Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
698
116.734.217
 
Lão Khương Câm
Đặng Hoàng Thái

Ở cái làng Rế nằm rìa ngoài thị trấn A.H không ai không biết lão Khương câm nổi tiếng với cái tài chăm đào, tỉa quất. Cũng ở cái làng Rế này, ngoài đất nhà lão Khương câm không đất nhà nào có được cây hải đường cao hơn 3 mét, sống hơn 100 tuổi mà vẫn say nụ, lắm hoa. Tết vừa rồi, người làng kháo nhau, lão Khương câm bán đào, bán quất, bán hải đường thu được hàng chục triệu. Mà dường như tết nào cũng vậy. Chưa kể chuyện đầu tháng Chạp năm Ngọ, cha con nhà Chức béo cậy giàu, sắm Dream thùng đèo nhau, phóng như điên trên con đường bê tông rộng chưa đầy một mét, quẹt vào người lão Khương câm. Đã không nói xin lỗi, Chức con lại còn gạt chống xe, chống nạnh, chỏ mồm chửi: “Địch mẹ, đi đứng thế à?”. Lão Khương câm nhưng nhìn cách nhép môi, lão biết hắn nói hổn nên trở đòn gánh, phát nhẹ vào mông. Ai ngờ, Chức con tung một cú “thôi sơn phá thạch”, đẩy luôn 5 cái răng của lão rớt xuống đường, máu văng tung toé. Cha con nhà Chức bị dân quân bắt trói, giao cho xã. Nhà Chức muốn lão Khương bãi nại nên đến ỉ ôi xin bồi thường mỗi cái răng 500 nghìn… Hết tết, lão thuê người đóng gạch, dựng hẳn một ngôi nhà đúc, gắn cửa gỗ kiểu Hàn Quốc, mua cả đầu vi déo, ti vi nội địa ngày nào cũng mở băng xem Xuân Hinh, Minh Vượng hát liên khúc chèo pha vọng cổ, run đùi cố rặn cười ặc ặc.

 

 Làng Rế có hơn trăm nhà, nhưng hình như chỉ có bố mẹ tôi là có thể hiểu được ngôn ngữ tay chân của lão Khương. Khi vui, lão sang nhà tôi, vung vẩy hai tay rồi đưa mẹ tôi nắm tiền là bà hiểu, chạy ra chợ mua ký thịt, chai rượu nếp về cho lão và bố tôi. Khi buồn, lão cũng sang nhà tôi, lắc lắc đầu là bố tôi kéo lão vào trong, pha ấm chè thật nóng, vỗ vỗ lên vai lão an ủi. Sau này, tôi mới biết, ngày xưa lão Khương là bạn thân của bố mẹ tôi thưở nhồng nhổng bắt cua, bắt cái ngoài bãi bồi ven sông Nhuệ.

 

Lúc nhỏ, lão Khương quý tôi lắm, đi đâu về lão cũng có quà, khi thì nắm kẹo, lúc thì mớ táo. Vào những ngày hội làng, lão Khương vác tôi lên vai, chơi suốt từ sáng sớm đến tối mịt. Bây giờ, tôi đã hơn 30, lại có nghề nghiệp ổn định nhưng mỗi lần lão Khương mang cho tôi hộp dao cạo râu hay tút thuốc Ngựa Trắng (White Horse) mà tôi không nhận là mắt lão rơm rớm, tay đâm đấm lên ngực. Thi thoảng, thấy tôi đèo cô bạn gái rề rà đi trên đường làng, bận đến mấy lão Khương cũng chạy sang nhà, cà kê vài ly rượu với cha tôi nhưng mắt vẫn không rời từng cử chỉ, dáng đi của tôi lẫn cô bạn. Lấy làm lạ, tôi định tìm hiểu nhưng bận bịu, việc nọ xọ việc kia nên quên bẵng.

 

***

 

Bố tôi kể: Lão Khương câm không phải do bẩm sinh, lão từng biết nói và nói rất hùng hồn, rất có thần nên được phân công làm phát thanh viên của làng. Mỗi sáng, cứ đúng 6 giờ 30 là nghe giọng lão oang oang trên mấy chiếc loa treo tòn ten trên ngọn cây đa đầu làng: “Đây là tiếng nói của nhân dân làng Rế…”.

 

Bố tôi kể tiếp: Lão Khương nổi tiếng giỏi võ lại có tài thổi sáo. Đêm đến, lão Khương thường ngồi một mình với chai rượu trước hiên nhà. Khi đã ngà ngà say, lão Khương đưa ống sáo lên môi, mắt nhắm nghiền, gà gật, ngữa nghiêng. Những âm thanh réo rắt, khi bổng, khi trầm, như một thứ ma âm len lỏi vào da, vào thịt, lâng lâng rồi tê bại. Tiếng sáo bay qua hàng rào dâm bụt, luồn lách trong những bụi tre trúc, quẩn quanh trên từng mái nhà. Tiếng sáo đã làm không ít gái làng mê tít. Lão Khương lại đang tuổi trai tráng, lão chẳng dại gì mà từ chối những tình cảm họ dành cho lão. Thỉnh thoảng, nửa đêm, người làng Rế bừng tỉnh khi nghe tiếng tru tréo vọng vang, tiếng khóc rấm rứt, sáng hôm sao, phát hiện gái làng vắng một đứa, họ kháo nhau ”thằng Khương lại làm con gái người ta chửa hoang” dù thật tình thì chẳng ai bắt được quả tang “trai trên gái dưới”.

 

Nghe đồn, có người ôm hận, mài một con dao yếm bén ngót, bày mưu dụ lão ra khu mã Tây, đang lúc mây mưa, nắm chặt “chim” lão định phạt một phát. Nhưng chẳng biết lão nói thế nào mà cô gái quẳng dao, ôm quần áo chạy biến về nhà. Trai làng tức lắm, mấy lần xách gậy phục, nhưng chỉ cần mấy bước chân đảo qua, đảo lại, nhoáng một cái là lão đã chạy thoát.

 

Tôi không tin, hỏi ngược lại: “Giỏi thế, sao không tránh được cú đấm của Chức con?”. Bố tôi không trả lời, mày chau lại, thở một tiếng sượt dài rồi quờ tay lấy ống điếu châm lửa, rít sồng sộc, ngửa cổ nhả khói mù mịt.

 

***

 

Một ngày tháng bảy, tôi được công ty phân công vào giải quyết một số việc ở Sài Gòn. Tàu rời ga, chạy đến quãng Vinh, bố tôi gọi điện thoại bảo, bằng mọi giá, kể cả mất việc, cũng phải về nhà ngay. Nhưng khi tôi hỏi chuyện gì, ông lại không nói.

 

Về đến đầu làng, tự dưng tôi cảm thấy bồn chồn, lo lắng. Chưa đến cổng nhà, bố tôi đã lao ra, nắm tay tôi lôi nhanh về phía nhà lão Khương câm. Đến nơi, tôi mới biết lão Khương câm vừa qua đời. Gần như cả làng Rế đều tụ tập trước khoảnh sân nhỏ nhà lão Khương, có cả cha con nhà Chức.

 

Lão Khương chết. Người làng tôi bảo, cái chết của lão rất xứng đáng được ghi vào quyển lịch sử làng Rế dày cộm viết bằng chữ nho, chữ Pháp lẫn chữ quốc ngữ. Chiều hôm ấy, trời quần vũ, sấm chớp ì ầm, mưa như trút. Gió giật từng cơn, lồng thốc vào những gian nhà lợp thiếc, tung lên, dập xuống “xèn xèn” nghe rợn người. Không ai bảo ai, người làng Rế đều trông đứng, trông ngồi, mắt căng ra nhìn về phía bến sông Nhuệ chờ con đò đưa đón con, cháu học trường làng mãi bên kia sông. Họ lo sợ, con sông Nhuệ ngày thường hiền hoà, lừng lững chảy trôi xuôi nhưng nó sẽ bùng lên, mặt nước chao nghiêng dữ dội mỗi khi trời mưa bão. Người làng kể lại, chẳng biết bằng cách nào lão Khương biết con đò lật úp khi đã qua gần nửa dòng. Lão băng mình dưới mưa, đập cửa từng nhà, mặt hoảng hốt, ú ớ quơ tay chỉ về phía bến sông. Và cũng chính lão Khương là người đầu tiên lao xuống dòng nước sủi ngầu bọt. Đứa cháu đích tôn của nhà Chức được đưa lên trước nhất, rồi con nhà Sửu, cháu nhà Dần… Cứu được hết, duy chỉ có mỗi lão Khương là mất hút. Mãi đến 3 ngày sau…

 

***

 

Một trường hợp anh hùng, tôi nghĩ thế! Nhưng bố tôi đã không để cho tôi kịp nghĩ ngợi gì thêm, ông ẩy tôi dúi dụi, bắt tôi phải quỳ trước quan tài lão Khương, còn mẹ tôi thì cầm một mảnh vải trắng, một chiếc mũ rơm và cây gậy đưa cho tôi. Bố tôi nghẹn ngào kể:

 

… Tôi không phải là con của bố mẹ tôi mà là kết quả của một đêm mặn nồng giữa anh lính Khương trẻ tuổi, nhiều tài vặt và một cô gái thanh niên xung phong trong một chặng dừng chân giữa đường Trường Sơn máu lửa. Tất cả cho miền Nam, anh lính Khương theo đoàn quân ào ạt đi, qua Huế, qua Đà Nẵng, Nha Trang rồi giải phóng Sài Gòn. Chiến thắng. Vui cùng với niềm vui chung của cả nước, anh lính Khương trở lại làng Rế học lái xe công nông, xe tải chở hàng, ngược xuôi Bắc Nam, Nam Bắc. Có một ngày cô gái thanh niên xung phong năm xưa, tức mẹ ruột tôi, bồng con, tức là tôi, tìm đến làng Rế nhưng không gặp lão Khương, tức là bố ruột tôi, đành tá túc qua đêm ở nhà bố mẹ nuôi tôi bây giờ. Khuya, cũng mưa, cũng gió, bà bỏ tôi lại, đi mất. Năm ấy tôi vừa tròn 2 tuổi. Mẹ nuôi tôi không con, nhìn trẻ khóc nấc vì vắng mẹ, bà sót lắm, cứ dỗ dành tôi mãi trên tay. Lão Khương về, ông không tin tôi có thể tựu hình sau một đêm gấp gáp, vội vàng nên không muốn nhận. Ông đi tìm người con gái năm xưa nhưng trời đất mênh mông biết đâu mà tìm. Ông đi, bỏ tôi lại cho bố mẹ nuôi tôi.

 

Vẫn tính cũ, phong trần lãng tử, mỗi chặng dừng chân, ông có có một bến đỗ. Bến muôn đời cũng chỉ là bến, là nơi đợi chờ, héo hắt trông ngóng con thuyền đi rồi về, về rồi đi. Cũng vì cái thói trăng hoa ấy mà ông ôm hận. Trong cơn say tình, say ánh mắt của một cô gái người dân tộc, ông đã trót thề độc “câm suốt đời” nếu phụ tình. Thế là câm thật, câm cho đến ngày nhắm mắt.

 

… Nghe hết chuyện, tôi khuỵu xuống, muốn khóc, nhưng mắt ráo hoảng. Ngước nhìn tấm ảnh chân dung lão Khương, mà không, ông bố ruột tôi, bổng nhiên, chẳng hiểu tại sao tôi chỉ dập đầu vái ba lạy rồi đứng dậy quay lưng, bỏ lại mảnh khăn trắng, chiếc mũ rơm và cây gậy. Len qua đám đông người làng Rế, tôi đi về phía bến sông Nhuệ. Có tiếng thở dài. Rồi những tiếng thở dài.
Đặng Hoàng Thái
Số lần đọc: 2351
Ngày đăng: 13.11.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nước mắt trần ai - Đổ Thị Hồng Vân
Người đàn bà mặc áo màu chiều - Trần Lệ Thường
Cu Sướng ở Lục Đầu Giang - Nguyễn Văn Hoa
Món đặc sản - Ngô Phan Lưu
Không có cái chết của Những con thiên nga - Lê Vũ
Ngày không bình yên - Hải Hằng
Một huyền thoại đạm bạc - Hoa Ngõ Hạnh
Ân hận - Nguyễn Tiến Lợi
Tái sinh - Trần Văn Bạn
Chuyện mèo - Nguyễn Đình Bổn
Cùng một tác giả
Chữ tình (truyện ngắn)
Lão Khương Câm (truyện ngắn)
Tình già (truyện ngắn)