Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
695
116.728.869
 
Cảm nhận nhỏ qua một bản trường ca
Trần Đương

Người viết bản trường ca ấy – trường ca Khởi hành cùng ba mươi chín mùa xuân (Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005)– là nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, người con của quê hương Quy Nhơn, Bình Định. Nguyễn Thanh Mừng làm  thơ, viết truyện ngắn và bút ký, đồng thời là tác giả của một số công trình nghiên cứu – đề tài khá phong phú, song nét chủ đạo nhất, nổi bật nhất vẫn xoay quanh các vấn đề về Bình Định, mảnh đất thân yêu của anh.

          Trước đây, đọc quyển Huyền tích Kinh xưa, văn hóa dân gian vùng thành Hoàng Đế (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2004, tái bản năm 2005) với hàng 600 trang sách của Nguyễn Thanh Mừng và Trần Thị Huyền Trang, tôi đã từng cảm nhận về những con người được hô hấp trong nguồn sông mạch núi với mảnh đất từng đi qua bao cơn cuồng phong của lịch sử, để viết nên những trang nghiên cứu man mác hồn vía sử thi. Số phận lịch sử Bình Định giữa dòng lịch sử Việt Nam vọng về tiếng voi gầm ngựa hí, nhung y và thương giáo của những trận chiến, trong chốn hợp lưu giữa “ngai vàng và bùn đất, vua quan và thảo dân, kinh kỳ và thôn dã, thần tiên và phàm trần, máu đào và nước lã”. Chính tác giả đã tự bạch: “Ngàn xưa không phải là một khái niệm tôn giáo nhưng nó tích chứa trong đó niềm tín ngưỡng về cốt cách và tâm khảm của thời gian, sự dung thông huyền nhiệm giữa đất nước và công dân, giữa cộng đồng và cá thể, giữa ức triệu và một hai, những bùng vỡ và kết tinh của các giá trị bền vững, cao và sâu, đẹp và sáng, hừng hực cuồng say và nhẹ nhàng thấm đượm...” Và bản trường ca tôi muốn nói đến, cũng là viết về đề tài quê hương anh, vị anh hùng Nguyễn Huệ. Không tự hào với tất cả tâm hồn mình về truyền thống đất võ Bình Định, Nguyễn Thanh Mừng sẽ khó lòng viết được trường ca này, trường ca tràn đầy những tình cảm về ba mươi chín mùa xuân của một con người ưu tú, đã làm rạng rỡ những trang sử hào hùng của dân tộc. Ca ngợi anh hùng Nguyễn Huệ,  nhà thơ của chúng ta không những đã huy động toàn bộ những hiểu biết về cuộc đời của vị anh hùng, mà còn về lịch sử văn hóa Bình Định để thể hiện các cảm xúc đẹp đẽ, trong sáng đối với nhân vật chính trong bản trường ca của mình, đặt trong một bối cảnh rộng của lịch sử văn hóa chung. Nhưng, sự thể hiện không dừng lại ở việc mô tả, giới thiệu người anh hùng như một khách thể mà lâu nay ta vẫn thường gặp ở các trường ca viết về các nhân vật lịch sử. Nguyễn Thanh Mừng muốn thông qua nhân vật lịch sử – cụ thể là Quang Trung Nguyễn Huệ – để bàn về những vấn đề đặt ra trong cuộc sống của hôm nay. Nhà thơ đã để cho nhân vật “phát ngôn” các vấn đề ấy, và vì vậy, ta có dịp đón nhận tiếng nói thông qua ngôn ngữ riêng, tâm trạng riêng, cảm nghĩ  riêng của người anh hùng. Nét độc đáo của trường ca này chính là ở chỗ đó.

 

            Bố cục trường ca đặt trên cái nền thời gian đồng hiện trong bối cảnh văn hóa kim cổ đông tây, tám chương với gần một ngàn rưỡi câu thơ đan xen những hồi niệm, khát vọng của một cá nhân về vận mệnh nước Việt. Những câu thơ không vắng bóng tri thức và tư tưởng “xin một chiếc lá- được cả cánh rừng- xin một giọt nước- được cả dòng sông”, “hai bàn tay trắng long đong- tay này chép sử vào lòng tay kia”. Thi pháp thơ Nguyễn Thanh Mừng có một giọng “phục sinh” quen mà lạ. Từ những trạng thái triết luận nhẹ nhàng, sự miêu tả hầu hết đều man mác hương vị trữ tình, một hương vị thấm đẫm chất dân gian: “Bầy chim sáo ăn no tắm mát- Sáo sậu về đông- Sáo đen về tây- Sáo nghệ về nam- Sáo ngà về bắc- Phương nao người về mây giăng khỏi lạc- Không sợ đèo đá dăm- Không lo truông cát nóng- Chỉ ngại rơi trong má lúm đồng tiền”. Làm sống lại khí vị dân gian bằng cách dung nạp ngọt ngào một kiểu nói rất mới: “Nàng có một Quy Nhơn- Thích câu thơ như tuyết và như lửa- Thích tắm bằng sông thích cười bằng gió- Thích chen vai thích cánh với núi non- Thích quật ngã bạo tàn mãnh thú- Thích nâng ánh mắt giai nhân dù chỉ đón nỗi buồn”; một mức độ phản ánh sự hiên ngang mà tinh tế trong phẩm chất nhân vật: “Nàng có một Quy Nhơn- Bữa cơm thích ớt rừng và tiêu sọ- Có thể một vu vơ- Có thể một nũng nịu trách hờn- Như câu thơ trăng non- Sẽ hóa rằm trong cuộc đời dâu bể”. Có thể kể ra rất nhiều những câu thơ hay, những khổ thơ lấp lánh, dưới những dạng thức phong phú của thể loại, biến hóa, đa dạng cần thiết cho một bản trường ca. Từ thể lục bát, thể loại sở trường nhất của Nguyễn Thanh Mừng, anh vẫn có khả nặng “lạ hóa” theo cách nhìn sâu vào bản thể: “Thơ không chữ nghĩa đèo bòng- Hương không hoa lá rượu không ly bình- Chỉ mình đối diện với mình- Giữa mênh mang đất và thinh lặng trời- Núi thì đứng gò thì ngồi- Dòng sông ngửa mặt ra nơi biển nằm- Sơi tơ trong vắt xa xăm- Buộc ta với cả ngàn năm lở bồi”. Đến một dạng thất ngôn với thi liệu quen thuộc nhưng cách diễn đạt bằng bút pháp đầy linh hoạt, bất ngờ: “Mở cửa ngoài khuya chợt sững sờ- Vũ trụ hiền như một giọt mưa- Bão quỳ mọp xuống nâng lá nõn- Sấm nguồn chớp bể hóa dạ thưa”. Những câu thơ có sức khái quát lớn, xứng đáng với tầm vóc nhân vật trữ tình là vua Quang Trung. Những vần thơ thể tự do, từ âm hưởng phóng khoáng: “Nếu ngày ấy thanh bình- Ta sẽ ôm em gào như gió hú- Chạy băng băng trên triền sông nhiều hoa trinh nữ- Và quỳ dâng trước động cát vàng- Ta sẽ nói với trời xanh đất nước mình thơm ngát- Đất nước chính là em thắm thiết nồng nàn- Cả trăng sao dường như lặng phắt- Trước hào quang của yên tĩnh dịu dàng” đến sự đúc kết: “Bằng ngôn ngữ của đất sét và lửa- Của đá và của gió- Phong vị vàng mười phong vị trầm hương- Tạc câu thơ thánh thần nơi thung thổ”. Tôi không thể liệt kê hết những câu thơ rất Nguyễn Thanh Mừng, tạo tác nên cái dáng đứng của trường ca này, một trường ca anh giành rất nhiều tâm huyết và đã thành công. Ở phương diện lý luận, văn học chính là sự tiếp nối, bổ sung của lịch sử chứ nhất thiết không phải là viết lại lịch sử. Chính tài năng của những cá thể sáng tạo văn chương nghệ thuật từ nhiều góc độ khác nhau đã đóng góp sự phong phú cho việc cảm nhận lịch sử, làm cho lịch sử nối kết với đời sống hiện tại. Trường ca Khởi hành cùng ba mươi chín mùa xuân đã đáp ứng một cách xuất sắc yêu cầu này.

 

           Nhân vật anh hùng, nhân vật lịch sử nhờ đó mà trở nên gần gũi với chúng ta, hoàn toàn không cách biệt như một đối tượng cao xa chỉ để chiêm ngưỡng. Trong trường ca của Nguyễn Thanh Mừng, người anh hùng dân tộc có một cuộc đời sống động, không bị cách điệu hóa, ông hiển hiện trước mắt chúng ta với tư cách một con người bằng xương, bằng thịt. Ông yêu thiên nhiên, từ cây cỏ, chim muông, trăng sao, từ con cá lá rau, quả ớt, chùm hoa dừa; ông yêu người mẹ, người vợ, yêu các con (làm vua rồi vẫn mong được sum vầy với các con trong bữa cơm gia đình, gỡ cá cho các con ăn khỏi hóc xương); từng trải qua một tuổi thơ vất vả, chuyên cần, lớn lên trong tư cách “người trai Việt chân bùn tay lấm”, trong cung điện vẫn không quên những món ăn quê  hương (như bánh tráng nước dừa, canh cua me đất, con ốc, quả ổi...).. Con  người vĩ đại ấy không quên các chiến hữu từng nằm gai nếm mật với mình, thương yêu các tướng sĩ vốn là những người mà “chỉ máu đào mới ghi chép đời ta/ trong số phận nước non bi tráng”. Ông quý trọng, tôn thờ những tác phẩm của tổ tiên xưa, như Nam Quốc Sơn Hà, Đại Cáo Bình Ngô  đến Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Truyền kỳ mạn lục... Ông nặng lòng ơn nghĩa với Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích và bao nhiêu nhân vật từng cùng ông gánh vác cơ đồ; biết ơn các binh sĩ từng cùng ông “dãi dầu rau cháo”, nhục vinh, đắng ngọt với nhau. Bởi vì “xuất thân áo vải” người anh hùng ấy xuất hiện từ nhân dân lao động, từ cánh đồng lam lũ, tự biết mình trước sau vẫn là người trai Việt chân bùn tay lấm, “tìm gương mặt mình trong vóc vạc nhân dân”. Trong  trường ca, chất anh hùng nổi bật của Nguyễn Huệ chính là lòng yêu thương, kính trọng nhân dân, những con người “trên tấm lưng còng hằn lên bao nhiêu giẫm đạp”. Vâng. Nguyễn Huệ là như vậy, sau khi lên ngôi vua, vẫn canh cánh một niềm lo âu trước số phận của nhân dân, đất nước.   

                                                                                                                   

          Người anh hùng nhân dân này để lại cho hôm nay những bài học vô cùng lớn lao, sâu sắc. Đó là bài học “Dìu dắt dân vào đạo lớn-  Đưa dân lên cõi đài xuân”; đó là bài học về tình yêu Tổ Quốc, muốn “nước Việt như cánh buồm căng gió- vươn mình ra năm châu bốn bể...” .Với tầm nhìn xa, Quang Trung đã làm cho nước Việt mở rộng cửa để kết giao, buôn bán cùng các dân tộc khác. “Một người dân có thể sẽ làm vua và ngược lại”, trong trường ca của Nguyễn Thanh Mừng có một câu như thế. Ngỡ là một câu thơ bình dị, không có sắc thái văn chương gì, nhưng có cả một chiều sâu, muốn nhắc nhở mọi người: Hãy đừng xa cách dân, đứng trên đầu quần chúng, hãy vì nhân dân mà sống, chiến đấu và phụng sự. Như anh hùng Nguyễn Huệ, Quang Trung!

Trần Đương
Số lần đọc: 2469
Ngày đăng: 30.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phê bình văn nghệ và đời sống xã hội. - Lại Nguyên Ân
Mục tiêu – Cuốn tiểu thuyết dạy quản trị doanh nghiệp - Vũ Ngọc Tiến
Cuộc trò chuyện văn chương trong đêm thu - Vũ Ngọc Tiến
Đối Thoại Với Người Viết Văn Làm Thơ Trẻ - Bùi Công Thuấn
Nhà văn Hoài Anh, đa tài và lặng lẽ_ Phần 2 - Triệu Xuân
Nhà văn Hoài Anh, đa tài và lặng lẽ_ Phần 3 - Triệu Xuân
“Mẫu Thượng ngàn” - một tác phẩm vừa có danh, vừa có... giá - Phạm Lưu Vũ
Nhà văn Hoài Anh, đa tài và lặng lẽ_ Phần 1 - Triệu Xuân
Đọc NGỌN ĐÈN VÂN TỎ : Nguyễn Nguyên An- NXB Công an Nhân dân – 2006 : Một tâm hồn rực sáng. - Đào Phạm Thùy Trang
Đọc Cõi mê của Triệu Xuân:Hiện thực sâu sắc ,tận cùng nỗi đau ,đầy lòng nhân ái . - Hoài Anh