Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
579
116.767.216
 
Chuyện ba mươi năm sau
Đặng Hoàng Thái

Choàng tỉnh, Thạnh cố nhấc mình đứng lên, rời khỏi ghế sa-lông, đưa mắt nhìn chung quanh. Căn phòng Karaoke cứ như bãi chiến trường, những chai bia rỗng chổng chơ trên bàn, lăn cả xuống đất. Máy lạnh vẫn rì rầm chạy, thổi thốc mùi thuốc lá, nước hoa lẫn nước tiểu, nồng nồng khai khai. Ở một góc, thằng Trơ đang chúi mặt vào khuôn ngực sồ sề của một cô ả ngấu nghiến. Ngoái đầu lại, anh giật mình khi phát hiện ở chỗ mình vừa đứng lên cũng có một cô gái nửa nằm nửa ngồi, hai chân co lại, mảnh váy ngắn tốc lên, chìa một bên mông trắng lốp. Tệ thật! Lúc lắc đầu, Thạnh cố nhớ xem mình đã làm những gì. Hình như anh cũng chẳng khác gì thằng Trơ, thậm chí anh còn hào phóng nhúi hẳn tờ trăm ngàn cho cô gái ngồi cùng. Hoá ra khi người ta say, cái phần con trỗi dậy thật bản năng, thật dữ dội, quên mất những khuôn mẫu của sự phẩm hạnh, đạo đức, mà dù vô tình hay hữu ý, vẫn cố bấu, cố víu.

 

Điện thoại giần giật ba hồi trong túi. Tay thư ký toà soạn nhắn tin: "Mi di dau 10 ngay nay khong co tin, bai. Bac Tong doi cat dau mi ra lam ghe ngoi day! Lieu ma lo di!". Tệ thật, phải thoát khỏi nơi này, càng nhanh, càng tốt. Tự dưng Thạnh rùn mình, anh chầm chậm bước ra hướng cửa, dáng nghiêng nghiêng. Thằng Trơ vói theo: "Mày có mệt thì về trước. Để đó, bữa nay tao tính". Thằng bạn nối khố của Thạnh chỉ nói vậy rồi bật ngửa ra nằm dài trên sa-lông, để mặc cho cô ả vặn vẹo, trườn lên người hắn. Thạnh lầu bầu chửi thề, khép cửa lại.

 

Uể oải bước vào quán cà phê, cởi áo mưa, thả chiếc túi nặng trịch xuống ghế, Thạnh bật quẹt đốt thuốc. Trời mưa dầm, dằng dai từ lúc chạng vạng nên quán cà phê nổi tiếng đông khách ở thị xã chỉ thưa thớt năm bảy người. Khung cảnh buồn đến thế, chẳng hiểu sao trên màn hình ti vi treo ở góc quán lại là hình ảnh người mẫu kiêm ca sĩ TV nhảy lừng tưng, tung hê cái thân thể da nhiều hơn vải theo những âm thanh thùm thụp, thùm thụp, môi nhép à ê, à ê những từ chẳng rõ tiếng Việt hay Tây. Tệ thật! Khung cảnh này, có khi nghe tiếng mưa rơi lại hay hơn.

 

Mưa đột nhiên nặng hạt, thổi thốc cả vào chỗ anh ngồi. Thạnh chẳng buồn dời chỗ. Bất giác, anh nhớ Mỵ, nhớ bờ môi cong cong thật mềm. Đã hơn một tuần nay, Mỵ giận anh, giận cái kiểu buồn tự đày ải mình trong sự cô độc, không muốn sẻ chia, tâm sự. Mỵ giận, gian phòng trọ của anh bừa bộn đầy sách báo, quần áo, những mẩu đầu lọc thuốc lá vương vãi. Lẽ thường, là ai khác, họ sẽ vội vàng gọi điện xin lỗi, tỏ ra hối hận, bày một gương mặt thảm não với hai má chảy xệ, càm bạnh ra, mắt cụp xuống, để người yêu xiêu lòng, tha thứ. Anh thì không. Hơn 10 năm yêu nhau, Mỵ hiểu từng cử chỉ, dáng điệu, tâm tính… Giận để mà giận, giận để tình yêu còn có cung, có bậc, hơn là cứ lềnh lềnh, chán ngắt.

 

Nếu không có Mỵ, Thạnh chẳng biết cuộc sống của anh sẽ như thế nào, có khi lại trôi tuột vào sự chông chênh, không niềm vui, không ý nghĩa. Cha hy sinh lúc anh còn đỏ hỏn, khi từng đoàn quân rần rần chuẩn bị cho những trận đánh cuối cùng của cuộc kháng chiến trường kỳ, đầy vinh quang nhưng cũng lắm những đau thương, mất mát. Giải phóng được vài năm, (có lẽ) mẹ anh không thể chịu đựng nổi sự cô đơn, sự khao khát mãnh liệt của một người đàn bà mới hơn 20 tuổi đã mất chồng. Mẹ mang anh về quê, gởi cho ông bà ngoại, đi thêm bước nữa, thi thoảng mang chút đường sữa tất tả về thăm, rồi lại tất tả đi. Anh sống trong vòng tay yêu thương của ông bà ngoại nhưng anh vẫn luôn thấy thiếu vắng những ràng buộc thiêng liêng của tình mẫu tử. Trong thâm tâm anh không trách bà, nhưng khi tốt nghiệp Đại học về tỉnh làm việc, anh vẫn mướn phòng ở trọ cho dù mẹ anh, cả ông cha ghẻ và đám em, hết lời van nài, gọi anh về sống chung.

 

Mỵ là mối tình đầu. Yêu nhau từ thời trung học, cô trở thành quản giáo, bảo mẫu, bà chị, người vợ mà anh không biết bao giờ mới đủ tiền cưới… Vậy mà chẳng hiểu sao anh không thể vượt qua giới hạn của tình yêu. Có lúc anh vờ say, đè nghiến Mỵ xuống giường, giật tung áo xống. Mỵ yên lặng, oằn người ghì chặt anh xuống thân thể ngồn ngộn sức sống của cô. Nhưng đến khoảng khắc cuối cùng, quyết định, khi anh sắp tràn vào người cô, tay bấu chặt vòm ngực, thoáng nghe một tiếng thở dài chùng chình, ngắt quãng, tự dưng mọi thèm muốn, bản năng xác thịt trong anh tan biến đi đâu mất. Mỵ bảo, yêu anh, cô khao khát được anh yêu, được dâng hiến, nhưng cô cũng ao ước có được một đêm tân hôn thật trọn vẹn, với đủ đầy ý nghĩa của hạnh phúc.

 

Lại bật quẹt đốt thuốc. Suốt một tuần lang thang hết huyện này đến huyện nọ, anh quơ quào hàng đống báo cáo, rồi đi thực tế, phỏng vấn, chụp ảnh… nhưng anh không thể viết được, dù là một cái tin văn vắn. Anh biết, với cái nghề này, đôi khi chỉ cần vài ba mẩu sự kiện lặt vặt đại loại anh A tự tử vì thất tình với chị B hoặc ông C ly hôn với bà D vì chê vợ béo phì lại khô khan không biết chăm sóc chồng là có thể viết nên một trường thiên phóng sự với vô số lời bình, răn dạy trong khi người viết chưa có nổi một mảnh tình vắt vai, thậm chí còn không biết thuốc ngừa thai viên nào là thật, viên nào là giả dược. Mà đời cũng lạ, cái nghề tối ngày long nhong ngoài đường, nhuận bút ba cọc ba đồng mà sao thiên hạ cứ đua nhau đi học cho bằng được. Hình như họ cho rằng, nghề này sang cả lắm thì phải. Cứ thoạt nhìn thấy cảnh nhà báo chìa máy ghi âm sát vào mặt chức sắc này, lãnh đạo kia (có khi các vị ấy vui vui quàng vai ra chiều thân mật) cứ tưởng là sướng. Nào ai biết được cái cảnh phải vác hàng đống đồ nghề, lấp xấp chạy tới, chạy lui, thậm chí phải bò lăn ra đất mà săn cho kỳ được một tấm ảnh độc. Đó là chưa kể việc phải chầu chực hàng giờ để phỏng vấn hay vung vẩy hàng đống tiền cho các khoản rượu chè, cà phê cà pháo để moi thông tin, về viết chưa chắc đã được sử dụng. Hoặc giả có sử dụng thì nhuận bút chả bù được khoản chi phí bỏ ra. Cũng vì lẽ đó, có người nửa đùa, nửa thật, chục tay nhà báo yêu nghề thì hết chín tay bị vợ bỏ, người yêu chê, tình duyên trắc trở. Mà đâu phải ai cũng sống với nghề bằng cái tâm. Hôm nay quất cho cơ sở này nhừ tương ra. Nhăm ba hôm sau lại viết bài khen đáo, khen để. Trong nhà, có khi tức nhau, lại đem lên mặt báo mà chửi để thiên hạ trông vào trề môi, cười khẩy trước cái trò tung hứng câu chữ tởm lợm.  

 

Vậy mà với cả lô lốc tài liệu anh vẫn không thể viết. Lẩn quẩn trong đầu anh là hình ảnh cái bi đông nhựa đựng rượu có khắc dòng chữ "Thương nhớ em và con - Nguyễn Văn Thành - 1975" và câu chuyện kể của một lão già cụt một giò, chột một con mắt, nhà sát biên giới. Liệu có một sự trùng hợp nào không khi cha anh cũng mang tên Nguyễn Văn Thành.

*

"… Đêm ấy, hình như là ngày đưa ông Táo, chuẩn bị đón xuân 1975, tiểu đội biệt kích chúng tôi nằm phục sát bên một con đường mòn nhỏ giữa một cánh rừng biên giới. Tay trung úy tiểu đội trưởng khẳng định, mấy ông Việt Cộng thường đi theo lối này. Đó cũng là lần đầu tiên tôi xâm nhập vào sát căn cứ của mấy ổng, nhưng cũng chỉ dám phục những nhóm đi lẻ tẻ vài ba người. Tình thiệt mà nói, tôi tình nguyện đi biệt kích vì gia đình khổ quá, chứ sinh ra có ai muốn mình đi vào con đường tội ác đâu. Khi nhận được lệnh xâm nhập, tôi cầm chắc như "một đi không trở lại". Dầu gì có bỏ xác giữa rừng, cha mẹ tôi sống đắp đổi bằng mớ tiền tử lãnh trước, chắc cũng yên tuổi già. 

 

 Càng về khuya, sương xuống lạnh lắm, nhưng không thằng nào dám đốt thuốc, ngón tay để sẵn trên cò súng, cố căng mắt nhìn vào màn đêm. Đâu khoảng 3, 4 giờ sáng, chúng tôi định rút thì thấy phía xa xa, ánh đèn pin lấp loáng khua khoắng hai bên rìa con đường mòn. Cả nhóm chúng tôi vội vàng nằm ép xuống, tay tiểu đội trưởng giơ ống nhòm hồng ngoại lên quan sát rồi nói nhỏ với tôi: "2 thằng, 2 khẩu AK. Để tao xử trước. Bọn bây bắn sau, làm thật nhanh và gọn, rồi rút". Tự dưng lúc đó, không hiểu sao tay tôi lại run lẩy bẩy. 2 ông Việt cộng vừa đi vừa nghêu ngao hát bản gì đó, tôi hay nghe phát trên đài giải phóng lắm! Gì gì… cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn, hai đứa ở hai đầu xa thẳm… tôi không nhớ hết. Đang cố gắng lấy lại bình tĩnh, tôi nghe một tiếng nổ, rồi một tiếng la như người bị trúng đạn, tôi cũng nhấn cò. Đạn xé màn đêm, giần giật chớp loè. Tay tiểu đội trưởng vừa bật dậy, trúng ngay một loạt đạn AK bắn thẳng vào mặt, ngã xấp xuống lưng tôi. Trận đánh diễn ra chớp nhoáng, 2 ông Việt cộng bị bắn chết, trong đó có một ông chết trong tư thế quỳ, đầu dựa vào một thân cây, mũi súng vẫn còn ghếch lên. Tiểu đội tôi thiệt hết 5, số còn lại vội vàng băng rừng mà chạy tứ tán. Trước khi thoát đi, tôi còn kịp gỡ vội cái bi đông nhựa đeo trên thắt lưng của một ông Việt Cộng, khắc tên Nguyễn Văn Thành. Sau đận đó, tôi đào ngũ luôn. Còn cái giò bị cụt và con mắt đui này, tôi bị sau giải phóng. Trong một lần phát rẫy, dẫm phải mìn, tưởng chết rồi chứ!". 

 

Đó là câu chuyện lão già Tần từng đi lính biệt kích nguỵ mà anh nghe được khi mang số tiền quyên góp từ các nhà hảo tâm đến xây tặng nhà tình thương cho gia đình lão. 30 năm sau chiến tranh, Thạnh không biết gì nhiều về cha. Ngoại kể, hình như cha anh hy sinh trên đường đi công tác ở một cụm rừng nào đó. Chuyện này, chắc mẹ anh biết rõ, nhưng có bao giờ anh và bà ngồi nói chuyện với nhau được hơn 10 phút đâu. Có một bức tường ngăn cách quá lớn giữa anh và bà. Anh sợ mình phải nhớ lại những ngày tủi thân, đứng giữa lớp, đầu cúi gằm xuống chịu đựng khi bị cô giáo quát nạt vì tội không đưa giấy mời họp phụ huynh cho cha mẹ.

 

Liệu có một sự trùng hợp nào hay không? Nếu đúng đó là di vật còn sót của cha, anh sẽ phải đối xử lão già Tần ra sao đây? Trả thù ư? Bằng cách nào? Mà làm sao anh có thể trả thù cho được chứ! Hình ảnh lão già Tần, rưng rưng nước mắt bắt 2 đứa con trai quỳ xuống vái lấy vái để khi anh hứa sẽ tìm mạnh thường quân đỡ đầu cho 2 đứa con trai lão ăn học đến nơi, đến chốn làm anh thật xốn xang. Anh bảo, bằng mọi giá lão phải bỏ rượu chè, chí thú làm ăn và bán cho anh cái bi đông nhựa cũ ấy. Lão Tần thề sống, thề chết sẽ bỏ rượu nhưng kiên quyết không bán cho anh. Lão nói, 30 năm qua, lão luôn đặt cái bi đông của "ông Việt cộng" Nguyễn Văn Thành trên bàn thờ. Chỉ khi nào thật buồn, lão mới dùng nó đựng rượu. Đời lão đã nát, chìm trong men rượu, nhưng lão không muốn mình quên đi chứng tích của những tội ác mà lão đã từng gây ra. Mỗi lần uống những ly rượu được rót từ cái bi đông nhựa cũ, lão lại rót một ít xuống đất, miệng lầm thầm khấn vái: "Anh Thành, sống khôn chết thiêng, anh uống với tôi chút nhen".

  

Chiến tranh thật nghiệt ngã, anh không bắn đối phương thì đối phương cũng bắn anh. Nhưng điều quan trọng là anh đang cầm súng chiến đấu cho ai, vì mục đích, lý tưởng gì? Nếu như lão cầm súng vì chính nghĩa của dân tộc, vì sự độc lập và thống nhất của đất nước thì bây giờ lão đâu phải sống trong những dằn vặt và đau đớn. Lão tiếc, giá như hồi ấy, lão nghe lời ông bà già, chấp nhận cái cảnh chui nhủi trốn quân dịch mà chờ đợi ngày giải phóng. Cuối tháng 2.1971, báo chí đưa tin Thiệu nướng mấy chục ngàn quân trong cuộc hành quân "Lam Sơn 719" ở Sê Pôn và Khe Sanh, Sài Gòn rúng động, dân chúng kháo nhau, ngày "ấy" không xa đâu, Mỹ đã sa lầy tại Việt Nam, không còn đủ can đảm để chống đỡ cho cái chính quyền mục ruỗng, thối nát. Vậy mà lão không tin!?

 

Hôm đó, lão Tần say, lăn ra đất mà ngủ, tay ôm chặt cái bi đông nhựa như sợ Thạnh lén lấy đi mất. Thạnh biết, chỉ cần có nó, là anh có thể xác minh được lão Tần có phải là một trong những kẻ đã giết cha anh hay không. Nhưng anh không muốn làm thế. Thạnh lấy máy ảnh kỹ thuật số, chụp lại cái bi đông nhựa rồi từ biệt vợ con lão ra về.

*

Lần đầu tiên Thạnh thấy mẹ anh khóc, mái đầu bạc trắng run run trên vai Mỵ. Những gì anh nghi ngờ hoàn toàn chính xác, lão Tần chính là một trong những kẻ đã sát hại cha anh. Mẹ anh đã khóc oà lên khi nhìn thấy những dòng chữ khắc trên chiếc bi đông nhựa trong tấm ảnh. Thạnh lặng người. Cái hộp quẹt bình thường rất nhạy, vậy mà hôm nay đốt thuốc, anh bật liên tục, rát rạt đầu ngón tay vẫn không cháy. Trong khoảng khắc sôi máu điên khùng, Thạnh thèm có một cây súng, anh sẽ lao đi tìm lão Tần, xả từng loạt đạn cho hả hê những nỗi đau ẩn khuất trong lòng từ lúc anh biết mình từng có cha, có mẹ. Trời ạ, nếu con người sống ở đời bằng cái quy luật "máu trả máu" thì đến bao giờ mới xoá được hàng vạn, hàng triệu mối thù trên dải đất hình chữ S từng trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt mà mấy chục năm qua vẫn còn để lại những hậu quả kinh hoàng. Mấy hôm trước, nghe tin một người đàn ông tan xác vì cưa bom bán sắt vụn, để lại 3 đứa con nheo nhóc cho bà mẹ già 65 tuổi. Cầm máy ảnh đứng giữa những tàn cây lá còn vương vãi vết máu khô quánh lại, tự dưng anh nổi giận khi nghe vợ của người đàn ông, mắt ráo hoảnh, nói với người hàng xóm: "Chắc vài bữa, tôi phải dọn chỗ này, chặt mấy gốc cây nhãn chứ để um tùm, sợ ma lắm!". Làm sao anh không nổi giận cho được khi biết người đàn bà ấy không chịu được cảnh nghèo, đầu tắt mặt tối, để chồng gà trống nuôi 3 con nhỏ, bỏ đi suốt 4, 5 năm mới quay về khi hay tin dữ? Lòng anh quặn thắt khi nghe bà mẹ già nói trong tiếng nấc: "Năm ngoái, tôi lấy cái máy rà phế liệu bán đâu được tám chục ngàn, mua cái quần Jean cho nó rồi khuyên nó bỏ cái nghề đùa giỡn với tử thần đó đi, bom đạn đâu có mắt đâu. Ai mà ngờ, nó lén tôi đi thu gom mấy trái bom người ta rà được về giấu ngoài bìa rừng, để dành cưa dần, rồi xảy ra cớ sự vầy. Trời ơi là trời, thân xác con tôi tan nát hết, chỉ còn lại cái đầu, mắt mở trừng trừng, vuốt hoài không nhắm"…

 

Thạnh dợm bước ra ngoài, nhưng anh dừng lại. Mỵ níu chặt tay anh, đôi mắt cô mở to như van vỉ. Thêm bàn tay của mẹ đặt lên vai, Thạnh chùng xuống, đầu tựa hẳn vào vách tường, nước mắt tuôn dài. Nếu không giết được lão, hay là anh trả lại số học bổng mà anh đã cố công chạy vạy xin cho hai đứa con trai lão, mặc chúng sống trong cái cảnh sách vở cũng chẳng có đủ để mà học, mỗi đứa chỉ có một manh áo trắng đã ngả sang màu vàng, cổ áo rách tươm. Thạnh biết, anh không giúp lão Tần thì trước sau gì cũng có người đến giúp. Nhưng thà thế, có khi anh sẽ phần nào vơi bớt nỗi hận thù đang dâng lên trong tim, trong óc anh.

 

… 3 tháng sau.

Suốt một buổi trời đi loanh quanh chào hết bàn này, đến bàn nọ, đói, cộng thêm mấy hớp rượu suýt làm Mỵ muốn khuỵu xuống. Để mặc cho vòi nước xả thẳng lên đầu, chảy tràn xuống thân thể, Mỵ nhắm mắt lại. Đêm nay sẽ như thế nào đây? Xoa nhẹ bàn tay lên hai bầu ngực, Mỵ nghĩ, chẳng hiểu làm sao Thạnh có thể giữ cho cô đến ngày này. Mà cũng tốt, đời người con gái, dường như hạnh phúc nhất là đêm tân hôn. Nhưng sao đến giờ này "hắn" vẫn chưa vào phòng?

 

Thạnh khật khưỡng đẩy cửa. Cho đến bây giờ anh cũng không thể tin rằng mình cưới Mỵ. Mọi việc đều do mẹ anh và dượng sắp đặt. Hai đứa em kế nhường cho Thạnh căn phòng của chúng, để anh có một gia đình, quên hết những chuỗi ngày cô độc. Phải cố lắm, Thạnh mới định thần được. Cô dâu của anh mệt mỏi nằm co ro trên giường, chăn đắp hờ trên ngực. Anh cúi xuống, hôn nhẹ lên má Mỵ. Cô khẽ cựa mình, môi nhoẻn cười, có lẽ Mỵ đang mơ một giấc mơ thật đẹp.

 

Thạnh đứng dậy, định cởi quần áo đi tắm, chợt anh dừng lại trước gói quà đặt trên bàn viết. Thời buổi kinh tế thị trường, đi đám cưới thường người ta chỉ mang theo phong bì, vừa đỡ bận tay, bận chân, vừa tiện cho cả cô dâu - chú rể. Tò mò, Thạnh mở ra xem. Anh sững người khi nhìn thấy cái bi đông nhựa của cha anh mà lão Tần nhất quyết không chịu bán. Bên dưới gói quà còn có một phong thư.

 

"… Tội tôi lớn quá! Hôm chú cứ một mực đòi tôi bán lại cái bi đông, tôi đã thấy lạ rồi. Đêm ấy, lúc tôi say nằm lăn ra đất, tôi lại mơ thấy ông Thành về. Sáng hôm sau, tôi đón xe xuống thị xã, lần tìm nơi chú làm, dò la mới biết chú là con của ông Thành.

… Từ hôm chú đưa bà mẹ và cô Mỵ đến nhà gởi tặng học bổng cho hai đứa con tôi, lòng tôi thật đau đớn, sống mà cứ như người chết rồi. Lúc đầu, tôi sợ lắm, nên đã tính đến chuyện đem vợ con trốn đi nơi khác. Chưa kịp đi, chú và gia đình đến… nhìn mắt bà rưng rưng khi thấy cái bi đông trên bàn thờ, tôi muốn sụp xuống chân bà mà thú nhận mọi tội lỗi. Chiến tranh sao mà ác nghiệt! Nó ám ảnh, giày vò tôi mấy chục năm qua…

Suốt cuộc đời này, dù không còn giữ cái bi đông, nhưng tôi vẫn xem nó tồn tại trên bàn thờ nhà mình.

Hay tin chú làm đám cưới với cô Mỵ, tôi quyết định gởi trả lại chú cái bi đông của ông Thành. Từ giờ trở đi tôi sẽ chí thú làm ăn, nuôi vợ nuôi con như lời khuyên của chú. Biết chuyện tôi gởi quà mừng đám cưới chú, hai đứa con tôi thức suốt đêm vẽ tặng chú bức tranh…".

 

Áp cái bi đông nhựa vào ngực, phía trái tim, Thạnh mở bức tranh vẽ trên trang giấy học trò. Tranh vẽ hai đứa trẻ, tay vươn cao, tung lên trời những chú bồ câu trắng mang trên lưng giỏ hoa điểm mười, đỏ thắm.

                                                                         TâyNinh, 3.2005

Đặng Hoàng Thái
Số lần đọc: 2540
Ngày đăng: 31.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hãy bò đi... - Đào Bá Đoàn
Đối diện cùng sinh tử - Văn Chấn Ngọc
Quê hương - Trần Thị Ngọc Lan
Cái nợ đồng lần - Nguyễn Đức Thiện
Niềm Hạnh Phúc Nhỏ Bé - Nguyễn Nguyên An
Cánh bèo trôi ngược nước - phần 1 - Trương Hoàng Minh
Cánh bèo trôi ngược nước - phần 2 - Trương Hoàng Minh
Những giấc mơ không thành - Lê Nguyệt Minh
Tình yêu của đá - Trần Thị Ngọc Lan
Kẻ mất bóng - Đào Bá Đoàn
Cùng một tác giả
Chữ tình (truyện ngắn)
Lão Khương Câm (truyện ngắn)
Tình già (truyện ngắn)