai nấy đều buồn, song không khóc. Chỉ có thật nhiều nước mắt… chị dâu. Nước mắt chị dâu quí như ngọc, như vàng, bởi chỉ khóc một lần khi vĩnh biệt, suốt sáu năm rồi vẫn một mực cười tươi...”

 

Vâng, điều quí báu ở đây không phải là nước mắt, mà chính là ở nụ cười. Sức mạnh phi thường nào đã khiến người đàn bà nông dân bình thường này có thể làm được cái việc mà ngay cả nàng Thoại Khanh huyền thoại cũng không thể sánh?

 

Bà Chắc lấy chồng giữa thời buổi chiến tranh, mà vùng Gò Tháp lại là một trong những nơi ác liệt. Từ cuối năm 1959, khi đặc công Tỉnh đội Kiến Phong đánh sập Tháp Mười Tầng - một đài quan sát trá hình của Ngô Đình Diệm - cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Đồng Tháp Mười đã coi như chính thức mở màn. Máy bay Mỹ ném bom vào vùng này mỗi ngày không biết bao nhiêu lần. Tàu bay Mỹ lướt trên ngọn cỏ, bắn phá điên cuồng, bất kể trước mặt là dân thường hay Việt cộng. Trực thăng Mỹ đổ quân đi càn, gặp nhà đốt nhà, gặp lúa đốt lúa, gặp người bắt người. Dân chúng kéo nhau đi tản cư. Nếu so với cảnh nàng Thoại Khanh dẫn mẹ đi tìm chồng - được tái hiện trên những bộ “tranh kiếng”  treo đầy ở Đồng Tháp Mười - thì cái cảnh làm dâu thời chiến của bà Chắc còn gian truân gấp bội...

 

“Vì chồng, phải gánh giang san nhà chồng”  - lời dặn ấy của mẹ cha buổi “xuống ghe hoa” theo chồng về vùng nước nổi, cô gái miệt vườn Ô Môn bên bờ sông Hậu vẫn luôn luôn ghi nhớ nằm lòng. Bên chồng bà vốn dĩ rất nghèo. Toàn bộ gia sản chỉ gói gọn trong 10 công ruộng phèn, lại thường xuyên phải bỏ hoang vì hoàn cảnh chiến tranh. Đã vậy, còn “tay xách, nách mang” tới 10 đứa con. Cái cảnh của bà Chắc, chỉ lo cho gia đình mình thôi, đã là quá vất vả. Ông Tám Quang, chú chồng của bà, nhận xét: “Thằng Ba có phước mới cưới được vợ hiền. Tánh vợ của nó “miệng nói, tay làm” mà hễ làm bất cứ việc gì cũng đều hết sức tận tình, chu đáo. Lúc còn sanh tiền, anh chị tui thường khen: Vợ thằng Ba đối xử bên chồng rất mực hiếu đạo. Trong họ Phạm, nó chưa hề làm ai buồn lòng điều gì”.

 

Thời chiến tranh đã vậy, hòa bình trở lại rồi, bên chồng càng quí trọng bà hơn khi ông Phạm văn Sáu - đứa con mất tích của dòng họ - trở về...

 

Ông Phạm văn Ba kể: “ Từ năm 1966, cha mẹ tui cho chú Sáu đi “thoát ly”, rồi bặt tin hàng chục năm trời. Tới năm 1977, nhờ có cô Linh là bà con xa, làm cán bộ tỉnh đi họp ở Hà Nội cho hay đã gặp chú ở ngoải. Cả dòng họ liền góp tiền cho cha tui đi máy bay ra thăm. Sau đó, chú được chuyển về an dưỡng ở Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu), rồi Mỹ Tho (Tiền Giang). Tui lên trển thăm, thấy chú một thân một mình, sống quá kham khổ. Đành rằng Nhà nước cũng có lo, nhưng lo theo chế độ chung, sao bằng mình rước về nhà chăm sóc. Nhà tui thì thiếu trước, hụt sau, con đông, đất ít, rước chú về đâu phải chuyện dễ dàng. Nhưng tình anh em ruột thịt, lẽ nào bỏ chú cho đành. Tui về bàn với vợ tui thì may sao bả lại ừ liền. Tui quá đỗi mừng, tình nguyện lãnh hết mọi chuyện ngoài đồng, để bả ở nhà rảnh tay lo cho chú Sáu”.

Cái tình, cái nghĩa của họ Phạm thật đáng quí biết bao! Càng đáng quí hơn là tấm lòng của bà Chắc. Lo chồng, lo con và lo cả cho em. Chuyện chị dâu chăm sóc em chồng từ đó được loan truyền khắp vùng Gò Tháp và trở thành một sự lạ ở Đồng Tháp Mười. Người ta càng thương cảm ông Sáu bao nhiêu thì lại càng mến phục bà Chắc bấy nhiêu. Bà Hai Nhị, hàng xóm, nói: “Cái cách bả lo cho ông Sáu hổng giống như người ta. Tức là không phải chỉ lo vì bổn phận mà bả có tình thương thật sự với em chồng. Thử nghĩ, lo cho một người mà người đó bị …điên, nếu không có tình thương thật sự thì đâu phải dễ làm. Ngay cả với cha mẹ ruột, con cái còn chưa chắc được vậy, nói chi giữa chị dâu với em chồng. Người như bà Chắc thiệt thế gian hiếm có!”

 

Năm đầu, Viện quân y 120 thỉnh thoảng có cử người đến khám bệnh cho ông Sáu. Mỗi lần khám, phát cho ông khoảng 20 ngàn đồng tiền thuốc. Nhưng qua năm sau, không còn thấy tới lui. Từ đó mỗi khi ông Sáu lên cơn nặng, gia đình phải chở lên Trạm y tế xã Thanh Mỹ hoặc Bệnh viện huyện Tháp Mười. Bà Chắc hầu như phải dành trọn thời gian trong ngày, suốt sáu năm, để chuyên tâm lo cho ông Sáu, từ chuyện ăn uống, tắm rửa, giặt giũ hàng ngày cho tới chuyện trực thâu đêm ở bệnh viện những khi ông phải cấp cứu. Anh Phạm văn Hiếu, 37 tuổi, con trai trưởng của bà Chắc, nói: “Anh em tụi tui thương chú Sáu lắm, thấy má quá cực đòi nhào vô tiếp tay. Nhưng đứa nào cũng bị bả chê, vì tánh má chu đáo dữ lắm. Lo cho chú Sáu hơi sơ sài một chút là bị bả la liền. Chỉ khi nào má có công chuyện đi đâu vắng, tụi tui mới được cho trực thay. Mà bả đi đâu cũng luôn cố về nhà cho sớm”.

 

Từ lâu đã thành lệ, hễ trong xóm nhà nào có đám đều múc sẵn một phần, chọn ra những món ăn nào ngon nhất, kêu bà Chắc bưng về cho ông Sáu trước, rồi mới trở lại lo cúng quải sau. Cái tình của dân quê chỉ đơn sơ, giản dị là vậy, nhưng bà Chắc nhận ra ở đó cả một niềm an ủi lớn lao. Bà nói: “Nếu không có bà con động viên, giúp đỡ, không biết là tui có lo nổi cho chú Sáu tới giờ chót hay không”.

 

Trong ngôi nhà tình nghĩa nay đà vắng chủ, cũng chính do bà con góp sức cất lên, người chị dâu kia chỉ cho tôi xem chiếc giường cây mà ông em chồng từng nằm. Hầu như món nào trong ngôi nhà này cũng đều có sự hỗ trợ của bà con Thanh Mỹ. Lần ông Sáu lên cơn nặng cuối cùng, lối xóm góp tiền đưa cho bà Chắc 500 ngàn đồng, lại cho mượn ghe, mượn máy chở ông lên Bệnh viện huyện Tháp Mười cấp cứu. Nhưng chỉ được ba ngày thì ông Sáu từ trần, giữa vòng tay đùm bọc của quê hương...

 

Thì ra để có “nàng Thoại Khanh” huyền thoại của đời nay, cả vùng Gò Tháp đã âm thầm chung tay góp sức.

 

Tôi chỉ có thể kể lại những điều tai nghe, mắt thấy chớ không sao lý giải nổi chuyện đời. Trong con người Việt Nam mình có những luồng sức mạnh tinh thần vô giá, nhưng gọi tên của nó là gì thì tôi cũng như bà con… đành chịu. Ông Tám Quang, chú chồng của bà Chắc, thử lý giải theo cách của mình: “Vợ thằng Ba có người anh thứ hai và đứa em trai út cũng thoát ly gia đình đi kháng chiến giống như thằng Sáu, nhưng cả hai đều vĩnh viễn không về. Trong tình thương của nó dành cho thằng Sáu còn có hình ảnh của anh em ruột thịt bên trong”. Có phải chăng chỉ những người trong cuộc, từng thấu hiểu nỗi đau của chiến tranh là gì, mới đủ sức sẻ chia?

 

Tôi chia tay bà con Gò Tháp bằng cách xin chụp một tấm hình “nàng Thoại Khanh” huyền thoại của đời nay ngay trước cửa gia đình: “Dù sao thì ông Sáu cũng đã có sáu năm hạnh phúc. Nếu so với những người khác thì...” Nhưng anh trai của người thương binh đã ngắt lời tôi: “Đúng, so với anh em khác thì em tui cũng có phần hơn. Nhưng chú ấy bị điên mà… Chú ấy đâu có biết!”

 

Tôi sững sờ cảm nhận hết nỗi đau bấy lâu nay đè nặng lên dòng họ Phạm và càng thấu hiểu thêm những giọt nước mắt xót xa của một chị dâu. Đó không phải là những giọt lệ làm tan chảy nỗi đau mà là những... giọt ngọc lấp lánh tình người thời hậu chiến. Ngọc quý kia đâu phải dễ tìm!                   

Lê Vũ Tuấn
Số lần đọc: 2770
Ngày đăng: 21.02.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ký ức Giồng Găng - Lê Vũ Tuấn
Mồ hồng nhan : Con sông Tiền Đường Trung Quốc - Lê Vũ Tuấn
Nhớ về một cái tết - Ngọc Thủy
Kể chuyện nhà văn Sơn Nam - Huỳnh Kim
Những thiên thần trong bão lửa - Ngọc Thủy
Nhạc sĩ TÔN THẤT LẬP Lãng mạn,hào hoa và dũng khí - Võ Quê
Mùa sau - Huỳnh Kim
Hành cung "TÂY CỐNG" - Dương Ðình Hùng
Chợ nhóm bên đường - Nguyễn Ngọc Tư
Ẩm thực phương Nam : Hãy làm một chuyến du lịch phương Nam - Trần Đổ Liêm