Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
906
116.666.544
 
Đồi ma
Nguyễn Đặng Mừng

Gọi là đồi ma nhưng thật ra đó chỉ trảng cát trắng nằm giữa hai làng. Mùa hè cát ngời lên màu trắng rờn rợn. Gió Lào thổi làm cát bay mù mù, đôi khi người ta còn gặp những khúc xương người lộ ra. Ngang qua đồi ma những lúc trưa nắng, lũ trẻ thường cắm đầu chạy cho đỡ nóng chân và đỡ sợ.

             

Hồi chín năm, một trận đánh độn thổ* giữa dân quân và lính Tây xảy ra trên trảng cát này. Nghe kể hồi đó dân quân chưa có súng mà dám vùi mình dưới cát chờ Tây ngang qua là nhất tề đứng dậy,dùng dao mác gậy gộc và cả vật lộn nữa. Thế là trảng cát nhỏ chưa đầy hai mẫu đất này, xác Tây xác ta nằm la liệt. Trảng cát còn là nơi xử bắn của Tây và du kích, một lần có tiếng súng là ít nhất một mạng người nằm xuống trên cát . Cát dễ đào nên cũng dễ vùi thây. Trảng cát có tên đồi ma từ dạo đó.

                   

Ngoài những chuyện về ma trơi, ma cụt đầu còn có căn chòi tranh của lão Nghi nữa. Nghe nói suốt đời lão ăn của cúng nên đêm về lão thường sống và nói chuyện với ma quỷ. Căn chòi lão Nghi từ dưới làng trông lên như cái núm vú thô kệch, mà bầu vú là trảng cát khum khum.

                   

Không biết lão Nghi bao nhiêu tuổi. Nói ba mươi cũng được, năm mươi cũng xong. Gia đình lão đến xin ngụ cư ở làng, bố mẹ cu Nghê (tên thường gọi hồi nhỏ của lão Nghi) xin làng cho dựng căn chòi trên trảng cát để làm nghề thợ rèn. Hồi nhỏ khi ông bà còn sống, nhiệm vụ của cu Nghê là thổi bệ rèn. Với dị tật từ nhỏ, cu Nghê chỉ thích nghi với việc thụt bệ. Ngồi giữa hai ống bệ to tướng, cu Nghê nghiêng qua nghiêng lại với hai cán thụt trong tay thành thạo nhịp nhàng. Đến năm Ất Dậu cả làng đói. Những người chết đầu tiên là gia đình ông bà thợ rèn vì không có lương thực trữ. Những vị lớn tuổi trong làng kể lại rằng khi đem chôn, thiếu một chiếc chiếu, người ta chạy khắp làng để xin thêm làm áo quan cho cu Nghê xấu số, lúc tìm được chiếc chiếu thì chỉ còn xác hai ông bà thợ rèn. Vùi thây hai ông bà xong, cu Nghê từ trong bụi bò ra mếu máo run run nói: tui chưa chết, đừng chôn mà tội. Từ đó cu Nghê đi ăn xin. Mấy trăm năm từ ngày theo chúa Nguyễn Hoàng vào lập làng C. này, lần đầu có kẻ sống bằng nghề ăn xin, các bô lão trong làng nói thế. Truyền thống của làng là thà chết đói chứ không ai đi ăn xin.

                   

Làm người ai cũng có năng khiếu bẩm sinh, lão Nghi cũng thế. Lão nhớ rành rọt chính xác những ngày giỗ chạp mà không cần ghi chép. Mà lão có biết chữ nào đâu. Vậy là một ngày trong ba trăm sáu mươi lăm ngày, hôm nào lão cũng có xôi thịt để ăn. Vùng đất mà người chết gấp mấy chục lần người sống này, lão tha hồ ăn xôi thịt. Hôm nào xin được nhiều lão phơi xôi trên những chiếc nia lớn để dành, thịt ướp muối cả hủ lớn.

   

Mặt lão Nghi gầy, má hóp để lộ hai lưỡng quyền cao. Miệng nhỏ và luôn nhúc nhích run run. Nước miếng thường nhễu ra lúc lão nói “ ự …ự … cho tui xin nắm xôi.”. Lão thường chỉ nói thế. Sau khi chủ nhà cho nắm xôi, một ít thịt luộc vào chiếc tô nhôm, lão cầm run rẩy trên tay, cúi chào cám ơn rồi lui ra. Lão không bao giờ chê ít nhiều (thường thì người ta cho nhiều). Lão lại đi chới với chúi chúi về phía trước. Lão không nhìn ai, chỉ nhìn xuống đất khi đi. Lão Nghi lại trở về đồi ma, nơi chòi tranh của lão.

  

Căn chòi tranh của lão Nghi đầm ấm ra khi có thêm bệnh xá của xã. Sau khi dân các làng không nơi nào chịu cho xây bệnh xá vì sợ truyền nhiểm và dị đoan, chính quyền phải chọn đồi ma. Bệnh xá khang trang mà không có y tá y sĩ gì. Trong xã chẳng mấy ai học hành bao nhiêu . May mà có chị Thuyền.

                 

Chị Thuyền là con gái duy nhất cuả ông cả Lễ, giàu có và chức sắc nhất làng. Chị đậu trung học rồi ở nhà nội trợ may vá. Học vấn của chị Thuyền thuộc loại nhất làng. Chị không đẹp mặt lắm nhưng đẹp nết. Đã gần ba mươi mà trông chị vẫn tươi mát hơn hớn. Trai làng không ai dám dạm hỏi. Phần vì nghèo vẫn sợ cái giàu có của ông Cả Lễ. Phần ít học lại sợ cái có học của chị Thuyền. Thế là chị phải quá thì một cách tức tưởi. Chị thường đi lang thang một mình dọc dường bạn* vào những đêm trăng sáng. Trai làng cứ việc nhìn theo mà thèm khát, mà bất lực…

                   

Sau một thời gian học khoá y tế hương thôn, chị về nhận nhiệm sở với sự giúp đỡ của mụ Mận y công ( hộ lý ). Công việc hàng ngày là vào sổ cấp thuốc những bệnh thông thường. Hồi đầu chị Thuyền buồn lắm. Nhất là lúc có người sinh đẻ chị phải ở lại trực đêm. Đồi ma về đêm gió hú, cát bay từng vạt mù mù ghê rợn, lại thêm hình ảnh run rẫy liêu xiêu của lão Nghi nữa. Lão thường vừa phơi xôi vừa nhìn về phía bệnh xá như đang dò xét canh chừng điều gì ấy làm chị sờ sợ. Nhiều lần chị  khóc lặng lẽ, xót cho phận mình.

        

Rồi chị Thuyền cũng quen dần. Mỗi chiều rảnh việc chị  ngồi đọc tiểu thuyết, thường là loại rẻ tiền thời đó. Những trang viết về mảng sống thị thành không dính dấp gì đến hoàn cảnh chị mà sao đôi lần cũng làm chị buâng khuâng, cảm động. Nhất là những đoạn người ta yêu nhau say đắm hoặc… cả làm chuyện ấy nữa. Đã ba mươi tuổỉ mà chị Thuyền vẫn tưởng tượng điều ấy như là chuyện bí ẩn xa vời lắm.

      

Tiếng “ự ự” sau lưng làm chị giật mình quay lại. Lão Nghi bưng tô xôi thịt run run khó nhọc nói:

- Ự… ự… tôi đem xôi thịt mời cô. Cô ở đây lâu rồi mà không có dịp ra thăm cô.

Lần đầu tiên chị thấy lão Nghi không đáng sợ như chị tưởng.

Đôi mắt của lão toát lên vẻ gì đó như là thân mật chân tình.

Chị cười:

- Cám ơn bác, bác đi mấy nơi mà nhiều thế?

Lão không trả lời, nhìn xuống cuốn tiểu thuyết:

- Ự… ự… chị đọc gì thế, đọc cho tui nghe với.

Lão Nghi nói xong cười như mếu.

      

Vậy thôi mà chị cũng đọc cho lão nghe. Lúc cô đơn người ta cần có bạn, dù đó là lão Nghi đi nữa. Chị còn sốt sắng kể lại cả cốt truyện từ đầu. Đôi mắt lão cũng buồn, cũng xa vắng. Chị rùng mình nhìn xuống tô xôi thịt.

           

Mấy tháng mùa hè có lão Nghi chị cảm thấy đỡ oi bức hơn. Có khi mụ Mận bị bệnh chị lại nhờ lão phụ vài việc lặt vặt trong bệnh xá. Những đêm phải trực chị cảm thấy không đáng sợ nữa. Có lần chị đọc một đoạn tiểu thuyết cảm động, lão Nghi ôm mặt khóc như trẻ thơ. Chị lại khuyên bảo an ủi lão rằng phận người ai cũng có nỗi khổ, người kiểu này người cách kia. Chị không đủ ngôn từ để giải thích hết những điều chị nghĩ. Chị lại quay sang trêu lão:

- Sao bác Nghi không lấy vợ cho rồi, sau này già cả ai nuôi. Hay là tui nói với mụ Mận ra ở với bác nghe.

Lão Nghi cười cười. Trong mắt lão có cái gì như là mơ ước.

 

Tháng bảy năm đó mùa mưa đến chậm. Ngồi trong phòng với cây đèn Huê Kỳ, chị Thuyền đọc tiểu thuyết. Hình như ngoài việc nói chuyện với lão Nghi, chị chỉ thả hồn theo những trang sách mùi mẫn. Sau buổi chiều vất vả với ca đẻ khó, giờ này chị thấy thanh thản trong lòng. Trăng hạ tuần lên cao càng sáng hơn. Dưới ánh trăng và gió nhẹ, bãi cát trắng như tấm lụa phơi mình gợn nhẹ, đẹp vẻ đẹp man rợ. Bầy chó trong làng rủ nhau ra bãi cát tự tình. Chúng đùa giỡn cắn nhau gầm gừ tru tréo. Cặp chó con đen con vàng đến gần cửa sổ phòng chị, chúng ve vãn bằng những tiếng rên “ự… ự”…Một ngọn gió mạnh thổi tắt cây đèn. Chị đứng lên đi lại phía cửa sổ. dưới trăng chị quan sát thật kỷ hành động cặp chó. Chị lẩm bẩm “Đồ quỷ. Rập rình như chó tháng bảy”. Chị trở lại nằm ngữa ra giường, hai chân buông thỏng xuống nền, thở dài.

    

Gió mạnh chuẩn bị cơn mưa lớn. Những đụn mây kéo ngang nghịt trời. Chị đóng chặt hết cửa mà gió vẫn lọt vào thổi tắt hết đèn. Chị nhớ hộp diêm chẳng còn que nào. Chị nảy ra ý định sang nhà  lão Nghi xin lửa. Mưa bắt đầu rơi lộp bộp chạy qua mái tôn rồi lại im, rồi lộp bộp từng tràng. Tiếng trẻ sơ sinh ọ ẹ. Tiếng sản phụ dổ con ư ử. Chị mở cửa vụt chạy băng băng qua trảng cát. Miếng nhựa che trên lưng đập giật lạt xạt. Chị đứng lại trước căn chòi lão Nghi, gọi khẽ:

- Bác Nghi ơi, xin tí lửa.

Lão Nghi cựa mình nói vọng ra:

- Ự… ự…  cô vào đây đã, ướt hết.

Chị Thuyền bước vào,bóng tối làm chị rùng mình. Hình như có bàn tay vuốt lên tóc chị.

- Ự… ự… tóc cô ướt hết rồi. Tội nghiệp ự… ự… ngồi xuống đây cho ấm đã.

 

Chị vẫn đứng và thương thân mình đến xót xa. Mùi đàn ông lẫn trong mùi ẩm ướt của căn chòi làm chị rởn gai ốc. Bàn tay run rẩy của lão Nghi ấn vai chị xuống, giường tre chuyển mình ọt ẹt. Chị ngoan ngoãn với chính mình, ngồi xuống. Chị nghe mơ hồ tiếng thở dài thượt của lão Nghi. Hình như lão sờ soạng đâu đó tìm hộp diêm. Lão liêu xiêu lần về phía chạn tre đựng thức ăn, mò mẫm: “Đây rồi, có rồi”. Lão nói ậm ự. Lão lại đi về phía chị. Chị hồi hộp ngồi chờ, hai tay chị đưa về phía trước trong tư thế vừa đầu hàng vừa chống đỡ.

        

Bỗng ánh chớp rạch một đường, hắt ánh sáng vào căn chòi. Trong thoáng chốc chị thấy lão Nghi lảo đảo, mất thăng bằng, lão té chồm lên người chị cùng lúc với tiếng sét nổ chát chúa ngoài trời. Chiếc giường đánh rắc đổ nghiêng về phía hai người. Cứ thế họ nằm chồng lên nhau. Lão Nghi lại ự ự câu gì đó không rỏ, chị thở gấp gáp, hổn hển. Hai tay chị bấu chặt vai lão Nghi, nửa như xô ra nửa như níu vào. Lão cứ ự ự tiếng rên muôn thuở. Nhưng với chị, chỉ với chị lần này tiếng rên lại khác, hoàn thiện hơn, vượt qua tiếng rên dị tật của lão.

                   

Chị nghe cơ hồ tiếng mưa, tiếng sét ngoài trời gầm rú ghê lắm. Bụi mưa ẩm ướt trên nền cát thấm vào lưng chị lành lạnh. Những đợt sóng âm thanh vỡ oà rồi chạy xa, nhỏ dần. Lại bùng lên ầm ào, rồi chạy xa, nhỏ lại, trả không gian về với lặng thinh, tịch mịch đến xé lòng. Nước mắt lạnh trên má chị. Chỉ là tiếng sét ấy thôi! Có gì mà phải tủi! Nhắm mắt lại, trong tối tăm, chị tưởng tượng những con đom đóm nhập nhòe như nhang đèn trên bà thờ tổ. Những mồ mã cha ông từ thời ông nhất thế tổ, những ngôi mộ tròn đường kính cả vài chục mét cứ hiện về, hiện về.... Chị nằm sấp. Tái tê. Buồn. Khát nước.

             

Chị đang nằm sấp trên nền cát, sờ soạng. Vật gì vuông vuông như là cái hộp diêm,chị cầm lên rồi chạy vụt ra ngoài mưa. Chị chạy về bệnh xá. Tiếng khóc trẻ thơ xé tan không gian tịch mịch. Ngọn lửa bùng lên, khuôn mặt hài nhi đỏ hỏn nhăn nhó khóc… Chị cũng khóc ròng : Ôi em bé! Ôi trẻ thơ! Ôi hạnh phúc!

                   

Mưa, gió rả rích…

Lơ mơ chị như ngủ…

Bỗng ánh chớp rạch một đường. Sáng đến loá mắt, tiếp theo là tiếng nổ inh tai. Có mùi khét. Bất giác chị nghĩ đến căn chòi lão Nghi…

  

Rạng sáng hôm sau, cơn mưa ngớt. Còn vài đám mây đục màu khói bay nhanh và thấp. Chị bước ra khỏi bệnh xá, nhìn về căn chòi. Chị co rúm ôm ngực. Căn chòi đổ sụp một phía. Hình như hai chân của lão Nghi  thòi lòi ra dưới cát trong tư thế nằm sấp, nám đen khẳng khiu như hai khúc củi cháy nham nhở.

 

*

 

Năm 1975, chị Thuyền trở về làng sau hơn mười năm lên tỉnh. Đứa con trai của chị đã mười tuổi. Chiến tranh đã góp phần san bằng “giai cấp” ở quê nhà. Căn nhà ngói năm gian của ông Cả Lễ chỉ còn đống gạch. Ông bà Cả đã qua đời. Khu vườn nhà được chia thành bốn thổ cư, chị Thuyền cũng nhận được một phần non sào đất. Chị ngỡ ngàng với công việc và nhịp sống mới lạ. Nhưng lạ hơn cả là việc lão Nghi được phong tặng danh hiệu liệt sĩ, đại diện cho “giai cấp công nhân” đầu tiên của cả vùng làm cách mạng. Rất nhiều giai thoại được thêu dệt quanh con người bí hiểm này. Bấy giờ chị mới hiểu là những lọ thuốc sốt rét lão Nghi xin chị đã gửi cho ai, những bao xôi khô thịt muối lão dự trữ cho ai.

          

Chiến tranh và đất trời đã xuý xoá giùm chị Thuyền tất cả. Dân làng cũng đoán non đoán già về cha của thằng cu Hờn ( con chị ). Chị đặt tên thằng cu Hờn là Lê văn Hoài, theo họ mẹ.  Chị dửng dưng trước mọi dư luận. Nhưng trong sâu thẳm lòng chị có điều gì đó áy náy, bất an. Nửa đêm lần mò lên lại đồi ma, chị thắp nén nhang lớn lạy tứ phía, dừng lại trên chỗ mà chị hình dung đó là căn chòi lão Nghi. Chị cắm nhang từ đó về lại đống gạch hoang phế của bệnh xá. Đêm đó trăng sáng lắm. Lặng lẽ trở về căn nhà tranh của chị, căn nhà cũng lạnh lẽo không kém Đồi Ma. Chị thắp nhang lên bàn thờ và khấn : “Lạy cha lạy mạ, xin tha lỗi cho con”. Chị cũng thắp nhang ở am thờ ngoài trời và khấn “Người ơi, con đã lớn rồi. Tôi nguyện nuôi nấng dạy dỗ con nên người. Người sống khôn thác thiêng phù hộ cho con ”.

             

Chị ngủ thiếp đi bên cạnh đứa con trai thân yêu của mình. Hai tay ôm chặt con vào lòng, trong chiêm bao đứt đoạn, chị thấy lão Nghi trở về đòi con. Hai tay lão quờ quạng nói run run “ Ự… ự… trả con lại cho tui. Tui cả đời chỉ ước có được đứa con nối dõi tông đường, chị nở nào đành đoạn dứt tình máu mủ. Chị ơi là chị…” . Chị giật mình trở dậy, mồ hôi ướt dầm lưng áo. Chị lại lò mò ra am thắp nhang khấn vái. Trở về nằm bên con thiu thiu ngủ thì đến lượt mơ thấy ông Cả râu tóc bạc phơ nghiêm giọng nói “Cha không có con trai thì coi như thằng cu Hờn là cháu nội. Cha đã chịu bao nhiêu miệng tiếng của dân làng để bảo vệ con và cháu, nở nào con lại nghe theo lời cái thằng ăn xin cùng đinh ba đời đó”. Chị hét lên ôm chặt con vào lòng khóc không thành tiếng.

  

Từ đêm đó dân làng lại đồn ở đồi ma xuất hiện một con yêu tinh, nó xõa tóc đi quanh đồi khóc than suốt đêm. Điều này chỉ mình chị Thuyền biết mà thôi.

 

*Đánh độn thổ : ẩn núp ở dưới hầm đã được ngụy trang phía trên như địa hình tự nhiên, khi đối phương lọt vào đội hình thì tất cả đội hầm đứng lên chiến đấu. Cách đánh này rất bất ngờ và táo bạo, thường dùng trong chiến tranh du kích những năm chống Pháp.

* Dường bạn: Lối đi trên cánh đồng, đường đất nhỏ nhằm  cắt chia những thửa ruộng.

 

Nguyễn Đặng Mừng
Số lần đọc: 2040
Ngày đăng: 11.12.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Truyện rất ngắn (3) - Nguyễn Thị Hậu
Có một tình yêu như thế - Mang Viên Long
Gái Nga Gốc Việt - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Dốc nhân sinh - Nguyễn Mộng Giác
Hoa hồng vàng - Lê Nguyệt Minh
Những sợi tóc - Trương Văn Dân
Ô cửa hổng - Quỳnh Linh
Con gấu già trong thung lũng trại Xai - Hoa Ngõ Hạnh
Chào anh bạn đẹp trai ! - Lê Vũ
Cún khóc - Lê Mai *
Cùng một tác giả
Nửa gánh câu hò (truyện ngắn)
Đồi ma (truyện ngắn)
Nước Nhảy Lên bờ (truyện ngắn)