Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
809
116.667.969
 
Giữa hai dòng mặn ngọt
Võ Ðắc Danh

            Cách đây bảy năm, tôi có soạn ra một đề cương kịch bản phim tài liệu khoa học với chủ đề: "Bán đảo Cà Mau nhìn từ góc độ nhân văn" gởi cho Sở Khoa học - Công nghệ & Môi trường để đăng ký như một công trình nghiên cứu với hy vọng có kinh phí đầu tư. Một hôm, kỹ sư Ngô Dân, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, gọi điện thoại mời tôi đến phòng làm việc của anh uống trà, anh nói : "Tao đã đi nhiều nước trên thế giới, chưa thấy nơi nào có những đặc trưng lạ lùng và độc đáo như xứ sở của mình. Sông ngòi, kinh rạch chằng chịt, một mùa nước mặn, một mùa nước ngọt…". Anh bỏ lửng câu nói để châm trà rồi nhìn tôi và nói tiếp : "Tao rất mê cái đề cương của mày là vì nó liên quan tới những đặc trưng ấy. Tao là dân cơ khí nhưng cũng có tìm hiểu chút ít về tính nhân văn của thiên nhiên. Vì thế nên tao muốn góp với mày một ý nhỏ. Tất cả những dòng sông trên đất nước này chỉ có hiện tượng chung là nước lớn nước ròng. Nhưng xứ sở mình lại có thêm con nước rong và nước kém. Cao điểm của con nước rong diễn ra hằng tháng vào ngày rằm và ngày ba mươi, còn cao điểm của con nước kém là ngày mùng mười và ngày hai mươi lăm, tính theo âm lịch. Đặc biệt là con nước lớn trong con nước rong thì các dòng sông tràn bờ linh láng, còn con nước ròng trong con nước kém thì các dòng sông gần như cạn kiệt, lòi bãi, những con sông cạn thì phơi đáy. Điều ấy đã ảnh hưởng đến tính cách con người. Dân xứ mình sống bộc trực, không khách sáo, hễ chịu chơi là chơi hết mình, chơi phạch ngực. Còn hễ thương nhau là thương hết lòng hết dạ, tình thương lai láng, tràn trề như con nước lớn trong con nước rong. Bởi vậy mà tao cứ nhớ hoài mấy câu thơ của Nguyễn Trọng Tín: Xin cảm ơn con nước ròng sát kiệt, để dòng sông không che đậy lòng mình...".

 

            Những điều anh Ngô Dân nói làm cho ký ức tôi càng in đậm hơn hình ảnh của dòng sông thời thơ ấu. Con sông Giồng Bớm nằm giữa đồng Phong Thạnh, nó bắt nguồn từ kinh xáng Phụng Hiệp rồi rong chơi len lỏi giữa cánh đồng hoang. Con sông không có gì đặc biệt nhưng tôi đã lặn hụp ở đó trọn cả tuổi thơ của một đời người. Con sông với hai mùa mặn ngọt, ngược xuôi hai con nước lớn ròng chở nặng phù sa. Mùa nước ngọt,  dòng sông trổ một rừng bông súng trắng. Trái giác, bông súng, cá rô tạo thành nồi canh chua miễn phí mà ngon đến tuyệt vời. Đến lúc nước cứng, còn gọi là nước ba chè, tức những ngày giao điểm giữa hai mùa ngọt mặn, cá nước ngọt bị nước mặn đuổi chạy thành bầy, kéo vừa xong tay lưới thì cá lóc, cá trê đã quấn chìm phao. Đến mùa nước mặn, suốt con nước rong, tôi với chiếc xuồng con bơi trên dòng sông đặt cua, giăng lưới, lòng lại nơm nớp đợi con nước ròng trong con nước kém, dòng sông phơi đáy, tha hồ mà hì hục dưới bãi bùn để thụt lịt, mò tôm, bắt cá nâu theo ven đó, thụt cá ngát dưới hang  sâu...

 

            Hai mươi lăm năm qua, tôi trôi dạt nhiều nơi, sống với nhiều dòng sông khác, nhưng trong ký ức vẫn chỉ một dòng sông thời thơ ấu của mình.

 

            Cách đây khoảng hai tháng, có một đêm ngủ trong một khách sạn ở Sài Gòn, bỗng dưng tôi nằm mơ thấy mình trở về thăm dòng sông cũ, và tôi chợt hốt hoảng khi thấy con sông thay đổi đến lạ lùng, dòng nước không còn chảy và màu nước không còn ngầu đục phù sa. Dòng nước cứ đứng trân và màu nước phèn trong nhìn tận đáy, dưới đáy sông toàn lá mã đề, bông súng ma và cỏ lá hẹ bị nhuốm đỏ màu phèn, vài con cá lòng tong lội ngơ ngơ ngác ngác. Thế rồi như một đứa trẻ con, tôi ngồi gục đầu bên bờ sông và khóc mướt, khóc như tiếc thương một dòng sông không còn giống trong ký ức của mình. Sau đó tôi gặp lại lão cùi trong xóm, lão ta giải thích rằng ở ngoài kia, cuối nguồn con sông Phụng Hiệp, người ta đã xây một cái cống to để ngăn không cho nước mặn vào đây, từ đó đến nay dòng sông ngừng chảy. Tôi hỏi: "Ngăn nước mặn để làm gì?". Lão đáp: "Ngăn nước mặn để giữ nước ngọt". Tôi lại hỏi: "Giữ nước ngọt để làm gì?". Lão lại đáp: "Không biết, nhưng hình như từ ngày giữ nước ngọt đến nay con gái ở đây đẹp hơn trước". Tôi định nhờ lão dẫn tôi đi xem vài cô gái để đối chứng thì bài thể dục buổi sáng phát trên loa truyền thanh làm tan biến giấc mơ.

 

            Người ta nói giấc mơ chẳng qua là sự phản ánh một cách méo mó những hiện tượng của đời sống ban ngày. Biết thế, có hàng trăm giấc mơ rồi sau đó quên ngay, nhưng chẳng hiểu sao giấc mơ về dòng sông ấy cứ lảng vảng trong tôi cho đến bây giờ. Có một đêm nọ không ngủ được, nằm nghiền ngẫm về giấc mơ rồi nghe nhớ thương dòng sông cũ. Sáng hôm sau, tôi lái xe Honda lên cầu Láng Trâm rồi thuê đò dọc chạy về Giồng Bớm. Không còn nhận ra hình ảnh của con sông xưa, con sông rộng rong chơi giữa cánh đồng hoang thời thơ ấu. Bây giờ nó trở thành con kinh xáng, nhà ngói mọc đỏ đôi bờ. Và cánh đồng Phong Thạnh hàng chục ngàn hecta hoang hóa ngày xưa bây giờ con người đã chia nhau làm chủ, biến thành đất nuôi tôm, kinh xáng cắt ngang xẻ dọc như bàn cờ. Tất cả đều xa lạ, tôi hỏi thăm lão cùi trong giấc mơ hôm ấy, thì ra lão đã qua đời mười mấy năm nay.

 

            Tôi tìm đến nhà anh Hai Thái, anh mừng rỡ la lên gọi bà con xung quanh kéo đến. Sau một hồi nhắc lại chuyện xưa, tôi hỏi thăm chuyện làm ăn, anh Thái cho biết, mấy năm qua nhờ nuôi tôm sú, bà con ở đây giàu lên, chín đứa con của anh bây giờ đã có cuộc sông riêng, đứa nào cũng xây nhà ngói rộng thênh thang, có máy phát điện, tivi, đầu máy, vỏ composic, máy đuôi tôm...

 

             - Nhưng mà bây giờ khổ rồi chú ạ! - Anh bỗng thở dài - Nhà nước đắp đập, xây cống xung quanh để giữ nước ngọt coi như bít cái đường nuôi tôm, mà đất này thì làm sao trồng lúa, chắc rồi sẽ trả về sự hoang hóa như xưa.

 

            Anh Hai Thái chỉ tay xuống dòng sông rồi nói tiếp:

 

             - Hồi xưa chú ở đây chú biết, con sông này tôm cá đến cỡ nào, chỉ cần chài vài chài là ăn không hết, vậy mà nước ngọt hai năm nay, bây giờ không còn một con.

 

            Tôi ngậm ngùi nhìn xuống dòng sông, nước vàng nhạt màu phèn, dòng nước đứng trân không còn nước ròng nước lớn. Tôi chợt bồi hồi nhớ đến con bìm bịp, chắc những ngày đầu đóng cống, nó đã gọi đến khàn hơi mà không thấy con nước lớn quay về.

 

            Hôm sau, tôi lại về thăm cánh đồng Chó Ngáp, cánh đồng hoang nổi tiếng đói nghèo của bao nhiêu thế hệ đi qua. Vậy mà chỉ sau sáu bảy năm con người có sáng kiến đưa nước mặn lên đồng để nuôi tôm sú thì sự nghèo đói đã thuộc về quá khứ, nhà tường mọc trắng hai bên bờ sông, sự đổi đời giống như trong cổ tích. Chị Ba Chí ở ấp Chủ Chọt, xã Ninh Thạnh Lợi, kể với tôi, xứ này ngày xưa hiếm thấy ai đeo một chiếc nhẫn vàng, vậy mà bây giờ, hễ có đám tiệc, mỗi cô, mỗi bà đeo trên người năm bảy lượng. Nhà chị hồi trước nghèo rớt mồng tơi, làm năm mươi công ruộng mà năm nào cũng thiếu ăn. Vậy mà sáu năm nay nuôi tôm, năm nào cũng thu nhập từ hai trăm đến ba trăm triệu đồng. Tôi hỏi chị tích lũy được hai trăm cây vàng chưa, chị cười bẽn lẽn nói: "Làm gì nhiều vậy chú, khoảng một trăm thì có...". Rồi chị chợt buồn: "Nhưng mà hết rồi chú ơi, tôi thu hoạch vụ tôm này là vụ tôm cuối cùng...".

 

            Tôi hiểu chị Ba muốn nói gì khi đưa mắt nhìn xuống dòng sông...

           

            Nước ngọt về. Dòng nước như sự đói nghèo đè lên sự sống.

 

            Nước ngọt về. Đất đai sẽ về lại với hoang vu.

 

            Nước ngọt về. Sự đổi đời ở đây như vừa thoáng qua một giấc chiêm bao.

 

            Vậy mà dòng nước cứ về, mang theo một quyền lực vô hình không ai dám ngăn cản lại.

 

            Tôi chợt nhớ đêm qua ngồi nhậu ở Bạc Liêu, khi bàn tán về chuyện mặn ngọt, một cán bộ tỉnh nói với tôi: "Em không hiểu ngọt hóa để làm gì trong khi cây trái nước ngọt bây giờ rẻ thúi. Cậu Hai em trồng mận đường, hôm rồi hái một cần xé hai người khiêng không nổi nhưng bán chỉ được có năm ngàn đồng. Ông ta buồn quá bỏ vườn đi xuống Năm Căn thuê đất để nuôi tôm". Tôi vội vàng lấy sổ tay ra ghi chi tiết ấy thì anh ta hốt hoảng lên và năn nỉ:  "Trời ơi em lạy anh! Anh mà ghi tên em với câu nói ấy lên báo là kể như em mất chức như chơi!  Ở tỉnh này không ai dám ủng hộ nước mặn, phản đối nước ngọt cả vì sẽ bị kỷ luật".

 

            Những ngày sau đó, thỉnh thoảng xem chương trình thời sự của Đài Truyền hình Cà Mau, tôi bắt gặp những mẩu tin: Huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước xử lý hàng chục, hàng trăm cán bộ đảng viên và bà con nông dân tự ý đưa nước mặn vào ruộng để nuôi tôm trái phép. Rồi có một đêm nọ, Đài Truyền hình Cà Mau phát đi một phóng sự khá dài phản ánh tình hình nông dân đưa nước mặn vào ruộng để nuôi tôm đã lên cao điểm. Chỉ trong một đêm,   tại huyện Thới Bình, hàng trăm người hẹn nhau đi phá đến sáu cái đập cùng một lúc. Sáng hôm sau, huyện phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đắp lại, và một số người chủ mưu đã bị bắt giam. Điều mà tôi chú ý nhất trong phóng sự này là phát biểu của Bí thư Huyện ủy Thới Bình - anh Nguyễn Quốc Việt - anh khẳng định rằng hành động của bà con không nhằm mục đích chống chủ trương của Nhà nước mà xuất phát từ nhu cầu bức xúc vì chén cơm manh áo.

 

            Hai hôm sau tôi hành trình xuống Thới Bình, Việt tiếp tôi tại Văn phòng Huyện ủy với gương mặt còn ẩn chứa những nét lo âu:

 

             - Khổ lắm anh ạ!  Làm đúng theo chủ trương thì dân đói, còn làm theo ý dân thì chẳng khác nào mình chống lại chủ trương. Từ ngày đưa nước ngọt về đến nay nông dân càng khổ thêm vì hạt lúa đã khủng hoảng thừa. Giá lúa từ sáu mươi ngàn đồng tuột xuống còn hai mươi ngàn đồng một giạ. Hiện nay trong huyện còn ứ đọng trên ba mươi ngàn tấn, bà con muốn bán - dù bán lỗ - để trả nợ ngân hàng, trả nợ vật tư nông nghiệp và để trang trải chi phí gia đình nhưng chẳng ai mua. Giá khóm từ một ngàn hai trăm đồng tuột xuống chỉ còn một trăm đồng một trái. Cây mía từ ba trăm đồng nay chỉ còn một trăm hai mươi đồng một ký... Nói chung tất cả các loại cây trái thuộc hệ sinh thái nước ngọt đều rớt giá thê thảm. Chỉ có con tôm mới có thể mang lại sự đổi đời cho nông dân, đưa họ từ kiếp cơ bần trở thành những nhà giàu có. Nhưng toàn bộ diện tích đất Thới Bình lại nằm trong dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau, trong đó có mười hai ngàn ha đất phèn trũng, hoang hóa lâu đời, mấy năm nay bà con nuôi tôm trúng, thậm chí giàu lên. Bây giờ mình cấm đưa nước mặn vào thì chẳng khác nào trả đất trở về hoang hóa, đưa nông dân trở lại kiếp nghèo...

 

            Sáng hôm sau Việt lấy ca-nô đưa tôi đi thăm những cánh đồng nuôi tôm dang dở. Cũng như đồng Chó Ngáp, từ kinh Chợ Chủ, kinh Ông Bường qua Cây Khô, Đầu Nai, Láng Cháy, Ban Can, Tràm Thẻ... những cánh đồng năn ngút ngàn bao đời hoang hóa, đói nghèo bây giờ nhà ngói giăng giăng.

 

            Việt nhìn đăm chiêu lên cánh đồng và nói với tôi bằng giọng bâng quơ như tâm sự với chính mình:

 

             - Có lẽ đây là vụ tôm cuối cùng nếu không có giải pháp nào khác!

 

            Việt đi đến đâu, bà con hai bên bờ kinh cứ vẫy chào, mời gọi như người thân. Hai năm trước, Việt mới tròn ba mươi sáu tuổi, không hiểu lý do gì, từ một phó chủ tịch huyện, anh được bổ nhiệm thẳng lên làm bí thư huyện ủy. Nhìn cái tướng ốm ốm, cao cao, nước da trắng như con gái, gương mặt hiền lành, giọng nói nhỏ nhẹ, từ tốn, tôi có cảm giác Việt là một thầy giáo thì đúng hơn là một bí thư. Vậy mà có lần anh Ba Chủ, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện, nói với tôi: "Thằng Việt  cư xử với mấy anh mấy chú cán bộ cấp dưới rất lễ phép nhưng cũng rất kiên quyết nên ai cũng vừa thương vừa ngán nó". Rồi anh kể sang chuyện khác: Bà con Thới Bình đặt cho Việt cái tên rất buồn cười là Việt hai tấc, số là vào tháng mười một năm ngoái, đang mùa nước mặn, bà con vừa thả tôm giống xuống đầm nuôi được hơn một tháng thì tỉnh chỉ thị cho các huyện nằm trong vùng ngọt hóa bán đảo Cà Mau phải bơm nước mặn ra khỏi đầm để đưa nước ngọt về trồng lúa theo quy hoạch. Hàng ngàn máy bơm tập trung về khởi động ở khắp các đầm tôm và các đầu kinh từ huyện U Minh sang huyện Thới Bình. Thấy bà con vừa bơm vừa khóc, Việt xót xa cho tiền tỷ của nông dân vừa đổ xuống đầm lại bị hủy hoại đi, anh liền chạy lên tỉnh cầu xin và giải thích rằng, bây giờ là mùa khô, có tát cạn đầm thì cũng không đưa nước ngọt về kịp để trồng lúa, hơn nữa nếu phơi đất suốt mùa khô thì nước mặn sẽ thấm sâu vào lòng đất, mùa sau sẽ không trồng được lúa. Biết rằng bà con nuôi tôm thêm vụ này là vi phạm chủ trương, vì vậy để cảnh cáo, chúng ta nên tát tượng trưng, chừa lại hai tấc nước trên đầm để bà con bắt cá sống qua ngày, vừa giữ cho đất không bị khô nẻ để mùa sau trồng lúa. Tỉnh đồng ý. Việt chỉ đạo cho các xã đo giữ lại hai tấc nước trên mặt đầm, nhưng anh rỉ tai nói nhỏ rằng nên đo những chỗ gò cao để giữ nước cho tôm đừng chết. Thế là năm ấy, Việt đã cứu cho bà con được một mùa tôm, có người thu hàng trăm triệu. Từ đó, bà con đặt cho anh cái tên là Việt hai tấc để ghi nhớ hai tấc nước mà anh đã giành lại để cứu một mùa tôm.

 

            Hiểu hết sự giàu có ở đây mới thấy dòng nước mặn quý giá đến vô cùng. Việt kể với tôi về chuyện ông Tư Râu ở kinh Ông Bường, một người chuyên nghề cắm câu giăng lưới để nuôi vợ và sáu đứa con. Hằng ngày, cá ngon ông không dám ăn, cũng không bán cho các chủ vựa mà mang thẳng đến mấy chủ tiệm vàng ở chợ Thới Bình để kiếm thêm vài ngàn đồng một ký. Thế rồi năm ngoái ông nuôi tôm sú trên sáu mươi công đất hoang sau nhà, thu hoạch vụ đầu tiên được hai trăm tám mươi triệu đồng. Hai vợ chồng ông ôm tiền đi mua vàng, người chủ tiệm vàng từng mua cá của ông bỗng giật mình rồi đâm nghi tiền giả, bà lén gọi  điện thoại mời công an đến, nhưng người công an ấy biết được ông vừa mới trúng tôm. Tôi đến thăm nhà ông, ngôi nhà mới xây hình chữ L giống như cái trường học. Tiện nghi trong nhà cũng mới mua, đầy đủ và sang trọng như một gia đình giàu có lâu đời. vẫn còn đó căn chòi ọp ẹp dưới mé kinh với mấy bộ vạc tre, mấy cái lò đất, mấy cái nồi nhôm nhuốm đen màu khói, ông không dùng nữa nhưng gài cửa để đó như thứ kỷ vật của một đời nghèo khó. Tôi cảm động nhìn mấy đứa con ông, mặt mày đen sạm, đầu tóc vàng hoe, dường như chúng chưa hết ngỡ ngàng trước sự giàu sang đột ngột, những ánh mắt lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác khi nhìn những thứ đồ đạc trong nhà, từ máy phát điện, tivi, salon, giường nệm, tủ kính, bếp gas... Có lẽ chúng bị choáng ngợp bởi tất cả sự sang trọng ấy đến cùng một lúc làm cho chúng bàng hoàng như một giấc mơ.

 

            Trên đường đi qua Tràm Thẻ, anh Sáu Phố, Bí thư xã Tân Phú, nói với tôi:

 

             - Lát nữa tao sẽ dẫn mày tới nhà thằng Ba Nùng, mới ba năm trước đây, nó còn rón rén đến nhà tao hỏi vay một trăm ngàn để mua lưới cá rô, tao cho nó mượn. Mấy tháng sau đến trả tiền, tội nghiệp, nó cho tao mấy ký cá rô mề. Vậy mà bây giờ, tài sản tao không bằng cái lai nào của nó. Mới nuôi tôm có ba năm mà nó xây cái nhà năm trăm triệu, rồi sang huyện Cái Nước mua thêm mấy trăm công đất nuôi tôm.

 

            Chúng tôi ghé nhà anh Ba Nùng thì anh đi vắng. Đứng dưới bờ sông nhìn ngôi nhà đồ sộ với lối kiến trúc hiện đại mọc lên trên cánh đồng của những trăm năm nghèo khó, tôi càng thấy thương thêm những ánh mắt ngỡ ngàng của mấy đứa con chú Tư Râu.

 

            Không gặp được anh Nùng, Việt đưa chúng tôi đến nhà anh Tư Nhàn cách đó vài trăm mét. Cũng ngôi nhà hộp đổ nóc bằng theo kiểu Mỹ, bên trong dán gạch men lên tới nóc nhà. Nhàn cho biết anh vừa mới xây ba trăm triệu, anh dẫn chúng tôi ra cầu thang đi lên sân thượng để nhìn bốn bên cánh đồng Tràm Thẻ mênh mông, những ngôi nhà tường cứ giăng giăng trên từng ô đất nuôi tôm giống như những quân cờ bất động. Việt nói: "Tràm Thẻ ngày trước nghèo nhất, bây giờ trở thành nơi giàu nhất Thới Bình". Nhàn nói: "Nhưng bây giờ sắp nghèo trở lại rồi anh Việt". Việt hiểu Nhàn muốn nói gì, anh không trả lời, chỉ lặng người đi và nhìn những chùm hoa mua nở tím ven sông. Tôi nhìn theo hướng nhìn của Việt và chợt nhớ ra rằng, trên những vùng đất phèn chua, hoang hóa như thế này ngày xưa dày đặc hoa mua. Có lẽ vì thế mà mẹ tôi từng nói, hoa mua tuy đẹp nhưng tượng trưng cho sự đói nghèo, khổ hạnh.

Anh Nhàn kể, từ khi anh lớn lên thì đã thấy đất Tràm Thẻ hoang vu. Mùa mưa nước sâu ngang ngực, người ta khai thác cánh đồng này bằng cách bơi xuồng đi  giăng lưới cá rô và nhổ năn bột đem bán để kiếm sống qua ngày. Mùa hạn thì tìm đến những nơi gò cao đốt đồng bắt chuột. Sau giải phóng, Nhà nước quy hoạch thành khu kinh tế mới của quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Chẳng bao lâu dân Tân Bình bỏ chạy. Tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng khu kinh tế mới cho dân Hà Nam Ninh, dân Hà Nam Ninh lại bỏ chạy. Huyện Thới Bình thấy rằng đất này không thể nuôi sống con người nên quy hoạch thành vùng đất cầm trâu. Gia đình Nhàn ở Chợ Hội, nhà nghèo lại đông anh em nhưng cha mẹ chỉ có mười công đất ruộng nên không thể chia đều nhau, mà sống chung thì cũng không đủ gạo ăn. Để nhẹ gánh cho gia đình, Nhàn tình nguyện ra đi. Năm 1983, anh cùng vợ và ba đứa con trên chiếc xuồng ba lá chèo chống  về đây, đốn lá dừa nước dựng lên căn chòi bằng ý chí của An Tiêm giữa đồng hoang, lúc này anh mới hai mươi lăm tuổi. Tư Nhàn khai phá mười hai ha để trồng khóm, liên tục thất bại hai năm, anh quay sang trồng điều, lại thất bại, anh chuyển qua trồng dừa, dừa chết sạch, anh trồng trúc, trúc không lớn . Đói rách, nhà sập, con bệnh cùng một lúc bốn đứa. Vợ chồng anh bỏ nhà chở con ra bệnh viện Cà Mau sống như cảnh ăn mày. Chữa xong bệnh cho bốn đứa con, Nhàn trở về dựng lại căn chòi, sửa lại chiếc xuồng ba lá và làm lại cuộc sống bằng cái nghề giăng lưới cắm câu, nhổ năn và săn bắt chuột đồng. Năm 1995, một số hộ thử nghiệm đưa nước mặn lên đồng nuôi tôm sú có hiệu quả. Đất Tràm Thẻ bỗng thức dậy sau giấc ngủ mấy trăm năm. Đứng trước mười hai ha đất mà không có một đồng vốn trong tay, Nhàn quyết tâm dùng sức lao động của mình, anh kéo vợ con ra ban liếp, đắp bờ suốt cả ngày đêm. Cải tạo đất xong, vợ chồng anh chia nhau về quê, tìm đến bà con thân tộc vay mượn được hai lượng vàng để mua tôm giống. Con tôm lớn dần, Nhàn cứ hồi hộp, bồn chồn đến không ngủ được. Nhiều đêm anh thức trắng, cầm đèn pin rảo quanh bờ vuông để kiểm tra, canh giữ, đợi chờ. Bốn tháng sau, Nhàn thu hoạch được... ba trăm triệu đồng! Căn chòi ọp ẹp, rách rưới không có chỗ để cất tiền, Nhàn xây nhà đúc. Từ ấy đến nay, ba năm liên tiếp, mỗi năm Nhàn thu hai trăm năm mươi triệu. Riêng năm nay, anh nói nước ngọt về, chỉ vớt vát được khoảng một trăm triệu rồi vụ mùa sau sẽ không còn nuôi được nữa.

Nhàn sai con đi mua chai rượu rồi luộc hai dĩa tôm sú loại nhất mang ra đãi chúng tôi. Nhìn hai dĩa tôm bỗng dưng tôi nhẩm tính, giá trị của nó tương đương với mười lăm giạ lúa, bằng ba ngàn trái khóm, bằng hai tấn rưỡi mía đường, bằng bốn chục ký sầu riêng Cái Mơn, và bằng sáu chục cần xé mận mà anh cán bộ ở Bạc Liêu đã kể với tôi hôm trước. Nhàn vừa rót rượu vừa nói :

 

            - Từ ngày đắp đập đến nay, tụi em xem nước mặn quý như vàng. Nhiều người đi chở từng ghe về đổ xuống đầm tôm. Họ nói giá mà mở cống cho nước mặn tràn về, họ sẽ uống một bụng cho đã.

 

            Anh Sáu Phố quay sang nói với tôi:

 

            - Nhà báo nghe chưa ? Dân ở đây khát khao nước mặn đến như vậy đó, mày có cách nào nói thay nguyện vọng của họ được không?

 

            Tôi không trả lời anh mà chỉ đọc mấy câu thơ Tố Hữu:

 

Hỡi những con khôn của giống nòi

Những chàng trai quý gái yêu ơi!

Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước

Chọn một dòng hay để nước trôi?

Nhàn nhìn Việt cười nói:

- Cái vụ này hay à! Chọn đi anh Việt!

Việt nói:

- Trong trường hợp này tôi không được quyền lựa chọn.

                              

                                      *

            Kỹ sư Ngô Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Cà Mau, cầm ăng-ten chỉ lên bản đồ và giải thích với tôi: "Ngọt hóa bán đảo Cà Mau là một chương trình quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ dự án với tổng số vốn  đầu tư là một ngàn bốn trăm tỷ đồng. Khái niệm về ngọt hóa, trước hết phải hiểu là ngăn mặn từ các cửa biển để giữ nước ngọt từ sông Hậu đổ về. Mục tiêu của dự án này là tạo ra hệ sinh thái nước ngọt cho ba trăm ngàn hecta nằm trên bán đảo Cà Mau gồm bốn tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Trong hệ sinh thái nước ngọt trên ba trăm ngàn hecta này, mục tiêu hàng đầu vẫn là cây lúa...".

 

            Cách nay mấy hôm, Giáo sư -Tiến sĩ Võ Tòng Xuân có cho tôi xem một bài viết còn trên máy vi tính của ông với tựa đề:  Sự quyến rũ của dòng nước mặn trên bán đảo Cà Mau, theo ông, hệ sinh thái một mùa mặn một mùa ngọt trên bán đảo Cà Mau là một đặc điểm vô cùng quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người, hiếm có nơi nào trên trái đất này có được hệ sinh thái tự nhiên độc đáo như vậy. Ông nói, ngọt hóa có nghĩa là phá vỡ và làm đảo lộn hệ sinh thái tự nhiên thì chúng ta sẽ trả một giá rất đắt. Hơn nữa, hạt lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long đang khủng hoảng thừa, các loại cây ăn trái cũng đang khủng hoảng thừa thì chúng ta đầu tư  phát triển hệ sinh thái nước ngọt để làm gì, trong khi đất nước đang cần đô-la mà nguồn xuất khẩu mạnh nhất của chúng ta hiện nay vẫn là con tôm. Xu thế chung của khoa học thế giới hiện nay là con người phải biết dựa vào những ưu điểm của thiên nhiên để khai thác, để giữ gìn và tôn tạo, không nên phá vỡ nó. Cái tư tưởng thay trời đổi đất sắp xếp lại giang sơn chẳng những đã lỗi thời mà còn trái với quy luật tự nhiên.

Có một buổi chiều tôi dạo chơi trên cống Cà Mau, một công trình được đầu tư gần ba mươi tỷ đồng để ngăn dòng chảy cuối cùng ở hạ nguồn con sông Phụng Hiệp. Cái ranh giới giữa hai dòng mặn ngọt này đã làm cho con sông Cà Mau không còn lưu thông ra biển. Từ đó đến nay, lòng sông âm thầm chịu đựng bao nhiêu thứ chất thải trong mọi sinh hoạt hằng ngày của cư dân trên hai dãy phố ở hai bên bờ sông. Nó như con rắn khổng lồ bị tử thương nằm thối rữa giữa lòng thành phố. Bất chợt, tôi nhớ đến bộ phim tài liệu có cái tên Dòng sông ra biển mà tôi đã làm cách đây cũng khá lâu, ở đoạn kết, tôi dựng cảnh một dòng sông ngoằn ngoèo rồi chồng mờ lên cửa biển, và lời bình của Tố Nhi đã viết như sau: Dòng sông nào rồi cũng đổ ra biển cả, biển chính là nơi giãi bày tâm sự của mọi dòng sông. Thương thay cho những dòng sông từ nay đã không còn được giãi bày tâm sự cùng biển cả. Và, biết đâu sự ức chế của những dòng sông ấy sẽ làm biến đổi tính cách con người...!

 

                                                            Cà Mau, tháng 7 năm 2000

Võ Ðắc Danh
Số lần đọc: 5212
Ngày đăng: 05.05.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cùng một tác giả
Mùa trái mắm (tạp văn)
Nhớ đồng (tạp văn)
Nồi cháo trắng (truyện ngắn)
Thư Sài Gòn (tạp văn)