Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
630
116.723.617
 
Panduranga và bài hát cây xương rồng
Đinh Thị Như Thuý

Tôi thích gọi Phan Rang bằng cái tên Panduranga như thích chạm tay vào những viên gạch đỏ. Ý thức về một điều gì cổ xưa đang hiện hữu khiến tôi cứ nhớ nhung mà không sao lý giải được nhung nhớ điều gì? Cũng như cảm giác thân quen khi ngồi café quán cóc bên lề đường trong hanh hao nắng, hay lúc nhẹ chân trên lối cát đầy cây xương rồng… Dường như tôi đã ở nơi này từ rất lâu trước khi tôi đặt chân đến đây.

 

1.

Buổi sáng, mặt trời chưa lên, không gian ban mai tươi mát tĩnh lặng, biển Panduranga đã ùa vào chúng tôi trong một choáng ngợp lịm người. Ôi chao biển ! 

 

Biển nơi nào chẳng cất giữ bao điều bí ẩn huống hồ biển mới ở Phan Rang! Con đường vạm vỡ tinh khôi đưa thị xã vươn rộng về phía đông đã khiến đôi chân của chúng tôi phải mỏi nhừ, nhưng không thể không thích thú ngắm nhìn quảng trường mênh mông gió lộng, có những vòng thành nhiều chum vại như một điểm nhấn riêng biệt gợi bản sắc văn hoá với điêu khắc, kiến trúc và gốm Chăm độc đáo. Bờ biển cuối đường còn ngổn ngang gạch đá, trên cát cỏ gai còn cắt cứa chân người, nhưng sóng trắng u ơ bình thản xô bờ thì không khác gì bãi Thanh Bình - Đà Nẵng tuổi thơ tôi. Rồi như Ninh Chữ, biển nơi này sẽ được khai thác thành khu du lịch, những nhà hàng, khách sạn sẽ mọc lên, trên bãi cát sẽ rực rỡ, rộn ràng muôn sắc màu cuộc sống. Hiển nhiên những hoang sơ trong trẻo giờ đây sẽ không thể còn bởi bước chân du khách, và hiển nhiên cũng theo bước chân du khách những bao nilon, hộp giấy, ống hút nhựa, vỏ bánh kẹo…cũng sẽ hồn nhiên góp mặt như minh chứng cho câu đùa có vẻ cực đoan của chúng tôi:  “Nơi nào có con người nơi đó có sự dơ bẩn”!  Thôi đừng quá xa xôi, hãy mong ước  biển Panduranga sẽ mãi thanh bình như hôm nay để con người đến biển dễ dàng hoà nhập với thiên nhiên bao la, mà thấy mình vô cùng nhỏ bé, cuộc đời thì muôn vạn bất an như hạt cát trong trò chơi điên rồ của sóng.

 

Gần gũi biển, xa xăm biển, chảy trôi cũng biển mà đón nhận cất giữ cũng biển. Tôi đã bơi trong nước biển tinh khôi óng ánh bạc, với ý nghĩ vứt bỏ đằng sau những lo toan phiền muộn để trọn vẹn những ngày hè hiếm hoi được sống với Phan Rang …Panduranga….

 

2.

Đến tháp Po Rome trong chiều muộn, trong tôi vẫn cảm giác thân quen kỳ lạ đó, dường như tôi đã từng nếm trải những khô khát trên triền đồi này, nơi bầy dê trắng đang nhẫn nại tìm lá xanh. Và ngọn tháp Chàm hoang lạnh kia dường như cũng không hề xa lạ…

 

Thuở nhỏ tôi học trường Sao Mai ở Đà Nẵng. Cách một con đường đầy bóng mát kiền kiền là khuôn viên u tịch Cổ Viện Chàm. Vào những năm cuối cùng của thập niên bảy mươi, khi thành phố còn ngổn ngang những khó khăn của thời hậu chiến, Cổ Viện Chàm gần như bị bỏ hoang. Chúng tôi chọn nơi ấy làm sân chơi. Tôi đã làm quen với các vị thần, các vũ nữ, nhạc công qua những cổ vật được trưng bày ở đây. Đã bao lần chúng tôi chạm tay vào các pho tượng và các bức phù điêu bằng đá xám. Cảm giác rờn rợn lạnh thấm vào tận trái tim đã tạo nên niềm tin thiêng liêng trong những tâm hồn thơ trẻ. Chúng tôi đã bị mê hoặc bởi thần Shiva với bản chất huỷ diệt và sáng tạo, xoã tóc chảy trôi làm êm sông Hằng cứu chuộc đại nạn cho chúng sanh. Chúng tôi cũng đã nghịch ngợm leo lên thần Nandin - vật cưỡi của thần Shiva trong hình dáng một con bò để mơ tưởng mình sẽ được bay về một nơi đầy mây trắng!

 

Thuở đó trong mộng mơ của học trò, chúng tôi không mấy hiểu biết về lịch sử với những vong bại mất còn, chỉ biết những cổ vật này được mang về từ kinh đô Trà Kiệu, từ thánh địa Mỹ Sơn, từ Trà Bàn- Bình Định để lưu giữ những thành tựu của nền văn minh Cham Pa trong thời kỳ phát triển rực rỡ nhất.

 

Và thuở đó, trong vụng dại non nớt, chúng tôi cũng đã nghe về những bí ẩn trong việc bị mất cắp các tác phẩm nghệ thuật nơi này, nhưng không mấy bận tâm vì còn mãi xao xuyến với chuyện kể về Huyền Trân Công Chúa với những câu thơ ai oán buồn thương:

          “ Nào đâu châu Lý châu Ô cũ

           Ai đổi danh thành đất Hoá Châu

          Tình nghĩa em đâu Huyền Trân hỡi

          Hồn Chế Mân ta khắc khoải đau!”

Sau này, về Trà Kiệu, đến Mỹ Sơn trong lặng lẽ hoang sơ bí ẩn, tôi luôn thấy buồn dù thật sự cũng không rõ ràng lắm mình buồn nhớ những gì?

Giờ đây ở Panduranga, trước tháp Po Rome trên ngọn đồi cao trong hoàng hôn vắng lặng với những hồi ức thân quen của tuổi thơ, tôi thành kính cúi đầu. Đang ngự trị nơi này Kala, Visnu, Shiva - những vị thần mang trong mình sức mê hoặc của tình yêu nhan sắc sáng tạo và huỷ diệt. Đang ngự trị nơi này những nhạc công và vũ nữ Apsarra huyền thoại. Cũng đang ngự trị nơi này những quân vương cùng bao cung tần mỹ nữ… Không thể không nghĩ về thời gian cùng bao thăng trầm thế cuộc, những phù du và cả những vĩnh hằng… Lối sỏi này đã từng bao bước chân qua, những viên gạch lở lói kết thành khối vuông uy nghi thanh nhã hướng lên trời xanh này bao bàn tay đã từng in dấu…

 

Tôi vòng ra sau tháp để thắp một nén nhang cho bà hoàng hậu không may mắn. Tượng đá xưa tạc bà hoàng đã bị mất cắp, nhưng dòng chữ trước ngực bà trên bức tượng bây giờ vẫn còn nguyên lời cáo buộc, rằng trong trời đất không có tội nào lớn hơn tội  không sinh nở. Đó cũng là lý do vì sao bà hoàng hậu người Chăm này không thể ngang hàng ngồi trong tháp cùng bà hoàng người Ê đê và các bà khác sau bệ thờ vua Po Rome!

 

Chao ôi, hoàng phi hay thứ dân cũng bao cay đắng phận người. Đẹp đẽ thô xấu, may mắn bất hạnh rồi cũng mây trắng trời xanh. Không gì bấp bênh, chóng nhạt phai như tiền bạc, quyền uy và nhan sắc. Biết vậy nhưng sao những hờn giận ghét ghen cứ luôn hiện hữu như ngọn lửa khó kìm chế thiêu đốt lòng người?

 

Mùi nhang trầm lẩn quất cùng những lời cầu nguyện trong bóng tối chập choạng đã gây nên trong chúng tôi một nỗi cảm hoài xao xuyến. Và tiếng vỗ cánh của loài dơi trong lòng tháp lạnh càng như minh chứng rằng những linh hồn xưa cũ chưa bao giờ thôi phơ phất nơi này…

 

3.

Tưởng không gì thơ trẻ hơn khi con người được chân trần lún sâu, chạy đuổi, trượt dài trên bao la đồi cát. Chính trên đồi cát Nam Cương u u nắng gió Phan Rang tôi đã tìm lại được tiếng cười hồn nhiên thuở nhỏ. Tâm trí tôi như bị lay động mãnh liệt. Cả một vùng mênh mông cát với những dải đồi trắng tít tắp gối vào nhau hắt bóng trong nắng. Không gì sống động hơn sự di chuyển của cát ở nơi này, cát đã có đời sống thực sự, cát dựng thành ta-luy, cát tạo nên thung lũng, cát vẽ những đường vân mịn màng, cát bay cát chạy…Cát vĩnh hằng. Cát gây bao cảm khái và khâm phục cho người ngồi trên cát mà nghĩ về cát bụi nơi sinh ra cũng là chốn trở về.

 

Chúng tôi lặng yên bên nhau, dưới xa kia vẫn biển ngàn đời xanh thẳm…

 

4.

Bây giờ là đêm, thời khắc dối trá mà bền vững của những vẻ đẹp mong manh. Những ngọn đèn đường rải ánh vàng loang loáng trên những vệt nước mưa đọng bên lề. Phan Rang xứ sở khô cong gió nắng thật hiếm có một đêm mát lạnh và ẩm ướt như đêm nay. Mọi xao động trong chúng tôi mỗi lúc mỗi đầy lên. Tiếng hát nào ngân xa trong không gian dùng dằng đưa tiễn…

 

Đa ngồi giữa  chúng tôi, bình thản giữa mọi người như cây xương rồng bình thản trên cát bỏng. Anh là người đến với chúng tôi trễ nhất nhưng lại là người có sức mê hoặc nhất, bởi nương theo tiếng hát của anh chúng tôi ngược thời gian nắng gió, mường tượng những gì đã đến rồi đi. Phan Rang với Đa, với Đình Hy, với Chế Kim Trung, với Minh Hùng, với Đức với Hưng Tiến …với những con người từng biết từng gặp đã gieo bao cảm phục trong chúng tôi. Như lòng cảm phục những giá trị vĩnh hằng của tháp xưa, biển xanh và cồn cát trắng, như những ngưỡng mộ trong sâu thẳm tâm hồn khi đứng trước ngút ngát xương rồng…Vượt lên số phận, vượt lên khắc nghiệt, vượt lên cả những giới hạn tưởng như không sao vượt được. Xương rồng Panduranga dạy chúng tôi cách chịu đựng, cách tồn tại và cả cách hiến dâng… Con người còn biết làm gì ngoài sống và vắt kiệt mình để hiến dâng cho đời sống!

 

Chúng tôi đã trò chuyện với nhau, trò chuyện với Đa bằng những giai điệu khi mượt mà, rủ rỉ khi đau buồn, uất nghẹn, khi lóng lánh niềm vui. Kỳ diệu thay, chúng tôi có thể hiểu nhau, thông cảm cho nhau, chia sẻ cùng nhau, tưởng như đã  từ rất lâu từng hiểu, từng cảm thông, chia sẻ những khó khăn sinh tồn trong cuộc sống cằn cỗi, khắc nghiệt nơi đây. Đa đang hát bằng trái tim anh, cứ như đang nở những đoá xương rồng đỏ rực trên triền cát khô cằn, cứ như đang cháy lên để toả sáng, để khẳng định dù chỉ cho đêm nay…

 

5.

Và bây giờ là chia tay! Tôi đang về hay đang đi? Chuyến xe mang tôi ra khỏi Panduranga nhưng tâm trí tôi, đôi chân tôi thì ngược đường quay lại. Tin nhắn của Đa lơ lửng sau mặt kính chớp xanh: “Tất cả sao thân quen như một bài hát cũ!”  Chợt ùa về tôi tiếng lọc cọc xe bò ngang qua thị xã, nắng hanh, gió lộng.  Và ánh mắt hiền lành của những con dê . Và điệu múa linh thiêng huyền bí trong lễ cầu mưa YoYang, lễ đền ơn đáp nghĩa mẹ cha…Cứ như tôi đã từng sống một cuộc đời trọn vẹn bên con sông Dinh nước đầy, nước cạn. Cứ như tôi đã uống chưa đủ nước sông mê khi giã từ tiền kiếp nên không nguôi nhung nhớ một dải khăn dài che mặt, những bước đi dài ngang đồi cát với vò nước trên đầu và tiếng hát ngân dài của những ngày xưa…

Đinh Thị Như Thuý
Số lần đọc: 3293
Ngày đăng: 27.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tản mạn chuyện nhà văn. - Nguyễn Đức Thiện
Chút tâm sự sau Bình Phong Long Mã . - Trần Kiêm Ðoàn
Nơi tôi gửi lại tuổi thơ... - Nguyễn Thị Hậu
Bến nước - Trần Xuân Linh
Đến hẹn lại…lũ . - Lê Duy
Câu thơ-yên ngựa - Lê Xuân Quang
Món nợ không thể đòi - Nguyễn Ngọc Tư
Thành phố tuổi thơ tôi... - Lê Vĩnh Tài
Văn hóa không phải bột nêm . - Trần Nhương
Sách “Đông Chu Liệt Quốc ” - NXB Văn Học 2005 – Một sản phẩm của... con buôn . - Phạm Lưu Vũ
Cùng một tác giả
Người thóat mộng (truyện ngắn)
Đất (thơ)
Chị và em (truyện ngắn)
Mười năm (tuyển thơ)