Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
733
116.709.535
 
Câu chuyện của tôi với nhà văn Dương Kỳ Anh
Phan Cung Việt

Viết bài này, tôi chợt nghĩ, có thể đặt cùng “Vết sẹo và cái đầu hói”. Dù một bên chỉ là bài báo mấy trăm chữ, một bên là cuốn tiểu thuyết mấy trăm trang. Vì sao vậy? Vì cả hai đều nói về cánh nhà văn với nhau. Nhưng một bên thì gay gắt, móc máy, dè bỉu còn bên của tôi, tôi gắng để mọi người thấy, cánh văn nhân đây đó vẫn nâng niu chăm sóc nhau.

 

Quãng ấy, bận đảm đương công việc báo chí, Dương Kỳ Anh mới chọn ra đâu được một, hai tập thơ và truyện ngắn. Một buổi, anh đột nhiên nói với tôi ý định viết cuốn tiểu thuyết về chính cái làng quê Kỳ Anh thân yêu mà anh đã lấy bút danh quen thuộc từ hồi đầu xanh tuổi trẻ, hồi sinh viên văn học mới làm thơ. Mấy năm sau cuốn sách ấy, với cái tên đẹp là “Xuyên Cẩm” ra đời. Chẳng bao lâu trở thành nổi tiếng. Được biết, đó là một trong những tiểu thuyết Việt Nam đương đại đón đọc và được nhận tặng thưởng văn học mang tên thi hào Nguyễn Du.

 

Lần ngồi trò chuyện với Dương Kỳ Anh ở tầng hai toà soạn ở phố Hồ ấy, căn nhà nhỏ tạm gọi là xinh xắn của một bác sĩ tư thời Pháp, cảm thấy như người đàn ông thầm lặng và năng động này đang tự mình chuyển đổi, tự xem lại một chặng văn thơ với chức danh hội viên Hội Nhà văn, tiếp tục mở chân trời mới cho cây bút của mình. Thơ anh bắt đầu sương khói và chiêm nghiệm, bớt cái hào hoa bảng lảng, trẻ trung của cái thời làm thơ của chàng sinh viên Khoa Văn Đại học Tổng hợp và một quãng dài làm báo cho tuổi trẻ sau đó. “Bây giờ tôi biết lặng im/ Như con sông chảy im lìm ngoài kia/ Lặng im những buổi chiều về/ Phù sa lắng đọng bốn bề tâm tư” (Lặng im). “Bóng cây ngoài vườn / Khi mờ khi tỏ/ Vì chúng con/ Một đời cha không mất lòng ai …” (Viết về cha). Bài thơ được đưa vào nhiều tuyển tập: "Bài thơ của người đi tìm mộ em trai mình" thể hiện rõ nhất độ chín, độ chiêm nghiệm này… Về văn, anh có các tập đáng nhớ: “Chị Huệ làng Tảo Trang”, “Ký sự giữa làng châu Âu”… Cho đến cái ngày ở tầng hai ngôi nhà nhỏ xinh ấy, anh nói: “Tôi dự định viết một cuốn tiểu thuyết”.

 

Báo ra thêm kỳ, thêm ấn phẩm mới, nhà cũ đập đi để xây thành nhà cao tầng hiện đại… Vậy mà cứ đúng cuối giờ chiều thứ 6 cuối tuần, anh đóng cửa phòng báo, tự mình lái xe con lên tận nhà chòi Sóc Sơn, khai mở phòng văn. Khai mở bằng tiểu thuyết “Xuyên Cẩm”. Cái tên cũ làng quê thân thuộc của anh.

 

Anh viết nhanh mà chắc. Chẳng ngờ hai, ba năm sau, khi toà nhà cao tầng Tiền Phong vút lên giữa trời xanh bên Hồ Thiền – Phố Hồ, thì anh trao vào tay tôi cuốn tiểu thuyết “Xuyên Cẩm” dày hơn 300 trang. Cuốn sách nặng ở số trang và ở sự tìm lối viết mới. Sau đó cuốn sách được vào các vòng bình chọn tiểu thuyết, được nhận tặng thưởng… Tôi nói vui: “Đây chắc là số phận văn chương và cuộc đời. Tôi coi toà cao ốc này và cuốn tiểu thuyết kia là hai tác phẩm của một người. Nhưng tôi vốn trọng tinh thần, tôi đánh giá cao cuốn sách hơn”. Anh cười.

 

Khi “Xuyên Cẩm” đang có tiếng vang, bạn đọc, bạn văn tìm mua, tìm đọc thì anh lao ngay vào tiểu thuyết thứ hai, tên là “Thổ Địa”. Lại một xe một ngựa lên khu nhà đồi văn chương. Anh viết nhanh hơn. Xuất bản giục in. Lối viết khác cuốn trước. Nó “tiểu thuyết” hơn, hiện đại hơn. Tôi đọc đâu đó và biết bên nước bạn Trung Quốc có nhà văn nổi tiếng cũng dồn nhiều tâm lực cho đề tài “Thổ Địa” này. Hoá ra “trên mảnh đất người đời”, những “cái đầu” gặp nhau. Tôi tin Dương Kỳ Anh đã đi đúng lộ trình tiểu thuyết, để gặp văn trên thế giới.

 

Có câu hát: “Tháng ba mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông uống nước…”. Thật lạ, cứ đến mùa tổ chức thi Hoa hậu tầm quốc gia bận rộn, mà Dương Kỳ Anh là tác giả… lại chính là mùa văn chương. Vẫn ở tầng hai của toà nhà cao ốc hiện đại mười mấy tầng lầu, khi anh cho tôi xem bìa cuốn sách mới: “Người giàu nhất Việt Nam…” cũng là khi những cú điện thoại, những đầu mối công việc chuẩn bị cho cuộc thi Hoa hậu triển khai trên toàn quốc. Đây cũng là chuyện lạ trong số phận văn chương của Dương Kỳ Anh mà người viết sau nên để công khai thác. Chắc còn lắm điều thú vị mà bài tản văn, tản mạn này chưa nói được hết.

 

Anh vừa đi cố đô Huế ra để lo cho cuộc thi người đẹp. Gặp tôi, anh nói: “Tôi muốn viết cuốn tiểu thuyết về cố đô Huế !”.  Tôi hỏi vui: “Cuốn tiểu thuyết thứ ba hay bộ ba tiểu thuyết, sau “Xuyên Cẩm”, “Thổ địa”? Anh hơi đỏ mặt, nói tránh đi theo lối khéo của người biết làm chính trị: “Tôi tập hợp được một ít tư liệu rồi. Nhiều cái hay lắm anh ạ. Đề tài cố đô cung đình là nơi thử sức các nhà tiểu thuyết”… Đến lượt tôi cười. Mừng anh.

Phan Cung Việt
Số lần đọc: 2165
Ngày đăng: 08.12.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gian bếp của ngoại. - Nguyễn Thị Hậu
Thu Xưa - Lê Huỳnh Lâm
Lòng tốt - Hội An
Lan man, chiều... - Thai Sắc
Một thời có bão - Trần Áng Sơn
Hũ mắm... rươi - Lê Xuân Quang
Tắm gội! - Trần Huy Thuận
Cà Mau vẫn ngát hương rừng - Trần Áng Sơn
Chí Phèo trong truyện ngắn của Nam Cao là con của ai ? - Đoàn Hữu Hậu
Ký ức ngày đầu đông... - Nguyễn Thị Hậu