Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
681
116.704.640
 
Bà chúa vỉa hè
Võ Ðắc Danh

Tiểu Hương không ngần ngại cho tôi xem những vết thẹo trên người. Và, cô cũng không ngần ngại khi kể về lai lịch đau buồn của những vết thẹo ấy: “Lần đầu tiên em bị bán vào động gái ở Vũng Tàu, em kiên quyết không tiếp khách và tìm cách trốn ra khỏi nhà. Chúng bắt em lại, lột hết áo quần, trói vào góc giường rồi dùng hai thanh sắt nung đỏ đốt hai bên hông. Chúng đốt chổ nầy để mình không mặc được áo quần, vừa để cảnh cáo những cô gái khác. Còn đây, hai vết thẹo nầy là do bọn du đảng ở bến xe Miền Đông dùng dao cắt khi em kháng cự lại trò hiếp dâm tập thể của chúng. Em đã sang Singapore làm thẩm mỹ mấy lần nên mới được như thế nầy, chớ hồi xưa thấy ghê lắm !”

 

Tiểu Hương nói, trong cuộc đời gần hai mươi năm đi bụi của mình, cô thề không với mấy điều: thứ nhất là không bán dâm, thứ hai là không chích xì ke, thứ ba là không móc túi và trộm cắp, thứ tư là không nói dối, thứ năm là không ăn xin. Ba điều sau cùng cô đã làm được, nhưng không bán dâm thì cũng bị người ta bắt đem đi bán từ động nầy sang động khác, bị cưỡng dâm còn tủi nhục hơn cả bán dâm. Không chích xì ke thì cũng bị bọn ma cô cưỡng chích cho ghiền để chúng dễ dàng điều khiển theo luật giang hồ.

 

Hỏi cô hết nghiện từ bao giờ, cô nói có một đêm mưa ở công viên Lê Lai, cô thấy mấy người bạn gái của mình vừa mắc mưa, vừa lên cơn nghiện, lại bị ghẻ lở khắp người, họ nằm rên la dưới gốc cây. Tiểu Hương đến ôm bạn khóc và lấy đá bỏ vào miệng mình nhai để tự cay nghiện, dành những đồng bạc cuối cùng để đưa bạn vào bệnh viện.

 

Hỏi những câu chuyện buồn đau ấy xảy ra với cô vào những tháng năm nào, Tiểu Hương không nhớ. Cô nói đối với dân giang hồ thì làm gì có thời gian. Ngay cả tên tuổi, cha mẹ, quê hương, những điều được ghi hàng đầu trong lý lịch của mỗi con người thì với cô lại hòan tòan không có. Cái tên Tiểu Hương chỉ là một cái tên cuối cùng sau hàng chục cái tên mà cô đã mang trên bước đường lưu lạc từ Trung ra Bắc, rồi từ Bắc vô Nam. Đã bao lần cố nhớ, nhưng Tiểu Hương chỉ nhớ một cách mơ hồ rằng có một cụ già mà cô gọi bằng bà nội từng dắt cô đi ăn xin trên một sân ga nhỏ ở miền Trung. Trong những ngày sức mõi hơi tàn, bà trao đứa cháu cho hai vợ chồng người hành khách trên một chuyến tàu ra Bắc.

 

 Nơi Hương ở người ta gọi là Vĩnh Phú. Cô lớn dần trong bữa sắn bữa khoai, trong những trận đòn không thương tiếc của người dưỡng mẫu. Nhưng Hương càng lớn lên càng xinh đẹp. Và chính sắc đẹp ấy đã khiến người cha nuôi tước đọat sự trong trắng của cô khi cô vừa đến tuổi dậy thì. Bị bấn lọan, bị suy sụp nhưng Hương không biết chia sẻ với ai. Mét mẹ nuôi thì sợ bị cha nuôi giết chết – ông đã dọa như thế – mà tiếp tục chiều chuộng ông thì cô không thể. May thay, có vài người hàng xóm tốt bụng đã biết được chuyện ấy, họ gom lại một ít tiền để giúp Hương bỏ trốn. Một bà lão dẫn Hương đến ga Am Thượng, cô bước lên tàu mà chẳng biết mình sẽ phải về đâu. Từ đó, Hương nhập băng với nhóm trẻ bụi đời ngược xuôi theo những chuyến tàu vào Nam ra Bắc.

 

Thế nhưng, để bán được ly trà đá, một viên kẹo hay xin được chén cơm thừa trên tàu hỏa, trên những nhà ga đối với cô bé giang hồ trong những ngày đầu mới ra gàn không đơn giản. Nạn tranh bán, tranh ăn, ma cũ hiếp ma mới, nạn hiếp dâm, đánh đập của bọn côn đồ. . . chẳng bao lâu đã làm cho thân phận nhỏ bé của Hương trở nên bầm dập, những vết thẹo thù hận đầy người. Tiểu Hương bỏ tàu hỏa, lần theo đường ô tô đi bộ từ Lạng Sơn xuôi về phương Nam. Đi đến đâu, cô tìm cách kết bạn với những đứa trẻ cùng số phận, thấy ai hợp gu thì rủ nhau đi tiếp. Đêm ngủ gốc cây, ngày trực chờ trong hàng quán để vét từng miếng canh cặn cơm thừa. Trong cuộc hành trình vô định ấy, chẳng biết tự lúc nào, Hương nhập băng với đòan quân đi tìm trầm, đãi vàng lên tận Trường Sơn và Tây Nguyên với một khát vọng đổi đời. Nhưng đời đã không thay đổi mà tủi nhục thì cứ chất chồng thêm. Ngày thì quần quật đãi vàng trong bùn đất để đổi lấy chén cơm, đêm thì hầu hạ bọn ma cô đầy thú tính. Bị cưỡng hiếp, bị đòn roi, bị sốt rét và bị đói đến kiệt sức, hoa mắt, ù tai. Nửa đêm, Tiểu Hương bò ra rừng tìm lá cỏ non nhai lấy sức rồi bỏ trốn.

 

Trốn. Nhưng trốn đi đâu để thóat kiếp đọa đày của một cô gái bơ vơ mà nhan sắc đang trở thành cạm bẩy của chính mình ?

Vừa đến Vũng Tàu, Tiểu Hương lại bị bọn lưu manh bán vào động mại dâm. Lại trốn. Nhưng lần nầy nghiệt ngã hơn, chúng bắt cô trói lại, lột hết quần áo rồi dùng sắt nung đốt vào người. Bạn bè khuyên Hương nên chấp nhận bán dâm để sống, hay ít ra cũng gọi là được sống, nhưng cô đã thề, thà chết chớ không lấy thân xác làm phương tiện mưu sinh.

 

Thóat khỏi Vũng Tàu, Tiểu Hương vào Sài Gòn, cuộc sống đối với cô chẳng khác nào tránh vũng bùn nầy lại gặp vũng bùn khác lớn hơn, hôi thúi nhiều hơn. Nhưng có chăng là cô đã dày dạng hơn, có nhiều bản lĩnh hơn để đối phó với những hiểm họa trong giới giang hồ. Cuộc đời mênh mông nhưng đôi khi cũng vô cùng nhỏ hẹp, trong những ngày lang thang từ bến xe Miền Đông đến Sài Gòn, Chợ Lớn, bến xe Miền Tây . . .

 

Tiểu Hương gặp lại nhiều bạn cũ đã từng kết nhau ở miền Bắc, miền trung. Họ vừa khóc vừa kể cho nhau nghe những khổ đau trong những tháng ngày lưu lạc rồi chung lưng đấu cật, dựa vào nhau để tiếp bước bụi đời. Sống giữa bạn bè, Tiểu Hương nổi trội lên một đức tính, đó là đức tính thương bạn và sẵn sàng hy sinh vì bạn. Việc cô tự cay nghiện xì ke để dành tiền lo cho bạn đã được giới giang hồ truyền tụng với nhau. Hay trong những lúc đi kiếm ăn, đi trực chờ trước quán để vét canh cặn cơm thừa, cô sẵn sàng đi đầu, đưa lưng ra chịu những trận đòn túi bụi, nhưng khi đem được thức ăn ra ngòai, cô chia đều cho bạn bè, đứa nhỏ trước, đứa lớn sau, có khi đến lượt mình thì chỉ còn là những cặn bã trong cặn bã.

Trong những năm tháng khổ đau và tủi nhục ấy, có hai người đã lưu ý đến sự tốt bụng của Hương, và sự lưu ý đó như một định mệnh với cô sau nầy.

 

Trong những ngày sống ở bến xe Miền Đông, Hương tự nguyện làm công việc lau dọn xe để được bố thí miếng ăn và được ngủ trong xe để tránh mưa, đặc biệt là tránh những trò nham nhỡ của bọn lưu manh. Có một ông chủ xe đò nhà ở Bến Hàm Tử đã nhận Hương làm con nuôi, ông đặt tên cô là Hùynh Thị Mận thay cho đứa con gái của ông cùng trang lứa với Hương đã mất tích, ông làm giấy chứng minh nhân dân cho Hương theo tên Mận của con ông trong hộ khẩu, nhờ vậy mà Hương trở thành công dân chính thức của Sài Gòn. Thế nhưng khi vào sống trong gia đình ông, Hương gặp phải sự chì chiết của những người con ruột. Để tránh không khí lục đục ấy trong gia đình, Hương đã lặng lẽ ra đi.

 

Tronh những ngày bán thuốc lá dạo ở bến Bạch Đằng, có một thương nhân Đài Loan đứng tuổi tên W. đã nhận Hương làm con nuôi, ông nói rằng ông quý Hương là đứa trẻ cơ nhỡ nhưng đầy lòng nhân ái, biết hy sinh cho những bạn đồng khổ của mình. Mỗi tối ông thường ra đó ngồi uống cà phê, thay vì Hương đi bán thuốc kiếm lời thì ông cho cô hai ngàn đồng để cô ngồi nghe ông dạy tiếng Hoa, rồi ông thuê cho cô căn phòng trên lầu 2 đường Nguyễn Huệ. Thế nhưng Hương không ở mà mỗi tối cô kéo hàng chục đứa bạn về tắm rửa rồi ra vĩa hè cùng ngủ với bạn bè. Thấy trẻ bụi đời ngày nào cũng kéo về phòng trọ quá đông nên chủ nhà lo ngại không cho thuê nữa. Ong W. bảo Hương về ở với ông trong căn nhà thuê khá to trên đường Nguyễn Khắc Nhu. Cứ nghĩ đó là người cha nuôi tốt bụng, nhưng không ngờ một hôm, Hương bị ông cưỡng hiếp. Bị tuyệt vọng trước một tình cảm cha con mà cô cứ ngỡ thiêng liêng, không ngờ nó trở thành nhơ nhốp. Lòng tốt con người chỉ là trò giã dối chăng ? Bao nhiêu người nhân danh là cha đã đi qua đời cô như thế !

 

Trong lúc Tiểu Hương chụp lấy con dao toan tự tử thì lão W. bổng dưng quỳ xuống, mặt mày hốt hỏang van xin cô tha thứ, ông hứa từ nay sẽ không bao giờ dám nhìn mặt cô nữa và xin được gởi cô hai chục cây vàng để mua nhà ở, tìm cơ hội làm ăn để giúp đỡ bạn bè.

Có một điệp khúc mà nhiều bài báo trên các mạng intenet kể rằng: “Cầm 20 lượng vàng, Tiểu Hương đi mua một căn nhà trên đường Nguyễn Văn Cừ, ngay sáng hôm sau có người mua lại 45 lượng, Tiểu Hương đã bán và đi mua lại căn khác trên đường Lê Hồng Phong với giá 19 lượng, mấy hôm sau bán lại 30 lượng, cứ thế cô trở thành người kinh doanh nhà đất . . .”

 

Nhưng ít ai biết rằng, lúc đó Tiểu Hương đã kéo gần năm mươi người bạn cơ nhỡ của mình vào cuộc kinh doanh. Và, cùng với công việc ấy, cô đã thuê gần hai trăm phòng trọ ở rãi rác trong thành phố cho trẻ bụi đời làm nơi tắm rửa. Cô nói, đối với dân bụi đời, nhất là con gái, chuyện bức xúc nhất của mỗi ngày là tìm một nơi tắm rửa. Phải cho tụi nó có chổ tắm trước rồi mới tính đến chổ ở, miếng ăn, học hành, nghề nghiệp để trở thành người tử tế.

 

Ngay từ những năm đầu tiên của thập niên 90, khi sự nghiệp kinh doanh mới bắt đầu phát triển, dù không có tư cách pháp nhân, nhưng Tiểu Hương đã họach định một nguyên tắc trong nhóm bạn của mình theo luật giang hồ rằng, trong mỗi thương vụ làm ăn, phải dành ra 30 phần trăm lợi nhuận để giúp trẻ bụi đời. Từ những căn phòng nhỏ ban đầu làm nơi cho các em tắm rửa, cô đổi sang những căn phòng trọ lớn hơn, mỗi phòng có thể ở được năm bảy đứa, cô cấp gạo, cấp tiền ăn và dạy các em tự quản, đứa lớn chăm sóc cho đứa nhỏ, đứa thì đi học văn hóa, đứa học nghề, đứa nào thích buôn bán thì cô cấp vốn cho buôn bán. Từ  đó, Tiểu Hương trở thành mẹ Hương của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, trong đó có hàng chục trẻ sơ sinh được cô nhặt về từ bệnh viện, công viên, bến xe, vĩa hè, gốc cây, bãi rác . . .

 

Công việc kinh doanh và từ thiện của Hương cứ đan xen vào nhau một cách âm thầm, lặng lẻ như thế cho đến mười năm sau – năm 2001 – người  ta biết đến khi Trung tâm nhân đạo Quê Hương ra đời cùng với hai công ty sản xuất nước khóan và một công ty sản xuất phụ tùng xe gắn máy mà trong đó, từ ban giám đốc cho đến công nhân, tất cả hơn 700 con người do Tiểu Hương cưu mang, đào tạo từ những mãnh đời cơ nhỡ. Không thể không kể đến trường hợp của Hùynh Quốc Minh, một đứa trẻ mồ côi đã kết nghĩa chị em với Hương từ thời niên thiếu, đã bao lần tan hợp trên bước đường lưu lạc từ Bắc vô Nam, rồi gặp lại giữa Sài Gòn, được Hương cho đi học chữ, học nghề và cấp vốn làm ăn.

 

 Bây giờ Minh trở thành một trợ thủ tòan quyền của Hương tại Trung tâm, đồng thời, em cũng là chủ của 7 chiếc xe du lịch cho thuê và có cổ phần trong hai công ty lớn ở Biên Hòa; một bé Anh Đào được Hương nhặt trong thùng rác ở bến xe Miền Đông ngay từ những ngày Hương còn bữa no bữa đói nhưng vẫn nhịn ăn để dành cho Đào từng ly sữa, bây giờ Trung tâm của Hương đã có một cô giáo Anh Đào xinh đẹp dạy Anh ngữ và Hoa ngữ cho trẻ mồ côi ; một bé Thùy Nhân được Hương nhận làm em nuôi từ lúc lên mười, giờ đã tốt nghiệp đại học và đang làm trưởng phòng kế tóan trong một công ty của Đài Loan. Những Văn Quý, Thu Cúc, Văn Minh, Văn Thu . . . những đứa trẻ vô thừa nhận lớn lên từ gốc cây bụi cỏ, bây giờ đã trở thành những nhân viên tài chính, chuyên viên kỹ thuật với mức thu nhập năm ba triệu đồng mỗi tháng.

 

Nói về những người bạn của mình, Tiểu Hương cho biết, qua cuộc sàn lọc bể dâu giữa chốn bụi đời, cô còn lại 46 người bạn gái. Sau những năm tháng kinh doanh nhà đất, giờ mỗi người được chia một ngôi nhà, một lô đất, một cơ sở kinh doanh rãi rác các tỉnh thành từ Nam ra Bắc, trong đó có một số người thành lập công ty, có xe hơi đời mới. Ơ đó, mỗi người âm thầm nuôi dưỡng vài nhóm trẻ mồ côi nhưng họ giấu biệt thân phận của mình. Tôi hỏi vì sao vậy, Hương nói: “Tụi nó sống ở địa phương, bị ràng buộc nhiều định kiến, mà quá khứ của tụi em đâu có khác gì nhau, thậm chí đời của nhiều đứa còn buồn hơn em gấp mấy lần. Chỉ có mỗi mình em chẳng cần giấu diếm điều gì, bởi em thấy đó là điều cần thiết, hơn nữa, em cũng chẳng biết mình còn sống được bao lâu với chứng bệnh ung thư”

 

Nhắc đến hai tiếng ung thư, giọng Tiểu Hương như trùng xuống. Hương nói rằng cô đã nhờ luật sư làm xong thủ tục hiến xác cho một cơ sở y học khi cô qua đời. Đó là điều mà cô cảm thấy bình thản nhất, không cần mai táng, không cần ai phải tiễn đưa. Cô nói chỉ tội nghiệp cho những đứa trẻ còn ở lại, trong gần hai trăm đứa đang sống ở Trung tâm, có hơn 70 phần trăm em khiếm thị, khát vọng lớn nhất của chúng là được nhìn thấy mặt mẹ Hương. Chúng hay thì thầm với nhau: “Chắc là mẹ Hương của mình đẹp lắm, trắng da dày tóc như một nàng tiên”. Hương nói: “Mỗi khi nghe chúng nói với nhau như thế, em vừa thương chúng, vừa nghĩ trong lòng một cách đắng cay: Ừ, mẹ Hương của tụi con là một nàng tiên mắc đọa”.

 

Võ Ðắc Danh
Số lần đọc: 3692
Ngày đăng: 31.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cleopatra- Nữ Hoàng bác học - Hoàng Xuân Phương
Via Appia- Con đường làm nên đế chế - Hoàng Xuân Phương
Những dòng sông xa xôi - Hào Vũ
Chuyện bờ bao - Ngọc Hiệp
Buổi sớm miền Tây - Bích Ngân
Tam Đảo sương mù - Nguyễn Thanh Mừng
Nơi ấy bây giờ-phần 1 - Võ Ðắc Danh
Nới ấy bây giờ-phần 2 - Võ Ðắc Danh
Nới ấy bây giờ-phần 3 hết - Võ Ðắc Danh
Đời cố nông - Võ Ðắc Danh
Cùng một tác giả
Mùa trái mắm (tạp văn)
Nhớ đồng (tạp văn)
Nồi cháo trắng (truyện ngắn)
Thư Sài Gòn (tạp văn)