Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
697
116.734.898
 
Mồ hồng nhan : Con sông Tiền Đường Trung Quốc
Lê Vũ Tuấn

Đó là một buổi sáng tháng 5 ẩm ướt tại thành phố Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang. Lần đầu tiên tôi được thấy con sông Tiền Đường. Cuộc gặp gỡ giữa một người Việt Nam với một con sông Trung Quốc thật ra cũng sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như mấy trăm năm trước, đại thi hào Nguyễn Du của chúng ta không từng chọn nơi đây để nàng Kiều tự vẫn: “Mảnh trăng đã gác non đoài/ Một mình luống những đứng ngồi chưa xong/ Triều đâu nổi tiếng đùng đùng/ Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường (...)/ Thôi thì một thác cho rồi/ Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông/ Trông vời con nước mênh mông/ Đem mình gieo xuống giữa dòng tràng giang”.

 

Vâng, tâm trạng của đoàn du lịch “Trung Hoa tốc hành” chúng tôi lúc ấy thật là đặc biệt. Tự dưng một cảm giác gần gũi, thân thuộc đến lạ lùng xâm chiếm mọi người, dù ai cũng biết rõ mười mươi Kiều chỉ là một nhân vật văn học, hơn nữa nhân vật ấy lại còn mang lai lịch... Trung Hoa.

 

Hôm đó, đoàn được hướng dẫn đến thăm Lục Hoà Tháp nằm bên sông Tiền Đường là nơi Tần Thuỷ Hoàng từng họp 6 nước để thống nhất Trung Hoa. Vừa nghe anh Lý Quốc Cường – hướng dẫn viên của Công ty du lịch Trung Lữ (Quảng Tây) – giới thiệu tới đó, trong đoàn đã có người buột miệng: “Có phải nơi nàng Kiều tự vẫn hay không?”. Đối với một người Trung Quốc, câu hỏi ấy có thể là rất khó, nhưng Cường đã trả lời ngay: “Vâng, sông Tiền Đường đó, ấy mồ hồng nhan. Chính đoạn sông dưới chân Lục Hòa Tháp là nơi nàng Kiều của nhà thơ Nguyễn Du trầm mình”.

 

Thế là mặc cho Lục Hòa Tháp, mặc cho lịch sử cổ đại Trung Hoa, cả đoàn ai cũng muốn nấn ná thật lâu để được ngắm thật kỹ con sông Tiền Đường và nghĩ đến số phận đắng cay của nàng Kiều như thể nàng là... cô gái Việt Nam. Sự ngộ nhận này thật khó bề lý giải, bởi ai cũng biết nhà thơ Nguyễn Du của chúng ta đã viết nên tuyệt tác “Truyện Kiều” là dựa vào cốt truyện của một tác phẩm văn xuôi... tầm tầm của Trung Quốc mấy trăm năm trước.

 

Cường cho biết, anh từng tốt nghiệp Học viện ngôn ngữ Quảng Tây chuyên ngành tiếng Việt, lại có 3 năm rưỡi làm phiên dịch tại Nhà máy ximăng Hà Tiên (Kiên Giang). Hèn nào anh biết rõ Nguyễn Du và trả lời như thể Kiều là một nhân vật có thực và đang được mọi người dân Trung Quốc thuộc mặt, nhớ tên (vì biết rõ nàng tự vẫn ở chỗ nào trên sông Tiền Đường). Dù sao mặc lòng, đoàn du khách người Việt chúng tôi hôm đó đã tốn rất nhiều phim. Ai cũng muốn có một tấm ảnh chứng minh mình đã đến tận nơi nàng Kiều tự vẫn. Thậm chí trong đoàn còn có người thắc mắc: Sao cụ Nguyễn Du không chọn lấy một cốt truyện Việt Nam, không để nàng Kiều tự vẫn ở một con sông Việt Nam? Thắc mắc này không một ai có thể trả lời, bởi sáng tạo văn chương luôn là một công việc chứa đầy bí ẩn. Trong đời mình, Nguyễn Du từng được vua Gia Long phong làm Chánh sứ dẫn đầu phái bộ Việt Nam sang Trung Quốc vào năm 1813. Trên đường đến kinh đô nhà Thanh thời đó (tức thủ đô Bắc Kinh ngày nay), hẳng là đoàn đã từng ghé lại Hàng Châu, nhưng chắc gì sông Tiền Đường gây cho nhà thơ ấn tượng nào đặc biệt.   

 

Sau này nghĩ lại, tôi cứ mãi băn khoăn tự hỏi: Phải chăng cái sức ám ảnh “thuần Việt” của thi tài Nguyễn Du đã khiến cho chúng tôi ngộ nhận, cứ muốn giành con sông Tiền Đường, giành Kiều về phần mình?

 

(Báo Lao Động ngày 30.6.2002)

Lê Vũ Tuấn
Số lần đọc: 2708
Ngày đăng: 05.02.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhớ về một cái tết - Ngọc Thủy
Kể chuyện nhà văn Sơn Nam - Huỳnh Kim
Những thiên thần trong bão lửa - Ngọc Thủy
Nhạc sĩ TÔN THẤT LẬP Lãng mạn,hào hoa và dũng khí - Võ Quê
Mùa sau - Huỳnh Kim
Hành cung "TÂY CỐNG" - Dương Ðình Hùng
Chợ nhóm bên đường - Nguyễn Ngọc Tư
Ẩm thực phương Nam : Hãy làm một chuyến du lịch phương Nam - Trần Đổ Liêm
Đôi điều với nữ họa sĩ Mia - Dương Ðình Hùng
Ấn tượng từ một trại viết - Bùi Trần Lê Văn