Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
685
116.733.616
 
Bảo tàng khẩn hoang nam bộ, tại sao không ?
Lê Vũ Tuấn

Nghe danh đã lâu, nhưng mãi đến tháng 1.2005, chúng tôi mới có dịp diện kiến “thổ địa Nam bộ" nhân lễ hội kỷ niệm 220 năm chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút diễn ra trên quê hương ông. Ðược chạm tay vào hiện vật vớt lên từ đáy sông Tiền của đội thủy quân thuộc loại thiện chiến ở Đông Nam Á nửa cuối thế kỷ 18 từng bị vùi chôn bởi đạn "thần sang" - loại vũ khí hiện đại bậc nhất đương thời - của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ để lại một cảm xúc lâng lâng khó tả. Nhưng đây chỉ là một phần rất nhỏ trong kho báu đồ sộ của Trương Ngọc Tường - một ngôi nhà không có tường rào nằm sát lề đường 30-4 ở thị trấn Cai Lậy, nơi bọn trộm đạo vẫn coi là "chẳng đáng một xu”.

 

CỔ VẬT TỪ GÁNH VE CHAI

 

Hệch hạc, dễ gần, biết cánh "diễn nôm” bao điều phức tạp của lịch sử bằng lối nói huỵch toẹt đầy hình tượng và cực kỳ giản dị, hầu chuyện cùng "thổ địa Nam Bộ" luôn là điều thú vị. Ông già 56 tuổi, nguyên cán bộ nghiên cứu lịch sử Đảng cấp huyện, nhưng in dấu chân khắp đình chùa miếu mạo, có tên trong danh sách tác giả của hàng chục công trình nghiên cứu văn hóa tầm cỡ, đưa tôi đi hết sự ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trên hành trình tìm kho báu của mình.

"Tôi sưu tập chỉ để phục vụ cho việc nghiên cứu chớ không phải mua bán cổ vật kiếm lời" - Trương Ngọc Týờng mở đầu câu chuyện. "Sau năm 1975, khi chiến tranh kết thúc, trên sông Tiền, sông Hậu xuất hiện nhóm người Chăm Châu Đốc chuyên kiếm sống bằng nghề lặn mò. Buổi chiều, họ thường đậu ghe ở chợ Hòa Khánh (Tiền Giang) và Cầu Nhiếm (Cần Thơ). Dân ve chai, lông vịt tới đó mua, có món gì lạ là chạy lại kiếm tôi. Tôi không có tiền, nhưng có kiến thức, biết món nào quý và nó quý ở chỗ nào. Như bộ đồ nghiền thức ăn của thủy quân Xiêm mua ở chợ Hòa Khánh chỉ mất chục ngàn đồng hà. Rồi mấy cái chén cổ đúng là gốm thế kỷ XVIII, gốm Xiêm chớ hổng phải gốm Việt, vớt dưới đáy sông chớ không phải ngoài biển này cũng vậy. Nó rẻ rề hà".

 

Chính sự "rẻ rề” đã làm nên giá trị hơn hẳn của kho báu Trương Ngọc Tường so với đồng nghiệp. Trên hành trình nghiên cứu lịch sử văn hóa Nam bộ, ông "tha" về nhà toàn những thứ bỏ đi, lắm khi người ta cho không chớ chẳng cần tiền bạc. Cứ thế trong khuôn viên không đầy 1.000 m2, ông già bày biện ê hề trong nhà, ngoài sân tới vài chục ngàn hiện vật, bao gồm các bộ sưu tập: Nọc cấy, liềm hái: phảng phát cỏ, ống điếu, bình vôi, quần áo, đồ trang sức, dụng cụ đo lường... và nhiều nhất là tiền cổ và văn bản cổ có liên quan đến “300 năm mở cõi" của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm trên "đất phương Nam".

 

300 NĂM TRONG GÓC NHÀ

 

Đời sống nông nghiệp và lịch sử cây lúa nước Nam Bộ là điều ông đặc biệt lưu tâm, nhất là các loại nông cụ cầm tay đang mất đi trong quá trình thay đổi giống và phương thức canh tác. Nâng niu như bảo vật, ông kể vanh vách tính năng của từng loại nọc cấy: "Ðây là cây nọc cấy ở vùng Gò Công, sát biển, nước không sâu, sáng lớn trưa ròng cho nên chỉ dài 1 tấc. Cũng ở Gò Công, nhưng bên phía cù lao thì nước sâu, nọc cấy trang trí giống nhau nhưng dài hơn. Còn đây là nọc cấy những vùng có đĩa, có thêm cái lỗ để người ta bỏ vôi. Mấy bà không ăn trầu, khi cấy lỡ bị đỉa cắn thì lấy vôi ra xoa. Đặc biệt cây nọc cấy của vùng Vũng Liêm còn gọi là phảng cấy, chỉ xuất hiện từ khoảng năm 1930 đến năm 1945 do mấy ông thợ rèn tận dụng phảng phát cỏ chế biến lại. Nọc cấy ở vùng Ðồng Tháp Mười có thêm bộ phận xé mạ, gọi là cấy lúa dăm”. Ông phân biệt tinh tế sự khác nhau giữa nọc cấy Việt và nọc cấy Khmer: “Của người Việt thực dụng, còn của người Khmer đẹp hơn. Nọc cấy Việt đòi khom lưng thấp, Khmer khom lưng cao mà cao mau mỏi hơn thấp. Do tục lệ Khmer, chàng rể tặng cha mẹ vợ một số nông cụ làm sính lễ trong ngày cưới nên mướn thợ rèn làm cốt sao cho đẹp". Còn nhiều loại nông cụ nữa ông muốn lưu giữ, nhưng không thể "tha” về nhà: "Như cái xa quạt nước, cái chày đạp. Nó bự quá, tha về chỗ đâu chứa. Chỉ có Nhà nước mới làm nổi".

 

Hệ thống đo lường thời phong kiến ở Nam bộ sưu tầm được giúp ông đưa ra nhận xét thật thú vị là hồi xưa đã sớm có gian thương. "Ðây là cây thước cổ thời nhà Lê, đến thời nhà Nguyễn tiếp tục sử dụng lại. Từ đầu này tới đầu kia dài bằng 30 đồng tiền Minh Mạng. Thước đo vải dài bằng 28 đồng tiền Minh Mạng. Nhưng trong dân gian, chúng tôi tìm được rất nhiều loại thước, cây dài cây ngắn chứng tỏ thời đó có giao lưu vãn hóa và gian thương khá nhiều. Nam bộ có “Nông Nại đại phố” và "Mỹ Tho đại phố" của người Hoa đến ở cách đây gần 300 năm, họ còn đem theo những cây thước từ đời nhà Thanh. Còn ðây là những cái “di”, dân gian gọi là “đĩa", dùng để đong tiền. Từ đầu này đến đầu kia là nửa quan tức 300 đồng tiền kẽm. Rồi cân vàng, cân thuốc Bắc thì có cân tiểu ly; cân heo, cân bột, cân đường thì có cân trung bình; lại có cân chuyên dùng để cân sắt".

 

Hồi xưa trái cau là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng ở Nam bộ nên có "lang viên thuế" (thuế vườn cau), đàn ông, đàn bà đều có thói quen ăn trầu, bởi vậy bộ sưu tập bình vôi phản chiếu rất nhiều sắc thái, đẳng cắp trong xã hội: "Bình vôi của người Chăm có hình cái tháp, giống bình vôi của người Khmer. Bình vôi sản xuất ở Gò Sành, Bàu Trúc miền Trung cũng đem vô đây bán cách nay 300 năm. Những tầng lớp giàu có sợ bị đầu độc nên có bình vôi bằng đá, bằng ngọc, nếu vôi biến màu là phát hiện ngay. Thời Pháp thuộc có thêm bình vôi trên chạm bạc, dưới có ngọc phiến, gắn thêm nắp đậy. Hoặc có những chiếc nhẫn trên làm cái ổ để bỏ vôi, khi ghiền thì vít một tí để ăn trầu". Ði kèm bình vôi, bộ sưu tập thời trang cũng phản chiếu lối sống và quan hệ giao lưu vãn hóa của đương thời: "Cái nón cụ của cô dâu Nam bộ tương tự như loại nón ở Nhật Bản. Nó khác cái nón phượng mà các diễn viên hay đội để múa trên truyền hình bây giờ: Dày hơn, sâu hơn, đằng trước có mấy chùm hoa cho cô dâu đội khỏi mắc cỡ, không cần đội vải đỏ che mắt như cô dâu người Hoa. Còn đây là cây dù giấy, trai gái già trẻ đều dùng, đặc biệt làm bằng tre, bên ngoài phất giấy dầu, sơn thêm một lớp quang dầu nên chịu được mưa khoảng 3 - 4 năm”.

 

BẢO TÀNG NÔNG CỤ

 

Thế giới “300 năm mở cõi” trong kho báu của Trương Ngọc Tường còn mở rộng không gian, thời gian qua số lượng lớn tiền cổ, văn bản cổ sưu tầm được sau hơn 20 năm: "Hệ thống tiền ở Nam bộ rất phong phú. Nhóm thứ nhất, hễ mỗi lần vua Nguyễn lên ngôi đều đúc tiền “Thái bình thông bảo", hiện còn cả chục loại "thông bảo" khác nhau. Đặc biệt quý hiếm là tiền Hàm Nghi do vua ở ngôi có 8 tháng là bị Tây đánh vô, tiền đúc ra bị đem nấu gần hết. Ở Huế có bác sĩ Nguyễn Anh Huy giữ được một đồng do ông nội của anh là cận vệ vua Hàm Nghi, được vua ban thưởng. Nhóm thứ hai, do địa bàn Nam bộ không có đồng đúc tiền nên nhà Nguyễn cho nhập tiền Trung Quốc thời Tống, thời Ðường có niên đại từ 1.000 -1.500 năm về xài. Ðã có nhiều tay sưu tầm tiền cổ từ Trung Quốc qua đây kiếm những đồng tiền từ thời thầy trò Tam Tạng đi thỉnh kinh".

 

Còn văn bản cổ thì ông có trong tay quyển Truyện Kiều cách nay hơn 100 năm “do một người Hoa được ông Nguyễn Mai, là cháu của thi hào Nguyễn Du tặng. Ông này rất rành chữ Nôm nên viết lại rồi chú thích thêm theo cách hiểu của một người Hoa nghiên cứu Truyện Kiều. Ông Trương An Hà, người Hẹ, sống ở Cai Lậy, mất năm 1930". Chúng tôi còn được nhìn tận mắt văn bản có bút phê của vua Tự Đức, "giấy chúng nhận" nghĩa quân Cần vương "Hàm Nghi lục niên" (tức năm thứ 6, khi vua đã bị đày). Trương Ngọc Tường cũng không quên sưu tập bản "Tuyên ngôn độc lập" năm 1945 viết bằng chữ Nôm và vài trăm bài thơ về Bác Hồ viết bằng chữ Hán của các nhân sĩ yêu nước Nam bộ nhằm che mắt Mỹ ngụy. Tiểu thuyết Nam bộ, ông chỉ thiếu “Hà hương phong nguyệt”, “Cô lê trò lý” bằng chữ quốc ngữ bị Tây tịch thu hồi năm 1909.

Chúng tôi thật lòng ái ngại khi thấy vài chục ngàn "báu vật văn hóa” chỉ được bảo quản bởi một ông già đang tuổi lục tuần nên cái thì đựng trong thùng cạc-tông không hề niêm phong, cái thì phơi nắng phơi mưa ngoài hành lang hông nhà. Trương Ngọc Tường cho biết ông chưa có “truyền nhân": Ba đứa con, hai đứa lớn tốt nghiệp đại học, đứa út đậu tú tài nhưng không ai theo hướng nghiên cứu của cha. Còn học trò trong ngành bảo tồn, bảo tàng thì đa số là "bị nghiên cứu”, không am hiểu thực tế, một số tỏ ra rất giỏi, rất tâm huyết thì "không được lãnh đạo quan tâm, không cho đi học thêm". Khi chúng tôi đề nghị nên “kiểm kho", tức ghi lai lịch cho từng loại hiện vật, Trương Ngọc Tường nói: "Bộ óc tôi nhớ dai lắm. Đọc cuốn sách 10 năm còn nhớ được nội dung, biết đoạn nào nằm ở chỗ nào. Kho tư liệu của tôi, bảo tàng có lấy cũng hổng biết gì mà lấy. Thứ nhất tôi tò mò, thứ hai tôi siêng, thứ ba tôi biết chỗ tìm kiếm. Như giấy đất tôi có nhiều lắm, mua của những người bán giấy cũ chớ đâu. Bảo tàng bỏ ra mỗi năm một triệu đồng thôi, sẽ gom được không biết bao nhiêu là tư liệu ruộng đất".

 

Nói vậy, nhưng khi tiễn chúng tôi ra sân, “thổ địa Nam bộ" bất ngờ tuyên bố: "Tôi sẵn sàng hiến cho Nhà nước những hiện vật mình có chỉ với một điều kiện duy nhất là hình thành Bảo tàng Nông cụ hoặc tốt nhất là Bảo tàng Nông nghiệp để chẳng những lưu giữ gien lúa, gien cây ãn trái mà còn các loại nông dụng cụ và vật dụng sinh hoạt của nông dân Nam bộ qua các thời kỳ".

 

(Báo Sài Gòn Doanh Nhân Cuối Tuần ngày 17.6.2005)

*Phóng sự: cùng viết NGUYỄN TRUNG HIẾU
Lê Vũ Tuấn
Số lần đọc: 3096
Ngày đăng: 04.04.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện “HẬU SỰ” ở Đồng Tháp Mười - Lê Vũ Tuấn
Ghi chép một chuyến đi-1 - Nguyễn Văn
Ghi chép một chuyến đi-tiếp theo và hết - Nguyễn Văn
Làm giàu trên lũ - Lê Vũ Tuấn
"Tác chiến" ở miền Tây - Huỳnh Kim
Bơi thuyền kayak trên sông Hậu - Huỳnh Kim
Tuổi thơ bên Thành Hoàng Đế - Mai Thìn
Mái đình quê tôi - Lê Vũ Tuấn
Không biết bây giờ lão nông Ba Dễ có còn sống hay không ? - Lê Vũ Tuấn
Mang mật chỉ đi cởi trói nông dân - Hà văn Thùy