Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.427 tác phẩm
2.747 tác giả
437
117.062.759

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Hy vọng gì ở ĐH Hội Văn nghệ Dân gian VN?
(VietNamNet) - Đại hội toàn quốc Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam sẽ diễn ra trong hai ngày 26 và 27/5 tại Hà Nội với sự tham gia của 301 đại biểu trong cả nước. Nhiều vấn đề lớn của Hội trong mấy năm qua, như chế độ chính sách với các nghệ nhân sau phong tặng, việc xuất bản các công trình đã thực hiện vẫn còn tồn đọng... liệu có được đem ra "mổ xẻ" tại đại hội lần này?! VietNamNet có cuộc phỏng vấn GS Tô Ngọc Thanh, Tổng Thư ký Hội.

Xin GS cho biết, ngoài việc bầu ra một Ban chấp hành mới, đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ V của Hội đặt ra những vấn đề gì cần giải quyết?

 

GS Tô Ngọc Thanh: -  Từ năm 2000, bắt đầu từ Nhiệm kỳ IV, Hội đã đặt ra chiến lược Tầm nhìn 2010 như một hồi chuông cảnh báo về sự mai một của các giá trị văn hoá dân gian. Bởi vì những kho tàng sống lưu giữ các giá trị này là các cụ nghệ nhân đến nay ít nhất cũng khoảng 70 tuổi và 10 năm nữa hoặc họ đã qua đời hoặc đã quá già.

 

Nhiệm kỳ sắp tới cũng chính là một giai đoạn tiếp nối của kế hoạch dài hạn này. Chúng tôi đã đề ra ba mục tiêu. Một, tiếp tục việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Người được phong tặng phải là người thực hành với trình độ cao nhất, nắm vững những bí quyết tinh tế nhất của một lĩnh vực văn hoá- văn nghệ dân gian nào đó. Ngoài ra, họ cần có học trò và học trò đã thành đạt. Hai, về việc sưu tầm. Từ nay đến 2010, tất cả các hội viên đều phải bằng mọi cách sưu tầm tối đa những gì còn có thể sưu tầm được. 75 chi hội trên toàn quốc cần thống kê xem ở địa phương mình tất cả các hiện tượng văn hoá dân gian chưa được lưu giữ và phân loại theo tính cấp bách. Nhiệm vụ thứ ba là đào tạo nguồn nhân lực.

 

Để thực hiện các nhiệm vụ đó, theo ông vướng mắc lớn nhất là gì?

 

GS Tô Ngọc Thanh: - Thứ nhất, số lượng hội viên không đủ cho việc triển khai và đẩy nhanh tốc độ thực hiện kế hoạch Tầm nhìn 2010. Thứ hai, mặc dầu đã được Chính phủ tài trợ nhưng số kinh phí quá ít để triển khai rộng. Còn một điều nữa là trăn trở của Hội từ nhiều năm nay: số công trình thực hiện được có chất lượng và rất có ích cho việc xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc còn tồn đọng hàng trăm nhưng không có kinh phí để xuất bản hoặc công bố.

 

 

Như GS vừa cho biết, số công trình đã thực hiện là hàng trăm nhưng phần lớn còn tồn đọng (Trong 5 năm của nhiệm kỳ IV, đã có 821 công trình của Hội viên đã được hoàn thành, nhưng mới chỉ xuất bản được 49 đầu sách, chiếm 5,7% tổng số)... Nếu việc sưu tầm chỉ dừng lại ở làm báo cáo xong là bỏ xó thì hiệu quả ở đâu?

 

GS Tô Ngọc Thanh: - Tuy rằng quá ít nhưng điều này là bất khả kháng, vì kinh phí có hạn. Tính cho đến nay (cả từ trước nhiệm kỳ hiện tại), con số bản thảo tồn đọng là hàng nghìn. Trong các năm 2001, 2002 và 2003, Nhà nước đầu tư 800 triệu đồng/năm; năm 2004 và 2005 là 1,2 tỷ đồng/năm. Cứ lấy mức cao nhất là 1,2 tỷ đồng mà chia cho 73 chi hội trong cả nước, vị chi mỗi chi hội được 14 triệu đồng/năm cho cả công việc sưu tầm và xuất bản. Đúng là muối bỏ bể, "để một thì giàu, chia nhau thì nghèo" như các cụ ta vẫn nói. Do đó, đi tìm kinh phí chính là một trong những mục tiêu cơ bản mà chiến lược Tầm nhìn 2010 của Hội đặt ra.

 

Hiện nay Hội đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho 28 người. Tuy nhiên, đây chỉ là danh hiệu của Hội, chứ không phải của Nhà nước... Chính sách đối với các nghệ nhân sau khi phong tặng là gì?

 

GS Tô Ngọc Thanh: - Cho đến năm 2000, ở nước ta mới chỉ có danh hiệu Nghệ nhân bàn tay vàng dành cho các ngành thủ công mỹ nghệ. Danh hiệu này không thể bao phủ toàn bộ các lĩnh vực của văn hoá dân gian. Vì vậy, căn cứ vào Điều 26 Luật Di sản văn hoá, vào Điều lệ Hội và vào Khuyến nghị của UNESCO về danh hiệu "Báu vật nhân văn sống" (Living Human Treasures) của nhân loại, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã ban hành và thực hiện Quy chế phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian của Hội. 

 

Quốc hội đã thông qua danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú, ngang với thầy thuốc, nghệ sỹ và thầy giáo. Đây là vinh dự lớn. Nhưng bao giờ áp dụng thì còn phải chờ. Đã hàng năm rồi mà ở trên vẫn chưa hề ra Thông tư thực hiện. Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn phải tạm bằng lòng với danh hiệu Nghệ nhân dân gian của Hội Văn nghệ Dân gian VN.

 

Các nghệ nhân được phong không có quyền lợi vật chất gì mấy. Chỉ có một cái bằng nghệ nhân, 500 ngàn đồng và thêm một cái Huy chương Vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian (cộng với 100 ngàn đồng), tổng cộng là 600 ngàn đồng! Chỉ có vậy thôi nhưng họ trân trọng lắm. Một thời gian sau khi trao bằng, tôi về thăm cụ Tiến Thị Lục, nghệ nhân hát Chèo Tàu ở Đan Phượng (Hà Tây), cụ vẫn cất kỹ số tiền được ở đằng sau tấm bằng, và bảo tôi: "600 ngàn đồng các ông trao vẫn còn đây. Nhưng từ hôm Hội công nhận đến bây giờ, tôi đã mổ ba con lợn để khao chia vui rồi!"... Như thế để chứng tỏ rằng các nghệ nhân không cần tiền, bởi họ không đến nỗi nghèo đói, cái họ cần thực sự là sự công nhận của xã hội. Vậy khi Nhà nước chưa kịp công nhận thì ít nhất chúng tôi cũng làm được cái việc là thay mặt Nhà nước công nhận họ. 

 

Xin cảm ơn GS và chúc Đại hội thành công tốt đẹp!

 

 

Ghi chú

Trong nhiệm kỳ IV (2000-2005), Hội văn nghệ dân gian VN đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho 28 vị, trong đó có 12 vị là người dân tộc thiểu số. Tài trợ cho 247 công trình, mở trại viết được 79 công trình. Trong  số đó có 259 công trình được nhận giải thưởng hằng năm. Xuất bản được 49 đầu sách. Sưu tầm và lưu giữ nhiều hiện tượng văn hoá dân gian (Ví dụ, diễn xướng toàn bộ sử thi Đẻ đất Đẻ nước ghi thành 60 đĩa DVD...) Phối hợp với địa phương thành lập các câu lạc bộ để phát huy các giá trị văn hoá văn nghệ dân gian trong đời sống hôm nay như: các CLB ca trù, Hát chèo Tàu, Hát dô, Hát cửa đình, Múa hát bài bông (Hà Tây), Chèo Thất Gian (Bắc Giang), Chèo làng Khuốc (Thái Bình), Hát Dặm (Hà Nam), Ca Công (Thanh Hoá), Ca trù (Cổ Đạm, Hà Tĩnh), Ca Huế (Huế), Đờn ca tài tử (Nam Bộ),... Mở 33 lớp tập huấn, mỗi lớp từ 100 - 200 học viên.

 

D.Diễm - VNnet