Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
727
116.735.402
 
Chuyện “HẬU SỰ” ở Đồng Tháp Mười
Lê Vũ Tuấn

Đầu thế kỷ 21, lần đầu tiên ngân sách Nhà nước đầu tư 2 tỉ đồng xây “nghĩa địa nhân dân” (NĐND) – có lẽ gọi thế để phân biệt với “nghĩa trang liệt sĩ” (NTLS) – tại 4 huyện vùng lũ thuộc tỉnh Đồng Tháp nhằm chấm dứt vĩnh viễn cảnh “chết không có chỗ chôn” từng xảy ra ở Đồng Tháp Mười kể từ thuở “khai thiên, lập địa”. Năm 1997, khi chủ trương “sống chung với lũ” đã chính thức ban hành, báo Lao Động từng đặt vấn đề: Còn chuyện... “chết chung với lũ”? Bây giờ đã là 5 năm sau...

 

NHỮNG TÁNG THỨC BUỒN CUỐI THẾ KỶ 20 

 

Ông Dương Văn Long – Chủ tịch xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười – kể: “Mùa lũ năm 1995, tôi ngồi vỏ lãi đi công tác ở ấp 6 Kinh Hội, thấy chim chóc bu đầy trên cụm tràm ngoài đồng, sinh nghi bèn ghé nhà Lê Hồng là bộ đội phục viên: “Mày ra ngoải coi thử, tao sợ chuột khoét xác đứa nhỏ, xông mùi lên nên chim chóc mới bu”. Lê Hồng liền bơi xuồng ra coi. Trời đất ơi, đứa con gái duy nhất mới lên 6 của nó - chết đuối tháng trước, phải chôn gác tréo - đã bị... ăn tới 1/3”. 

Năm 1995 là thời điểm Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo các huyện vùng lũ ÐBSCL dành ra một khu vực đất giúp dân nghèo chôn cất người thân trong điều kiện lũ lụt kéo dài. Ây vậy mà năm sau,  cũng tại xã Trường Xuân, lại xảy ra trường hợp “chôn gác tréo” thứ hai. Nạn nhân là anh Hà Văn Cường, bộ đội xuất ngũ của Tiểu ðoàn 502, bị chết do điện giật.

Sau 3 năm không có lũ lớn, táng thức “chôn gác tréo” bất ngờ xuất hiện trở lại vào năm 2000 khi toàn bộ 14 NĐND do Hội Chữ thập Đỏ (CTĐ) vận động xây dựng (có tổng diện tích 44.000 m2) đều bị nhấn chìm. Trong sổ tay của tôi còn ghi: Cụ bà Hà Thị Thạnh, 64 tuổi ở ấp 4, xã Phương Trà, Cao Lãnh. Cụ bà Phan Thị Nho, 75 tuổi ở ấp 1, xã Tân Hội Trung, Cao Lãnh. Bé gái  Đặng Thị Ngọc Trâm, 2 tuổi ở ấp 2 A, xã Hưng Thạnh, Tháp Mười – cha mẹ đem vùi xác, đóng cọc dưới mé ruộng. Bé trai Lại Anh Vũ, mới 13 tháng tuổi ở ấp 2, xã Đốc Binh Kiều, Tháp Mười – gói nilon đặt trong khạp da bò, trét kín bằng ximăng....  

Bây giờ, mẹ của cháu Vũ là chị Bùi Thị Lượm đưa cho tôi xem tấm ảnh chụp cảnh chồng – anh Lại Văn Ngọc – đang neo cái khạp đựng xác con trong NĐND bị ngập lút gần 2 thước mà nước mắt đoanh tròng. Không thể nào hình dung hết nỗi đau của người đàn bà 48 tuổi bị lũ cướp mất tới 3 trong tổng số 5 đứa con này. (Lũ 1996 hai đứa; lũ 2000 một đứa). Lối xóm bảo, tâm thần của 2 vợ chồng hiện giờ không bình thường. Cả 2 đứa con còn lại cũng vậy. Ông Phan Văn Bé – Phó chủ tịch xã – kể: “Vợ chồng chị Lượm không cục đất chọi chim, ngay cái nhà cũng ở đậu trên đất Nhà nước, quanh năm chuyên làm mướn kiếm sống, hiện có tên trong danh sách 319 hộ được cấp “sổ nghèo”. Hôm cháu Vũ té sông chết, cha mẹ đang giăng câu ngoài đồng. Hội CTĐ có mặt tại nhà để liệu lo chôn cất. Cả xã lẫn huyện đều có sẳn NÐND, nhưng nước lên cao quá, đành neo đỡ vài tháng, chớ biết sao bây giờ”. Anh Phương Nam – phóng viên quay phim của Ðài PT-TH Ðồng Tháp - còn cho biết thêm: “Tôi ghi hình cái chết của cháu Vũ trong tâm trạng bàng hoàng. Chuyện tới tai nhiều vị cán bộ lãnh đạo, ai cũng bảo không nên công chiếu trên truyền hình vì cái khạp gây liên tưởng đến chuyện ém mắm, dân coi sẽ rất đau lòng. Phải đợi tới khi lũ rút, đài mới cho phát sóng”. Có thể nói, cả tỉnh không ai là không biết chuyện chị Lượm. Nhiều đoàn cứu trợ đến nhà thăm. Theo lời chồng chị kể, người đầu tiên là bà Hằng Nga - Tổng biên tập báo Người Lao Động, giúp 300.000 đồng để cất lại cái nhà (bị sập trong mùa lũ). Kế đó là đoàn làm phim của đài Ðồng Tháp, giúp thêm 400.000 đồng. Sau cùng, ủy ban xã cấp cho 1 chiếc xuồng cứu trợ (nhưng hiện giờ đã... bể). Lũ rút, gia đình cứ để nguyên cái khạp ấy mà chôn. Chuyện đời dâu bể, không biết rồi vài trăm năm nữa, có nhà khảo cổ nào về Đốc Binh Kiều, công bố phát hiện gây chấn động quốc gia: Một táng thức lạ của ngýời Việt “cổ” ở Đồng Tháp Mười cuối thế kỷ 20? Còn hiện giờ, chúng ta chỉ có thể xem đó là 1 táng thức buồn... 

 

... VÀ NHỮNG NGHỊCH LÝ  

 

Trong tâm thức người Việt, đặc biệt là cư dân vùng lũ Đồng Tháp Mười, “nghĩa tử là nghĩa tận”, phải lo cho người thân có “mồ yên, mả đẹp” thì sống mới yên lòng. Bởi vậy, ý kiến của các nhà khoa học – đưa hỏa táng vào vùng lũ – chắc sẽ còn rất lâu mới trở thành hiện thực. (Đầu năm 2001, đã xuất hiện lò hỏa táng đầu tiên ở ấp Vĩnh Tâm, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, An Giang,  nhưng đó là vùng dân tộc Khmer). Qui hoạch hệ thống NÐND (bên cạnh hệ thống NTLS) cho vùng lũ là một việc không thể không làm. Phó chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Đồng Tháp – ông Nguyễn Đình Đức tâm sự: “Chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng, UBND tỉnh giao nhiệm vụ vận động xây NĐND cho Hội từ năm 1995 đến nay. Tức là chỉ coi đây là hoạt động xã hội – từ thiện, chớ chưa phải đầu tư cho cơ sở hạ tầng”. Quả vậy, suốt từ năm 1996 đến nãm 1999, ngân sách Nhà nước từng dành ra hơn 332 tỉ đồng cho dân vay tôn cao nền nhà (về sau, bị “cắt” hơn 69 tỉ). Từ đó, Đồng Tháp xây nên 261 cụm, tuyến dân cư vượt lũ cho 65.700 trong tổng số 108.600 hộ có nhu cầu. Nhiều cụm được qui hoạch rất “sang”: Có chợ, có trường học, trạm xá, có điện, có nước sạch, thậm chí còn có cả trạm thu – phát qua vệ tinh chương trình ca nhạc và tin tức trên sóng FM (như ở cụm dân cư Giồng Găng thuộc địa phận huyện biên giới Tân Hồng), nhưng không nơi nào chịu qui hoạch NĐND.

 

Trong cơn đại hồng thủy cuối cùng của thế kỷ 20, toàn vùng ÐBSCL có 448 người chết, trong đó tới 319 là trẻ em. Không ai màng thống kê với chừng ấy cái tang đã xảy ra bao nhiêu trường hợp “chôn gác tréo”, chỉ biết tất cả đều rơi vào số phận dân nghèo. Ông Dương Văn Long – Chủ tịch xã Trường Xuân – kể: “Nếu là hộ khá giả thì người ta mướn xáng cạp đắp nền hoặc thuê ghe chở thi hài người thân đến xã bạn, huyện bạn chôn tạm”. Chị  Trần Thị Nhành – Chủ tịch Hội CTĐ huyện Tháp Mười – cho hay: “Thật ra, lũ 2000 NTLS Tháp Mười không ngập. Một cán bộ Hội ở xã Mỹ Quí có con bị chết đã chở lên xin chôn tạm tại đây”. Anh Phạm Văn Thanh – Phó Chủ tịch Hội CTĐ huyện Tân Hồng – bổ sung: “Năm rồi, giới thợ hồ chế ra kiểu “chôn gác tréo” đời mới là đóng cừ, đổ đá làm bệ ximãng cao hơn mặt nước, rồi đặt lên đó một tấm đan, xây mả nổi. Ðó là trường hợp của ông Hồ Văn Đúng ở ấp Rọc Muống, xã Tân Công Chí. Còn ở ấp 3, thị trấn Sa Rài, có bà Ba Dừa chết không có chỗ chôn, đành chôn ngay... hông nhà. Ở ấp Gò Da, xã Bình Phú, có ông Nguyễn Thục cũng giống y như vậy. Ðây là những trường hợp quá nghèo”. Bây giờ, được Nhà nước đầu tư 2 tỉ đồng cho vấn đề “chết chung với lũ”, quả là một tin vui. Nhưng với cách tập trung vốn để xây nên những NĐND cấp huyện thật lớn, liệu có bảo đảm chấm dứt cảnh “chôn gác tréo” (và các biến tấu khác) trong mùa lũ năm 2001?

 

Ông Phan Văn Bé – Phó chủ tịch xã Đốc Binh Kiều – cho rằng: “Để chấm dứt vĩnh viễn những thảm cảnh đau lòng, không gì bằng cho nâng nền các NĐND hiện có ở cấp xã. Năm ngoái, có tới hơn 95% trong tổng số 2.400 hộ dân ở đây bị ngập. Trong điều kiện lũ lụt tứ giăng, cơ động hàng chục cây số đưa thi hài về NĐND cấp huyện an táng đâu phải chuyện dễ dàng. Uỷ ban xã chỉ có 1 chiếc vỏ lãi nhỏ xíu. Hội CTĐ thì không có tiền”. Tôi hỏi: “Cụ thể, xã cần chừng bao nhiêu?”. Ông Bé chiết tính ngay tại chỗ: “Để nâng nền 2.000 m2 đất lên cao hơn đỉnh lũ năm 2000, cần khoảng 25 triệu đồng”. Ông không hề biết rằng NĐND huyện Tháp Mười được đầu tư tới 400 triệu và cũng không tin sẽ tìm được từ ngân sách Nhà nước số tiền này, mà hy vọng nhiều vào... bà Hằng Nga - người từng thay mặt báo Người Lao Động tặng các gia đình chính sách ở xã 30 triệu đồng vào mùa lũ năm rồi. Điều đáng ngạc nhiên là ngay cả ông phó chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cũng không hề biết chuyện Trung ương đầu tư 2 tỉ đồng. Tôi chỉ có được thông tin này khi gõ cửa Sở Kế hoạch – Đầu tư, kèm thêm chi tiết: Mọi sự đã quyết ngay từ tháng 1.2001. Giá mà... 

 

(Báo Lao Động ngày 17.8.2001)

Lê Vũ Tuấn
Số lần đọc: 3224
Ngày đăng: 02.04.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ghi chép một chuyến đi-1 - Nguyễn Văn
Ghi chép một chuyến đi-tiếp theo và hết - Nguyễn Văn
Làm giàu trên lũ - Lê Vũ Tuấn
"Tác chiến" ở miền Tây - Huỳnh Kim
Bơi thuyền kayak trên sông Hậu - Huỳnh Kim
Tuổi thơ bên Thành Hoàng Đế - Mai Thìn
Mái đình quê tôi - Lê Vũ Tuấn
Không biết bây giờ lão nông Ba Dễ có còn sống hay không ? - Lê Vũ Tuấn
Mang mật chỉ đi cởi trói nông dân - Hà văn Thùy
Đồng bằng SÔNG CỬU LONG:Có thể sống chung với lũ mà không cần cứu trợ ? - Trần Đổ Liêm