Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
663
116.694.641
 
“Người và Đất Tiền Giang ” – Mảnh đất của nhiều nhân tài.
Hoàng Lan Hạ

Độc đáo vì quyển sách đã tập trung nhiều tên ở nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khác nhau: văn học, mỹ thuật, sân khấu cải lương, âm nhạc (dân tộc và hàn lâm)… Thú vị vì mỗi nhân vật trong quyển sách Người và Đất Tiền Giang đều được tác giả Huỳnh Mẫn Chi thể hiện một cách hoàn chỉnh về cuộc đời lẫn sự nghiệp. Quyển sách chính là những trang tư liệu ghi chép rất công phu của tác giả về những “người con” tài năng của mảnh đất Tiền Giang. Đặc biệt ngoài cuộc đời và số phận của mỗi vị danh nhân, tác giả Huỳnh Mẫn Chi đã đề cao công lao của từng người bằng cách đi sâu vào phân tích giá trị tác phẩm của từng nhân vật. Mỗi nhân vật, mỗi cuộc đời, mỗi số phận, mỗi tài năng trong quyển Người và đất Tiền Giang của tác giả Huỳnh mẫn Chi không chỉ tỏa sáng trên mảnh đất nơi họ sinh ra mà tên tuổi của họ còn vang rộng khắp đất nước và có người còn vang xa ra thế giới. 

 

      Năm mươi năm cầm bút, nhà văn Hồ Biểu Chánh đã để lại cho độc giả một khối lượng sáng tác khổng lồ: 64 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn, 12 vở kịch hài và ca kịch, 5 tập tản văn và truyện thơ, 8 tập ký, 28 tập khảo cứu và phê bình… Soạn giả Trần Hữu Trang đã hi sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.  Nhưng ông đã để lại cho đời những vở tuồng cải lương bất hủ như Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Lá ngọc cành vàngSoạn giả Năm Châu - Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thành Châu, một nghệ sĩ đã có công lớn với nền sân khấu cải lương Nam bộ. Nói đến cải lương, công chúng liên tưởng ngay đến Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há qua các nhân vật ở những vở tuồng cải lương sống mãi với thời gian. Không những vậy, bà Phùng Há còn là người nghệ sĩ rất có công trong xây dựng chùa Nghệ sĩ, nhà dưỡng lão Nghệ sĩ… Từ giã cõi đời ra đi ở tuổi 92, Nghệ sĩ nhân dân Bảy Nam đã cống hiến trọn 78 tuổi nghề cho nghệ thuật sân khấu kịch, cải lương, điện ảnh. Bà chính là nữ bầu gánh hát đầu tiên trong lịch sử cải lương nước ta với gánh "Nam Hưng", khi mới 19 tuổi. Bà còn là nữ soạn giả đầu tiên với vô số vở tuồng. Bà còn là nữ nghệ sĩ đầu tiên được Hãng Intermondial Film (Pháp) mời thể hiện một nhân vật đặc sắc trong phim Mort en fraude của đạo diễn Marcel Camus…

 

Nhà thơ Bảo Định Giang không chỉ để lại cho độc giả một khối lượng văn thơ "hào hùng" của một thời cầm súng chiến đấu, ông còn  để lại cho đời 2 câu thơ bất hủ với thời gian:

 

                                    "Tháp mười đẹp nhất bông sen

                                    Nước Nam đẹp nhất có tên cụ Hồ".

 

Xuất thân trong một gia đình có đến bốn đời là nhạc sĩ chuyên về nhạc cụ dân tộc, Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê là một "đại biểu xuất sắc" trong việc truyền bá âm nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới. Với những bức tranh tuyệt tác như Giặc đốt làng, Thành đồng Tổ quốc, Thánh Gióng, Thiếu nữ và hoa sen, Thổi sáo, Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ… của họa sĩ Nguyễn Sáng không những tạo nhiều ấn tượng trong nước và cả thế giới. Tác phẩm Kết nạp Đảng Điện Biên Phủ đã được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000. Rồi, Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi không chỉ phổ biến với công chúng trong nước. Tác phẩm còn được dịch ra nhiều thứ tiếng: Nga, Ba Lan, Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha… Cả cuộc đời của nhà văn Đoàn Giỏi, ông cứ đi và viết… Nhắc đến những người nghệ sĩ tài hoa, những người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho nghệ thuật thì không thể không nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Việt. Người nhạc sĩ viết giao hưởng đầu tiên của nước ta, ông được xem là người mở ra con đường mới để đưa dòng nhạc hàn lâm đến với công chúng Việt Nam. Ngoài ra, những ca khúc: Lá xanh, Lên ngàn, Nhạc rừng, Tình ca… của ông luôn vang mãi trong lòng công chúng qua nhiều thế hệ. Nhà quay phim chiến trường Trần Nhu làm phim không nhiều, nhưng những thước phim tài liệu do ông thực hiện đều được đánh giá cao không chỉ trong nước mà ngay cả quốc tế. Những bộ phim tài liệu Chiến thắng Gò Quao, Du kích Củ Chi, Hạt lúa vành đai, Nữ pháo binh Long An… đều đoạt giải thưởng trong nước và quốc tế. Giáo sư - Tiến sĩ - Nghệ sĩ nhân dân Quang Hải  là một trong những người từng giữ chức vụ Giám đốc trong suốt gần 30 năm: Giám đốc Nhà hát Giao hưởng hợp xướng ca vũ kịch Việt Nam (1970 - 1975), Giám đốc Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh (1975 - 1998). Ông còn là người có rất nhiều tác phẩm gắn nhiều với nhạc ụ dân tộc. Và từ những vật liệu như sắt, thép, đồng, đá… điêu khắc gia Nguyễn Hải đã biến chúng trở thành những tác phẩm có hồn, có ý nghĩa và đầy giá trị nghệ thuật. Những tác phẩm ấy không chỉ dừng lại ở cấu trúc đơn thuần mà còn là những tượng đài hoành tráng, quy mô và đồ sộ. Năm 2001, Nguyễn Hải được Nhà nước trao giải thưởng Hồ Chí Minh qua các tác phẩm: Nguyễn Văn Trỗi, Thánh Gióng, Đài tưởng niệm hòa bình, Chiến thắng Điện Biên Phủ… Giáo sư  - Tiến sĩ - Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam, Giáo sư dạy môn sáng tác ở Nhạc viện TP HCM và Nhạc viện Hà Nội. Nguyễn Văn Nam là một trong số ít nhà soạn nhạc Việt Nam được thế giới biết đến và đánh giá cao qua một khối lượng tác phẩm đồ sộ: Tiếng sáo 1 (Tổ khúc giao hưởng - 1986), Tiếng sáo 2 (Symphony - Cantate - 2004), Hòa bình cho các dân tộc (Thanh xướng kịch -1975), Hát cho đồng bào tôi nghe (Thanh xướng kịch - 1995), Việt Nam của tôi (Âm nhạc cho vũ kịch – 1979)…    Đặc biệt 8 bản giao hưởng viết về quê hương đã được biểu diễn thành công tại Nga và Việt Nam, tên tuổi Nguyễn Văn Nam đã góp phần tạo nên dòng nhạc giao hưởng Việt Nam. Nhắc đến nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền, công chúng không thể không nhắc đến những ca khúc một thời của ông. Những ca khúc hào hùng đã góp sức cho thanh niên lên đường chiến đấu. Những ca khúc mà cho đến ngày nay vẫn còn vang mãi: Bài ca tạm biệt, Bài ca người lính, Hát mãi khúc quân hành, Tình biển, Không dám đâu, Tình cờ, Cánh hoa lưu ly…

 

Biết rằng, Định Tường xưa và Tiền Giang nay đã gắn liền với bao chiến thắng lịch sử: Rạch Gầm - Xoài Mút, Khởi nghĩa Nam kỳ, Giồng Dứa, Ấp Bắc… với những tên tuổi của các vị anh hùng: Trương Định, Đốc Binh Kiều, Sư Thiện Chiếu, Thiên Hộ Dương, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thị Thập, Đoàn Thị Nghiệp, Nguyễn Văn Tiếp, Phan Lương Trực Nơi đây còn là vùng đất duy nhất của lục tỉnh Nam kỳ có phụ nữ làm hoàng hậu: Hoàng thái hậu Từ Dũ (vợ vua Thiệu Trị - mẹ vua Tự Đức), Nam Phương Hoàng hậu (vợ vua Bảo Đại), bà Đoàn Thị Giàu (vợ cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng).

 

Song, trong quá trình hình thành và phát triển vùng đất thuộc Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Tiền Giang nói riêng, chúng ta không thể không nhắc đến công lao của các “tài năng” văn hóa đã góp phần phát triển nền văn hóa không chỉ có ở Nam bộ mà còn là của cả nước.

     

Được biết, tác giả Huỳnh Mẫn Chi là một cây bút trẻ, sinh trưởng trong hòa bình, tuổi đời còn khá non trẻ so với mảng đề tài này. Nhưng vì tác giả cũng là người con của mảnh đất Tiền Giang, nặng nợ với quê hương nên đã ấm ủ và đau đáu với đề tài này từ lâu. Tác giả đã bắt đầu viết từ năm 2005, trải qua muôn ngàn khó, phải vượt qua cả rủi ro do tai nạn giao thông tưởng chừng mất mạng… Để có được quyển sách Người và Đất Tiền Giang là một giá trị lao động đáng được trân trọng của tác giả.

 

Hoàng Lan Hạ
Số lần đọc: 4736
Ngày đăng: 29.07.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lyotard với tâm thức và tình cảnh hậu-hiệnđại-1 - Bùi Văn Nam Sơn
Lyotard với tâm thức và tình cảnh hậu-hiệnđại-2 - Bùi Văn Nam Sơn
Ngụ ngôn hậu hiện đại : Đọc Luận ngữ tân thư của Phạm Lưu Vũ, Giấy Vụn xuất bản, Sài Gòn, tháng 07.2007. - Inrasara
Một góc nhìn về lịch sử - Nguyễn Thị Hậu
Một khám phá lịch sử đầy tính va chạm - Xuân Cang
Nguyễn Bính : LÒNG MẸ ’’Bao la như biển Thái Bình’’!(1) - Lê Xuân Quang
Nỗi buồn nhân sinh trong trang viết Nguyễn Tam Phù Sa - Nguyễn Thịnh
“Tuyển tập 18 Nhà văn đồng bằng sông Cửu Long ” (*) – MỘT THOÁNG NHÌN TỪ GÓC ĐỘ PHƯƠNG NGỮ - Thai Sắc
Máu Đỏ Da Vàng - Nguyễn Văn Hoa
Bốn Đoá Vô Ưu Ngày Cuối Hạ - Nguyễn Nguyên An