Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
667
116.669.584
 
Văn chương của chú mục đồng
Võ Ðắc Danh

Từ Hà Nội, nhà thơ Lê Chí gọi điện về  báo tin vui với tôi rằng Phan Trung Nghĩa vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn. Vào Hội là chuyện bình thường đối với người viết văn, nhưng với Phan Trung Nghĩa, hẳn là chuyện hiếm hoi trong làng văn Việt Nam vì xuất thân của anh là một chú mục đồng.

 

            Cách đây hơn hai mươi năm, khi tôi xin vào làm phóng viên báo Minh Hải thì Phan Trung Nghĩa đã có mặt ở đây trước tôi ba tháng. Hồi ấy, anh em làm báo hầu như không có ai được đào tạo chính quy, chủ yếu là những phóng viên chiến trường, sau giải phóng được đào tạo ngắn hạn ở Thủ Đức, còn lại là học sinh phổ thông hoặc học viên các trường bổ túc văn hóa. Công việc tập sự cũng rất đơn giản: Chỉ cần một bản tin được đăng báo là được tuyển vào làm phóng viên chính thức.

 

BUỒN NHƯ KHÓI ĐỐT ĐỒNG

 

            Phan Trung Nghĩa cũng thế, học xong lớp bảy bổ túc văn hóa ở huyện, anh xin vào làm phóng viên sau khi được đăng một mẩu tin ngắn về sản xuất lúa hè thu ở huyện nhà. Nhưng rồi sau đó hàng loạt bài viết của anh không được sử dụng, Ban Biên tập kết luận rằng anh không có khả năng làm báo. Cuối năm ấy - năm 1981 - ông Tổng Biên tập ký quyết định chuyển Phan Trung Nghĩa sang làm công nhân bốc xếp của Xí nghiệp Sản xuất bột giấy Tân Hải - một cơ sở sản xuất tự túc của Tòa soạn. Chuyện đã hơn hai mươi năm rồi nhưng tôi vẫn còn nhớ như in, hôm ấy tôi từ trên lầu đi xuống, gặp Phan Trung Nghĩa giữa cầu thang, tay run run cầm tờ quyết định mà hai hàng nước mắt chảy dài, môi lắp bắp với cái giọng cà lăm: Tao... tao đi gặp ông Tám Khanh để trả cái quyết định này cho ổng rồi về nhà nhai lúa nuôi heo, tao xin vào đây làm báo chớ không phải xin vào để làm thằng bốc vác…

 

            Nhờ anh Bảy Minh - phó tổng biên tập - can thiệp, cái quyết định ấy được tạm hoãn lại để thử thách Phan Trung Nghĩa thêm sáu tháng. Nhưng một bất ngờ, không cần phải đến sáu tháng mà ngay trên tờ báo Xuân năm 1982, Nghĩa xuất hiện với hai bài ký Vĩnh Lộc bây giờ với điệu múa Lâm Thôl và Anh Tư Sành với đất Bào Năn đã vượt trội hẳn những bài viết của các bạn bè đồng nghiệp. Những ngày sau Tết, tôi đi công tác xuống các huyện, nhiều bác nông dân hỏi tôi: Phan Trung Nghĩa là ai? Rồi họ đem hai bài viết ấy ra bàn tán và nhờ tôi có dịp nào dẫn Phan Trung Nghĩa xuống nhậu chơi.

 

            Từ đó, mỗi lần có bài viết của Phan Trung Nghĩa trên báo, anh Bảy Minh luôn tỏ ra tự hào về sự can thiệp và phán quyết của mình. Giữa năm 1983, cơ quan cử một số phóng viên đi tập huấn lớp nghiệp vụ ngắn hạn ở Vũng Tàu, trong đó có Phan Trung Nghĩa. Nhưng trước ngày lên đường, một tai họa thảm khốc đã giáng xuống đời anh: Mẹ anh và đứa em gái đi kéo tép bị chết chìm dưới sông Vàm Lẻo. Bà con ở xóm Thào Lạng, Bào Năn đổ xô đi mò khắp con sông Vàm Lẻo nhưng vô vọng. Một ngày sau, xác mẹ anh nổi lên, làm đám tang, chôn cất xong rồi người ta mới vớt được xác của người em gái.

 

            Cuộc đời của Phan Trung Nghĩa đã tạo nên dấu ấn trong tôi từ đó. Một mái lá xiêu vẹo, trống trơ, một mảnh đất khô cằn nhuốm màu phèn mặn, hai ngôi mộ nằm song song bên bờ sông Vàm Lẻo, con sông lúc nào cũng chảy xiết tạo trên mặt sông thành những hình xoắn ốc đã cuốn trôi của Nghĩa hai người thân. Trong căn nhà ấy, một người cha già ủ rũ và một đàn em nheo nhóc. Cuộc đời Nghĩa buồn như sương khói đốt đồng phủ lên những đàn trâu, và, những ngọn khói ấy thỉnh thoảng tôi lại đọc thấy trên nhiều trang viết của anh.

 

            …Nhà nghèo, quê nghèo, lại trong buổi loạn ly, chúng tôi chưa được học một bài về tình yêu quê hương đất nước mà tự nhiên cái hồn đồng đất quê hương nó nhập vào hồn người, nó dạy mình làm người, thấy cánh đồng của làng cao vòi vọi như người mẹ, cánh đồng với những sợi khói un trâu mềm mại tỏa trắng hai bên bờ sông, cánh đồng sinh ra lúa, cá, ếch, chim… để nuôi mình lớn lên chẳng khác nào người mẹ. Một quê hương nghèo tất đời người sẽ buồn tênh và hồn người sẽ nhạt nhẽo. Thế nhưng tạo hóa cũng công bằng, ban cho cánh đồng nhiều sản vật để làm nên những ngày hội cho dân quê có niềm vui nho nhỏ. Và những ngày hội đó đã khắc họa nên bản sắc đồng quê, văn hóa đồng ruộng  (Hương đồng).

 

CÁI HỒN CỦA ĐẤT BẠC LIÊU

 

            Cuộc đời hợp rồi tan. Tôi lao vào cuộc mưu sinh tận xứ rừng xứ biển, cuộc vật lộn này nặng nhọc đến nỗi bẵng đi mấy năm tôi không đọc được gì của người đồng nghiệp cũ. Một hôm gặp nhau tình cờ, Nghĩa đưa tặng tôi tập truyện ngắn Hương cau, khiến tôi thật sự bất ngờ. 

           

            Thật ra, Phan Trung Nghĩa đến với văn chương không sớm và có vẻ chậm nữa là khác. Sau nhiều năm viết báo, mới thấy anh rụt rè đưa ra đôi cái truyện ngắn đăng trên vài tờ báo và tạp chí Văn nghệ địa phương. Không phải ngay lúc đầu chúng đã làm giật mình người đọc.  Nhưng đối với những người viết văn, những truyện ngắn đầu tay ấy của Phan Trung Nghĩa đã cho thấy một dự báo. Anh không cất công đi tìm những đề tài mới lạ, không dụng công làm mới trong hình thức thể hiện, nhưng những gì anh viết cho thấy anh thật am hiểu về chúng, am hiểu tường tận từng chi tiết. Chẳng những thế, anh còn rất thiết tha với chúng, chúng như bước ra từ chính cuộc sống của anh, máu thịt của anh, chúng làm nên một sự chân thành hiếm có. Chính điều này đã làm người đọc bị thuyết phục và buồn vui, chia sẻ cùng anh. Và phải chăng, sự chia sẻ này cũng góp phần nuôi dưỡng trong anh sự bền chí. Cũng phải mất ròng rã chục năm  Phan Trung Nghĩa mới đưa được đến người đọc tập truyện ngắn Hương cau này.

 

            Nhưng với nhận xét của riêng tôi, Phan Trung Nghĩa không phải là người viết mạnh về truyện. Ở địa hạt này, nó còn do khí chất riêng và trí tưởng tượng của từng nhà văn. Phải nói thành thật, Phan Trung Nghĩa không phải nhà văn được trời cho một trí tưởng tượng thăng hoa. Có lẽ anh cũng nhận ra mạnh yếu của mình, nên trên con đường sáng tác, càng về sau anh càng nghiêng về mảng bút ký văn học. Và, từ những bút ký in rải rác các báo, năm 1999 người đọc đã có thêm được tập bút ký và phóng sự Đạo gác cu miệt vườn. Xin cho tôi được bỏ qua đôi bài phóng sự nặng tính vụ việc, mà có lẽ khi đưa vào tập này, ý tác giả không gì khác hơn là làm tăng trang cho quyển sách dễ coi, thực chất nó không ăn nhập được với cuốn sách. Còn lại là một loạt các bút ký đậm nét về một vùng đất, ấn tượng về số phận của những con người mà phần lớn là những cuộc đời bé mọn, bèo bọt đến dị thường. Không chỉ có đất, nó còn có cả cái linh hồn của đất. Nhưng cũng chẳng có chuyện gì mới lạ. Trái lại chúng hết sức quen thuộc. Chúng quen thuộc đến nỗi nhiều người trong chúng ta cùng sống với anh đã lờn đi, đã không còn nghĩ tới chúng, không còn thấy gì trong ý nghĩa tồn sinh của chúng. Nhưng anh lại thấy, lại nghĩ, lại nhận ra những ý nghĩa nhân sinh lấp lánh. Chuyện gác cu, chuyện soi  ếch, chuyện nuôi sáo, chuyện cây dừa nước, chuyện đặt trúm v.v… tôi cũng biết như Phan Trung Nghĩa và cũng không ít người đã viết về chúng. Nhưng khi đọc Phan Trung Nghĩa, nó như có một sự ám ảnh nào đó với tôi về biến thiên của cõi người ta này. Chính ra anh không chỉ viết bằng sự hiểu biết, bằng cặp mắt tinh tường của một nhà văn, mà anh còn viết bằng cả sự hoài nhớ, bằng trái tim đau đớn khi những gì làm nên nét văn hóa của vùng đất này đang từng ngày mất đi.

 

VÀ CÁI TÂM CỦA NGƯỜI CẦM BÚT

 

            Trong tập bút ký này có hai bài viết về hai số phận: Một gã câm sống lây lất trong làng và một gia đình khùng điên sống mấy đời người nơi xó chợ.

Cái ông câm trong làng Phan Trung Nghĩa sống lây lất làm người chẻ củi, gánh nước, người để cả làng sai vặt trong lúc đình đám tiệc tùng, để rồi sau đó chỉ nhận được tô cơm nguội ngoài chái bếp, một con người không còn khái niệm được cả những thay đổi thời cuộc. Thế nhưng, chính người câm này trong đêm ba mươi Tết đã trở về khóc dưới bàn thờ tổ tiên, trong ngôi nhà của tổ tiên nhưng đã bị những đứa cháu không câm và khôn ngoan lừa bán đi. Và Phan Trung Nghĩa phát hiện vì sao mà ông câm không thể rời đi khỏi làng. Nhà văn còn có một phát hiện rụng rời nữa: mặc dù không nói được tiếng người, nhưng tiếng khóc ông câm là tiếng khóc của con người.

           

            Cái gia đình thứ hai không nhà cửa là của chị Nguyệt Khùng. Chị là con hoang của một người khùng với một lần say rượu của một gã bất lương nào đó. Đến lượt chị cũng lại sinh ra một đứa con với một gã bất lương say rượu khác. Ba thế hệ không nhà này sống đời ăn xin. Nhưng khi bà mẹ khùng lâm bệnh, biết mẹ không qua nổi, chị Nguyệt Khùng đến một trại hòm, chị nói rằng chị không xin tiền, chỉ xin ông chủ trại một cái hòm. Ngỡ là lời nói của người khùng điên, ông chủ trại nói rằng, chị dám xin thì ông dám cho. Thế là chị Nguyệt bỏ đi. Nhưng khi mẹ mất, chị đến trại hòm nhắc lại lời hứa của ông chủ. Ông chủ này hoảng sợ vì mê tín, nên đã chở hòm đến cho chị mai táng mẹ, đem hỏa thiêu, rồi đem vô chùa thờ phụng. Một người tỉnh táo trong trường hợp này khó bề làm được như chị Nguyệt. Nhưng không phải chị hết khùng, nếu ai đó trêu chọc xúc phạm, chị vẫn có thể cởi quần giữa chợ. Những người khùng như chị Nguyệt ai mà không gặp. Nhưng nhìn thấu như Phan Trung Nghĩa hẳn không nhiều. Và, vì thế mà anh trở thành nhà văn.

Võ Ðắc Danh
Số lần đọc: 3402
Ngày đăng: 05.05.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cùng một tác giả
Mùa trái mắm (tạp văn)
Nhớ đồng (tạp văn)
Nồi cháo trắng (truyện ngắn)
Thư Sài Gòn (tạp văn)