Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
656
116.670.044
 
“Mang” cùng Phan Trung Thành
Nguyễn Tý

Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du có câu: “Đã mang lấy nghiệp vào thân / Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”. Ở đây Phan Trung Thành ( Hội viên Hội Nhà văn TPHCM ) có vẻ lấy cái “mang” ấy vào văn nghiệp của mình để mà sống, để mà say thơ, để mà sáng tạo... Ở ngữ nghĩa nào anh cũng có những chiêm nghiệm cho riêng mình.

Hãy nghe anh thổ lộ:

“Những đám mây bay về, nhưng mãi mãi ngoài trang bản thảo
mưa có thể xoa nhòa chữ nghĩa thành vết trong tôi
… tiếng đã nói ngôn ngữ đã dùng
cổ thụ thơ vươn tới
càng vươn tới trang bản thảo chìm
anh bị kẹt

ước mơ cuối kẻ làm nên mùa màng nhỡ mùa sau thất bát.
(Một đời sống khác - khi viết)

 

“Ước mơ cuối kẻ làm nên mùa màng nhỡ mùa sau thất bát” – sự sợ “thất bát” của Phan Trung Thành quả nhiên rất thực tế vậy! Và điều đó nhắc nhớ người nghệ sĩ không quá ngủ mê trong chiến thắng, không tự mãn với những gì mình đạt được. Trong cuộc đời sáng tạo của mỗi văn nghệ sĩ có những giây phút thăng hoa rồi họ dừng lại, cũng như trong thể thao, cầu thủ biết dừng lại ở đỉnh cao trong phong độ tột cùng là người đã “thắng mình”. Còn nhà thơ: hoặc là anh chẳng làm thơ nữa chỉ chiêm nghiệm hành trình con chữ mình đã sáng tạo để gạn đục khơi trong và tự “đổi mới” mình theo quy luật vận động của triết học: “cái mới phủ định cái cũ”; hoặc là anh cứ vô vi tự tại chấp nhận sự dừng lại - là do ở mỗi tạng sáng tác của mỗi người.

Phan Trung Thành có nghĩ ngợi, có tự thân vận động, đổi mới và lột xác mình trong thơ. Thơ anh là tiếng nói của những lắng nghe, nhìn nhận và thâu tóm cho sự đổi mới, cách tân ấy. Trong số những nhà thơ trẻ hiện nay, có thể nói Thành đã tự tạo cho mình một phong cách rất riêng với ngôn ngữ hiện đại không cầu kỳ khó hiểu, trái lại rất dễ cảm nhưng đôi lúc anh để trượt dài theo cảm xúc nên chưa chắc lọc trong từng câu chữ như trong bài thơ chủ đề “Mang”: “Nhiều ngày như thế đêm như thế tôi đi”, phải chi nhà thơ ngắt nhịp cho hai âm tiết “tôi đi” thành một câu thơ tự do thì dễ bắt nhịp hơn! Hay ở câu thơ cuối: “mỗi giây dị bản” ngắt cho hai âm tiết “dị bản” thành một câu không chủ - vị thì nhịp thơ vừa nhanh vừa chậm và vừa theo tiết tấu của nhịp thơ tự do hơn.

Sự trải nghiệm mang vẻ thiền học của đạo Phật xuyên suốt trong tập thơ này, hãy "nghe" sự quan sát qua “Với người đi sau quan tài”:

“Bóng đè bóng, rát họng văn tự chiêm bao
Người đi sau cố đi sau đi nào
… quan tài có nắp
trong nắp có người chết
trong người chết có người sống
trong số người sống có người đang làm thơ…
bạn đã từng quăng vào tôi vài từ
sinh sôi
để thành thi sĩ
nhưng thành thi sĩ làm gì chưa nghe ai nói

sợ đi sau quan tài người sống
nên tôi chọn mình chết trước”

Có thể nói đây là bài thơ "được" nhất trong toàn tập thơ Mang. Bởi Phan Trung Thành đã tự chính mình tháo nút thắt, cởi trói mình để vượt qua cái giới hạn của sân chơi “không dễ có nhiều người”. Cái ý thức: “sợ đi sau quan tài người sống / nên tôi chọn mình chết trước” nghe có vẻ hơi tự mãn nhưng đó mới chính là cái man khó lẫn của anh vậy.

“Mang” tập thơ có 39 bài, 80 trang (NXB Trẻ và Hội Nhà văn TPHCM, ấn hành quý III/2004) của một tác giả trẻ ngoài ba mươi đang vận động tìm sự đổi mới trong thơ bằng lời đề từ: “Điều phiền muộn chưa bao giờ được ngủ” sẽ là những gì người yêu thơ hy vọng chờ mùa “không thất bát” cho chặng đường tiếp theo của anh.

Nguyễn Tý
Số lần đọc: 2700
Ngày đăng: 05.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lửa Tây Sơn , Thiên anh hùng ca bi tráng : Đọc tiểu thuyết lịch sử: Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác. - Lê Hoài Lương
Thơ đồng bằng vẫn tiếp tục khởI sắc - Hồ Tĩnh Tâm
Trần Thị Ngọc Lan – Khi em hát em biết vì sao chim hót - Nguyễn Văn Ninh
Một chút tình si trong thơ Ma Trường Nguyên - Nguyễn Đức Thiện
Đáu đáu một cái nhìn : Đọc Lập Thiền của Nhuỵ Nguyên - Nhà xuất bản Thuận Hoá tháng 4-2006. - Nguyễn Nguyên An
Đồng quê ngân khúc hát :Đọc tập thơ Khúc sơn ca của Mai Thìn, NXB Hội Nhà Văn, 5-2005. - Lê Hoài Lương
Đến với Lục bát nhớ thương của Huỳnh Duy Lộc - Nguyễn Nguyên An
Những cây bút thơ Tiền Giang - một cõi đi về - Võ Phúc Châu
Da diết hương quê :Đọc tập thơ NHỮNG CỌNG RAU TẬP TÀNG của CẢNH TRÀ-NXB HỘI NHÀ VĂN 2006 - Nguyễn Đức Thiện
Đọc tập thơ XUỐNG NÚI- Hồ Chí Bửu- Nxb Văn nghệ 2005 : Từ trong tĩnh lặng.. - Nguyễn Đức Thiện