Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
851
116.683.289
 
Vận rủi…
Đặng Huỳnh Lộc

Gần một tuần lễ dầm chân trong nước lũ, lưng phơi trần giữa một vùng trời “sáng nắng, chiều mưa” dọc đường từ Sài Gòn xuống Đồng Tháp qua An Giang, thân thể tôi nóng ran gần như lên cơn phát sốt khi sắp về đến Cần Thơ thì trên con “ngựa sắt” Vespa. Bụng đói cồn cào, phía Cần Thơ đang đổ mưa. Tôi lại tự nhủ, thân thể thế này mà lại lũi vào cơn mưa, về tới Sài Gòn có nước đi luôn vào... nghĩa địa “Bình Hưng Hòa”! Ngang qua khu Công nghiệp Trà Nóc, tôi cho xe chậm lại tìm một nơi có cái gì đó “bỏ bụng”, tiện thể chờ cơn mưa qua.

Lúc tôi đang loay hoay cởi ra khỏi người những thứ lĩnh kỉnh, nào găng tay, áo khoát, khi ngẫn lên trước mặt tôi là một gã đàn ông phương phi đang nhìn thẳng vào tôi. Thay vì hỏi tôi muốn ăn gì, ông ta lại nói:

- Thấy quen lắm!

           

Tôi nhìn ông ta từ đầu tới chân và cố nén cảm xúc:

- Tôi và anh gặp nhau vài lần, cách đây mười hai năm. Nhưng gặp anh thì tôi nhớ ngay: Lư Tòng Đức, tức Trứ, chủ Tổ hợp Sản xuất Anh Đào và là giám đốc Công ty Đạt Phát và là chủ Cơ sở sản xuất dây điện Anh Đào.

           

Lư Tòng Đức cười buồn:

-   Hồi đó cách nay lâu rồi, tôi đã quên hết. Với anh thì tôi thấy quen lắm, nhưng phả nhắc mới nhớ!

- Nhưng tôi thì không quên, và chuyện của anh tôi xem như mình bị mắc nợ.

 

o

Hồi ấy, tôi là phóng viên kinh tế của một tờ báo tỉnh. Và, Lư Tòng Đức được biết đến không riêng gì đối với giới làm báo. Sự ăn nên làm ra của Tổ hợp Sản xuất Anh Đào và sau đó là Công ty Đại Phát do Lư Tòng Đức làm chủ đã trở thành niềm mơ ước của nhiều ông chủ sản xuất kinh doanh ở cái thị xã cuối cùng vốn là một bãi kho tàng dã chiến trong chiến tranh, vừa mới ngóc dậy sau vài năm giải phóng.

 

Tôi còn nhớ, vào nửa cuối năm 1981 từ căn nhà cũ kỷ ngang 4 mét, dài 13 mét tại số 112 Quang Trung, Khóng 2, Phường 5 bên bờ sông của một thị xã heo hút, Lư Tòng Đức đã cho ra đời Tổ hợp Anh Đào với số vốn cố định và lưu động khiêm tốn. Cũng từ đó, từng lô hàng kem đánh răng, dầu gội đầu, mực học sinh mang nhãn hiệu Anh Đào lần lượt ra đời. Và, chẳng bao lâu sau Tổ hợp Anh Đào trở thành niềm tự hào của ngành công nghiệp ở cái thị xã cùng trời cuối đất này. Từng đoàn xe tải lần lượt đến chuyển hàng đi, nhiều vùng nông thôn sâu đang đói nhu yếu phẩm đã lần lượt nhận được sản phẩm của Anh Đào sản xuất. Rồi kem đánh răng Anh Đào lần lượt vượt biên giới đến với người lính đang làm nghiã vụ trên đất bạn Campuchia theo hợp đồng của một đơn vị quân đội. Căn nhà ở số 112 Quang Trung cũng lần lượt đổi thay, và bảy năm sau nó trở thành một căn nhà ba tầng khang trang.

 

Một buổi sáng tháng 4/1988, người ta thấy trước cửa Tổ hợp Anh Đào lèo tèo của bảy năm trước trương lên một bảng hiệu bắt mắt: Công ty Đại Phát! Nhưng Lư Tòng Đức đâu hay rằng số phận đang chau mày với anh từ khi Công ty Đại Phát ra đời và điểm kết thúc của nó là khi anh quyết định dùng căn nhà 112 Quang Trung làm mặt bằng lắp đặt hệ thống máy sản xuất dây diện và vòng nhôm bao dừa chống chuột!

 

Buổi sáng như thường lệ, khi Đức đang bận rộn chuẩn bị cho một ngày sản xuất và những thành phẩm chuẩn bị giao hàng thì bắt gặp trong chồng giấy tờ trên bàn một chiếc phong bì thư khổ lớn, bì thư là một tờ từ giấy A4 gấp đôi, được niêm lại. Bên trên góc trái phong bì là con dấu tròn đỏ của Ủy ban Nhân dân Thị xã; bên dưới là dòng chữ viết tay nắn nót đề kính gởi: Ông Lư Tòng Đức, Chủ Công ty Đại Phát. Trên phong bì thư không có dấu bưu điện, chứng tỏ bức thư đã có người trực tiếp mang đến. Đức mở ra xem. Bên trong là một tờ giấy viết tay, nét chữ khá bay bướm:

Kính gởi: Ông Lư Tòng Đức - Chủ Công ty Đại Phát.

                       

Với tinh thần quan tâm đến các nhà sản xuất, những người góp phần tạo ra nhiều thêm sản phẩm cho xã hội và cũng là tác nhân góp phần làm giàu thêm nền kinh tế đất nước, đóng góp tích cực cho ngân sách địa phương.

  

Được sự chấp thuận của Thường trực UBND thị xã, Phòng Công nghiệp trân trọng kính mời Ông đến dự cuộc họp mặt thân mật với Thường trực UBND Thị xã và Lãnh đạo Phòng Công nghiệp Thị xã.

 

Vào lúc 16 giờ chiều nay

Tại Phòng họp UBND Thị xã.

Rất mong Ông sắp xếp công việc sản xuất để có mặt.

Bên dưới bức thư ký tên Trương Hoàng Giao, Trưởng Phòng Công nghiệp và là Chủ nhiệm Trung tâm Tín dụng Công nghiệp. Đức đọc lại bức thư một lần nữa và ngắm nghía cái tờ giấy đang cầm trên tay như thời trai trẻ anh ngắm nghía xem một bức thư tình, cố tìm những ẩn ý giữa các dòng chữ. Suốt bảy năm sản xuất kinh doanh, anh chưa một lần có dịp được gặp lãnh đạo ngành Công nghiệp Thị xã, trừ một lần cách đây bảy năm, sau gần một tháng chạy vạy xin được phép mở Tổ hợp Sản xuất Anh Đào, anh đã được diện kiến Ông Trưởng Phòng Công nghiệp Thị xã để trình bày kế hoạch sản xuất và tiu nghỉu ngồi chờ gần nửa giờ đồng để xin vỏn vẹn hai chữ bút phê: “Đồng ý”. Kể từ cuộc gặp đó, cho tới nay tiếp xúc với anh hàng tháng là một cán bộ thuế non choẹt. Mỗi lần đầu tháng anh ta đi đến bằng chiếc xe đạp, nhưng ít khi bước vào nhà mà đứng ngoài cửa để chờ nhận số tiền “dự nộp tiền thuế” hàng tháng mà ngành thuế đã ấn định cho Tổ hợp Anh Đào sau mỗi lần hiệp thương. Đương nhiên là mỗi lần trao tiền, Đức đều đưa thừa một ít gọi là tiền trà nước. Đến đầu tháng sau thì anh ta quay lại, thu tiếp số tiền “dự nộp tiền thuế” của tháng kế tiếp và trao cho Đức phiếu thu tiền thuế tháng trước được ký cách đó vài ngày. Lần gặp này thì quan trọng hơn nhiều, có cả Thường trực Ủy ban Nhân dân Thị xã. Đức nghĩ  ngợi và suýt nữa thì anh bật lên thành tiếng: “Điềm lành hay dữ?”. Một lần nữa anh nhìn lại bức thư và linh cảm mách bảo với anh rằng thời thế đã thay đổi và anh sắp được gặp gỡ những con người đầy thiện chí. Đức liếc nhìn đồng hồ treo tường, mới chưa đầy 7 giờ sáng. Đức nhẩm tính, bảy trừ mười hai là năm, cộng bốn là chín. Còn chín tiếng đồng hồ nữa mới đến giờ cho cuộc gặp gỡ thân mật! Chợt nghĩ  đến lời lẽ của bức thư, bất giác Đức cảm thấy là mình đang mĩm cười.

 

Buổi chiều tháng 4 mát lành trong hơi xuân còn sót lại. Mặt sông Gành Hào nước lớn đang dâng, làm cho Đức cảm thấy cảnh vật xung quanh cái gì cũng đầy đặn. Thay vì đi quanh theo mép dốc để lên Cầu Quay cũ, anh lại vượt dốc đất đi thẳng lên mặt đường nhựa dẫn lên cầu. Khi đã bước lên cầu, anh cẩn thận nhìn xuống chân theo thói quen, thanh cầu bị gảy làm cho một đứa trẻ té chết ngày hôm qua đã được thay bằng một thanh gỗ xẻ ra từ một thân dừa. Trước mặt anh là một con dốc đổ dài dẫn đến Ủy ban Nhân dân Thị xã. Anh đưa tay vào túi, lôi ra chiếc “đồng hồ trái quýt” mà anh vẫn thường mang theo mỗi khi rời khỏi nhà. Còn mười lăm phút nữa mới tới giờ hẹn. Đến thì còn quá sớm mà ghé lại đây đó thì quá ít thời gian. Anh bước chậm lại và cảm thấy mình đang bước đi líu ríu như chiếc kim gió trên mặt đồng hồ trái quýt! Bất giác anh phì cười một mình.

 

Đức lẫn thẩn trước trụ sở Ủy ban Nhân dân Thị xã một lúc, chờ đúng giờ mới bước vào. Khi nghe tên anh, cô thư ký nhanh nhẩu vừa rời ghế, vừa lên tiếng:

- Mấy chú đang chờ chú bên phòng họp.

 

Theo hướng dẫn của cô thư ký, Đức bước vào. Trước mặt anh là chiếc bàn hình bầu dục với những chiếc ghế tựa xếp bao quanh đều đặn, bên kia mép bàn hai vị lãnh đạo cùng lúc đứng lên đưa tay ra. Cả hai Đức đều biết mặt, bên phải là Huỳnh Văn Bảo, Phó chủ tịch Thị xã và bên trái là Trương Hoàng Giao, người đã ký tên bức thư gởi cho Đức. Sau khi vị Phó chủ tịch đã yên vị, Trương Hoàng Giao mời Đức ngồi nhưng ông vẫn tiếp tục đứng. Ông mở lời bằng những lời lẽ khen tặng Tổ hợp Sản xuất Anh Đào đã mạnh dạn nâng lên thành mô hình Công ty Đại Phát, tham gia nhiều đóng góp cho thành tích địa phương, nhất là việc ủng hộ ứng trước tiền thuế của năm nay để địa phương hoàn thành chỉ tiêu ngân sách năm trước vượt thời gian. Sau đó ông thông báo nội dung cuộc gặp gỡ là Thường trực Ủy ban muốn lắng nghe những thuận lợi cũng như những khó khăn của Công ty Đại Phát. Đức ngồi nghe mà như uống từng lời. Để kết thức bài “đích cua”, Trương Hoàng Giao khuyến khích:

- Lưới điện quốc gia sắp về đến xứ sở tận cùng tổ quốc chúng ta. Nhu cầu sử dụng dây điện trong tỉnh và của thị xã là rất lớn, nhưng cả tỉnh mình chưa có sơ sở sản xuất dây điện. Tương tự, hiện nay cơm dừa trở thành mặt hàng xuất khẩu chiến lược của tỉnh, mà dừa nhiều nơi chuột phá dữ quá. Nếu ông làm được cả vòng bao dừa chống chuột nữa thì càng hay. Ông coi có nguồn nào vay mượn mua máy, khi lắp đặt xong đi vào sản xuất, cho ra sản phẩm, Phòng Công nghiệp sẽ ủng hộ ông hết mình để ông hoàn vốn với lãi suất thấp nhất, chỉ khoảng 3%/tháng.

Như để cho bài “đích cua” thêm phần ép phê, Hoàng Giao nhìn sang Tám Bảo nói tiếp:

- Anh Tám phân công tôi phải mời cho được ông đến cuộc gặp gỡ này là chỉ có vậy. Thôi mình qua phòng bên ăn với nhau một bửa cơm cho vui!

 

Bửa cơm thật sự là một cuộc gặp gỡ thân mật. Dù đã bốn sáu tuổi đầu nhưng hình như anh chưa lần nào thử nếm qua cái vị đăng đắng, cái mùi nồng nồng của men bia. Hôm nay thì anh đã uống hết hai chai bia Sài Gòn 50. Cái thứ bia mà theo Trường Hoàng Giao là phải có ý kiến của Thường trực tiếp khách, thương nghiệp mới chịu bán. Khi vị Phó chủ tịch hỏi lại anh cái vụ sản xuất dây điện tính sao? Lư Tòng Đức trả lời trong ngà ngà hơi men:

- Sản xuất mà bán được hàng, nếu một tháng quay được một vòng vốn thì thường lời chỉ khoảng 4%, tức lời 4%/tháng. Nếu các anh chắc cho vay hoàn vốn 3%/tháng thì làm được.

 

Trương Hoàng Giao nói ngay:

- Sao lại không chắc! Anh Tám đây là Phó chủ tịch Thường trực phụ trách kinh tế, tôi là Trưởng Phòng Công nghiệp, vừa là Chủ nhiệm Trung tâm Tín dụng Công nghiệp. Ông không tin thì  còn tin ai?

Đức lưỡng lự:

- Nếu chắc vậy thì một tháng nữa, tức nửa tháng năm tôi sẽ sản xuất ra dây điện.

- Còn vòng nhôm bao dừa chống chuột? – Tám Bảo hỏi.

- Cũng sẽ có luôn! – Đức nói.

- Hoan hô! Mình vô đi. – Trương Hoàng Giao đưa ly lên, hứng khởi.

 

Câu chuyện về cuộc gặp gỡ thân mật được Đức kể lại với một số thân hữu. Có người khuyên: “Nếu làm được mà ngon ăn thì Phòng Công nghiệp hoặc Xí nghiệp Cơ khí hoặc Công nghiệp quốc doanh đã làm”. Đức cải lại: “Nhưng hình như Nhà nước muốn tạo điều kiện để khuyến khích mình phát triển kinh tế tư nhân”. “Cái đó thì để coi”, có người nói.

 

Nhưng với người ta thì “để coi”, còn Đức thì vào cuộc. Để đi đến thực hiện việc đầu tư, Lư Tòng Đức đã đi vay 40 lượng vàng 24 Kara với thời hạn một tháng, lãi suất 20%/tháng. Từ vốn vay này, tại nơi từng ăn nên làm ra từ kem đánh răng, dầu gội đầu, mực học sinh được lắp đặt một hệ thống máy sản xuất dây điện cùng với máy ép vòng bao dừa chống chuột. Và, thế là cái tấm bảng hiệu Công ty Đại Phát được thay bằng dòng chữ khiêm tốn: “Tổ hợp sản xuất dây điện Anh Đào”. Giữa tháng 5/1988, Lư Tòng Đức cho mời đại diện Ủy ban Nhân dân Thị xã và đại diện Phòng Công nghiệp đến Tổ hợp sản xuất dây điện Anh Đào để “trình làng” sản phẩm dây điện. Đến dự tất nhiên là có mặt Huỳnh Văn Bảo và Trương Hoàng Giao. Tại cuộc gặp gỡ không kém phần thân mật này, vị đại diện Ủy ban Nhân dân thị xã đã phát biểu và cho ý kiến chỉ đạo: Tổ hợp sản xuất dây điện Anh Đào phải phối hợp với Phòng Tài chính Thị xã để xây dựng giá bán sản phẩm dây điện, và Phòng Công nghiệp phải phối hợp với Trung tâm Tín dụng Công nghiệp lập kế hoạch cho Tổ hợp Anh Đào được vay vốn ưu đãi với lãi suất 3%/tháng đủ để hoàn vốn đầu tư. Ngay buổi chiều hôm đó, Đài Truyền Thanh Thị xã đã phát đi “toàn văn” bài phát biểu của vị Phó chủ tịch cùng với lời dẫn đầy ca tụng: Tổ hợp Sản xuất Anh Đào đã chuyển hướng hoạt động theo sự chỉ đạo!

 

Ngay hôm sau đó, Phòng Tài chính Thị xã đã lập tức ấn định giá bán dây điện cho Tổ hợp Anh Đào để tránh tư thương lợi dụng dây điện khan hiếm mà tăng giá, làm rối loạn thị trường! Còn việc xin vay hoàn vốn của Tổ hợp Anh Đào phải chờ Phòng Công nghiệp và Trung tâm Tín dụng Công nghiệp lập kế hoạch. Đức lặng lẽ chi ra mười hai triệu đồng để trả lãi cho bốn mươi lượng vàng vay. Rồi một tháng nữa lại chóng vánh tiếp tục trôi qua. Đức lại phải chi tiếp mười hai triệu đồng để tiền lãi, nhưng Phòng Công nghiệp và Trung tâm Tín dụng Công nghiệp vẫn chưa lập được kế hoạch cho Tổ hợp Anh Đào vay vốn. Thời hạn vay vốn bốn mươi lượng vàng đã quá hạn hai tháng, và mười hai triệu đồng tiền lãi từ bốn mươi lượng vàng vay đang chờ. Lư Tòng Đức đành phải thế chấp giấy tờ căn nhà ba tầng số 112 Quang Trung cho Công ty Kinh doanh Vàng bạc Tỉnh để được vay mười lượng vàng với lãi suất 5%/tháng để trả bớt nợ.

 

Năm tháng sau đó Tổ hợp Anh Đào cũng chưa được Phòng Công nghiệp và Trung tâm Tín dụng Công nghiệp lập kế hoạch cho vay vốn. Lư Tòng Đức lại phải đến Ngân hàng Công thương Tỉnh xin vay lần lượt với nhiều khế ước để có tiền trả nợ vàng vay vốn mua máy làm dây điện và để có vốn hoạt động.

 

Giá bán dây điện với lợi nhuận được Phòng Tài chính Thị xã ấn định, còn việc cho vay hoàn vốn đầu tư thì chưa thấy tâm hơi. Lư Tòng Đức phải đứng trước gánh nặng nợ nần.

 

Chờ đợi mỏi mòn, cho đến một chiều cuối tháng 4/1989, Lư Tòng Đức nhận được thông báo cũng với chữ ký quen thuộc của Trương Hoàng Giao là Trung tâm Tín dụng Công nghiệp đã có kế hoạch cho Tổ hợp Anh Đào vay vốn để hoàn vốn đầu tư hệ thống máy sản xuất dây điện. Đức nhẩm tính, như vậy là đúng tròn một năm kể từ ngày diễn ra cuộc họp thân mật giữa anh và Thường trực Ủy ban Thị xã cùng lãnh đạo Phòng Công nghiệp, nếu tính theo thời gian mà lẽ ra Phòng Công nghiệp phải thực hiện lời hứa cho vay hoàn vốn từ khi Tổ hợp Anh Đào sản xuất ra sản phẩm dây điện là một khoảng thời gian chờ đợi 10 tháng. Đó là một khoảng thời gian mà Lư Tòng Đức đã phải mười lần trả lãi mười hai triệu đồng cho bốn mươi lượng vàng vay ban đầu để mua máy. Đó là khoảng thời gian mà Đức đã phải nộp lãi sáu lượng vàng cho mười lượng vàng vay ở Công ty Kinh doanh Vàng bạc. Đó là khoảng thời gian mà Đức đã phải nộp một trăm sáu mươi triệu đồng tiền lãi cho Ngân hàng Công thương Tỉnh cùng với vốn gốc hai trăm ba mốt triệu đồng. Đó là khoảng thời gian mà Đức đã phải trả lãi cho một Hợp tác xã Tín dụng Phường mười bốn triệu bảy trăm mười ngàn đồng cho số vốn vay bốn ba triệu bảy trăm ngàn đồng. Đó là khoảng thời gian mà Đức đã phải trả bảy trăm sau mươi ngàn đồng tiền lãi cho số vốn vay hai triệu đồng cho một hợp tác xã Tín dụng phường khác...

 

Đức mừng thầm tự nhủ, cái gì đến rồi cũng đến. Nhưng đến khi hoàn tất khế ước vay một trăm năm mươi triệu đồng của Trung tâm Tín dụng Công nghiệp Thị xã thì anh mới vở lẽ, tỷ lệ lãi suất tiền vay là 11,5%/tháng! Trong khi lợi nhuận do Phòng Tài chính ấn định cho Tổ hợp Anh Đào từ việc sản xuất dây điện là 4%/tháng. Nếu chấp nhận vay vốn thì con số “thâm thụt” mỗi tháng sẽ là 7,5% của một trăm năm mươi triệu tiền vay. Nhưng có còn hơn không. Có để thanh toán khoản nợ bốn mươi lượng vàng với lãi suất 20%/tháng mà Đức đã vay vốn ban đầu mua máy! Đức giống như một người đạp gai, lấy gai lể để rồi tiếp tục bị gảy gai vào vết gai cũ. Đã nợ lại càng chồng nợ. Nhằm xoay sở tình thế nợ nần, anh quyết định chuyển hướng kinh doanh, mua về khung máy dệt khăn lông từ Tân Bình, máy cán nhựa PE từ Quận 10, máy ép túi nhựa từ Quận 5 để sản xuất mặt hàng mới: Khăn lạnh phục vụ cho năm du lịch 1990. Nhưng vào một ngày đầu tháng 10/1989, khi đang cho máy dệt khăn lông chạy thử thì Đức bị bắt, toàn bộ tài sản bị niêm phong.

 

o

... Lư Tòng Đức, tức Trứ, sinh năm 1942, trú quán số 112 Quang Trung, Khóm 2, Phường 5... Chủ cơ sở sản xuất dây diện “Anh Đào”... Cha: Lư Tài (chết); Mẹ: Trịnh Thị Màu, 71 tuổi. Vợ: Nguyễn Thị Mai, 40 tuổi. Con: 4 đứa (lớn 14 tuổi, nhỏ 7 tuổi). Can tội: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản Xã hội chủ nghĩa”. Về trách nhiệm hình sự: Tuyên phạt 10 năm tù giam... Về trách nhiệm dân sự: Lư Tòng Đức phải trả cho Công ty kinh doanh vàng bạc Tỉnh 10 lượng vàng từ 9,7 tuổi trở lên, nộp trả cho HTX Tín dụng Phường 2 số tiền là 10 triệu đồng, nộp trả cho Ngân hàng Công thương Cà Mau 85 triệu 200 ngàn đồng, nộp trả cho Trung tâm Tín dụng Công nghiệp Thị xã Cà Mau 142 triệu đồng, kê biên toàn bộ tài sản (gồm nhà cửa, máy móc trang thiết bị, nguyên liệu, hàng hóa tồn kho) phát mãi để trừ nợ. Án phí trong hạn ngạch phải nộp 12 triệu đồng; Án phí sơ thẩm phải nộp... Nếu sau bản án có hiệu lực một tháng mà bị cáo chưa thi hành án thì toàn bộ số nợ trên được tính theo lãi suất hiện hành. Các đồng chí công an đưa bị cáo về trại tiếp tục thụ hình...

 

 

Đó là tất cả những gì mà Hội đồng xét xử của Tòa án Nhân dân tỉnh Tỉnh đã tuyên trong bản án sơ thẩm được xử lưu động tại Phòng xử án Tòa án Nhân dân Thị xã trong buổi sáng ngày 24/5/1990 đối với Lư Tòng Đức, chủ Tổ hợp Anh Đào.

Sau lời tuyên bố “Phiên tòa đến đây kết thúc” của vị chủ tọa, nhưng nhiều người có mặt trong phòng xử án vẫn cứ ngồi im, không ai muốn đứng lên – dường như họ không nở bỏ mặc Lư Tòng Đức ra đi. Cuối cùng thì vị đại diện Trung tâm Tín dụng Công nghiệp Thị xã – cơ quan đã truy tố Lư Tòng Đức, trầm ngâm đứng dậy với đôi mắt tự vấn như cảm thấy rằng mình có lỗi. Vị đại diện Công ty kinh doanh vàng bạc Tỉnh – cũng là “chủ  nợ” của Lư Tòng Đức đang ngồi kề bên tôi buông thỏng một câu:

- Mức án tuyên quá nặng đối với một nhà sản xuất!

 

 

o

Sau phiên tòa, tôi đã viết một bài báo về “con đường dẫn đến phạm tội” của Lư Tòng Đức. Nhưng bài báo chỉ còn lại là một mẫu tin về phiên tòa khi được đăng lên trang nhất. Ban biên tập giải thích “đây là án điểm về vay vốn tín dụng, không được thông tin về những khhía cạnh khác!”. Vậy là với chuyện của Lư Tòng Đức, tôi tự xem như mình bị mắc nợ. Không lâu sau, căn nhà của Đức được giao cho cơ quan Trọng tài kinh tế tỉnh quản lý, máy móc hàng hóa thì Phòng Công nghiệp Thị xã đến chở đi đâu đó. Mẹ, vợ và bốn con của Đức đi đâu tôi cũng không rõ. Nghe đâu trị giá căn nhà cùng với tài sản của Đức khi đối trừ nợ còn thừa một ít, nhưng những người thân của Đức đi đâu không rõ địa chỉ, nên không có người nhận.

           

Bây giờ thì Lư Tòng Đức đang đứng trước mặt tôi, giữa một nhà hàng ăn uống đối diện với khu Công nghiệp Trà Nóc.

 

Tôi gợi chuyện: “Vì sao lại bỏ cái thị xã từng ăn nên làm ra mà ra đi?”

Anh lập lại: “Chuyện mười hai năm trước tôi đã quên hết! Bỏ xứ để làm lại từ đầu”.

Tôi tò mò: “Bắt đầu là chuyện gì”?

Anh nói: “Thiếu cái ăn thì mua bán cái ăn”!

 

Đức nói vậy, nhưng tôi hiểu cái máu mê máy móc chưa chịu ngủ yên trong anh, chắc vì vậy mà không phải vô cớ anh đến một nơi đối diện với Khu công nghiệp Trà Nóc để “làm lại từ đầu”.

 

Cần thơ, mùa triều cường 2002

Đặng Huỳnh Lộc
Số lần đọc: 2627
Ngày đăng: 16.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Rừng báo bão - Đặng Huỳnh Lộc
Rượu cay, muỗi đói... - Bích Ngân
Thị dân... - Đặng Huỳnh Lộc
Đi sẽ đến , tìm sẽ gặp - Trần hữu Lục
Canh Bạc - Võ Ðắc Danh
Mái chùa che chở hồn dân tộc… Đêm qua sân trước một cành mai - Trần Kiêm Ðoàn
Paris , Mùa thu tím… - Nguyễn Thị Hậu
Thời Của Ngựa - Võ Ðắc Danh
Người H.Mông hôm nay . - Nguyễn Thị Thu Hiền
Hai bên cửa khẩu Mộc Bài - Huỳnh Kim