Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
633
116.673.031
 
Trao đổi cùng nhà thơ Anh Chi : Điều đáng buồn lại là…
Nguyễn Tý

Hồi nhỏ, đọc báo Ngày nay, tôi được biết Cái nhà gạch tiểu thuyết của Kim Hà, cùng với Làm lẽ tiểu thuyết của Mạnh Phú Tư được giải nhất đồng hạng năm 1939 của Tự Lực Văn Đoàn. Trong Ngày nay, số 208, ngày 18-5-1940 có đăng ý kiến của ủy viên báo cáo giải, Thạch Lam, trong có đoạn viết: “Cái nhà gạch là một truyện về giai cấp nghèo khổ và thợ thuyền, hay những người làm công nho nhỏ, tất cả những dân hèn kém ở đầy các ngoại ô thành phố mà vẫn giữ nguyên những tính cách nòi giống đặc biệt của người mình. Cái nhà gạch có cái đặc sắc là không một lý thuyết, một luật lệ nào cả, không có văn chương nữa, đó chính là hình ảnh của việc đời, những cái vui buồn, những nỗi mừng lo có thể là nhỏ nhặt đối với người khác, nhưng mà họ mến yêu vì là công việc của chính họ, cuộc đời của một hạng người trong xã hội, lần đầu được phác họa một cách linh hoạt như thế.

 

“Chỉ trong cách viết, cách xếp đặt câu và dùng chữ tác giả Cái nhà gạch còn tỏ nhiều chỗ vụng về, nhiều chỗ thừa quá. Những lỗi ấy, người ta mong tác giả sau dần có thể tránh được một khi quen nghề và trở nên chắc chắn hơn”.

 

 

Đến khi tôi đọc cuốn Tiếng còi nhà máy của Kim Hà do nhà Tân Việt xuất bản năm 1940, tôi cho rằng đó là một cuốn tiểu thuyết khác cùng tác giả chứ không phải là Cái nhà gạch.

Sau đó tôi đọc bài Tìm về những mùa xuân dĩ vãng của Đinh Hùng, đăng trong tạp chí Văn Học, Sài Gòn, Xuân Tân Hợi, 1971, thấy có đoạn như sau:

“Không biết còn ai nhớ, cách đây gần 20 năm, xuất hiện tại một nhà xuất bản từ Nam ra thiết lập cơ sở tại Hà Nội (nhà xuất bản Tân Việt) một cuốn tiểu thuyết mỏng manh, cuốn Tiếng còi nhà máy của một tác giả mới: Kim Hà? Người ta đã ngạc nhiên vì những lời quảng cáo ngộ nghĩnh của nhà xuất bản:

Một thiên tài vô học!

Hãy đọc Tiếng còi nhà máy, để thưởng thức thiên tài của một nhà văn thất học từ nhỏ…”.

Nhà văn đó, Kim Hà, đã khiến lòng văn nghệ để ý tới, không phải vì những lời quảng cáo “giật gân” kia, mà vì trước khi Tiếng còi nhà máy ra chào đời, Kim Hà đã được giải thưởng văn chương Tự lực Văn Đoàn với cuốn tiểu thuyết Cái nhà gạch. Năm đó (1940-1941), nhóm Tự lực Văn Đoàn tuyên bố trên tuần báo Ngày nay kết quả giải thưởng văn chương về tiểu thuyết, đã ấn định trao tặng giải nhì (vì không lấy giải nhất) cho cuốn Cái nhà gạch, một tác phẩm kỳ dị biểu lệ một văn tài thực hoang mang vô định, viết bởi một ngòi bút linh động đặc biệt, nhưng lạc lõng, trước đường lối nghệ thuật và… bất chấp cả phương pháp hành văn.

 

Thực vậy, Cái nhà gạch là cuộc đời của chính anh. Tôi đã đọc tập bản thảo chép lại của anh: chữ mực tím viết lệch lạc, sai hàng, rất nhiều lỗi chính tả. Nhưng cuốn truyện chứa chan sự sống, sự sống quằn quại, phức tạp, điên cuồng của những kiếp người hoang loạn, hỗn độn, nung nấu trong cái lò nhân loại đau thương này.

 

Cái nhà gạch chưa xuất bản, và có lẽ cũng không bảo giờ xuất bản nữa. Tiếng còi nhà máy chỉ là một phần nhỏ của Cái nhà gạch. Kim Hà trích ra ở đó một đoạn, viết lại, làm thành một truyện riêng. Ở Tiếng còi nhà máy, tuy sự xây dựng không được rộng lớn, nhưng người ta nhận thấy Kim Hà hành văn đã bắt đầu có quy củ, bút pháp đã bắt đầu điêu luyện, và phương pháp bố cục đã khá vững chắc.

 

Tiếc thay! Tài năng đó không được trau dồi đầy đủ, không có hoàn cảnh nẩy nở thêm. Và đã sớm tàn như một điểm sao mong manh lìa ngôi.

 

Vì sau thời gian cho ra đời tác phẩm Tiếng còi nhà máy, tác phẩm xuất bản đầu tiên và cuối cùng, Kim Hà chỉ còn viết thêm được một vài truyện ngắn đăng báo. Rồi sóng gió cuộc đời tràn đến, lôi cuốn Kim Hà đi đâu không biết. Anh biệt tích từ đấy.

 

Khoảng 1948-49, người nhà ông cho biết, ông đã không còn là người của thế gian này. Và được biết thêm: Kim Hà đã loạn thần kinh rồi phát điên, hơn một năm giời, trước khi chết.

Trong bài “Giải thưởng Tự lực Văn Đoàn và trường hợp buồn tiếc nhất” của Anh Chi (Tuần báo Văn nghệ, số 16, 20-4-2002), có đoạn viết:

 

“Chúng tôi cũng muốn viết ít dòng về nhà văn Kim Hà, qua đời năm nào, ở đâu. Bởi, chúng tôi thấy trong thiên hồi ký của nhà thơ Đinh Hùng viết ở Sài Gòn năm 1967, có nhắc đến Kim Hà như một văn tài đặc sắc của đất Việt, và đã viết rằng, nghe nói Kim Hà đã qua đời từ năm 1960. Và ở ngoài Bắc những năm 70 và 80, chúng tôi thấy một số nhà văn cao niên và cả những nhà văn còn trẻ, nói rằng nhà văn Kim Hà đã qua đời từ năm 1959, 1960 gì đó (!) Đến những năm 90, người ta hầu như đã quên bẵng ông. Chúng tôi, là bạn thân thiết của con trai nhà văn Kim Hà, thỉnh thoảng tới thăm nhà, vẫn gặp nhà văn lão thành Kim Hà! Ông sinh năm 1912, tại quê nhà, làng Cót, tên chữ là làng Yên Hòa, chỉ cách hồ Hoàn Kiếm chừng 5 cây số. Đôi lần, chúng tôi nhắc tới trước tác của nhà văn và ngỏ ý, nếu được phép thì công bố cho mọi người biết. Nhưng, chúng tôi không được phép. Và chúng tôi cũng không dám hỏi lý do gì khiến nhà văn quyết như vậy. Cho đến mùa hè 2000, nhà văn vẫn tỉnh táo, quan tâm đến con cháu. Nếu con cháu hỏi chuyện, ông vẫn trả lời thấu đạt, ví dụ: Hỏi, ngày xưa ông hay đọc sách tiếng Pháp không? Trả lời, có chứ, thời ấy đọc các nhà văn châu Âu, phải đọc qua Pháp văn. Hỏi, ông hay đọc tác phẩm nào? Trả lời, Những người khốn khổ của Vichto Huygô, đọc nhiều lần, vẫn thích. Hỏi, hồi nhỏ ông học văn có giỏi không? Trả lời, học tốt, thầy giáo Trịnh Ngọc Chúc vẫn khen lắm, một bài văn tả cảnh sinh hoạt Tết nguyên đán ở làng quê, được thầy cho điểm 10…

 

Cho đến hôm nay, viết những dòng này, chúng tôi không thể còn cơ hội xin phép nhà văn Kim Hà để viết về cuộc đời cũng như văn chương ông, bởi, ông đã qua đời vào một ngày đầu thu năm Canh Thìn, 2000, tại làng quê Yên Hòa của ông. Làng quê ông, chính là bối cảnh của tiểu thuyết Cái nhà gạch mà 60 năm trước, cũng Canh Thìn 1940, được người ta trao giải nhất TLVĐ. Một số phận văn chương thật lạ lùng. Chúng tôi cùng nhà thơ Ngô Thế Oanh, nhà thơ Đoàn Tuấn, nhà văn Ngô Thảo là bạn của con cháu ông, đến đưa tiễn ông. Một đám tang của con người đi hết cả thế kỷ, thật đông con cháu, thật nhiều bà con làng phố và nhiều học trò cũ nay đã sáu, bảy mươi tuổi, đến tiễn đưa… Các vòng hoa hầu như đều ghi Kính viếng hương hồn cụ giáo Kim Hà. Đó là ngày đầu mùa thu năm cuối cùng của thế kỷ XX”.

 

Già nửa bài báo của Anh Chi là dựa theo bài “Giải thưởng văn chương trên đất Việt – Giải Tự Lực Văn Đoàn” của Nguyễn Hữu Ngư (không phải Nguyễn Hữu Dư như Anh Chi ghi) đăng trên báo Bách Khoa, số 140,1-11-1962), nhưng Anh Chi chỉ viết “Theo bài viết của Nguyễn Hữu Dư…” mà không có dấu ngoặc kép chỉ rõ đoạn nào là trích nguyên văn lời của Nguyễn Hữu Ngư, còn đoạn nào là lời của Anh Chi nên người đọc không biết những chỗ sai trong bài là lỗi của Nguyễn Hữu Ngư hay là lỗi của Anh Chi. Thí dụ trong bài có đoạn viết: “Còn tác phẩm Ba của Đỗ Đức Thu thì mãi đến năm 1958 mới được xuất bản tại miền Nam, và người đứng ra xuất bản là Nguyễn Thế, con trai của nhà thơ Thế Lữ”, thì đó là lỗi của Nguyễn Hữu Ngư, vì Ba xuất bản lần đầu trong tập truyện ngắn Nhà bên kia của Đỗ Đức Thu (NXB Cộng Lực, Hà Nội, 1942). Nhà thơ Thế Lữ cũng không có người con trai nào tên là Nguyễn Thế. Còn thí dụ trong bài có đoạn viết: “Một tác phẩm như vậy, không hiểu vì sao nhà xuất bản Đời nay thời đó không in thành sách?! Sau đó vài năm, nhà văn Kim Hà có tách một phần trong tiểu thuyết Cái nhà gạch ra, bổ sung chút ít, cho Nhà xuất bản Tân Việt xuất bản với nhan đề Tiếng còi nhà máy thì lại là lỗi của Anh Chi, bởi vì không phải “sau đó vài năm” mà Tiếng còi nhà máy xuất bản năm 1940 ngay sau khi được giải thưởng.

 

Anh Chi viết: “Bởi, chúng tôi thấy trong thiên hồi ký của nhà thơ Đinh Hùng viết ở Sài Gòn năm 1967, có nhắc đến Kim Hà như một văn tài đặc sắc của đất Việt, và đã viết rằng, nghe nói Kim Hà đã qua đời từ năm 1960”. Nhưng thực ra bài của Đinh Hùng đăng lần đầu tiên trong giai phẩm Hồn văn, xuất bản tháng 7 năm 1962, chứ không phải năm 1967, và trong bài đó Đinh Hùng viết “Kim Hà qua đời từ trước những năm 1948-49” chứ không phải từ năm 1960. Người đọc có cảm tưởng Anh Chi không trực tiếp đọc những bài viết của Thạch Lam, Đinh Hùng, Nguyễn Hữu Ngư… mà chỉ trích dẫn theo những nguồn tài liệu khác hay chỉ nghe mang máng chứ không có văn bản trong tay nên không tránh khỏi tam sao thất bản.

 

Anh Chi viết: “Ông sinh năm 1912, tại quê nhà, làng Cót, tên chữ là làng Yên Hòa… Làng quê ông, chính là bối cảnh của tiểu thuyết Cái nhà gạch”. Không thể nói làng Cót, tên chữ là làng Yên Hòa. Làng Cót, tên chữ là xã Hạ Yên Quyết trước 1942 thuộc tổng Dịch Vọng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, còn làng Giấy, tên chữ là xã Tân Hòa thuộc tổng Yên Hạ, huyện Hoàn Lang, tỉnh Hà Đông, sau đó hai xã này thuộc “Đại lý đặc biệt Hà Nội”. Từ sau năm 1955 là xã Yên Hòa, gồm hai thôn Hạ Yên Quyết và Yên Hòa .

 

Làng Cót nay thuộc xã Yên Hòa không phải là bối cảnh của tiểu thuyết Cái nhà gạch vì trong Cái nhà gạch đã viết rõ: “Lúc này, trong cái quán gạch đầu xóm Ga, Hiền nằm ruỗi thẳng người trong màn… Bên ngoài, gió đông thu thổi mạnh. Những cây sấu ở cái bãi trước cửa nhà ga xe điện, theo với chiều gió rạt rào, ngả ngiêng”, qua đó có thể thấy bối cảnh của Cái nhà gạch là làng Thụy Khê, gần nhà ga xe điện Thụy Khê. Cái nhà gạch còn viết: “Làng Thụy Khê gần thành phố Hà Nội, làng này ăn dài và có một con đường cái chạy ra tỉnh. Hai bên đường là hai giẫy nhà lá của dân ở. Làng Thụy Khê chia ra nhiều thôn nhiều xóm. Những xóm được nhiều người quen gọi là xóm Đông Bảng, xóm Ga, xóm Quản Tượng và xóm Hàn Lâm. Làng Thụy Khê không có ruộng nương để cày cấy. Dân làng này sống bằng nghề đi làm. Xưa kia, lúc chưa có các nhà máy, thì cách sống của làng này đều trông vào nghề nấu rượu lậu cả. Sau các công sở mọc lên rải rác ở làng, họp thành nhân công của các lò máy. Từ khi có các nhà máy Điện, máy Da, máy Nhuộm, làng Thụy Khuê trở nên vui vẻ và sầm uất. Các xóm nhà gianh đã lác đác có nhiều nhà gạch. Hai bên dãy nhà, có nhiều người mở hàng tạp hóa bán. Xe điện chạy luôn luôn qua làng. Những buổi sáng, trưa, tối, chiều lại tấp nập những người làm công sở đổ về và đi. Ai cũng hốt hoảng chăm chỉ chú ý đến những tiếng cười sở thổi, rồi vào làm. Buổi về, đường cái lại nhộn nhịp tưng bừng những phu phen.

 

Buổi trưa hôm nay, Sơn làm ở sở bia Ô-men về. Hai má nàng đỏ bừng lên như say rượu. Nàng lảo đảo đi trên đường làng Thụy rồi rẽ vào xóm Đông Bảng là chỗ ngụ của cha nàng…”.

 

Tôi viết bài này từ khi ông Anh Chi mới đăng bài báo năm 2002 nhưng gác lại không gửi đăng báo trao đổi vì nghĩ rằng nếu làm như vậy sẽ có hại cho tiền đồ nghiên cứu của ông. Nhưng đến khi ông lại cho in nguyên văn bài báo trong cuốn sách Bảy người hiền và ba việc cũ thì tôi không kìm nổi nữa mà buộc lòng phải gửi bài này đi. Vả chăng không phải chỉ một mình ông Anh Chi không thèm đọc Tiếng còi nhà máy và bài viết của Đinh Hùng, điều đáng tiếc nhất là cả những bậc đại gia nghiên cứu như Tạ Ngọc Liễn, hay Lê Hùng (có nhiều ông Lê Hùng không biết đây là ông Lê Hùng nào) cũng không thèm kiểm tra lại tư liệu, cứ viết bài bạt ca ngợi hết lời. Thậm chí báo Hà Nội nghìn năm cũng dựa theo tư liệu của ông Anh Chi, trong bài viết về làng Cót, nói làng này là quê nhà văn Kim Hà. Cứ thế, “dĩ ngoa truyền ngoa” đến thế hệ sau sẽ không biết đâu mà lần vì quá tin lời của một vài người đi trước. Ông Anh Chi vốn là nhà thơ, làm nghiên cứu là tay ngang còn có thể thông cảm được, còn ông Tạ Ngọc Liễn là nhà sử học, giỏi Hán Nôm, trước khi viết lời bạt, lẽ ra phải chịu khó cất công, về làng Cót tìm hiểu gia phả của dòng họ cụ giáo Kim Hà, xem cụ đỗ bằng gì, năm nào, bắt đầu dạy học năm nào, ở ngạch gì, xem cụ có từng làm thợ ở nhà máy bia Ô-men vào khoảng năm 1940-1941 không? Nếu gia phả (hay bằng cấp, chứng chỉ giáo viên, lý lịch…) của cụ còn sót lại, cho biết năm 1940-1941 cụ vẫn đang dạy học thì đó không phải là người “đôi mắt hau háu, tinh quái như đôi mắt thỏ trên khuôn mặt ngắn, rỗ nhằng nhịt, cặp môi mỏng, thì đó không phải là nhà văn Kim Hà. Lại hỏi xem cụ giáo Kim Hà lập gia đình năm nào, nếu năm 1940-1941 vẫn chưa lập gia đình mà sống với anh ruột, chị dâu, lại rất ít học, chỉ đọc một thứ báo Nam Phong, thì đó không phải là nhà văn Kim Hà (vì cụ giáo Kim Hà còn đọc Hugo bằng tiếng Pháp). Tôi nghĩ nếu các ông Anh Chi, Tạ Ngọc Liễn, Lê Hùng mà đi làm trinh sát, tình báo quân đội hay công an điều tra hình sự mà ẩu tả vô trách nhiệm như vậy thì nước ta mất từ lâu rồi! Cũng không ít người bị các ông bắt oan vô tội vạ!

 

Mới đây tôi được đọc bài của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân “Nhà nghiên cứu có thực sự nghiên cứu?”. Qua đó thấy tình hình nghiên cứu của chúng ta hiện nay rất đáng báo động. Không riêng gì bài về Kim Hà mà những bài Vũ Trọng Can, Quỳnh Dao, Lê Tràng Kiều… của ông Anh Chi cũng có những sai sót. Nhưng thôi, xin để đến dịp khác…

       

(Bài đã đăng trên Văn Nghệ số 52, ra ngày 30-12-2006)

Nguyễn Tý
Số lần đọc: 2771
Ngày đăng: 04.01.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ Đỗ Nam Cao – Mùi rơm ngun ngút cháy - Hoài Anh
Khi cuộc đời ta gắn liền cùng đất nước - Nắng Xuân
Đọc tập truyện “Người leo dừa” của Vũ Hồng: Tiếng reo đằm thắm tình người - Lê Xuân
Dòng đời – Dòng tâm huyết - Đông La
Trao đổi với GS Trần Thanh Đạm : Một lối phê bình quy chụp lạc hậu - Đông La
NGƯU ‘’đầu’’ – MÃ ‘’viện’’: Nói Với Nhà Phê Bình Trịnh Thanh Sơn - Dương Cường
Về thôi,Nguyễn Lương Vỵ. - Ngô Khắc Tài
Đọc thơ Hồ Chí Bửu - Cảnh Trà
Đặng Huy Giang với “Đời sống” - Phạm Lưu Vũ
Đọc lại HƯƠNG CÂY - BẾP LỬA - Nguyễn Trọng Tạo