Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
468
116.776.804
 
Lê Phú Khải, Người đầu tiên nêu khẩu hiệu “chung sống với lũ”
Nguyễn Thị Kỳ

Có lần Lê Phú Khải nói với tôi rằng :”thời chiến tranh ác liệt mình cứ mơ hòa bình rồi được về ĐBSCL nhảy ùm xuống sông tắm một cái , ngửi mùi phù sa sông Cửu Long có khác gì  mùi phù sa sông Hồng không là đủ sướng một đời !”.

Ước mơ của một nhà báo cả đời lặn lội như thân cò sao mà lãng mạn và”ngây thơ” đến vậy. Âu cũng là duyên là nợ ! Chẳng duyên chẳng nợ sao anh lại có với ĐBSCL bốn …đứa con chung ? “Đồng Tháp Mười hôm nay ” (NXB TPHCM 1995) , “Dòng đời xuôi ngược “ (NXB CAND 1998) và “chú bé” bụ bẫm “Hồ sơ đồng bằng Sông Cửu Long” (NXB Thanh Niên ) Lê Phú Khải Viết :”Bàn tay gầy guộc của tác giả “liều lĩnh “ viết hồ sơ một đồng bằng màu mỡ…”.Tôi lại nghĩ : Anh đã lang thang khắp vùng châu thổ để chắt lọc, góp nhặt từng hạt bụi vàng.”Hồ sơ đồng bằng sông Cửu Long “ là một bông hồng vàng lấp lánh bao giọt mồ hôi của một nhà báo say nghề và … say ĐBSCL đến quay quắt.

 

385 trang in dày dặn, trên 30 tấm ảnh ,bản đồ tư liệu quý ,39 bài viết chưa kể 21,5 trang tư liệu đầy ắp thông tin về “ĐBSCL đó đây” không chỉ hữu ích cho những ai từng đặt chân đến ĐBSCL mà còn với những người vốn ở trong “gan ruột” mảnh đất này . Tôi hình dung ra một Lê Phú Khải như tôi từng biết :Ghi chép tỉ mỉ tất cả những gì cảm nhận được trên đường công tác, lưu giữ tấm ảnh cuộn phim ,kể cả ảnh và phim không đạt yêu cầu kĩ thuật ; viết lý lịch cho mình thì thờ ơ ,nói về mình thì tự trào , nhưng viết và nói về nghề thì “lý lịch” từng tư liệu từng bài báo cứ như thể không sáng hơn, rõ hơn được nữa.Nhiều người hiện lên trong trang viết của anh như “ngũ hổ” ở Tiền Giang, ông Tư Dược(trại rắn Đồng Tâm ),chú Ba Nở - vua bắp lai Tân Châu (An Giang), anh hùng lao động Trần Ngọc Hoằng(nông trường sông Hậu –Cần Thơ)… là những người tôi đã gặp ,đa phần trong số họ tôi đã đưa vào bài báo của mình,nhưng “họ” của Lê Phú Khải vừa quen vừa lạ ! Anh không chỉ quan sát, lắng nghe, cảm nhận mà còn hòa vào niềm vui lẫn ưu tư của “nhân vật”, vì thế những bài báo của anh dễ đọng lại trong lòng người đọc, người nghe.Nhưng cuối cùng đọng lại trong tôi và có lẽ trong lòng người từng quen biết Lê Phú Khải là gần 21 trang bút kí “Ba lần về thăm đất Mũi ”, đã phác họa đúng chân dung của chính anh : hiền lành mà gai góc, khiêm tốn mà gan lì bướng bỉnh, bề ngoài xuê xoa vô tâm mà thực ra tinh tế vô cùng . Đất mũi nên thơ, giàu có, đầy ắp lo toan, ẩn mình cuối đất tổ quốc bỗng rờ rỡ hiện lên trên từng trang viết bồi hồi kỉ niệm của một nhà báo .

 

Tôi yêu quí anh Lê Phú Khải vì anh là người chí tình trong công việc và trong cư xử; trong cả ngàn cuộn phim tư liệu của đời làm báo, anh vẫn tìm ra tấm phim chụp người nông dân anh gặp 10 năm trước để anh rửa tặng khi biết mình sắp về qua làng quê của người nông dân ấy . Có lẽ vì anh sống chí tình nên những bài báo của anh dù viết về trái cây, bông lúa, rừng tràm…mộc mạc vẫn ngời lên tấm lòng sâu nặng và lan tỏa sức hấp dẫn đến người đọc .

 

Đầu năm 2000, tôi về Mộc Hóa – Long An, một bác nông dân hỏi tôi : “Cô có quen nhà báo Lê Phú Khải không ? Ông viết về Đồng Tháp Mười , về nông dân tụi tui trúng lắm!” . Về nhiều địa phương thuộc ĐBSCL tôi cũng nghe nhiều bà con và cán bộ ấp nhắc đến cái tên Lê Phú Khải .Tấm lòng ưu ái đó không phải nhà báo nào quen viết “mảng” ĐBSCL cũng đều được giành cho !

 

“Hồ sơ Đồng Bằng Sông Cửu Long mở ra trước mắt chúng ta vùng đất vừa “nhẹ” tênh như màu xanh ruộng lúa, vườn đất, con kênh nho nhỏ, vừa nặng như gánh gạo nghĩa tình trĩu một đầu đất nước. Trên những trang sách màu xanh vùng châu thổ sông Cửu Long có một chú –cò-gầy Lê Phú Khải đang mải mốt  bay…và những tranh viết của tương lai – của anh – vẫn  còn tiếp tục  … Gần đây, mới tặng tôi cuốn sách “CHUNG SỐNG VỚI LŨ” – Anh nói :”Xong rồi đây chẳng biết viết gì về đồng bằng sông Cửu Long nữa đâu.Hết duyên nhau rồi!”. Lê Phú Khải đã có “Đồng Tháp Mười hôm nay”,”Dòng đời xuôi ngược”, “Viết từ đồng bằng sông Cửu Long”,”Hồ sơ đồng bằng sông Cửu Long” và anh đã than “hết duyên nhau “ mấy lần rồi !Tôi nhìn anh cười…

 

“Chung sống với lũ” với 183 trang in, trong đó 13 trang tư liệu quí về vùng châu thổ lớn nhất nước này, 111 trang viết của Lê Phú Khải , 43 trang viết của Tô Văn Trường … Cuốn sách “chuyên đề về lũ” đã không chỉ đề cập đến lũ ở hướng nhìn đầy bức xúc , đồng cảm, chia sẻ tận tụy của người làm báo mà còn mang tính khoa học và nhân văn với một tầm nhìn tổng thể vừa bao quát vừa sâu sắc của hai tác giả.Riêng với Lê Phú Khải đó là lời kết của những năm ròng chung sống với ĐBSCL, thao thức với bao buồn vui của người dân nơi đây khi lũ về,bão đến;khi lúa ,mía,trái cây …trúng mùa rớt giá;khi rầy nâu ,chuột, ốc bươu vàng làm lúa kiệt sức và rầy chổng cánh tai ác tàn phá hàng ngàn héc-ta vườn cây cam quýt...Còm cõi như thân cò ,hành trang chỉ có cây viết,máy ảnh ... và trọn vẹn tấm lòng người làm báo. Lê Phú Khải ngụp lặn” (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) với ĐBSCL.Với các bài viết này của anh ,tôi đã đọc thành báo trước khi in thành sách, bây giờ đọc lại chợt thấy từng trang thơm mùi mực mới như nhòe đi trong mưa nắng đồng bằng ! Đó là tiếng kêu thẳng thốt “Nước lũ đã tràn tới địa phận tỉnh Tiền Giang” . “Ơi đồng bằng sông Cửu Long !”; là những bài viết mang tính dự báo rất thực tế và khoa học ;”Chung sống với thiên nhiên “,”Né lũ”.Phải có “chiến lược chống lũ mới cho Đồng Tháp Mười”;là ý kiến đóng góp đầy trách nhiệm công dân của nhà báo sinh trưởng ở miền Bắc ,duyên nợ với ĐBSCL,qua “Nhìn lại mùa lũ  năm 2000 “ để hoạch định chiến lược sống chung với lũ ở ĐBSCL.Năm 2001 đã tổ chức cuộc hội thảo khoa học với đề tài “chung sống với lũ”.Bài viết vừa nói trên của Lê Phú Khải đã vượt lên giới hạn của một bài báo, xứng danh là một tham luận khoa. Chịu đi , chịu tìm hiểu , ghi chép tỉ mỉ và lưu trữ một cách “lớp lang” mọi điều ghi chép,mọi tài liệu trên đời “thu gom” được và với trí nhớ đáng khâm  phục , với tài năng của mình anh đã đem lại cho từng trang viết sức nặng thông tin ,sức nóng hiện thực  .Điều không phải nhà báo nào cũng đủ kiên nhẫn ,tâm huyết để làm.

 

Là người đầu tiên nêu khẩu hiệu “chung sống với lũ” trên phương diện thông tin đại chúng (Báo SGGP số tết Nhâm Thân 1992; Ơi ! Đồng Bằng Sông Cửu Long ) , anh tâm sự :

 

“Thực ra thì bà con cô bác vùng ngập lũ ĐBSCL đã chung sống với lũ từ bao đời nay rồi. Vì thế bà con mới gọi mùa lũ là mùa “nước nổi” là “lũ lành” và chỉ cần “né lũ” để canh tác mà thôi … Trong khi đó thì chúng ta lại hô hào chống lũ… Vì thế ,cần gọi đúng tên sự vật ,phản ánh đúng thực tế của đồng bào và làm theo quy luật … Tôi chỉ là người đầu tiên gọi  đúng tên sự vật mà thôi !”

 

Từ khi cụm từ “chung sống với lũ” xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng (1992) đến nay  vừa tròn 15 năm , sau nhiều năm phấn đấu , đến nay mùa lũ đã trở thành mùa sản xuất chính ở ĐBSCL với nhiều nghành nghề mô hình sản xuất mùa lũ ra đời bao gồm:Nhóm trồng trọt,nhóm nuôi trồng thủy sản và nhóm nghành nghề.

 

Mùa lũ năm 2005 vừa qua, riêng An Giang các nghành nghề mùa lũ đã đem lại cả ngàn tỷ đồng cho GDP của tỉnh . Mùa lũ năm 2006 này ;nhiều nơi ở ĐBSCL đã xuất hiện du lịch mùa lũ , món ăn đặc sản mùa lũ:Lẩu cá Linh bông điên điển !Lũ đem phù sa , tôm cá cho ruộng đồng , làm vệ sinh đồng ruộng , diệt cỏ,diệt sâu bệnh ,diệt chuột… VÌ thế mà đồng chí Võ Văn Kiệt đã  cho rằng : Không có lũ , hoặc lũ quá thấp cũng là thiên tai đối với ĐBSCL.

 

15 năm chung sống với lũ, ngày càng “hòa thuận” ( từ dùng của đồng chí Võ Văn kiệt) hơn và phát triển tốt đẹp , chúng ta chúc mừng Lê Phú Khải, nhà báo, người đấu tiên nêu khẩu hiệu: “chung sống với lũ”.

 

                                                                     Nguyễn Thị Kỳ

                                                                 Tháng 10 năm  2006

Chú thích ảnh :

Gs. Võ Tòng Xuân & nhà báo Lê Phú Khải

 

 

Nguyễn Thị Kỳ
Số lần đọc: 2875
Ngày đăng: 07.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nỗi buồn của má - Linh Phương
Việc lớn trước mắt : chuyển các hội văn học nghệ thuật về đời sống dân sự - Lại Nguyên Ân
Thử nhìn về những người làm văn nghệ tỉnh lẻ. - Hồ Chí Bửu
Panduranga và bài hát cây xương rồng - Đinh Thị Như Thuý
Tản mạn chuyện nhà văn. - Nguyễn Đức Thiện
Chút tâm sự sau Bình Phong Long Mã . - Trần Kiêm Ðoàn
Nơi tôi gửi lại tuổi thơ... - Nguyễn Thị Hậu
Bến nước - Trần Xuân Linh
Đến hẹn lại…lũ . - Lê Duy
Câu thơ-yên ngựa - Lê Xuân Quang