Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
835
116.663.741
 
Chuyện Trâu
Cao Quảng Văn

Với nhà nông xưa, con trâu là đầu cơ nghiệp, bởi làm ruộng không trâu cũng như làm giàu không vốn! Người ta mơ giấc mơ sang giàu, phú quý…Ít nhất cũng phải như Phú ông nọ có ba bò chín trâu hay chín đụn mười trâu !

 

Thực ra, trâu với người như bạn hiền đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, nắng mưa cùng  chịu, gắn bó bên nhau: Trâu ơi, ta bảo trâu này. Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.Cấy cày vốn nghiệp nông gia. Ta đây, trâu đó, ai mà quản công. Bao giờ cây lúa còn bông, Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn…Và thế là Trên đồng cạn, dưới đồng sâu.Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa! Tự bao giờ, đã trở thành một hình ảnh quen thuộc :Ruộng đầm nước cả, bùn sâu. Suốt ngày cùng với con trâu cày bừa hay hình ảnh  mục đồng ngồi vắt vẻo thổi sáo trên lưng trâu lúc chiều về, nghêu ngao  hát Ai bảo chăn trâu là khổ…Và đau khổ biết bao nếu chẳng may một ngày kia, con trâu không còn:Con trâu có một hàm răng. Ăn cỏ đất bằng uống nước bờ ao. Hồi nào sống ở cùng tao. Bây giờ mày chết tao cầm dao tao xẻ mày…

 

Trâu với người thân thuộc thế nên giữa trâu với người có bao nhiêu là chuyện! Người ta lấy trâu ra để mà ví von,so sánh, mà hình dung  nhiều chuyện. Bởi suy cho cùng thì xã hội trâu  và xã hội người nào có khác gì nhau, và vì thế trâu đã nhẹ nhàng đi vào biết bao  câu chuyện ngụ ngôn, giai thoại, truyền thuyết, bao thành ngữ, tục ngữ.Bao lời nặng nhẹ khen chê…

 

Người ta thương  cho cảnh trâu tra ( già) nằm đất, trâu chậm uống nước đục, cám cảnh   trâu lội ngược bò lội xuôi, bất bình  vì cảnh mua trâu vẽ bóng, đặt cái cày trước con trâu, thương cho người không may phải lâm vào cảnh sai con toán bán con trâu…Người ta cũng ghét , bực  bội những kẻ ngu như trâu hay chậm như trâu,mai mỉa chê bai  những  kẻ cưa sừng làm nghé,ghét lũ đầu trâu mặt ngựa “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã “ kéo bè kết cánh phá làng phá xóm, thậm chí  không chịu nổi cả những ai chỉ biết… làm hùng hục như trâu, chịu đựng như trâu, cam chịu cảnh trâu cày ngựa cưỡi cho  bao kẻ giàu chín đụn mười trâu !Dù cảm thông  với cảnh trâu béo kéo trâu gầy, trâu hay có chứng, hay cảnh trâu đi tìm cọc chăng nữa thì cũng rất  ít  người chịu nổi cái cảnh … đàn gảy tai trâu! hoặc những  chuyện để lâu… cứt trâu hóa bùn  dễ khiến người  ta thấy tổn thương, đau lòng nhức óc!.

 

Các ông bà xưa cũng có nhiều câu đúc kết  lý thú về trâu, như:Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà .Cả ba việc ấy đều là khó thay! hay Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng,và khen các cô Con gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu!    thấm thía lời nhắn nhủ Trâu ta ăn cỏ đồng ta, Đừng ham cỏ tốt ăn qua đồng người hay lời khuyến cáo  chung khi dựng vợ, gả chồng: Mua trâu  xem nái, mua gái chọn dòng…Mua trâu là chuyện quan trọng không kém gì việc xem  mặt vợ. Như… phải lưu ý xem tướng  để mua được những con  trâu tốt tướng: sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi,  mồm gàu dai, tai lá mít, đít lồng bàn, mắt bánh rán, lưng tôm càng… hay những con Vành mồm, trắng mắt, to tai, Dù thưa lông bụng, móng hài cũng mua ! Và nhất là cần phải tránh xa các  con trâu dữ dằn, sát chủ có xoáy tam tinh ( ở giữa đầu, nơi chân sừng, lỗ tai ) hay có vòng lông trắng kéo vòng quanh cổ, bởi chúng sẽ đem lại nhiều tai ách , tàn hại cho chủ …

 

Người ta cũng không quên câu chuyện” bình bầu thi đua” sôi nổi từng được tường thuật rõ ràng,trực tiếp trong truyện  Lục súc tranh công… ngày xưa, khi nghe lời  chú Trâu cần cù, chăm chỉ ,thật thà báo công, kể lể:…Làm không kịp thở. Ăn chẳng kịp nhai. Tắm mưa trải gió bao nài. Đạp tuyết dày sương bao sá…Thương cho Trâu hiền lành mà số phận hẩm hiu Trước cổ đã mang hai cái niệt. Sau đuôi thêm kéo một cái cày. Miệng đã dàm, mũi lại dòng dây. Trên lưng ruồi bu, dưới chân đỉa cắn…Thông cảm thì cũng  thông cảm được, nhưng nghe là nghe vậy thôi, chứ nào đã mấy ai tin, bởi xưa nay ai mà chẳng hiểu câu Thẳng thắn thật thà thường thua thiệt. Lọc lừa, lươn lẹo lại… lên lon ?  Nếu không khôn khéo, khôn ngoan, biết  lấy lòng thủ trưởng     tập thể cánh hẩu dễ thương thì làm gì có  được cơ may được bình bầu tiên tiến ! Cho dù trâu có chịu khó ra sức… làm quần quật như …trâu! hay làm hùng hục như trâu  mà nếu chẳng may không được cộng đồng chứng giám !

Nói đến chuyện trâu xưa, người ta lại nhớ tới lửa Điền Đan  và khúc ca Nịnh Thích trong hai câu thực bài thơ Vịnh lão ngưu( Vịnh trâu già) của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến : Đuôi kia biếng vẩy Điền Đan hỏa. Tai nọ buồn nghe Nịnh Tử ca. Nhắc lại chuyện trâu xưa thời Chiến quốc bên Tàu. Đó là chuyện tướng Điền Đan nước Tề dùng cả ngàn con trâu  lực sĩ ,cho mặc áo ngũ sắc, sừng buộc giáo mác, đuôi cột cỏ tẩm dầu rồi đốt cỏ để trâu  nóng đít lồng lên xung trận, phá tan  vòng vây hãm của quân Yên , không những giữ được thành mà còn  thu lại được các thành trì đã mất. Hay chuyện  chàng Nịnh Thích tài hoa nước Vệ, bức xúc vì  không được dùng đã  lén đánh xe trâu sang nước Tề, ngày đi bán hàng, đêm đêm về ngủ gần bên cửa thành.Một tối kia, khi vua Tề Hoàn Công  mở cửa thành đi đón tân khách, Nịnh  Thích  bèn gõ sừng trâu, ca bài ca than cảnh sinh không gặp thời, vua Tề biết là người tài  giỏi  nên mời về trọng dụng. Rồi cả câu chuyện Vũ vương nhà Chu  cho thả trâu nghỉ ngơi ở đồng đào Đào lâm sau khi trâu tích cực tham gia kháng chiến, vận tải quân lương, vũ khí diệt được Trụ vương nhà Thương, hay chuyện  chú Trâu của  Ông Cuội đem cột nơi gốc cây đa trên cung quế ( cung trăng) tự mấy ngàn năm trước trước khi  phi hành gia  nước Mỹ từ trái đất đặt chân lên  viếng thăm  mặt trăng không chính thức vào thập niên 60 cùa thế kỷ hai mươi !

 

Người ta cũng không quên chuyện Tề Tuyên Vương háo sắc bên Tàu thương Trâu run rẩy, nước mắt chảy dài khi bị  đem đi làm thịt, lấy máu để bôi chuông vừa đúc xong mà ra lệnh lấy dê thay thế làm vật hiến tế thay cho trâu nhờ thế trâu vô tội đã được tha !

 

Chuyện trâu cũng còn nhiều. Như chuyện chàng chăn trâu tốt số Ngưu Lang đã được  may mắn nên duyên cùng Chức Nữ, để rồi không may phải chịu cảnh xa cách mỗi người một nơi, cách nhau hàng triệu dặm, chỉ được gặp nhau mỗi năm một lần, nhờ bầy chim Ô thước bắc cầu sông Ngân  vào dịp tháng bảy mưa ngâu … Rồi chuyện chăn trâu trong Thập mục ngưu đồ  để rèn luyện , tu dưỡng tính tình của con nhà Phật, chuyện  con nít Cờ lau tập trận trên lưng trâu của Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh  mà nhờ thế  về sau đã dẹp yên cảnh  loạn lạc Thập nhị sứ quân , đem lại  an bình cho dân cho nước.

 

Nhưng có lẽ vui nhất là hai chuyện Sào Phủ chăn trâu và chuyện Quan huyện thanh liêm. Chuyện kể rằng: Đời thượng cổ có ông Hứa Do là một bậc cao sĩ, sống ẩn dật trong chằm Bái Trạch. Vua Nghiêu nghe tiếng  liền mời ra xin nhường cả thiên hạ. Hứa Do từ chối, lui về ẩn tại núi Trung Nhạc, phía nam sông Dĩnh Thủy. Vua Nghiêu lại tìm đến, cố mời Hứa Do ra làm tổng trưởng  chín châu( Duyên, Ký, Thanh, Từ, Dự, Kinh, Dương, Ung , Lương). Hứa  không muốn nghe chuyện, liền  ra bờ sông Dĩnh rửa tai. Lúc ấy, Sào Phủ đang dắt trâu xuống bờ sông, gặp bèn hỏi vì sao mà bác phải rửa tai như vậy. Hứa Do thuật lại mọi chuyện, Sào Phủ liền gò cổ trâu lại, bảo rằng: Ta toan cho trâu uống nước ở  đây, lại e bẩn cả miệng trâu! Nói xong, Sào Phủ dắt trâu lên quãng sông trên cho trâu uống nước.

 

Quả thật, không chỉ Sào Phủ, Hứa Do , mà  ngay cả chú Trâu kia cũng  thật xứng danh … hiền sĩ!  Công bằng mà xét,kể ra chuyện đời xưa với đời nay thật khác!

 

Chuyện Quan huyện thanh liêm thì kể: Ngày xưa, có một ông quan nổi tiếng thanh liêm, tận tụy giúp dân, không bao giờ ham ăn của đút lót. Vợ quan  là người đảm đang, khôn ngoan, kín đáo chỉ lặng lẽ lo  toan mọi thứ cho chồng yên tâm công tác. Khi quan về hưu, cảnh nhà cũng tương đối thanh bạch, nên mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều trông cả vào một tay bà.Quan  cũng  không thể  hiểu  vợ kiếm đâu ra tiền mà trang trải  đủ thứ như vậy bèn ra sức  hỏi dò. Bà huyện  biết không thể giấu  mãi được liền kể hết mọi chuyện.Ngày trước có người đến nhờ  giúp giùm công chuyện, khi xong việc đã thăm dò tôi là quan tuổi gì, tôi mới nói thật là ông tuổi Tý! Thế là sau đó, người ta đã đem tới  tặng cho một con chuột  nhỏ bằng vàng… Nhờ thế mà khi ông về hưu, mới có cái  bán ra mà tiêu dùng!

 

Nghe xong, quan huyện vò đầu bứt tóc, than dài  có vẻ bức xúc , tức tối. Ông trách vợ: Sao mà bà thật thà quá vậy? Sao  lại không nói là tôi tuổi Trâu!?!

 

Ôi thôi chuyện Trâu kể ra dài lắm. Thôi thì xin tạm dừng ở đây với bài thơ  của danh sĩ Nguyễn Văn Lạc tức Học Lạc (1842-1915)  của đất phương Nam Vịnh con trâu:

 

Mài sừng cho lắm cũng là trâu!

Ngẫm lại mà xem thật lớn đầu

Trong bụng lam nham ba lá sách

Ngoài càm lém đém một chòm râu

Mắc mưu đốt đít tơi bời chạy

Làm lễ bôi chuông nhớn nhác sầu

Nghé ngọ già đời quen nghé ngọ

Năm dây đàn gảy biết chi đâu!

 

Quả thật Mài sừng cho lắm cũng là trâu, ngẫm lại mà xem, có phải thế không? Trâu hiền lành, tử tế có hơn thiên hạ chút gì chăng, chẳng qua chỉ là hơn ở chỗ …lớn đầu?./.

 

Cao Quảng Văn
Số lần đọc: 4707
Ngày đăng: 24.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thanh Hải – Mùa xuân thi sĩ - Lê Khánh Mai
Hương vị quê nhà - Huỳnh Kim
Tết....của người tha hương - Vũ Trà My
Trầm tích văn hóa biển - Nguyễn Thị Hậu
Chợt đọc…chợt nghĩ rồi…viết, vừa viết vừa ngẫm - Vũ Ngọc Tiến
Nắng cuối năm - Nguyễn Thúy Ái
Những ngày cuối tháng chạp - Trần Quang Phong
Cơ quan tôi đi khám sức khoẻ - Lê Hiền
Tản mạn chuyện đi và ở. - Thí Chủ
Cuối Năm Đọc Thơ Bằng Hữu - Hồ Chí Bửu