Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.427 tác phẩm
2.747 tác giả
464
117.062.541

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Kể một câu chuyện bằng hiện vật bảo tàng
Ngày Quốc tế Bảo tàng 18-5 năm nay có chủ đề “Bảo tàng-nhịp cầu văn hóa”. Với tinh thần ấy, Cục Di sản văn hóa, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học “Phương pháp trưng bày và giới thiệu hiện vật bảo tàng”.

Làm thế nào để kể một câu chuyện bằng hiện vật một cách hấp dẫn nhất luôn là câu hỏi đối với các bảo tàng, nhất là trong bối cảnh hoạt động này trên thế giới đã có những bước tiến xa. Một số ý kiến trích dẫn trong hội thảo dưới đây sẽ giúp bạn đọc thấy được những vấn đề quan trọng của trưng bày bảo tàng hiện nay.

 

Bà Trịnh Thị Hòa (nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam-TP. Hồ Chí Minh)

 

Nhiều năm về trước, hoạt động trưng bày được thực hiện theo kiểu “cho” và “nhận”, bảo tàng “cho” cái gì, khách tham quan “nhận” cái đó. Thậm chí khách tham quan “nhận” được bao nhiêu hoặc có “nhận” được hay không cũng không phải là điều được quan tâm. Ngày nay, điều này đã được nhiều nước nhìn nhận lại. Họ luôn xác định rõ mục tiêu cuối cùng là phục vụ công chúng. Và công chúng ở đây rất đa dạng: người lớn, trẻ em, người địa phương, khách nước ngoài, người có học vấn cao, người có học vấn thấp, người khuyết tật...

 

Những thay đổi thể hiện ngay trong cách làm các bản chú thích cho hiện vật ở các cấp độ khác nhau. Thay vì đặt chú thích ở bên cạnh hiện vật, nhiều bảo tàng đã đặt ở vị trí khác, không làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của phần trưng bày. Cụ thể là chỉ đặt bên cạnh hiện vật số thứ tự, còn nội dung liên quan được ghi trong bản chú thích, khớp với số thứ tự, đặt ở một góc tủ trưng bày hoặc gắn trên tường.

 

Một vấn đề còn khá mới mẻ đối với các bảo tàng Việt Nam, nhưng đã quen thuộc trên thế giới : quan tâm đến đối tượng khách  là người khuyết tật ngay từ khi bắt đầu xây dựng dự án trưng bày. Cụ thể: có chữ nổi cho người mù, chữ kích thước lớn cho người khiếm thị, có máy ghi âm nội dung thuyết minh phần trưng bày...

 

Ông Trương Quốc Bình (Giám  đốc Bảo  tàng  Mỹ thuật Việt Nam) 

 

Đến nay, phần lớn các bảo tàng ở nước ta, nhất là bảo tàng thuộc loại hình lịch sử xã hội và các bảo tàng tỉnh, thành phố đều tiến hành trưng bày theo hướng diễn giải chi tiết lịch sử, nhưng do không có đủ hiện vật nên ta lại phải đưa thêm vào quá nhiều ảnh, bản đồ, bản trích, bản thuyết minh, thống kê...Tức là lạm dụng các vật bày không phải là hiện vật bảo tàng. Chính nội dung và phương pháp trưng bày như thế đã khiến cho khả năng tuyên truyền giáo dục, phổ biến tri thức và tính hấp dẫn của các bảo tàng, đặc biệt là bảo tàng tỉnh, thành phố ngày càng giảm sút.

 

Vì vậy, để đổi mới cần tiến hành theo nguyên tắc ưu tiên hàng đầu cho trưng bày các tài liệu, hiện vật gốc; tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan được tiếp cận với các sưu tập hiện vật tại kho bảo quản của bảo tàng thông qua việc tổ chức trưng bày kho mở.

 

Điều đó cũng có nghĩa là, ngay trước mắt các bảo tàng cần có kế hoạch loại dần các hiện vật phục chế, các bản trích, bản thuyết minh dài dòng...ra khỏi phòng trưng bày. Hơn thế, các bảo tàng còn phải đi đầu trong việc sử dụng các trang thiết bị hiện đại để tổ chức trưng bày sao cho thực sự mới lạ, sinh động và hấp dẫn đối tượng tham quan. Đặc biệt, cách trưng bày và giới thiệu có sự tham gia trực tiếp của người xem sẽ tạo những hiệu quả bất ngờ. Thời gian qua, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và một số bảo tàng khác đã làm được điều này.

 

Ông Huỳnh Ngọc Vân (Phó Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh-TP Hồ Chí Minh):

 

Với số lượng khách tham quan đến bảo tàng hằng năm vào khoảng 350.000 người, trong đó có hơn 200.000 khách quốc tế, chúng tôi nhận thấy nội dung trưng bày chính là yếu tố quyết định sức hấp dẫn của bảo tàng. Nội dung ấy được dàn dựng trên cơ sở “kịch bản trưng bày” chung và riêng cho từng chuyên đề.  Trong các chuyên đề về tội ác, hậu quả chiến tranh xâm lược, những hình và ảnh hiện vật được trưng bày theo mức độ tăng dần. Qua khảo sát, theo dõi, chúng tôi khẳng định rằng cảm xúc của người xem tăng dần theo đúng ý đồ của kịch bản.  Có cựu chiến binh Mỹ còn quỳ xuống khóc ăn năn trước hình ảnh, hiện vật trưng bày.

 

Bên cạnh ánh sáng, màu sắc, giải pháp trưng bày, các phương tiện nghe nhìn đóng vai trò hết sức quan trọng. Tại phòng trưng bày luôn chiếu phim tư liệu bằng màn hình cỡ lớn có thuyết minh tiếng Việt, tiếng Anh. Tại khu vực “Chuồng cọp Côn Đảo”, bảo tàng còn phối hợp với Xưởng phim Khoa giáo tạo một số âm thanh minh họa giúp người xem “sống lại” không khí của ngục tù Mỹ-ngụy: tiếng quát tháo, xiềng xích khua, đánh đập, dội nước...

 

Từ năm 2002, khi được đầu tư xây mới, bảo tàng đã triển khai đề cương trưng bày chi tiết với giải pháp hiện đại cho nhiều sự kiện như nạn đói của nhân dân miền Bắc năm 1954, về Khu phố Khâm Thiên-Hà Nội dưới trận mưa bom 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972...

 

http://www.hanoimoi.com.vn/vn/43/47293/

 

HNM - HNonline