Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
685
116.737.174
 
Nơi đầu ghềnh cuối bãi
Đặng Huỳnh Lộc

Nhìn trên bản đồ đất nước, khi lướt mắt dọc dài về phương Nam, bán đảo Cà Mau hiện ra như hình một trái tim nằm kẹp giữa biển Đông và Vịnh Thái Lan. Trong đó, Cà Mau là phần đất nối liền lục địa nằm trong đồng bằng sông Cửu long màu mỡ và bằng phẳng, đặc trưng cho vùng bình nguyên của phương Nam tổ quốc. Từ trong lục địa, đất đai thoi thỏi nghiêng dài nối liền với bờ biển đang tích tụ phù sa vươn dài ra biển trong chiều diễn tiến. Đó là một tặng phẩm vĩ đại của thiên nhiên, từ dòng hải lưu Bắc mang phù sa châu thổ sông Hồng chảy về phía phương Nam, gặp quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã lặng lẽ chảy dọc miền Trung và sau đó bị tác động bởi dòng hải lưu Đông mà dòng hải lưu Bắc đã ôm ấp lấy đất nước, góp nhặt thêm đất đai bị bào mòn của miền Trung, đất đỏ miền Đông và phù sa châu thổ sông Cửu Long trong hệ thống đồng bằng dọc sông Mê Kông về cho mũi Cà Mau. Mong sao, dòng hải lưu ấy đừng có ai làm cho chúng đổi dòng với những chương trình ngăn mặn, ngọt hoá…

 

Trãi qua bao biến đổi thăng trầm, Cà Mau đã trở thành địa danh như ngày nay đang gọi. Từ xa xưa, Cà Mau là một vùng đất như bị bỏ quên. Trong "địa bộ Minh Mệnh" hay còn gọi là địa bộ Nam kỳ lập vào năm 1836 từ kết quả đo đạt có quy mô lớn nhất Nam Kỳ do đại thần Trương Đăng Quế chỉ đạo tiến hành vào năm 1832 cũng chưa nhắc đến địa danh Cà Mau hay Tức Kh'mau… Ký ức của những người tha phương, những khách thương hồ còn lưu giữ lại con đường đến Cà Mau của họ là Sài gòn - Sóc Trăng - Bến Mã - Tân Xuyên. Tân Xuyên! Tên một rẻo đất nhỏ nhoi ngày xưa, nay còn lưu giữ trên vùng đất Cà Mau là tên một khu chợ nhỏ nằm bên chân cầu Gành Hào, tả ngạn sông Vân. Cà Mau, một vùng đất xa xôi từ xa xưa nằm trong trấn Hà Tiên, nhưng lại là một trong những vùng đất hình thành đơn vị hành chánh cấp tỉnh sớm nhất Nam kỳ. Trước khi chính quyền Pháp chuyển các cơ sở tham biện ở Nam bộ thành đơn vị hành chánh tỉnh vào năm 1900 thì vào ngày 18/12/1882 Pháp đã ban hành Quyết định thành lập Tiểu khu Bạc Liêu "vì lý do an ninh" - chữ dùng trong văn bản này, gồm cả Cà Mau trực thuộc chính quyền Trung ương do một viên quan Hải quân Pháp cai quản, Cà Mau được xem là một vùng đất thuộc tỉnh từ ấy.

 

Lần giở lại từng trang về tên đất Cà Mau càng thấy địa danh về vùng đất này là những giao thoa, đan chéo và mờ chồng lên nhau với Tức Kh'mau, Quảng Long, Tân Xuyên, Xuyên Giang. Cùng với tên đất, tên con sông chảy ngang qua vùng tập trung dân cư đầu tiên của Cà Mau đã có tên xa xưa là Bảy Háp - tên đơn vị đo đường nay đã không còn sử dụng, cũng vừa đồng thời sau đó mang theo tên đất với từng thời gian và cũng vừa nhận thêm những tên mới với Sông Vân rồi Gành Hào. Có thể thấy, mỗi lần tên đất đổi thay, tên sông đổi thay là mỗi cuộc di dân, là mỗi lần có sự xê dịch về lịch sử dân cư, xã hội của vùng đất Cà Mau.

 

Trải qua những biến đổi trên bản đồ hành chánh trong nhiều thời kỳ, Cà Mau ngày nay gồm một dãy đất với Cà Mau là thị xã trung tâm và đang lớn dần trong quy hoạch đô thị với quy mô của một thành phố cấp III và đang chuyển mình lên thành phố cấp II.

 

Hai tiếng Cà Mau từ lâu đã quá đổi quen thân đối với cả nước mà khi gọi lên gợi trong trí tưởng tượng một vùng đất có bóng xanh rợp mát, trùm che, gợi lên cái hùng vĩ, thâm nghiêm của rừng tràm, rừng đước; của những kinh rạch ngang dọc uốn quanh, rợp mát ngàn cây... Cà Mau, cái Mũi đất mà nhà thơ Xuân Diệu có lần đã ví: "Như bàn chân chưa khô bùn vạm dậm"…

 

Đây là vùng đất mà dường như "từ thuở mang gươm đi mở cõi", mỗi trang tuấn kiệt đều đã hướng về như một sự tự thân, như một điều in trí để thổi tâm hồn mình vào đó như một lời thề son sắc:

 

"Bao giờ hết đước Năm Căn

Ông Trang hết cá, Viên An hết rừng

Khai Long hết xác có đường

Mũi Cà Mau đó tao nhường cho bây".

 

Cư dân Cà Mau là một bộ phận khá lớn của cư dân lưu xứ từ miền đất ba cù lao An Hòa, Minh và Bảo của Bến Tre, nơi hội tụ của bốn đầu rồng trong chín nhánh Cửu long với cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông và cửa Cung Hầu mà phần đông trong số lưu dân đó là dân Ngũ Quảng.

Trong những cuộc Nam tiến, có một bộ phận cư dân miền Trung trong khát vọng đi tìm đất mới đã phải dừng chân lại Cà Mau khi ngoài kia là biển. Ở một vùng đất ba bề giáp biển, con đường lưu xứ của nhiều lớp cư dân đến đây bằng cả hai con đường xuyên trong nội địa và đến từ hướng biển. Con đường hành trình xuyên trong nội địa đến Cà Mau là từ Sài Gòn theo sông Đồng Nai về Sóc Trăng, qua Bến Mã sau khi để lại sau lưng vùng đất đai Long Điền hưng thịnh và đến vùng đất cuối cùng nơi ngã ba sông với không xa ngoài kia là biển rồi dừng chân lại, nơi có tên gọi Tân Xuyên như gia phả và ký ức con cháu của các bậc tiền hiền, khai cơ còn lưu giữ lại. Trong số họ còn có một lớp người đến vùng rừng rậm Cà Mau bằng con đường biển cả. Đó là những lưu dân chài lưới Hải Nam (còn gọi là Hải Nàm) quá quen sông nước, họ là những khách thương hồ Quảng Đông, Phúc Kiến giỏi việc thủ công, quen nghề mua bán, họ là những nông dân Triều Châu quen nghề trồng trọt đi tìm đất sống và họ đã để lại những tên đất, tên sông. Trong số họ còn có một bộ phận lưu dân người Hẹ hảo hán, võ nghệ cao cường sống nghề lang bạc, dọc ngang sông nước cũng theo chân những đoàn thuyền lưu xứ đến đất Cà Mau. Ngoài những lớp lưu dân, Cà Mau còn có cư dân bản địa. Bởi thế mà ngày nay khi đến với đất Cà Mau cái dễ gây ấn tượng không chỉ là khung cảnh thiên nhiên, các sắc thái chủng tộc mà còn là nếp sống của con người ở đây qua cung cách làm ăn, sinh sống.

 

Cho đến ngày nay đã có biết bao công cuộc lập ấp, di dân ngay trong khu vực qua nhiều thời kỳ trước đây và những lần quy hoạch ổn định dân cư sau này với các công trình giao thông gắn với quy hoạch dân cư, thủy lợi gắn với quy hoạch dân cư, lưới điện quốc gia gắn với quy hoạch dân cư nhưng nông thôn Cà Mau vẫn chưa thành làng, thành ấp, nhà cửa tản mát theo bờ kinh, ruộng lúa theo khuôn viên truyền thống "tiền viên hậu điền" vốn đã quen thuộc. Đó có phải chăng là dấu ấn còn ghi lại của những lớp cư dân mở đất. Với họ trên vùng đất mới với một cơ cấu xã hội nơi thôn dã không có lấy gì làm bền chắt và cột chặt, khó sống thì đi, dễ sống thì trụ lại không có gì ràng buộc, ngăn trở.

 

Hôm nay khó thể nào hình dung hết những khó khăn, vất vả, những hy sinh của các lớp lưu dân đã trải qua chặng đường dài hàng thế kỷ để chinh phục những rừng rậm, đầm lầy đầy thú dữ, muỗi mòng, rắn rết và chướng khí.... Họ đã gánh chịu và vượt qua bao sự đe dọa, bao nỗi ám ảnh, tai ương và đã biến cảnh hoang vu, rừng rậm, đồng hoang thành làng mạc, phố phường trù phú, đông vui như hiện tại. Trước một chân trời lạ, những lưu dân đầu tiên ấy đã phải chạm trán với hoang sơ, những dãy rừng rậm, những miền đất hầu như chưa có dấu chân người, đồng hoang và nước mặn, chắc họ đã không khỏi ngỡ ngàng. Trên vùng đất Cà Mau ngày nay còn lưu giữ nhiều địa danh Cái Cấm ở nhiều nơi, ở đó còn truyền lại những câu chuyện kể về cá sấu dữ, cọp rình. Cùng với những địa danh mang tên Cái Cấm là những địa danh mang tên Đầu Sấu ở Nguyễn Huân - Đầm Dơi, Đầu Sấu ở Tân Hưng, Đầu Sấu ở Rau Dừa, Hưng Mỹ, Cái Rắn ở Phú Hưng, Láng Tượng ở Tân Hưng Đông - Cái Nước... và những câu chuyện kể về chúa rắn ở Vàm Đình - Phú Mỹ - Cái Nước, trâu rừng ở Nguyễn Phích - U Minh, cùng với câu chuyện kể về ông Đình Phương ở Rau Dừa đã giết đến 99 ông cọp để trả thù cho người mẹ đã bị cọp bắt đem đi. Những câu chuyện kể ấy còn lưu giữ đến nay không đơn thuần là sản phẩm của trí tưởng của con người, mà là sự phản ảnh chưa xa xôi gì của thực tế. Điều đó vừa gợi lên cảnh rừng thiêng, nước độc vừa thể hiện ý chí của những lớp người quyết chấp nhận gian truân, đi tìm một cuộc đổi đời không gì lay chuyển nổi. Ý chí của cuộc đổi đời đó đã hun đúc trong họ, và dù đã trải qua bao thế hệ đến vùng đất mới nhưng khi lại gặp phải bất công như ông cha của họ đã từng gánh chịu, khi được giác ngộ họ đã làm nên cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ có vũ trang cướp đảo Hòn Khoai ngày 23/11/1940.

 

Trên vùng đất mới, nơi thiên nhiên có phần ưu đãi nhưng đầy khắc nghiệt ở nơi đầu gành cuối bãi, kinh rạch chằng chịt, ba bề biển cả… Vùng đất Cà Mau nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của chế độ bán nhật triều, nhiều vùng rộng lớn của đất đai Cà Mau thuở nguyên sơ trầm thủy, nê địa, rừng bụi um tùm chạy dài từ nội địa ra đến tận ven biển. Công cuộc chinh phục thiên nhiên của những tiền hiền, khai cơ thuở ấy là một cuộc chiến đấu đầy gian lao, khổ nhọc mà phần thắng chỉ dành cho những ai có nghị lực, có bản lĩnh, có ý chí kiên cường và đầy sáng tạo. Chính cuộc đọ sức kiên trì và đầy quyết liệt này là nhân tố thử thách, đào luyện nên bản sắc và tính cách của cư dân Cà Mau. Những lưu dân từ những địa chỉ khác nhau đã hội tụ về đây, trong không gian xê dịch từ quê cũ qua bao cuộc chuyển tiếp mới đến vùng đất mới và qua dòng chảy của thời gian, vốn liếng tinh thần cùng tài sản văn hóa cội nguồn mang theo không khỏi rơi rụng dọc đường, hoặc chuyển đổi, đồng thời cũng được bổ sung, tiếp nhận thêm những nét mới, điều hay của cư dân bản địa. Từ đó đã hình thành nên một giọng nói chung, một âm sắc chung trong tiếng nói trong quá trình mở đất, từ khoảng thế kỷ 16 đến nay. Tiếng Nam Bộ nói chung, trong đó có Cà Mau mang trong nó cội nguồn khác nhau của những con người từ muôn nơi lưu lạc, nhưng đồng thời nó cũng sản sinh và phản ảnh môi trường sống tự nhiên và con người nơi đất mới này với bao màu sắc mới mẽ và đa dạng cần phải có với biết bao nhiêu từ ngữ mới nảy sinh để chỉ hiện tượng tự nhiên môi trường sông nước, chim thú, cỏ cây... mà ở những miền khác không có được. Và có phải chăng, tiếng nói mà các nhà ngôn ngữ gọi là phương ngữ đã hình thành cùng với quá trình hình thành chữ Quốc ngữ mà Nam Bộ chính là mãnh đất đầu tiên gieo mần. Chính môi trường đó đã làm cho "phương ngữ Nam Bộ" sớm có sự thống nhất về không gian, khắc phục các khác biệt địa phương và đã phát triển nhanh từ khẩu ngữ thành ngôn ngữ văn học. Người ta dễ dàng nhận ra dấu vết của ngôn ngữ nói trong ngôn ngữ văn học và ngược lại, ngôn ngữ văn học cũng dường như dễ dàng nhập cuộc hơn vào đời thường đối với lưu dân trên dãy đất đồng bằng và rừng rậm bao la này trải qua năm tháng.

 

Cà Mau - một rẻo đất nhỏ nhoi, nhưng tiếp xúc với cư dân ở đây sẽ dễ dàng nhận ra những nét khác biệt trong tính cách của từng con người trước mối quan hệ giữa các cá nhân, với sự nổi trội trong từng cá tính. Đây chính là một sắc thái riêng. Trong bước đường lưu xứ, nhiều người trong số họ đâu còn nhớ gốc tích, họ hàng, quê hương, gia phả, gốc gác xuất thân cũng không lấy gì làm trọng. Họ hầu như mỗi người sống đều có tính cách bằng bản ngã riêng với lòng hiếu khách, sự bộc trực, vô tư và... xả láng. Ơû nông thôn Cà Mau vẫn còn tồn tại trong tâm lý dân cư việc chấp nhận cưu mang những người xa xứ. Bất kỳ người mới đến là ai, miễn người đó sống chân thành đều có thể sống cùng với bà con xóm ấp trong sự giúp đở thương yêu. Họ thích kết thân bạn bè và có thể cùng nhau ăn nhậu ồn ào thâu đêm, suốt sáng nhưng dường như lại có sẵn trong họ một cái gì đó mang nặng âm điệu ưu sầu của kẻ tha phương... Hãy nhìn xem họ trong một cuộc vui vầy, ngất ngưỡng rượu nồng, đam mê ca hát nhưng trong âm điệu vọng cổ lại chất chứa nỗi niềm sầu vọng.

 

Họ là những cư dân "tứ chiếng" dám lìa bỏ quê hương mà ông cha của họ đã bao đời gắn bó để đến tận nơi "khỉ ho cò gáy" ở cùng trời cuối đất, nên những tư tưởng Nho giáo, những lề thói, khuôn phép phong kiến đối với họ ít chịu buộc ràng. Cũng vì vậy đây lại là mảnh đất dễ bám rễ, đâm chồi của những tôn giáo, tín ngưỡng bản địa như Cao Đài, Hòa Hảo, đạo Dừa... đến các tôn giáo du nhập với đạo Phật, Gia tô giáo,Tin lành, Islam giáo... Người không theo tôn giáo thì cũng theo các tín ngưỡng dân gian như thờ tổ tiên, cửu quyền thất tổ, thờ thổ thần, tứ phủ... họ còn có sinh hoạt động đồng trong việc cúng đình làng thờ thành hoàng là những vị thần vô danh hay những vị công thần nhà Nguyễn được triều đình phong tặng. Ở các làng ven biển, với những cư dân làm nghề hạ bạc thì hàng năm vui vầy trong lễ hội nghinh ông. Hay chí ít đa phần trong số những cư dân đó mà cho đến nay vẫn còn tồn tại thói quen chiêm bái[1]. Tất cả những điều đó đã tạo nên một diện mạo hết sức đa dạng và phức tạp trong đời sống tâm linh của cư dân ở vùng đất Cà Mau.

 

Cà Mau, có thể nói là nơi định cư cuối cùng, kết thúc cuộc Nam tiến và cũng là nơi có nhiều ưu đãi của thiên nhiên cùng điều kiện giao lưu với các dân tộc láng giềng. Đây chính là yếu tố góp phần hình thành nét trội trong tâm lý, tính cách của con người trên vùng đất mới mà cư dân Cà Mau còn lưu giữ, được hình thành một cách tự phát dưới ảnh hưởng trực tiếp của những điều kiện sống và môi trường hoạt động hàng ngày từ những tâm lý, tình cảm, thói quen, tập tục truyền thống đã được cách tân.

 

Đặng Huỳnh Lộc
Số lần đọc: 2611
Ngày đăng: 12.04.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nổi đau - Trịnh Băng Tâm
Chuyện Tam Nông ở đất Phù Chẩn - Vũ Ngọc Tiến
Dế mèn phiêu lưu …sự - Nguyễn Đức Thiện
Chồng trước chồng sau - Võ Ðắc Danh
Nhân kỷ niệm 100 ngày mất của nhạc sĩ La Hữu Vang 28.12-06.3.2008 : Tản mạn đôi điều về anh. - Mang Viên Long
Anh Võ Đình Cường -Thử Hòa Điệu Sống trong Ánh Đạo Vàng. - Trần Kiêm Ðoàn
Máu Nhuộm Bãi... Thuốc Lá -1 - Lê Xuân Quang
Máu Nhuộm Bãi... Thuốc Lá -2 - Lê Xuân Quang
Một lần với Kỳ Anh - Hồ Tĩnh Tâm
Canh bạc ở Đức Hòa - Võ Ðắc Danh