Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.427 tác phẩm
2.747 tác giả
464
117.062.542

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Sân khấu lại quay về chính kịch
Dù chưa có vở diễn gây “sóng gió” trên sân khấu kịch, nhưng sự có mặt ngày càng nhiều các vở chính kịch thay thế dần hài kịch là dấu hiệu đáng mừng

Sau một thời gian dài khai thác hài kịch, các sân khấu bắt đầu chuyển hướng dàn dựng các vở chính kịch. Sau sân khấu Kịch IDECAF, Kịch Phú Nhuận, Kịch Sài Gòn bắt đầu có những nỗ lực dàn dựng các vở diễn có màu sắc chính kịch hơn.

 

Chấp nhận thách thức, để chính kịch trở lại

 

Những khó khăn về mặt doanh thu của các vở chính kịch đã được các nhà tổ chức chấp nhận khi chọn hướng đầu tư nhằm khơi lại dòng chảy văn học trên các sàn diễn vốn bị hài hước hóa. Các nhà tổ chức nỗ lực cho ra mắt khán giả những kịch bản mang tính tư tưởng cao. Sân khấu Kịch IDECAF gần đây có lợi thế là quy tụ được một lực lượng diễn viên ổn định, tập tành nghiêm túc để đi vào những vở chính kịch. Một số vở tạo được tiếng vang, như: Ngôi nhà anh túc, Thử yêu lần nữa hay trước đó vở Nắng sớm mưa chiều, Cơn mê cuối cùng... đã trở thành bằng chứng thực tế cho sự tồn tại lâu dài những vở diễn chính kịch nghiêm túc tại sân khấu này. Kịch Phú Nhuận gần đây đã có những nỗ lực trong việc chuyển thể những tác phẩm văn học thành những tác phẩm chính kịch, như: Rồi 30 năm sau, Mưa rừng, Chị Dậu, Trôi theo dòng đời, Cô gái ăn cắp... Đây là các vở chính kịch đạt chất lượng nghệ thuật, gửi gắm nhiều thông điệp về cuộc sống đến với người xem hôm nay. Hiện nay, sân khấu này cũng đang nỗ lực tạo thói quen cho người xem thưởng thức các vở chính kịch, nhằm kéo khán giả quay về với chính kịch bắt đầu từ một số vở, như: Ngôi nhà không có đàn ông, Ngôi nhà của chúng ta, Đường đến lầu xanh...

 

Chấp nhận mọi thử thách, có thể thiệt hại về mình, để các vở chính kịch được sống trong đời sống sân khấu hiện nay, đó là tâm sự của các nhà quản lý sân khấu kịch tại TPHCM. Thế nhưng một số vở chính kịch vẫn rơi vào tình trạng khó bán vé khiến nhà đầu tư trở nên dè dặt.

 

Thiếu nhân vật trung tâm

 

Né tránh những vấn đề bức xúc của xã hội hôm nay, thiếu nhân vật trung tâm là những hạn chế của các vở chính kịch trên các sân khấu kịch TPHCM thời gian qua. Trong khi đó người xem kịch hôm nay đang đòi hỏi sân khấu kịch có những vở kịch phản ánh những trăn trở, hy vọng, suy tư của con người. Khán giả vẫn thèm những vở diễn như các tác phẩm một thời nổi tiếng của Lưu Quang Vũ: Tôi và chúng ta, Nhân danh công lý...

 

Quả thật, ở một số vở chính kịch hiện nay tại Sân khấu Kịch Phú Nhuận, Nhà hát Kịch TPHCM, số 7 Trần Cao Vân... người xem vẫn đau đáu mong chờ những nhân vật trung tâm mang tính thuyết phục hơn nhưng vẫn chỉ là sự điểm xuyết nhạt nhẽo. Hiếm hoi lắm mới có vài vở có được những nhân vật trung tâm đáng chú ý như nhân vật Cẩm Tú – một cô gái muốn sống độc lập, tự gầy dựng sự nghiệp kinh doanh, không thích dựa dẫm vào người cha là giám đốc giàu có - trong vở Con gái ngài giám đốc (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM), hoặc vai công nhân Dũng trong vở Hỡi người hùng của em (Sân khấu Kịch Sài Gòn).

 

Thiếu những nhân vật trung tâm, các vở chính kịch hiện nay đã rơi vào tình trạng “nửa nạc, nửa mỡ”. Chưa nói đến việc còn quá ít nhân vật trung tâm tương xứng với bộ mặt sân khấu của một thành phố năng động đang từng ngày, từng giờ thay da đổi thịt. Một số nhân vật trung tâm kể trên vẫn bị đặt vào những vở diễn pha một chút hài, một chút bi hoặc tự giễu cợt mua vui để bảo đảm doanh thu. Thậm chí các nhân vật trung tâm còn phải cố tươi tắn, pha trò để hòa nhập vào bức tranh “thị trường” đã được các nhà tổ chức, các đạo diễn phác họa.

 

NSND Doãn Hoàng Giang, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cho rằng cuộc sống hôm nay vừa biến động vừa năng động, các giá trị đang trên đường tìm cách khẳng định. Trên diện rộng ấy, sân khấu rất cần sự chăm chút cho những nhân vật trung tâm thì mới mong chinh phục được khán giả.

 

 

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Cảnh trong vở Con gái ngài giám đốc – Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM

Thanh Hiệp - NLD