Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
741
116.707.611
 
Bến bờ xa lạ
Nguyễn Bính Hồng Cầu

Nếu biết sự thể như vầy, nhứt định tôi sẽ hoãn cuộc hành trình, mặc dù công việc buộc sáng mai tôi phải có mặt tại thành phố. Buổi sáng, sau giờ làm việc, tôi lấy công lệnh ra bến xe, định chắc chậm lắm khoảng bảy, tám giờ tối tôi cũng đến được xa cảng, vào giờ này còn kịp nhập nội thành, chiếc xe bon nhanh với một tốc độ lý tưởng, bỏ lại phía sau con đường, hàng cây và những cánh đồng no nước.

           

Qua phà Hậu Giang xem đồng hồ mới hơn ba giờ, tôi thở phào nhẹ nhõm. Tiếng động cơ rì rà rì rầm vang đều đều trên mặt đường nhẵn bóng. Trên xe, quá nửa hành khách ngà ngà say giấc ngủ đường xa. Tôi cũng không sao cưỡng nổi cơn buồn ngủ đang chập chờn kéo tới. Tôi xoay người, sửa lại tư thế ngồi, đầu tựa hẳn vào thành ghế, thoải mái thả hồn "chu du" đây đó. Không biết chạy được bao lâu, đi được đoạn đường bao xa, từ khi tôi ngủ thì xe trở chứng, nó ì ra, không thèm nhúc nhích, cục cựa. Người lái xe chửi đổng một câu rồi nhảy tọt ra khỏi xe, chân vấp hòn đá, ông ta bực bội lượm hòn đá ném thẳng cánh qua bên kia đường. Hòn đá bay vèo đi va phải cành cây rơi tõm xuống kinh vẽ thành những vòng tròn trên mặt nước, xao động. Có tiếng ai đó cằn nhằn:

- Chết máy đâu không chết, nhè ngay chỗ đồng trống mà chết! Có khổ không!

           

Tôi thở dài ngao ngán. Mặt trời xuống dần, tôi hết nhìn chiếc đồng hồ cũ xưa một cách tàn tệ của tôi, lại nhìn những người sửa máy, mặt mày bê bết dầu mỡ, đang hì hục bò nhoài xuống gầm xe, lòng hết phương hi vọng. Tôi đang ở trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan"; quay về thì không xong, đón xe khác để tiếp tục cuộc hành trình thì túi tiền không cho phép, đành ép bụng chờ suông vậy. Mặt trời lặn. Mây đen từ đâu kéo về nhiều vô kể, phút chốc đã vây kín tứ bề bốn phía. Trời đất tôi bưng. Trong tình cảnh này, mưa ập tới quả là một tai hoạ. Bóng tối đến cùng với nỗi sợ- tôi vốn cũng không phải là người dạn dĩ cho lắm. Tôi rùng mình kéo cổ chiếc áo khoác, cố thu người nhỏ lại và làm một vài động tác gì đó để xua đi nỗi sợ.

           

Sáu giờ mười lăm phút, chiếc xe bắt đầu khởi động sau hơn ba tiếng đồng hồ bất động.

           

Tiếng máy nổ âm vang xua đi nỗi hãi hùng trong tôi. Mưa ngớt hạt. Cái gạt nước làm nhiệm vụ một cách chăm chỉ nhưng vẫn không sao xoá nổi những rãnh nước con con trên mặt kính. Bất giác, tôi nhớ đến câu hát: "Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ"... Giá mà nỗi nhớ xua đi được, thì con người ta đỡ khổ biết dường nào. Xe vào thị xã Vĩnh Long. Hàng cột điện chơ vơ trong mưa lạnh, ánh đèn đường lấp loá trong mưa đêm, soi rõ từng sợi nước buông dài bóng chuốt, lòng tôi nao nao một nỗi nhớ! Đã có lần Thành gọi ngọn đèn đường trong mưa đêm là "ngọn đèn huyền ảo của tôi". Tôi nhìn thật sâu vào mắt anh, sung sướng nhận ra "ngọn đèn" của tôi trong đó. Năm tháng qua mà thời gian vẫn không xua được nỗi nhớ.

Xe qua cầu Bình Lữ, có cái gì giục tôi buột miệng:

- Xe dừng lại!

Khi đôi chân tôi đứng vững trên mặt đường, cảm giác xấu hổ làm tôi nóng bừng mặt. Có lẽ, sau này, suốt đời tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho hành động nông nổi này, nhưng sau đó sau này hẵng hay, bây giờ tôi không làm chủ được hành động của mình. Tôi quên mất mình đang đứng trong mưa và đứng như vậy đã bao lâu rồi, có thể đến sáng cũng nên, nếu không có tiếng bác xe lôi:

-  Về đâu cô?

- ...

- Xe không chị?

Tôi định thần, lắc đầu từ chối và rảo bước. Con đường loáng nước, đen ngời lên như những con rắn khổng lồ đang trườn đi mọi ngả. Con đường chậm chạp nuốt chửng từng bước, từng bước chân ngượng ngập, tôi có cảm giác mình lọt thỏm giữa lòng đường thênh thang, vắng ngắt. Trời se lạnh. Chiếc kim đồng hồ cũ kỹ của tôi kiên nhẫn nhích dần đến con số một lẻ mấy phút- con số mang đến cho tôi điềm lành hay điềm dữ? Nhưng nó buộc tôi phải chấm dứt ngay những bước chân lang thang, vô định. Thân gái- một mình- đường khuya vắng, dễ gây cho người ta nhiều sự hiểu lầm. Tôi thì không muốn có sự hiểu lầm nào xảy ra. Không chần chừ, quay ngược lại, rẽ ngoặt vào con đường bên trái- con đường từ lúc xuống xe tôi đã đi ngang qua không biết đến lần thứ bao nhiêu mà không sao đặt nổi bước chân lên đó. Tôi bước đi như người mất hồn, đã quá ngôi nhà định đến, tôi không đủ sức dừng lại. Tôi bước trờ tới cột đèn, tựa hẳn người vào đó để lặng nghe tim mình co thắt. Tôi ứa nước mắt. Tội nghiệp cho tình yêu của tôi.

           

Từ khi Thành cởi bỏ bộ quân phục màu xanh chiến trận để khoác lên người chiếc áo thêu rồng thêu phượng, Thành có những ham muốn, suy nghĩ mà nhiều năm yêu nhau không đủ để tôi hiểu hết Thành. Có người con gái nào khi yêu không muốn trở thành người vợ người mình yêu. Ở tuổi hai mươi tám, chưa phải đủ già dặn nhưng không đến nỗi thiếu khôn để làm vợ. Nhiều lần tôi đem chuyện cưới xin bàn với Thành, anh ậm ờ cho qua chuyện.

- Để rồi anh tính.

Tôi không thể hối thúc Thành mãi, tôi còn tự ái của tôi, sĩ diện của người con gái. Thành vẫn không quan tâm, ngày tháng cứ trôi qua tuồn tuột, Thành cũng không nói gì đến chuyện cưới xin, việc quan trọng đến cả một đời người. Lúc này gặp tôi, Thành chỉ còn mỗi một câu:

- Anh bận! Công việc ngập đầu.

Anh bận đến mức không có thì giờ đưa tôi đi xem một bô phim hay, một lần dạo mát. Chúng tôi ở cùng một thị xã cách nhau không đầy hai cây số mà cả tuần không trông thấy nhau, tưởng như cách mấy sông, mấy núi. Chẳng như hồi anh còn trong quân ngũ, một năm vẻn vẹn có mấy ngày phép, chúng tôi quấn quýt bên nhau như đôi chim liền cánh. Thành tranh thủ khâu lại chiếc quai dép cho tôi, cặp lại vành rổ, đóng thêm đinh lên tường lấy chỗ treo tranh ảnh, sửa lại kệ sách... Chiều chiều hai đứa dẫn nhau đi loanh quanh ngoài phố. Những con đường, quán cóc bên lề hè, ly trà đá, gói hạt dưa đủ để tôi và Thành thực hiện hành trình đến bờ bến tương lai bằng ước mơ đơn sơ, ước mơ người lính: một căn phòng nhỏ, những đứa con ngoan, nghề nghiệp mình ưa thích. Ngày hai buổi, hai đứa đi làm... Cuộc sống chúng tôi còn thiếu thốn mọi bề, con chúng tôi có thể ăn cơm nguội mỗi buổi sáng để đến trường, song điều đó không làm chúng tôi bận tâm. Chúng tôi còn mãi say sưa tận hưởng bầu trời hạnh phúc. Những người giàu có nhứt trên đời. Tôi đi bên Thành giữa phố phường chật chội, giữa dòng người tấp nập sắc màu. Tôi vẫn tìm thấy cho mình một bờ bến tình yêu.

           

Hết phép. Anh trở về đơn vị. Hành trang, một chiếc ba lô nhẹ tênh, mây bánh thuốc rê, phong bì, giấy trắng, và loại hạt giống: mướp, bí, bầu, cà chua, ớt hiểm. Anh đi. Thư đến. Những trang thư có hoa rừng, suối biếc, có cái nắng cháy người, có mưa nguồn chớp lũ, có ngụm nước cuối cùng đồng đội anh chia nhau giữa cơn khát cận kề cái chết. Có cánh võng giữa rừng chao nghiêng vòm nắng, chuyền tay nhau những lá thư cô hàng xóm, có tiếng cười giòn tan trước giờ xuất kích. Đồng đội anh ai còn ai mất. Tôi đã khóc, đã cười qua những dòng thư. Có phải những dòng thư anh thêm vị ngọt chất nồng cho tình yêu tôi?

 

Tôi đã chờ đợi Thành qua hai cuộc chiến tranh, chiến tranh giải phóng đất nước, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Cho đến bây giờ tôi còn phải chờ đợi, đợi chờ đến bao giờ? Tôi cắn răng chịu đựng sự dè bỉu của bạn bè đến mức tôi không còn muốn gặp bất cứ ai trong cái thị xã thân thuộc nầy. Má tôi thì thở vắn than dài:

- Con Trang mày có làm sao, người ta mới không cưới!. "Ai đời thuở nào con trai con gái quen nhau ngót nghét chín mười năm mà... mà..."- Má tôi không nói hết câu, bà buông tiếng thở dài nghe mà não ruột. Im lặng giây lâu, bà húng hắng ho- Ta nói thiệt khổ, có con gái lớn trong nhà như hũ  mắm treo đầu giàn...

Hay:

 

Mày định bôi tro trát trấu tao với ba mày đến chừng nào nữa, hả Trang? Hồi nó đi bộ đội- chờ! Bây giờ chuyển ngành rồi cũng chờ! Bây chờ nó lên làm vương làm tướng chắc!. "Ai đời thuở nào, con gái, con lứa hăm tám, ba mươi tuổi cứ nhong nhong như xuồng không lái, con trâu không có nài vậy? Hay đợi tao với ba mày đến lạy người ta để gả con cho họ?

 

Chỉ có ba tôi là không nói gì. Ông còn bận nhiều việc ở cơ quan, nhìn tóc ông ngày càng trắng thêm, nhanh đến mức não lòng. Một hôm, nửa đêm tôi thức giấc nghe có tiếng trò chuyện bên phòng ba má tôi, hình như cuộc tranh cãi thì đúng hơn (điều này ít thấy ở ba má tôi). Không dẹp nổi tính tò mò, tôi bật dậy, rón rén bước về phía đó, hồi hộp sợ ông bà hay được thì lôi thôi. Tôi chưa kịp định thần thì đã nghe thấy tiếng má tôi nói:

- Hồi đó tôi nói nó lỗ tai dão, hay phản trắc, ông mắng tôi, nào là phong kiến, gả chồng cho con mà ở đó coi tướng tá, nào là con gia đình cách mạng truyền thống, căn cơ, bây giờ cho ông sáng mắt.

- Tụi nó có làm sao đâu mà làm ầm lên vậy?

- Làm sao, còn làm sao? Ông có nghe hàng xóm họ nói gì về con Trang không?

- Nói gì?

- Nói gì thì ông biết á? Má tôi cao giọng rồi bỗng nhiên bật khóc như trẻ thơ. Ba tôi gắt:

- Họ nói cái gì mới được chứ? Tôi lảo đảo ôm đầu chạy về phòng, nước mắt giàn giụa. Tôi cắn nát chiếc gối hình đôi chim phượngvà thấy căm ghét Thành đến mức như chưa bao giờ được căm ghét. Tôi tìm đến Thành nhưng tự ái ngăn không cho tôi nói được với Thành câu nào. Tôi lặng lẽ ngồi, lặng lẽ khóc. Những giọt nước mắt hờn tủi cứ trào ra. Thành lúng túng, vỗ về:

- Anh trước sau gì cũng vậy mà!

- ... ?.

- Trang à, chúng ta không thể sống bằng cuộc sống tưởng tượng được. Chúng ta còn phải nghĩ đến con cái sau nầy, anh không muốn con anh phải sống khổ, sống nghèo. Thời mơ mộng đã qua rồi, mình phải thực tế!

- ... Hiện tại anh không đủ điều kiện để tạo cho em, cho chúng ta một cuộc sống đầy đủ. Một ngôi nhà có đầy đủ tiện nghi. Em biết không, âm nhạc có tác dụng giáo dục nhân cách trẻ con, làm cho phong phú tâm hồn tình cảm, nâng cao trí sáng tạo của chúng. Tất cả đều cần thiết. Đó là điều anh hằng mong ước, bằng mọi cách anh phải thực hiện cho bằng được.

Tôi nghe Thành nói, lòng hụt hẫng:

- Nhưng đào đâu ra số tiền to tát như vậy?

- Sẽ có cách!- Thành quả quyết- Có điều bây giờ anh chưa có đủ tiền để tổ chức lễ cưới cho rõ ràng hai họ. Em tính coi, cả đời người chỉ có một ngày trọng đại làm tẹp nhẹp coi sao được, hở cô bé của anh?

Tôi nôn nóng:

- Cách gì?

- Cách... anh chưa thể cho em biết được- giọng Thành chợt xa xôi

- Phải thời, trúng "mánh" một chuyến cất nhà lầu như chơi.

- "Mánh" gì? Buôn lậu à?

- Bậy!... Thành bụm miệng tôi bằng làn hơi nồng nồng mùi thuốc lá của anh. Tôi thẫn thờ...

 

Ngày nối ngày đi qua. Tôi tiếp tục chờ đợi. Thành tiếp tục bận rộn với công việc làm ăn của anh. Có khi hàng tháng trời, chúng tôi không hề trông thấy nhau. Thành lao vào công việc tìm kiếm tiền như con thiêu thân bám lấy ánh đèn. Tôi không còn hiểu được Thành, giữa anh và tôi như hai bến bờ xa lạ. Anh có bến bờ của anh, tôi có bến bờ của tôi. Thành lấy tiền làm mục đích cho tình yêu- cuộc sống. Còn tôi có cần lắm không cái hạnh phúc phải được đảm bảo bằng tiền của anh mà tôi phải đánh đổi suốt một thời gian chờ đợi vô nghĩa? Thành làm sao hiểu được nỗi băn khoăn của tôi khi bất chợt nhận ra thêm một nếp nhăn sau khoé mắt, khoé môi, dấu vết tàn phá của thời gian. Tôi cuống quýt, tôi lo sợ, nỗi lo sợ của người con gái biết mình sắp đi qua thời xuân sắc. Tuổi trẻ, tình yêu, một thời tôi gởi ở chiến trường, còn bây giờ tôi lại đem phung phí cho đồng tiền Thành đang đuổi bắt sao? Tôi không phủ nhận giá trị đồng tiền. Nhưng Thành cũng đừng vì nó mà quên đi mọi ý nghĩa khác ở đời. Tôi đã chờ đợi Thành, chờ đợi đến cùng kiệt. Lòng tôi bỗng dưng nguội lạnh. Tôi buồn bã giận dỗi. Hãy để Thành ở lại với niềm mong ước của anh. Tôi lặng lẽ ra đi, từ biệt những bến bờ kỷ niệm của tôi. Liệu tôi có ích kỷ và nông nổi quá chăng?

           

Mãi cho đến hôm nay, hơn hai năm cách biệt, ngang qua đây bỗng dưng có cái gì mãnh liệt xui tôi muôn gặp lại Thành, dù bây giờ tôi đã có Khắc. Tôi và Khắc không có chung quá khứ, chưa kịp có kỷ niệm. Khắc cũng không có những thứ Thành có và sẽ có, nhưng ở Khắc, tôi tìm lại được ngọn đèn của tôi. Tìm lại được những gì Thành đã đánh mất. Tôi yêu Khắc không phải vì một anh Khắc nồng nhiệt với tất cả niềm say mê tuổi trẻ, không chỉ vì sắc áo xanh màu chiến trận với những năm tháng nhọc nhằn của anh để tôi có những trang thư nhân dậy thêm tình yêu của tôi. Tôi yêu Khắc không phải vì Khắc sống trọn vẹn cho riêng tôi mà anh còn sống cho những gì lớn hơn: Đất nước và bạn bè. Tôi có là cô gái gàn dở không? Nhưng nếu người tôi yêu sống chỉ là để tồn tại như một xác người vô nghĩa không lý tưởng, không ước mơ, không hoài bão hoặc có chăng là những ước mơ vụn vặt tầm thường để mưu lợi cho riêng mình. Tôi có thể chấp nhận cuộc suốt đời đi bên cạnh một con người như vậy ư? Nhứt định là không! Còn bây giờ... Tôi nuối tiếc những gì đã chối bỏ chăng? Hay tình yêu Thành chưa kịp chết trong tôi? Tôi không thể nào hiểu nổi mình. Còn một tháng nữa Khắc về phép chúng tôi sẽ tổ chức tuyên hôn. Tôi sẽ là vợ Khắc vợ anh bộ đội xa nhà. Vậy mà...

 

Từng đàn con thiêu thân rơi rụng bám đầy trên tóc tôi. Tôi muốn lả đi vì đói, vì mệt, vì... trong vô vàn con thiêu thân rụng dưới chân tôi, có con nào là hiện thân của một con người mà tôi đã vụng dại trao hết cho người ta mối tình đầu tiên? Tôi bật khóc.

Trăng cuối tháng còm cõi, ẩm ướt, lù mù hiện ra sau tàng cây bồ đề ở ngã ba đường, ánh trăng rắc xuống không gian một thứ ánh sáng nhạt nhoà hư ảo. Tôi quay đầu nhìn lại ngôi nhà tầng trên hãy còn sáng đèn, tôi ép chặt chiếc túi xách vào ngực, cố ghìm giữ cho tim mình bớt lao chao. Tôi muốn bỏ chạy, nhưng như có một sức mạnh vô hình níu chân tôi lại, cuốn hút tôi về phía ngôi nhà. Hồi chuông vang lên. Thành luộm thuộm trong bộ quần áo ngủ hiện ra. Tôi suýt ngã. Thành nắm chặt tay tôi, xúc động.

- Trời, Trang! Em biến đi đâu mất dạng rồi đột nhiên hiện ra như có phép vậy? Anh biết phải cảm tạ ai đây? Đất trời hay thần thánh?

Tôi bối rối:

- Em đi công tác ngang qua, định ghé thăm anh hỏi thăm tin anh Khắc. Tôi không hiểu sao môi mình lại bật lên tên Khắc vào đúng thời điểm này.

Thành ngạc nhiên:

- Khắc nào?

- Dạ... Khắc...

Thành vẫn không để ý đến câu nói ấp úng của tôi. Anh vẫn còn xúc động, giọng anh chân thành:

- Tay em lạnh cóng rồi đây này, vào nhà đi Trang. Chết!- Có lẽ Thành đã nhận ra vẻ phờ phạc, xốc xếch trên người tôi. Anh nhìn tôi ái ngại- Sao ra nông nỗi nầy?

 

Cùng lúc đó tôi cũng nhận ra hơi rượu trong người Thành và điệu nhạc tình ngày xưa qua giọng ca nức nở của Thanh Tuyền từ tầng hai đưa xuống nghe lạc lõng chơi vơi như muốn đưa người ta đến bến bờ xa lạ... Tôi rụt tay lại, lúng túng:

- Để khi khác, xe đang đợi em! Tất nhiên là tôi nói dối.

Thành ngớ ra tôi vẫn giữ bình tĩnh:

- Em đi anh Thành nhá!

Không đợi Thành kịp phản ứng, tôi quày quả bước đi và nghe rõ từng bước chân tôi khua vang trên đường. Lòng thanh thản. Chuông nhà thờ đổ liên hồi. Tôi lại lên xe tiếp tục hành trình, để lại sau lưng một bến bờ xa lạ.

Nguyễn Bính Hồng Cầu
Số lần đọc: 2142
Ngày đăng: 12.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thúng quà quê - Nguyễn Một *
Những nốt nhạc xa xanh - Đổ Tiến Thụy
Nhân Cách Thơ - Nguyễn Nguyên An
Người xa lạ - Lương Minh Vũ
Giọt mưa lòng trong đêm của mẹ - Ngọc Thiên Hoa
Bóng Tôi ... (Phần 1) - Hồ Chí Bửu
Bóng Tôi ... (Phần 2) - Hồ Chí Bửu
Chuyện ba mươi năm sau - Đặng Hoàng Thái
Một buổi sáng không có tiếng gà - Đào Bá Đoàn
Hãy bò đi... - Đào Bá Đoàn
Cùng một tác giả
Bến bờ xa lạ (truyện ngắn)