Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
594
116.768.343
 
“Gạ” mua giải nhì thơ với giá 15 triệu đồng?
Diễm Huyền

Câu chuyện xung quanh việc nhà thơ Đàm Khánh Phương từ chối giải thưởng "Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long" do báo Người Hà Nội tổ chức đã trở nên phức tạp khi có thông tin cho rằng ông Phương từng “gạ” BTC nâng từ giải ba lên giải nhì. Bù lại, ông sẽ “tặng” BTC 15 triệu đồng và mua 300 tập thơ tổng kết giải (giá bìa 30.000 đồng/cuốn).

 

Mặc cả như mua... cá?

 

Sự thật này được chính ông Vũ Xuân Hoát, Tổng biên tập báo Người Hà Nội, Trưởng BTC cuộc thi, nói ra trong cuộc trao đổi với VTC News về những khúc mắc quanh giải thưởng. Ông Hoát nói:

 

- Ban đầu, ban sơ khảo chúng tôi dự kiến danh sách những người được giải, trong đó có Đàm Khánh Phương (ĐKP) ở giải ba. Ông Phương biết được, gặp tôi năn nỉ rất nhiều lần xin lên giải nhì. Tôi bảo việc này tôi không giải quyết được, phải qua ban chung khảo nữa.

 

Vì thế, ông Phương mặc cả với tôi, nếu được lên giải nhì sẽ tặng cho BTC 15 triệu và mua 300 tập thơ. Ông ta nói rất nhiều lần, tôi đều không đồng ý.

 

ĐKP liền gặp các anh Bằng Việt, Nguyễn Đức Mậu đòi nâng lên giải nhì. Ông ta làm ầm lên, nên ban sơ khảo quyết định gạt tên ra khỏi danh sách dự kiến vì thấy thái độ và tư cách ông ta không đàng hoàng. Ban chung khảo ngần ngừ, bảo hay là cứ để lên giải nhì cho đỡ lôi thôi. Chúng tôi nhất quyết bác bỏ, nhưng cuối cùng cũng đưa ĐKP trở lại danh sách dự kiến giải ba. 

 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Mậu sau khi đọc thơ của ĐKP, đã gọi điện ngay cho tôi nói rằng thơ này thì được giải ba đã là cao lắm rồi, không thể nâng thêm được nữa...

 

- Lúc đó đã có chuyện gì đâu, tại sao các nhà thơ, nhà văn lớn của ban Chung khảo cũng phải "nể" ông ĐKP  mà định tặc lưỡi nâng lên giải nhì?

 

- Thì họ ngại bị làm ầm lên. Ông ĐKP cứ rêu rao rằng ông ấy nắm được rất nhiều tài liệu này khác, rồi sẽ kiện, sẽ viết bài gửi báo này báo kia... Ban chung khảo ngại lôi thôi, nên mới bàn hay cứ cho ông ấy lên giải nhì cho yên chuyện...

 

Nhưng tôi là trưởng BTC, tôi không đồng ý, thậm chí không muốn trao cho ông ta bất kì giải gì, vì thái độ và tư cách của ông ta.

 

- Việc ông ĐKP nói “biếu” 15 triệu thì có ai làm chứng không?

 

- Ông ấy nói thế nhiều lần. Có lần có cả nhà thơ Đặng Huy Giang ngồi cùng tôi ngay tại tòa soạn này. Đặng Huy Giang là nhà thơ có tên tuổi, là hội viên hội nhà văn Việt Nam... Ông Giang sẵn sàng làm chứng. 

 

Được giải vì giỏi... chạy quảng cáo

 

- Các ông nói "giải Ba là ưu ái cho ông ấy". Đây là giải thưởng, phải xem xét nghiêm túc, sao có thể vì ưu ái cho một cá nhân nào mà trao giải?

 

- Trước hết vì ông ĐKP hay thắc mắc và kể công là hay "chạy" được quảng cáo cho báo tôi. Nói thật là vì ông ấy hay chạy được quảng cáo mà chúng tôi cũng có phần ưu ái. Báo nghèo, kinh phí tự hạch toán nên khổ thế! Trước nay, cũng vì điều này mà tôi nể, hay in thơ cho ông ấy...

 

Phần khác, chúng tôi nghĩ rằng chỉ giải nhất, giải nhì mới là giải thưởng văn chương nghệ thuật thực sự, còn giải ba trở xuống là có tính phong trào thôi...

 

- Có phải ban đầu BTC còn định "ỉm" ban chung khảo đi, chỉ mời riêng nhà thơ Bằng Việt đọc duyệt giải?

 

- Ban sơ khảo gồm tôi và Phó TBT Bùi Việt Mỹ. Riêng Thư ký tòa soạn, nhà báo Cao Minh được đề nghị làm ủy viên nhưng bận làm nhà nên xin rút. Chúng tôi đọc toàn bộ tác phẩm trong vòng 10 ngày (968 bài thơ và 215 truyện ngắn - PV), sau đó họp thống nhất danh sách dự kiến rồi chuyển lên cho anh Bằng Việt đọc qua một lượt.

 

Tiếp đó, chúng tôi mới thành lập ban chung khảo, có quyết định hẳn hoi. Ban chung khảo có hơn  một tuần để làm việc. Họ mang về nhà đọc rồi nhận xét, chứ làm gì có chuyện là đọc và duyệt, quyết định trong vòng một tiếng rưỡi!

 

- Sao trong thể lệ cuộc thi nói là ban sơ khảo (và chung khảo) sẽ bao gồm các nhà thơ, nhà văn và nhà báo có uy tín, có tiếng tăm...

 

- Thì chính tôi và anh Bùi Việt Mỹ là các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng đây! Chúng tôi cũng là hội viên hội nhà văn, cũng từng đoạt giải thưởng... Thể lệ thi nói như vậy đâu có nghĩa là sẽ phải mời những người ở ngoài báo về chấm, người ta không thể vì câu đó mà "vặn vẹo" chúng tôi được!

 

Ngày xưa khi nhà thơ Chử Văn Long và Bế Kiến Quốc còn ở báo thì ba chúng tôi làm ban sơ khảo, lần này chỉ còn tôi và nhà thơ Bùi Việt Mỹ. Ba lần giải tổ chức, lần nào ban sơ khảo cũng chỉ có người trong báo!

 

Riêng ban chung khảo, chúng tôi cũng muốn mời thêm nhưng kinh phí có hạn, nên cuối cùng "chốt" lại với hai nhà thơ, một nhà văn.

 

- Cơ cấu giải tại sao lại bị thay đổi một cách tùy tiện như vậy, thưa ông?

 

- Cuộc thi nhận được hàng ngàn bài thơ, mấy trăm truyện ngắn, chất lượng khá tốt. Có rất nhiều tác phẩm sàn sàn nhau, nếu không tăng số lượng mỗi giải lên thì quá thiệt thòi mà lại giảm tính phong trào.

 

Chúng tôi còn muốn trao nhiều hơn nữa nhưng vì kinh phí hạn hẹp. Tiền thưởng các giải đành phải giảm xuống còn một nửa hoặc non nửa. Thôi thì cũng phải “liệu cơm gắp mắm” chứ biết làm sao!

 

Mà nhiều giải là do ban chung khảo quyết định thêm vào. Ví dụ như giải nhì thơ chúng tôi chỉ đưa lên 3 người, nhưng ban chung khảo thêm thành 6 người!

 

Chưa trao giải vì không... đủ tiền

 

- Ban đầu BTC nói sẽ công bố giải vào 10/10/2005 nhưng tại sao mãi đến 1 năm rưỡi sau mới trao?

 

- Lý do thứ nhất là bài vở còn ít, chất lượng chưa cao, chưa phong phú. Lý do nữa là kinh phí chúng tôi tự hạch toán. Phải nhờ đến các nhà tài trợ.

 

Sở dĩ năm 2004 tổ chức cuộc thi này, ngoài lý do chính trị ra, còn lý do là có nhà tài trợ hứa cho tiền. Nhưng sau vì lý do gì đó, họ lại thôi không tài trợ nữa. Vì thế chúng tôi không có tiền, không sao trao giải vào dịp dự kiến được.

 

Sau khi lùi ngày trao giải, chúng tôi có đăng thông báo trên báo, vào khoảng tháng 3/2006.

 

- Trong thông báo này nói sẽ lùi việc trao giải đến tháng 5/2006, nhưng sau đó ban tổ chức lại “lỡ hẹn” một lần nữa, vậy lần này có thông báo lại không?

 

- Không. Đến tháng năm vẫn chưa đủ kinh phí để trao giải. Từ đó về sau chúng tôi không nhận bài dự thi nữa và dành thời gian tập trung đọc bài vở và lựa chọn, để định đến tháng 10/10 sẽ trao.

 

- Thưa ông, những gì ông ĐKP viết trong thư ngỏ về cá nhân Tổng biên tập báo Người Hà Nội đều không có bằng chứng, nhưng lại dẫn ra rất nhiều câu nói cụ thể của ông. Và hình ảnh Tổng biên tập một báo hóa ra thành một người "hễ thấy hơi đồng là mê" và "thực bất tri kì vị"... Tuy nhiên, điều đó cũng chẳng quan trọng, miễn là không phải vì thế mà giải thưởng bị thiên vị hoặc có màu chia chác...

 

- Toàn là những câu nói vui, những câu chuyện bàn trà mà tôi nói với ông ta, giờ ông ta lại đem ra biến báo thành như thế.

 

Tôi ví dụ, một lần tôi, ĐKP và nhà thơ Đặng Huy Giang ngồi nói chuyện với nhau. ĐKP hỏi tôi: Ông Phạm Lưu Vũ Phong làm giám đốc thế chắc là giàu lắm, có tài trợ cho giải đồng nào không? Tôi bảo (đại ý): Ông ấy làm gì có tiền mà cho. Có mỗi lần gần Tết năm kia ông ấy ra chơi gặp con anh Giang và cháu tôi, mừng tuổi cho mỗi đứa 500 ngàn, mỗi lần thế thôi, ông này lấy đâu ra tiền mà tài trợ!… Thế nhưng trong thư ngỏ của ĐKP thì lời lẽ và ngụ ý của tôi thành ra khác hẳn…

- Xin cảm ơn ông!

 

Ảnh : Ông Vũ Xuân Hoát - TBT báo Người Hà Nội

 

Từ chối vì “Giải thưởng văn chương như… ao đánh giậm?” 

 

 Sáng nay, 5/1, Lễ trao giải cuộc thi truyện ngắn và thơ 2004-2005 (báo Người Hà Nội) đã bị một tác giả từ chối giải thưởng nhảy lên “cướp diễn đàn”. Và trong khi đang cố gắng trình bày cho khán giả lý do từ chối của mình, ông này đã bị người của BTC lôi xuống như một kẻ phá đám…

VTC News
www.vtc.vn/vanhoa/12005/index.htm

 

Diễm Huyền
Số lần đọc: 3701
Ngày đăng: 09.01.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Các cây bút trẻ và cuộc thi truyện ngắn của Văn nghệ Quân đội - Phạm Hương Giang
Tôi viết “Khói mây Yên Tử ” - Vũ Ngọc Tiến
Ngày Tết nói chuyện Phúc Lộc Thọ - Nguyễn Tiến Văn
Tự truyện không hẳn là văn học - Triệu Xuân
Thông tin của Nhà văn Vũ Ngọc Tiến - Vũ Ngọc Tiến
Tôi viết “Quân sư ĐÀO DUY TỪ” - Vũ Ngọc Tiến
Hai cách đọc một bài thơ của Đỗ Mục - Hà văn Thùy
Người văn kêu cứu : nhà văn Vũ Ngọc Tiến kêu lên như thế. - Lê Anh Hoài
Không được phỉ báng tiếng mẹ đẻ ! - Triệu Xuân
Tử cung vĩ đại - Henry Miller