Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
899
116.650.487
 
Nhớ Thầy Cung Giũ Nguyên
Nguyễn Thành Thống

Tôi không phải là học trò của thầy. Nhưng tôi vẫn gọi “thầy” xưng “con” với thầy vì sự uyên bác và tuổi tác của thầy. Tôi đã từng nghe danh của thầy từ rất lâu, nhưng mãi đến năm 1987 tên của tôi mới được vinh dự đặt bên cạnh tên của thầy khi tôi dịch cuốn “Autour de la Lune” (Bay quanh mặt trăng) của Jules Verne, in ở Nhà xuất bản Tổng Hợp Phú Khánh. (Tôi là người dịch và thầy là người hiệu đính.) Thế rồi mãi đến những năm đầu của thập niên 90 tôi mới được gặp thầy. Câu chuyện như thế này.

 

Đầu năm 1990, lúc đó tôi đang là biên tập viên của Nhà xuất bản Khánh Hòa, tôi được phân công biên tập một cuốn sách dịch của tác giả Cung Giũ Nguyên. Đó là cuốn “Le Fils de la Baleine”, người dịch là Nguyễn Văn Hùng, tức Cung Giũ Hốt, em ruột của tác giả Cung Giũ Nguyên. Tôi đã đọc nguyên bản tiếng Pháp trước, sau mới đọc đến bản dịch. Tôi thấy khoảng cách giữa nguyên bản với bản dịch quá xa, nên tôi đã yêu cầu người dịch dịch lại, nhưng người dịch không đồng ý và đã rút bản thảo về. Một tuần sau tôi có dịp đến làm việc với một cộng tác viên rất nổi tiếng của Nhà xuất bản Khánh Hòa. Đó là Thầy Cung Giũ Nguyên. Tôi còn nhớ rất rõ. Khi tôi gõ cửa nhà số 60 Hoàng Văn Thụ Nha Trang, một ông cụ trông rất khỏe mạnh, ở trần, mặt quần pijama, chân mang vớ. Tôi nghĩ trong đầu: “cây cổ thụ” là đây, nhưng tôi thắc mắc vì sao ở trần mà lại mang vớ. Về sau ông cụ mới cho biết: ở trần là để cho mát, nhưng phải mang vớ là để khỏi bị muỗi cắn chân khi ngồi làm việc. Ngay từ đầu tôi đã thoáng thấy cái nét hài hước của ông cụ, một đặc điểm mà ít người nhận ra - có lẽ trừ anh em Hướng Đạo - vì khi nói đến Cung Giũ Nguyên thì thường người ta nghĩ ngay đến một ông trưởng giả khó tính “hút píp xách ba-tông đi giày tây”. Ông cụ hỏi tôi: “Cái gì vậy?” Thưa: “Con ở bên Nhà xuất bản muốn gặp thầy.”  Ông cụ nhìn bộ dạng của tôi rồi phán: “Năm phút thôi!” Đúng là cao đạo. Nhưng không phải thế. Hôm đó tôi đã được hầu chuyện ông cụ gần hai tiếng đồng hồ. Cuối buổi ông cụ cho tôi biết sở dĩ có cái lệnh “năm phút thôi” kia là vì ông cụ thấy rằng quỹ thời gian của mình còn ít quá, chứ không rỗi rãi như tôi. Khi biết được danh tính của tôi, ông cụ hỏi: “Có phải anh là người đã chê bản dịch của Nguyễn Văn Hùng không?” Thưa: “Dạ phải.” Hỏi tiếp: “Chê người khác mà mình có làm được không?” Tôi biết mình đã “nhảy lên lưng cọp” rồi. Vốn có “máu hung hăng của bọn trẻ” tôi thưa ngay: “Dạ thưa, nếu thầy đồng ý thì để con làm thử”. Lệnh tiếp: “Thế thì về làm đi!” Đến lúc này thì tôi mới thấy mình đã “lỡ dại” rồi. Thì giờ đâu? Cả ngày tôi làm việc và ở lại luôn tại Nhà xuất bản, chiều mới đạp xe đạp mười cây số về Trường Trung Học Phổ Thông Hoàng Hoa Thám Diên Khánh, nơi tôi tạm trú cùng với vợ con tôi; ở đó lúc bấy giờ ban đêm điện đóm không ổn định chút nào. Thế nhưng tôi đã cố gắng tốc hành trong vòng một tháng để dịch cho xong cuốn sách của ông cụ.

 

Và tôi đã dịch tựa sách “Le Fils de la Baleine” thành “Kẻ Thừa Tự của Ông Nam Hải” thay vì dịch sát chữ là “Người Con Trai của Cá Ông”. Tôi rất hài lòng về cái tên mới này của bản dịch. Ngoài ra tôi cũng rất khổ công nhưng hài lòng khi chuyển được những câu ca dao miền Trung cũng như những phần trích bài ca bả trạo, mà cụ đã lược dịch sang tiếng Pháp, trở lại tiếng Việt đúng với nguyên bản. Khi đến trình cho cụ bản dịch, cụ bảo hai tuần nữa quay trở lại. Nhưng một tuần sau tôi lại có dịp đến làm việc với cụ. Cụ bảo: “Xem xong rồi.” Thưa: “Có được không ạ?” Trả lời: “Được.” Thưa: “In được không ạ?” Trả lời: “Được chớ.” Thế là tôi về lo thủ tục xuất bản. Đối với Nhà xuất bản của chúng tôi thì không có gì khó khăn. Nhưng khi trình lên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thì tôi được biết qua Trưởng phòng biên tập, “…hay dở không cần biết sách của Cung Giũ Nguyên không được in ở Nhà xuất bản Khánh Hòa.” Tôi vốn tánh “liều mạng” nên gửi bản thảo thẳng ra Nhà xuất bản Văn Học Hà Nội.

 

Giám đốc Nhà Xuất bản Văn Học lúc bấy giờ, nhà thơ Lữ Huy Nguyên, không những đã đồng ý cho phép xuất bản mà còn viết lời giới thiệu. Còn một việc hy hữu khác nữa là ở trang bìa 3 tôi có ghi ở đầu trang: VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM. Bên dưới hàng tít này tôi ghi: CUNG GIŨ NGUYÊN. Giám đốc Nhà xuất bản Văn Học vẫn duyệt. Thế có nghĩa là CUNG GIŨ NGUYÊN được công nhận là nhà văn Việt Nam và tác phẩm “Kẻ Thừa Tự của Ông Nam Hải” được thừa nhận là Văn Học Hiện Đại Việt Nam. Một kết quả ngoài dự định của cụ, vì sau 1975 cụ không được công nhận là nhà văn Việt Nam, trong khi thế giới vẫn công nhận cụ là một nhà văn học giả Việt Nam. Còn một mắc mứu khác đó là phần lớn các tác phẩm của cụ được viết bằng tiếng Pháp cho nên nhiều người cho rằng những tác phẩm đó không được xem là thuộc Văn Học Việt Nam. Tôi có đem việc này hỏi ý kiến của cụ thì cụ cho biết tiếng Pháp chỉ là một phương tiện diễn đạt còn nội dung vẫn là bản chất và bản sắc Việt Nam.

 

Phần tôi thì tôi cho rằng nếu sách của cụ mà viết bằng tiếng Anh thì có lẽ Việt Nam ta đã đoạt giải Nobel về Văn Học từ lâu rồi. Tuy đã có giấy phép xuất bản từ năm 1991 nhưng mãi đến năm 1995 cuốn sách mới được in và phát hành. Lý do là vì lúc bấy giờ các cơ sở hợp tác xuất bản, mà bây giờ được gọi là các công ty văn hóa, không biết Cung Giũ Nguyên là ai cả; người ta lại còn thấy ngại một cuốn tiểu thuyết do một người Việt viết bằng tiếng Pháp lại được dịch trở ngược lại sang tiếng Việt. Một chuyện thấy sao lạ đời, mà lạ đời thì không ai dám mạo hiểm; ôm vào chắc là khó bán ra. Ít ai biết được rằng tác phẩm “Le Fils de la Baleine” suýt được giải Goncourt của Pháp nếu không có cuộc ganh đua của các Nhà xuất bản ở Pháp. Và học giả nổi tiếng người Pháp Daniel Rops đã từng ca ngợi tác phẩm này. Phần cụ, thật là bất ngờ đối với tôi, trên trang đầu bản thảo dịch (viết tay)  cuốn “Kẻ Thừa Tự của Ông Nam Hải” cụ có ghi như thế này: “Cám ơn anh Nguyễn Thành Thống đã chịu khó đọc lại một tác phẩm hình như đã mờ trong dĩ  vãng.” Rồi về sau này ở trang đầu bản photocopy cuốn “Câu chuyện ngành Tráng” cụ tặng tôi, cụ ghi như thế này: “Mến gởi Nguyễn Thành Thống, người có công dịch Le Fils de la Baleine và nhờ đó đã giúp cho Kẻ Thừa Tự Ông Nam Hải (Mỗ) sau mấy mươi năm lưu lạc ở Pháp và Canada đã trở về được quê hương.” Đâu có ai biết, đâu có ai ngờ một học giả nổi tiếng như thế lại có những lời lẽ “dễ thương” đến thế.

 

Sau khi bản dịch có mặt để độc giả Việt Nam có thể đọc và biết thêm một tí về tác giả Cung Giũ Nguyên thì thầy tin tưởng khả năng của tôi hơn và thầy đã dành cho tôi một tình cảm đặc biệt. Tôi đã từng nói chuyện với thầy hàng giờ về nhiều vấn đề, từ văn học, triết học, tôn giáo, khoa học, siêu tâm lý (parapsychology),… cho đến Hướng Đạo. Càng được nói chuyện với thầy tôi càng thấy thầy “đa hệ”. “Hệ” nào ra “hệ” đó, sâu sắc, rõ ràng. Nghe tôi nói  tôi đang tìm đọc cuốn “Finnegans Wake” của James Joyce, cụ lại ngay tủ sách rút ngay cuốn sách cho tôi mượn. Đó là một cuốn sách do một cô bạn người Anh biếu cho thầy. Ai dám mượn sách của thầy? Tôi được đặc ân đó. Khi đọc tôi khám phá ra cuốn sách có một tép bị xếp lộn. Tôi đã trình với thầy. Chính vì thế về sau khi thầy đánh máy xong cuốn “Le Boujoum”, hình như tôi là người được đọc trước nhất. Và từ đó tôi có thể lục tung tủ sách của thầy, một việc có lẽ không ai được phép làm ngoài tôi. Tôi cũng đã từng ngồi hàng giờ nghe thầy nói những suy nghĩ, những công việc thầy đã làm đang làm và sẽ làm. Tôi mới vỡ lẽ ra rằng thầy còn đang toan tính quá nhiều việc, vì thế mới có cái lệnh “năm phút thôi” nói ở trên. Thầy cũng muốn tôi dịch cuốn “Le Fils de la Baleine” sang tiếng Anh. Tôi có thưa rằng tôi vốn là người cầu toàn cho nên tác phẩm đó phải do chính một dịch giả người Mỹ hoặc người Anh biết tiếng Pháp dịch thì tốt hơn. Gần đây yêu cầu đó đã được đáp ứng. Tôi đã giới thiệu với thầy anh bạn của tôi cũng là thầy dạy Aikido của tôi, Âu Dương Di, một Việt kiều Mỹ biết tiếng Pháp đã từng sống ở Mỹ 30 năm rất quen thuộc với việc viết lách dịch thuật; ngoài ra Âu Dương Di còn là học trò cũ của thầy. Bản dịch đã hoàn thành. Nhưng rất tiếc bản dịch tài hoa và chính xác này chưa được xuất bản trước khi thầy mất. Cũng xin nói thêm tác phẩm “Le Fils de la Baleine” đã được dịch sang tiếng Đức từ rất sớm.

 

Theo tôi, công trình trước tác của Thầy Cung Giũ Nguyên thật đặc sắc và đa dạng. “Le Fils de la Baleine” chỉ là một tác phẩm đã được xuất bản, cho nên có ưu thế được nhiều độc giả biết tiếng Pháp thưởng thức. Có thể nói đó là một tác phẩm “dễ đọc”. Thầy còn có những cuốn tiểu thuyết “rất Việt Nam” và “dễ đọc” khác nhưng tiếc là chưa được chuyển sang tiếng Việt. Một cuốn khảo luận đã được xuất bản và rất nổi tiếng nhưng độc giả Việt Nam chưa có dịp đọc, đó là cuốn  “Volontés  d’existence”. Những năm sau 1975 thầy đã tốn rất nhiều thời giờ và công sức để nhập vào máy vi tính của mình những trước tác trước đây của thầy. Ngoài ra thầy vẫn tiếp tục sáng tác. Chúng ta hãy tưởng tượng một cụ già trên chín mươi vẫn cặm cụi ngày đêm bên máy vi tính thì mới thấy được sức làm việc và gương làm việc của thầy. Đa số những tác phẩm viết sau 1975 là những trước tác viết bằng tiếng Việt, nhưng chưa được xuất bản. Có một số người đã có dịp đọc những tác phẩm này qua hình thức in photocopy “lưu hành nội bộ”. Nhân đây tôi cũng xin lưu ý. Có thể nói, đại tác phẩm của thầy là cuốn “Le Boujoum”. Theo thiển ý của tôi thì đây mới là đỉnh cao sự nghiệp của thầy. Đó là một cuốn tiểu thuyết dày hơn bảy trăm trang viết bằng tiếng Pháp sau 1975. Ban đầu thầy đã nhờ một người Pháp đánh máy, nhưng sau mấy mươi trang thì người này đã bỏ cuộc vì đọc không hiểu gì. Sau đó thầy đã tự đánh máy, khi đánh máy xong thầy đã gửi cho tôi một bản với ý muốn nhờ tôi sửa lỗi chính tả và thực tế thầy đã nhờ tôi chuyển sang tiếng Việt. Nhưng rất tiếc vì quá bận công việc, tôi đã không làm được việc này. Về sau chính thầy đã chuyển sang tiếng Việt và tác phẩm có tên là “Thái Huyền” đã được xuất bản ở Mỹ, nhưng chỉ được một phần. Có lẽ vì không bán được nên việc xuất bản phần hai phải dừng lại. Nguyên bản tiếng Pháp “Le Boujoum” đã được Cung Giũ Nguyên Center ở Mỹ xuất bản nhưng theo tôi vẫn dưới hình thức “lưu hành nội bộ”. Tôi đã có lần thổ lộ với thầy không biết mươi năm nữa người ta có thể đọc hiểu cuốn sách của thầy không. Tôi có đề nghị với thầy làm một cuốn cẩm nang skeleton để giúp độc giả, thầy bảo cứ để như thế ai muốn hiểu sao thì hiểu. Tôi thấy thầy rất sáng suốt. Một tác phẩm nghệ thuật càng hàm hồ (ambiguous) càng tốt. Nói lên điều đó tôi muốn liên tưởng đến hai tác phẩm “Ulysses” và “Finnegans Wake” của James Joyce, một thần tượng văn học của tôi. Thực tế thì lối viết của James Joyce và của Thầy Cung Giũ Nguyên rất giống nhau. Đương nhiên một bên là mộng một bên là thực có khác nhau nhưng cái thực của thầy được viết như thể là mộng. Thầy đã cho tôi biết thầy đã bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết khác cũng tầm cỡ và đồ sộ như vậy tựa đề là “La Tache de Vermillon”. Tôi chắc là chưa xong. Tiếc lắm thay!

 

“ Thưa thầy, con vẫn tin rằng bây giờ thầy vẫn có thể đọc được những hàng chữ này của con. Hơn hai năm nay con đã quyết tâm giảm bớt lui tới nhà thầy để rồi một năm nay con đã ngưng hẳn việc lui tới nhà thầy. Con đã nói với thầy quyết tâm này rồi. Con là một mẫu người sentimental. Con sẽ rất đau khổ khi đi ngang nhà thầy mà không còn thầy ở đó. Thế nên con phải giảm bớt đi chuyện lui tới này để may ra tình cảm của con đối với thầy sẽ “xuống thang” từ từ và phần nào, ngõ hầu khi thầy không còn ở nhà số 60 Hoàng Văn Thụ Nha Trang đó nữa thì con bớt đau khổ hơn. Hôm nay quả thực con đã thấy suy nghĩ và quyết định của con là đúng. Bài viết hôm nay chỉ có tính chất thời sự chưa phải điều con đã từng hứa với thầy là con sẽ viết  một cuốn sách dày về thầy để cho người ta thấy tính chất uyên bác, nhân văn, nhân bản, sâu sắc, tài hoa, và nhất là… hài hước trong tác phẩm và trong con người của thầy. Con biết người ta ngộ nhận về thầy nhiều lắm. Thầy cũng biết rằng có rất nhiều tác giả văn học tài ba đã không nhận được giải Nobel Văn Học.”

 

Bây giờ thì CCC (Chim Cánh Cụt, tên Rừng của thầy, mà thầy thường đùa là Chưa Chịu Chết) đã chịu chết. Lần này thì thầy đã đi thật rồi! Requiescat in Pace.

 

(Nha Trang ngày 8/11/2008. Sau cơn mưa trời lại sáng.)

Nguyễn Thành Thống
Số lần đọc: 2611
Ngày đăng: 12.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một thời đã qua của Simone de Beauvoir - Võ Công Liêm
40 năm ấy … - Nguyễn Khắc Phê
Tấm lòng của Nhất Đại Thi Ông - Lê Ngọc Trác
Thử nhận diện: Chân Dung Nhà Văn - 02 - Lê Xuân Quang
Nhớ về người cha là thi sĩ - Lâm Bích Thủy
Thử nhận diện . Chân Dung Nhà Văn 85 - Lê Xuân Quang
Người đàn bà viết văn để trả nợ áo cơm - PHƯƠNG TRÀ
Phan Thanh Giản đã được giải oan sau 150 năm - Ngô Minh
Nhớ một gã giang hồ từ tâm - Trọng Thịnh
Những đóng góp về thiên văn và toán học của thượng thư Nguyễn Hữu Thận - Nguyễn Hùng
Cùng một tác giả