Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
769
116.718.211
 
Văn hóa truyền thống dân tộc Khmer trong dịp Lễ hội .
Trần Bắt Gặp

Ở đây,với khuôn khổ bài viết này- chúng tôi chỉ nêu một số vấn đề để ngành chức năng quan tâm đối với việc gìn giữ,phát huy các gía trị văn hóa dân tộc Khmer Bảy Núi  trong các dịp Lễ hội , nhằm tạo ra một kênh thông tin, thu hút khách du lịch đến với địa phương Tri Tôn-Bảy Núi của chúng ta. Một vùng rất đặc thù của tỉnh An Giang và Tây nam bộ, vùng núi của đồng bằng,nằm trong rặng Thất sơn đầy huyền thoại. Người dân tộc Khmer chiếm trên 38 % dân số và cư ngụ theo phum,sóc chung quanh những ngôi chùa kiến trúc cổ xây dựng,tôn tạo từ hai,ba trăm năm nay…

 

I - Văn hóa truyền thống dân tộc Khmer trong dịp Lễ hội tại địa phương thời gian qua.

               

Để tổ chức các Lễ-Hội được chu đáo,mang đậm giá trị văn hóa dân tộc Khmer ở địa phương thời gian qua. Trước nhất,chúng ta phải nói đến cơ chế quản lý tổ chức- Vì đây là việc thực hiện mang tính chất,đặc điểm,quy mô theo nội dung ,hình thức từng địa phương- làm sao cho phù hợp với thực trạng đời sống của nhân dân tại chỗ,đúng theo tinh thần các văn bản quản lỳ nhà nước về lĩnh vực này đã được ngành chức năng soạn thảo,ban hành như Quy chế tổ chức Lễ hội của Bộ VHTT,Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc Cưới,việc Tang,Lễ hội.v.v… Đặc biệt là luật Di sản văn hóa ban hành gần đây,đã tạo nên những công cụ pháp lý cho công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Lễ hội ngày nay được tốt hơn.

 

*Từ mùa hội Đonta gắn với hội Đua Bò Bảy Núi .

   

Xuất phát từ truyền thống văn hóa,thể thao-Đua Bò mùa hội Tết Đonta trong tháng 8, đầu tháng 9âl hằng năm của đồng bào dân tộc. Trước những năm 1990, đua bò tại các chùa, phum sóc là sự tự phát từ nhu cầu đời sống Văn hóa-thể thao mang đậm bản sắc dân tộc Khmer, được các vị Sãi Cả,tà à cha các chùa hiệp ước, thỏa thuận cùng đứng ra tổ chức. Từ 2 điểm chính là tại sân đua chùa Tà Miệt (Lương Phi) và chùa Hoạch Thệch-ThaLaBăngXây(ÔLâm).Năm 1992,ngành VHTT,TDTT tỉnh và chính quyền 2 huyện Tri Tôn,Tịnh Biên thống nhất nâng cấp ngày hội Đonta và Lễ hội đua Bò Bảy Núi được tỉnh chủ trì tổ chức lần thứ I/1992 tại Ô Lâm- Và sau đó,luân phiên tổ chức ở 2 địa điểm Chùa Tà Miệt-Lương Phi,Chùa An Hảo,rồi Chùa ThơMit-Vĩnh Trung đến hôm nay. Năm 2006 này,là lần thứ 15 sẽ được Tri Tôn đăng cai và tổ chức vào dịp Đonta ( khoảng từ 28,29/8-01/9 âl ) của đồng bào dân tộc. Điểm nổi bậc độc đáo của Hội đua bò Bảy Núi là môn đặc thù chỉ có ở Bảy Núi,đặc thù đối với  giống bò và trường đua- Bò phải là bò Bảy Núi,trường đua là một miếng ruộng cát dài trên 500 m,rộng 200m, có nước lấp xấp, nên không thể có được ở các vùng đồng bằng có người dân tộc như Sóc Trăng,Trà Vinh,Cần Thơ…Từ đó tạo nên một bản sắc đặc thù riêng của Bảy Núi. Hội đua bò kéo dài cả ngày, và nhiều kịch tính các vòng đua hào hứng, sôi nổi, tạo sức thu hút mọi người, mọi tầng lớp nhân dân. Trường đua Tà Miệt là điểm lý tưởng nhất, có năm khán giả dự trên 25 ngàn người từ các tỉnh ĐBSCL và Tp.HCM, ngày nay đã lan rộng xa cả nước và khu vực lân cận. Mỗi năm điều lệ được cải tiến sinh động,hấp dẫn nên càng thu hút du khách tìm đến và nhu cầu hưởng thụ này đã dần dần thành truyền thống, có tiếng vang cả nước.

      

*Từ Tết Chol Chnăm Thmây đến Lễ hội - Ngày hội Văn hòa dân tộc Khmer AG đã thành truyền thống.

    

Nổi bậc, và phong phú, đa dạng trong những ngày Hội Văn hóa dân tộc Khmer AG lần thứ V được Tri Tôn đăng cai tổ chức, là sự tập hợp các giá trị văn hóa tinh thần chủ yếu là phi vật thể như ca múa, biểu diễn sân khấu, nhạc cụ truyền thống. Tái hiện qua sân khấu hóa các nội dung lịch sử dân gian, tín ngưỡng, hay lịch sử cách mạng tại địa phương. Cùng tham gia các trò chơi dân gian mang đậm tính truyền thống – vốn vĩ của đồng bằng Nam Bộ, có những sinh hoạt theo văn hóa nông nghiệp, trồng lúa nước … và đi đôi với những yếu tố sản xuất tự cung tự cấp – Nên có nhiều trò chơi, giải trí như đua bò, đội cà om lấy nước, đua thuyền hay phát sinh mới gần đây là biểu diễn trang phục truyền thống, thi nấu ăn – văn hóa ẩm thực của người Khmer Bảy Núi, hay biểu diễn xe ngựa  dạng du lịch v…v… Nó thật sự ăn sâu vào tiềm thức của họ, tạo nên một “ cá tính ” văn hóa mà không thể lẫn lộn với các tộc người khác trong khu vực.

    

* Chùa - Giữ vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Khmer.

          

Thật vậy, với cái nhìn rộng hơn, đại đa số trên 1 triệu người dân tộc Khmer Nam Bộ đều thuộc Phật giáo phái tiểu thừa – Ngôi chùa của Phum, sóc (hay ấp, khóm ) là nơi các vị tăng sư chủ trì để nắm giữ phần hồn của cả phun sóc,tất nhiên vùng Bảy Núi, Tri Tôn cũng cùng đặc điểm trên. Khi có dân cư sống tập trung thì nơi đó phải có nhu cầu xây dựng một kiểng chùa, đó là điều tất yếu – Nên có ấp lại đến 2 chùa như Tà Miệt trên, Tà Miệt dưới ( ở Lương Phi ), chùa Păng Trạo, chùa Mới ở ấp Ninh Hòa ( An Tức ), chùa Hoạch Bưng, chùa Cụp Bưng ở ấp Phước Bình ( Ô Lâm ) v.v… Ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer, là nơi đảm nhận 2 chức năng chính : Nơi sinh hoạt tôn giáo tâm linh và cũng là nơi sáng tạo, hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của mọi tầng lớp trong cộng đồng dân cư. Với họ, chùa là nơi tàng trữ ( thư viện ) các thư tịch cổ ( các pho kinh điển Bà la môn và kinh Phật ), các di sản văn hóa dân tộc – nơi truyền đạt đạo lý Phật giáo và học chữ mẹ đẻ. Có thể nói Chùa là trung tâm văn hóa, là nơi để được học kinh, học chữ, học đạo lý làm người. Thiêng liêng hơn,  đến việc “ hỏa táng” cũng tại chùa – và là nơi lưu giữ hài cốt của thân nhân, dòng họ , tổ tiên ( trong các Tháp )… Thật vậy, đời sống tinh thần của người Khmer Nam Bộ và Bảy Núi gắn bó với ngôi chùa từ lúc mới lọt lòng cho đến khi từ giã cõi đời !

      

Qua các lễ hội của dân tộc Khmer Nam Bộ, hay Bảy Núi thường là gắn với tín ngưỡng dân gian, với các nghi thức của Bà la môn giáo và Phật giáo Nam Tông. Cụ thể điểm qua các lễ hội chính chúng ta nhận ra điều đó :

Lễ Phật Đản – ngày rằm tháng 4 âm lịch

Lễ Chol Chnăm Thmây – vào năm mới chịu tuổi

Lễ Đolta – cúng ông bà

Lễ Thvai Pres Khe – cúng trăng

Lễ Ka Thanh – dâng y cà sa

Lễ Bonchoôs Seinia – kết giới

Lễ Kom Sal Sra – cầu an

Lễ Banh Môha Chhat – đại cầu siêu

        

Nhìn chung, Phật giáo Nam Tông đã chi phối sâu sắc trong đời sống tinh thần ( không muốn nói là văn hóa tinh thần ) đều nằm trong triết lý Phật giáo, tư tưởng chủ đạo trong mọi ý thức hệ của người Khmer. Họ đặt cuộc sống, niềm tin vào Phật giáo mà điểm hội tụ là các ngôi chùa và sư sãi – ta à cha. Điều này chứng minh ở quan niệm chung của con sóc là “ nếu cúng chùa dâng sãi một thì thu phước được mười”, nên chùa xây dựng khang trang là do con sóc, phật tử quyên góp dần để trùng tu,chửa chữa – và thể hiện qua nét đậm đà về kiến trúc, điêu khắc ở mỗi ngôi chùa rất hoành tráng, uy nghi từ trang trí hoa văn, vật thể gắn tích truyện dân gian cả nội thất lẫn ngoại thất …Điển hình trên nóc tháp chùa chính ở chùa Soai Tông A-thị trấn Tri Tôn có tượng thần rắn Naga nằm dài ý tượng trưng cho sự bất diệt và dũng mãnh.Nóc nhọn và hai mái cong ngéo lại ,thường là mái tam cấp. Quanh chùa có nhiều ngôi tháp đựng hài cốt, trên chót nhọn thường chạm tượng thần Bayon-Thần bốn mặt,thần sáng tạo… Ngày nay, các chùa còn vẽ tranh về sự tích phật Thích ca đi tu và biển khổ con người giữa viết bàn và địa ngục …để nhằm giáo dục, răn đe phật tử…

       

Từ cuối năm 2005 đến nay, chủ trương của huyện đảng bộ Tri Tôn – lấy chùa làm “ điểm sáng văn hóa phum sóc” là một sáng kiến mới, phù hợp với đặc điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tại địa phương. Nó tác đông rất lớn đến mọi tầng lớp nhân dân trong các phum sóc người dân tộc – nhằm xây dựng nên một điểm sáng lành mạnh, phù hợp với nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc trong tình hình hiện nay – Điều này được thể hiện qua cac nội dung tiêu chí tự nguyện xây dựng chùa văn hóa, chẳng hạn tiêu chí : .Thường xuyên cùng với MTTQ ở địa phương giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chống lai căn. Không đê các phần tử xấu lợi dụng, xâm nhập, lôi kéo phật tử theo đạo khác – hay :.Vận động khuyến khích sư sãi, phật tử học hai thứ tiếng phổ thông Khmer – Việt .Trong chùa có điểm sinh hoạt văn hóa truyền thống … và điểm chung nhất tại các chùa theo tiêu chí 1 là : .Nhà chùa tu hành đúng pháp luật, đúng tôn chỉ, mục đích hành đạo theo phương châm “ Tốt đời đẹp đạo”. (*). Trích  trong 6 tiêu chí Chùa Văn hóa.

         

Điểm một vài  Lễ-Hội lớn đặc trưng và Chùa – nơi trung tâm văn hóa , tín ngưỡng của dân tộc Khmer Bảy Núi – để chúng ta có được tư duy và đông thái tích cực hơn trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời  kỳ cách mạng mới hiện nay, với xu thế hội nhập, giao lưu, xã hội hóa văn hóa trong thời đại CNH – HĐH  của đất nước.

     

Đối với đặc điểm vùng Bảy Núi, truyền thống đoàn kết Việt-Khmer bắt nguồn từ thực tiễn lao động, bảo vệ và xây dựng tổ quốc. Người Kinh và Khmer có 2 tiếng nói riêng, 2 chữ viết riêng,có nhiều phong tục tập quán riêng và tất nhiên có một nền văn hóa-nghệ thuật riêng đặc sắc,độc đáo… Nhưng,thông qua lễ hội 2 dân tộc xích gần nhau hơn,giao thoa hai nền văn hóa gần như sinh đôi trong một vùng, địa phương, tạo ra một bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam vô cùng độc đáo. Đặc biệt hơn, tính cách phóng khoáng, tài tử,chơi như làm,làm để chơi…của người Nam bộ luôn gặp nhau với cộng đồng dân tộc Khmer tại các Lễ hội. Bởi người Khmer xứ ta là “sống để làm phước”,Lễ hội là nơi để họ được cầu kinh, làm phước và vui chơi - Theo đúng từ “Bon” dùng chỉ các đám lễ- “Bon” là “đám phước”- Người Khmer địa phương cũng không phân biệt phong tục và Lễ hội ,họ chỉ có 2 từ Bon và Pithi để chỉ tất cả các lễ nghi phong tục của nó. Thí dụ: Lễ vào năm mới là Pithi chol chnăm Thmây,Lễ cúng ông bà là Pithi Sen Đônta, Lễ cúng Necta –cúng thần là Pithi lơn Necta, Lễ cưới là Pithi apea pipea .v.v… (**)Trích VH Dân tộc Khmer Nam Bộ-NXB dân tộc.

         

Lễ hội còn mang giá trị như một kênh thông tin quan trọng, nhằm giới thiệu, quảng bá về nền văn hóa dân tộc, cuộc sống con người tại một địa phương với công chúng gần xa…Và điều đó, thực sự được chứng minh từ các dịp Lễ hội tại địa phương nhừng năm qua. Một lễ Đônta ,hội Đua bò Bảy Núi thu hút từ 15, 20 rồi 25,30 ngàn người, và nhiều lên theo từng năm - không chỉ người xem là dân tộc mà người Việt trong ngoài vùng, cả người nước ngoài trong khu vực như Hàn quốc,Nhật bản cũng theo dõi, đến quay phim, chụp hình làm tư loệu trong suốt cả ngày hội. Một mùa lễ He đặc biệt diễn ra một tháng trời ở hầu hết các chùa rất sôi động, thu hút hàng ngàn bà con trong vùng ,ngoài vùng đến vui chơi, cúng chùa, làm phước…vì ở nơi đây có hát múa tập thể (Múa Răm vông), được xem Dì kê (hát tuồng cổ), ăn uống sinh hoạt thoải mái, thăm hỏi nhau và  cả việc trai gái giao lưu tình yêu ,tình bạn… Hay dấu ấn về một đám cưới người dân tộc được tái hiện lên sân khấu với một chuỗi lễ lạ mắt khách phương xa như cắt tóc, rắc hoa cau, rút gươm ra khỏi bao, cột chỉ tay…tất cả đều do sự điều khiển ngoạn mục của ông Maha (mai mối) và mỗi lễ đều có những điệu ca múa hấp dẫn…

     

Đặc biệt hơn, dấu ấn Ngày hội văn hóa dân tộc Khmer AG lần 5 vừa tổ chức tại Tri Tôn năm 2006 là một cuộc hội ngộ, khoa trương bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo vùng Bảy Núi – trong đó không loại trừ những giá trị văn hóa 2 dân tộc Kinh-Khmer giao thoa một cách hài hòa trong tiến trình hội nhập  ,tiến bộ, văn minh… dễ tìm thấy nhất trong múa hát, sinh hoạt, thể thao dân gian, ẩm thực.v.v…  Thiết nghĩ,sự lan tõa không chỉ dừng lại ở đây- những ngày hội mỗi năm một lần, mà sẽ dần dần đi vào các dịch vụ hóa trong du lịch ,tham quan thu hút nhiều nữa du khách đến với Bảy Núi. Chẳng hạn, như xã hội hóa, kêu gọi đầu tư thành một hãng xe ngựa du lịch chở khách vòng quanh Bảy Núi. Tụ điểm, Sân khấu biễu diễn ca múa nhạc dân tộc phục vụ khách thường kỳ tại các khu di tích,du lịch trong huyện. Hay một nhà hàng văn hóa ẩm thực các món ăn, món uống đặc sản Bảy Núi .v.v… và .v.v…

               

Tóm lại, việc phát huy các Lễ hội, phải đồng thời gắn kết các lễ hội văn hóa Dân tộc-thể thao Khmer,với lễ hội truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng của vùng Bảy Núi - An Giang,và lễ hội văn hóa du lịch.v.v… tại địa phương. Là sự kết hợp  song hành nhằm mục đích chung  , gìn giữ,bảo tồn, phát huy và sáng tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo vùng dân tộc Bảy Núi ,gắn với quảng bá, giới thiệu đến du khách gần xa- Vừa tôn vinh về nét đặc sắc của địa phương để vượt xa ra ngoài ranh giới vùng, miền như hiện nay-vừa  mang ý nghĩa lịch sử rất quan trọng- Góp phần phong phú vào sự tổng hòa, đậm đà bản sắc nền văn hóa độc đáo của Việt Nam nói chung.

        

Vì vậy, các hoạt động Lễ hội tại địa phương sắp tới có những bước chuyển biến, lây lan xa hơn hay không là còn phải  nói đến trách nhiệm chung của mỗi chúng ta- Là chủ thể nền văn hóa tại địa phương,không ai khác hơn là của các cấp lãnh đạo, các ngành có chức năng quản lý, thực hiện các hoạt  động Văn hóa,nghệ thuật,thể thao…của các tổ chức chính trị, xã hội , của các vị chức sắc, sư sãi, tà à cha, các nghệ nhân , nghệ sĩ, và toàn dân… Bởi –Đặc trưng của Lễ-Hội là một loại hình sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng, đại chúng ./-
Trần Bắt Gặp
Số lần đọc: 5931
Ngày đăng: 22.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dấu ấn văn hoá Việt trong kinh Thi - Hà văn Thùy
Nhân ngày Nhà báo VN 21-6 : Tính trung thực,nỗi cô đơn Đặng thuỳ Trâm và thế hệ trẻ hôm nay. - Triệu Xuân
Cám ơn Luật sư Cung Đình Thanh. - Hà văn Thùy
Sứ mệnh văn hoá của sông nước vùng kinh thành xưa ở Bình Định (*) - Nguyễn Thanh Mừng
Nhà thơ DƯ THỊ HOÀN trả lời bài phỏng vấn chuyên đề: văn-nghệ sĩ với bóng đá ! - Lý Đợi
Ngày Việt Nam vào WTO : Thử Nhìn Lại Vốn Xã Hội Việt Nam - Trần Kiêm Ðoàn
Hà Nội đã lưu trữ Hà Tiên Thập Vịnh do Mạc Thiên Tích và thi hữu xướng hoạ - Nguyễn Văn Hoa
Bước đầu của văn học Miền Nam - Nguyễn Văn Hầu
Thơ Tiền Giang 1975-2005, ba mươi năm - một chặng đường - Trương Trọng Nghĩa
Bản lĩnh của nhà thơ trước hết là biết chấp nhận - sự im lặng tạm thời từ phía người đọc - Nguyễn Thanh Tuấn