Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
674
116.725.319
 
Phân tích – phê bình chuyên nghiệp : Thiếu vắng một cánh bay
Lê Chí

(tham gia Hội thảo Lý luận - Phê Bình do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức từ ngày 3-5.10.2006 tại Hải Phòng)

           

                Khi một vật thể rơi xuống, dù lớn hay nhỏ chúng đều có tiếng vang. Điều đó có thể ví với một tác phẩm văn học, khi nó được xuất hiện trước công chúng, dù dưới hình thức nào cũng đều có dư luận – dư luận của bạn đọc và sự lên tiếng của các nhà phân tích – phê bình chuyên nghiệp. Xin lỗi, tôi thích gọi đó là những nhà phân tích hơn là những nhà lý luận, bởi hình như từ rất lâu rồi nền văn học nước nhà thiếu vắng những nhà phân tích mẫu mực, có sức thuyết phục mạnh mẽ. Có phân tích cặn kẽ thì chúng ta mới mong rút ra, đúc kết được điều gì đó mang tính qui luật – đến khi ấy mới có thể gọi được hay chưa là lý luận. Có lý luận mới soi sáng được cách phê bình đối với tác phẩm. Ứng với nền văn học trên ba mươi năm qua của chúng ta, sự có mặt của điều ấy thật thưa thớt. Đó còn là sự “thiếu an toàn” cần thiết cho hành trình văn học do hoàn cảnh đặc biệt phát triển không đồng đều, vừa bước ra từ cuộc chiến tranh lâu dài hiếm thấy, phải đương đầu với biết bao vấn nạn phức tạp, gay gắt. Tấm gương phản chiếu dành cho văn học rất đáng buồn là luôn ở trong thực trạng khá lu mờ, tẻ nhạt.

 

               Hồi chuông S.O.S về công tác lý luận phê bình đối với văn học cả nước đã gióng lên từ rất lâu, cách đây vài ba năm lại rung tiếp ở hội thảo Tam Đảo, nhưng đến nay chừng như chưa có mấy chuyển động. Công chúng đang trông chờ không khí phê bình thực sự nóng lên, đáng tin cậy hơn qua từng tác phẩm, nhất là đối với những tác phẩm mà dư luận bạn đọc có nhiều chiều không thuận. Ví như, gần đây nhất là truyện Bóng  đè của Đỗ Hoàng Diệu và Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, rồi phong trào thơ trẻ (tạm gọi là cách tân mạnh mẽ) - trên rất nhiều báo và website, phần lớn chỉ gặp lẻ tẻ những ý kiến bức xúc của bạn đọc, còn lại, xin lỗi, phần lớn cũng là những cây viết không mấy chuyên trên lĩnh vực này. Vậy thì vì sao những “cây đa cây đề”, những thành viên chính thức của lực lượng lý luận phê bình lại rất ít xuất hiện? Ví như trong cuộc chiến đấu lâu dài mà chúng ta chỉ biết đưa dân quân du kích ra chống càn cầm chừng mãi thì liệu chiến trường đến bao giờ mới kết thúc? Rõ ràng là trên cái nền dư luận của đông đảo công chúng, sự đòi hỏi phải có tiếng nói mang tính khẳng định, quả quyết của đội ngũ lý luận phê bình chuyên nghiệp, đó chính là đội quân chủ lực - chỉ có quân chủ lực tinh nhuệ mới có đủ khả năng dứt điểm. Tôi ví von như thế thì cũng quá buồn cười, nhưng thực tế từ nhiều năm qua, đối với một số tác phẩm đã rơi vào tình trạng “bất phân thắng bại”, dễ dẫn công chúng như đi trong hỏa mù, không nhận rõ được đâu là tác phẩm hay đích thực, đâu là tác phẩm cần phê phán và chấn chỉnh.

 

                    Với các nền văn học vĩ đại của Nga, Trung Quốc và nhiều nước phương Tây, đã cho chúng ta không ít bài học về vai trò của hoạt động lý luận phê bình. Muốn có một nền văn học lớn ắt không thể không có một nền lý luận phê bình lớn. Lý luận phê bình và sáng tác văn học khác nào đôi cánh diệu kỳ cùng vỗ bay trên bầu trời cao rộng của hiện thực. Nhưng muốn có một nền lý luận phê bình lớn thì tất yếu phải có đội ngũ trí tuệ uyên bác, hùng mạnh. Hình như lâu nay chúng ta chưa thực sự đòi hỏi  đúng mực đối với lực lượng này với tư thế là đội quân chuyên nghiệp. Bằng chứng là hệ thống chương trình, kế hoạch đào tạo dài hạn binh chủng này nhiều chỗ vẫn còn trống vắng. Rồi thì bao điều phiền toái khác nữa. Nào là nhuận bút cho tác phẩm lý luận phê bình bèo bọt quá, lại nhiều khi rất dễ đụng chạm với tác giả này tác giả nọ, mà đụng chạm thì lấy gì “bảo hiểm”? Cho nên, càng nghĩ tôi không thể không thông cảm với các nhà lý luận phê bình văn học nước mình. Bởi, để có đủ dũng khí, ngoài tài năng, nhà lý luận phê bình còn phải biết đưa mắt nhìn bốn phương tám hướng rồi mới dám quyết nên hành động như thế nào là thích hợp./.

Lê Chí
Số lần đọc: 3514
Ngày đăng: 01.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cảm nhận nhỏ qua một bản trường ca - Trần Đương
Lương An: Không chỉ có "Cô lái đò” - Nguyễn Khắc Phê
Phê bình văn nghệ và đời sống xã hội. - Lại Nguyên Ân
Mục tiêu – Cuốn tiểu thuyết dạy quản trị doanh nghiệp - Vũ Ngọc Tiến
Cuộc trò chuyện văn chương trong đêm thu - Vũ Ngọc Tiến
Đối Thoại Với Người Viết Văn Làm Thơ Trẻ - Bùi Công Thuấn
Nhà văn Hoài Anh, đa tài và lặng lẽ_ Phần 2 - Triệu Xuân
Nhà văn Hoài Anh, đa tài và lặng lẽ_ Phần 3 - Triệu Xuân
“Mẫu Thượng ngàn” - một tác phẩm vừa có danh, vừa có... giá - Phạm Lưu Vũ
Nhà văn Hoài Anh, đa tài và lặng lẽ_ Phần 1 - Triệu Xuân