Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
841
116.686.509
 
Canh Bạc
Võ Ðắc Danh

Năm 1999, anh T.N, bạn đồng nghiệp của tôi ở miền tây chuyển công tác lên Sài Gòn. Anh ra khu vực Gò Mây – xã Bình Hưng Hòa – mua 180 mét vuông đất để cất nhà, đất nông nghiệp giá 230 ngàn đồng một mét vuông, thủ tục sang tay, có hàng xóm làm chứng và chính quyền xã xác nhận. Anh xây ngôi nhà kiên cố gần 100 mét vuông, cũng không phép tắc gì, chỉ đóng 300 ngàn cho xã gọi là tiền phạt xây dựng trái phép. Vậy là an cư lạc nghiệp. Ngày tân gia, bạn bè tới chúc mừng, nhưng do nhà không có địa chỉ nên anh phải hẹn điểm đón tại cây xăng Vĩnh Lộc rồi dẫn bạn vào theo những con đường mòn len lỏi dưới những lũy tre. Thời ấy có cụm từ chung cho dân nhập cư là: Nhà không số, đường không tên, điện tự kéo, nước tự bơm.

 

Thế rồi năm năm sau, một buổi sáng năm 2004, anh nhăn nhó báo tin: Nhà bị giải tỏa vì nằm trong dự án khu đô thị mới Vĩnh Lộc. Bạn bè lo ngại cho anh, đất không có giấy chủ quyền, nhà xây trái phép, hộ khẩu không có, rất dễ bị trắng tay. Nhưng rồi mấy tháng sau gặp lại anh, anh cười khoe mọi chuyện đã được dàn xếp, đất được tái định cư  98 phần trăm, nhà được bồi thường 95 triệu đồng, cao hơn giá gốc, trong thời gian giải tỏa, chờ tái định cư, anh được tạm cấp một căn hộ chung cư.

 

Hơn một năm sau, chúng tôi vào thăm anh, mọi chuyện thay đổi đến không ngờ, bạn bè nói vui rằng anh có số đỏ, mà thật ra trên đời nầy chưa thấy ai được may mắn như anh, từ chổ mua đất chui, xây nhà chui giữa một vùng nông nghiệp hoang sơ giờ trở thành nhà mặt tiền trong khu đô thị mới, đường xá thênh thang, cơ sở hạ tầng cao cấp. Chẳng những không tốn thêm một xu nào mà hai lô đất của anh bây giờ trị giá gần cả tỷ đồng. Nhưng anh ngậm ngùi nói: “Thật ra mình chẳng phải may mắn gì. Việc quy hoạch đất đai hiện nay giống như một canh bạc. Ai biết thì thắng, ai thiếu hiểu biết thì thua, thậm chí thua thiệt cả một đời người .

 

Để hiểu rõ hơn thế nào là chuyện ăn thua trong canh bạc quy hoạch nầy, tôi giả dạng một người đi mua đất để lân la trong các quán cà phê.

 

 Cô Hai Một kể rằng, gia đình cô có hai mẹ con, một con dâu, hai đứa cháu nội, cả đời cô sống nghề ruộng rẩy, chẳng biết quy hoạch là gì. Năm 2000, có mấy ông cán bộ đến nhà cho biết, đất của cô nằm trong quy hoạch khu đô thị mới, đã được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, quyền lợi của cô sẽ được bảo đảm tối đa, thậm chí cô có thể làm giàu. Sau khi tiến hành đo đạc, cán bộ báo cho cô biết, tổng diện tích đất của cô là 13.000 mét vuông, phần đất vườn được bồi hòan 90.000đ một mét vuông, phần đất trồng lúa được bồi hòan 50.000đ một mét vuông, tính chung, kể cả tài sản trên đất, cô sẽ được bồi hoàn 900 triệu đồng. Sau khi làm lộ xong, cô sẽ được cấp 196 mét vuông đất mặt tiền để tái định cư. Cô nghĩ, 13 công đất ông bà để lại, từ đời cha cô cho đến đời cô, quần quật quanh năm cày sâu cuốc bẩm, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chưa bao giờ cầm trên tay được một lượng vàng. Bây giờ, 900 triệu đồng, bằng 200 lượng vàng, lại được cái nền nhà mặt tiền gần 200 mét vuông giữa khu đô thị, có điện, có nước, chẳng thua dân chợ. Rõ ràng là một cuộc đổi đời. Cô ký biên bản thỏa thuận bồi hòan rồi lên Ban quản lý dự án nhận 900 triệu đồng đem gởi ngân hàng, yên tâm chờ ngày nhận đất tái định cư.

 

 Năm năm sau.

 

 Giá vàng từ 4,5 triệu đồng một lượng  lên 10 triệu đồng một lượng, số tiền cô gởi ngân hàng bổng dưng mất đi một nửa. Giá đất trong khu quy hoạch từ 3 triệu đồng đến 7 triệu đồng một mét vuông. Cô nghe những người biết chuyện nhẩm tính, giá thành của một mét vuông đất thổ cư trong khu quy hoạch dao động từ 600 ngàn đến 1 triệu đồng, bao gồm chi phí đền bù giải tỏa,san lắp mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi. Với 13.000 mét vuông đất của cô, nếu trừ đi 50 phần trăm diện tích đất công cộng, còn lại 6500 mét vuông đất nền nhân cho con số khiêm tốn là 3 triệu đồng trên mỗi mét vuông (tức là cái giá thấp nhất trong khu đô thị Vĩnh Lộc hiện nay mà Ban quản lý dự án đang mua lại của dân ), trừ lại chi phí đầu tư thì ai sẽ thừa hưởng con số siêu lợi nhuận nầy ?

 

“Thua me gỡ bài cào”. Anh Trịnh Minh Thế, con trai của cô Hai Một đâm đơn khiếu nại đòi quyền thừa kế phần đất của mẹ để được tái định cư. Sau một cuộc giằn co, Ban quản lý dự án dàn xếp bằng cách trả lại cho cô Hai 1500 mét vuông để cô chia cho con, đồng thời cô phải thối lại cho Ban quản lý dự án 135 triệu đồng, tính theo giá bồi hoàn đất vườn. Trên 1500 mét vuông ấy, anh Thế được tái định cư 12 phần trăm, tức 180 mét vuông mà không được nhận bồi hòan. Thôi thì của đổ hốt lại, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Biên bản thỏa thuận bồi hòan mình đã ký, tiền bồi hòan mình đã nhận, tất cả coi như ván đã đóng thuyền. Cô Hai Một buồn bã nói thế.

 

 Người thứ hai thua đau đớn trong canh bạc nầy là ông Hai Tặc, một nông dân ba đời sống ở Gò Mây. Cũng như cô Hai Một, ông Hai Tặc có 7500 mét vuông đất trong quy hoạch, ông được bồi hoàn hơn 700 triệu đồng và 196 mét vuông đất tái định cư. Năm 2000, trước khi ký biên bản thỏa thuận bồi hòan, có một người quen làm luật sư khuyên ông không nên ký, bởi hai lý do: Thứ nhất, đây là dự án kinh doanh của một doanh nghiệp chớ không phải là công trình phúc lợi xã hội, thứ hai, đây là biên bản thỏa thuận chớ không phải quyết định của cơ quan quyền lực nhà nước, vì vậy cần cân nhắc kỹ để tiếp tục thỏa thuận về quyền lợi của đôi bên. Có thể giữa chủ đất và chủ doanh nghiệp đi đến một thỏa thuận hợp tác, chuyển đất thành vốn để cùng chủ đầu tư chia lợi nhuận.

 

 Không thể hình dung nổi một canh bạc đầy phức tạp trong khi 700 triệu đồng trước mắt ông đang là phần thắng trong tay. Vốn là một nông dân hiền lành và tử tế, nghĩ 700 triệu đồng đây là công lao của mẹ cha để lại, ông Hai Tặc mang đi chia cho ba người em gái, hai đứa cháu con của người em đã chết, mỗi người được năm ba chục triệu đồng, còn lại là phần của sáu đứa con, trong đó, ông đầu tư cho đứa con trai lớn một chiếc xe khách để kinh doanh.

 

 Bây giờ, sau sáu năm, ông đã nghiệm ra rằng không phải mình thua một canh bạc mà thua cả một cuộc đời. Đất tái định cư chưa có, cũng không biết nó nằm ở vị trí nào. Còn ngôi nhà ông đang ở thì coi như ông chỉ ở trọ trong nhà mình vì tiền bồi hòan ông đã nhận của người ta, nó là của người ta, không biết người ta sẽ cho xe ủi đến lúc nào. Tiền đã hết, chiếc xe thì bửa có khách, bửa không, sáu đứa con đã lần lượt có vợ có chồng nhưng chẳng lẻ cứ tiếp tục ở trọ trong căn nhà ông đang ở trọ ? Những câu hỏi cứ làm ông rai rứt. Sáng sáng, tôi thấy ông ra ngồi lặng lẽ trong quán cà phê ở đầu con đường mòn trước nhà, bên bụi tre gai, cái quán lá ấy cũng do ông cất trọ trên chính phần đất của mình. Ông cứ ngồi đó, chết lặng nghe mấy anh cò đất rau giá với khách mua. Ba triệu, bốn triệu, năm triệu, sáu triệu, bảy triệu đồng một mét vuông . . .

 

 Con trai ông Hai Tặc – anh Liệt – pha cà phê, thĩnh thoảng xề xuống nói với tôi mà như trách ông già: “Nhiều người đất ít hơn tôi mà bây giờ được năm bảy cái nền, tại vì họ biết chuyện, lúc vận động họ cương, không chịu ký .Phải hồi đó ổng đừng ký thì bây giờ đâu đến nông nỗi nầy !”

 

 Bạn tôi – anh T.N – trầm ngâm nói: “Có những người sau khi nhận một cục tiền rồi không biết phải làm gì, cứ lay quay ở trọ trên đất mình, ăn hết tiền rồi bán lúa non phần đất tái định cư cho cán bộ, nhân viên trong dự án với giá ba bốn trăm ngàn một mét vuông, dắt díu vợ con ra ngoại thành mua đất nông nghiệp ở tiếp . . . Than ôi ! Biết đến thuở nào người nông dân mới tự quy hoạch được đời mình !”

 

Ảnh:

H.1 : Ông Hai Tặc hàng ngày cứ ngồi trầm ngâm như chiêm nghiệm nỗi đau của một người thua cuộc

Võ Ðắc Danh
Số lần đọc: 3216
Ngày đăng: 20.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mái chùa che chở hồn dân tộc… Đêm qua sân trước một cành mai - Trần Kiêm Ðoàn
Paris , Mùa thu tím… - Nguyễn Thị Hậu
Thời Của Ngựa - Võ Ðắc Danh
Người H.Mông hôm nay . - Nguyễn Thị Thu Hiền
Hai bên cửa khẩu Mộc Bài - Huỳnh Kim
Mẹ - Mặt Đất Bao Dung - Nguyễn Nguyên An
Làm gì…. cho những người vô gia cư - Nguyễn Nguyên An
Về Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư - Lê Phú Khải
Biên giới Tây Nam, mùa nước nổi - Huỳnh Kim
Tỏ tình với cuộc sống - Trần hữu Lục
Cùng một tác giả
Mùa trái mắm (tạp văn)
Nhớ đồng (tạp văn)
Nồi cháo trắng (truyện ngắn)
Thư Sài Gòn (tạp văn)