Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
728
116.718.917
 
Đã tỏa sáng Huyền tích Kinh xưa
Trần Đương

( Đọc Huyền tích Kinh xưa Văn hóa dân gian vùng Thành Hoàng Đế, Nxb Khoa học xã hội – Hà Nội xuất bản năm 2004, tái bản 10/2005)

 

Năm ngoái, sau khi dự hội nghị các dịch giả văn học
toàn quốc, trên đường trở ra Hà  Nội, chúng tôi đến thăm vợ chồng Chủ tịch Hội VHNT Bình Định - nhà thơ Nguyễn Thanh  Mừng và nhà văn Trần Thị Huyền Trang. Anh chị hết sức nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi tham quan nhiều cơ sở lịch sử và văn hóa. Đoàn có nhiều dịch giả các ngôn ngữ khắp thế giới, tiếng Nga có Thúy Toàn, Đoàn Tử Huyến, tiếng Ba Lan có Lê Bá Thự, tiếng Anh có Hoàng Hưng, Lã Thanh Tùng, tiếng Pháp có Ngân Xuyên, tiếng Đức có Trần Đương, tiếng Trung Quốc có Trần Đình Hiến, tiếng Tiệp Khắc có Dương Tất Tư, tiếng Ru Ma Ni có Nguyễn Văn Dân… 

 

Quả nhiên, sự khao khát được hiểu biết về mảnh đất lịch sử của Bình Định của tôi đã được toại nguyện khi hôm nay tôi cầm trên tay cuốn  Huyền tích Kinh xưa Văn hóa dân gian vùng thành Hoàng Đế của Nguyễn Thanh Mừng – Trần Thị Huyền Trang, 580 trang. Một  quyển sách sang trọng, ngay từ trang đầu,  mở ra trước mắt tôi một chân trời để đến với An Nhơn, vùng đất của “những hội ngộ lịch sử”. Càng đọc, càng được “tỏa sáng”. Những nhân vật lịch sử, các danh nhân, các nhà khoa bảng, các chiến sĩ kiên cường, các nhà thơ của xứ sở... những sự kiện lịch sử, các thông tin về địa lý, cho đến những khía cạnh văn hóa độc đáo, trong đó có văn hóa ẩm thực, các đền đài miếu mạo, lễ hội, các câu ca dao, các truyền thuyết, bún Song Thằng, rượu Bàu  Đá; sự khác nhau giữa thành Hoàng Đế và thành Đồ Bàn; có những hiểu biết về sông núi An Nhơn, về tháp Cánh Tiên, tháp Vàng Phốc Lốc, Thập Tháp Di Đà Tự, chùa Nhạn Sơn...  cho đến những con người đã ra đời, chiến đấu và làm nên sự nghiệp lừng lẫy trên đất này, trong đó có Trần Thị Kỷ, “ngọn lửa bất diệt giữa lòng dân”…

 

Càng đọc – xin lại nói một lần nữa cái điều đã nói – tôi càng được “tỏa sáng”, mỗi khi nghĩ đến cái đêm tháng bảy mịt mùng đã cùng anh chị Nguyễn Thanh Mừng – Trần Thị Huyền Trang đến thăm thành Đồ Bàn. Ở cuốn sách này – qua giấy trắng mực đen với nhiều trang ảnh, các tác giả như những người hướng dẫn du lịch có tầm hiểu biết rộng lớn và lối kể chuyện hấp dẫn, đã làm tôi mỗi lúc một say mê, yêu mến, trân trọng mảnh đất thiêng liêng này. Cái nền thành công của công trình trước hết là ở thái độ làm việc nghiêm túc của các tác giả trong quá trình sưu tầm, khảo cứu chắt lọc tư liệu. Nhưng, nó có một nét khá đặc biệt: ấy là sự trình bày được kết hợp nhuần nhuyễn giữa sự tôn trọng  tuyệt đối các sự kiện lịch sử với một lối hành văn đầy chất trữ tình, mà nếu các tác giả không phải là thi sĩ, là các nhà hoạt động văn hóa nặng lòng yêu thương quê hương xứ sở thì không thể có được. Tư liệu phong phú, song người viết không “ngập” trong tư liệu; người viết đã  “đứng trên” các sự kiện, tư liệu, có cái nhìn tổng quát vào đó, rồi cao hơn, phả vào đó cả ánh sáng nhận thức của riêng mình, của tâm hồn thi sĩ. Riêng Chương Tâm thức An Nhơn, tôi đã đọc nhiều lần. Không chỉ là những trang nghiên cứu, đó là những trang văn đầy chất thơ. Một mảnh đất xa xôi trên bản đồ Đại Việt cổ trung đại từng là nơi đặt chân của vua chúa, thái tử, anh hùng, mỹ nhân… Tôi càng đọc càng thấy các tác giả đã dày công sưu khảo trong kho thư tịch cổ, dấu tích để lại của những con người Đại Việt từ các vương triều Lý Trần Lê: Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Uy Minh Vương, Lý Thường Kiệt, Huyền Trân công chúa, Trần Duệ Tông, Lê Thánh Tông… Họ gắn với An Nhơn, Bình Định trong những sự kiện lịch sử văn hóa bi tráng.

 

Tôi được biết, cả hai nhà văn đều là nhân vật nổi tiếng trên nhiều phương diện, làm thơ, viết truyện ngắn, khảo cứu văn học, văn nghệ dân gian, văn hóa… Thật vui vì thời gian gần đây, tôi được đọc truyện ngắn của anh trên tuần báo Văn Nghệ, báo Người Hà Nội, tạp chí Sông Hương, mạng VOVNEWS, mạng Sắc Mầu Văn Hóa… Một khía cạnh nữa là bên cạnh loại hình nghiên cứu, biên khảo, trong loại hình sáng tác thơ cũng như trong bút ký, tùy bút, truyẹn ngắn, anh và chị cũng thể hiện được độ lịch duyệt của người am hiểu lịch sử văn hóa địa phương.  Tôi nghĩ đó là cách kế tục truyền thống lịch sử văn hóa Bình Định. Các nhà thơ tiền bối ở xứ sở này đã từng được hô hấp trong uy linh nguồn sông mạch núi, chính vì vậy phần lớn họ cũng đồng thời là những nhà hoạt động văn hóa xuất sắc.

 

Đây là một cuốn sách giá trị. Qua việc khảo tả, nghiên cứu, phục dựng từ huyền tích đến hiện thực chân dung của một vùng đất cụ thể là vùng thành Hoàng Đế xưa, là huyện An Nhơn hiện tại, các tác giả đã trình bày cho người đọc tiếp cận với các vấn đề có tầm vóc trong lịch sử văn hóa Bình Định nói riêng, lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung. Đọc xong cuốn sách, tôi cứ nghĩ ở một góc độ nào đó, không riêng gì huyện An Nhơn mà các cấp các ngành, đặc biệt là ngành văn hóa và du lịch tỉnh Bình Định thật may mắn khi tiếp nhận tác phẩm này. Nó sẽ giúp rất nhiều cho việc giới thiệu sâu rộng và hiệu quả với bốn phương về vùng đất và con người xứ sở, với những di sản văn hóa phong phú và đa dạng, đã tạo nên một điểm văn hóa du lịch hết sức quan trọng của tỉnh nhà, của miền Trung  và của cả đất nước chúng ta.

Trần Đương
Số lần đọc: 2676
Ngày đăng: 23.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn hóa truyền thống dân tộc Khmer trong dịp Lễ hội . - Trần Bắt Gặp
Dấu ấn văn hoá Việt trong kinh Thi - Hà văn Thùy
Nhân ngày Nhà báo VN 21-6 : Tính trung thực,nỗi cô đơn Đặng thuỳ Trâm và thế hệ trẻ hôm nay. - Triệu Xuân
Cám ơn Luật sư Cung Đình Thanh. - Hà văn Thùy
Sứ mệnh văn hoá của sông nước vùng kinh thành xưa ở Bình Định (*) - Nguyễn Thanh Mừng
Nhà thơ DƯ THỊ HOÀN trả lời bài phỏng vấn chuyên đề: văn-nghệ sĩ với bóng đá ! - Lý Đợi
Ngày Việt Nam vào WTO : Thử Nhìn Lại Vốn Xã Hội Việt Nam - Trần Kiêm Ðoàn
Hà Nội đã lưu trữ Hà Tiên Thập Vịnh do Mạc Thiên Tích và thi hữu xướng hoạ - Nguyễn Văn Hoa
Bước đầu của văn học Miền Nam - Nguyễn Văn Hầu
Thơ Tiền Giang 1975-2005, ba mươi năm - một chặng đường - Trương Trọng Nghĩa