Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
718
116.709.125
 
Đời cố nông
Võ Ðắc Danh

Khách đến tìm tôi là một phụ nữ trạc tuổi bốn mươi, gương mặt khô cằn sạm màu nắng gió, bộ bà ba nhàu nát và lấm tấm bụi đường, tay cầm chiếc nón lá bung vành úp lên đầu gối. Nhìn tôi, chị cười như có vẻ thân quen: Anh không nhớ ra tôi sao ?” Tôi ngờ ngợ rất lâu mới nhận ra chị Nhàn ở U Minh hạ. Mới có sáu năm mà trông chị già đi. Sáu năm trước, hồi ấy chị mới hai mươi chín tuổi, vậy mà bây giờ thoạt nhìn tôi cứ ngỡ người phụ nữ bốn mươi. Hồi ấy, tôi về U Minh hạ gặp chị cũng vì chuyện đất đai, rồi bây giờ chị tìm đến tôi cũng thế. Chị móc túi lấy ra tờ đơn viết tay, nét chữ nguệt ngoạc và đầy lỗi chính tả, lời văn thô kệt nhưng cháy bỏng nỗi khao khát đất đai của những người nông dân không đất. Chị nói: “Anh xem và tìm cách giúp bà con, tụi tui vô cùng biết ơn”.Tôi nhìn lướt qua mặt sau lá đơn là hàng chục chữ ký. Trả lại chị thì tôi chẳng đành lòng, mà nhận thì chẳng khác nào mình gieo cho người ta một niềm hy vọng trong khi tôi thừa biết mình chẳng giúp được gì, kết cục thì cũng như chuyện của sáu năm trước mà thôi.

 

Hồi ấy, tôi gặp chị Nhàn ở kinh 29 thuộc lâm trường U Minh I, lúc ấy chị đang mang thai, lại phải gồng gánh hai đứa con nhỏ trong căn chòi xiêu vẹo, chồng chị – anh Đinh Văn Trung – thì đang ở trong tù, chị sống trong sự đùm bọc của cha mẹ và bà con lối xóm. Rồi đất bằng dậy sóng, cả xóm chị, trên hai mươi hộ dân với cả trăm con người đang bị giải tỏa vì lý do cư trú trái phép trên đất của lâm trường . . .

 

Chị Nhàn quê ở xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, cũng thuộc vùng U Minh hạ. Ngay từ lúc sinh ra chị đã nghèo, gia đình không ruộng đất. Lớn lên theo cha mẹ đi làm mướn, khi lấy chồng lại cũng gặp một anh chồng nghèo như chị. Gia đình bên chồng chị chỉ có mười công ruộng nhưng lại có đến mười ba miệng ăn, chị lại phải cùng chồng đi làm thuê kiếm sống: đào đất, làm cỏ, gặt mướn, cấy mướn quanh năm.

 

Đến năm 1989, nhiều người trong xóm chị rủ nhau vào các lâm trường thuê đất ruộng, cả gia đình chị cũng kéo đi, tất cả mười người gồm cha mẹ chị, bốn đứa em, hai vợ chồng chị và hai đứa con mọn. Đến kinh 29 thuộc lâm trường U Minh I, cha mẹ chị thuê được 4ha, vợ chồng chị thuê được 3ha với giá mỗi ha 500.000 đồng một năm. Tổng diện tích khu đất nầy là 60ha do lâm trường cấp cho văn phòng ủy ban nhân dân huyện U Minh để sản xuất tự túc với danh nghĩa là gây quỹ công đòan, văn phòng ủy ban cho trên hai mươi hộ dân thuê lại nhưng chỉ được phép sử dụng mặt đất để trồng lúa và sử dụng bờ đê để trồng chuối, rau màu, tuyệt đối không được khai thác cá dưới mọi hình thức vì đó là nguồn lợi của văn phòng ủy ban. Điều kiện ràng buộc khắc khe đến thế nhưng họ vẫn chấp nhận bởi đây là con đường sống duy nhất của những nhà nông không đất, dẫu sao thì họ cũng có được hạt lúa do chính mình làm ra.

 

Đến năm 1994, hợp đồng hết hạng, văn phòng ủy ban huyện giao khóan lại tòan bộ diện tích đất cho ông Lê Thanh Liêm, một nông dân giàu có và là cháu ruột của ông Lê Thanh Phong, Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện. Mức khóan của văn phòng ủy ban giao cho ông Liêm giá bao nhiêu thì không ai biết, nhưng ông Liêm nâng giá thuê đất cho các hộ nầy lên 1,5 triệu đồng trên một ha, trả trước 1 triệu, còn lại trả sau khi thu hoạch lúa. Điều kiện ràng buộc cũng như trước đây, nghĩa là ông Liêm trọn quyền thu hoạch cá, bà con không được bắt cá dưới mọi hình thức, ai vi phạm sẽ bị thu hồi đất.

 

Những người lớn tuổi như cha của chị Nhàn tỏ ra uất ức, bởi cái thời của ông, làm tá điền cho chế độ thực dân Pháp thì mỗi công đất chỉ nộp tô hai giạ lúa tới mùa, bây giờ thuê đất của nhà nước mà phải qua ba trung gian và với cái giá nầy thì quy ra mỗi công hơn sáu giạ, lại phải đi vay tiền để trả trước hai phần ba. Mâu thuẫn giữa ông Liêm và những người thuê đất từ đó bắt đầu. Ngày ngày, người ta thấy ông ngồi trên vỏ lãi chạy dọc theo tuyến kinh một cách oai vệ như một tên chủ điền không hơn không kém. Có lẽ vì là cháu ruột của ông Chủ tịch huyện nên ông Liêm được trang bị bốn khẩu súng AK, một khẩu cạc-bin và một số lựu đạn để cho đám đệ tử của ông hàng đêm đi canh giữ cá đồng và cuối mùa đi đòi nợ những người thuê đất.

 

Năm 1996, hàng loạt cá chết, ông Liêm đi trình báo, công an huyện xuống điều tra, họ phát hiện có mấy chai thuốc trừ sâu dưới ruộng của chị Nhàn và anh Việt – cũng một người thuê đất – ngay sau đó anh Trung – chồng chị Nhàn – và anh Việt bị bắt giam vì bị tình nghi thuốc cá của ông Liêm.

 

Trong một chuyến đi công tác về vùng U Minh hạ, anh Đặng Huỳnh Lộc – phóng viên báo Cà Mau – đã viết một phóng sự mười một trang dưới đầu đề Những nhà nông không đất, chủ yếu xoay quanh những số phận trong cái xóm của chị Nhàn và một số lâm trường lân cận. Bài viết của Lộc không báo nào dám đăng, anh gởi cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt.Không ngờ việc làm liều lĩnh của Đặng Huỳnh Lộc lại khuấy động đất U Minh: Ngày 16 tháng 9 năm 1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt gởi Công điện khẩn cho Chủ tịch Uy ban nhân dân tỉnh Cà Mau: Tôi nhận được phóng sự của nhà báo Đặng Huỳnh Lộc viết về đất đai, rừng tràm U Minh ( gửi kèm theo ). Nếu sự thật như phóng sự nầy phản ánh thì có thể nói tình hình rất nghiêm trọng. Tôi đề nghị đồng chí Chủ tịch có quyết định lập ngay một đòan thanh tra gồm Thanh tra nhà nước của tỉnh, Sở Địa chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và nếu tỉnh ủy đồng ý thì mời cả Uy ban Kiểm tra Đảng của tỉnh tham gia, về tại chỗ kiểm tra, đối chiếu tình hình. Phải xử lý kỷ luật hành chính thật nghiêm mọi tổ chức, cá nhân nào vi phạm. Nếu có dấu hiệu hình sự thì phải cho tiến hành điều tra, khởi tố theo pháp luật.

Đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp giao nhiệm vụ, chỉ đạo đòan thanh tra và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

 

Trong một cuộc họp báo tại UBND tỉnh Cà Mau, tôi được nghe chị phó Chủ tịch đọc công văn ấy bằng một thái độ rất bất bình, chị quở trách báo Cà Mau quản lý phóng viên quá yếu nên mới xảy ra sự việc rắc rối nầy làm mất uy tín của tỉnh với Trung ương.

 

Đời có câu Giận cá chém thớt, cuối cùng thì kẽ bị chém chẳng khác ai ngòai Đặng Huỳnh Lộc và Những nhà nông không đất của anh. Suốt thời gian đòan thanh tra làm việc, tôi thấy Lộc trở thành kẽ cô đơn. Có lần gặp anh ngồi một mình trong quán café, tôi xề lại hỏi chuyện ấy sao rồi, Lộc nói: Tổng biên tập mời mình lên bảo rằng Chủ tịch tỉnh ra lệnh cấm không cho mình ra khỏi thị xã để chờ xử lý, tất nhiên là lệnh miệng. Còn bây giờ thì họ chẳng phân công mình viết lách gì cả, cũng chẳng sử dụng bài vỡ của mình dù nó chẳng hề dính líu tới U Minh

 

Hơn một tháng sau, Chánh văn phòng UBND tỉnh thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch tỉnh về việc thanh tra đất rừng U Minh theo phóng sự của Đặng Huỳnh Lộc: Thứ nhất: Thu hồi 60ha đất tự túc của văn phòng ủy ban huyện U Minh giao lại cho Lâm trường U Minh I quản lý để trồng lại rừng tràm; Thứ hai: Thu hồi tòan bộ vũ khí của Lê Thanh Liêm sử dụng trái phép; Thứ ba: Trục xuất 21 hộ dân cư trú trái phép ra khỏi khu vực lâm trường.

 

Được sự giúp đỡ của một thầy giáo ở địa phương, đại diện 21 hộ dân làm đơn khiếu nại, họ đòi trả lại cho họ sự công bằng. Bởi lẽ, gần mười năm qua họ chấp nhận canh tác trên mãnh đất nầy qua ba tầng bốc lột, chẳng ai xem họ là người cư trú trái phép, bây giờ, nếu như nhà nước thu hồi đất từ tay kẻ bốc lột thì tại sao không giao quyền làm chủ lại cho họ để giải phóng kiếp tá điền như cuộc Cách mạng tháng Tám ngày xưa ?

 

Những ngày sau đó, thỉnh thoảng tôi thấy Đặng Huỳnh Lộc ngồi trong quán café với vài anh nông dân áo quần lem luốc, có khi là mấy chị phụ nữ ngồi co ro, mặt buồn rười rượi, chiếc nón lá bung vành úp lên đầu gối. Tôi hiểu ngay đó là Những nhà nông không đất đang tìm đến anh, tìm đến sự cứu rỗi của một nhà báo. Mà một nhà báo thì có thể giúp được gì cho họ ? Bản thân anh ta còn chưa chắc được yên !

 

Và đúng như vậy. Cuối năm ấy Lộc bỏ quê lên Sài Gòn làm ở một tờ báo khác, còn 21 hộ dân ở kinh 29, sau mấy tháng cầm cự, không chịu nổi sự đe dọa trước họng súng, dùi cui, roi điện và còng số 8 của nhà chức trách, họ đành phải ra đi dù chưa biết trước nơi nào là cái bến.

 

Chị Nhàn kể rằng, chồng chị đang ở tù, còn chị thì oằn quại trong cơn đau chuyển dạ nhưng cũng bị buộc phải ký vào biên bản cam kết ra đi. Sau khi sanh được ba ngày, mẹ chị dìu chị xuống xuồng trong một cơn mưa gió. Không có cao su, chỉ có chiếc nón lá che cho đứa con còn đỏ hỏn, mẹ chị bơi xuồng đưa chị đến ở trọ nhà của một giáo viên tốt bụng trong rừng. Đến khi sức khỏa bình phục, mẹ con, bà cháu mới dắt díu về quê. Nhưng khổ nỗi, cả gia đình chị và nhiều bà con khác đã không được quê hương thừa nhận, hộ khẩu bị cắt, nhà cửa đất đai không có. Chị tìm về nhà chồng, nhưng gia đình bên chồng chị đang là đối tượng phải cứu đói của địa phương trong mùa giáp hạt. Chị dựng căn chòi bằng lá dừa trên một bờ mương làm nơi tạm trú để đi làm mướn nuôi con trong cái cảnh non ngày non tháng để chờ đợi chồng về.

*

Tiễn chị Nhàn ra về, tôi giữ lại lá đơn trong tay nhưng không biết phải làm gì để giúp chị và những người đã ký trong đơn. Cũng như sáu năm trước đây, Đặng Huỳnh Lộc chẳng những đã không giúp được gì cho họ mà còn phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn.

 

Biết rằng là thế nhưng cũng không thể kềm chân được. Sáng hôm sau tôi xách honda chạy một mạch xuống U Minh. Từ xã Khánh Lâm, tôi gởi xe trong một quán café rồi thuê chiếc đò đi thẳng vào kinh 89. Từ xa đã trông thấy một dãy cờ đỏ sao vàng bay phất phới dọc tuyến kinh, hàng chục căn chòi dã chiến vừa mới dựng lên chưa lợp mái. Tôi dừng lại ở một căn chòi được che tạm bằng tấm bạt, nền đất lô nhô vừa mới trải rơm. Chưa được mười phút sau thì có hàng chục người kéo đến vây kín căn chòi.Người ở tại chỗ có, người từ nơi xa đến cũng có, mỗi người có những trang tiểu sử khác nhau, nhưng cuối cùng họ có một kết cục giống nhau là những nhà nông không đất và đang khao khát đất. Họ kéo đến nằm vạ trên tuyến kinh nầy chỉ vì một thông tin: Nghe nói tỉnh Cà Mau có chủ trương thu hồi tòan bộ đất của các cơ quan và cán bộ sử dụng theo hình thức phát canh thu tô để cấp cho dân, cho nên họ đến đây để chờ xin đất. Bà con cho biết, trên tuyến kinh nầy có trên hai trăm ha, lâm trường U Minh I cấp cho các cơ quan của huyện làm tự túc, các cơ quan khóan lại cho cán bộ, cán bộ khóan lại cho dân mỗi ha 60 giạ lúa tới mùa, còn nếu trả tiền mặt thì mỗi ha hai triệu.

 

Tôi gặp lại bà Nguyễn Thị Hấn, mẹ của chị Nhàn, ở cái tuổi bảy mươi mà bà vẫn còn bưng thau bánh ú đi bán dạo. Lưng còng, chân yếu với thau bánh nặng trịch, bà như bò lếch qua những khối đất lổm chổm trên bờ đê. Bà kể: năm 1997, sau khi bị giải tỏa ở kinh 29, bà trở về quê nhưng cũng giống như tình cảnh chị Nhàn, không cách nào sống nổi. Vợ chồng con cái lại chèo chống sang U Minh đi làm mướn để tìm cơ hội thuê đất. Đến đây, bà thuê 3ha đất của ông Hiệp – mộn cán bộ huyện – với giá 180 giạ lúa tới mùa. Nhưng làm một năm bị chuột cắn sạch, chỉ thu được 30 giạ. Không có lúa nộp tô, ông Hiệp lấy đất lại cho người khác thuê. Không có chổ ở, bà phải thuê lại của người chủ mới một công để cất nhà và trồng mía, hàng ngày phải đi bán bánh ú để kiếm miếng cơm.

 

Nghe tin tôi đến, anh Đinh Văn Trung, chồng chị Nhàn đang đào đất mướn cũng vội bỏ về. Những thước phim của cuộc đời anh sáu năm qua cũng chẳng có gì mới mẽ, khác chăng là bây giờ anh có đến sáu đứa con. Anh kể, sau khi tạm giam bảy tháng mười một ngày, cơ quan điều tra không chứng minh được anh là thủ phạm trong vụ thuốc cá của ông Liêm nên thả anh về. Về quê cũng không biết làm gì để sống nên vợ chồng con cái lại gồng gánh sang đây. Mùa hạn thì ngày đi đào đất mướn, tối soi chuột đồng cho vợ mang ra bán ở chợ U Minh. Mùa mưa, đến kỳ khai thác rừng thì vô rừng làm mướn, rồi xin cành ngọn tràm chặt khúc bó củi đi bán, cứ thế sống lây lất qua ngày. Cách đây hai năm,anh thuê được một ha đất của ông Hận – một cán bộ huyện cũng nhận khóan lại đất của cơ quan – với giá 60 giạ lúa tới mùa. Nhưng làm ra chỉ được 35 giạ. Khi chở lúa về sân, ông Hận qua thu lúa ruộng. Anh năn nỉ ông Hận: tôi làm cực khổ chỉ được có bao nhiêu đó, anh lấy phân nửa, còn lại năm sau tôi trả, chớ anh lấy hết chắc tôi phải tự tử mà chết chớ làm sao nhìn cảnh vợ con tôi đói. Ong Hận thông cảm chừa lại anh mười giạ, nhưng mùa sau, ông Hận lấy đất lại cho người khác thuê với giá hai triệu đồng tiền mặt.

 

Thế là cuộc đời của vợ chồng anh Trung, sau mười lăm năm lang thang làm cuộc mưu sinh dưới tán rừng U Minh hạ, họ chẳng được gì ngòai sự ra đời thêm bốn đứa con. Nhìn bức ảnh chụp gia đình anh trước căn chòi xiêu vẹo, nhìn gương mặt hồn nhiên của năm đứa trẻ, lòng tôi cứ nao nao. Lại trời cho tương lai của chúng đừng long đong đời cố nông như cha mẹ chúng.

 

Cần Thơ, ngày1 8 tháng 4 năm 2003
Võ Ðắc Danh
Số lần đọc: 3639
Ngày đăng: 12.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nỗi niềm U Minh Hạ - Võ Ðắc Danh
Thới Sơn - Một nông trại - Nguyễn Văn Hầu
Đoàn nhà văn miền núi phía bắc đi thực tế ở nam bộ - Văn Dương
Không thể rời xa - Nguyễn Thành Nhân
Rượu Điện Biên - Nguyễn Thanh Mừng
Nhà văn SƠN NAM , Một đời nặng nợ áo cơm - Võ Ðắc Danh
NgườI đi khai hoang - Võ Ðắc Danh
Những con đường ký ức - Nguyễn Đông Nhật
Tưng bừng lễ hội lung linh huyền ảo Huế - Nguyễn Nguyên An
Festival Huế 2006 : Hữu nghị và thương yêu - Võ Quê
Cùng một tác giả
Mùa trái mắm (tạp văn)
Nhớ đồng (tạp văn)
Nồi cháo trắng (truyện ngắn)
Thư Sài Gòn (tạp văn)